Hình ảnh

Hình ảnh

Thứ Sáu, 2 tháng 7, 2010

Gia Định thành thông chí (quyển 6): chép về thành trì

Quyển VI: THÀNH TRÌ CHÍ
[chép về thành trì]
(Phụ chép: công thự, kho tàng, chùa miếu, chợ phố và cầu đường)

Truyện nói rằng:
Thành là chỗ để ngăn quân bạo ngược, giữ yên cho dân, tất phải có vách cao, hào sâu, phòng sự bất ngờ, ấy là việc lớn tốt vậy.
Gia Định là hùng trấn, là biên thùy cõi Nam, núi sông muôn dặm, thiên nhiên hiểm, địa lợi đủ, làm phên giậu cho nước nhà, vững chắc để khống chế được cả Xiêm La, Đồ Bà (Chà Và) và Ai Lao, thu phục và vỗ yên Cao Miên và man ở núi, nắm giềng mối 5 trấn, tóm giữ được cả vùng then chốt quan trọng. Vì vậy nên công thự ở trấn thành tất phải đẹp đẽ để giữ vẻ oai với người nước ngoài, kho tàng tất phải đầy đủ, để vững bền cội gốc. Cứ xem chùa miếu tôn nghiêm to lớn mà biết có thần linh hiển hách, thấy làng xóm chợ búa nơi nơi thịnh vượng đẹp đẽ mà biết dân vật giàu có sung túc, thấy cầu cống đường sá [1b] chốn chốn được chỉnh tề mà biết cương vực bền vững, đức chính và thế hiểm đều được cùng sửa sang, trong ngoài được yên ổn, há chẳng tốt đẹp ru?
TRẤN THÀNH GIA ĐỊNH ([1][1])
Trấn Gia Định xưa có nhiều ao đầm, rừng rú, buổi đầu thời Thái Tông (Nguyễn Phúc Tần, 1648 - 1687), sai tướng vào mở mang bờ cõi, chọn nơi đất bằng rộng rãi, tức chỗ chợ Điều Khiển ngày nay, xây cất đồn dinh làm chỗ cho Thống suất tham mưu trú đóng, lại đặt dinh Phiên Trấn tại lân Tân Thuận ngày nay, làm nha thự cho các quan Giám quân, Cai bạ và Ký lục ở, được trại quân bảo vệ, có rào giậu ngăn cản hạn chế vào ra, ngoài ra thì cho dân trưng chiếm, chia lập ra làng xóm, chợ phố. Nơi đây nhà ở hỗn tạp, đường sá chỗ cong chỗ thẳng, tạm tùy tiện cho dân mà chưa kịp phân chia sửa sang cho ngăn nắp. Chức Khổn súy thay đổi lắm lần cũng để y như vậy. Đến mùa xuân năm Ất Mùi (1775), đời vua Duệ Tông (Nguyễn Phúc Thuần) thứ 11, xa giá phải chạy đến trú ở thôn Tân Khai. Mùa thu năm Mậu Thân (1788) năm thứ 11, buổi đầu đời Thế Tổ (Nguyễn Phúc Ánh) Trung hưng [2a], việc binh còn bề bộn, ngài phải tạm trú nơi đồn cũ của Tây Sơn ở phía đông sông Bình Dương để cho nghỉ quân dưỡng dân. Ngày 4 tháng 2 năm Canh Tuất thứ 13 (1790), tại chỗ gò cao thôn Tân Khai thuộc đất Bình Dương, ngài mới cho đắp thành bát quái như hình hoa sen, mở ra 8 cửa, có 8 con đường ngang dọc, từ đông đến tây là 131 trượng 2 thước ta, từ nam đến bắc cũng như thế, bề cao 13 thước ta ([2][2]), chân dày 7 trượng 5 thước ta, đắp làm ba cấp, tọa ngôi Càn, trông hướng Tốn. Trong thành, phía trước bên tả dựng Thái miếu, giữa làm sở hành tại, bên tả là kho chứa, bên hữu là Cục Chế tạo, xung quanh là các dãy nhà cho quân túc vệ ở. Trước sân dựng([3][3]) cây cột cờ ba tầng, cao 12 trượng 5 thước ta, trên có làm chòi canh vọng đẩu bát giác tòa, ở bên treo cái thang dây để thường xuyên lên xuống, trên ấy có quân ngồi canh giữ, có điều gì cần cảnh báo thì ban ngày treo cờ hiệu, ban đêm treo đèn hiệu canh gác, các quân cứ trông hiệu đó để tuân theo sự điều động. Hào rộng 10 trượng 5 thước, sâu 14 thước ta, có cầu treo thả ngang qua, bên ngoài đắp lũy đất, chu vi 794 trượng, vừa hiểm trở, vừa kiên cố tráng lệ. Ngoài thành đường sá chợ phố ngang dọc được sắp xếp rất thứ tự, bên trái là đường cái quan [2b] từ cửa Chấn Hanh qua cầu Hòa Mỹ đến sông Bình Đồng tới trấn Biên Hòa; đường cái quan bên phải gặp chỗ nào cong thì giăng dây để uốn thẳng lại, đầu từ cửa Tốn Thuận qua chùa Kim Chương, từ phố Sài Gòn đến cầu Bình An qua gò chùa Tuyên đến sông Thuận An. Bến đò Thủ Đoàn đưa qua sông Hưng Hòa, trải qua gò Trấn Định rồi đến gò Triệu. Đường rộng 6 tầm, hai bên đều trồng cây mù u và cây mít là những thứ cây thích hợp với đất này. Cầu cống thuyền bến đều luôn được tăng gia việc tu bổ, đường rộng suốt phẳng như đá mài, gọi là đường thiên lý phía nam.
Năm Tân Dậu thứ 24 (1801), sau khi thu phục Kinh đô Phú Xuân, vua dụ dỡ nhà Thái Miếu trong trấn thành (Gia Định). Năm Kỷ Tỵ (1809) niên hiệu Gia Long thứ 8, thần là Tổng trấn Nguyễn Văn Nhơn, thần là Trịnh Hoài Đức vâng mạng xây cất tòa vọng cung ở trước sân trong thành, phàm những ngày Nguyên đán, Đoan ngọ và rằm, mùng một, đem thuộc quan văn võ trong thành và trấn Phiên An đến, chiếu theo nghi thức mà làm lễ. Hai bên tả hữu xây lầu chuông trống tám góc, tiếp theo là dựng Hành cung để phòng khi vua đi tuần thú. Phía sau là công thự Tổng trấn, phía phải là công thự Hiệp đốc trấn, phía trái là công thự Phó tổng trấn.
Ở 3 cửa Càn Nguyên, Ly Minh và Tốn Thuận có dựng trại quân mái lợp ngói tô đỏ rất đẹp đẽ nghiêm túc; lại còn sửa soạn vách thành và vọng lâu ở 4 cửa Càn, Ly, Chấn, Tốn; cầu treo gỗ ván ở 4 cửa này lâu ngày hư hỏng, nay cũng xây lại cầu vồng bằng đá tổ ong bắc qua hào, cầu vừa cao vừa rộng bền chắc, dưới có chừa khoảng trống cho nước chảy, trước lũy ở cửa Ly Minh có dựng đình Thân Minh để làm chỗ niêm yết trên bảng những chiếu, cáo, dụ, chỉ.
Cục Chế tạo ở trong thành sau đường Cấn Chỉ và Đoài Duyệt, có 3 dãy nhà ngói đối diện ở trước hai đường ấy. Phía trái là một dãy trại ngói làm nơi để súng, phía phải là một dãy trại ngói là nơi làm việc của thợ rèn, buổi đầu Trung hưng thợ chế tạo đủ ngành tập họp ở đây đồng thời làm chỗ chứa thổ sản hàng hóa. Đầu năm Tân Dậu (1801) lấy lại kinh đô [3b] thì việc ở thành đã giảm bớt; năm Nhâm Tuất (1802) niên hiệu Gia Long năm đầu, bãi bỏ kho hàng lụa, còn sưu thuế sản vật của dân thì đem nạp ở đây; năm Gia Long thứ 10 (1811) ([4][4]) phân bổ lại dân biệt nạp phải nộp sản vật về kho của 5 trấn, từ đó Cục Chế tạo này chỉ thâu chứa sắt mà các quan mua của lái buôn người Xiêm mang đến và chứa giữ đồ vật công cùng những đồ dùng tầm thường mà thôi.
Kho tiền bạc ở phía phải đường Càn Nguyên và Khảm Hiểm ([5][5]) trong thành, lúc đầu lập nội khố chứa đồ quý như vàng, bạc, tơ đoạn, vải lụa, sau bỏ nội khố đổi làm kho Kiên Tín, kho này ở thành gồm 5 gian nhà ngói, thâu các loại thuế và là nơi 5 trấn hội nạp tiền bạc, có đội quân Kiên Tín canh giữ ở đấy.
Kho đồn điền ở bên trái đường Càn Khảm trong thành nguyên thuộc kho chứa dựa. Năm thứ 5 niên hiệu Gia Long, xây hai dãy ngói, mỗi dãy mười gian thâu chứa lúa thóc đồn điền chứa đầy các gian, số còn lại đem chứa ở kho của năm trấn, có đội quân An Hòa canh giữ. Trại súng nằm về phía trước bên trái Cục Chế tạo trong thành, có 15 gian lợp ngói, trên làm gác ván [4a] dùng đặt đồ phụ tùng của súng, trong trại đặt các loại súng lớn bằng đồng, bằng sắt, và súng hỏa xa trụ, tất cả đều có cỗ xe vẽ màu đỏ đen, mỗi năm trang sức tốt đẹp thân súng, phải lau dầu một lần cho khỏi rỉ.
Kho thuốc súng là dãy nhà 12 gian lợp ngói xây gạch ở mặt sau nội thành, thuốc súng đựng trong thùng gỗ để trên sàn gác, cấm tuyệt lửa đuốc, người không phận sự không được ra vào nơi đây.
Xưởng thuyền chiến ở về phía đông thành độ một dặm dọc theo bờ sông Tân Bình quanh qua sông Bình Trị, gác và che thuyền hải đạo (là đồ nghề bén nhọn của thủy chiến nước Nam), chiến hạm, (cách thức như tàu buôn nhưng nhỏ, tục gọi là thuyền), ghe sơn đen, ghe sơn đỏ (thuyền đều gọi là ghe. Ghe chiến cụ, thân lớn và dài, dày và bền, đặt nhiều mái chèo, ngoài sơn dầu đen gọi là ghe đen, sơn đỏ gọi là ghe đỏ) và ghe lê (tức là ghe thuyền được chạm trổ vẽ vời từ đầu đến đuôi)đều là dụng cụ thủy chiến ([6][6]). Xưởng dài đến 3 dặm.
Xưởng voi ở phía ngoài lũy đất cửa Khảm Hiểm, đó là chỗ thường trú, có khi chọn để trong thành, có khi phát tán theo nguồn cỏ nước ở Biên Hòa, tùy lúc không nhất định. Cứ đầu xuân có lệ kỳ nhương, bịnh hoạn [4b] thì quan cấp cho thuốc uống, có bãi nhất định để tắm rửa, uống nước, có chỗ nhất định để chăm nuôi, không cho lén cưỡi đến chỗ đông người ở phố chợ, đồng thời nghiêm cấm vào trong vườn người ta hái những chuối, tre, dưa quả khác.
Nơi chế thuốc súng ở ngoài cửa Khôn Trinh cách chừng 2 dặm, rộng 1 dặm, bốn phía trồng cây có gai, trong đủ dụng cụ chày cối; khi chế tạo thì hết sức cẩn thận đèn lửa, ngăn không cho người ngoài được ra vào lộn xộn.
Khám đường và nhà giam ở ngoài chân lũy đất cửa Khôn Trinh, tháng 4 mùa hạ năm Giáp Tuất, Gia Long thứ 13 (1814), vâng lịnh cất ở mặt trước một tòa ngói làm khám đường, mặt sau cất 3 tòa làm nhà giam, chia ra giam những nam nữ tội đồ nặng nhẹ, trồng cây rào có gai bao quanh bốn phía, đào hào, trồng cây tật lê, phòng thủ nghiêm mật.
Sứ quán ở phía phải trước cửa Ly Minh cách thành chừng 1 dặm, trước sau có hai tòa nhà ngói, mỗi tòa 5 gian, [5a] có đội lính lệ gồm 20 người; phía trước bên phải làm phụ thêm nhà Hải quan để trưng thu thuế khóa thuyền buôn các nước tới.
Học đường, năm Gia Long thứ 4 (1805), vua sai đặt một viên chính Đốc học và 2 viên nhất nhì phó Đốc học. Khi đầu dựng học đường ở phía phải lũy đất ngoài thành, năm thứ 12 (1813) cho làm lên trên nền cũ đồn dinh ở chợ Điều Khiển.
Kho của bốn trấn ở tại nền cũ kho Gian thảo (Cầu Kho), cách phía nam thành 4 dặm rưỡi. Năm Mậu Thân (1788) đầu Trung hưng, mở rộng ra làm kho chung cho cả 4 trấn Phiên An, Biên Hòa, Vĩnh Thanh và Định Tường, để thu chứa thuế khóa, chi cấp lương bổng, còn trấn Hà Tiên trải qua loạn lạc hư hao, đang lo chiêu tập, còn được miễn thuế, còn 2 đạo Long Xuyên và Kiên Giang thì phụ nạp thuế vào kho của trấn Vĩnh Thanh. Mùa xuân năm Ất Sửu, Gia Long thứ 4 (1805), làm 6 dãy kho ngói [5b], ở giữa dựng đền Tư Thương để làm lễ cáo tạ việc trưng thâu, ở mặt trước có 4 cửa, hai bên phải trái và mặt sau đều có một cửa, ngoài trồng rào tre, trước mặt giáp sông xây bờ cừ bằng đá ong, hai bên phải trái và phía sau có sông nhỏ bao quanh dùng làm hào ao. Năm Gia Long thứ 10 (1811), định rằng sản vật biệt nạp và thuế khóa của dân thuộc thành nay ở trấn nào thì nộp ở trấn đó, cứ đến mùa xuân hàng năm, chiếu theo số thuyền Tào chính được lịnh kết tập để chở đi, quan viên văn võ bốn trấn thay nhau mỗi phiên hai viên chuyên chở về kinh, ngoài ra thì lấy những thuộc lại của các phòng bạ ngồi coi việc thâu nạp, còn thuyền bè và biền binh đi theo bảo vệ thì đến phiên của trấn nào thì biền binh trấn ấy bổ sung đi theo.
Trường Diễn võ ở cách phía tây nam thành 10 dặm, nơi đây đất bằng phẳng rộng rãi độ 50 dặm, thường tháng giêng chọn ngày tốt làm lễ tế mã ([7][7]), tế cờ kỳ đạo ([8][8]) và thao diễn trận pháp đều cử hành tại đây.
[6a] Đồn Giác Ngư (Cá Trê) ([9][9]) ở bờ bắc sông Tân Bình thuộc địa giới trấn Biên Hòa, cách thành 7 dặm. Đồn này được khởi công vào ngày 2 tháng 4 năm Kỷ Dậu (1789) buổi đầu Trung hưng, chung quanh trồng cây mù u, đối diện bờ bên kia có đồn Thảo Câu để làm thế nương dựa nhau.
Đồn Thảo Câu ở bờ nam sông Tân Bình, cách thành 6 dặm, thuộc địa giới trấn Phiên An, năm tháng khởi công và thể thức cũng giống như đồn Giác Ngư.
Lũy Bán Bích do đốc chiến Nguyễn Đàm xây đắp, hình giống mặt trăng xếp, chỉ nửa vách lũy thôi. Đồn ở địa giới hai huyện Bình Dương và Tân Long, nay nền cũ vẫn còn (xem rõ hơn ở phần Cương vực chí).
Lũy Hoa Phong ở huyện Bình Dương, cách về phía tây của trấn 62 dặm rưỡi. Năm Canh Thìn đời Hiển Tông thứ 10 (1700) ([10][10]), (Lê Hy Tông, niên hiệu Chính Hòa thứ 21, Đại Thanh Khang Hy năm thứ 39), Thống suất Chưởng cơ Nguyễn Lễ bình định Cao Miên rồi đắp nên, nay nền cũ vẫn còn.
