Hình ảnh

Hình ảnh

Thứ Ba, 13 tháng 7, 2010

Biên niên sử Bến Tre thế kỷ 19

1802
Tháng 5 (âl), Nguyễn Ánh lên ngôi vua, đặt niên hiệu là Gia Long, đóng đô ở Phú Xuân (Huế). Cử đoàn sứ thần đầu tiên sang nhà Thanh gồm Trịnh Hoài Ðức (Chánh sứ), Ngô Nhân Tịnh và Hoàng Ngọc Uẩn (Phó sứ)...
Tháng 7 (âl), Gia Long tiến hành một loạt biện pháp để ổn định tình hình. Chia nước ra là 23 trấn, 4 doanh. Bỏ kinh Gia Ðịnh, cải phủ Gia Ðịnh (từ 1698-1802) thành trấn Gia Ðịnh. Ðứng đầu trấn Gia Ðịnh là quan lưu trấn, thống lĩnh các trấn Phiên An, Biên Hòa, Vĩnh Thành, Ðịnh Tường, Hà Tiên.

1803
Tháng 3 (âl), Gia Long ban hành quy định tô thuế ruộng đất trong cả nước và quy định chế độ trợ cấp tiền, gạo cho dân khai khẩn đất hoang ở Gia Ðịnh.
1804

Tháng 2 (âl), Gia Long đặt quốc hiệu: Việt Nam.
Tháng 4 (âl), Ðịnh thể lệ cấp công điền, công thổ, cứ 3 năm tổ chức cấp lại một lần.
Tháng 8 (âl), Ðịnh lệ trạm mục và trạm phu trên các tuyến đường có đặt trạm giao liên.

1806
Tháng 11 (âl), Bộ sách Nhất thống địa dư chí gồm 10 quyển - bộ dư địa chí đầu tiên của triều Nguyễn - do Lê Quang Ðịnh soạn thảo đã hoàn thành. Sách miêu tả đầy đủ các mục sơn xuyên, sản vật, đình miếu, phong tục từ Lạng Sơn đến Hà Tiên.

1808
Gia Long đổi trấn Gia Ðịnh làm Gia Ðịnh thành, đặt 1 tổng trấn, 1 hiệp trấn và 1 phó tổng trấn, thống lĩnh 5 trấn: Phiên An, Biên Hòa, Ðịnh Tường, Vĩnh Thanh, Hà Tiên và kiêm lãnh trấn Bình Thuận ở xa. Nguyễn Văn Nhơn được cử làm Tổng trấn, Trịnh Hoài Ðức là Hiệp tổng trấn đầu tiên.
Tổng Tân An thuộc dinh Long Hồ được thăng thành huyện Tân An, gốm 2 tổng: An Bảo (cù lao Bảo) có 66 thôn và Tân Minh (cù lao Minh) có 75 thôn.

1810
Triều đình ban bố thước đo ruộng đất trong cả nước. Trên thước một mặt khắc 7 chữ "Gia Long cửu niên thu bát nguyệt", mặt phía bên kia khắc 10 chữ "Ban hành đạc điền xích, công bố đường kính tạo”.

1812
Lê Văn Duyệt được cử làm Tổng trấn thành Gia Ðịnh, Ngô Nhơn Tịnh làm Hiệp tổng trấn, Trương Tấn Bửu làm Phó tổng quản, quản giữ 5 trấn.

1813
Tháng 6 (âl), Bắt đầu mở khoa thi hương từ Quảng Bình trở vào Nam. Trong khoa thi này, lấy đỗ hương cống 17 người.

1815
Tháng 5 (âl), Ban hành bộ Luật Gia Long, tuy nói là soạn theo Luật Hồng Ðức, có tham chước luật nhà Thanh, nhưng thực tế là chép theo luật nhà Thanh, chỉ thay đổi ít nhiều. Bộ luật gồm 22 quyển, có 398 điều.

1819
28 tháng 12 (âl), Gia Long mất, thọ 58 tuổi, ở ngôi 18 năm. Ngày 28 tháng chạp năm Kỷ Mão, thái tử Ðảm nhận di chiếu, lấy ngày 1 tháng giêng năm Canh Thìn lên ngôi hoàng đế, đặt niên hiệu là Minh Mạng.
Theo thống kê của 5 trấn (Phiên An, Biên Hòa, Ðịnh Tường, Vĩnh Trấn, Vĩnh Thanh) thuộc Gia Ðịnh thành, có 97.100 suất đinh (khoảng 700.000 dân).

1820
Tháng 5 (âl), Trịnh Hoài Ðức dâng sách Gia Ðịnh thành thông chí đã được biên soạn xong. Ðây là quyển địa chí đầu tiên về Nam Kỳ sáng giá nhất.

1822
1 tháng 7 (âl), Nguyễn Ðình Chiểu sinh tại làng Tân Thới, huyện Bình Dương, phủ Tân Bình.
Tháng 11 (âl), Minh Mạng lên ngôi phát phối một số đông tù đồ vào Gia Ðịnh để khẩn hoang ruộng đất.

1823
Huyện Tân An đổi thành phủ Hoằng An, thuộc trấn Vĩnh Thanh. Phủ Hoằng An có 2 huyện: Bảo An và Tân Minh.

1826
Tháng 7 (âl), Nhiều nơi trong nước xảy ra nạn dịch. Riêng ở Gia Ðịnh trong đó có Bến Tre đã có hơn 18.000 người chết. Nhà nước phải miễn thuế thân cho các trấn ở Gia Ðịnh.

Phan Thanh Giản đỗ tiến sĩ khoa Bính Tuất, vị tiến sĩ đầu tiên của Nam Kỳ.

1830
Phan Văn Trị chào đời tại làng Hưng THạnh, huyện Bảo An, nay là xã Thạnh Phú Ðông, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre.

1832
25 tháng 8 (âl), Tổng trấn Lê Văn Duyệt mất. Chẳng bao lâu sau, Tổng đốc Gia Ðịnh là Nguyễn Văn Quế và Bố chánh Bạch Xuân Nguyên dựng lên "vụ án Lê Văn Duyệt". Chức Tổng trấn Gia Ðịnh thành bị bãi bỏ. Tiếp đó cơ cấu hành chính cũng thay đổi: bỏ cấp Gia Ðịnh thành. Năm trấn cũ chia lại làm 6 tỉnh mới, gọi chung là Nam Kỳ, bao gồm: Gia Ðịnh, Biên Hòa, Ðịnh Tường, Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên. Ðặt các chức tổng đốc, tuần phủ, bố chánh, án sát và lãnh binh.

1833
18 tháng 5 (âl), Lê Văn Khôi - con nuôi Lê Văn Duyệt - cùng với 27 lính hồi lương xông vào dinh giết Bố chánh Bạch Xuân Nguyên và Tổng đốc Nguyễn Văn Quế, rồi khởi binh chiếm thành Phiên An. Sau một tháng, quân của Khôi chiếm cả 6 tỉnh, nhưng rồi bị thu hẹp về Sài Gòn và bị quân triều đình bao vây trong thành Bát Quái.

1834
Minh Mạng đặt tên mới cho các vùng lãnh thổ thành Kỳ: Nam Kỳ, Trung Kỳ, Bắc Kỳ. Nam Kỳ lúc bấy giờ gồm 6 tỉnh, nên thường được gọi là Nam Kỳ lục tỉnh. Không có cấp hành chính chung cho cả Nam Kỳ, mà mỗi tỉnh trực thuộc triều đình. Danh xưng và cơ cấu hành chính này tồn tại tới khi Pháp xâm lược.

1835
Quân triều đình hạ thành Phiên An, tháng 7 năm Ất Tỵ, bắt hơn 1.831 quân và những người theo Lê Văn Khôi ở trong thành đem đi chém, rồi chôn chung vào một mộ, gọi là "mả biền tru" hay "mã nguỵ". Còn 6 "thủ phạm" trong đó có con của Khôi (Lê Văn Cư), 1 người Hoa là Mạch Tấn Giai, 1 giáo sư Pháp là Cố Du (Marchand) bị đóng cũi, giải ra Huế, sau đó bị xử lăng trì.

1836
Năm Minh Mạng thứ XVII (1836), Binh bộ Thượng thư Trương Ðăng Quế và Lại bộ Thương thư Nguyễn Kim Bảng mang cờ và bài hiệu, dẫn theo các viên dịch, tùy biện vào Nam theo đường thủy, tổ chức việc đo đạc ruộng đất và lập địa bạ ở 6 tỉnh Nam Kỳ. Ðây là cuộc tổng điều tra ruộng đất đầu tiên ở Nam Kỳ có quy mô lớn nhất. Kết quả đã lập được gần 2.000 quyển địa bạ ghi rõ từng sở điền thổ, tên làng thôn, địa phận, địa giới còn được bảo quản đến ngày nay.
Minh Mạng ra lệnh san bằng thành Phiên An, dời qua góc đông bắc thành cũ (thôn Nghĩa Hòa, Bình Dương), chu vi 427 trượng, cao 10 trượng 3 tấc, hào rộng 11 trượng, sâu 7 thước, có 4 cửa.
Lập tỉnh Gia Ðịnh (1 trong 6 tỉnh ở Nam Kỳ) phạm vi kéo dài từ biên giới Campuchia đến biển Ðông.

1862
1 tháng 3, L. A.Bonard ra nghị định thiết lập nhà tù Côn Lôn - trên đất Việt Nam. Ðến 5-6-1862, trước sức ép của Pháp, triều đình Huế ký hiệp ước nhường hẳn đảo Côn Lôn cho Pháp.
23 tháng 3, Thành Vĩnh Long thất thủ (lần thứ nhất) sau 2 ngày đêm chống cự quyết liệt trước sức tấn công của hơn 1.000 quân địch. Ðêm 22, trước khi rút bỏ, Trương Văn Uyển ra lệnh phóng hỏa đốt hết dinh thự, kho tàng, rồi rút chạy về Ba Vát, huyện lỵ Duy Minh.
Tháng 3, Trương Ðịnh được Tự Ðức cho kiêm chức Tổng chỉ huy đầu mục Gia Ðịnh (tức toàn bộ số quân mộ nghĩa), bản doanh đóng tại xứ Gò Thượng, huyện Tân Hòa.
26 tháng 5, Phái đoàn của triều đình Huế do Phan Thanh Giản làm Chánh sứ và Lâm Duy Hiệp làm Phó sứ tới Sài Gòn để cùng phái đoàn Pháp do Bonard đại diện thương nghị việc ngưng chiến.
5 tháng 6, Hòa ước Nhâm Tuất được ký kết ở Sài Gòn giữa Bonard cùng Palanca đại diện cho Pháp - Tây Ban Nha và Phan Thanh Giản, Lâm Duy Hiệp đại diện cho triều đình Huế gồm 12 khoản, trong đó có khoản 3 ghi “nhường trọn chủ quyền cho Pháp 3 tỉnh Biên Hòa, Gia Ðịnh, Ðịnh Tường và đảo Côn Lôn", cùng khoản ghi "Hoàng đế nước Ðại Nam phải bồi thường chiến phí cho Pháp số tiền là 4 triệu đôla (tương đương 2.880.000 lượng bạc), trả trong 10 năm”.
Tháng 8, Sau khi ký hiệp ước với Pháp, Tự Ðức hạ lệnh cho nghĩa quân đình chỉ mọi tấn công, điều Trương Ðịnh về Phú Yên. Nhân dân ứng nghĩa ở Gia Ðịnh, Ðịnh Tường, Biên Hòa tập hợp nhau lại, tôn Trương Ðịnh lên làm Ðại đầu mục.
Tháng 11, Trương Ðịnh không nghe lời "hiểu dụ" buộc phải giải tán nghĩa binh của Phan Thanh Giản, cương quyết chống lệnh triều đình, cùng với dân binh ứng nghĩa của Nam Kỳ tiếp tục kháng chiến chống Pháp.
1863
21 tháng 6, Phái đoàn triều đình Huế do Phan Thanh Giản làm Chánh sứ, Phạm Phú Thứ làm Phó sứ, Ngụy Khắc Ðản làm Bồi sứ từ Sài Gòn lên đường sang Pháp để đàm phán chuộc lại 3 tỉnh Gia Ðịnh, Biên Hòa, Ðịnh Tường.
G. Aubaret dịch cuốn Gia Ðịnh thành thông chí của Trịnh Hoài Ðức sang tiếng Pháp dưới nhan đề là Histoire et Description de la Basse Conchinchine (Pays de Gia Dinh) do nhà in Impériale ấn hành.
1864
16 tháng 7, Thực dân Pháp mở Trường Thông ngôn (Coll ège des Interprètes) ở Sài Gòn đào tạo những viên chức mới làm việc trong bộ máy cai trị của Pháp.
25 tháng 7, Thực dân Pháp ban hành sắc lệnh về tổ chức tư pháp ở Nam Kỳ, có hai hệ thống song song tồn tại:
Hệ thống tòa án Tây chuyên xét xử người Pháp, theo luật của nước Pháp.
Hệ thống tòa án Nam, chuyên xét xử người Việt và người châu á cư trú tại Nam Kỳ, xét xử theo thể chế của triều Nguyễn.
20 tháng 8, Trương Ðịnh hy sinh tại Tân Hòa - một căn cứ kháng chiến ở Gò Công - trong cuộc vây đánh bất ngờ do tên phản bội Huỳnh Công Tấn cầm đầu. Tấn trước kia đã từng phục vụ dưới quyền của Trương Ðịnh. Năm ấy, Trương Ðịnh vừa tròn 44 tuổi.
Tháng 8, Trịnh Viết Bàng, sau cái chết của Trương Ðịnh, cùng với một số người thân tín, từ Gò Công kéo quân về cù lao An Hoá tiếp tục chiến đấu chống Pháp.
Huỳnh Văn Thiệu, một bộ tướng của Trương Ðịnh, tiếp tục cuộc chiến đấu chống Pháp tại xã Châu Hưng (thuộc huyện Bình Ðại hiện nay). Ông bị bọn Pháp bắt, chặt đầu ngày 24 tháng 7 năm Giáp Tý (1864).
Triều đình cho phép sử dụng tù phạm vào việc khẩn hoang ruộng đất và quy định quyền sở hữu đối với số ruộng đất do tù phạm khai khẩn được.

1865
15 tháng 4, Tờ báo chữ quốc ngữ đầu tiên của chính quyền thực dân ra đời ở Sài Gòn: Gia Ðịnh báo. Ban đầu, báo ra mỗi tháng một kỳ, 4 trang, khổ 25 x 32cm, được Ðô đốc Thống đốc Nam Kỳ giao cho Ernest Potteau làm quản lý. Ðến ngày 16-9-1869 thì giao cho Trương Vĩnh Ký làm quản lý.
Tháng 11, Triều đình cử Phan thanh Giản làm Kinh lược sử 3 tỉnh Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên.
15 tháng 12 ,Một số sĩ phu yêu nước trong đó có Phan Thanh Giản, Nguyễn Thông tổ chức di dời hài cốt của Sùng Ðức Võ Trường Toản từ Hòa Hưng, huyện Bình Dương (lúc bấy giờ đã bị giặc Pháp chiếm) về táng ở làng Bảo Thạnh, huyện Ba Tri (Bến Tre lúc này còn là vùng đất tự do). Phan Thanh Giản làm bài văn bia, Nguyễn Thông viết bài văn thuật lại buổi lễ cải táng.
Triều đình Huế mở kỳ thi hương cuối cùng ở Nam Kỳ tại trường thi An Giang, vì lúc bấy giờ Pháp đã chiếm Gia Ðịnh.
Bản Nôm Lục Vân Tiên do Duy Minh Thị (Trần Quang Quan) sao lục, hiệu sách Quảng Thạnh Nam (Chợ Lớn) mướn khắc gỗ và xuất bản.

1866
Tháng 4, Pháp cử phái viên từ Sài Gòn đi tàu ra gặp triều đình Huế, đòi phải giao nốt 3 tỉnh Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên cho chúng và hứa nếu được như vậy, chúng sẽ không đòi số tiền bồi thường chiến phí còn thiếu. Triều đình cử Phan Thanh Giản vào Sài Gòn thương lượng nhằm giữ nguyên hoà ước năm 1862.
27 tháng 6, Lãnh binh Nguyễn Ngọc Thăng bị trúng đạn pháo, tử thương trong lúc đang chỉ huy nghĩa quân đánh nhau với địch ở hữu ngạn sông Soài Rạp. Thi hài ông được chở bằng thuyền đưa về làng Mỹ Lồng, huyện Bảo Hựu (nay là xã Mỹ Thạnh, huyện Giồng Trôm).
Tháng 7, Võ Duy Dương lãnh đạo nghĩa quân hoạt động chống Pháp ở 3 tỉnh Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên và lập căn cứ ở Ðồng Tháp Mười.
Tập Chuyện đời xưa, một tập hợp truyện kể dân gian bao gồm 81 chuyện cổ tích thế sự, chuyện cổ tích loài vật, chuyện khôi hài, chuyện ông Cống Quỳnh... do Trương Vĩnh Ký sưu tầm và biên soạn lần đầu tiên được xuất bản bằng quốc ngữ tại Sài Gòn.

1867
20 tháng 6, Quân Pháp đánh chiếm tỉnh thành Vĩnh Long lần thứ hai. Phan Thanh Giản uống thuốc độc tự tử.
22 tháng 6, Quân Pháp đánh chiếm tỉnh thành Châu Ðốc, thành An Giang vào đêm 21 rạng 22.
24 tháng 6, Quân Pháp đánh chiếm tỉnh thành Hà Tiên.
25 tháng 6, Thiếu tướng hải quân, Tổng chỉ huy quân viễn chinh Pháp De La Grandière ra tuyên bố: "Toàn bộ 6 tỉnh Nam Kỳ là lãnh địa của Pháp. Kể từ nay triều đình Huế không còn quyền lực gì đối với Nam Kỳ lục tỉnh nữa. Một chính quyền duy nhất ở Nam Kỳ là do người Pháp điều khiển".
12 tháng 11, Trong trận đánh Pháp tại chợ Hương Ðiểm, Trương Tấn Chí cầm cờ xung phong bịchu1ng bắn chết.
14 tháng 11, Tôn Thọ Tường và Ðỗ Hữu Phương theo lệnh của Pháp, đến gảnh Mù U đổ dụ hàng hai anh em Phan Tôn và Phan Liêm, nhưng đã thất bại.
Tác phẩm Lục Vân Tiên của Nguyễn Ðình Chiểu lần đầu tiên được G. Janneau (Hiệu trưởng Trường Thông ngôn) phiên ra quốc ngữ và được xuất bản ở Sài Gòn.
Theo thống kê của thực dân Pháp, dân số toàn Nam Kỳ cuối năm 1867 là 1.204.278 người.
Thống đốc Nam Kỳ De Lagrandière bổ nhiệm De Champeaux làm Tham biện Bến Tre.
1868
Tháng 3, Lê Quang Quan (Tán Kế) phất cờ khởi nghĩa tại đất Ba Châu (Châu Phú, Châu Thới và Châu Bình) nay thuộc xã Châu Hoà, huyện Giồng Trôm.
1869
21 tháng 2 (âl), Tán Kế bị địch bắt, bị chém và bêu đầu ở chợ Châu Thới nhằm uy hiếp tinh thần dân chúng.

1870
Lợi dụng cuộc chiến tranh Pháp - Phổ đang xảy ra, triều đình Huế viết thư gửi Soái phủ Pháp ở Sài Gòn xin Pháp trả lại 6 tỉnh Nam Kỳ. Soái phủ Phái chỉ viết thư đáp lễ, không đề cập đến vấn đề đó.

1871
7 tháng 6, Thống đốc Nam Kỳ Duperré ký nghị định giảm từ 25 sở tham biện xuống còn 18. Sở tham biện Bến Tre nhập vói sở tham biện Mỏ Cày.
10 tháng 7, Thống đốc Nam Kỳ ra nghị định thành lập Trường Sư phạm thuộc địa để đào tạo giáo viên và nhân viên công sở của Pháp.

1872
Tháng 2, Linh mục Pháp Gernot thành lập họ đạo Cái Mơn, một trong những họ đạo lớn và lâu đời ở Bến Tre.
Một cuộc nổi dậy ở cù lao Minh, nghĩa quân đánh phá nhà hội Cái Mơn, Cái Nhum, giết chết viên cai tổng.
13 tháng 12, Nhà bưu điện Bến Tre mở cửa hoạt động. Lúc này Bến Tre còn là sở thanh tra (inspection).

1873
Mở Trường Tập sự, còn gọi là Trường Hậu bổ (Collège des Stagiaires) đào tạo thông ngôn và những nhân viên giúp việc cho bộ máy thống trị thuộc địa, do Luro phụ trách, sau đó chuyển giao cho Trương Vĩnh Ký điều hành.

1874
15 tháng 3, Hiệp ước Giáp Tuất do Thiếu tướng Dupré đại diện phía Pháp và Lê Tuấn, Nguyễn Văn Tường đại diện phía triều đình Huế ký kết tại Sài Gòn, gồm 22 khoản, trong đó có khoản 5: triều đình Huế nhượng tỉnh Nam Kỳ cho Pháp; khoản 6: nước Pháp miễn cho nước Nam số tiền binh phí còn thiếu lại trước kia; và khoản 9: hủy bỏ các chỉ dụ cấm đạo, cho dân trong nước được tự do hành đạo Thiên Chúa. Trong sử sách, đôi khi hiệp ước này được gọi là "Hiệp ước Giáp Tuất" hay "Hiệp ước Philastre".
Nhiêu Ðẩu, Nhiêu Gương nổi lên chống Pháp ở cù lao Minh.
Lê Văn Lực, Trần Văn Ðịnh nổi dậy chống Pháp ở Mỏ Cày, bị thực dân Pháp đàn áp dã man. Chúng bắt hai ông đày sang đảo Réunion (châu Phi).

1875
5 tháng 7, Thống đốc Nam Kỳ ký lệnh phạt 11 làng của Bến tre trong số 47 làng tham gia cuộc khởi nghĩa do Nguyễn Hữu Huân lãnh đạo.

1876
5 tháng 1, Ðô đốc Duperré, Tổng chỉ huy lực lượng viễn chinh Pháp tại Nam Kỳ, ra nghị định phân chia Nam Kỳ thành 4 khu vực hành chính (circonscription administrative): Sài Gòn, Mỹ Tho, Vĩnh Long, Bát Xắc (Bassac). Mỗi khu vực hành chính được chia thành nhiều tiểu khu hành chính (arrondissement adminitratif). Vĩnh Long, Bến Tre, Trà Vinh, Sa Ðéc thuộc khu vực hành chính Vĩnh Long.
Xây tòa hành chính Bến tre (nay là nhà Bảo tàng tỉnh).

1878
6 tháng 4, Thống đốc Nam Kỳ ra nghị định quy định:
Từ ngày 1-1-1882, các công văn, nghị định, quyết định, án lệnh, bản niêm yết đều phải viết bằng chữ Pháp.
Từ 1-1-1882, chỉ những ai biết chữ quốc ngữ mới được bổ dụng vào các cơ quan cai trị cấp phủ, huyện, tổng và mới được xét thăng trật.

1879
17 tháng 3, Thực dân Pháp thiết lập Sở Học chính Nam Kỳ (Service de l’instruction publique) và đặt chương trình giáo dục hệ Pháp - Việt ở Nam Kỳ, tứbg bước loại bỏ dần Hán học ở xứ này.
13 tháng 5, Chấm dứt chế độ “Ðô đốc Thống đốc” (Amiraux Gouver-neurs) ở Nam Kỳ bằng chế độ “Thống đốc dân sự” (Gouverneurs Civils).
6 tháng 10, Le Myre De Vilers, Thống đốc Nam Kỳ ký nghị định thành lập tại Nam Kỳ một "Tòa án tối cao chuyên xét xử các công việc bản xứ" (tribunal Supérieur des Affaires indigènes) và cử một quan tòa Pháp phụ trách.
Bến Tre có 163.000 người, trong đó có 161.000 người Việt, 800 người Minh Hương, 2.500 người Hoa.

1880
Kỹ sư người Pháp là Thévénet bắt đầu làm quy hoạch đường bộ của tỉnh Bến Tre.

1882
30 tháng 1, Thống đốc Nam Kỳ ra nghị định bắt buộc mọi công văn từ nay phải viết bằng tiếng Pháp, nếu viết bằng tiếng Việt phải có bản dịch kèm theo.

1883
Tháng 11, Tờ Nhật trình Nam Kỳ viết bằng hai thứ tiếng Pháp và Việt xuất bản ở Sài Gòn.

1884
6 tháng 6, Triều đình Huế ký hòa ước Patenôtre, thừa nhận quyền đô hộ của Pháp trên toàn cõi Việt Nam.
Nguyễn Ðình Chiểu tổ chức lễ tế nghĩa sĩ lục tỉnh tại chợ Ba Tri. Bài văn Tế lục tỉnh sĩ dân trận vong nổi tiếng được đọc lên ở đây.

1885
Con đường rải đá đầu tiên được thi công là đường quản hạt số 6, nối từ phà Rạch Miễu chạy qua cù lao An Hóa, cù lao Bảo và cù lao Minh qua Trà Vinh (tức quốc lộ 60 ngày nay).

1888
3 tháng 7, Nguyễn Ðình Chiểu mất, an táng tại làng An Bình Ðông, tổng Bảo An, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre, nay là xã An Ðức, huyện Ba Tri.

1891
6 tháng 3, Thực dân Pháp bắt đầu tiến hành cuộc điều tra, đo đạc lại ruộng đất và phân loại lại ruộng đất ở toàn Nam Kỳ, ấn định đến ngày 31-10-1891 phải hoàn thành.

1892
Thực dân Pháp lập hạt Bến Tre (Arrondissment de Bentre) thuộc tỉnh Vĩnh Long, gồm cù lao Bảo (11 tổng, 99 làng) và cù lao Minh (10 tổng, 83 làng).

1898
1 tháng 9, Trương Vĩnh Ký qua đời tại Chợ Quán (Sài Gòn)

1899
Tháng 4, Thực dân Pháp cho xây dựng tại Bến tre một dưỡng đường nhỏ (đến năm 1945 mới trở thành bệnh viện tỉnh).
20 tháng 12, Toàn quyền Ðông Dương ra nghị định đổi tên gọi "tiểu khu" (arrondissement), cũng gọi là sở tham biện (inspection) - đơn vị hành chính ở Nam Kỳ - thành tỉnh (province) và phân chia làm 3 miền:
Miền Ðông gồm 4 tỉnh: Bà Rịa, Biên Hòa, Tây Ninh, Thủ Dầu Một.
Miền Trung gồm 6 tỉnh: Chợ Lớn, Gia Ðịnh, Mỹ Tho, Gò Công, Tân An, Trà Vinh, Vĩnh Long, Bến Tre, Sa Ðéc.
Miền Tây gồm 7 tỉnh: Bạc Liêu, Cần Thơ, Châu Ðốc, Long Xuyên, Hà Tiên, Rạch Giá, Sóc Trăng.
Bến Tre có 217.000 người, trong đó có 213.000 người Việt, 1.150 người Minh Hương, 2.500 người Hoa.

1900
1 tháng 1, Thi hành nghị định của Toàn quyền Paul Doumer (20-12-1899) sở tham biện Bến Tre (inspection) đổi thành tỉnh (province) cùng lúc với các tỉnh khác ở Nam Kỳ. Tỉnh Bến Tre lúc bấy giờ gồm cù lao Bảo và cù lao Minh.

Không có nhận xét nào: