TRẤN HÀ TIÊN
Hà Tiên vốn là đất cũ của Chân Lạp, tục gọi là Mường Khảm, tiếng Tàu gọi là Phương Thành ([1][108]). Ban đầu có người tên là Mạc Cửu gốc xã Lê Quách, huyện Hải Khang, phủ Lôi Châu, tỉnh Quảng Đông, vào thời Đại Thanh, niên hiệu Khang Hy thứ 19 (1680), nhà Minh mất hẳn. (Năm thứ 3 niên hiệu Thuận Trị nhà Đại Thanh, toàn thể vùng Mân (Phước Kiến) đều bị bình định xong. Ở Quảng Đông còn Quế vương Do Lang chiếm cứ Triệu Khánh. Đường vương Duật Áo (Úc) ([2][109]), chiếm cứ Quảng Châu, tuy quân Thanh có xuống cố sức đánh nhưng vẫn không bình định ngay được. Anh hùng hào kiệt hận kẻ địch nhân đó cũng nổi lên kinh dinh cứ địa như Cù Thức Cử (Tỷ), Trần Tử Tráng, Lý Thành Đống, Lý Tiệp Kiến ([3][110]), Lý Định Quốc. Đám này tương đối có tài thao lược. Còn những đám tài nghệ tầm thường khác chiếm một châu, một huyện không phải là ít. Trong khoảng đời Khang Hy, Thượng Chi Tín chiếm Quảng Châu, Dương Nhị, Dương Tam chiếm Việt Hải, Trương Tinh Diệu chiếm Thiều Châu, Lưu Tấn Trung chiếm Triều Châu, Lý Sơn Quan chiếm Tân Hội, Tổ Trạch Thanh chiếm Cao Châu, Diệp Hồng Kỳ chiếm Liêm Châu. Mãi đến năm Khang Hy thứ 19, vùng Quảng Đông mới bình định xong). Mạc Cửu không khuất phục chính sách buổi đầu của nhà Đại Thanh, mới chừa tóc rồi chạy qua phương Nam, trú tại phủ Nam Vang nước Cao Miên. Ông thấy ở phủ Sài Mạt của nước ấy, người Việt, người Trung Hoa, Cao Miên, Đồ Bà (Chà Và) các nước tụ tập mở trường đánh bạc để lấy xâu, gọi là thuế hoa chi, bèn thầu mua thuế ấy, lại còn đào được một hầm bạc nên bỗng trở thành giàu có. Từ đó ông chiêu mộ người Việt Nam lưu tán ở các xứ Phú Quốc, Lũng Kè, Cần Bột ([4][111]), Vũng Thơm ([5][112]), Rạch Giá, Cà Mau lập thành 7 xã thôn. Tương truyền ở đây thường có tiên xuất hiện trên sông, do đó [64a] mới đặt tên là Hà Tiên (tiên trên sông). Mạc Cửu còn sai thuộc hạ là Trương Cầu, Lý Xá dâng biểu trần trình lên kinh đô Phú Xuân khẩn cầu xin được đứng đầu trông coi đất ấy.
Tháng 8 mùa thu năm thứ 18 Mậu Tý (1708) đời Hiển Tông Hiếu Minh hoàng đế (Quốc chúa Nguyễn Phúc Chú) (Lê Dụ Tông niên hiệu Vĩnh Thịnh thứ 4, Đại Thanh Khang Hy thứ 47), chuẩn ban cho Mạc Cửu làm Tổng binh trấn Hà Tiên và phong tước là Cửu Ngọc hầu ([6][113]). Mạc Cửu lo xây dựng dinh ngũ và đóng binh tại Phương Thành (Hà Tiên), từ đó dân càng qui tụ đông đúc.
Tháng 4 mùa hạ năm thứ 21, Tân Mão (1711) (Lê Dụ Tông niên hiệu Vĩnh Thịnh thứ 7, Đại Thanh Khang Hy thứ 50), Tổng binh trấn Hà Tiên Cửu Ngọc hầu Mạc Cửu đến cửa khuyết tạ ơn.
Tháng 5 mùa hạ năm thứ 11, Ất Mão (1735) đời Túc Tông Hiếu Ninh hoàng đế (Đỉnh Quốc Công Nguyễn Phúc Chú) (Lê Ý Tông niên hiệu Vĩnh Hựu năm đầu, Đại Thanh [64b] Ung Chính thứ 13), Tổng binh Hà Tiên Cửu Ngọc hầu Mạc Cửu mất, thọ 78 tuổi, con trưởng dòng chánh là Mạc Tông tự là Thiên Tứ (hiệu Sĩ Lân Thị, Thụ Đức Hiên) dâng cáo tang.
Tháng 2 mùa xuân năm thứ 12, Bính Thìn (1736) (Năm thứ 2 niên hiệu Vĩnh Hựu đời vua Lê Ý Tông, năm đầu niên hiệu Càn Long nhà Đại Thanh), vua chuẩn cho Thiên Tứ được kế tập, lại thăng làm Khâm sai Đô đốc, phong tước Tông Đức hầu và ban cho 3 chiếc thuyền Long Bài, lại còn cho miễn thuế thuyền, hàng năm cho thuyền ra hải ngoại mua sắm vật quý để tiến nộp lên kinh. Lại còn gia ân cho mở một lò đúc tiền nữa. Thiên Tứ lo đặt văn võ nha thuộc, tuyển chọn binh lính, xây dựng công thự, đắp thành lũy, quy hoạch đường sá chợ búa, từ đó thuyền buôn các nước đều cập bến ấy.
Mạc Thiên Tứ còn chiêu tập các nhà văn học tài nghệ, do đó văn nhân tỉnh Phúc Kiến như Châu (Chu) Phác, Trần Minh Hạ, Châu Cảnh Dương, Ngô Chi Hàn, Lý Nhân Trường, Trần Duy Đức, Trần Dược Uyên, Trần [65a] Tự Nam, Từ Huyễn, Lâm Duy Tắc, Tạ Chương, Đan Bỉnh Ngự, Vương Đắc Lộ, Từ Hiệp Bùi, Từ Đăng Cơ; văn nhân tỉnh Quảng Đông như Lâm Kỳ Nhiên, Tôn Thiên Thoại, Lương Hoa Phong, Tôn Văn Trân, Lộ Phùng Cát, Thang Ngọc Sùng, Dư Tích Thuần, Trần Thoại Phụng, Lư Triệu Oánh, Trần Thiệp Tứ, Vương Húc, Hoàng Kỳ Trân, Trần Bá Phát; người phủ Triệu Phong như Phan Đại Quảng, Nguyễn Nghi, Trần Ngoan, Đặng Minh Bổn; người phủ Gia Định như Trịnh Liên Sơn, Lê Bá Bình, nhà sư Phật giáo người phủ Quy Nhơn là đại hòa thượng Hoàng Long; đạo sĩ tỉnh Phúc Kiến là Tô Dần tiên sinh, nối gót nhau đến. Mạc Thiên Tứ lập ra Chiêu Anh các, mua sắm sách vở, thường ngày ông cùng các nhà Nho luận bàn kinh sách, lại có thơ vịnh 10 cảnh ở Hà Tiên, được rất nhiều người hưởng ứng họa theo, từ đó văn phong mới nổi tiếng cả một dọi biển ấy. (Tông Đức hầu có khắc bản in Hà Tiên thập vịnh và Minh Bột di ngư truyền lại cho đời).
[65b] Tháng 8 mùa thu năm thứ 10 Đinh Mão (1747) đời Thế Tông Hiếu Võ hoàng đế (Võ vương Nguyễn Phúc Khoát) (Năm thứ tám niên hiệu Cảnh Hưng đời vua Lê Hiển Tông. Năm thứ 12, đời vua Càn Long nhà Đại Thanh), có bọn giặc bể ngụy xưng là Võ vương Đức Bụng cướp thuyền Long Bài của Hà Tiên ở ngoài biển Long Xuyên (Cà Mau). Trước đó vào tháng tư, Tông Đức hầu sai người cưỡi thuyền Long Bài mang chén ngọc thủy hỏa mỗi thứ 1 cái, 20 con hạc đầu đỏ ([7][114]) (20 viên ngọc Hạc đính), 1 con gà tây ([8][115]), 1 con chó ngao phương Tây ([9][116]), chim anh vũ ngũ sắc mỗi thứ 1 con, vải phương Tây, chiếu lăng văn, chiếu đằng hoa, cùng các vật quý để hiến dâng về kinh. Vua ban cho bằng bổ dụng: 2 đạo sắc cai đội, 2 đạo sắc đội trưởng cùng gấm đoạn và vật dụng khác. Tháng 8, đoàn tàu Long Bài về đến hải phận Long Xuyên (Cà Mau) thì gặp hải tặc là ngụy Võ vương tên Đức Bụng (y là người phủ Quy Nhơn, tên là Đức, vì bụng của y quá to nên mới gọi là Đức Bụng), chúng đã biết trước nên chờ rình ở ngoài biển để cướp lấy. Tông Đức hầu được tin, tức khắc sai người rể là Ngũ nhung Cai đội Kỳ Tài hầu Từ Hữu [66a] Dụng dùng 10 chiếc tàu lớn ra bắt được 4 tên trong đảng cướp giết đi. Đức Bụng chạy trốn sang vùng biển Ba Thắc. Tông Đức hầu đem việc ấy trình với thành Gia Định xin Điều khiển quan chia đường tìm bắt. Năm sau mới bắt được và xử lăng trì, từ đó dư đảng mới được dẹp yên.
Năm thứ 18, Ất Hợi (1775) (Năm thứ 16 niên hiệu Cảnh Hưng đời vua Lê Hiển Tông. Năm thứ 20 đời vua Càn Long nhà Đại Thanh), nước Cao Miên chống mệnh, quan quân phải đi chinh phạt, vua nước ấy là Nặc Ong Nguyên chạy sang Hà Tiên, Tông Đức hầu thay lời đề tấu rốt lại xin được dâng đất để khỏi tội.
Năm thứ 20, Đinh Sửu (1757) (Năm thứ 18 niên hiệu Cảnh Hưng đời vua Lê Hiển Tông. Năm thứ 22 đời vua Càn Long nhà Đại Thanh), nước Cao Miên có binh biến, vương tôn Nặc Ong Ton chạy sang Hà Tiên và xin được làm con nuôi của Tông Đức hầu. Tông Đức hầu đem việc ấy tâu lên, vua phong cho Nặc Ong Ton được làm Quốc vương nước Cao Miên, rồi cho quân hộ tống về lấy lại nước. Sau khi mọi việc đã yên, Nặc Ong Ton lấy đất 5 phủ Chơn Giùm, Sài Mạt, Linh [66b] Quỳnh, Cần Vọt và Vũng Thơm dâng cho Tông Đức hầu để tạ ơn đã nuôi nấng che chở cho đến ngày thành tựu. Tông Đức hầu đem đất ấy dâng lên triều đình, triều đình chuẩn nhận đất 5 phủ ấy nhưng vẫn cho thuộc vào trấn hạt Hà Tiên. Tông Đức hầu còn lập đạo Kiên Giang ở Rạch Giá, đạo Long Xuyên ở Cà Mau ([10][117]) và đặt chức quan lại để trông coi.
Tháng 8 mùa thu năm thứ 2, Bính Tuất (1766) (Năm thứ 27 niên hiệu Cảnh Hưng đời vua Lê Hiển Tông. Năm thứ 31, đời vua Càn Long nhà Đại Thanh) đời Duệ Tông Hiếu Định hoàng đế (Định vương Nguyễn Phúc Thuần), có thám tử của Hà Tiên từ Xiêm La về báo rằng vua Phung của nước Xiêm (vua nước Xiêm mắc bệnh phong cùi cho nên người nước ấy gọi vua này là Phong(Phung) vương) đã chuẩn bị chiến tháp (thuyền chiến của nước Xiêm gọi là tháp, nó giống như chiếc tam bản phương Tây nhưng rất to, thủy thủ ngồi xây mặt lại sau mà chèo), binh lính họ sẽ đến đánh trấn Hà Tiên. Lúc ấy Phong vương ưa dùng võ lực để xâm chiếm, gây thù oán với các nước láng giềng, chính sự thì rất độc ác, Tông Đức hầu biết vậy càng thêm lo, [67a] mau mau ra sức phòng bị. Tháng 9, Tông Đức hầu báo với quan Khổn súy thành Gia Định để xin binh tiếp viện. Ngày 18 tháng 10, quan Điều khiển Thống suất Khôi Khoa hầu Nguyễn Phúc Khôi, Tham mưu Miên Trường hầu Nguyễn Hữu Miên ra lịnh (Bộ) Bổ đạo quan (quan bắt cướp) cai đội Siêu Nghĩa hầu, Cai đội đạo Tân Châu Kế Thiện hầu, và Bình luận Duy Tài bá dùng 3 thuyền tuần biển, 20 ghe sai, 1.000 tinh binh đến Hà Tiên vào ngày 3 tháng 11 tìm cách công thủ nghiêm mật, dò xét thế địch để phòng bị mối hại mặt ngoài.
Tháng 3 mùa xuân năm thứ 3, Đinh Hợi (1767) (Năm thứ 28 đời vua Lê Hiển Tông, năm thứ 32 đời vua Càn Long nhà Đại Thanh), Miến Điện (vốn là man ở Tây Nam. Xét chuyện Nguyên Thế Tổ đánh Miến Điện hay chuyện Minh Quế vương Do Lang chạy qua Miến Điện tức là chỗ này. Người ở đây có tục vẽ bụng, nên gọi là Hoa Đỗ, người nước Xiêm gọi họ là Phù Ma) nhân người Xiêm oán hận vua họ nên xua quân đánh tan tành nước Xiêm, đốt hết cung thất, [67b] cướp hết ngọc lụa, bắt được Phong vương cùng Vương tử là Chiêu Đốc Đa và lùa hàng vạn dân đem về, để lại một vùng bạch địa. Con thứ ba của vua là Chiêu Xỉ Xoang chạy trốn sang Cao Miên. Con thứ hai của vua là Chiêu Thúy ([11][118]) (Chúy) thì chạy sang Hà Tiên, mà lời đồn đại quân Xiêm có ý định đánh chiếm Hà Tiên cũng tịt luôn.
Tông Đức hầu đem hết sự tình tấu đạt lên cùng lời tạ ơn quan Điều khiển đề nghị rút hết viện binh về để khỏi lao tổn. Tháng 5, quan Khổn súy Gia Định cho triệu các ông Siêu Nghĩa hầu đem quân về nghỉ ngơi.
Tuy vậy Tông Đức hầu còn lo sợ nước Miến Điện đang thừa nhuệ khí kéo tới xâm lấn nên mới sai người cháu bên ngoại ([12][119]) là Cai đội Thắng Thủy đội Sửu Tài hầu Trần Văn Lực ([13][120]) (là con của viên tướng giữ các châu Cao - Lôi - Liêm là Tổng binh Định Sách hầu, cháu của Đô đốc Thắng Tài hầu, con của người em gái của Tông Đức hầu) đem thuyền chiến lớn và binh lính ra đóng ở xứ Chân Bôn (tức vùng giáp ranh với nước Xiêm) để tuần phòng vùng biên cảnh.
Lúc ấy, nước Xiêm sau cơn binh hỏa [68a] lại bị dịch bệnh hoành hành dữ dội, quân sĩ Hà Tiên tuần thủ gần Xiêm và dân Xiêm La bị chết rất nhiều, Sửu Tài hầu cũng bị bệnh mà chết, nhưng tình hình biên giới với Xiêm chưa yên, việc binh thì không thể trễ nải nên mới sai Ngũ nhung Kỳ Tài hầu đến đóng binh tuần thú thay thế, nhưng chẳng bao lâu Kỳ Tài hầu cũng bị bệnh phải triệu hồi, trên đường về, ông cũng mất, bèn sai tiếp Cai đội Đức Nghiệp hầu đem lính thú đi tuần phòng các hải đảo Cổ Công, Cổ Cốt, Dần Khảm.
Trước đó có đứa côn đồ người Triều Châu tên là Hoắc Nhiên, khá giỏi võ nghệ, lại tụ tập được nhiều bọn hung ác. Chúng lấy đảo Cổ Công là nơi hiểm trở, trong liền với núi non của Cao Miên, ngoài có núi làm bình phong che chắn, ở giữa có vũng sâu đầm dài, thuyền bè có thể đậu yên ổn, nên chúng chiếm lấy nơi ấy rồi kết trại làm sào huyệt. Chúng thường ra vào ven biển để đón cướp thuyền buôn nam bắc, chúng còn cướp bóc của cải dân Xiêm La đang lánh nạn ở bờ biển, không ai không bị chúng hại. Hoắc Nhiên giỏi nghề dùng mũi tên đầu to bịt sắt bắn đứt dây buồm, hay dùng tấm khiên bằng mây [68b] nhảy qua thuyền buôn. Y hoành hành trên biển, đồ đảng tụ tập rất đông, chúng có sách lược âm mưu chiếm đất Hà Tiên, nhưng mưu ấy hơi bị lộ, Tông Đức hầu thầm sai Cai đội Khang Thành hầu đem quân tinh nhuệ ngầm đi vây bắt, tiếng súng nổ ran, tiếng trống và tiếng hò reo vang lên, bọn phỉ khiếp đảm không làm gì được nên chạy trốn thoát thân. Khi ấy Hoắc Nhiên chỉ cầm một cây đoản đao, cưỡi chiếc thuyền nhỏ phá vòng vây mà thoát, vì súng bắn theo như mưa, y phải nhảy xuống nước trốn nhưng bị nhiều mũi giáo đâm chết. Hoắc Nhiên bị bêu đầu răn chúng, dư đảng của y từ đó mới tan rã.
Năm thứ 4, Mậu Tý (1768) (năm thứ 29 niên hiệu Cảnh Hưng đời vua Lê Hiển Tông. Năm thứ 33 đời vua Càn Long nhà Đại Thanh), có người phủ Triều Châu tỉnh Quảng Đông là Trịnh Quốc Hoa, tên Xiêm gọi là Phi nhã Tân, nguyên trước kia y sinh sống trên đất Xiêm La, kế tập nghiệp cha (tên là Yển) làm chức quan trưởng đất Mường Tát (tục gọi là Tạc, là tên đất của Xiêm), lại còn có tên là Phi nhã Tát (Phi nhã là tên chức quan của Xiêm). Nhân lúc nước Xiêm không có chủ, bọn trộm cướp dấy lên như ong, Phi nhã Tân chiêu nạp bọn phản loạn bỏ trốn đó, quật khởi những cuộc tranh chiếm lẻ loi, hợp nhất chúng lại thành một nhóm [69a], phần y tự xưng là vua và đặt lệ cũ đòi nước Cao Miên phải cống hoa vàng hoa bạc. Vua Cao Miên là Nặc Ong Ton cho rằng Phi nhã Tân không phải là kẻ kế tục của nước Xiêm nên chống lại mệnh lệnh đó.
Ngày mồng 1 tháng 2 mùa xuân năm thứ 5, Kỷ Sửu (1769) (Năm thứ 30 niên hiệu Cảnh Hưng đời vua Lê Hiển Tông. Năm thứ 34 đời vua Càn Long nhà Đại Thanh), có một con cọp lớn chạy vào thành Hà Tiên, nó rong khắp trong các đường phố, nha thự, quan quân cùng nhau vây bắt nhưng nó chỉ rống lên một tiếng rồi chạy thoát ra ngoài thành, không thấy dấu vết gì nữa. Lúc ấy vua Xiêm là Phi nhã Tân sai Phi nhã Sô sĩ (tên một chức quan) Bôn Ma (tên người) đốc suất binh tướng qua đánh Nặc Ong Ton của nước Cao Miên, đồng thời hộ tống ngụy vương Cao Miên là Nặc Ong Non về nước. Đội quân ấy khi đến sóc Lò Gò Vật vì đánh mãi không thắng nên mới cướp bóc dân chúng Cao Miên rồi quay về.
Trấn Hà Tiên thấy nước láng giềng có biến động nên càng hết sức canh phòng biên ải. Trong lúc đó có người Triều Châu lưu vong tên là Trần Thái rủ rê tụ họp bọn cướp ở núi Bạch Mã (thuộc đất Hà Tiên) mưu đánh úp trấn Hà Tiên. Chúng bí mật cấu kết với người của gia tộc họ Mạc là [69b] Mạc Sùng, Mạc Khoan, và ước hẹn vào đêm 13 tháng 6 phóng lửa đốt làm nội ứng. Việc ấy bị lộ, Tông Đức hầu cứ y như ước hẹn ấy, ngầm cho phục binh vây bắt rồi truy quét bọn đồng đảng ở chùa Hương Sơn (tục gọi là chùa thầy Hương). Trần Thái chạy trốn qua xứ Chân Bôn thuộc Xiêm La. Ngày 20, người dân Cao Miên ở sóc Vọng Vân là Nặc Bồn tụ tập hơn 900 người toan làm loạn, nhưng cũng liền bị dẹp ngay.
Tháng 7 mùa thu năm thứ 6, Canh Dần (1770) (Năm thứ 31 niên hiệu Cảnh Hưng, đời vua Lê Hiển Tông. Năm thứ 35 đời vua Càn Long nhà Đại Thanh), có tên đào binh là Phạm Chàm tụ tập bọn ác phỉ ở Vũng Thơm, Cần Vọt, cùng với bọn Chà Và Vinh Ly Ma Lô, Ốc nha Cao Miên Ghê, bọn chúng đông hơn 800 người, chia ra đường thủy bộ toan đánh úp trấn thành. Chúng dùng 15 chiếc thuyền vào cảng Hà Tiên, nhưng đám bộ binh khi đến núi Thúy Bình thì đều bị trấn binh đánh phá, đâm chết Phạm Chàm ở giữa sông và bắt được cả hai Lô, Ghê đem chém. Từ lúc này binh lương của Hà Tiên đều bị [70a] thiếu hụt, lòng người trở nên dao động. Tông Đức hầu dâng sớ trần tình và xin tự thú tội. Triều đình tỏ lời khoan dung an ủi và sức cho quan Khổn súy Gia Định rằng khi nào Hà Tiên báo tin hữu sự thì phải cứu ứng kịp thời.
Tháng 8 mùa thu năm thứ 7, Tân Mão (1771) (Năm thứ 32 niên hiệu Cảnh Hưng đời vua Lê Hiển Tông. Năm thứ 36 đời vua Càn Long nhà Đại Thanh), tình báo Hà Tiên cho biết vua Xiêm là Phi nhã Tân đang điểm binh chuẩn bị tấn công trong nay mai. Tông Đức hầu gởi nhanh hịch xin viện binh đến thành Gia Định. Quan Điều khiển Khôi Khoa hầu và Miên Trường hầu phúc đáp rằng: Năm trước do báo sai về việc ngoài biên đã từng làm cho quan quân lao nhọc dầu dãi lâu ngày mà chẳng có gì nên phải rút về, hiện nay trấn thành đang còn phải bận tu chỉnh, tập hợp binh mã, vậy hãy đợi khi có tin chính xác quân Xiêm đến sát biên giới thì chúng tôi sẽ phát binh ứng cứu cũng không muộn.
Ngày 14, trong thành Hà Tiên, ở phía nam thấy có 2 mống chuồn ([14][121]) màu đỏ giao nhau thành hình chữ thập, dài hơn 30 trượng. Ngày 16, ở dưới lầu miếu Bắc Đế vốn có đống cát cao hơn 1 trượng [70b] bỗng nhiên bị gió trốc cuốn tung lên trời làm cả thành mù mịt, sau đó rơi xuống thành đống cũng có hình chữ thập. Kẻ hiểu biết dự đoán rằng đó là điềm tháng 10 thành sẽ mất.