Đồn Tân Châu. Tân Châu là địa đầu trọng yếu kiêm quản cả 3 đạo Tân Châu, Chiến Sai và Hùng (Hồng) Ngự. Đạo chính thức ngày trước thuộc về thành lớn Gia Định [6b] đặt ở giữa sông Doanh Châu, phía đông là đạo Chiến Sai thuộc trấn Vĩnh Thanh, phía tây là đạo Hùng (Hồng) Ngự thuộc trấn Định Tường, hình thế như răng chó kềm nhau, để giữ lấy chỗ hiểm yếu. Năm Gia Long thứ 17 (1818), phụng chỉ dời đạo Tân Châu đến cù lao Long Sơn, dời đạo Chiến Sai đến cửa trên sông Hiệp Ân, dời đạo Hùng (Hồng) Ngự đến cửa dưới sông Hiệp Ân, tháng 12 Khâm mạng Tả quân phó tướng, Trấn thủ trấn Vĩnh Thanh là Nguyễn Văn Xuân đắp đồn vuông Tân Châu, mỗi mặt dài 15 trượng, cao 6 thước 5 tấc ta, chân dày 15 thước ta, đầu thu hẹp 4 thước, có hai cấp; chỗ ngay giữa của 4 mặt đồn đều đắp nhọn ra thành hình bát giác, phía trái và phải gần trước góc nhọn ấy đều có cửa làm chỗ cho biền binh phòng trú. Quy cách đồn Chiến Sai cũng phỏng theo đồn nầy, chỉ đồn Hùng (Hồng) Ngự hơi kém hơn,chỉ để làm nơi tuần tra, chưa xây thành đồn lũy.

[7a] TRẤN PHIÊN AN
Lỵ sở trấn Phiên An ban đầu dựng ở xóm Tân Thuận, tổng Bình Trị, sau vẫn chỗ ấy, đến niên hiệu Gia Long thứ 6 (1807), dời qua dựng ở địa phận thôn Hòa Mỹ, nằm phụ vào phía đông bắc quách ngoài thành Gia Định, mặt trông ra hướng tây nam, lưng dựa vào sông Bình Trị, 3 tòa nhà ngói, ở giữa là công thự Trấn thủ, phía tả là công thự Cai bạ, phía hữu là công thự Ký lục, là công thự của trấn cũng gọi là công dinh, ngang dọc đều 80 tầm, bề ngang chia làm ba phần, chỉ có dinh giữa ([11][11]) rộng hơn 5 tầm. Năm thứ 18 (1819), cách sau trấn thự 6 tầm, phía ngoài đại lộ, lại dựng 5 dãy kho bằng ngói cho 4 trấn, mỗi dãy 31 gian cao rộng đẹp đẽ, đủ dùng để cất giữ, có dựng trại Thừa ty, nằm dọc theo trước sân 3 dinh, khám đường và nhà giam dựng ở phía bắc đường cái quan.
Nha môn huyện Bình Dương giản lược, thuở trước do còn thái hòa, phong tục thuần hậu, chính sự giản lược, toàn hạt Phiên An không đặt huyện trị, chỉ ở địa phương thôn Tân Long thuộc huyện Tân Long có đặt [7b] hai viện Đông - Tây Phủ thừa để kiêm việc trông coi. Đến mùa xuân tháng 3 niên hiệu Gia Long 12 (1813) mới chia đặt huyện nha ở thôn Tân Thới Nhì thuộc đạo Quang Oai, nằm cách phía tây trấn 52 dặm rưỡi, khi ấy phủ nha đều giảm gọn và mọi việc đều do quan trấn trông coi luôn. Ở trước huyện nha dựng vọng cung để làm lễ tết, Đoan dương và rằm mồng một, kế làm một sảnh sự đường và Đông đường, Tây đường mỗi phía một tòa, đặt hai viên Tri huyện, một viên Đề lại, hai viên Thông lại, sáu viên Chánh sai, 50 lính lệ.
Nha môn huyện Tân Long xung yếu, việc công lại bề bộn; nên đặt nha môn ở địa phận thôn Phước Tú, cách trấn 67 dặm về phía nam, quy chế xây dựng cũng giống như huyện Bình Dương.
Nha môn huyện Phước Lộc, do việc công phiền phức khó nhọc, nên đặt nha môn ở địa phận thôn Thới Bình, cách trấn 56 dặm ([12][12]) về phía đông nam, quy cách xây dựng cũng như mấy huyện trước.
Nha môn huyện Thuận An xung yếu, việc công bề bộn, nên đặt nha môn ở địa phận thôn Bình Khuê, cách trấn 92 dặm về phía nam, quy chế xây dựng cũng như mấy huyện trước.
[8a] MIẾU HỘI ĐỒNG
Cách trấn 5 dặm rưỡi về phía nam, ở phía tây của đường cái quan, khi mới mở mang có dựng miếu để thờ linh thần trong cảnh hạt, cột mái cao rộng, án thờ đẹp rực rỡ, nay cũng như vậy. Xuân thu 2 lần tế, lệ có 50 lễ sinh, 25 miếu phu, trước miếu có cây si ([13][13]) sum suê, lớn cỡ hai ôm, hành khách qua lại thường ngồi nghỉ dưới bóng mát đó.
ĐỀN HIỂN TRUNG
Cách trấn 5 dặm về phía nam, ở phía tây đường cái quan. Năm Ất Mão (1795) dựng đền để thờ các vị công thần có công khai sáng trung hưng, năm Giáp Tý niên hiệu Gia Long thứ 3 (1804), phụng chỉ trùng tu, đem thần vị Chưởng hậu quân Bình Tây Tham thặng (thừa) Đại tướng quân truy tặng Thái úy Tánh Quốc công Võ Tánh và Khâm sai Lễ bộ truy tặng Thái tử Thái sư Châu Quận công Ngô Tòng Châu ([14][14]) thờ vào gian chính giữa, còn lại thì theo thứ tự thờ ở 2 bên tả hữu, có chép vào Hội điển của bộ Lễ, mỗi năm 2 lần tế xuân thu, lệ có đặt lệ phu 25 người.
Xét ngài Võ Tánh, người huyện Phước An, trấn Biên Hòa, là người sáng suốt thông đạt, võ nghệ giỏi giang, lúc đầu dấy nghĩa binh [8b] ở huyện Kiến Hòa trấn Định Tường, đánh nhau với Tây Sơn hàng trăm trận, làm nổi tiếng buổi đầu thời Trung hưng. Năm Mậu Thân (1788), lúc đầu được phong chức Tiên phong dinh Chưởng cơ, kế đó kết hôn với trưởng Công chúa ([15][15]), có công lớn trong việc đánh dẹp, nên được gia chức Bình tây Chưởng hậu quân Tham thặng Đại tướng quân, tước Quận công.
Ngô công người huyện Bình Dương, trấn Phiên An, là người liêm khiết trang nghiêm, uyên thâm về lý học. Lúc đầu Trung hưng được cử vào chức Hàn lâm, rồi đến Ký lục trấn Biên Hòa, khá có tiếng tăm, tiếp đó thăng Đường quan ở bộ Lễ. Tháng 4 năm Kỷ Mùi (1799), quan Tư võ Tây Sơn là Trần Tuấn và Binh bộ Nguyễn Phác đem thành Quy Nhơn đầu hàng, vua sai hai ông dùng binh lưu trấn ở lại đấy, còn đại giá trở về Gia Định. Tháng 12, ngụy Thiếu phó Tây Sơn là Nguyễn Diệu([16][16]) cử binh toàn quốc từ Thuận Hóa đến đánh, Võ công đóng chặt cửa thành chống giữ. Tháng 4 năm Canh Thân (1800), quân vua ra cứu viện, quân địch còn kiên trì nên không đánh phá vòng vây ngay được. Mùa hạ năm Tân Dậu (1801), vua để Chưởng tiền quân Nguyễn Văn Thành, Chưởng hữu quân Nguyễn Hoàng Đức, Chưởng tượng quân Nguyễn Đức Xuyên [9a] ở lại tiếp viện ngoài thành; còn vua điều động thủy quân thừa lúc Phú Xuân không đề phòng kéo thẳng ra đánh lấy; vua lại sai Chưởng tả quân Lê Văn Duyệt, Trung dinh Đô thống chế Tống Công Phước, Ngự lâm đồn Đô thống chế Lê Văn Chất ([17][17]) từ tỉnh Quảng Nam đi theo đường thủy và đường bộ đến đồn trú tại Quảng Ngãi để đánh sau lưng quân Tây Sơn.
Tháng 5, trong thành Quy Nhơn lương thực đã hết mà quân địch tăng gấp mười vây đánh càng gắt. Ngày 27, Võ Công lên lầu bát giác tự thiêu, còn Ngô Công thì uống thuốc độc tự tử, thành bị mất. Tháng 3 năm Nhâm Tuất (1802), quan binh trong ngoài giáp công, ngụy Diệu bỏ chạy, thành Quy Nhơn mới yên. Vua đặc tặng: Võ Công làm Dực vận công thần Phụ quốc Đại tướng quân, Thái úy Tánh Quốc công, thụy là Trung Liệt. Ngô Công được tặng là Tán trị công thần đặc tiến Trụ quốc Kim tử Vinh lộc Đại phu, Thái tử Thái sư Châu Quận công, thụy là Trung Ý. Triều đình nghị tôn hai ông lên bực Trung hưng công thần hạng nhất, ở miếu công thần thì chỗ thờ hai ông ở vị chính giữa, xuân thu hàng năm đều tế.
[9b] MIẾU THÀNH HOÀNG
Ở bờ nam sông Tân Bình, cách trấn về phía đông nam 6 dặm rưỡi, nguyên trước là sân cúng khao tế các vị âm thần. Năm Đinh Mão niên hiệu Gia Long thứ 6 (1807), phụng chỉ dựng nhà ngói làm miếu Thành hoàng trong trấn, xuân thu hai kỳ lễ tế, quan trấn phải thân hành đến tế.
MIẾU HẢI THẦN Ở CẦN GIỜ
Ở phía đông nam thủ sở, kính thờ thần Nam Hải ([18][18]), các vị thần Hà Bá, Thủy Quan, Ngọc Lân ([19][19]), của hai sông Phước Bình cũng được phối thờ vào đấy. Cột kèo miếu này được chạm trổ tô vẽ nghiêm chỉnh, thường năm vào tháng giêng quan trấn dùng lễ Thái lao (gồm dê, heo, trâu) thân hành đến tế, cầu tất cả cho thuận gió để thuyền vận tải về kinh đi về cho được tiện lợi, tất cả có chép vào Tự điển. Còn những thuyền buôn ra vào cũng sắm lễ vật trọng hậu đến chiêm bái, hương đèn thường ngày thơm tho, sáng rực.
MIẾU HỎA TINH
Ở phía trái của chợ Điều Khiển, thờ nữ thần Hỏa Tinh (bà Hỏa). Vì nước Nam thuộc quẻ Ly, mà Ly là thuộc hỏa, [10a] quẻ Ly ở giữa trống không là âm, đã âm mà ở giữa là nữ nên thần thuộc về nữ giới. Miếu nầy thờ tự rất trang nghiêm và hằng linh ứng, người ở đây cứ đến đầu xuân, trước hết phải đem lễ đến tế, để mong tránh điều chẳng lành, thì cả năm được yên, nếu chậm trễ hay xem thường, thì liền thấy có hỏa tai. Ngày trước ở cửa miếu có đắp hình 2 người nô bộc hình trạng rất cổ quái, đứng mập mờ dưới tàng cây đa trong ánh trăng khuya, khiến người đi qua chợt trông thấy đều rùng mình.
ĐỀN PHI VẬN TƯỚNG QUÂN
Ở địa phận thôn Tân Long, huyện Tân Long, trước đây đền dựng ở phía nam phủ nha, thờ ngài Tòng Giang Văn Trung, rất linh ứng. Thường năm vào 2 mùa xuân thu, quan Tri phủ đến tế. Tế thì dùng lễ Trung lao (gồm heo, dê) đến ngày tế bày biện ve chén mâm cỗ đúng nghi thức, con heo tế thì để sống, bởi vì vị thần này nguyên bị chết dưới lưỡi dao, cho nên heo phải để sống, không nỡ giết, có ý sợ tổn thương lòng thần. Lúc gần sáng, khi làm lễ cho người chạy quanh đàn tế cõng heo, cố ý làm cho heo kêu la như có ý báo cho thần biết con heo còn sống y nguyên. Từ khi loạn lạc, không có phủ nha nên bỏ lễ tế, [10b] nhưng miếu mạo vẫn còn đó, người làng đến dâng nhang đèn không dứt. Nay theo trong Tự điển, thì miếu Hội đồng phải thờ ông đứng đầu.
Xét trong sách Ô Châu cận lục do Dương Văn (An) ([20][20]) soạn có chép rằng: Ông họ Nguyễn tên Phục người xã Tùng Giang, huyện Gia Phúc, đời vua Lê Nhân Tông niên hiệu Thái Hòa, khoa Quý Dậu (1453), ông đậu đệ tam giáp tiến sĩ, làm quan đến Chuyển vận sứ, Hành khiển sứ đạo Thanh Hoa. Thuở vua Thánh Tông chưa làm vua thì ông dạy cho vua học, nên khi vua tức vị, ông được cất nhắc lên chức Hàn lâm Tham chưởng viện sự, 3 lần đi sứ triều Minh, về làm Đại lý tự khanh, lại kiêm chức Tri ([21][21]) Binh chính viện tham nghị rồi làm Thân quân ty Cẩm y vệ Chỉ huy sứ ty Thiêm sự. Khi vua đi đánh Chiêm Thành, ông phụng mệnh làm Phi vận tướng quân Chuyển thâu đội Tán lý, khi đến cửa biển Tư Dung bị sóng to gió lớn trở ngại không đi được, chúng quân đều sợ tội xin đi, ông nói: Thà để một mình ta cam chịu 3 thước gươm, chớ ta không nỡ đem kho gạo lúa hữu hạn và nhân mạng vô tội vất bỏ một cách khinh dễ vào trong chỗ gió cuồng sóng lớn để chôn đầy bụng cá [11a]. Vì vậy mà phải đậu thuyền hoãn đợi. Vua rất giận vì trễ nải, sai bắt trói, lại có cận thần gièm pha, nên vua mới sai xử tử ông. Chúng quân đều thương cảm mới lập đền thờ tại nơi ấy, đền nổi tiếng là linh thiêng, cầu việc gì đều được ứng nghiệm. Niên hiệu Cảnh Thống (1498 - 1504) đời Lê Hiến Tông truy tặng ông làm Thần Văn trung chính nghị, các triều sau cũng gia tặng mỹ hiệu và có chép vào Tự điển.
CHÙA KIM CHƯƠNG
Cách trấn về phía tây nam hơn 4 dặm, ở phía bắc của đường cái quan. Ở giữa là điện thờ Phật, trước sau có đông tây đường, sơn môn, phương trượng, nhà chứa kinh, hương viện và nhà ăn, chạm trổ sơn son thếp vàng, trang nghiêm đẹp đẽ, phía bắc chùa có dòng suối nước ngọt ngầm, bốn mùa chảy rịn thấm ướt cả đường đi. Năm Ất Hợi (1755), đời Thế Tông năm thứ 18 (Nguyễn Phúc Khoát) có nhà sư Đạt Bản từ Quy Nhơn vân du, dừng gậy trụ lại chùa này, được vua ban tấm biển đề là Sắc tứ Kim Chương tự. Khi Đạt Bản viên tịch, truyền giáo pháp lại cho đồ đệ là Quang Triệt. Năm Ất Mùi (1775), Lý tướng quân đạo Hòa Nghĩa tôn lập [11b] Mục vương (Nguyễn Phúc Dương)([22][22]) tại chùa nầy (xem mục Sơn xuyên chí). Chùa lại được ban sắc một lần nữa. Quang Triệt mất, Quang Trạm kế tục. Quang Trạm mất, Quang Tuệ kế tục theo. Năm Quý Dậu niên hiệu Gia Long 12 (1813), Thần Võ quân Phó tướng Trần Nhân Phụng vâng di chỉ Cao hoàng hậu ban tiền 10.000 quan để trùng tu chùa và sửa sang kinh tạng trống chuông cho thêm phần trang nghiêm. Hiện nay đây là ngôi chùa có tiếng của đất Gia Định.
CHÙA GIÁC LÂM
Ở trên gò Cẩm Sơn, cách lũy Bán Bích về phía tây 3 dặm, gò chùa nầy như đống vàng bỗng nổi lên giữa chỗ đồng bằng trải thẳng cả trăm dặm, giống như tựa bình phong, đội nón, mở trướng, trải thảm, rộng 3 dặm, cây to thành rừng, hoa núi dệt gấm, sớm chiều mây khói bốc lên quấn cuộn, tuy nhỏ nhưng lý thú. Mùa xuân năm Giáp Tý (1744) đời Thế Tông năm thứ 7, người xã Minh Hương là Lý Thụy Long quyên của xây dựng chùa trang nghiêm, cửa thiền u tịch, đến ngày Thanh minh, Trùng cửu nhàn hạ, thi nhân du khách kết đoàn 5, 3 người đến đây mở tiệc thưởng hoa, nâng chén quỳnh mà ngâm vịnh, ngó xuống chợ búa đời thường [12a], bụi bặm xa cách ra ngoài tầm mắt, thật là một nơi đáng du lịch và thưởng ngoạn. Gần đây có Viên Quang đại lão hòa thượng đời thứ 36 thuộc phái Lâm Tế chính tông ([23][23]), mật hạnh kiên trì, trải từ tuổi nhỏ cho đến khi già, kiên trì tu hành ngày càng tinh tấn, lại có tính yêu cảnh sương khói suối khe, ít khi để chân đến chốn thị thành huyên náo. Từ khi ông đến đây dừng trụ trong núi dứt phiền não, dưới rừng lộ chùa chiền ([24][24]). Năm Gia Long thứ 16 (1817) ([25][25]) ông mở đại giới đàn, từ đó thiện nam tín nữ đến quy y rất đông, mà sơn môn lại thêm phần khởi sắc.
CHỢ KHUNG DUNG (CHỢ CÂY ĐA)
Ở về phía nam trấn, dưới chân lũy của thành lớn về phía hữu có cây đa cổ thụ cành rễ chằng chịt, bóng che chừng nửa mẫu, người buôn bán nhóm chợ dưới bóng cây. Đầu canh tư, người ruộng rẫy đốt đuốc gánh những dưa bí rau quả đến nhóm tại đầu chợ phía tây, có người mua mão (4)về để bán lại; đến sáng đầu chợ phía đông đằng nam đằng bắc của đường lớn [12b] mới bày bán đủ thịt cá hàng hóa cho đến hoàng hôn mới tan.
CHỢ BẾN THÀNH
Phố, chợ, nhà cửa rất trù mật, họp chợ dọc ven sông. Ở đầu bến, theo lệ tháng đầu xuân gặp nhằm ngày tế mã, có thao diễn thủy binh. Bến này có đò ngang đón chở khách buôn tàu biển lên bờ. Đầu phía bắc là ngòi Sa Ngư, có bắc cầu ván ngang qua, hai bên nách cầu có phố bằng ngói, tụ tập hàng trăm thức hàng hóa, dọc bến sông thuyền buôn lớn nhỏ đậu nối liền nhau.
CHỢ PHỐ LỊCH TÂN ([26][26]) (BẾN SẠN - BẾN SỎI)
Ở bờ tây sông Bình Dương, phố ngói liền nhau, bến ấy toàn là sạn cát, là bến thường xuyên cho voi ngựa tắm. Đầu phía bắc bến ấy, năm Kỷ Dậu (1789), có bắc cái cầu lớn ngang qua sông thông với đường đến đồn Thảo Câu để khi hữu sự dễ bề ứng tiếp, kế đó sau khi nhung công đại định, vì nước xoi nên cầu bị hỏng, nay không sửa lại; đầu bến phía tây có sở đúc tiền. Năm Bính Thìn (1796), phụng sắc của Thế Tổ Cao hoàng đế đúc tiền Gia Hưng Thông bửu, [13a] xây sở đúc ở đây nên mới có tên gọi thế.
CHỢ ĐIỀU KHIỂN
Cách trấn về phía nam 2 dặm rưỡi, khi xưa chợ họp trước Nha Điều khiển, nên mới có tên đó, đại loại như chợ Cai Bạ, cầu Khâm Sai, chợ Cai Đội ([27][27])... ấy là do người đương thời không dám gọi thẳng tên người tôn trưởng, bèn gọi theo chức quan, nên sau nầy danh tánh mới thất truyền, ấy là tục bắt chước sai lầm. Nay nha trị đã dời đi, nhưng tên chợ còn như cũ, chợ này quán xá trù mật.
CẦU CAO MIÊN
Cách trấn về phía tây bắc 1 dặm rưỡi. Trước đây vua Cao Miên là Keo Hoa Yêm vì già yếu, ủy thác việc nước cho con là Nặc Tha giữ quyền nhiếp chính lỵ sở tại thành La Vách. Ngày 18 tháng 4 mùa hạ năm Tân Hợi (1731) [đời Túc Tông năm thứ 7, Lê phế đế (Duy Phương) - Vĩnh Khánh năm thứ ba, Đại Thanh Ung Chính năm thứ 9], người Lào Sá (Xá) Tốt ([28][28]) khởi loạn tại Cầu Nôm, cùng người Cao Miên ở rừng hoang kéo xuống Gia Định cướp giết dân Việt. Lúc ấy trong nước đang yên ổn nên không phòng bị, khi giặc đến bất thần, quan dân đều hoảng sợ. Quan Điều khiển vội chỉ huy Cai cơ là Đạt Thành hầu đem binh chống giữ ở Bến Lức, vì thế cô không có binh viện, nên bị giặc giết. Thống binh Định Sách hầu [13b] Trần Đại Định bèn đem thuộc tướng Long môn chận đánh ở Vườn Trầu, phá được tiền binh của địch, chận được nhuệ khí hung hãn của chúng; Đại Định cho đắp lũy đất một mặt ở Hoa Phong để chống cự; Thống suất Vĩnh Trường hầu Trương Phúc Vĩnh lại điều động Giám quân Cai đội Triêm Ân hầu Nguyễn Phúc Triêm đến ứng cứu quân ở Bến Lức, giết được giặc Lào và đẩy chúng lui về Vũng Gù. Phúc Vĩnh chia quân đi 3 đường, tự mình cầm thủy quân theo đường Tiền Giang, Phúc Triêm theo đường giữa Bát Chiên, Đại Định theo đường bộ Quang Hóa nhất tề tiến công khiến binh Lào thua chạy trốn vào rừng sâu. Cha con Yêm, Tha sợ lây họa cũng chạy trốn vào phủ Sơn Bô. Đại Định chiếm cứ Cầu Nôm. Nặc Tha gởi thư kể rõ việc người Lào đứng đầu gây ra việc loạn là ở biên giới, khẩn xin đại binh tạm dừng, để y tự dẹp xong và bắt bọn cừ khôi đem đến trước quân trình nạp chịu tội. Đại Định đem việc ấy chuyển báo, nhưng Phúc Vĩnh không nghe theo, muốn truy nã đến cùng. Nặc Tha nghe vậy cả sợ, bèn chạy trốn xa [14a].
Đến tháng 7 gặp kỳ mưa lụt, Phúc Vĩnh vì thế mới chấp thuận, và truyền cho quân 3 đạo trở về Gia Định, còn Nặc Tha trở về La Vách ([29][29]). Khi ấy người Lào như bèo vừa tan tụ tập lại ở Cầu Nôm, rồi đi cướp giết như cũ. Nặc Tha sức yếu không địch nổi, bèn kêu gọi binh các phủ để cùng tấn công. Tháng giêng năm Nhâm Tý (1732), Phúc Vĩnh tiếp được tin ngoài biên báo về, lại đốc binh tiến công, người Lào lại chạy trốn nơi xa, Nặc Tha cũng trốn lên Sơn Bô, đút lót xin hoãn binh, để từ từ tính chuyện giết giặc. Tháng 3, Phúc Vĩnh bèn lưu Đại Định ở lại ứng phó, còn tự mình kéo đại binh về đồn dinh nghỉ ngơi.
Lúc ấy Phúc Vĩnh đã nhiều năm dùng binh mà chưa bắt được tội nhân nên bị triều đình nghiêm trách, ông ta sợ tội bèn đặt điều rằng, việc ấy là do Đại Định năm trước chần chừ trong việc hành quân rồi tư thông việc kết nạp với vua Cao Miên, nay lại lợi dụng việc làm loạn của người Lào để nắm binh quyền lâu, việc tiễu trừ thành bất lực, rồi bí mật tâu lên vua. Trong lúc đó Đại Định đóng binh ở Lò Vẹt, vừa lo tấn công, vừa phủ dụ, Nặc Tha thì dùng mưu kế lừa người Lào mà giết sạch, rồi tự trói mình đến trước quân xin chịu tội [14b].
Đại Định để Nặc Tha ở Lò Vẹt chiêu dụ dân lưu tán, còn ông kéo binh về báo tiệp. Khi Đại Định về đến Gia Định, Phúc Vĩnh nghĩ cần ra tay chế ngự Đại Định trước, nên mới định ngày họp các tướng để vấn nghị việc đó. Đại Định biết mưu ấy, tự nghĩ rằng: Trước đây do Đại soái (chỉ Phúc Vĩnh) điều độ không đúng, đến nỗi Đạt Thành hầu bị quân giặc giết, tiếp đến lại ăn của hối lộ rồi rút quân, tiến thoái bừa bãi, thế mà nay lại đổ tội cho ta, nếu để cho hắn bắt giữ hạch hỏi, thì hắn lấy quyền thế áp đảo thành ra bản án, thì mối oan ở dưới cái chậu úp ([30][30]), lấy ai bộc bạch cho. Chi bằng ta về Kinh để tâu xin cứu xét, có chết cũng cam tâm.
Ông nghĩ thế, bèn nhân đang đêm cùng thuộc hạ cưỡi một chiếc thuyền chiến về kinh. Khi thuyền đến gần núi Bút La có người em chú bác của Đại Định là Thành can rằng: Phúc Vĩnh là người thế thần của nước Nam, trong triều có nhiều người thân thích, nay anh muốn tỏ rõ được sự uẩn khúc thì ai là người biện bạch, chi bằng chạy thẳng về Việt Đông tìm nơi an thân cho khỏi bị người ta giết mổ, băm vằm.
Đại Định nói: Cha ta là Thượng Xuyên công ([31][31]) nhờ [15a] ân dày của triều đình, đã từng được dụ rằng: họ Nguyễn làm vương, họ Trần làm tướng, đời đời không dứt tước công hầu, điều ấy thật quá vinh hạnh. Nay nhất thời viên biên soái (chỉ Phúc Vĩnh) có lòng che lấp riêng tư, nếu mình không về triều đình bày tỏ, tất là có tội phản nghịch, thì sự nghiệp của tổ tông khác gì núi đổ thành hang hốc, chẳng những làm tôi bất trung mà làm con cũng bất hiếu, còn mặt mũi nào đứng giữa trời đất nữa. Nói đoạn bèn quát bắt thuyền phải vô cửa Hàn, Thành cương quyết không nghe, dành lấy tay lái với đà công rồi cho thuyền nhắm thẳng biển Đông mà chạy. Đại Định thấy gió Nam thổi mạnh, sợ khi thuyền đến Quỳnh Hải ([32][32]) thì khó trở buồm quay lại, trong lòng tức bực, gấp gáp bèn rút gươm ra chém Thành, rồi quát người lái thuyền phải quay vào cửa Hàn để thả neo, rồi đem hết chuyện trình lên quan dinh Quảng Nam nhờ đề đạt.
Từ đêm Đại Định trốn đi, thì viên Điều khiển cho là ông đã trốn về Quảng Đông, nên lệnh bắt cả nhà Đại Định, và đem việc ấy tâu lên để thỉnh chỉ, thì ngay hôm ấy tờ tấu của dinh Quảng Nam giúp cho Đại Định cũng đến cùng lúc. Bá quan nghị rằng Trần Đại Định [15b] đã thông với Cao Miên, lại cố ý không tuân tướng lệnh, xin dùng chính pháp để răn những kẻ ngoan cố.
Nhưng thánh đức có lượng khoan hồng, vua nghĩ rằng: Nếu Trần Đại Định có lòng phản quốc, thì lúc hắn như con cá lớn ngoài biển, ai chế ngự được mức liều, nay hắn đến kinh yêu cầu thẩm cứu, qua đó tình lý cũng thấy rõ được. Vua bèn hạ dụ câu lưu Trần Đại Định ở Quảng Nam và sai quan vào Gia Định phúc thẩm, đợi bản án kết thúc xong sẽ định đoạt.
Đại Định ở trong lao suốt ngày không xiết phẫn uất, thổ huyết mấy cân rồi thọ bệnh liên miên, đến 12 đêm sau thì mất ([33][33]).
Kịp khi tờ phúc thẩm tâu lên, có Nguyễn Phúc Triêm làm chứng nói Đại Định không có tình trạng chần chừ khi dừng binh để tư thông cùng Cao Miên. Vì vậy Đại Định được ban ân truy tặng là Đô đốc đồng tri, thụy là Tương Mẫn. Nhân giặc Lào sợ Triêm như sợ cọp, nên Phúc Triêm được thăng chức Cai cơ. Còn Trương Phúc Vĩnh mắc tội để mất cơ nghi, tâu bày không thật, nên bị bãi quyền Thống suất, giáng xuống làm Cai đội, rồi điều Cai cơ Nguyễn Hữu Doãn đến thay việc Điều khiển.
Năm Bính Thìn thứ 13 (1736), [16a] Giao (Keo) Hoa Yêm vương mất, triều đình ta sắc phong cho con hắn là Nặc Tha nối ngôi. Năm ấy Nặc Thâm từ Xiêm La về nước, nhưng không được Nặc Tha dung nạp, nên phải tạm trú ở phủ Lò Khù. Con Thâm là Yếm Chăn và con người em của Thâm là Sô theo Nặc Tha ở thành La Vách thường thường báo tin qua lại. Nặc Tha sinh nghi, bèn tự qua Nam Vang, ngầm phục binh, rình xem bọn Sô động tĩnh thế nào để thừa thế giết đi. Bọn Sô rất sợ, bèn tụ họp đồng đảng vây cánh ở các phủ Lò Vẹt, Cầu Nôm làm phản. Nặc Tha liền chạy sang Gia Định, quan Khổn súy lấy vùng đất trống ở thượng du Nghi Giang về phía bắc đồn dinh cho Nặc Tha ở. Tha vương do chỗ ở này cách sông nên làm cầu ván để thông đường qua lại, người đương thời gọi là cầu Cao Miên.
Bọn tên Sô đã chiếm được toàn cõi Cao Miên, bèn rước Nặc Thâm về lập lên làm vua. Tháng 4 năm Đinh Tỵ (1737), Nặc Thâm sai sứ đến kinh dâng lễ cống. Tháng 11 năm Đinh Mão (1747) đời Thế Tông Nguyễn Phúc Khoát (Lê Hiển Tông niên hiệu Cảnh Hưng thứ 8, Đại Thanh Càn Long năm thứ 12), ở phủ Ba Thắc (Châu Đốc - Hậu Giang) có người Cao Miên tên Sô Liên Tốc đến cướp bóc ở Mỹ Tho và Cà (Kỳ) Hôn. Lúc này Nặc Thâm đã chết, [16b] bè đảng của Thâm lập người con thứ 5 của Thâm là Đuông lên làm vua, nhưng người con thứ 4 của Thâm là Hen tranh quyền rồi cử quân đánh nhau. Vì vậy nên nhà sư Chiêm Hậu cùng bọn Chiêu trùy Yết lại lập con trưởng của Thâm là Yếm, từ đó anh em sát hại nhau, làm cho dân Cao Miên ([34][34]) rất khổ sở. Sô Liên Tốc lợi dụng thời cơ càng hoành hành bướng nghịch. Tháng giêng năm Mậu Thìn (1748), quan Điều khiển Nguyễn Hữu Doãn cho quân ra đốt hết thuyền bè của Sô Liên Tốc ở sông Mỹ Tho, rồi đuổi đến Thiết Lũy, thẳng tiến đến Nam Vang, đánh phá luôn Chiêu trùy Yết, vua ngụy tự lập Yếm chạy qua Xiêm La, còn Hen và Đuông chạy trốn chưa rõ ở đâu. Quân ta thâu nạp Nặc Tha đưa về Cao Miên ở tại dinh La Vách, rồi quan quân mới khải hoàn. Tháng 6, quan Cao la hâm Ốc Đột Lục Mân đem quân Xiêm về đánh Cao Miên, Nặc Tha phải chạy sang Gia Định tạm trú ở chợ Tân Kiểng, rồi bị bệnh mà chết. Con thứ hai của Thâm là Nguyên từ nước Xiêm trở về nối ngôi vua, lo việc triều cống, giữ lễ phiên thần, từ ấy Cao Miên mới hơi yên ổn.
[17a] CHỢ NGUYỄN THỰC
Cách trấn về phía tây 10 dặm. Năm Đinh Mùi (1727) đời Túc Tông (Nguyễn Phúc Chú) (niên hiệu Bảo Thái Lê Dụ Tông nhà Lê thứ 8, Đại Thanh Ung Chính thứ 5), Nguyễn Văn Thực người Quảng Ngãi khai phá rừng hoang lập chợ ở đây, tạo thành một chỗ tụ tập đông đúc ở nơi gò núi.
CHỢ TÂN KIỂNG (TỤC GỌI CHỢ QUÁN)
Cách trấn về phía nam hơn 6 dặm, phố chợ rất đông đúc, thường năm đến ngày Nguyên đán có tổ chức chơi đu tiên vân xa, đáng gọi là một chợ lớn. Từ trước, đến cuối năm thường có chém tù ở đây. Cách sông ở bờ phía đông, ngày trước có người Cao Miên là Nặc Đích theo Nặc Tha đến, cắm dùi sống luôn ở đấy, y bèn làm cầu ngang qua sông để thông đến chợ, gọi là cầu Nặc Đích, sau trải qua loạn lạc nên hư hỏng. Đầu phía tây đường lớn có đồn bắt trộm cướp đóng giữ.
Ngày 25 tháng giêng năm Canh Dần (1770) đời Duệ Tông (Định vương Nguyễn Phúc Thuần), (Lê Hiển Tông Cảnh Hưng năm thứ 31, Đại Thanh Càn Long năm thứ 35), sau khi bình định, có con hổ dữ vào nhà dân ở phía nam chợ, nó gầm rống rất dữ, dân quanh vùng đều hoảng sợ, họ báo với đồn dinh để phái quân vây bắt. Sau phải triệt hạ phòng ốc, làm nhiều lớp hàng rào bao quanh, nhưng con hổ rất dữ, [17b] không ai dám đối đầu. Qua ngày thứ 3, có thầy tu đi vân du là Hồng Ân cùng đồ đệ là Trí Năng xin vào đánh cọp. Hồng Ân cùng hổ quần thảo một hồi, hổ bị côn đánh rát quá, nhảy núp vào lùm tre, Hồng Ân đuổi nà theo, hổ bị dồn ngặt nên cự trở lại với Hồng Ân. Hồng Ân lui chân té xuống mương nhỏ, bị hổ tát thọ thương. Trí Năng tiếp viện đánh trúng đầu, hổ chết dưới làn côn, nhưng Hồng Ân bị thương nặng nên cũng mất liền khi ấy. Người ở chợ cảm nghĩa đem xác Hồng Ân chôn tại chỗ đấy rồi xây tháp, nay vẫn còn.
Tháng 3 mùa xuân năm Đinh Dậu (1777), giặc Tây Sơn tiến quân vào cướp, Gia Định thất thủ, Tham tán Nguyễn Tịnh ẩn tại chỗ nầy rồi bị địch bắt giết đi.
Trước đây, tình hình ở Bắc Hà là vua yếu mà bề tôi lại mạnh, vua Lê Cảnh Hưng chỉ là hư vị, Trịnh Sâm chuyên quyền tự xưng là Tĩnh vương ([35][35]). Nghe tin Tây Sơn Nguyễn Văn Nhạc gây nhiễu loạn ở miền Nam, trước tai họa ấy chúa Trịnh mừng thầm, rồi tháng 5 năm Giáp Ngọ (1774), Trịnh Sâm sai vây cánh đã trí sĩ là Quốc lão Hoàng Ngũ Phúc làm chức Bình Nam Thượng tướng quân. Diệp Quận công ([36][36]) [18a] đem binh các đạo Sơn Nam, Hải Dương, An Quảng, Thanh Hoa (Hóa) và Nghệ An xâm phạm miền Nam, khi quân ấy đi đến Bố Chính ngoại châu, tháng 9 mới có tin báo. Lúc này miền Nam thái bình đã lâu, không sửa sang việc binh bị. Các tướng ra quân đều bại trận. Sau cùng Tôn Thất Chất làm Tiết chế bộ binh, Nguyễn Tịnh làm Tham tán quân vụ ([37][37])đem quân ra đánh cũng bị thua chạy. Quân Bắc Hà đến chiếm kinh thành Phú Xuân, Tịnh phải ẩn tránh ở Qui Nhơn, Nguyễn Huệ cho người dò tìm được, có ý yêu cầu ra giúp cho Huệ. Tịnh nghĩ nay phải lập công thờ giặc để mưu cho sự sống còn thì không phải là điều người vong quốc nên làm, bèn xin dắt mẹ đi tìm vua cho trọn tiết tháo của một bề tôi. Huệ muốn giết chết ([38][38]), nhưng sợ mang tiếng giết bừa kẻ sĩ nên dằn lòng buông tha cho. Tịnh lặn lội vào Gia Định yết kiến Duệ Tông Định vương Nguyễn Phúc Thuần, được tham gia vào việc bàn mưu tính kế. Năm Đinh Dậu (1777), Gia Định thất thủ, Tịnh theo hộ giá không kịp, phải dắt mẹ lánh ở nhà người dân làng ở Tân Kiểng([39][39]) rồi bị quân ngụy Tây Sơn bắt được. Huệ hỏi: Ngày trước ngươi rời ta để đi tìm vua, người ý muốn xoay chuyển đất trời theo sự chỉ bảo sai khiến của ngươi, nay thế lực khốn cùng, ấy là mạng trời đã định. Là người tuấn kiệt mà chẳng thức thời thì sao khỏi hối hận về sau, [18b] vậy thì nay ở đi ý ngươi thế nào?. Tịnh đáp: Vua bị nhục, bề tôi phải chịu chết, ấy là phận sự, còn nói gì nữa. Huệ nói: Hãy giúp y thành toàn khí tiết. Rồi sai đem ra chém.
PHỐ CHỢ SÀI GÒN
Cách trấn về phía nam 12 dặm ở hai bên tả hữu đường cái quan, là đường phố lớn, thẳng suốt 3 đường, giáp đến bến sông, một đường ngang ở giữa, một đường đi dọc theo sông. Các đường ấy đan xuyên nhau như chữ điền, phố xá liền mái nhau, người Việt và người Tàu ở chung lộn dài độ 3 dặm. Hàng hóa trong phố bày bán có: gấm, đoạn, đồ sứ, giấy má, châu báu trang sức, hàng sách vở, tiệm thuốc, tiệm trà, tiệm hủ tíu. Hai đầu nam bắc bến sông không gì là không có. Đầu phía bắc đường lớn của bổn phố có miếu Quan Đế và 3 hội quán: Phúc Châu, Quảng Đông, và Triều Châu chia đứng hai bên tả hữu; phía tây ở giữa đường lớn có miếu Thiên Hậu, gần phía tây có hội quán Ôn Lăng, đầu phía nam đường phố lớn về phía tây có hội quán Chương Châu. Gặp ngày tốt, đêm trăng, như Tam nguyên, rằm, mùng một thì treo đèn đặt án [19a], tranh đua kỳ xảo trông như là cây lửa, cầu sao, thành gấm, hội quỳnh, kèn trống huyên náo, nam nữ dập dìu, thật là một phố lớn nơi đô hội náo nhiệt. Trong đường phố lớn có cái giếng xưa, nước ngọt tràn trề, bốn mùa không cạn. Sông nhỏ chảy ngang phố có bắc cầu ván lớn, trên có hai dãy hành lang mái ngói, treo màn che nắng, đường đi râm mát như đi dưới mái nhà cao. Giữa phố về phía đông đường lớn có chợ Bình An bán đủ sản vật quý ở núi biển và thổ sản các nơi, ban đêm còn thắp đèn mua bán.
TẤT KIỀU (CẦU SƠN)
Ở phía bắc trấn 7 dặm, vì sông nơi đây có nhiều cây tất (cây sơn) nên có tên ấy. Khi Đô úy của quân ngụy Tây Sơn Nguyễn Nhạc là Nguyễn Trấn đóng giữ Gia Định, lo sợ những trung thần nghĩa sĩ của ta ẩn náu tông tích rình xem sơ hở để hành động, thật không thiếu chi người, e sợ giữa đất bằng ở liền nhau không có thành trì bảo vệ, thì khó phòng bị khi có biến bất chợt, nên định lấy chỗ Tất Kiều, trên có gò cao nổi lên, giữa có khoảng đồng bằng trải rộng, dưới giáp ruộng cạn, rạch nhỏ ăn thông, hình thế rộng rãi, [19b] chu vi ước hơn trăm dặm, 4 mặt có sông ngòi ngăn cản, có thể đóng binh ở đấy. Năm Bính Ngọ (1786), khởi công dựng dinh trại trên đầu gò cao, chỗ đất bằng thì lập chợ phố, lùa cả dân buôn Sài Gòn đến đó ở. Chỗ này nguyên đất thấp bẩn ngập mặn, nhân dân đến đây đều cho là bất tiện, nhưng do uy lực bắt buộc, nên miễn cưỡng làm theo, cho nên đã mấy năm mà không thành tựu được. Tháng 6 năm ấy, nhân Tây Sơn Nguyễn Huệ đánh chiếm Bắc Hà, khi về lại càng kiêu ngạo. Tháng giêng năm Đinh Mùi (1787), nhân ngày tế cờ khai binh đầu năm, Nguyễn Huệ đem hết quân mình vây đánh anh là Nguyễn Nhạc ở thành Quy Nhơn. Nguyễn Nhạc đóng cửa thành cố thủ rồi cấp báo cho Nguyễn Trấn. Trấn để Tham đốc Trần Tú ở giữ Gia Định, tháng 4, tự đem thủy quân về cứu viện thành Quy Nhơn, nhưng mới đến Tiên Chử địa đầu Phú Yên liền bị quân Nguyễn Huệ đón đánh bắt được. Nguyễn Trấn bị bại nên phố Tất Kiều phải bị bỏ, duy có Trần Tú nhọc nhằn chống chọi. Võ Quốc công (Võ Tánh) ở Định Tường, Nguyễn Văn Tuyết ở Biên Hòa, [20a] Nguyễn Văn Nghĩa ở Hiệp Lâm, các nơi đều dấy nghĩa binh, trong lúc đó thế của quân Tây Sơn càng ngày càng yếu, chỉ có Hãn vân Lê Công Trấn và Lương y Phạm Điền họp quân định ngày đánh úp đồn Bến Nghé, nhưng cơ sự bị tiết lộ, nên bị Trần Tú bắt giết, tuy mưu trung bất thành, nhưng vì nghĩa mà chết, thật đáng thương tiếc thay!
ĐƯỜNG THIÊN LÝ (đi ra Bắc)
Khi mới khai thác thì bắt đầu từ phía bắc Tất Kiều đến Bình Giang, ruộng ao sình lầy, đường bộ chưa đắp, hành khách muốn qua Biên Hòa hoặc lên Thủy Vọt đều phải đi đò dọc. Đến đời Thế Tông năm thứ 11 Mậu Thìn (1748), nhân có việc Cao Miên cảnh báo, quan Điều khiển Nguyễn Hữu Doãn mới đo đạc giăng dây làm đường thẳng, gặp chỗ có kinh ngòi thì bắc cầu, chỗ bùn lầy thì đắp đất và cây gỗ. Từ cửa Cấn Chỉ của thành đến bến đò Bình Đồng dài 17 dặm, bờ phía bắc là địa giới Biên Hòa có đặt trạm Bình Đồng, đi về phía bắc qua núi Châu Thới đến bến đò Bình Tiên rồi qua bến Sa Giang (Rạch Cát) do đường sứ Đồng Tràm xuống Đồng Môn thông [20b] đến Mô Xoài, ấy gọi là đường thiên lý. Trên đường nầy chỗ nào gặp sông lớn theo lệ có đặt đò qua, người chèo đò được miễn sưu dịch khác.
ĐƯỜNG THIÊN LÝ (đi về Tây)
Tháng 10 mùa đông năm Ất Hợi (1815) niên hiệu Gia Long 14, quan Tổng trấn thành Gia Định vâng mạng đo đạc từ cửa Đoài Duyệt phía tây thành từ cầu Tham Lương (Gò Vấp), qua bến đò Thị Sưu, qua đầm Lão Đống giáp ngã ba đường sứ tới Khê Lăng đến đất Kha Pha ([40][40]) Cao Miên, cho đến sông lớn, dài 439 dặm, gặp chỗ có sông, khe thì bắc cầu cống, chỗ đầm lầy thì đắp đất, rừng thì đốn cây, mở làm đường thiên lý, bề ngang 6 tầm, làm thành con đường rộng thông suốt cho người ngựa qua lại được bình yên. Nhưng đất ấy hẻo lánh không có người ở, khi hữu sự sứ giả đi báo tin và hành khách đi lại dừng nghỉ phải theo phép bưu chánh mới được ổn thỏa. Lại từ Kha Pha dọc sông xuống phía nam 194 dặm đến đồn Lò Yêm; còn từ Kha Pha lên phía bắc 49 dặm đến sách trại Chế Lăng cũng là đường trọng yếu khi dùng binh.
[21a] TRẤN BIÊN HÒA
Lỵ sở trấn Biên Hòa khi xưa đặt ở địa phận thôn Phước Lư, huyện Phước Chánh, đất thấp nên hay có lụt. Năm Gia Long 15 (1816) dời lỵ sở qua gò cao thôn Tân Lân, quy hoạch ra làm thành sở, ngang dọc đều 200 tầm, trong chia thành hình chữ tỉnh, giữa dựng Vọng cung, hai bên phải trái có lầu chuông trống, chỗ chính giữa phía sau dựng 3 công dinh, rộng 80 tầm, mà chia ra làm 3 phần, chỉ dinh giữa rộng thêm 5 tầm, dài 60 tầm, 2 con đường phải trái đều 7 tầm, chung quanh xây tường gạch, làm dãy kho chứa gồm 31 gian lợp ngói xây gạch dày chắc, hai bên phải trái làm trại quân thừa ty, chia ra từng khu vực rất chỉnh tề.
LŨY TÂN HOA
Ở thôn Tân Hoa, tổng Chánh Mỹ. Năm Tân Mão (1771), trấn Hà Tiên thất thủ, quan Đốc chiến Nguyễn Đàm đắp lũy để phòng ngự đường tiến của sơn man Thủy Vọt, nền cũ nay vẫn còn.
[21b] LŨY TRÚC GIANG
Ở thượng lưu sông Trúc Giang thuộc tổng Chánh Mỹ, từ khi vùng này mới được mở mang, lũy này đã được đắp lên để chế ngự sơn man, dấu cũ nay vẫn còn.
LŨY TRE ĐÔNG GIANG
Ở phía nam sông Phước Giang thuộc tổng Chánh Mỹ, cách trấn về phía tây nam 50 dặm rưỡi, ngược lên cuối phía nam sông Đông Giang 4 dặm rưỡi, nguyên trước trồng tre gai làm hàng rào để ngăn sơn man, dần dần thành ra rừng tre rậm rạp ken nhau dài đến 10 dặm, đến nay vẫn còn xanh tốt.
LŨY PHƯỚC TỨ
Ở phía đông trạm Hương Phước, ngay giữa đường cái quan. Trước đây Chánh vương Cao Miên là Sô đóng ở thành Vũng Long ([41][41]), Phó vương là Non đóng ở thành Sài Gòn. Con trưởng của Sô là Bô Tâm không được làm vua, bèn giết cha tự lập làm vua, rồi sợ Non không phục sẽ cáo báo lên triều để xin binh hỏi tội mình nên đắp đồn đất Gò Vách, Nam Vang, kết bè nổi, giăng dây sắt để tự vệ, lại xin Xiêm La ứng viện, mưu đánh giết Non. Thế Non lúc bấy giờ rất nguy phải chạy qua [22a] nương tựa dinh Thái Khang ([42][42]), Bô Tâm bèn chiếm cứ Sài Gòn, mà quân Xiêm lại không đến như đã hứa, nên Bô Tâm đắp lũy đất ở vùng địa đầu Mô Xoài. Phía ngoài trồng tre gai, tăng thêm quân và voi để phòng thủ, thế rất vững. Trải hơn một năm thấy quân ta không hề động tĩnh quân lính, Bô Tâm trễ nải việc phòng bị, quân lính tứ tán ra ngoài đồng xa làm ruộng. Tháng giêng năm Giáp Dần (1674) đời Thái Tông thứ 27 (chúa Hiền Nguyễn Phúc Tần), Trấn thủ dinh Thái Khang là Nguyễn Triều Đắc đem việc trình lên, tháng 2 vua sai tướng của dinh Thái Khang là Nguyễn Dương xuất chinh, cử thêm Nguyễn Diên làm Cai cơ thống lãnh tiên phong và dụ rằng: dùng binh quý là thần tốc, phải mau chóng đi suốt ngày đêm. Tháng 3, Diên Lộc hầu đến trước ở lũy Mô Xoài, nhân khi chúng không phòng bị xông vào đánh úp, chiếm lấy, binh sĩ giáo không hề vấy máu; qua ba ngày bọn chúng tụ họp lại vây đánh rất gắt, Diên Lộc hầu đóng cửa lũy không đánh trả, rồi đại quân của Dương Lâm hầu đến mới hiệp lực ra đánh, quân Cao Miên thua to, chết và bị thương rất đông. Nhân vậy mới gọi là lũy Phước Tứ ([43][43]). Sau đại quân tiến đến Sài Gòn, qua tháng 4 [22b] hai đạo binh thủy lục liên tiếp phá hai đồn Gò Vách và Nam Vang, đốt phá cả bè nổi và dây sắt của quân địch, nghe uy danh của Diên Lộc hầu, quân Cao Miên đều run sợ, Bô Tâm trốn vào rừng sâu, bị đồ đảng bên vợ là bọn Chà Và giết chết, con thứ 2 của Sô là Thu ra đầu hàng, từ ấy Cao Miên mới yên.
Sau đó Diên Lộc hầu vì leo rừng lội suối, trải đủ gian nan hiểm trở, nên bị trọng bệnh rồi mất. Khi ấy báo tiệp và đem hết mọi việc tâu lên, vua sắc phong cho Thu làm Chánh vương, Non làm Phó vương như cũ, tặng cho Diên Lộc hầu chức Chưởng cơ, thụy là Trung Võ, ra lệnh lập đền thờ, cầu khẩn việc gì đều được linh ứng, người Cao Miên qua lại chỗ này đều lo bước vội không dám ngó thẳng vào.
Lũy ấy trải mấy đời đều thế và dùng làm đồn trọng yếu cho đạo Mô Xoài. Nay loạn lạc đã yên, bốn bề không còn thành lũy, tuy thành vách đã hóa ra ruộng vườn, mà bờ tre xưa vẫn xanh tốt, còn nhìn ra được dấu tích của lũy xưa.
[23a] NĂM ĐỒN ĐỒNG MÔN
Cách trấn về phía đông 63 dặm, năm Mậu Ngọ (1798), đầu thời Trung hưng, vâng mệnh đắp ở phía bắc đường lớn 4 đồn, phía nam một đồn, có hình như răng chó cài chế lẫn nhau, để ngăn phòng quân Tây Sơn vào Nam quấy nhiễu, chung quanh đều trồng tre rậm rịt xanh tốt. Năm Gia Long thứ 10 (1811), tre ở các lũy Đồng Môn, Trao Trảo và Ký Giang đều ra trái rồi chết, nay đã mọc lại. Xét sáchHoa kính chép: cây tre trong 60 năm có một lần thay rễ ra trái rồi khô chết, trái ấy rụng xuống đất rồi mọc trở lại, trong 6 năm mới thành ruồng tre, nay tính năm tuy không đúng lắm nhưng cái lý ấy cũng thấy có hiệu nghiệm.
LŨY TRAO TRẢO
Cách trấn về phía đông 80 dặm rưỡi. Năm Canh Tuất (1790), đầu thời Trung hưng, sửa sang việc nội trị, xây đắp thành lũy, đóng thuyền bè, phàm những chỗ trọng yếu trên đường bộ trước hết phải giữ thế hiểm, nên đắp lũy đất này dài độ 3 dặm, nằm ngang trên đường cái, nay vẫn còn.
LŨY SÔNG KÝ
Cách trấn về phía đông 90 dặm rưỡi. Tháng giêng mùa xuân năm Đinh Dậu (1777) đời Duệ Tông( Định vương Nguyễn Phúc Thuần) thứ 13, quân trinh thám báo tin quân Tây Sơn sắp kéo vào. [23b] Khi ấy Quận công Tôn Thất Xuân tới đóng đồn ở Mô Xoài, Chưởng cơ cai trưởng đà Nguyễn Đại Lữ đóng đồn ở núi Nữ Tăng (Thị Vải), Tiết chế Nguyễn Phúc Tuấn đóng đồn ở Ký Giang, Chưởng cơ Nguyễn Phúc Hựu đóng đồn ở Đồng Môn tạo thế dựa nhau. Tháng 3, Mục vương ([44][44]) cử Lý tướng quân đạo Hòa Nghĩa ở giữ đồn Phiên Trấn, còn Vương thì qua dinh Trấn Biên để điều độ việc quân. Ngày 16, bộ binh Nguyễn Huệ từ miền thượng đạo đến bao vây, phá vỡ 2 đồn Ký Giang và Nữ Tăng (Thị Vải), Phúc Tuấn và Đại Lữ đều chết, các đồn đều tan rã thua chạy, Tây Sơn thừa thắng theo đường Bến Than kéo xuống Phiên Trấn, rồi Gia Định cũng không giữ được. Năm Nhâm Tý (1792) thời Trung hưng, đắp sửa lũy ở bờ phía tây, ngang giữa đường lớn, dọc theo bờ sông ra phía bắc, dài 12 dặm rưỡi. Sông ấy chảy ra phía bắc đến suối Đại Tuyền rồi chảy quanh về nam rồi hợp lưu với sông Đảo Thủy ([45][45]), lấy sông dài làm hào để giữ lấy nơi hiểm yếu.
HUYỆN PHƯỚC CHÁNH
Công việc đơn giản, lỵ sở ở thôn Tân Hòa, chợ Sứ Lộ ([46][46]), tổng Chánh Mỹ, quy mô cũng như các huyện ở Phiên An.
HUYỆN BÌNH AN
Công việc đơn giản, lỵ sở ở ấp Phước Lợi, tổng Bình Chánh, quy mô như huyện trước.
[24a] HUYỆN LONG THÀNH
Công việc đơn giản, lỵ sở ở ấp Phước Lộc, tổng Thành Tuy, quy mô như các huyện trước.
HUYỆN PHƯỚC AN
Công việc xung yếu bề bộn hơn, lỵ sở ở thôn Long Điền, tổng Phú An, quy mô như các huyện trước.
DỤC TƯỢNG TRÌ (AO TẮM VOI)
Tục gọi là Bàu Thành, ở phía bắc lũy Phước Tứ, tổng Phước Hưng, huyện Phước An. Khi xưa là chỗ đồn binh của người Cao Miên Bô Tâm tắm voi, chung quanh đắp đê bằng đất, nay dấu cũ vẫn còn.
XƯỞNG THUYỀN
Khi trước ở chỗ bờ nam sông Phước Giang, trên khoảng đất rộng nhìn ra sông, có quan Kiên thủy đóng ở đó để phòng thủ, sau vì loạn lạc xưởng bỏ không, nay sửa đổi dựng xưởng mới ở thôn Phước Lư, là chỗ đất trấn thự cũ.
VĂN MIẾU
Ở địa phận hai thôn Bình Thành và Tân Lại huyện Phước Chánh, cách trấn về phía tây 2 dặm rưỡi. Đời vua Hiển Tông năm Ất Mùi thứ 25 (1715), (Lê Dụ Tông niên hiệu Vĩnh Thạnh năm thứ 11, Đại Thanh Khang Hy năm thứ 54), Trấn thủ dinh Trấn Biên là Nguyễn Phàn Long, Ký lục Phạm Khánh Đức chọn chỗ đất dựng lên ban đầu, phía nam nhìn ra sông Phước Giang, phía bắc [24b] dựa núi Long Sơn, núi sông đẹp đẽ, cỏ cây tươi tốt. Năm Giáp Dần thời Trung hưng (1794), Lễ bộ Nguyễn Hồng Đô vâng mạng làm Giám đốc trùng tu, giữa làm điện Đại Thành và cửa Đại Thành, phía đông làm miếu Thần ([47][47]), phía tây làm đền Dục Thánh, trước xây tường ngang, phía tả có cửa Kim Thanh, phía hữu có cửa Ngọc Chấn, chính giữa sân trước dựng gác Khuê Văn treo trống chuông trên đó, phía tả có nhà Sùng Văn, phía hữu có nhà Dị Lễ ([48][48]), mặt ngoài chung quanh xây thành vuông, mặt tiền làm cửa Văn Miếu, phía tả phía hữu có hai cửa Nghi Môn, rường cột chạm trổ thể chế rất tinh xảo, đồ thờ có những thần bài, khám vàng, bình vàng, chén lôi, mâm phủ quỹ đựng xôi, tộ đựng heo cúng, khay đựng dưa xổi, đều chỉnh tề và sạch đẹp ([49][49]). Trong vòng thành trăm hoa tươi đẹp nào là: thông, tùng, quít, bưởi, hoa sứ, mít, xoài, chuối, hồng xiêm, cành nhánh liền nhau rợp bóng, thân tàng to lớn sum suê. Thường năm chọn ngày Đinh hai mùa xuân và thu, vâng mạng vua, quan Tổng trấn chia phiên hành lễ, phân hiến hai bên thì dùng Trấn quan và Đốc học, ngoài ra đều là bồi tế, lệ đặt 50 lễ sinh và 50 miếu phu, tất cả đều lo làm phận sự.
[25a] MIẾU HỘI ĐỒNG
Nguyên trước miếu ở góc tây bắc của thành, mùa hạ năm Gia Long thứ 18 (1819) mới dời qua phía tây nam trước thành, nhà miếu đẹp đẽ, đồ thờ tự rất tề chỉnh tinh khiết, thường năm có lệ tế xuân thu và có chép vào Tự điển.
ĐỀN LỄ CÔNG
Ở phía nam cù lao Đại Phố, phụng thờ quan Khâm sai Thống suất Chưởng cơ Lễ Thành hầu Nguyễn Phúc Lễ ([50][50]), miếu vũ trang nghiêm, mặt trông ra Phước Giang, lấy tảng đá lớn làm thủy thành, dưới đấy có con cá chép to, đớp gió đùa sóng, bơi lượn khi ẩn khi hiện, lúc gió mưa nước vỗ vào tảng đá nghe ầm ầm, sóng cuộn ào ạt, càng thêm vẻ oai linh làm cho người nghe phải kính sợ. Từ loạn Tây Sơn, hương tàn khói lạnh, có người thuộc giới sĩ lâm trong trấn tên là Tấn qua đấy nhân cảm xúc mà đề bài thơ như sau:
PHIÊN ÂM:
Bạch thảo thê thê cổ tái trần,
Hoang thành duy ([51][51]) kiến dã hoa tân.
Thiên tương sự nghiệp quy tiền đại,
Địa dĩ sơn hà chúc hậu nhân.
Phong vũ vị khôi chinh chiến cốt,
Tử tôn trường thác loạn ly thân.
Bình sinh nhất trích tầm thường lệ,
Bất khốc trung thần khốc loạn thần ([52][52]).
DỊCH NGHĨA:
Cỏ bạc màu ủ ê giữa đám bụi nơi biên tái cũ,
Nơi thành hoang chỉ thấy hoa dại nở.
Trời đem sự nghiệp giao cho đời trước,
Đất lấy núi sông phó thác cho người đời sau.
Gió mưa chưa làm cho xương người chinh chiến thành tro,
Con cháu chịu gởi thân mãi cảnh ly loạn.
Giọt lệ tầm thường của đời người,
Không khóc vì bậc trung thần mà khóc vì kẻ trị yên nước.
TẠM DỊCH VẦN:
Ải cũ bụi bay cỏ bạc màu,
Thành hoang hoa tạp trổ xen nhau.
Trời đem sự nghiệp trao đời trước,
Đất lấy san hà gởi lớp sau.
Mưa gió chưa tàn xương chiến sĩ,
Cháu con lại vướng nạn binh đao.
Bình sinh giọt lệ tầm thường ấy,
Chẳng khóc trung cang, khóc công thần.
[25b] MIẾU QUAN ĐẾ
Nằm về phía nam cù lao Đại Phố, phía đông ngã ba đường, mặt trông ra Phước Giang, điện vũ nguy nga, tượng đắp cao hơn một trượng, phía sau là điện quán ([53][53]) Quan Âm, phía ngoài có tường gạch bao quanh, bốn góc có 4 con lân bằng đá ngồi xổm. Cùng với hội quán Phúc Châu đầu phía tây đường lớn và hội quán Quảng Đông ở dưới phía đông là 3 cái đền lớn. Từ loạn Tây Sơn nhân dân ly tán, 2 đền kia bị hoang phế, duy miếu nầy là của chung phố nên riêng được giữ gìn tồn tại. Nhưng đến mùa thu năm Kỷ Mùi (1799) Thế Tổ thứ 22 ([54][54]), ở Trấn Biên có lụt lớn, tượng bị nước ngâm rã mà rường cột và mái ngói trải lâu năm nên cũng đã hư mục. Năm Đinh Sửu (1817) niên hiệu Gia Long thứ 16, người làng họp bàn trùng tu nhưng không đủ sức, nhờ tôi thần đây([55][55]) đứng ra làm chủ việc ấy, vì cho thần là người sở tại của bản quán này. Ban đầu tôi thần cũng vì người mà miễn cưỡng nhận lời cho họ vui lòng, mà lòng thì vẫn chưa quả quyết. Đến khi dỡ miếu, trên cây đòn dông chính có đóng phụ vào một tấm ván, tuy mối mọt đã ăn mòn nhưng chữ khắc vẫn còn rõ, chỉ vì muội khói hương đèn lâu ngày làm tối mờ [26a]. Bảo nhẹ tay chùi rửa rồi xem kỹ, thì thấy nước sơn vẫn dày dặn bền bỉ, nét chữ rõ ràng, mặt trước kê tên 8 người chủ hội, trong ấy có tên họ ông nội của tôi thần, kỳ dư còn tên nhiều người nữa, đều không biết đó là ai, mặt sau khắc: ngày tốt tháng 4 năm Giáp Tý, niên hiệu Chính Hòa thứ 5 (1684). Cây đòn dông bên trái có một tấm ván khắc tên 11 người chủ hội, trong ấy có tên họ cha tôi thần, mặt sau khắc: ngày tốt tháng 2 năm Quý Hợi niên hiệu Cảnh Hưng thứ 4 (1743) nên tôi thần bàng hoàng hồi lâu, trong lúc đó có đông người dành xem, rốt lại tấm ván ấy liền tự rã ra, tôi thần đem tới trước miếu khấn vái rồi đốt đi. Tôi thần chạnh nghĩ rằng: thần linh với nhà tôi thần đã 3 đời có túc duyên, tôi thần này đâu dám không hoàn thành ước nguyện tha thiết của đời trước? Nên tôi thần cố kêu gọi mọi người cùng làm, sửa mới đắp lại pho tượng, sửa sang đồ thờ phụng, nay cũng đã tạm đầy đủ. Vậy xin ghi vào đây.
ĐỀN LONG VƯƠNG
Ở bờ nam sông Phước Giang cách thành về phía đông 15 dặm. Đời vua Hiển Tông (1691 - 1725), Chánh thống suất Nguyễn Vân đi đánh Cao Miên [26b], khi quân đến đây thấy có vực sâu hiểm, dưới lòng sông có đá ngầm, nước xoáy mạnh, sóng dữ, bỗng gió to, mưa lớn, rất nguy cấp, chiến thuyền hầu như khó an toàn. Bỗng thấy thấp thoáng có ngôi đền tranh nhỏ vắng vẻ trong lùm cây bên bờ sông, hỏi ra mới biết đó là đền thờ thần Long vương, Vân Thống suất bèn cầu đảo thầm, trong chốc lát trời lại tạnh sáng, thuyền đi qua đều yên ổn, lần đi nầy chỉ một trận là thành, nên ngày khải hoàn ngài cho tu bổ lớn lao để đền ơn, nay đền vẫn còn nguy nga, trông rất oai nghiêm.
ĐỀN DIÊN CÔNG
Ở tổng Phước Hưng, huyện Phước An, thờ Khai Biên (Trấn Biên) công thần Chưởng cơ Diên Lộc hầu Nguyễn công ([56][56]), có chép vào Tự điển.
ĐỀN GIÁP CÔNG
Ở trên đất Xích Ram, tổng Phước Hưng, huyện Phước An, thờ vị an biên công thần Ký lục kiêm Cai cơ Giáp Lãnh hầu của triều trước, tên có chép vào Tự điển nhưng sự tích và họ chưa được rõ.
ĐỀN NAM HẢI TƯỚNG QUÂN
Thần là loại cá voi nhân từ, không có vảy, đầu tròn trơn láng, đỉnh trán có lỗ phun nước ra như mưa, [27a] môi voi, đuôi tôm, dài đến 2, 3 trượng, ưa nhào lộn trên mặt biển, khi người dân thả lưới đánh cá, thường gọi thần mà cầu đảo, thì thần giúp đuổi bầy cá chạy cả vào lưới, mọi người rất biết ơn đức, có khi thần đi lầm vào lưới thì người đánh cá mở một mặt lưới mà kêu gọi dẫn ra, thần liền theo cửa lưới ấy mà ra biển cả! Những khi thuyền bè gặp sóng gió nguy hiểm, thường thấy thần dìu đỡ mạn thuyền bảo vệ người yên ổn. Hoặc thuyền bị chìm đắm, trong cơn sóng gió thần cũng đưa người vào bờ, sự cứu giúp ấy rất rõ. Chỉ nước Nam ta từ Linh Giang đến Hà Tiên mới có việc ấy và rất linh nghiệm, còn các biển khác thì không có. Có lẽ vì núi biển phương Nam thiêng liêng nhiều âm đức để cứu giúp sinh dân chăng? Thần từng được phong tặng Nam hải tướng quân Ngọc Lân tôn thần, chép vào Tự điển. Cá này nếu bị các loài cá dữ đánh bị thương rồi chết nổi trên bãi bể, thì dân miền biển gom góp tiền mua vải, quan quách để liệm, rồi lựa một người lớn tuổi trong làng chài (trùm làng chài) đứng làm hiếu chủ mặc tang phục lo chôn cất và dựng đền [27b] ngay bên mộ. Những chỗ có mộ cá ấy thì dân nơi đó được nhiều lợi, còn chỗ tuy không có mộ cũng lập đền thờ, dọc miền biển đều như thế.
ĐỀN NGŨ CÔNG
Ở đầu nguồn Thủy Vọt, đền thờ: Tà Mã Quốc công, Tà môn Quận công, Tà Nông Quận công, Tà Vẹt Quận công, Tà Khuông Quận công ([57][57]). Đền có tiếng là linh dị, những người đi qua đây đều phải sắm lễ vật cúng bái, ắt được yên lành. Những thần ấy là do lấy tên 5 cái thác hiểm theo tiếng Man để gọi, còn tôn hiệu phong tặng thì chẳng biết có từ thời nào. Nay cứ để như thế rồi sẽ khảo cứu sau.
CHÙA SẮC TỨ
Ở bờ nam Phước Giang, cách trấn về phía đông 8 dặm, do Chánh thống suất Nguyễn Vân kiến lập. Năm Giáp Dần đời Túc Tông Hiếu Ninh hoàng đế thứ 10 (Ninh vương Nguyễn Phúc Chú) (1734) (Lê Thuần Tông niên hiệu Long Đức thứ 3, Đại Thanh Ung Chính thứ 12), ngự ban biển ngạch chữ vàng, đề chữ: Sắc tứ Hộ Quốc tự ([58][58]), bên trái khắc: Long Đức tam niên. Tuế thứ Giáp Dần trọng thu. Bên phải khắc: Vân Tuyền Đạo nhân viết. [28a] Nét chữ mạnh mẽ; cảnh chùa trang nghiêm, cửa thiền thanh tịnh, thật là nơi lạc thổ của Nam tông (do Lục tổ Huệ Năng sáng lập). Sau bị Tây Sơn phá hủy tượng Phật, cột mái đều hư hỏng, nay làm nhỏ lại và lợp tranh, vẫn còn di tích.
PHỐ LỚN NÔNG NẠI
Ở đầu phía tây của cù lao Đại Phố, lúc mới mở mang, Trần Thượng Xuyên chiêu tập người thương buôn nước Trung Quốc đến lập ra phố xá, mái ngói tường vôi, lầu quán cao ngất, dòng sông rực rỡ, ánh nhật huy hoàng, liền nhau tới 5 dặm, chia làm 3 đường phố, đường phố lớn lát đá trắng, đường phố ngang lót đá ong, đường phố nhỏ lót đá xanh, toàn thể đường bằng phẳng như đá mài, kẻ buôn tụ tập, thuyền đi biển, đi sông đều đến cuốn buồm neo đậu, đầu đuôi thuyền đậu kế tiếp nhau, thật là một chỗ đô hội. Các nhà phú thương buôn to bán lớn chỉ ở đây là nhiều hơn, có người mà cả nước đều biết tiếng, như ông ngoại kẻ tôi thần là Lâm Tổ Quan, tên tự của ông tiếng Hoa ( Phước Kiến) đọc là Nại cho nên tục gọi là ông Nái (Nại). Ông người huyện Tấn Giang, phủ Tuyền Châu, tỉnh Phúc Kiến, gặp lúc Thế Tông (1738 - 1765) ( Võ vương Nguyễn Phúc Khoát) ban lệnh đổi sắc phục, vì hâm mộ vinh dự của áo mão (làm quan), nên cha con [28b] ba người cùng ngày dâng vàng xin làm Nội viện thị hàn, tiếng tăm đến tai vua, ngự khen là nhà phú hào; còn ông nội của tôi thần là Sư Khổng, người huyện Trường Lạc, Phúc Châu, bà nội tôi thần là Vương Thị Nghi tục gọi là Bà Nghi, cùng người họ Chu ở phủ Tứ Phong đều được xem là cự phách. Từ sau năm Bính Thân (1776), Tây Sơn vào chiếm, họ dỡ lấy phòng ốc, gạch đá, của cải chở về phủ Quy Nhơn, đất nầy trở thành vườn gò hoang. Sau khi Trung hưng tuy có người trở về, nhưng chưa bằng một phần trăm (mười phần ngàn) lúc trước.
KHO ĐIỀN TÔ (kho thóc thuế)
Ở bờ bắc Hậu Giang, kho làm dựa vào núi, ngày trước làm chỗ thu thuế trong hạt, đã được thay đổi, nay nền cũ vẫn còn.
BA KHO THUẾ BIỆT NẠP TÂN THẠNH, CẢNH DƯƠNG VÀ THIÊN MỤ
Ngày xưa đặt làm chỗ cho dinh Trấn Biên trưng thu tô thuế để chuyển về kinh, kho này ở bờ đông Tam Giang Nhà Bè. Từ năm Ất Mùi (1775) vua Duệ Tông (Định vương Nguyễn Phúc Thuần) lánh vào Gia Định thì bỏ 3 kho này, tất cả đều nạp vào kho chung Gian Thảo ([59][59]) để tiện việc chuyên chở cấp phát lương hướng. Còn các ngạch thuế của dân [29a] thì vẫn giữ nguyên để bảo tồn lệ cũ.
CHỢ NGƯ TÂN (CHỢ BẾN CÁ)
Còn gọi là chợ Bình Thảo, ở tổng Phước Vinh, khách buôn đông đúc, cả đường thủy và đường bộ đều thông suốt tới bến, hàng nước ngoài, thổ sản địa phương, sơn hào, hải vị không gì là không có, là một chợ miền núi rất đông đúc.
CHỢ THỦY VỌT
Ở tổng Bình Chánh, nhà cửa đông đúc, thuyền bè đến tận bến chợ, có nhiều sản vật ở núi rừng.
CHỢ BÀ LỊA (CHỢ BÀ RỊA)
Tục gọi Bà Địa, lại có tên là chợ Long Thạnh, nhà cửa liền nhau, đường thủy và đường bộ đều giao nhau, là một chợ lớn nơi miền biển đầm.
CHỢ BÌNH QUỚI (CHỢ THỦ THIÊM)
Thuộc huyện Bình An, là vùng ở tận phía nam của trấn nầy, mặt trông ra Bình Giang (sông Sài Gòn), đối diện trước thành Gia Định, thuyền bè đường sông biển đậu nối đuôi nhau, người ở đây sắm các loại ghe dài ngắn theo dòng nước đi bán cá thịt, đồ dưa quả và đồ ăn.
TRANG THUYỀN TỤ (XÓM SỬA GHE)
Ở bờ tây Tam Giang Nhà Bè. Khi xưa thuyền bè ở Trung Quốc ([60][60]) đến buôn bán mà bị hư hỏng rò rỉ, cần phải sửa sang hoặc đóng thuyền mới đều phải đến đây, tụ họp riết thành thôn xóm. Từ khi Tây Sơn kéo vào cướp phá mọi người dời đi chỗ khác, nay thành đất hoang.
QUÁN BÌNH ĐỒNG ([61][61]) (XỨ ĐỒNG CHÁY)
Ngày trước ở đây có trạm thôn Bình Đồng, nay đã dời đi nơi khác.
SƠN KHƯ NGỌ THỊ (CHỢ TRƯA GÒ NÚI) ([62][62])
Cách trấn về phía nam 37 dặm, lại đi về hướng nam một dặm nữa đến đầu bến đò Bình Giang, đây là vùng giáp giới của trấn Phiên An.
QUÁN BÌNH ĐÁN (XỨ BÌNH ĐÁN)
Tục gọi quán Mít, cách trấn về phía nam 21 dặm, quán chợ ít người, có bán điểm tâm.
THẠCH KIỀU (CẦU ĐÁ)
Ở phía tây bắc cách trấn nửa dặm, cầu xây bằng những tảng đá ong dài lớn chồng cài nhau gác ngang trên ruộng, dưới mở 3 cửa trống thông nước. Cầu dài 25 trượng, do thuộc trấn Trung bộ Cai cơ đội Lê Văn Hòa xây cất vào thời Thế Tông (Võ vương Nguyễn Phúc Khoát).
TÂN BẢN KIỀU (CẦU VÁN MỚI)
Ở thượng lưu Lộ Khê, tổng An Thủy, huyện Bình An, cách trấn về phía nam chừng 9 dặm. Tháng 6 năm Bính Thân (1776) đời Duệ Tông thứ 12( Định vương Nguyễn Phúc Thuần), Hữu phủ Kính quốc công Tống Phước Hợp qua đời, Lý tướng quân đạo Hòa Nghĩa mất người [30a] nương tựa, lại bị binh tướng Đông Sơn chèn ép kiếm chuyện, không dằn nổi phẫn uất, liền đem binh phản lại, họp thêm người Hoa trong hạt sung vào 8 đội ngũ được hơn 8.000 người, chia ra làm 4 sắc cờ: Lý Hiền tướng quân lãnh cờ vàng, Vương Nam tướng quân lãnh cờ trắng, Lý Lâm tướng quân lãnh cờ hồng và Trần Hổ tướng quân lãnh cờ lam. Lại còn mộ bắt người Minh Hương, Thanh Hà ([63][63]) cùng bọn côn đồ vô lại xưng hiệu là quân Trung Đạo chiếm cứ huyện Bình An, tha hồ cướp phá, bắt giết được người nào thì quân Trung Đạo mổ bụng ăn gan và ăn cả thịt, hung ác không đâu sánh kịp. Tháng 8, Đông Sơn Thượng tướng quân Đỗ Thanh Nhơn điều 5 tướng là Đỗ Hoành, Đỗ Kỵ, Đỗ Bố, Đỗ Bảng, Đỗ Nhàn đến đánh, quân họ Lý lui về dựa thế hiểm yếu ở núi Châu Thới. Thuở ấy binh Hòa Nghĩa dùng mác 8 thước ta, lưỡi như dao ở đầu cá đao vừa chém vừa đâm đều được, lại dùng dao lá bài, súng điểu thương làm môn sở trường, khi ra trận thì cột giấy vàng bạc và giấy tiền vào đầu, ý ắt chết. Quân Đông Sơn thì lấy [30b] thuốc vẽ năm màu ([64][64]) bôi mặt, cầm đuốc dầu rái và cán sào cột dây mây có cục gai vào đầu sào rủ xuống như đuôi chim trĩ, dùng đao dài dao ngắn làm món sở trường. Họ giao chiến ở chợ Bình Tiên, quân Hòa Nghĩa giả thua dụ quân Đông Sơn đến núi Châu Thới, phục binh ở cầu Ván Mới bất thình lình nổi dậy đánh giết, binh tướng Đông Sơn chết và bị thương không xiết kể, cả thầy dạy võ là Nguyễn Liễu Cửu cũng bị giặc giết. Bọn Đỗ Hoành sợ chạy về Sài Gòn, quân Hòa Nghĩa tới đóng tại chợ Thủy Vọt, tính kế vượt sông đánh úp dinh Phiên Trấn, gặp khi Mục vương từ Quy Nhơn chạy vào Gia Định, ra lệnh cho Tham mưu Nguyễn Khoáng đến báo tin, từ ấy quân họ Lý thừa thế thẳng xuống Phiên Trấn, bèn gây nên mối họa bức vua nhường ngôi, cùng tự chuyên lập vua khác.
TRẤN ĐỊNH TƯỜNG
Lỵ sở trấn Định Tường ở đất thôn Mỹ Chánh, tổng Kiến Thạnh, huyện Kiến Hòa. Ngày 18 tháng 2 mùa xuân năm Kỷ Mùi (1679) đời Thái Tông năm thứ 32 [31a] (Chúa Hiền Nguyễn Phúc Tần), tướng Long Môn là Dương Ngạn Địch từ nước Đại Minh sang kinh xin quy phụ. Vua sai Xá sai là Văn Trinh, Tướng thần lại là Văn Chiêu đưa dụ văn sang vua Cao Miên là Nặc Thu, bảo chia đất này cho đoàn Dương Ngạn Địch ở. Tháng 5, Văn Trinh dẫn cả binh biền Long Môn và thuyền bè đến đóng ở vùng Mỹ Tho, rồi xây dựng nhà cửa, qui tụ người Việt, người Thổ kết thành thôn xóm. Đến đời Hiển Tông (Nguyễn Phúc Chu) lập ra phủ trị ở phía bắc chợ, lệ thuộc vào dinh Phiên Trấn. Đời Duệ Tông (Nguyễn Phúc Thuần) cải đặt làm đạo Trường Đồn có một viên Cai cơ hoặc Cai đội và một Thư ký ở làm việc, sau nầy mới lập dinh trấn (xin xem rõ trong Cương vực chí), ấy là tùy thời mà dời đổi, hoặc nam hoặc bắc, hoặc tới hoặc lui cũng chẳng ngoài cuộc đất ấy, nhưng thành trì thì chưa đắp. Phía nam lỵ sở là chợ phố lớn Mỹ Tho, mái ngói cột chạm phủ, đình cao, nha thự ([65][65]) rộng, thuyền bè sông biển ra vào, buồm thuyền trông như mắc cửi, thật là nơi đô hội lớn phồn hoa huyên náo. Từ khi Tây Sơn chiếm cướp, nơi đây thành chiến trường, [31b] đốt phá gần hết. Từ năm Mậu Thân (1788) Trung hưng tới nay, người ta dần dần trở về, tuy nói trù mật, nhưng so với xưa thì chưa được phân nửa. Năm Nhâm Tý (1792), xây cầu bằng cây kè ngang qua sông để thông với đồn Kiến Định, năm Tân Dậu (1801) thì bị hỏng, nhưng lúc ấy loạn lạc đã yên, trong vùng không có việc khẩn cấp, mà dòng sông lại sâu, nước chảy xoáy mạnh nên không làm cầu lại, nay qua phải dùng đò ngang.
ĐỒN MỸ THO
Ở phía nam trấn chừng một dặm, trước kia đây là rừng hoang, là hang ổ của hùm beo. Năm Nhâm Tý (1792) thời Trung hưng mới đắp đồn vuông, chu vi 998 tầm, có mở 2 cái cửa bên phải và trái, ở cửa có cầu treo bắc ngang, hào rộng 8 tầm, sâu 1 tầm, bốn mùa nước đều ngọt, có nhiều cá tôm, dưới cầu có dòng nhỏ để thông với sông lớn Mỹ Tho, ngoài hào có đắp lũy đất có cạnh góc lồi lõm như hình hoa mai, mặt trước chân lũy ra 30 tầm đến sông Lớn. Trong đồn có kho gạo, kho thuốc súng, trại quân và súng lớn, tích trữ đầy đủ nghiêm túc. Mặt sông rộng lớn; năm Giáp Dần (1794) trên đồn đặt súng lớn, có bắn thử qua bờ sông bên kia [32a], cách xa 10 dặm mà cây cành trong rừng đều bị trốc gẫy, ấy là do đường đạn đi mạnh thế ([66][66]).
HUYỆN KIẾN HÒA
Công việc nhiều, trị sở ở thôn Mỹ Hóa, tổng Kiến Thạnh, ấy là chỗ huyện lỵ xưa, cách trấn 20 dặm rưỡi, nơi ấy gọi là Lương Quán, có chợ nhỏ. Từ khi Tây Sơn chiếm cướp, huyện bị hoang phế rất lâu, năm Gia Long thứ 19 (1820) ([67][67]) mới lập huyện lại ngay chỗ đất cũ, quy chế giống huyện ở Phiên An.
HUYỆN KIẾN ĐĂNG
Công việc nhiều và khó nhọc, trị sở ở thôn Mỹ Đức Đông, vùng sông Thi Giang, quy mô như huyện trên.
HUYỆN KIẾN HƯNG
Trị sở ở địa phận thôn Tân Lý Tây, chỗ đồn cũ Kiến Định, quy mô cũng giống các huyện trên.
CHỢ LƯƠNG PHÚ (CHỢ BẾN TRANH)
Cách trấn về phía đông hơn 14 dặm, quán xá đông đúc. Bánh tráng ở chợ nầy dày, lớn, thơm, giòn mà giá rẻ, người qua lại đây thường mua đem đi làm quà tặng nhau, có tiếng khắp xa gần. Đầu chợ phía đông có Bến Chùa, ở đó đều là những nhà bán lúa gạo, thuyền bè đi mua gạo do đó thường đậu chùm nhum ở đây, cũng gọi là một chợ lớn.
[32b] CHỢ HƯNG LỢI (CHỢ VŨNG GÙ)
Ở phía nam sông Bảo Định, phố xá liền nhau như vẩy cá. Chợ trông ra sông lớn, kẻ qua lại thường đậu thuyền ở đây đợi con nước lên rồi theo dòng nước đi xuống đông hay là lên tây, cho nên trên sông có nhiều xuồng chở bán đồ ăn, trong ấy có người bán thịt lợn luộc chín gọi là thịt Bái Đáp, vì làng Bái Đáp thuộc huyện Quảng Điền, kinh đô Phú Xuân chuyên nghề làm heo bán thịt mà có cách luộc ăn rất ngon béo, người ở chợ nầy bắt chước làm theo, cũng gọi là thịt Bái Đáp.

TRẤN VĨNH THANH (Sự thay đổi xin xem rõ ở Cương vực chí)
Vào tháng 2 năm Quý Dậu niên hiệu Gia Long 12 (1813), khâm mạng, Trấn thủ Lưu Phước Tường đắp thành đất. Lưng hướng Kiền (hướng tây bắc), mặt hướng Tốn (hướng đông nam), từ phía nam qua phía bắc cách 200 tầm, từ đông qua tây cũng vậy, chỗ giữa của bốn mặt thành lõm vào, phía ngoài có thành cong bao vòng chỗ cửa hình như đầu cái khuê ([68][68]), bốn góc thành có sừng nhọn như hình kim quy, hay như hình hoa mai. Trong thành có 2 con đường dọc, 3 con đường ngang, trước [33a] dựng hành cung, ở giữa là 3 công thự, sau có kho chứa, trại quân và nhà thừa ty đều ở hai bên phải và trái. Hào rộng 10 tầm, phía trái thành là sông Long Hồ, phía phải là Ngư Câu (Rạch Cá), mặt sau là dòng sông lớn Tiền Giang, mặt trước thành có đào ngòi cừ sâu, dài 425 tầm, bề ngang 40 tầm thông với sông Long Hồ và Ngư Câu (Rạch Cá) để làm hào ngoài thành. Góc thành phía đông có đường cái quan dọc theo sông, phía trái là sứ quán, phía phải là chợ Vĩnh Thành, ngòi chảy ngang đầu đường cái quan, bắc cầu dài, đi ngang lỵ sở cũ, qua cầu sông lớn Long Hồ, đến chợ Long Hồ. Ở ngoài bờ ngòi góc phía nam là xưởng thủy quân, bên ngoài có đồn nhọn góc ba mặt bao theo, góc phía tây nam ngòi có bắc cầu thông qua, mặt sau giáp sông, có nhà cửa tiệm quán, thật là nơi trọng yếu bề thế đẹp đẽ.
ĐỒN CHÂU ĐỐC
Ở phía đông sông Vĩnh Tế thuộc Hậu Giang, cách trấn về phía tây 326 tầm. Niên hiệu Gia Long 14 (1815), Trấn thủ Vĩnh Thanh là Lưu Phước Tường phụng sắc điều quân dân trong trấn hạt gồm 3.000 người, mỗi tháng cấp cho mỗi người 2 quan tiền và một vuông rưỡi gạo. [33b] Ngày 4 tháng 12 khởi công đắp đồn dài hình lục giác, từ trước đến sau 324 tầm, từ trái qua phải 164 tầm, hai bên phải trái đều có hai cửa, mặt sau một cửa, bề cao 7 thước ta, chân dày 6 tầm, ngọn túm bớt 5 thước ta, có hai bậc, lưng tựa hướng Kiền, mặt hướng Tốn, phía phải giáp sông lớn, 3 phía trước sau và trái có hào rộng 20 tầm, sâu 11 thước ta, thông với sông cái. Trong đồn có phòng lính ở, kho chứa, súng lớn và quân khí đầy đủ, lấy quân trong 4 trấn và đồn Oai Viễn mỗi phiên 500 người đến đóng giữ, nằm ngang đối diện có đồn Tân Châu ở Tiền Giang cách về phía đông 32 dặm rưỡi, phía tây cách trấn Hà Tiên hơn 203 dặm, phía bắc cách thành Nam Vang 244 dặm rưỡi, thật là một nơi biên phòng trọng yếu vậy.
ĐỒN CHÂU GIANG
Trước là thủ sở Châu Đốc, ở đầu mõm cồn là vùng đất bị nước vỗ chụp, thường bị nước lụt xoáy mạnh sụt lở, mà lại sóng gió ì ầm, thương thuyền đến dừng nghỉ không tiện. Mùa xuân niên hiệu Gia Long thứ 17 (1818), vua ban chỉ cho Trấn thủ trấn Vĩnh Thanh là Nguyễn Văn Xuân xem xét địa điểm, dời lên vùng thượng lưu cách chỗ cũ một dặm, đắp đồn đất vuông, tựa [34a] hướng Quý (hướng bắc) mặt trông đến hướng Đinh (hướng nam), mỗi mặt 30 tầm, cao 6 thước 5 tấc ta, chân dày 3 tầm, ngọn túm bớt 4 thước ta, chỗ chính giữa mặt đồn đều đắp nhọn ra như hình bát giác. Mặt phải mặt trái chỗ gần góc mặt tiền đều mở một cửa, hào rộng 3 tầm, có lũy dài 4 tầm, mặt trước bên phải cách sông 35 tầm, đổi tên lại là đồn Châu Giang, làm chỗ đóng quân để phòng thủ.
HUYỆN TÂN AN
Công việc nhiều và khó nhọc, ở địa phận thôn Phước Hạnh xứ Ba Vát cách trấn về phía đông 121 dăm, trông ra sông. Chợ Ba Vát phố xá đông đúc, quy mô huyện nầy cũng như các huyện ở Phiên An. Trước đây vào tháng 3 năm Đinh Dậu (1777), Tây Sơn vào cướp; tháng 7, Mục vương chạy đến đây, Tây Sơn vây chặt mấy lớp, lúc ấy Quận công Tôn Thất Chất, Nội tả chưởng dinh Nguyễn Mẫn, Chưởng cơ Tống Phước Hựu đều bị bệnh mất cả, duy còn Điều khiển Tống Phước Hòa một mình chống giữ, nhiều phen phá được quân địch, quân thanh khá chấn động, nhưng ngặt nỗi 4 mặt đều có quân địch, thế cô không người tiếp viện. Đến tháng 8, địch thêm quân đánh rát, quan quân đuối sức, Mục vương bị địch bắt đi, Tống Phước Hòa phải chết vì quốc nạn, thật đáng thương thay!
[34b] HUYỆN VĨNH AN
Công việc nhiều và khó nhọc, trị sở ở thôn Vĩnh Phước, chợ Sa Đéc, quy mô như huyện trước.
HUYỆN VĨNH BÌNH
Công việc nhiều và khó nhọc, trị sở ở đất hai thôn Tân Hiệp và Phú An, xứ Mân Thít, quy mô như các huyện trước.
HUYỆN VĨNH ĐỊNH
Công việc khó khăn, trị sở tại đất thôn Tân An, xứ Cần Thơ, quy chế như các huyện trước.
MIẾU HỘI ĐỒNG
Ở địa phận phường Sùng Văn, huyện Vĩnh An, rường cột bằng gỗ thông, gỗ đàn, hiên vách đều sơn chạm trang trí tốt đẹp, dùng làm đàn tế lễ, hàng năm có 2 lần tế xuân và thu, trấn quan chiếu theo nghi thức để hành lễ, có chép vào Tự điển.
ĐỀN LỄ CÔNG
Ở trên cù lao lớn sông Hậu Giang, tháng 7 năm Kỷ Mão (1699) đời Hiển Tông thứ 9 (Quốc chúa Nguyễn Phúc Chu), (năm thứ 20 niên hiệu Chính Hòa đời Lê Hy Tông, năm thứ 36 Đại Thanh Càn Long), Nặc Thu người nước Cao Miên đắp lũy Gò Vách, Nam Vang và Cầu Nôm, rồi cướp bóc dân buôn. Tướng Long Môn là Thống binh Thắng Tài hầu Trần Thượng Xuyên đang giữ Doanh Châu đem việc ấy báo lên. Tháng 11, Chưởng cơ Lễ Thành hầu Nguyễn công ([69][69]) và Tham mưu Cẩm Long hầu Phạm công điều động Lưu thủ dinh Trấn Biên là Nguyễn Hữu Khánh và biền binh 2 dinh Quảng Nam, Bình Khang cùng tướng sĩ Long Môn [35a] đến đóng ở Tân Châu để dò xem tình hình giặc hư thật thế nào, rồi tháng 3 năm Canh Thìn (1700) kéo quân thẳng đến lũy Nam Vang. Quân địch bày trận chờ đợi, Lễ công đứng đầu thuyền rút gươm chỉ huy ba quân tiến vào, tiếng súng đại bác nổ vang như sấm. Do Nặc Thu lui trước nên quân Cao Miên không đánh mà tự tan, quan quân phá luôn lũy Gò Vách, Nặc Yêm ra đầu hàng. Lễ công vào đồn vỗ yên nhân dân. Tháng 4, Nặc Thu đến trước quân dinh xin chịu tội, Lễ công lấy lời thành thực an ủi, lịnh cho Thu về lại La Vách chiêu tập dân lưu tán, Lễ công kéo quân về cù lao Cây Sao (cù lao này xưa có nhiều cây sao, tức nay là cù lao Ông Chưởng) làm tờ báo tiệp và chờ lệnh.
Đêm 26 tháng ấy bỗng có gió mưa tầm tã, đất đầu cù lao bị sụt lở, tiếng vang như sấm lớn. Đêm ấy Lễ công nằm mộng thấy một người cao lớn mặc áo gấm, tay cầm cái búa Việt màu vàng, mặt đỏ như son, mày râu bạc trắng, đến trước ông bảo rằng: Tướng quân hãy kéo quân về sớm, không nên ở lâu nơi ác địa nầy. Công thức dậy, cảm thấy dã dượi nhưng vì việc ngoài biên chưa xong, bọn yêu nghiệt còn ẩn núp chốn núi rừng. [35b] Công đang trù trừ chưa quyết định thì ba quân bỗng bị phát bệnh dịch mà chính Công cũng bị nhiễm nhẹ, dần dần hai chân mất hẳn cảm giác, không ăn uống được. Gặp ngày Đoan ngọ (ngày 5 tháng 5), Công miễn cưỡng ra dự tiệc để khen lao tướng sĩ, rồi bị trúng gió mà thổ huyết, bệnh tình càng trầm trọng. Ngày 14, Công kéo binh về, ngày 16 đến Sầm Giang (Rạch Gầm) thì than ôi! Công từ trần. Quan quân chở quan tài về dinh Trấn Biên tạm quàn ở đấy ([70][70]), tâu trình sự việc lên vua. Vua nghe tin lấy làm thương tiếc than thở hồi lâu sắc tặng là Hiệp tán Công thần đặc tiến Chưởng dinh, thụy là Trung Cần, thọ được 51 tuổi. Người Cao Miên lập miếu thờ Công ở đầu cù lao Nam Vang. Cù lao nơi Công dừng binh, nhân dân cũng lập đền thờ và gọi tên cù lao ấy là cù lao Ông Lễ, còn chỗ dừng quan tài ở dinh Trấn Biên cũng lập miếu thờ, các miếu ấy đều rất linh ứng. Phải chăng do lòng trung thành chính khí của Công cùng trời đất bàng bạc khắp nơi vậy.
Còn Trần tướng quân nhiều phen giao chiến làm cho quân địch phải kiêng sợ, sau cũng được lập đền thờ ở đó và ở xã Tân An dinh Phiên Trấn. [36a] Tại thôn Tân Lân, dinh Trấn Biên mọi người đều ngưỡng mộ công khai khẩn của Lễ công nên hương khói không bao giờ dứt.
CHỢ LONG HỒ
Cách trấn về phía đông 1 dặm, hai mặt giáp sông, chợ lập ra vào năm Nhâm Tý đời Túc Tông (Đỉnh Quốc công Nguyễn Phúc Chú) ([71][71]) năm thứ 8 (1732), phố xá liền nhau, hàng hóa tụ tập đủ cả trăm món, dài đến 5 dặm, ghe thuyền đậu đầy bến, miếu thần, đình làng mọc lên, đàn hát náo nhiệt, là phố chợ lớn trong trấn.
CHỢ SA ĐÉC
Ở về phía đông phố huyện Vĩnh An. Phố chợ nằm dọc theo bờ sông, nhà cửa nối nóc chọi mái nhau san sát như vảy cá kéo dài đến 5 dặm, dưới sông có những be tre, gác làm phòng ốc, đậu sát thành hàng, hoặc bán hàng tơ đoạn cùng đồ dùng từ nam bắc chở đến, hoặc bán các thứ dầu rái, than, mây, tre, khô, mắm v.v... trên bờ dưới sông có trăm thứ hàng hóa tốt đẹp, thật là nơi phồn hoa tráng lệ, nhìn lóa mắt thỏa lòng.

[38b] TRẤN HÀ TIÊN
Trấn thự Hà Tiên, nằm hướng Kiền (tây bắc) trông ra hướng Tốn (đông nam) lấy núi Bình Sơn làm gối, Tô Châu làm tiền án, biển cả Minh Hải làm hào phía nam, Đông Hồ làm hào phía trước, ba mặt có lũy đất từ Dương Chử đến cửa hữu dài 112 trượng rưỡi, từ cửa hữu đến cửa tả dài 153 trượng rưỡi, từ cửa tả đến xưởng Thuyền ra Đông Hồ 308 trượng rưỡi, các lũy nầy đều cao 4 thước ta, dày 7 thước ta, hào rộng 10 thước ta. Ở giữa làm công thự, vọng cung, lại ở trước công thự, hai bên đặt dãy trại quân, trước sân có cầu Bến Đá, phía trái có sứ quán, phía phải có công khố. Dinh Hiệp trấn ở chân núi Ngũ Hổ, ngoài vọng cung về phía trái có chợ trấn, phía trái công thự có đền Quan Thánh, sau thự có chùa Tam Bảo. Bên trái chùa có đền thờ Mạc công. Chợ trấn trông về đông là bến hồ, ở đó có trại cá, phía bắc công khố là miếu Hội Đồng, phía bắc miếu có xưởng sửa thuyền, chia thành khu ngang dọc, lấy đường lớn làm ranh; phía tả miếu Quan Thánh là phố Điếu Kiều, đầu [37a] bến có bắc cầu ván thông ra biển tiếp với hòn Đại Kim, phía đông phố Điếu Kiều là phố chợ cũ, qua phía đông chợ này là phố chợ Tổ Sư, kế nữa là phố lớn, tất cả đều do Mạc Tông gầy dựng từ trước. Đường sá giao nhau, phố xá nối liền, người Việt, người Tàu, người Cao Miên, người Chà Và đều họp nhau sinh sống, ghe thuyền ở sông biển qua lại nơi đây như mắc cửi, thật là nơi đại đô hội ở dọi biển vậy.
ĐẠO LONG XUYÊN (CÀ MAU)
Lỵ sở ở phía bờ đông trấn thự, giáp biển cả. Biển có nhiều thứ cá lớn, ở sông có nhiều cá sấu. Vốn là đất cũ của Cao Miên gọi là Tứk Kha Mâu ([72][72]), người Hoa gọi là Hắc Thủy, đất ở đây thường ẩm thấp phải gác gỗ để ở (nhà sàn). Ban đầu Mạc Cửu đặt làm đạo. Niên hiệu Gia Long thứ 7 (1808) mới đặt làm huyện, chia làm hai tổng cũng trực thuộc về đạo. Quan viên đặt một văn, một võ. Về võ thì có Cai cơ hoặc Cai đội, còn văn thì có Tham luận hoặc Thư ký cùng nhau giữ gìn đạo. Quản lý việc thu thuế và xử lý việc ngục tụng thì có các thuộc lại được đội Long Quang tùng sự. Phía trước lỵ sở của đạo là phố chợ, người Việt, người Tàu và người Cao Miên tụ tập đông đúc, tàu Xiêm La thường đến mua bán, đổi chác hàng hóa. Về phần đem sức ra mà khẩn đất hoang thì người Tàu là cần mẫn nhất, mà cả việc đánh lưới biển, chận đăng sông, cùng buôn bán quan trọng cũng do người Tàu chủ trì.
ĐẠO KIÊN GIANG
Tại phía đông trấn, tục gọi là Đầm Cùng (Cùng Đàm), phía nam thông với cảng Lịch Giang (Rạch Sỏi), trước là chỗ hoang vắng, nay quan binh trú đóng, thương lữ hội tập, đặt một huyện, hai tổng, lãnh đạo bởi một quan văn và một quan võ, còn việc thu thuế và xử án thì có các thuộc lại được quân Kiên Nghị tùng sự, là đất phồn thịnh, các công sai phòng hải, cùng sứ giả Xiêm La luôn tới lui.
MIẾU HỘI ĐỒNG
Ở bên cạnh lỵ sở đạo Long Xuyên, các thứ như bảng vàng, tú bình ([73][73]), cửa son, phòng kín, đều màu sắc đẹp đẽ thanh khiết, phụng sự linh thần trong tam giới, thật là linh ứng được ghi trong tự điển.
MIẾU HẢI LINH
Ở trên núi Bạch Thạch thuộc đạo Long Xuyên, mặt trông ra vũng biển, vách rồng đàn phượng([74][74]) rất nguy nga rực rỡ, thờ linh thần sông biển, dân địa phương sùng bái kính cẩn, thường được linh ứng.
CHÙA TAM BẢO
[37b] Chùa Tam Bảo ở sau trấn thự, cảnh chùa rộng rãi, tượng Phật to lớn, chùa do Thống binh Mạc Cửu dựng lên từ buổi đầu. Thân mẫu Mạc Cửu là Thái phu nhân tuổi ngoài 80 tựa cửa nhớ con tha thiết, từ Lôi Châu cưỡi thuyền vượt biển đến, Mạc Cửu giữ mẹ lại phụng dưỡng. Phu nhân vốn mộ đạo Phật, lòng rất thành kính, nhân ngày lễ tắm Phật, phu nhân vào chùa cúng dường chiêm bái, trong khoảnh khắc bỗng hóa ([75][75]) trước điện Phật. Mạc Cửu theo lễ chôn cất tại núi Bình Sơn, rồi đúc tượng mẹ bằng đồng thờ tại chùa này ([76][76]) nay tượng vẫn còn.
AO THỔ VŨ
Ở sau miếu Quan Thánh trong trấn thành, diện tích rộng sâu hơn một mẫu, vườn rau ở phía nam, nước tưới được dẫn từ đây đến đầy dẫy, trong ao có nhiều cá.



________________________________________
([1][1]) Không chỉ toàn bộ vùng đất Nam Bộ
([2][2]) Bản in kèm bản dịch VSH chép "cao 10 thước ta" (高十尺). Bản VHN lưu trữ đều chép cao 13 thước ta.
([3][3]) Bản Nguyễn Tạo và VSH viết chữ 樹. Bản của VHN viết chữ ¸. Cả hai chữ đều đọc là thụvà đều có nghĩa là "dựng lên".
([4][4]) Bản dịch của VSH chép là "Năm Gia Long thứ 6 (1807)" (Bt).
([5][5]) Bản in kèm bản dịch VSH chép Càn Khảm hiểm lộ, không có chữ Nguyên.
([6][6]) Thuyền thật lớn là tàu. Trong Nam gọi thuyền lớn là ghe, thuyền nhỏ là xuồng.
([7][7]) Tế mã (祭禡): Khi đoàn quân dừng tại đâu, sợ xúc phạm đến thần nơi đó, nên phải cúng tế gọi là mã (禡). Thiên Vương chế ở sách Lễ chép: "Tế mã nơi chỗ quân chinh phạt".
([8][8]) Kỳ đạo tế (旗纛祭): Kỳ đạo là cờ tiết mao, là cờ cái cắm ở trung quân, cũng đọc là kỳ độc. Kỳ đạo tế là lễ cúng cờ cái trước hàng quân khi xuất chinh.
([9][9]) Giác Ngư đồn (角魚屯): Giác ngư là con cá trê. Chữ giác (角) không phải có nghĩa sừng mà là ngạnh. Con cá trê có hai cái ngạnh nên gọi là giác ngư. Đồn Giác Ngư là đồn Cá Trê.
([10][10]) Tức đời Chúa Nguyễn Phúc Chu.
([11][11]) Trung dinh tức dinh của Trấn thủ.
([12][12]) Bản kèm bản dịch Nguyễn Tạo chép 65 dặm (六十五里). Bản kèm bản dịch VSH lại chép 5, 6 chục dặm (五,六十里)
([13][13]) Cây si, tên chữ là dong thọ, cũng gọi là cây đa, cây da.
([14][14]) Võ Tánh và Ngô Tùng (Tòng) Châu là hai đại thần tuẫn tiết chết theo thành khi thành Qui Nhơn thất thủ.
([15][15]) Tức Công chúa Ngọc Du, em gái của Gia Long (Bt).
([16][16]) Tức Trần Quang Diệu, võ tướng của Tây Sơn.
([17][17]) Cả hai bản nguyên văn của VHN và VSH đều chép nhầm là Lê Tông Chất (黎宗質) nhưng bản Nguyễn Tạo chép Lê Văn Chất và qua sử sách xác định là Lê Văn Chất (黎文質), vậy xin dịch Lê Văn Chất.
([18][18]) Thần Nam Hải tức thần cá voi, còn gọi là cá Ông.
([19][19]) Hà Bá, Thủy Quan, Ngọc Lân là các thần sông gốc thủy tộc ở triều đình Long vương theo tín ngưỡng dân gian.
([20][20]) Cả ba bản nguyên văn đều chỉ viết Dương Văn soạn (楊文撰), nhưng sử sách xác định sách này do Dương Văn An soạn.
([21][21]) Chữ Tri (知) trong ngữ cảnh này có nghĩa là chủ, là người chỉ huy. Vậy Tri Binh chính viện là làm Trưởng viện Binh chính cũng như Tri huyện là làm trưởng một huyện, tức quan đầu huyện.
([22][22]) Tướng người Hoa Lý Tài - Nghĩa Hòa đoàn ép Định vương làm Thái Thượng vương nhường ngôi cho Mục vương Nguyễn Phúc Dương lên ngôi làm Tân Chánh vương.
([23][23]) Trong Thiền tông ngũ gia là "Qui Ngưỡng, Lâm Tế, Tào Động, Vân Môn và Pháp Nhãn" thì tông Lâm Tế truyền ra nước ngoài sâu rộng nhất. Riêng ở Đồng Nai thì ảnh hưởng của hai tôngLâm Tế và Tào Động đến nay hãy còn sâu đậm.
([24][24]) Nguyên văn: Già Lam, là từ gọi tắt tiếng Phạn Tăng già lam ma, dịch nghĩa là "chúng viên", tức khu vườn nơi tăng chúng tụ lại tu học. Sau gọi chùa chiền là Già lam.
([25][25]) Bản dịch của VSH chép: "Năm Gia Long thứ 15 (1816)" (Bt).
(4) Mua mão: Tức mua sỉ, mua trọn.
([26][26]) Chữ (礫) có nghĩa là sạn, hay sỏi. Vì chưa có điều kiện đi tới địa phương này để xác định người nơi ấy xưa kia gọi đây là bến Sạn hay Sỏi. Nay xin ghi cả hai tên.
([27][27]) Ngược lại, có một số địa phương ở Nam bộ còn giữ được tên như sông Đốc Vàng, sông Bà Kí, chợ Bà Hom, chợ Bà Quẹo, chợ Bà Chiểu, và trại Ông Yệm! v.v... Bổ sung thêm một số địa phương chỉ còn tên chức vụ như cầu Ông Lãnh, cù lao Ông Chưởng, cảng Ông Đốc.
([28][28]) Nguyên văn viết (詑). Đây là chữ Nôm, có thể đọc sá hay xá.
([29][29]) Phải chăng La Vách là Lovek ở phía bắc Oudong? Từ La Vách cũng chỉ vùng Long Hồ, Long Xuyên, nhưng đọc toàn mạch văn tiếp theo đoạn nói về cầu Cao Miên thì có lẽ thành La Vách là Lovek ở phía bắc Nam Vang.
([30][30]) Lời xưa rằng: mặt trời mặt trăng tuy sáng, khó soi thấu dưới lòng cái chậu úp (Nhật nguyệt tuy minh, nan chiếu phúc bồn chi hạ日月雖明難照覆盆之下)
([31][31]) Tức Trần Thượng Xuyên.
([32][32]) Tức đảo Hải Nam, Trung Quốc.
([33][33]) Cả hai bản nguyên văn của VSH và bản của Nguyễn Tạo đều chép đến tháng 12 thì mất (十二月) e không chính xác vì khi chỉ tháng 12 (tháng chạp) người ta thường viết là lạp nguyệt (臘月).
([34][34]) Nguyên văn viết Phiên dân (藩民) nghĩa là dân nước Phiên thuộc, tức chỉ dân Cao Miên vì Cao Miên lúc này là Phiên thần của Việt Nam.
([35][35]) Tức Tĩnh Đô vương.
([36][36]) Tức Hoàng Ngũ Phúc.
([37][37]) Tịnh là con dòng chính của Nguyễn Siêu Quần, người huyện Phù Ly. Siêu Quần tự là Thuần Nhất, biệt danh Bất Nhị, rất nổi tiếng lý học, thông thạo thuật dùng binh, môn nhân gọi là Siêu Quần tiên sinh.
([38][38]) Nguyên văn: Huệ tương cam tâm, nếu mà dịch là "Huệ phải đành lòng": là hiểu thành ngữ này theo ngữ khí Việt Nam. Thành ngữ Tương cam tâm ở Hán văn không có nghĩa "phải đành lòng" như người Việt mình thường hiểu nhầm mà có nghĩa là "muốn giết chết". Thành ngữ này trongLiêu Trai chí dị, Bồ Tùng Linh dùng rất nhiều, và đa phần dịch giả Việt Nam mình đều dịch là "Mới vừa lòng, mới hả dạ".
([39][39]) Chữ境trong Nam quen đọc Kiểng, ngoài Bắc đọc Cảnh.
([40][40]) Chữ Nôm ở nguyên văn viết哥啵, bản VSH dịch là Cà Rá nhưng chữ Nôm Cà Rá lại viết là ¹鋁. Vậy tạm dịch là Kha Pha.
([41][41]) Nguyên văn viết Vũng Long nhưng phải đọc là Vũng Luông.
([42][42]) Thái Khang dinh nay là đất Khánh Hòa (Nha Trang - Phú Yên).
([43][43]) Phước Tứ: ý được ban phước, tức không đánh đổ máu mà được, ta có thể dịch thoáng là "lũy trời cho" (福賜).
([44][44]) Mục vương Nguyễn Phúc Dương là con của Tuyên vương Nguyễn Phúc Hiệu.
([45][45]) Theo Trương Vĩnh Ký trong PCGBC thì sông này là sông Nước Lộn, tên chữ là Thủy Hiệp giang. Trịnh Hoài Đức viết Đảo Thủy là dịch ý Nước Lộn.
([46][46]) Sứ lộ (使路) tức đường Sứ giả, viết theo Nôm là塘使.
([47][47]) Nguyên văn cả hai bản VSH và VHN đều chép nhầm là Thần khố (神庫) thay vì Thần miếu (神廟)
([48][48]) Dị lễ (肄禮): Là học tập lễ nghi. Dị nghiệp là học tập nghề nghiệp.
([49][49]) Nguyên văn: thần bài (bài vị ghi danh tước thần). Kim khám (trang thờ thần). Tôn (bình giềng vàng). Lôi (chén uống nước có vẽ hình mây sấm). Phủ quỹ (mâm đựng xôi cúng thần). Biên (tộ đựng muông sinh cúng thần). Đậu (khay đựng dưa xổi cúng thần).
([50][50]) Khâm sai Thống suất Chưởng cơ Lễ Thành hầu Nguyễn Phúc Lễ là Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh (Kính). Phúc Lễ là tên tục của ngài!
([51][51]) Nguyên văn bản in kèm bản dịch Nguyễn Tạo chép duy kiến惟見. Hai bản của VSH và VHN đều chép di kiến遺見. Cả hai chữ duy (惟) và di (遺) đều hợp nghĩa.
([52][52]) Loạn thần (亂臣): chữ loạn ở từ đôi này có nghĩa là "trị yên" chớ không phải là "làm loạn", như câu Võ vương hữu loạn thần thập nhân (武王有亂臣十人) là: vua Võ có mười bầy tôi có tài trị yên nước.
([53][53]) Nguyên văn Hậu Quan Âm quán (後觀音觀) có nghĩa là phía sau có điện quán Quan Âm, tức chùa Quan Âm.
([54][54]) Nguyễn Ánh lên ngôi tại Gia Định năm 1778 nên Thế Tổ Cao Hoàng năm thứ 22 là năm1799.
([55][55]) Chỉ tác giả sách này là Trịnh Hoài Đức.
([56][56]) Diên Lộc hầu tức Cai cơ Nguyễn Diên có công đánh chiếm lũy Phước Tứ.
([57][57]) Tiếng Khơ me gọi người lớn tuổi là Tà, các bậc thần cũng gọi là Tà như miếu ông Tà chẳng hạn. Tiếng Khơ me gọi đủ là Nặc Tà (Nec Ta) nghĩa là Tà thần. Người Khơ me thờ ba tôn vị, đó là Préa (Phật Đà, tức đức Thích Ca Mâu Ni), Nec Ta tức Tà thần vừa nói ở trên và Á Rặc (tức Ma quỷ). Xây Á Rặc là kiểu lên đồng của Khơ me, cấm người lấy ống lá đu đủ xoi vách xem lén qua lỗ cuống lá.
([58][58]) Chùa này nay ở giữa Tân Vạn và Chợ Đồn, bên cạnh bờ sông Đồng Nai với biển hiệu đề bằng chữ Hán là Sắc Tứ Hộ Quốc Quán Tự (敕賜護國觀寺) và bằng chữ quốc ngữ là "Chùa Sắc Tứ Hộ Quốc Quan".
([59][59]) Kho Gian Thảo là kho chỗ Cầu Kho của trấn Phiên An.
([60][60]) Nguyên văn Bắc thuyền (北船) không thể dịch "Thuyền ngoài Bắc Hà" được vì thời đó Nam - Bắc nước ta không thông thương nhau.
([61][61]) Quán Bình Đồng, quán Bình Đán: Chữ quán (館) nầy nằm trong ngữ cảnh hai đoạn nói về Bình Đồng và Bình Đán, không có nghĩa là "Cái quán ăn", "Cái quán nước" hay "Cái quán bán đồ vật" mà có nghĩa là "cái xứ, cái xóm chợ nho nhỏ". Nguyên văn viết: "Xưa ở Bình Đồng Quán cô thôn Bình Đồng". Nếu là cái quán ăn thì không thể có cái thôn Bình Đồng được.
([62][62]) Đây là gò núi có chợ nhóm vào buổi trưa.
([63][63]) Minh Hương (明香) là tên làng người Hoa ở trấn Phiên An. Thanh Hà (清河) là tên làng người Hoa ở Trấn Biên.
([64][64]) Nguyên văn: Ngũ sắc nhan liệu tức thuốc vẽ năm màu, chủ yếu là hùng hoàng, chu sa.
([65][65]) Nguyên văn: Cao đình quảng tự (高庭廣寺). Đình (庭) có nghĩa là chỗ quan làm việc,tự (寺) không phải cái chùa mà là nha thự chỗ quan cư ngụ.
([66][66]) Chỗ này có lẽ tác giả hơi cường điệu vì 10 dặm xa hơn 6 km, đạn đại bác thời đó (1794) không thể bắn đi xa như vậy.
([67][67]) Bản của VSH chép là: "Năm Gia Long thứ 12 (1813)" (Bt).
([68][68]) Một dụng cụ dùng để đong ngày xưa, cũng có nghĩa là ngọc khuê, chưa rõ tác giả muốn ví với cái nào?
([69][69]) Tức Nguyễn Hữu Cảnh.
([70][70]) Quyền thố (權厝). Nguyên văn viết: Tải cửu hồi Trấn Biên dinh, quyền thố cụ dĩ sự văn(載柩回鎮邊營權厝具以事聞) nghĩa là: "chở quan tài về đến dinh Trấn Biên tạm quàn, tâu bày sự việc lên vua". Bản của VSH dịch là "Chở quan tài ông về dinh Trấn Biên tạm chôn rồi đem việc tâu lên", e không ổn: vì về mặt ngữ nghĩa ở thư tịch, chữ thố (厝) này Từ Nguyên chú một nghĩa duy nhất là "Quàn quan tài chờ chôn cất" (Đình cửu viết thố. Vị táng nhi dĩ đãi táng kỳ dã). Từ điển Từ Hải chú giải chữ Thố có hai nghĩa là Chôn và Quàn - (1- Thố, trí dã, vị an trí, cửu ư triệu huyệt nhi táng chi dã; 2- Kim đình cửu đãi táng giả diệc viết thố). Muốn chỉ rõ là chôn cất người ta thường nói đủ là an thố. Muốn chỉ rõ tạm quàn người ta nói đủ là quyền thố.
([71][71]) Tức Ninh Vương. Việt sử xứ đàng Trong của Phan Khoang ghi là Nguyễn Phúc Trú (Bt).
([72][72]) Cà Mau là Tức Kha Mau, cũng viết Tưk Kha Mâu, là kinh Nước Đen.
([73][73]) Tức bình phong ngũ sắc.
([74][74]) Nguyên văn: hạc đàn, long bích (鶴垓 , 竜壁) nghĩa là đàn tế vẽ hạc, vách điện vẽ rồng.
([75][75]) Chữ hóa (化) hay tọa hóa (坐化) chỉ người theo đạo Phật qua đời, thường thì chỉ các tăng ni qua đời.
([76][76]) Nguyên văn: phục phạm đồng vi tượng, tự vu kỳ tự (祀于其寺) nghĩa là: "lại đúc đồng làm tượng mẹ thờ tại chùa nầy". Chữ tự (祀) xác định tượng thờ là tượng của phu nhân chớ không phải tượng Phật, vì chữ tự (祀) chỉ sự thờ phụng mẹ cha hay thần thánh chớ không phải thờ Phật.

Nguồn: Văn Hóa Học [http://www.vanhoahoc.edu.vn/content/view/320/103/1/2/]

Không có nhận xét nào: