Sự tích Bõ Hậu ở Long Hưng (Nước Xoáy)
Nguyễn Văn Mậu (? - 1809) còn có tên là Hậu, hay còn được gọi tôn là Bõ Hậu; là một hào phú đã có công giúp Nguyễn Phúc Ánh, khi vị chúa này đến đây đồn trú để mưu phục lại cơ đồ của dòng họ.
Ông là người làng Tân Long, thuộc Sa Đéc (nay thuộc xã Long Hưng B, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp). Là một hào phú, ông làm chức tri thâu (thu thuế), được tín nhiệm nên kiêm luôn chức Trùm cả ở làng.
Sau khi đại bại ở trận Rạch Gầm-Xoài Mút đêm 19 rạng 20 tháng 1 năm 1785, chúa Nguyễn Phúc Ánh đã dẫn tàn quân chạy sang Xiêm La và sống hơn hai năm ở đó. Nhận thấy vua nước này đã không giúp được mình lại còn có bụng ghen ghét, bèn để thư lại từ tạ rồi nửa đêm chúa Nguyễn cùng bầu đoàn xuống thuyền về nước (1787).
Về đến Sa Đéc, chúa Nguyễn đã chọn làng Tân Long làm nơi đồn trú, và cho đổi tên làng là Long Hưng. Nơi đây có con rạch chịu áp lực của hai con sông lớn là sông Tiền và sông Hậu, nên có rất nhiều chỗ nước xoáy cuốn tròn, vì vậy dân gian gọi là Nước Xoáy, còn trong sử sách gọi là Hồi Oa.
Cũng chính tại đây, chúa Nguyễn đã sai người [1] đi thu phục Võ Tánh là một trong tam hùng (Đỗ Thành Nhơn, Châu Văn Tiếp, Võ Tánh). Năm sau (1788), Võ Tánh đã đem binh gia tướng sĩ của mình từ Giồng Tre (thuộc Gò Công) về Nước Xoáy hội quân, được Nguyễn Ánh tin dùng phong làm chưởng cơ và gả cho em gái là Nguyễn Thị Ngọc Du (tức Phúc Lộc công chúa).
Trong thời gian ở Nước Xoáy từ tháng 7 năm 1787 đến tháng giêng năm 1788, chúa Nguyễn được ông Mậu và gia đình hết lòng phò trợ. Ông đã tự nguyện mở lẫm lúa và xuất tiền của để chu cấp cho cả đoàn tùy tùng của chúa Nguyễn suốt mấy tháng dài, và còn vận động nhiều con cháu và trai tráng trong làng đến đầu quân. Tương truyền, ông Hậu còn muốn đưa con gái của mình làm thê thiếp chúa Nguyễn. Không bằng lòng, cô gái giả điên, thường lấy bùn, lấy lọ bôi lên mặt. Sau, cô gái phát cuồng thật, lâm bịnh rồi qua đời.
Cảm nhận những nghĩa cử của ông, Nguyễn Phúc Ánh gọi ông là "Ông Bõ", có nghĩa là cha nuôi (hay ông tớ già, ngày nay ai muốn hiểu sao thì hiểu. Lời Vương Hồng Sển). Từ đó, nhân dân trong vùng cũng đã gọi theo là "Ông Bõ Hậu".
Năm 1802, Nguyễn Phúc Ánh khôi phục được cơ nghiệp của tổ tiên, lên ngôi vua, lấy hiệu là Gia Long. Nhớ đến công lao thuở trước, nhà vua có sắc chỉ mời ông Mậu ra Kinh đô Huế, nhưng ông mượn cớ tuổi già sức yếu xin được miễn ra chầu.
Không ép, nhà vua gửi vào cho ông một bộ phẩm phục, một bộ chén trà hiệu năm Giáp Tý (1804), một số tiền và một sắc phong cho ông tước Đức hầu.
Năm 1809, Nguyễn Văn Mậu qua đời. Vua Gia Long có chỉ truyền cho bộ Công cử người vào xây mộ cho ông và cho cả người con gái vắn số của ông.
Năm 1942, lần đầu tiên, vua Bảo Đại vào thăm Nam Kỳ. Trong thời gian cư ngụ ở Sài Gòn, nhà vua đã ngỏ ý muốn đến viếng Lăng Ông Bõ Hậu. Chánh quyền thực dân Pháp ở Sa Đéc viện cớ là đến Tân Long phải đi tàu máy, rất bất tiện nên từ chối. Thật sự thì họ không muốn cho vua Bảo Đại có được cơ hội gây cảm tình và uy tín đối với dân chúng miền Nam .
Sau, trước cảnh hoang phế của khu mộ này, có người đã làm thơ rằng:
Vào lăng ông Bõ, cám tình ông
Thấy cảnh ai không động tấm lòng?
Đất nghĩa tuyết dầm, mao (meo?) mốc đượm.
Nền nhân sương ấp, cánh hoa vun.
Vầng mây lăm giúp cây tàn lọng,
Ngọn gió đưa giùm tiết đức phong.
Thức nguyệt đánh đèn soi tỏ rạng,
Cho lòng trời biết chút mồ trung.
Hiện khu mộ vẫn còn ở xã Long Hưng B, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp.
Nhắc lại chuyện Bõ Hậu, học giả Vương Hồng Sển viết:
…"Phải biết lúc đó, Nguyễn Lữ đang là trấn tướng vùng Long Xuyên (Cà Mau hiện nay), nếu biết tin Mậu hai lòng, ắt làm cỏ sạch vùng Nước Xoáy chớ chẳng không. Việc trở cờ theo chúa Nguyễn tỏ ra Mậu có gan dạ và bản lĩnh khác hơn ai.
Phần chúa Nguyễn vừa gặp mặt Mậu là biết ngay "người này dùng được". Khi ấy, chúa sửa tên Mậu lại và Hậu và giao phó việc tiếp tế lương thực. Để tỏ cho biết mình là vua chúa, Nguyễn Ánh ban hay giao cho Hậu một kỷ vật, không ai có, là một cái thố to lớn da kiểu, dạy Hậu từ rày dùng vật ấy để dâng cơm "ngự thiện"...Từ nhà ông Hậu để chỗ đóng binh, đường xa độ ba bốn cây số ngàn, mỗi ngày ông Hậu sai tôi tớ nấu cơm từ khuya bằng chảo đụn lớn, rồi chuyền qua ghe chở lẹ qua Hồi Oa...May cho cái thố ấy, là khi dùng, ông không dùng nắp, cho nên ngày nay nó vẫn còn nguyên vẹn. Có lẽ lúc ấy, ông Bõ đã dùng lá chuối, lá sen đậy thay cho nắp...Việc binh bất khả lậu, nên một hôm chúa di binh nơi khác, không kịp thâu hồi cái thố quí, nhưng có lẽ chúa muốn để lại nhà Bõ như là một vật lưu niệm...
Gia đình Bõ Hậu sau này sa sút, và hai vật báu là cái thố bự dâng cơm ngự và bộ chén trà Giáp Tý phải sang tay chủ khác"...(Thú chơi cổ ngoạn, tr. 238. Người mua được hai cổ vật chính là Vương Hồng Sển).
Thông tin thêm:
Định trú đóng ở Tân Long (tức Long Hưng) lâu dài, chúa Nguyễn đã sai đắp một đồn bằng đất, vuông vức khoảng 6 công đất (6.000m2), và đắp hai dãy pháo đài để ngăn phòng: một làng Tân Long gọi là Bảo Tiền, một ở làng Phong Hòa gọi là Bảo Hậu. Ngoài ra, chúa còn sai quân và dân vận chuyển đất đá xây cản mấy con kênh dẫn vào căn cứ.
Ở đây, chúa Nguyễn thường ra ngồi nơi gốc cây da cạnh mé rạch Long Hưng để câu cá và suy tính tìm mưu chống Tây Sơn. Nhân đó, dân chúng gọi nơi ấy là Cây Da Bến Ngự.
Hiện nay, đồn xưa chỉ còn lại là một nền đất gần như phẳng lì; cây da thì đã bị đốn bỏ từ lâu, và nơi câu cá thuở nào giờ cũng đã bị sạt lở xuống sông mất dấu.
Bùi Thụy Đào Nguyên, kể.
Chú thích:
[1] Lần đầu chúa Nguyễn sai Nguyễn Đức Xuyên, lần sau sai Trương Phước Giao, mới thu phục được Võ Tánh (Huỳnh Minh, Gò Công xưa, 2001, tr. 12).
Sách tham khảo:
-Trần Trọng Kim, Việt Nam sử lược. Nhà xuất bản Tân Việt, Sài Gòn, 1968.
-Vương Hồng Sển, Thú chơi cổ ngoạn. Nhà xuất bản Thành phố Hồ Chí Minh, 1990.
-Huỳnh Minh, Vĩnh Long xưa. Nhà xuất bản Thanh Niê
3 nhận xét:
Donacoop Đồng Nai: Chủ đầu tư Long Hưng City là ai?
Thông tin quy hoạch xã Long Hưng Đồng Nai
Đầu tư đất Long Hưng thời điểm này liệu có thích hợp?
Đăng nhận xét