Tháng 9, Phi nhã Tân thấy Chiêu Thúy (Chúy) hiện đang ở Hà Tiên, lo rằng việc ấy khó chịu chẳng khác nào bên giường mình có người đang ngủ ngáy o o, y bèn thừa nhuệ khí vừa mới phá giặc ở Lục Côn (thuộc nước Miến Điện) nên mới thân điều 2 vạn lính thủy lục, dùng tên cướp Trần Thái ở núi Bạch Mã làm người dẫn đường. Ngày mùng 3 tháng 10, chúng tiến đến Hà Tiên, vây chặt trấn thành (thành có 3 mặt chắn bằng ván gỗ, không phải xây bằng đất đá). Lúc ấy quân giữ Hà Tiên rất ít ỏi, nên họ phải đóng chặt cửa thành để chống cự, mặt khác lo cấp báo với đồn dinh Long Hồ. Thủy quân của Xiêm chiếm được núi Tô Châu rồi dùng súng lớn bắn vào thành, tình thế rất nguy cấp. Đêm mùng 10, kho thuốc súng ở núi Ngũ Hổ bốc cháy khiến cả thành đều chấn động. Qua đêm 13, quân Xiêm từ cửa sau của thành do chỗ cửa sông nhỏ không được đắp thành phá cửa xông vào phóng [71a] lửa đốt dinh, ánh lửa rực cả núi rừng, quân Xiêm trong ngoài giáp công, chúng vừa đánh trống vừa hò reo huyên náo, tiếng súng đại bác vang như sấm. Tông Đức hầu thân dẫn quân đánh với chúng trên đường phố, một lúc sau, quân dân trong thành tan vỡ chạy tán loạn, qua canh ba thành vỡ, Tông Đức hầu quyết tử chiến với địch thì Cai đội Đức Nghiệp hầu đến ôm nách đưa Tông Đức hầu lên thuyền rồi chèo theo đường sông hướng về Giang Thành (tên một thủ sở) ([15][122]) mà chạy. Hiệp trấn ([16][123]) Mạc Tử Hoàng, Thắng Thủy hầu Mạc Tử Thảng và Tham tướng Mạc Tử Dung đem thủy quân phá vòng vây rồi theo đường biển chạy xuống Kiên Giang, sau đó qua Trấn Giang đóng lại. Ngày 15, thuyền của Tông Đức hầu đến Châu Đốc, tướng Xiêm là Chiêu khoa Liên (vốn người Triều Châu, họ Trần, tên Liên, làm mưu sĩ cho Tân, Chiêu khoa là tên gọi một chức quan của nước Xiêm) cho truy binh đuổi theo, Tông Đức hầu sai Cai đội Đồ Bà (Chà Và) là Sa ra chặn đánh nhưng cũng thua. Cai đội Sa có phép cấm đỡ đao súng (tục gọi là có gồng) ([17][124]) [71b], tuy bị nhiều vết đạn, vết đâm nhưng không chết bèn rút ra đạo Tân Châu ở Tiền Giang, ở đó ông gặp Lưu thủ dinh Long Hồ là Cai cơ Kính Thận hầu Tống Phước Hiệp đang thân dẫn binh của dinh đến tiếp ứng, họ vội giục gấp quân tiến vào sông Châu Đốc đánh giết đẩy lui quân giặc. Quân giặc Xiêm vì không biết đường nên đi lầm vào sông cụt, bị đại binh đuổi kịp chém đầu được hơn 300 tên. Chiêu khoa Liên bỏ thuyền chạy lên bờ rồi suốt đêm theo đường Chơn Giùm (Chan Sum) chạy về Hà Tiên. Quân dinh Long Hồ thu được 5 chiếc thuyền chiến, súng ống và vật dụng của quân Xiêm và ghe sai của Hà Tiên không kể xiết, rồi để quân ở lại giữ đạo Châu Đốc, còn đại binh lui về Tân Châu cùng Tông Đức hầu hỏi han, an ủi cơ sự, sau đó sai thuyền bè đưa Tông Đức hầu về nghỉ tại dinh Long Hồ.
Lại nói Cai đội đạo Đông Khẩu là Nhơn Thanh hầu Nguyễn Hữu Nhơn đón đánh quân Xiêm ở Cường Thành, Hậu Giang, ông cho quân giữ lấy chỗ hiểm yếu rồi [72a] bất thần xuất quân đánh liền mấy trận đều thắng, thu được 10 chiếc thuyền chiến của quân Xiêm. Quân Xiêm theo đường bộ chạy trốn nhưng cũng bị chém, bị thương và bị đói khát chết mất quá nửa và cuối cùng chúng thấy đất Long Hồ nhiều hiểm yếu nên không dám tái phạm. Khi ấy Phi nhã Tân ([18][125]) để Chiêu khoa Liên ở lại giữ trấn Hà Tiên còn y thân dẫn hùng quân thẳng đến nước Cao Miên. Vua Cao Miên là Nặc Ong Ton chạy ra đất Bát Chiên, Long Quật, Phi nhã Tân đưa Nặc Ong Non trở lại làm Quốc vương Cao Miên, quân Xiêm chiếm giữ phủ Nam Vang và có ý dòm ngó đất Gia Định của ta.
Tháng 11, Thống suất Khôi Khoa hầu, Tham mưu Miên Trường hầu gửi công văn mời Tông Đức hầu cùng hội họp, Kính Thận hầu ủy người dẫn đến công quán Nghi Giang (tục gọi là sông Bà Nghi) ([19][126]), quan Điều khiển mời Tông Đức hầu đến đồn dinh an ủi và hỏi han ngọn ngành để tấu tiếp về triều. Tông Đức hầu [72b] trình bày hết mọi nguyên do thất thủ và dâng biểu xin chịu tội.
Tháng 12, triều đình xuống chiếu tha tội cho Tông Đức hầu, lại cấp cho lương tiền rồi sai quan Điều khiển Khổn súy điểm binh đưa Tông Đức hầu về trú ở đạo Trấn Giang để chiêu dụ vỗ về kẻ lưu vong, chuẩn bị cơ hội dẹp giặc.
Tháng 2 mùa xuân năm thứ 8, Nhâm Thìn (1772) (Năm thứ 33 niên hiệu Cảnh Hưng đời vua Lê Hiển Tông. Năm thứ 37 đời vua Càn Long nhà Đại Thanh), triều đình sai đốc chiến Đàm Ân hầu Nguyễn Phước Đàm, Tham tán Tiến Lễ hầu Nguyễn Văn Tiến ([20][127]) lãnh 1 vạn tinh binh thủy bộ của hai dinh Bình Khang và Bình Thuận cùng 30 chiếc thuyền đến Gia Định thay thế việc điều khiển. Đồng thời nghị tội việc Khôi Khoa hầu không tiếp viện để cho Hà Tiên bị rơi vào tay địch, giáng Khôi Khoa hầu xuống làm Cai đội, triệu Miên Trường hầu về kinh đợi lệnh. Tháng 6, quan Điều khiển điều binh tiến đánh, Đàm Ân hầu lãnh đại binh kéo đi theo đường Tiền Giang [73a], Cai bạ dinh Long Hồ là Hiến Chương hầu Nguyễn Khoa Thuyên đem quân binh Đông Khẩu theo đường biển Kiên Giang tiến tới, Lưu thủ Kính Thận hầu theo đường Hậu Giang đến đóng ở Châu Đốc để làm 2 đường tiếp ứng cho đạo quân trước. Lúc ấy, Nhơn Thanh hầu đương bị bệnh nặng, một mình Hiến Chương hầu quản 3000 quân dùng 50 chiếc thuyền đủ cỡ lớn nhỏ tiến đánh quân Xiêm nhưng thấy bất lợi nên phải rút về đạo Kiên Giang. Đàm Ân hầu lại dùng một người Cao Miên là Nhum Rạch ([21][128]) Tối làm tiên phong kéo quân đến đánh Nam Vang, quân Xiêm bị chết rất nhiều. Phi nhã Tân phải chạy xuống Hà Tiên, Nặc Ong Non thì chạy về Cần Vọt, quân ta thu phục được các phủ Nam Vang và La Vách. Nặc Ong Ton trở lại ngôi cũ, nước Cao Miên từ đó được yên ổn, đại binh kéo về và gửi tiệp báo lên triều đình. Đàm Ân hầu về đến đồn dinh liền lo đắp lũy thành bằng đất, phía nam từ Cát Ngang [73b], phía tây đến cầu Lão Huệ (Ông Huệ), phía bắc giáp đến thượng khẩu sông Nghi Giang, chiều dài đến 15 dặm bao quanh cả đồn dinh, cắt ngang đường bộ để chuẩn bị cho kế lâu dài.
Phi nhã Tân về đến Hà Tiên bèn viết thư giảng hòa gởi đến Tông Đức hầu nhưng hầu không trả lời, Phi nhã Tân tự nghĩ mình mới chiếm được nước Xiêm, gốc rễ chưa được vững bền, nay đem quân đi xâm lược phương xa cũng chưa thành công, nếu cứ để cho quân sĩ lưu dây dưa thì một mai nước Xiêm có người chiếm lấy sào huyệt khiến tấn thoái đều cùng đường, dẫu có hối cũng không kịp. Y bèn chọn quân giao cho Chiêu khoa Liên ở lại giữ Hà Tiên, còn tự thân dẫn quân, bắt lấy con cái của Tông Đức hầu và Chiêu Thúy (Chúy) đưa xuống thuyền trở về thành Vọng Các {về tới Xiêm thì giết Chiêu Thúy (Chúy)}.
Tháng 2 mùa xuân năm thứ 9, Quý Tỵ (1773) (Năm thứ 34 niên hiệu Cảnh Hưng đời vua Lê Hiển Tông. Năm thứ 38 đời vua Càn Long nhà Đại Thanh), Tông Đức hầu ở tại Trấn Giang rồi cho người sang Xiêm để thăm dò động tĩnh, ngoài mặt tỏ ra là hòa hoãn kết thân, nên Phi nhã Tân bằng lòng, đưa người thiếp thứ tư [74a] và người con gái nhỏ của Tông Đức hầu mà y đã bắt để làm tin trở về Trấn Giang và cho gọi Chiêu khoa Liên về nước.
Khi quân Xiêm qua xâm chiếm, chúng đã phá hết thành lũy Hà Tiên, phá tan nhà cửa, cướp hết của cải, nhân dân đều bỏ trốn chỉ còn lại gò đất hoang mà thôi. Tông Đức hầu khôn xiết bùi ngùi trước cảnh hoang tàn như thơ Thử Ly ([22][129]) miêu tả nên tạm trú ở Trấn Giang, rồi sai Hiệp trấn Mạc Tử Hoàng trở về để sửa sang lại dinh lũy.
Tháng 7, nghe tin rằng giặc Tây Sơn thuộc phủ Qui Nhơn là anh em Nguyễn Văn Nhạc, Nguyễn Văn Huệ nổi loạn và đã lấy được thành Qui Nhơn.
Tháng 5 mùa hạ năm thứ 10, Giáp Ngọ (1774) (Năm thứ 35 niên hiệu Cảnh Hưng đời vua Lê Hiển Tông. Năm thứ 39 đời vua Càn Long nhà Đại Thanh), quan Tư đồ nước An Nam là Diệp Quận công Hoàng Ngũ Phúc xâm chiếm đất miền Nam. Ngày 28 tháng 12 mùa đông, kinh thành bị chiếm, vua phải chạy vào đất Bến Giá thuộc dinh Quảng Nam. Ngày 12 tháng 2 mùa xuân năm thứ 11, Ất Mùi (1775) (Năm thứ 36 niên hiệu Cảnh Hưng đời vua Lê Hiển Tông. Năm thứ 40 đời vua Càn Long nhà Đại Thanh), thánh giá cùng Thế Tổ Cao hoàng đế đi đường biển vào Nam [74b], ngày 25 đến phủ Gia Định, tạm trú ở đất Bến Nghé thuộc phía bắc Đồn Dinh. Tông Đức hầu biết tin bèn đến nơi hành tại để bái kiến, vua đặc cách tấn phong cho làm Quốc lão Đô đốc Quận công, gia tặng cho con trai là Mạc Tử Hoàng làm Chưởng cơ, Mạc Tử Thảng làm Thắng thủy Cai cơ, Mạc Tử Dung làm Tham tướng Cai cơ, rồi ra lệnh cho tất cả trở về giữ đạo Trấn Giang, đồng thời lo chiêu tập dân lưu tán và tàn binh Hà Tiên để đợi thời cơ.
Ngày mùng 8 tháng 2 mùa xuân năm thứ 12, Bính Thân (1776) (Năm thứ 37 niên hiệu Cảnh Hưng đời vua Lê Hiển Tông. Năm thứ 41 đời vua Càn Long nhà Thanh), người em thứ 2 giặc Tây Sơn là ngụy Tiết chế Nguyễn Văn Lữ đem binh thuyền vào cướp phủ Gia Định. Trước đó Tây Sơn đã chiếm được Qui Nhơn, Quảng Ngãi và Phú Yên. Tin cấp báo cho Gia Định biết. Năm thứ 10, Giáp Ngọ (1774) (Năm thứ 35 niên hiệu Cảnh Hưng đời vua Lê Hiển Tông. Năm thứ 39 đời vua Càn Long nhà Đại Thanh), Lưu thủ dinh Long Hồ là Kính Thận hầu và Cai bạ Hiến Chương hầu lãnh năm dinh (Điều khiển Gia Định lãnh tướng sĩ 5 dinh: Bình Khang, Bình Thuận, Trấn Biên [75a], Phiên Trấn và Long Hồ, lúc ấy ủy cho Kính Thận hầu đốc suất để đánh dẹp giặc) gồm tướng sĩ thủy bộ 2 vạn người tiến thẳng đến Phú Yên. Lính bộ do Kính Thận hầu chỉ huy đến đóng ở Chợ Gò, lính thủy do Hiến Chương hầu dẫn đến đóng ở Vũng Lấm, quân đi như gió thổi sấm vang khiến quân Tây Sơn đều kinh hãi. Trước hết, Nhạc đưa thư trá hàng, sau đó sai Huệ đem toàn quân Quy Nhơn đến đánh úp và phá được quân triều rồi thừa thắng ruổi đến bắt được Cai cơ Triệu Vân (Tuyết) ([23][130]) hầu ở Ba Non. Kính Thận hầu trở lui đóng ở Ô Cam, cố thủ chỗ hiểm yếu, vừa lúc ấy ở Quảng Nam hữu sự, ngụy Nhạc báo gấp gọi Nguyễn Huệ rút quân về, chỉ để đạo quân Hòa Nghĩa ở lại ngăn mặt sau Phú Yên.
Lúc đó, vua đặc cách tấn phong cho Kính Thận hầu làm Hữu phủ Quốc công, Hiến Chương hầu làm Tham chính nhưng cho lui quân để chuẩn bị chuyện đánh trở lại sau này.
Cũng lúc đó, Gia Định vừa cô thế vừa yếu, [75b] ngụy Văn Lữ bỗng nhiên đến chiếm, Chưởng cơ Hựu Đức hầu Tống Phước Hựu đem một số quân hầu hộ vệ thánh giá đến dinh Trấn Biên, đóng lại ở Đồng Tràm rồi chiêu mộ quân bốn phương để cùng lo trừ địch. Vào lúc ấy, Thạch Thuyền ([24][131]) Cai đội Phương Danh hầu Đỗ Thanh Nhơn dùng 3000 người của Đông Sơn nghĩa lữ với bọn Hổ tướng Nguyễn Hoàng Đức, Trần Búa, Đỗ Vàng, Đỗ Tai, Võ Nhan, Đỗ Bảng, xưng là Đông Sơn Thượng tướng quân, đốn cây dựng cờ, bôi lang áo, vẽ mặt, từ Ba Giồng (ở trấn Định Tường có rất nhiều giồng đất, có 3 giồng lớn: trên có Chúa Triệu, giữa có Cai Lữ, dưới có Kiến Định, đó là đất tụ nghĩa của nhóm Đông Sơn, vì vậy mà có tên ấy) rần rần kéo tới, họ đi đến đâu địch tránh đến đó.
Tháng 5 mùa hạ lấy lại Gia Định, ngụy Văn Lữ chỉ đoạt lấy lúa kho chở hơn 200 thuyền bè về [76a] Qui Nhơn. Phương Danh hầu rước thánh giá về nơi hành tại Bến Nghé thuộc dinh Phiên Trấn. Vua tấn phong cho Phương Danh hầu làm Ngoại hữu Chưởng dinh Quận công. Hữu phủ Kính Quốc công đem quân bản bộ cùng tướng đầu hàng người Hoa là Lý tướng quân thuộc đạo Hòa Nghĩa (Lý người Phúc Kiến đến ngụ tại huyện Phù Ly, phủ Qui Nhơn, khi ngụy Nhạc khởi binh có chiêu tập người Hoa làm lính lập thành đạo Hòa Nghĩa, Lý hưởng ứng đi theo. Nhạc thấy Lý là người cảm tử, hung hãn nên lấy dùng làm vây cánh và cấp thưởng cho rất hậu. Từ năm Ất Mùi (1775), Hòa Nghĩa giao chiến với quân Bắc Hà ở Quảng Nam, từ sau khi bại trận ở Cẩm Sa liền bị Tây Sơn bạc đãi. Nhân năm đó Tây Sơn giao Lý giữ Phú Yên, Lý bèn đem quân về qui thuận với Kính Quốc công, nay cùng về Gia Định) đến dinh Trấn Biên, trú quân ở đó [76b] rồi thân dẫn thuộc tướng đến chỗ hành tại để bái yết.
Tháng 6, Kính Quốc công bị bệnh rồi mất, lúc ấy Tông Quận công đang ở tại Trấn Giang, trong tay không đủ binh quyền, chỉ ngồi nhìn nước đang mắc nạn nên ông thường đấm ngực nghiến răng phẫn uất hổ thẹn mà than dài.
Tháng 3 mùa xuân năm thứ 13, Đinh Dậu (1777) (Năm thứ 38 niên hiệu Cảnh Hưng đời vua Lê Hiển Tông. Năm thứ 42 đời vua Càn Long nhà Đại Thanh), Long Nhương Đại tướng quân Tây Sơn là Nguyễn Văn Huệ trở lại chiếm phủ Gia Định. Tháng 4, thánh giá ([25][132]) phải chạy qua đạo Trấn Giang, Tông Quận công nghênh rước vào đó. Tháng 6, vua để Tông Quận công ở lại giữ Kiên Giang, thánh giá lại về đạo Long Xuyên, qua tháng 8 bị quân Tây Sơn bắt bỏ cũi đưa về đồn Phiên Trấn cùng với Mục vương, chỉ còn Thế Tổ Cao hoàng đế lánh lại ở vùng Long Xuyên. Tháng 9, Tông Quận công chạy ra La Xoang (nơi giáp ranh giữa Hà Tiên với Xiêm La), Phi nhã Tân [77a] biết tin mới sai một người Cao Miên là Bò Ong Giao bày tỏ hảo ý rước hoàng thân Xuân Quận công, Tông Quận công sang Xiêm La, tiếp đãi rất hậu và lưu lại đó. Tháng 10 mùa đông, vua Cao Miên là Nặc Ong Vinh (tục gọi là Trị) giết anh là Nhị vương Nặc Ong Ton.
Ngày 5 tháng Giêng, mùa xuân năm Mậu Tuất (1778) đời Thế Tổ Cao hoàng đế năm đầu (Năm thứ 39 niên hiệu Cảnh Hưng đời Lê Hiển Tông. Năm đầu Tây Sơn ngụy Nguyễn Văn Nhạc Thái Đức. Năm thứ 43 Càn Long nhà Đại Thanh) ba quân mang đồ tang tôn Thế Tổ Cao hoàng đế làm Đại nguyên soái rồi cất quân đi lấy lại phủ Gia Định. Tháng 6 mùa hạ, sai Chánh sứ là Cai cơ Trưng Tín hầu Lưu Phước Trưng đến Xiêm La để tỏ tình giao hảo đồng thời thăm hỏi Xuân Quận công và Tông Quận công.
Mùa xuân năm thứ 2, Kỷ Hợi (1779) (Năm thứ 40 niên hiệu Cảnh Hưng đời vua Lê Hiển Tông. Năm thứ hai niên hiệu Thái Đức ngụy tặc Tây Sơn Nguyễn Văn Nhạc. Năm thứ 44 đời vua Càn Long nhà Đại Thanh) ở nước Cao Miên, Chiêu trùy Mô Đê Đô Luyện đánh Nặc Ong Vinh, Nặc Ong Vinh sai Vị Bôn Xu [77b] lấy binh Ba Thắc đi tiếp viện. Vị Bôn Xu đem tội thí nghịch của Nặc Ong Vinh đến cửa khuyết để tố cáo. Tháng 6 mùa hạ, triều đình sai Phương Quận công đi chinh phạt Cao Miên, bắt được Nặc Ong Vinh rồi giết đi, lập con của Nặc Ong Ton là Nặc Ong In làm vua nước Cao Miên.
Tháng Giêng mùa xuân năm thứ 3, Canh Tý (1780) (Năm thứ 41 niên hiệu Cảnh Hưng đời vua Lê Hiển Tông. Năm thứ 3 niên hiệu Thái Đức ngụy tặc Tây Sơn Nguyễn Văn Nhạc. Năm thứ 45 đời vua Càn Long nhà Đại Thanh), Đại nguyên soái lên ngôi ở Gia Định. Tháng 6 mùa hạ, vua sai sứ là Cai cơ Sâm Đức hầu và Tĩnh Viễn hầu qua Xiêm La để tỏ tình giao hảo, vừa lúc ấy, thuyền buôn của vua Xiêm (tục nước Xiêm là vua tôi đều theo việc buôn bán) về báo rằng thuyền từ Quảng Đông trở về, khi qua hải phận Hà Tiên đã bị tướng ở đó là Chưởng cơ Thăng Bình hầu cướp giết. Phi nhã Tân giận lây nên ra lệnh bắt sứ ta hạ ngục. Khi ấy Bò Ong Giao từ Cao Miên đến Xiêm La tố cáo là y bắt được mật thư của Gia Định sai Xuân Quận công [78a] và Tông Quận công làm nội ứng để mưu đánh thành Vọng Các. Vua Xiêm tưởng thật nên ngày mùng 5 tháng 10, các vị ấy bị bắt giam lại để tra hỏi nhưng tất cả đều kêu oan và không nhận tội. Tham tướng Mạc Tử Dung hết sức biện hộ về việc vu cáo ấy liền bị Phi nhã Tân đánh chết, Tông Quận công thì tự tử. Ngày 24, Xuân Quận công ([26][133]) cùng sứ thần nước ta và con cháu môn quyến của Tông Quận công cộng 53 người đều bị hại, còn người Việt Nam cư trú trên nước Xiêm đều bị đày ra vùng biên viễn.
Tháng 10 mùa đông năm thứ 4, Tân Sửu (1781) (Năm thứ 42 niên hiệu Cảnh Hưng đời vua Lê Hiển Tông. Năm thứ 4 niên hiệu Thái Đức ngụy tặc Tây Sơn Nguyễn Văn Nhạc. Năm thứ 46 Càn Long nhà Đại Thanh), đại tướng Xiêm La là hai anh em Chất Tri ([27][134]) và Sô Si sang đánh nước Cao Miên, vua nước Cao Miên là Nặc Ong In gửi thư gấp báo về triều. Tháng Giêng mùa xuân năm thứ 5, Nhâm Dần (1872), triều đình sai Điều khiển Chưởng cơ Thoại Ứng hầu Nguyễn Hữu Thoại cử binh đi cứu viện [78b], lúc ấy Phi nhã Tân rất bạo ngược, hở là chém giết, dân chúng không biết trông cậy sống vào đâu được, bọn cướp bóc nổi lên khắp nơi, chỉ có quân giặc ở thành Cổ Lạc là hung dữ lắm nên Phi nhã Tân sai Đại tướng Phi nhã Oan Sản đem quân đến đánh. Tướng giặc giữ thành Cổ Lạc vốn là em ruột của Oan Sản nên y mới kể hết tệ hại của tên bạo chúa Phi nhã Tân, thần dân đều oán hận, nếu không lo tính trước chuyện trở cờ, sẽ bị nhân dân làm thịt chẳng chơi. Oan Sản nghe theo nên hiệp binh trở giáo kéo về vây đánh thành Vọng Các, dân chúng đều hưởng ứng theo, Oan Sản bắt được Phi nhã Tân đem giam tù, mở kho bạc phát ra khao thưởng đoàn quân khởi nghĩa rồi cho mời anh em Chất Tri về nước để thương nghị. Tháng 3, Chất Tri được tin, liền sai em là Sô Si ở lại sau để cùng Thoại Ứng hầu giảng hòa, còn Chất Tri tự đem bọn cận vệ tay chân đang đêm trở về thành Vọng Các kể hết tội ác của Phi nhã Tân [74a] rồi giết đi, còn cho phơi thây ngoài thành để hả lòng người trong nước. Tiếp đó, Chất Tri lên ngôi Phật vương của nước Xiêm (tục của nước Xiêm là trọng Phật nên mới gọi vua là Phật vương, cũng như ở Trung Quốc do kính trời nên gọi vua là Thiên tử). Sô Si về sau được phong làm Nhị vương và phong cho người cháu là Ma Lặc làm Tam vương. Những người Việt trước đó bị Phi nhã Tân đày đi nay cũng được miễn xá cho trở lại thành Vọng Các, lại còn được cấp tiền gạo để sinh sống. Oan Sản vì tự quyền phân phát kho bạc nên bị giam tù rồi phẫn uất mà chết, ấy cũng do Chất Tri kỵ ngại Oan Sản nên mới dẫn tới sự việc như thế. Sau đó, vua Xiêm lại sai Thát Sỉ Đa đi xem xét đất Hà Tiên.
Tháng 3, anh em Tây Sơn là Nguyễn Văn Nhạc và Nguyễn Văn Huệ dẫn 3 vạn quân thủy bộ vào lấy Gia Định. Thủy quân của ta bày trận ở ngã bảy Cần Giờ, quân Tây Sơn nhờ thuận gió và thủy triều nên căng no buồm xông thẳng vào, quân ta không đánh mà tự tan rã (79b), chỉ có chiếc tàu phương Tây của Man Hòe là chống cự được lâu. (Man Hòe ([28][135]) là người nước Pháp, theo giúp rất hiệu dụng, làm quan đến Khâm sai Cai cơ quản đội Trung Khuông, được phong tước An Hòa hầu, khi chết được tặng là Hiệu Nghĩa công thần phụ quốc Thượng tướng quân, được tòng tự ở miếu Hiển Trung). Nguyễn Văn Huệ cho quân vây đánh đốt cháy tàu đó, Man Hòe chết, quân Tây Sơn thừa thắng phá luôn quân ta ở ngã ba Lôi Lạp (Soi Rạp), thẳng tiến Bến Nghé, quan quân phải chạy tan tác. Khi ấy, vua chạy đến Ba Giồng để hiệu triệu tướng sĩ, bốn phương tụ tập về rất đông. Tháng 5, anh em Nguyễn Văn Nhạc đem quân thủy bộ trở về Qui Nhơn, để lại một hàng tướng Đông Sơn là Đỗ Nhàn Trập lo đốc lãnh binh lính giữ gìn Gia Định, đồn trú tại Bến Nghé. Tháng 8, quan quân lấy được phủ Gia Định, Đỗ Nhàn Trập phải bỏ chạy [80a]. Tháng 2 mùa xuân năm thứ 6, Quý Mão (1783) (Năm thứ 44 niên hiệu Cảnh Hưng đời vua Lê Hiển Tông. Năm thứ 6 niên hiệu Thái Đức ngụy tặc Tây Sơn Nguyễn Văn Nhạc. Năm thứ 48 đời vua Càn Long nhà Đại Thanh), Nguyễn Văn Lữ và Nguyễn Văn Huệ của Tây Sơn vào chiếm Gia Định. Lúc ấy vua cho mời Tiếp Quận công từ đồn núi Chà Lang ([29][136]) kéo quân về để điều khiển thủy quân bày trận hỏa công; điều khiển Trừng Thanh hầu (Dương Công Trừng) giữ đồn Thủ Thiêm; hoàng đệ Thiếu phó Mân giữ đồn Rạch Bàng; Giám quân dinh Phiên Trấn Tô Văn hầu giữ bè lửa; tàu thuyền của Tiếp Quận công (Châu (Chu) Văn Tiếp) thì lo phân chia bè cỏ giăng ngang trên sông Bến Nghé.
Ngày 24, Chưởng thủy quân Hoảng Nhật hầu và Thăng Bình hầu đem quân đón đánh ở Khúc Manh ([30][137]), dụ địch vào trận để mở thế hỏa công, hôm ấy gặp ngày nước ươn lớn, từ giờ Dần đến giờ Tỵ, nước lình bình rồi tự dâng tràn ngập, bỗng nhiên có cơn gió đông bắc quật ngược làm bè lửa quay lại đốt quân ta, khói lửa mịt mù, quân Tây Sơn thừa thế đánh rập tới làm cho quân ta vỡ chạy tán loạn. Tiếp Quận công theo đường núi chạy lên Lao quốc (nước Lào) [80b] (đó là các tộc người Ai Lao, thời Hậu Hán mới thông với Trung Quốc, tiếp giáp với phía nam tỉnh Vân Nam và ở vào phía tây bắc của nước ta. Ngoài vùng sơn man còn có các tộc người như Ai Lao, Lạc Hoàn, Vạn Tượng, Xỉ Đa, Mục Đa, Hãn Viện, Chân Mang, Khổng Xương, Mại Xương, Tinh Ba Thắc. Tên gọi thì rất nhiều nhưng tổ tông của họ đều từ Lao Sơn nên gọi chung là Lào). Thánh giá phải chạy qua Mỹ Tho, đến Đông Khẩu rồi ra đảo Phú Quốc. Ở đây vua sai Tả thủy Cốc Tài hầu trở vào Hà Tiên để chiêu tập tàn binh. Lúc ấy Điều khiển đạo Hòa Nghĩa là Trần Đĩnh không chịu mệnh nên bị Cốc Tài hầu ([31][138]) chém đi, Tổng binh đảng ấy là Trần Hưng, Lâm Húc đánh úp giết Hữu chi Khuông chính hầu ([32][139]) rồi chiếm Hà Tiên làm phản. Quan binh hiệp sức đánh, giết Trần Hưng, Lâm Húc bỏ chạy trốn. Trong lúc đó có người Đồ Bà (Chà Và) là Vinh Ly Ma Luyền từ ngoài đảo đem hơn 10 chiếc thuyền vào xin đầu hàng.
Tháng 6, quan quân hầu vua trở ra lánh ở vũng Lụy Thạch thuộc Phú Quốc [81a]. Vừa lúc ấy bị Thống suất Tây Sơn là Thận (Phan Tiến Thận) đem quân đánh úp, Vinh Ly Ma Luyền bị bắt, thánh giá phải chạy ra đảo Côn Lôn nhưng cũng bị thám báo của Tây Sơn dò biết. Tháng 7, ngự binh qua hướng đông đậu thuyền ở Eo Rỗi ([33][140]) (Ốc Lồi) Băng Côn (Cung). Ngày 12, thuyền của Tây Sơn do ngụy Đô úy Trấn và Ngự úy Văn đến vây đánh, thế rất nguy cấp. Hôm ấy trời đang sáng sủa, bỗng trở nên mây mù bốn phía, gió to sóng cả nổi lên, thuyền của địch trôi dạt như bèo giữa biển, theo chiều gió tan ra nên bị chết chìm không biết bao nhiêu mà kể. Khi ấy, thuyền của vua giương hai buồm theo hướng đông bắc mà chạy ra, khi ngang cảng biển Ma Ly lại gặp quân Tây Sơn xông đến, thuyền vua bỏ chạy không dám đụng đầu với chúng ([34][141]). Một chốc sau, trời bỗng nổi gió mưa tối mù, thuyền của vua phải trở qua hướng đông chạy ra giữa biển mênh mông, không biết bến bờ nào cả. Lúc ấy nước ngọt trên thuyền đã cạn, quan quân chịu khát [81b] đã 7 hôm, bỗng nhiên thấy mặt biển mù tan, đầu thuyền sóng lặng, nhìn thấy nước biển chia ra hai dòng trắng đen rất rõ, nước trong tràn ra, nếm thử thấy nước ngọt, quan quân nhờ vậy mà được an toàn nên mới cho quay thuyền về đảo Phú Quốc rồi các thuyền đi theo dần dần qui tập về đây cả.
Tháng 8, vua về đạo Long Xuyên (Cà Mau) để lo tu sửa thuyền bè và chỉnh trang lương hướng, lâu sau đó Lưu thủ Hóa (Nguyễn Hóa) của Tây Sơn dò biết được nên đem một đại đội thủy binh từ Ba Thắc rần rần kéo đến, chiều tối dừng lại ở hạ khẩu Đốc Vàng (sông Ông Đốc) phân phái đâu vào đó, định ngày mai sẽ vây đánh. Đêm ấy, vua dò la được tin liền cho thu quân đương đêm chạy ra Hòn Chông. Quân Tây Sơn biết quân ta có chuẩn bị nên không dám đuổi theo (?) Quan quân lại trở ra đảo Thổ Chu là một đảo xa để tránh.
Tháng 12, sứ nước Xiêm là Thát Xỉ Đa dâng biểu của Tiếp Quận công và quốc thư của nước Xiêm xin rước vua [82a] sang Xiêm để hội nghị bàn việc lớn phục quốc. Từ đó, vua mới biết rằng sau khi bại trận ở Bến Nghé, Tiếp Quận công đã chạy trước theo đường Ai Lao sang Xiêm để cầu viện, trời cao đang giúp nên thánh thượng gặp được những báo ứng rất thần kỳ. Việc ấy cũng đã được truyền bá bởi bia miệng quân Tây Sơn, nên chi Chưởng cơ Vân Long hầu Nguyễn Đăng Vân vốn là người đứng đầu trong mười người con nuôi anh kiệt của Nguyễn Huệ đã nghiêng lòng hâm mộ, bèn giả vờ bị câm, bỏ hết quyền lực, âm thầm ra hải đảo truy tìm nhưng không gặp được vua. Tháng Giêng năm Đinh Mùi (1787), Vân đến Vọng Các là nơi hành tại để bái yết và xin theo, rồi xin được làm người đưa đường để quét sạch bọn địch. Về sau binh bại ở Mỹ Tho, ông bị quân Tây Sơn bắt, ông mắng chửi rồi nhịn ăn mà chết.
Tháng 3 mùa xuân năm thứ 7, Giáp Thìn (1784) (Năm thứ 45 niên hiệu Cảnh Hưng đời vua Lê Hiển Tông. Năm thứ 7 niên hiệu Thái Đức ngụy tặc Tây Sơn Nguyễn Văn Nhạc. Năm thứ 49 đời vua Càn Long nhà Đại Thanh), xa giá đến Xiêm La kể lại đầu đuôi mọi gian lao và [82b] cầu xin viện binh để lấy lại nước. Vua Xiêm lấy lễ để an ủi tiếp đãi và tặng quà rất hậu. Phật vương còn lấy tình giao hảo láng giềng hứa cử nghĩa binh giúp vua lấy lại nước. Nhị vương Xiêm La nhân đó nhắc lại việc năm trước là khi giao hòa với Thoại Ngọc hầu ở Cao Miên đã ước thề rằng nếu có hoạn nạn thì cứu lẫn nhau, nguyền hết sức với nhau. Không bao lâu, gặp khi Miến Điện xâm lấn ngoài biên, Nhị vương phải xuất chinh, nên ủy cho cháu là Chiêu Tăng làm soái tướng, Chiêu Sương làm tiên phong đem 2 vạn thủy binh cùng 300 thuyền chiến chọn ngày mùng 9 tháng 6 khởi hành đưa vua về nước, Tiếp Quận công theo hộ giá.
Khi trước Tông Quận công và con cháu ông bị hại, chỉ còn con thứ là Tử Sanh, Tử Tuấn và Tử Thiêm vì còn nhỏ lại được Cao la hâm Hốc (người Cao Miên làm quan ở xứ Xiêm La) thương tình mang đi giấu. Còn bọn cháu là Công Bính, Công Du, Công Thế, Công Tài ở tuổi đang bồng thì lẫn theo dân ta bị đày [83a] đến nơi biên ải xa xôi, sau được vua mới nước Xiêm gọi về và nuôi nấng. Lúc này vua nghĩ đến cháu con sót lại của công thần nên bổ Tử Sanh làm Tham tướng, phong tước là Lý Chánh hầu.
Tháng 7, đại quân tiến lấy đạo Kiên Giang rồi vào Trấn Giang đánh với ngụy Đô đốc Hóa (Nguyễn Hóa) của Tây Sơn, sau đó kéo thẳng đến chia quân đóng ở các xứ Ba Thắc, Trà Ôn, Mân Thít và Sa Đéc.
Ngày 18 tháng 10, đang đêm Tiếp Quận công tập kích thủy quân của Phò mã Đa (Trương Văn Đa) ở sông Mân Thít, chém chết Chưởng tiền Bảo, quân Tây Sơn bị thương và chết rất nhiều nên phải bỏ thuyền lội chạy. Lúc ấy, Tiếp Quận công đang ở trong vòng hỗn chiến bị địch đánh lén thọ thương, ngày hôm sau thì chết. Quan quân thu được thuyền bè, khí giới của quân Tây Sơn không biết bao nhiêu mà kể. Phò mã Đa thì chạy về Long Hồ cùng Đô úy Trấn cứ thủ tại đó.
Tháng 11, quân ta đánh đồn Ba Lai và Trà Luật, thế quân đi tới đâu giặc hàng phục tới đó. Trước đó tướng Tây Sơn đã cấp báo về Quy Nhơn [83b], Nguyễn Nhạc sai Nguyễn Văn Huệ đem hết quân tinh nhuệ đáp thuyền vào Gia Định để ứng viện. Trong lúc đó, quân cần vương của ta từ bốn phương tụ tập về, binh uy cũng vang dội. Lúc ấy chỉ có quân Xiêm đi đến đâu thì cướp bóc rất khó chế ngự nên vua rất lo âu. Đã vậy, quân Xiêm còn kiêu ngạo hung hãn khiến lòng dân không phục. Khi quân Xiêm kéo đến Rạch Gầm, do không thuộc địa thế chỗ nào hiểm, chỗ nào không, lại bị giặc lừa sâu vào đường cùng rồi bị phục binh vừa thủy vừa bộ đổ ra chận đánh, cả cánh quân đều thua chết hết. Chiêu Tăng và Chiêu Sương đem vài ngàn tàn quân theo đường Cao Miên chạy về Xiêm.
Ngày 18 tháng 12, vua về Trấn Giang, Tham tướng Lý Chánh hầu đón rước về trấn Hà Tiên. Vua sai Lý Chánh hầu và Cai cơ Trung Nghĩa hầu mang quốc thư nói rõ nguyên nhân thất lợi để vua Xiêm biết.
[84a] Tháng Giêng mùa xuân năm thứ 8, Ất Tỵ (1785) (Năm thứ 46 niên hiệu Cảnh Hưng đời vua Lê Hiển Tông. Năm thứ 8 niên hiệu Thái Đức ngụy tặc Tây Sơn Nguyễn Văn Nhạc. Năm 50 đời vua Càn Long nhà Đại Thanh), vua tạm trú ở đảo Thổ Chu (Châu), quân địch đuổi đến rất gắt, vua phải dời ra đảo Cổ Cốt, lúc ấy đã có thuyền bè của quân Xiêm đậu sẵn ở đó để đón rước nhà vua. Ngày mùng 1 tháng 3, xa giá trở qua thành Vọng Các, vua Xiêm cung kính đón tiếp và an ủi rồi nói: Bọn cháu tôi ngông cuồng chẳng ra gì nên bị thua nhục nhã, làm nhọc thánh giá phải lánh đi đây đó. Nói xong ra lệnh phải đem Chiêu Tăng và Chiêu Sương ra xử tử. Vua vốn khoan hồng và nhân từ nên can rằng: Đó là do ý trời chưa muốn cho yên, cần phải đợi thời cơ, vậy xin được tha tội cho hai tướng đó. Vua Xiêm nghe vậy mới tha cho.
Lúc ấy tướng sĩ văn võ tụ tập càng đông, tuy lương hướng trên dưới vua Xiêm cung cấp đầy đủ, chưa đến nỗi thiếu thốn nhưng lương thực cho quân lính là chuyện lớn cần phải có trước, vì vậy vua về trú tại Long Khâu (dân Xiêm gọi là Gò Khoai (Khuy) (?) chăm lo việc đồn điền. Vua lại còn sai phái các tướng hoặc giúp vua Xiêm đi đánh Miến Điện ở Sài Nặc (Tháng 6 năm Bính Ngọ (1786) ([35][142]) quân Miến Điện đánh Xiêm La ở Sài Nặc, vua Xiêm nhờ giúp đỡ, vua thân chinh và dùng súng phun lửa hỏa hổ thắng được, quân Miến Điện khiếp sợ bỏ chạy), hoặc đánh Đồ Bà (Chà Và) ở Tòa Nầy (Này) ([36][143]) (thương nhân người Hoa gọi đất nầy là Đại Niên ở hải đảo Tây Nam, vốn làm thuộc quốc Xiêm La, nhưng không tuân theo chức cống. Năm Bính Ngọ, vua Xiêm cầu quân ta giúp, vua sai Tiền quân Dũng Quận công cùng với Nhị vương nước Xiêm dẹp yên được nước Đại Niên), hoặc ra hải đảo sửa sang thuyền bè, hoặc ngầm về Gia Định chiêu mộ nghĩa binh để tính kế khôi phục.
Tháng 5 mùa hạ năm thứ 10, Đinh Mùi (1787) (Năm thứ 2 niên hiệu Lê Chiêu Thống. Năm thứ 10 niên hiệu Thái Đức ngụy tặc Tây Sơn Nguyễn Văn Nhạc. Năm thứ 52 đời vua Càn Long nhà Đại Thanh), Giám quân Úy Văn hầu Tống Phước Đạm đến nơi hành tại ở Vọng Các tâu bày anh em Tây Sơn Văn Nhạc, Văn Huệ đang dàn quân sát hại lẫn nhau, tướng Tây Sơn giữ Gia Định là Đô úy Trấn đã rút hết quân về ứng cứu Quy Nhơn, Gia Định đang yếu, có cơ thu lại được.
[85a] Ngày mùng 1 tháng 7, nhà vua tính toán rất sáng suốt, lại hợp ý trời, chẳng theo thói thường tình mà đi cầu mượn binh lương để cho người Xiêm được thế kiêu căng hung hãn khó chế ngự, lại có hại cho lê dân, cũng không câu nệ việc nhỏ là phải đối mặt để từ tạ, để họ nhân chuyện giúp đỡ mà chẳng làm được gì rồi lựa lời can ngăn, nên vua để lại bức thư từ tạ nơi dinh thự đang ở rồi trong đêm dẫn ngự binh theo cửa bể Bắc Nôm ra Hòn Tre để điều khiển ba quân tiến đánh, vua sai chém Cai cơ Trung rồi lấy đầu gửi tạ vua Xiêm. (Trung ức hiếp và giết người Xiêm, việc sắp bị phát giác nên đem chém). Lúc ấy, vua Xiêm cho quân chạy theo ân cần bày tỏ lời tự trách và nói nếu vua cần những gì thì sẽ xin cung ứng đầy đủ. Vua nói lời cảm ơn rồi tiến thẳng đến Hà Tiên.
Lúc ấy có tướng Tàu Ô cướp biển của Thiên Địa hội (Đảng Bạch Liên giáo tỉnh Tứ Xuyên ra biển xưng vương hiệu là Thiên Địa hội, chúng cướp phá rất hung dữ, hai xứ Mân - Việt (của nhà Thanh) đều không chế ngự được) là Hà Hỉ Văn và Châu Viễn [85b] Quyền đem binh thuyền xin theo về. Quân vua đến đạo Long Xuyên, tướng Tây Sơn là Lưu thủ Quyền Chánh hầu Nguyễn Văn Trương (sau thăng là Chưởng trung quân, Bình Tây đại tướng quân, tước Quận công, là người đứng đầu công thần thời Trung hưng) đem quân đến lạy hàng, rồi xin làm tiên phong đem quân đi phá đồn giặc ở Trà Ôn, Ba Lai. Còn vua về trú tại Hồi Thủy (tức đồn Hồi Oa tại thôn Hưng Long, An Giang) ([37][144]), nghĩa quân bốn phương hưởng ứng theo về rất đông. Ở Trấn Định có tiên phong Tánh Thiện hầu Võ Tánh (sau thăng Chưởng hậu quân Bình Tây tham thừa đại tướng quân, mùa hạ năm Tân Sửu ([38][145]) tử tiết ở thành Qui Nhơn, được tặng Thái úy Quốc công); ở Trấn Biên có Chưởng cơ Nghĩa Lý hầu Nguyễn Văn Nghĩa là người có mưu mô thủ đoạn, ngoài ra các hào kiệt thường hay đánh giết tướng tá quan lại của Tây Sơn để hưởng ứng theo quan binh nơi nơi không phải là ít. Trong đó cũng có kẻ thế cô, tính việc không thành bị địch giết hại [86a] và cũng có người vì lòng trung phẫn, mà làm nội công, nổi lửa làm hiệu mà quân giặc không sao chế ngự được, nên việc Trung hưng có thể định trước chẳng lâu xa gì.
Tháng 6, Tham tướng Lý Chánh hầu từ Xiêm La trở về giữ trấn Hà Tiên, lúc ấy thanh thế quân ta đã vang động. Ngụy Đông Định vương Nguyễn Văn Lữ dẫn quân lánh vào gò Mụ Lượng (nui Vải Lượng) ở Trấn Biên đắp lũy bằng đất mà ở, chẳng bao lâu phải đem thuộc hạ trở về Qui Nhơn, ngụy Tham đốc Tây Sơn là Tú giữ Phiên Trấn cũng lo phòng giữ nghiêm mật, đường thương mại cũng bế tắc. Ngụy Thái bảo Tham (Phạm Văn Tham) ở Mỹ Tho Long Hồ mỗi khi giao chiến cũng bị thua, phải dùng thuyền chiến kết lại làm thành dưới nước để bảo vệ nhau. Ở những nơi như Ba Lai, Kiến Định, Mỹ Tho quân địch không dám leo lên bờ. Tiếp đó có một viên Thái úy Tây Sơn là Hưng (Nguyễn Văn Hưng) dùng 30 chiếc thuyền chở binh lương từ Qui Nhơn cật lực giúp Thái bảo Tham để chiến đấu nhưng cũng nhiều lần bị thua.
Mùa hạ năm Mậu Thân (1788), quân Tây Sơn phải [86b] chở lương trở về, chỉ còn Thái bảo Tham ở lại chống chỏi một cách nhọc nhằn mà thôi.
Ngày mùng 8 tháng 8 mùa thu năm thứ 11, Mậu Thân (1788) (Năm thứ 3 đời vua Lê Chiêu Thống. Năm thứ 11 niên hiệu Thái Đức ngụy tặc Tây Sơn Nguyễn Văn Nhạc. Năm đầu niên hiệu Quang Trung ngụy tặc Tây Sơn Nguyễn Văn Huệ. Năm thứ 53 đời vua Càn Long nhà Đại Thanh), vua lấy lại được Gia Định và đồn trú ở Bình Dương (tục gọi là Mụ Nghè), Tham đốc Tây Sơn là Tú đến xin hàng. Thái bảo Tham dẫn binh thuyền ngoài phủ Qui Nhơn và Thuận Hóa đến Cần Giờ, vào Cửa Tiểu, qua Ba Lai, Long Hồ rồi đến Ba Thắc, chạy quanh bốn phía rồi cũng bị đại quân đuổi theo tới cùng.
Tháng Giêng mùa xuân năm thứ 12, Kỷ Dậu (1789) (Năm thứ 54 đời vua Càn Long nhà Đại Thanh. Năm thứ 12 niên hiệu Thái Đức ngụy tặc Tây Sơn Nguyễn Văn Nhạc. Năm thứ 2 niên hiệu Quang Trung ngụy tặc Tây Sơn Nguyễn Văn Huệ), vua thân chinh đi dẹp, Thái bảo Tham bị truy bức đến cùng nên phải ra hàng, vua tha cho tội chết. Về sau Tham định làm phản, việc bị bại lộ nên bị giết, liền bình định (... ) Gia Định ([39][146]).
Lúc ấy Tham tướng Lý Chánh hầu đã bị bệnh và mất rồi, vua Xiêm đưa Mạc Công Bính về lại trấn Hà Tiên. Trấn này vốn là dọi biển xa xôi hẻo lánh, lại bị binh lửa đã lâu ngày, nhân dân chưa trở về hoàn tụ, vua gia phong cho Công Bính làm chức Lưu thủ tước Bính Chánh hầu [87a] đồn trú ở đạo Long Xuyên. Chẳng bao lâu Công Bính cũng bị bệnh mất nên phải thay quan khác chia nhau coi sóc hai đạo Long Xuyên và Kiên Giang, còn trấn Hà Tiên thì còn để khuyết.
Năm thứ 22, Kỷ Mùi (1799) (Năm thứ 4 niên hiệu Gia Khánh nhà Đại Thanh. Năm thứ 7 niên hiệu Cảnh Thịnh ngụy tặc Tây Sơn Nguyễn Quang Toản), vua cho đòi Mạc Tử Thiêm và Mạc Tử Du (con Hiệp Trấn Hoàng Tân hầu) ([40][147]) từ Xiêm về.
Tháng 10 mùa đông niên hiệu Gia Long năm đầu (Năm thứ 7 Gia Khánh nhà Đại Thanh) Nhâm Tuất (1802), phong chức Cai cơ cho Mạc Tử Thiêm rồi cử làm Trấn thủ trấn Hà Tiên và sai trở về trấn ấy lo chiêu tập nhân dân, tha cho các khoản thuế khóa. Còn các khoản thuế của dân hai đạo Long Xuyên và Kiên Giang thì đem nộp ở dinh Vĩnh Trấn.
Tháng 12 mùa đông niên hiệu Gia Long thứ 8, Kỷ Tỵ (Năm thứ 14 Gia Khánh nhà Đại Thanh) (1809), Trấn thủ Hà Tiên Chưởng cơ Thiêm Lộc hầu Mạc Tử Thiêm mất. Lúc ấy, Công Du, Công Thê, Công Tài đang ít tuổi, chưa am hiểu chính sự, vua ban cho họ [87b] mang hàm Cai đội lo việc thờ phụng Mạc Thống binh và Mạc Quận công, cấp thêm cho phu và quân giữ mộ 53 người.
Tháng Giêng mùa xuân niên hiệu Gia Long thứ 9, Canh Ngọ (Năm thứ 15 Gia Khánh nhà Đại Thanh) (1810), Tổng trấn thành Gia Định là Khâm sai Chưởng chấn võ quân Nhơn Quận công Nguyễn Văn Nhơn, Khâm sai bộ Hộ Thượng thư Hiệp tổng trấn [thần] An Toàn hầu Trịnh Hoài Đức, quyền Khâm sai Cai đội Nghiễm Chánh hầu Ngô Y Nghiễm, Tham luận Tri Lễ hầu Lê Tiến Phước án thủ trấn Hà Tiên. Ngô Y Nghiễm và Lê Tiến Phước tâu xin cho bỏ ba ngạch thuế hoa chi, thuốc phiện và mỡ lợn. Vua còn dụ rằng các loại tàu thuyền buôn của hạt Hà Tiên từ nay về sau đều cho miễn thuế khóa.
Tháng 9, vua ra lệnh thuyên chuyển Trấn thủ trấn Vĩnh Thanh Thiện Chánh hầu Nguyễn Văn Thiện sang làm Trấn thủ Hà Tiên [88a], Ký lục Hội Lý hầu Nguyễn Đức Hội làm Hiệp trấn, Tham luận Châu Quang hầu Dương Văn Châu làm Tham hiệp, chuẩn ban cho ấn đồng dùng mực đỏ để làm việc và đem hai đạo Long Xuyên và Kiên Giang cho thuộc vào trấn Hà Tiên như cũ. Đồng thời chuyển 20 viên trong hai Thừa ty tả hữu của bốn trấn Phiên An, Biên Hòa, Vĩnh Thanh, Định Tường bổ sung làm hai Thừa ty cho trấn Hà Tiên. Lại còn cấp thêm 200 lính cơ cho bốn trấn cùng 6 chiếc ghe để sai phái, chuẩn định cứ 6 tháng 1 lần thay phiên và thuộc quyền quan Lưu thủ sai phái việc công để tuần bắt bọn giặc biển (trấn này vì loạn lạc nên bị điêu tàn, do đó quan binh đều thiếu).
Thiện Chánh hầu được bổ làm Trấn thủ nhưng chưa đến trấn thì đã bị bệnh mất. Hội Lý hầu và Châu Quang hầu không đủ khả năng chấn chỉnh cho yên ổn, họ còn vì chuyện riêng tư mà kèn cựa lẫn nhau, thường cho quân ẩu đả nhau gây rối loạn địa phương, Khổn súy thành Gia Định ra lệnh bắt giam và tâu lên triều xin tra xét rồi thay quyền lệnh [88b] cho Thủy quân Khâm sai Chưởng cơ Thoại Vân hầu Nguyễn Phước Thoại đến vỗ về cư dân và canh phòng bọn trộm cướp.
Tháng 8 mùa thu niên hiệu Gia Long thứ 10, Tân Mùi (1811) (Năm thứ 16 Gia Khánh nhà Đại Thanh), Khâm mạng đạo Kiên Giang là Cai cơ Giáo Hóa hầu Trương Phước Giáo được thăng làm Trấn thủ Hà Tiên, chuyển Ký lục trấn Định Tường là Minh Đức hầu Bùi Văn Minh ([41][148]) làm Hiệp trấn. Từ đó, Minh Đức hầu lo sửa sang nha thự, doanh trại, chiêu dụ dân lưu tán, tập họp người buôn bán, dựng trường học, khẩn hoang ruộng đất, qui hoạch đường sá chợ búa, sắp xếp rất nề nếp. Người Việt, người Tàu, người Cao Miên, Đồ Bà (Chà Và) cùng nhau đến ở, chính sự rất giản dị rộng rãi, không gây phiền nhiễu, từ đó việc ở trấn này mới đi vào nề nếp tốt đẹp.
Tháng Giêng mùa xuân niên hiệu Gia Long thứ 15, Bính Tý (Năm thứ 21 Gia Khánh nhà Đại Thanh) (1816), vua hạ chiếu cho Mạc Công Du làm Hiệp trấn Hà Tiên [89a]. Tháng 12 mùa đông niên hiệu Gia Long thứ 17, Mậu Dần (Năm thứ 23 Gia Khánh nhà Đại Thanh) (1818), vua hạ chiếu gia thăng cho Hiệp trấn Du Thành hầu (Mạc Công Du) làm Trấn thủ trấn Hà Tiên, đó là triều đình tưởng nhớ đến công mở mang đất đai của công thần, nên con cháu được nhờ ơn phúc ấm của tổ tông lâu dài vậy.
Trấn Hà Tiên này phía nam giáp trấn Vĩnh Thanh, phía tây giáp nước Xiêm La, phía tây nam trông ra biển, phía đông trông về thành Gia Định, phía bắc giáp nước Cao Miên, đảo Đại Kim Dữ và Tiểu Kim Dữ làm thành các viên ngọc biển án phía trước, núi Ngũ Hổ như cái ấn treo chận đằng sau. Phía đông có núi Tô Châu cao ngất nghểu làm thành cái cửa ải lớn lao bảo vệ vùng biển mênh mông. Phía tây có núi Lộc Trĩ như trụ đá ngăn chặn các đợt sóng dữ. Phía trái Hà Tiên có dãy Bình Sơn chầu về. Phía phải có dãy đảo hộ vệ, trông lồi thụt như răng chó, hoặc như cái đai ngọc, cánh cung nằm ngang, hoặc như cái đài vuông, cái đàn nằm ngang vừa cúi xuống vừa bao tròn quanh trấn. Có đảo Phủ Quốc chầu ngoài xa, vừa nhô cao vừa mỹ lệ, nay có thêm sông Vĩnh Tế mới thông thương, [89b] thuyền sông, tàu bể tụ tập tấp nập, đường thủy, đường bộ đều tiện lợi, thật là một nơi có hình thế tốt đẹp vậy.
Từ phía nam đến phía bắc cách nhau 54 dặm; từ đông sang tây là 419 dặm. Từ đông bắc đến thành (Gia Định) là 773 dặm. Trấn này có 2 huyện, 4 tổng, 103 xã, thôn, điếm, đội, nậu, phố, thuộc, sở, sóc. Danh mục theo cũ và thay đổi kê như sau:
LỆ THUỘC TRẤN THÀNH HÀ TIÊN (chưa đặt tên phủ, huyện, tổng)
Đông giáp tổng Kiên Định huyện Kiên Giang; Tây giáp vùng địa đầu Chân Bôn, Đại Đồng nước Xiêm La; Nam nhìn ra bờ biển; phía bắc giáp nước Cao Miên. Có 52 xã, thôn, điếm, phố, sở, thuộc, đội, soc.
19 xã, thôn, thuộc của Việt Nam.
· Xã Minh Hương. · Xã Hòa Mỹ.
· Thôn Tân An. · Thôn Thuận An.
· Xã Tân Đông. · [90a] - Thôn Tiên Hương.
· Thôn Tiên Hưng. · Thôn Dương Cảng Đông
(12 thôn dưới đây nguyên thuộc đảo Phú Quốc, trước đó thuộc sự cai quản của đạo Long Xuyên. Tháng 11 niên hiệu Gia Long thứ 18 (1819) cho thuộc vào trấn thành Hà Tiên cho gần và tiện).
· Thôn An Hòa. · Thôn Thới Thạnh.
· Thôn Vĩnh Thạnh. · Thôn Phước Lộc.
· Thôn Phú Đông. · Thôn Tân Quy.
· Thôn Cẩm Sơn. · Thôn Mỹ Thạnh.
· Thôn Phước Sơn. · Thôn Tiên Tỉnh.
· Thôn Minh Hương.
Phố, sở, điếm, thuộc của người Hoa
· Phố Lớn Minh Bột (Minh Bột Đại Phố).
· Phố Mới Minh Bột (Minh Bột Tân Phố).
· Phố Minh Bột Kỳ Thọ (trước có tên là Cây Kè).
· Sở Minh Bột Lư Khê (trước là xứ Rạch Vược).
· Điếm Minh Bột Thổ Khâu (trước là xóm Rễ)
THUỘC NGƯỜI HOA Ở PHÚ QUỐC
(Trước đó thuộc quản hạt đạo Long Xuyên, tháng 11 niên hiệu Gia Long thứ 18 (1819) cho lệ thuộc vào Hà Tiên)
[90b] 26 sóc của người Cao Miên
· Sóc Lộc Trĩ. · Sóc Vàm.
· Sóc Cổ Cần Lố. · Sóc Cò Vinh.
· Sóc Sa Cà Mau. · Sóc Xoài Tống.
· Sóc Cố Sâm. · Sóc Cô Gấp [hay (Hắp?), (Sà?), (Sai?)]
· Sóc Cố Vơn. · Sóc Kiên Xà Me Rạch Vược.
· Sóc Luốt (hay Lọt). · Sóc Sai Trò.
· Sóc Ba Nôm Rạp. · Sóc Côn Vun.
· Sóc Vàm Chông. · Sóc Côn Đồng.
· Sóc Nam Rạp. · Sóc Vẹt Trác.
· Sóc Côn Trà Mạt. · Sóc Cốt Tà Nục.
· Sóc Cốc Tầm Lai. · Sóc Bài Tầm Mang.
· Sóc Cốt Trà Câu. · Sóc Lạc Bà Già (Cà?).
· Sóc Phun Vàng Co. · Sóc Tầm Nặc Tà Bẹt.
* Một đội Đồ Bà: Đồ Bà Đội.
HUYỆN LONG XUYÊN
(mới đặt thành huyện)
Lãnh 2 tổng, 40 xã, thôn, điếm, nậu, thuộc.
TỔNG LONG THỦY ([42][149]) (mới đặt)
Có 23 xã, thôn, thuộc, nậu. Lấy hai bên rạch Cai Điều đến Gành Hàu giáp đến Mương Đào làm giới hạn.
· Thôn Tân Xuyên. · Thôn Minh Hương.
· Nậu Sái Phu. · Thôn Tân Phong.
· Thôn Tân Trạch. · Thôn Tân Qui.
· Thôn Mỹ Chánh. · Thôn Tân Định.
· Thôn Bình Thạnh. · Thôn Phong Thạnh.
· Thôn Mỹ Thuận. · Thôn Vĩnh Thạnh.
· [91b] - Thôn Tân Long. · Thôn Tân Thuộc.
· Thôn Hòa Thạnh. · Thuộc Hòa Thạnh (người Hoa).
· Thôn Tân Đức. · Thôn Tân Nghĩa.
· Thôn Bình Lâm. · Thôn Tân Thới.
· Thôn Cát An. · Thôn Tân Bình.
· Thôn Tân An.
TỔNG QUẢNG XUYÊN ([43][150]) (mới đặt)
Có 9 thôn, nậu. Lấy bờ bên trái cửa bể Gành Hàu xuống đến Mương Đào làm giới hạn.
· Thôn Tân Hưng. · Thôn Tân Duyệt.
· Thôn Tân Thuận. · Thôn Tân Ân.
· Thôn An Phong. · Thôn Lâm An.
· Thôn Tân Khánh. · Nậu Hoàng Lạp Phú Thạnh.
· Thôn Sàn Dầu hòn Sơn Rái.
[92a] HUYỆN KIÊN GIANG (mới đặt)
Gồm 2 tổng, 11 xã thôn.
TỔNG KIÊN ĐỊNH (mới đặt)
Có 7 xã, thôn. Từ Phong Đồng Bài đến ngã ba sông Cai Huệ xuống Giồng Riềng rồi dọc theo cửa cảng sông Thổ Khâu (tục gọi là Cái Bé), cảng Lịch Giang sông Trà Ninh (tục danh rạch Sỏi), cảng Kiên Giang (tục danh Rạch Giá), cảng Khâu Giang (tục gọi là Rạch Giồng), đến núi Tật Lê (tục gọi là hòn Chông) ([44][151]), giáp trở lại với Phong Đồng Bài.
· Xã Bình An. · Xã Thái Hòa.
· Xã Vĩnh Thạnh. · Xã Vĩnh An.
· Thôn Vĩnh Hòa Đông. · Thôn An Hòa.
· Thôn Sái Phu.
TỔNG THANH GIANG (mới đặt)
Gồm 4 xã, thôn. Từ ngã ba Cạnh Đền đến Cái Tàu, Cái Tư, Nước Trong, Nước Đục, Thầy Quang, Hốc Hỏa, Cái Bần, Cái Mới, Cái Nước, Cái Xu ([45][152]), Thứ Nhứt (từ thứ nhất tới thứ 11 là ra tới biển) cho đến Kim Quy (rùa vàng), rồi men theo đảo Bạch Thạch (đá trắng) giáp lại ngã ba Cạnh Đền.
· Thôn Vĩnh Thuận. · Thôn Vĩnh Hòa.
· Thôn Thái An. · Thôn Đông An.
([1][108]) Người Hoa gọi người Khơ me là Hoan Kía (芳吇). Vậy Phương Thành tiếng Hoa là Hoan Kía (芳吇) nghĩa là thành của người Khơ me. (Chờ chỉ giáo).
([2][109]) Bản in kèm bản dịch của VSH chép là (¬), bản VHN chép澳.
([3][110]) Bản in kèm bản dịch của VSH chép là Lý Kiến Tiệp.
([4][111]) Cần Bột tức Kampot của Campuchia, dân địa phương gọi là Cần Vọt.
([5][112]) Vũng Thơm còn gọi là Hương Úc tức Kompong Som của Campuchia.
([6][113]) Theo bản dịch của VSH: Mạc Cửu được phong Tổng binh vào năm Giáp Ngọ Hiển Tông Hiếu Minh hoàng đế năm thứ 24 (1714), (Lê Dụ Tông Vĩnh Thịnh năm thứ 10, Đại Thanh Khang Hy năm thứ 53). Nếu đọc tiếp đoạn sau (trang 120) lại thấy chép Mạc Cửu đến Phú Xuân tạ ơn vào tháng 4 năm Tân Mão (1711) thì thời gian thật mâu thuẫn (Bt).
([7][114]) Theo Từ Hải, Hạc đính là một loại xương nhỏ lấy từ cổ con hạc, hay cổ con cá hạc (hạc ngư) ở biển Nam Phiên dùng để cẩn dây nịt như nạm ngọc. Ngoài ra, hạc đính tức Đan đính hạc là thứ chim hạc đầu đỏ rất quý mà xưa kia Tống vương nuôi và đặt tên là Cửu Cao Xử Sĩ. Hạc ngày nay vẫn còn ở Việt Nam. Trong ngữ cảnh trên, dịch hạc đầu đỏ hay viên ngọc Hạc đính đều hợp nghĩa.
([8][115]) Gà lôi.
([9][116]) Chó berger.
([10][117]) Đáng lý phải viết là Cà Mao vì nguyên văn tên khi xưa là Ca Mao (哥毛) đọc trại thành Cà Mao.
([11][118]) Bản VHN chép Chiêu (翠) Chất Bùi phiên (昭翠質裴反), tức chữ翠phiên âm là "chất bùi" tức đọc là Chúy. Bản VSH cũng có chép ba chữ質裴反nhưng làm dấu bôi bỏ.
([12][119]) Nguyên văn ngoại điệt có nghĩa là cháu bên ngoại tức con của chị hay em gái mình. Dịch cháu ngoại tức cháu kêu mình là ông ngoại là nhầm, vì đoạn dưới nói rõ đây là con người em gái của Tông Đức hầu tức gọi Tông Đức hầu bằng cậu.
([13][120]) Mặc dầu cả ba bản nguyên văn đều chép là Sửu (丑) Tài hầu, nhưng căn cứ theo cách phong hầu của các chúa Nguyễn thì đã là Trần Đại Lực tất phải là Lực Tài hầu. Có thể tên tục của Trần Đại Lực là Sửu?
([14][121]) Cầu vồng (Bt).
([15][122]) Giang Thành (江城): Tên đồn lũy đóng theo dọc bờ sông Giang Thành. Sông Giang Thành nầy bắt nguồn từ vùng Sài Mạt (Bantay-mas) và Lình Quình (Hà Dương) trên đất Khơ me chảy ra vàm Hà Tiên, xưa gọi là Kan Kao (Khẩu). Vàm sông Giang Thành ở chỗ đầu dãy Trúc Bằng thành (Bờ Đồn lớn), bên trong còn có một bờ đồn nữa gọi là Bờ Đồn nhỏ.
([16][123]) Hiệp trấn (協鎮): Là chức phụ tá Trấn thủ như Trịnh Hoài Đức làm Hiệp Tổng trấn cho Tổng trấn Khâm sai Chưởng chấn võ quân Nhơn Quận công Nguyễn Văn Nhơn ở Gia Định thành. Tuy Hà Tiên là một trong năm trấn của Gia Định thành nhưng là trấn lớn, nên phụ tá cho Trấn thủ Tông Đức hầu có Hiệp trấn là con cháu tâm phúc trong nhà.
([17][124]) Có gồng (固肛): Bản nguyên văn in kèm bản dịch VSH viết là固叿. Tương truyền, đây là một thuật lạ của người Khơ me, người Thái và người Chà Và. Người học gồng tới chữ, khi uống bùa niệm chú rồi thì dao đâm không thấu, đạn bắn không thủng.
([18][125]) Phi nhã Tân (丕雅新): Là Trình Quốc Anh, tiếng Thái là Phya Tan.
([19][126]) Bản VHN lưu trữ chép là sông Mụ Nghi (媒儀) thay vì Bà Nghi (婆儀).
([20][127]) Bản VHN chép Nguyễn Văn Tiến (文進).
([21][128]) Chữ Nôm瀝có thể đọc rạch hoặc lạch để chỉ con sông nhỏ.
([22][129]) Thử Ly là tên một bài thơ trong Kinh thi, do một ông quan đại phu nhà Chu đi ngang qua chỗ tôn miếu cùng cung thất cũ của nhà Tây Chu, đã hoang tàn thành ruộng lúa, xúc cảm mà làm ra để than thở cho sự suy tàn của nhà Chu.
([23][130]) Bản nguyên văn in kèm bản dịch VSH chép nhầm là Tiêu Tuyết (逍雪).
([24][131]) Bản nguyên văn VHN lưu trữ viết là Hữu Thuyền Cai đội右船該隊.
([25][132]) Trong nguyên văn đoạn văn này, từ Thánh giá Đại giá hay Giá là chỉ Định vương, tức Thái Thượng vương. Năm 1765, Vũ ( Võ) vương mất, người con thứ 16 của Vũ vương được nối ngôi Chúa gọi là Định vương. Về sau dưới áp lực của Lý Tài, Định vương phải nhường ngôi cho Đông cung Nguyễn Phúc Dương (Mục vương) ở chùa Kim Chương làm Tân Chánh vương còn Định vương thì làm Thái Thượng vương.
([26][133]) Tức Tôn Thất Xuân.
([27][134]) Tức Chakkri
([28][135]) Tức Manuel.
([29][136]) Bản in kèm bản dịch VSH chép là Trà Hương (茶鄉), bản VHN lưu trữ chép là Chà Lang.
([30][137]) Khúc Manh (曲萌), có bản chép曲蓈.
([31][138]) Tức Tôn Thất Cốc.
([32][139]) Tức Nguyễn Kim Phẩm.
([33][140]) Nguyên văn chữ Nôm viết (°) còn có thể đọc là rối hay trối, khác với sỏi viết là ±.
([34][141]) Có người dịch: "Nhưng giặc sợ không dám phạm" Nguyên văn Dực nhi bất cảm phạm (翼而不敢 犯), có nghĩa là " thuyền Vua cao chạy, xa bay, không dám chạm trán với chúng giặc."
([35][142]) Bản dịch của VSH chép là "Tháng 6 năm Ất Tỵ (1785)". (Bt)
([36][143]) Bản in kèm bản dịch VSH chép là Tòa Nây (²³).
([37][144]) Bản VHN và bản VSH chép: (tục danh Nước Xoáy渃d)
([38][145]) Theo Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim thì năm này là Tân Dậu (1801) vì Trần Quang Diệu và Vũ Văn Dũng đem quân vây Qui Nhơn năm Canh Thân (1800) đến năm Tân Dậu 1801 thành mất, Võ Tánh tuẫn tiết.
([39][146]) Theo bản VHN, nguyên văn từ toại bình đến Gia Định thiếu một đoạn 17 chữ nên không dịch được.
([40][147]) Tức Mạc Tử Hoàng (鄚子潢)
([41][148]) Sách Đại Nam thực lục chính biên chép là Bùi Đức Mân.
([42][149]) Nay thuộc tỉnh Cà Mau.
([43][150]) Nay thuộc tỉnh Cà Mau.
([44][151]) Bản in kèm bản dịch của VSH chép là Vàm Chông (汎蔠). Bản in kèm bản dịch của Nguyễn Tạo chép là hòn Chông (I蔠) như bản VHN lưu trữ.
([45][152]) Cái Xu là Xẻo Rô. Cái Xu là tiếng Hoa địa phương gọi Xẻo Rô, nay là xã Đông Yên, huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang.
Nguồn: Văn Hóa Học
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét