Hình ảnh

Hình ảnh

Thứ Ba, 13 tháng 7, 2010

Biên niên sử Nam Kỳ thế kỷ 17 và 18

Thế kỷ 17 (1623-1699)

1623
Chúa Nguyễn Phúc Nguyên sai sứ sang kinh đô Chân Lạp yêu cầu được lập sở thuế thương chính tại Prey Nokor (Sài Gòn). Ðược vua Chey Chetta chấp thuận, chúa Nguyễn đã cho lập tại đây một sở thu thuế. Từ đấy, người Việt di cư đến làm ăn, buôn bán, khai phá đất đai ngày càng đông.
1627
Chiến tranh giữa hai tập đoàn phong kiến Trịnh (ở Ðàng Ngoài) và Nguyễn (ở Ðàng Trong) bùng nổ. Cuộc chiến tranh kéo dài đến 46 năm (1627 - 1673).
1632
Ở Ðàng Trong, chúa Nguyễn Phúc Nguyên bắt đầu cho lập sổ bộ, định chế độ thuế.
1634
Nguyễn Phúc Nguyên ban lệnh cấm truyền bá đạo Thiên Chúa.
1641
Ðàng Trong bị đại hạn, nhân dân chết đói nhiều.
1658
Lấy cớ vua Chân Lạp "vi phạm biên cảnh", chúa Nguyễn Phúc Chu sai phó tướng dinh Phú Yên là Nguyễn Phước Yến đem 3.000 quân đến Mô Xoài (còn gọi là Mỗi Xuy) đánh bắt được Nặc Ông Chân, đưa về giam ở Quảng Bình.
1673
Hai tập đoàn phong kiến Trịnh - Nguyễn chấm dứt chiến tranh, lấy sông Gianh làm giới hạn giữa Ðàng Trong và Ðàng Ngoài.
1679
Không chịu thuần phục nhà Mãn Thanh, mùa xuân Kỷ Mùi (1679) hai tướng nhà Minh là Dương Ngạn Ðịch và Trần Thượng Xuyên đem 3.000 quân cùng gia quyến đi trên 50 chiến thuyền, đậu từ cửa Eo đến cửa Ðà Nẵng xin cư trú. Sau khi bàn bạc lợi hại cùng triều thần, chúa Nguyễn chấp thuận chủ trương đưa họ vào khai phá vùng đất phía Nam. Gần 2.000 người do Trần Thượng Xuyên cầm đầu vào cửa Cần Giờ, đến định cư ở Bàn Lân, xứ Ðồng Nai tức vùng Biên Hòa ngày nay. Hơn 1.000 người khác do Dương Ngạn Ðịch cầm đầu vào khai thác vùng Mỹ Tho.
1686
Bệnh dịch dữ dội cả Ðàng Trong và Ðàng Ngoài, làm chết hàng ngàn người.
1688
Phó tướng của Dương Ngạn Ðịch là Hoàng Tấn làm phản, giết chủ tướng và mưu đồ bá chiếm, cát cứ.
1698
Mùa xuân năm Mậu Dần (1698), chúa Nguyễn Phúc Chu cử Thống suất Nguyễn Hữu Kính (cũng đọc là Nguyễn Hữu Cảnh) làm kinh lược, "lấy đất Nông Nại làm phủ Gia Ðịnh, đặt xứ Ðồng Nam làm huyện Phước Long, dựng dinh Trấn Biên, lập xứ Sài Gòn làm huyện Tân Bình, dinh Phiên Trấn. Mỗi dinh đều đặt chức lưu thủ, cai bạ, ký lục để cai trị”. Lại chiêu mộ những lưu dân từ Quảng Bình trở vào để khai phá ruộng đất, lập thành thôn, xã. Lúc bấy giờ, số người Việt đến định cư ở nơi đây đã hơn 4 vạn hộ, nghĩa là tương đương với 200.000 dân.
1699
Vua nước Chân Lạp là Nặc Ong Thu đem quân quấy phá phủ Gia Ðịnh. Chúa Nguyễn sai quan Thống suất Nguyễn Hữu Kính đưa quân đánh trả, sang đến thành Nam Vang. Nặc Ong Thu phải xin hàng và theo lệnh triều cống như cũ.
Thắng trận, Nguyễn Hữu Kính kéo quân về đóng ở cồn Cây Sao (nay là cù lao Ông Chưởng, thuộc tỉnh An Giang).

Thế kỷ 18 (1703-1799)

1703
Tháng 1 (âl), Chúa Nguyễn ban hành chính sách thuế ruộng đất ở Ðàng Trong trên cơ sở kết quả đã điều tra được từ năm 1669, tức là thu cả thuế những ruộng mới khai hoang được đo đạc.
1708
Mạc Cửu Nguyên người Lôi Châu, tỉnh Quảng Ðông, Trung Hoa đến lập phố chợ, chiêu tập lưu dân lập thành 7 thôn xã ở đất Hà Tiên. Ðể được chính quyền Việt Nam ở Gia Ðịnh che chở chống lại bọn cướp biển Xiêm thường tới cướp bóc, đốt phá, Mạc Cửu xin thần thuộc chúa Nguyễn. Chúa Nguyễn Phúc Chu chấp thuận đề nghị này và phong Mạc Cửu làm Tổng binh, tiếp tục cai quản đất Hà Tiên.
1731
Nhà thờ Thiên Chúa họ đạo Cái Mơn (huyện Chợ Lách) được xây dựng.
1732
Chúa Nguyễn Phúc Chu chủ trương nhập Ðịnh Tường và Long Hồ (Vĩnh Long) vào đất Phiên Trấn.
1744
Ðàng Trong, Nguyễn Phúc Khoát đúc ấn quốc vương, lên ngôi ở Phú Xuân, bắt đổi y phục, phong tục của dân, quy định lại triều phục văn, võ, thay đổi tổ chức hành chính, chia Ðàng Trong thành 12 dinh và 1 trấn Hà Tiên. Phú Xuân được gọi là chính dinh.
1752
Nạn đói ở Ðàng Trong, dân nghèo chết nhiều, giá gạo cao vọt.
1756
Nguyễn Cư Trinh tổ chức cai trị trên phần đất về sau gọi là đạo Trường Ðồn (Ðịnh Tường). Rồi tiếp đó, lập các đạo Ðông Khẩu, Tân Châu, Châu Ðốc, Kiên Giang và Long Xuyên (Cà Mau).
1769
Tháng 1 (âl), Chúa Nguyễn Phúc Thuần mới lên ngôi, lệnh cho các địa phương ở Ðàng Trong lập sở thuế.
1771
Khởi nghĩa Tây Sơn nổ ra. Quân khởi nghĩa lập đồn trại ở Tây Sơn Thượng (Gia Lai) và ở Tây Sơn Hạ (Bình Ðịnh).
1775
Tháng 1 (âl), Sau khi quân Trịnh chiếm thành Phú Xuân, chúa Nguyễn Phúc Thuần cùng gia quyến chạy vào Quảng Nam. Tại đây chúa phong Nguyễn Phúc Dương làm Ðông Cung rồi để ở lại cùng một số tướng sĩ, còn mình thì theo đường biển chạy vào Gia Ðịnh, đóng tại Bến Nghé.
1776
Quân Tây Sơn, dưới quyền chỉ huy của Nguyễn Lữ, đánh chiếm Sài Gòn, rồi thừa thắng đánh chiếm dinh Long Hồ và dinh Trấn Biên.
1777
Tháng 3 (âl), Nguyễn Nhạc sai Nguyễn Lữ và Nguyễn Huệ đem quân thủy bộ vào đánh Gia Ðịnh. Lần đầu tiên Nguyễn Huệ xuất hiện ở chiến trường Gia Ðịnh, chiếm được Sài Gòn, giết chúa Nguyễn Phúc Thuần. Nguyễn Phúc Ánh thoát nạn, chạy ra đảo Thổ Châu.
Tháng 4 (âl), Quân Tây Sơn đánh đồn Ba Việt (Ba Vát) của chúa Nguyễn Phúc Thuần.
Tháng 8 (âl), Quân Tây Sơn lại đánh đồn Ba Việt, bắt chúa Nguyễn Phúc Dương. Tống Phước Hòa, võ tướng của chúa Nguyễn tự vẫn.
Tháng 10 (âl), Nguyễn Lữ và Nguyễn Huệ để Tổng đốc Châu ở lại trấn thủ Sài Gòn, rồi rút một phần quân về lại Quy Nhơn.
Tháng 12 (âl), cuối năm Ðinh Dậu, được tin Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ rút về Quy Nhơn, Nguyễn Ánh phối hợp với quân Ðỗ Thành Nhơn, đánh úp dinh Long Hồ. Sau đó, họ đánh bại quân của Tổng đốc Châu, chiếm lại Sài Gòn.
1778
Tháng 3 (âl), tại Sài Gòn, Ðỗ Thành Nhơn và các tướng tôn Nguyễn Ánh làm nguyên soái Nhiếp quốc chính, năm ấy ông 17 tuổi. Nguyễn Ánh cho đắp lũy đất ở phía tây sông Bến Nghé, đóng hơn 50 chiến thuyền hiệu “Long Lân” để bảo vệ Sài Gòn.
1779
Tháng 11 (âl), Nguyễn Ánh tổ chức lại việc cai trị đất Gia Ðịnh, chia làm 3 dinh: Trấn Biên (Biên Hòa), Phiên Trấn (Gia Ðịnh và Ðịnh Tường) và Long Hồ (Vĩnh Long và An Giang), chỉnh đốn lại thuế điền, tích trữ lương thực để chống lại Tây Sơn. Rồi nâng đạo Trường Ðồn (Mỹ Tho) thành dinh. Như vậy, đất Gia Ðịnh gồm 4 dinh và một trấn là Hà Tiên.
1780
Tháng 1 (âl), Nguyễn Ánh xưng vương ở Gia Ðịnh, dùng ấn "Ðại Việt quốc Nguyễn chủ Vĩnh trấn chi bảo", nhưng trên giấy tờ vẫn để niên hiệu nhà Lê.
1781
Tháng 5 (âl), Nguyễn Ánh đem 3 vạn quân thủy bộ và 80 chiến thuyền từ Gia Ðịnh, tiến đánh quân Tây Sơn ở Nha Trang. Nhưng đội quân voi chiến của Tây Sơn đã đánh cho quân Nguyễn Ánh đại bại.
1782
Tháng 3 (âl), Nguyễn Nhạc và Nguyễn Huệ dẫn mấy trăm chiến thuyền vào cửa Cần Giờ, đánh tan thủy binh của Tống Phước Thiêm, thu lại thành Gia Ðịnh lần thứ hai. Quân Nguyễn thua, rút về Ba Giồng (Tiền Giang).
Tháng 5 (âl), để trả thù cho Phạm Ngạn, một tướng giỏi của Tây Sơn, bị đội quân Hòa Nghĩa của người Hoa giết chết, Nguyễn Nhạc đã ra lệnh giết hơn 1 vạn người Hoa ở Sài Gòn - Chợ Lớn.
Nguyễn Ánh từ Sài Gòn chạy về Bến Tre, sau đó chạy ra đảo Phú Quốc. Bến Tre là nơi từng in dấu nhiều cuộc chạy trốn của Nguyễn Ánh.
Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ trở về Quy Nhơn, để hàng tướng Ðông Sơn là Ðỗ Nhàn Trập cùng 3.000 quân coi giữ Gia Ðịnh.
Tháng 8 (âl), Châu Văn Tiếp đem quân từ Phú Yên vào hợp với quân các đạo, đánh đuổi quân Tây Sơn, chiếm lại Gia Ðịnh, rồi cho người ra Phú Quốc đón Nguyễn Ánh về.
1783
Tháng 2 (âl), Nguyễn Lữ và Nguyễn Huệ vào cửa Cần Giờ tiến đánh Gia Ðịnh, quân Nguyễn Ánh thua to, chạy về Ba Giồng, sau rút về Eo Lói (Thạnh Phú), rồi ra Phú Quốc, Côn Lôn.
Tháng 7 (âl), Nguyễn Ánh quyết định giao cho con trai cả là hoàng tử Cảnh (mới 4 tuổi) cho Giám mục Pigneau de Béhaine (Bá Ða Lộc) sang Pháp xin cầu viện.
Tháng 8 (âl), Nguyễn Lữ và Nguyễn Huệ rút quân về Quy Nhơn, để Trương Văn Ða và Chưởng tiền Bảo trấn giữ Gia Ðịnh.
1784
Tháng 2 (âl), sau 4 lần bị quân Tây Sơn đánh cho tơi tả, Nguyễn Ánh chạy sang Xiêm cầu viện vua Chất Tri.
Tháng 6 (âl), Nguyễn Ánh, Châu Văn Tiếp dẫn các tướng Xiêm là Chiêu Sương, Chiêu Tăng, Sa Uyển, Chiêm Thùy Biện cùng 5 vạn quân thủy bộ, 300 chiến thuyền vào đánh phá Gia Ðịnh. Tại thủ Ba Lai đã xảy ra trận kịch chiến giữa quân Tây Sơn do Phạm Văn Tham chỉ huy với quân Xiêm - Nguyễn Ánh.
Tháng 12 (âl), được tin báo, quân Xiêm xâm lược, Nguyễn Huệ cấp tốc đem đại binh vào Gia Ðịnh.

1785
20 tháng 1 (âl), Nguyễn Huệ cho quân mai phục ở Rạch Gầm - Xoài Mút (phía tây Mỹ Tho) và bất ngờ chặn đánh quân Xiêm. Quân Xiêm thua to, bị giết gần hai vạn, chỉ còn sống sót được mấy nghìn, trốn chạy về nước. Nguyễn Ánh cũng chạy về Trấn Giang, ra đảo Thổ Chu, rồi sang Xiêm. Sau chiến thắng này, Nguyễn Huệ lại về Quy Nhơn, để Ðô úy Ðặng Văn Trấn ở lại giữ Gia Ðịnh. Ðây cũng là lần cuối cùng Nguyễn Huệ vào Gia Ðịnh.

Tháng 5 (âl), Nguyễn Ánh cho số quân tướng còn lại chăm lo việc đồn điền để lấy lương thực và sai người lẻn về Gia định mộ quân.

1787
Tháng 8 (âl), Nguyễn Ánh kéo quân vào cửa Cần Giờ, Nguyễn Lữ sợ hãi, bỏ Gia Ðịnh kéo quân về Quy Nhơn rồi ốm chết. Thái bảo Phạm Văn Tham đem quân kháng cự. Quân Nguyễn Ánh vẫn không hạ được thành Sài Gòn.

Tháng 10 (âl), một trận đánh lớn giữa quân Tây Sơn và quân Nguyễn Ánh trên sông Mỹ Lung (tức sông Bến Tre ngày nay).

28 tháng 11, tại Pháp, Giám mục Pigneau de Béhaine được sự ủy quyền của Nguyễn Ánh đã cùng với Bá tước De Montmorin, Thượng thư Bộ Ngoại giao, đại diện cho hoàng đế nước Pháp, ký hiệp ước Versailles. Hiệp ước gồm 10 điều khoản, trong đó có việc để Pháp sử dụng đảo Côn Lôn, cảng Ðà Nẵng và được hưởng đặc quyền buôn bán ở Ðàng Trong.

1788
7 tháng 9 (âl), Nguyễn Ánh chiếm lại Sài Gòn lần cuối, đặt lại quan chế, định binh chính, lập lại triều nghi, chỉnh đốn lại việc cai trị, chấm dứt chủ quyền Tây Sơn trên phần đất dành cho Nguyễn Lữ. Nguyễn Ánh ra lệnh bãi bỏ luật của Tây Sơn, ban hành những luật lệ mới trước hết nhằm bảo vệ trị an. Nguyễn Ánh đặt chức quan điền tuấn, gồm 12 người, trong đó có Trịnh Hoài Ðức, Lê Quang Ðịnh, Ngô Tùng Châu, Hoàng Minh Khánh... đi các dinh Phiên Trấn, Trấn Biên, Trấn Vĩnh, Trấn Ðịnh, đốc sức dân chúng lo việc sản xuất nông nghiệp.

1790
Tháng 3 (âl), Nguyễn Ánh cho lập Gia Ðịnh kinh, xây dựng thành Bát Quái (cũng gọi là thành Quy) theo kiến trúc phòng thủ Vauban (Pháp).

Tháng 8 (âl), Nguyễn Ánh ban hành lệnh khuyến nông, mộ dân lập các nậu, đội đồn điền.

1791
Tháng 4 (âl), Nguyễn Ánh mở khoa thi ở Gia Ðịnh, chia làm hai kỳ đệ nhất và đệ nhị, lấy đỗ 12 người.

1792
29 tháng 7 (âl), Vua Quang Trung Nguyễn Huệ mất, con trưởng là Quang Toản, 10 tuổi, lên nối ngôi, lấy niên hiệu là Cảnh Thịnh. Cái chết bất ngờ của vua Quang Trung là nguyên nhân vô cùng quan trọng dẫn đến sự suy bại nhanh chóng của triều Tây Sơn sau này.

Tháng 8 (âl), Nguyễn Ánh khởi đầu kế hoạch phát binh theo gió mùa, đưa binh thuyền ra đánh Tây Sơn ở Phú Yên, Diên Khánh, Thị Nại... Kế hoạch này được gọi là "chiến thuật đánh giặc mùa".

1795
Tháng 5 (âl), Nội bộ triều Tây Sơn lục đục, chia rẽ. Thừa cơ ấy, Nguyễn Ánh huy động toàn bộ lực lượng, mở những cuộc tấn công lớn, đánh bại quân Tây Sơn ở nhiều nơi.

1796

Tháng 5 (âl), lại một lần nữa, Nguyễn Ánh ban hành lệnh khuyến nông.

Tháng 7 (âl), Nguyễn Ánh mở khoa thi ở trường thi Gia Ðịnh, lấy trúng cách 273 người.

1799
Tháng 11 (âl), Nguyễn Ánh tổ chức lại việc cai trị đất Gia Ðịnh, chia vạch địa giới 3 dinh: Trấn Biên, Phiên Trấn và Long Hồ. Dinh Phiên Trấn gồm 4 tổng: Bình Dương, Tân Long, Phước Lộc và Bình Thuận.

Không có nhận xét nào: