Hình ảnh

Hình ảnh

Chủ Nhật, 22 tháng 12, 2013

Tập ảnh của Nguyên:

Thứ Sáu, 14 tháng 6, 2013

Viện Cơ Mật - Tam Tòa

Viện Cơ mật (Tam tòa) là cơ quan tư vấn của nhà vua, nằm ở góc Đông-Nam của Kinh thành Huế; nay là trụ sở của trung tâm bảo tồn đi tích Cố đô Huế  ở số 23 đường Tống Duy Tân, TP. Huế, Việt Nam. Đây là một di tích mang nhiều biến cố lịch sử với nhiều lần thay đổi cả về chức năng, kiến trúc và tên gọi.

Lịch sử

Năm 1802, vua Gia Long lên ngôi, mở ra một vương triều mới. Thủ phủ Phú Xuân bị triệt giải, và khu vực Viện Cơ mật hiện nay được dùng để xây chỗ ở cho Hoàng tử Đảm (sau này trở thành vua Minh Mạng).
 Năm 1816, khi hoàng tử Đảm được phong Hoàng thái tử và chuyển về nơi ở mới ở phía đông kinh thành, thì nơi đây trở thành nơi ở của Hoàng tử Nguyễn Phúc Chẩn (em vua Minh Mạng), và về sau nữa trở thành nơi ở của Nguyễn Phúc Thiện Khuê  (con trai trưởng của Nguyễn Phúc Chẩn).

Năm Minh Mạng thứ 20 (1839), khu đất này được lấy lại để xây chùa Giác Hoàng.  Đây là ngôi chùa được vua Thiệu Trị xếp vào một trong 20 thắng cảnh của đất thần kinh thời bấy giờ. 
Đến cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, sau khi Việt Nam mất hẳn chủ quyền vào tay thực dân Pháp, toàn bộ kiến trúc của chùa Giác Hoàng bị Pháp cho triệt giải để xây dựng Viện Cơ Mật, và hoàn thành năm 1903. Kể từ đó, dân gian còn gọi  đây là Tam Tòa, vì ngoài công trình chính là Viện Cơ Mật, còn có hai dãy nhà hai bên. Dãy bên phải được xây làm văn phòng của các ông Hội lý người Pháp và dãy bên trái được xây làm Bảo tàng Kinh tế.
Từ đó đến nay, di tích này không có gì thay đổi về mặt kiến trúc nhưng chức năng thì lại khác.
Từ 1955 đến 1975, dưới chế độ VNCH, hai dãy nhà hai bên trở thành văn phòng của các cơ quan tư pháp địa phương, còn tòa nhà chính (tức Viện Cơ Mật) được dùng làm nơi xét xử các vụ án từ sơ thẩm đến thượng thẩm.
Từ năm 1975 đến 1976, Ủy ban Quân quản Trị Thiên Huế đóng và làm việc tại khu vực này.
Từ năm 1976 -1989, Tam Tòa trở thành trụ sở của Tỉnh ủy tỉnh Bình Trị Thiên, rồi Tỉnh ủy tỉnh Thừa Thiên Huế (1989 - 2000).
Tháng 10/2000, Tam Tòa được chuyển giao cho Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế quản lý cho đến nay.

Thông tin thêm:

Viện Cơ mật là cơ quan tư vấn của nhà vua gồm bốn vị đại thần từ Tam phẩm trở lên, thường là Đại Học Sĩ của các điện Đông Các, Văn Minh, Võ Hiển và Cần Chánh. Thời vua Thành Thái có Thượng thư Lục bộ tham gia và viên Khâm Sứ Pháp làm chủ tọa. Thời vua Duy Tân đổi thành phủ Phụ Chính. Viện lúc đầu đặt ở nhà Tả Vu. Sau khi kinh đô thất thủ năm 1885, Viện phải dời đi đến nhà của bộ Lễ, rồi nhà của bộ Binh, và cuối cùng là về ở chùa Giác Hoàng (ở cùng với tòa Giám Sát của người Pháp và Trực Phòng các bộ).

 


Tham khảo:
Viện Cơ Mật - Tam Tòa trên website Huế , Xưa và Nay http://www.huexuavanay.com/vi/di-tich-hue/di-tich-trong-kinh-thanh/99-vien-co-mat-tam-toa.html

 

 




Chủ Nhật, 21 tháng 4, 2013

Tiểu sử Linh mục Trương Bửu Diệp




Nhà an nghỉ của Cha Diệp trong Thánh đường Tắc Cậu.

Phanxicô Xaviê Trương Bửu Diệp (thường được gọi là Cha Diệp, 1897 - 1946) là một Linh mục Công giáo tại Việt Nam. Ông được biết đến nhiều bởi đã chịu chết thay cho giáo dân cùng bị bắt với mình.

Trương Bửu Diệp sinh ngày 1 tháng 1 năm 1897 tại họ đạo Cồn Phước, thuộc làng Tấn Đức; nay thuộc ấp Mỹ Lợi, thị trấn Mỹ Luông, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang. Thân phụ là ông Micae Trương Văn Đặng (1860 - 1935), thân mẫu là bà Lucia Lê Thị Thanh. Ông được Linh mục Giuse Sớm rửa tội ngày 2 tháng 2 năm 1897 tại họ đạo Cồn Phước và lấy tên Thánh là Phanxicô.

Năm 1904, lúc lên bảy tuổi thì mẹ mất, ông theo cha đến Battambang (Campuchia) sinh sống bằng nghề thợ mộc. Tại đây, cha ông tục huyền với bà Maria Nguyễn Thị Phước (sinh năm 1890, quê quán ở Mỹ Luông; nay thuộc Chợ Mới, An Giang) [1].

Tượng Cha Diệp tại phần mộ cũ của ông

Học đạo, được thụ phong Linh mục
Năm 1909, Linh mục Phêrô Lê Huỳnh Tiền đưa Trương Bửu Diệp vào học đạo tại Tiểu chủng viện Cù Lao Giêng (nay thuộc xã Tấn Mỹ, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang). Sau đó, thầy Diệp tiếp tục học đạo tại Đại chủng viện Nam Vang (Campuchia); vì thời ấy, các họ đạo trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long đều trực thuộc Giáo phận Nam Vang.

Năm 1924, sau thời gian học đạo, thầy Diệp được thụ phong Linh mục tại Nam Vang, thời Giám mục Valentin Herrgott cai quản. Năm 1924-1925, Linh mục Diệp được bề trên bổ nhiệm làm Cha phó họ đạo Hố Trư, một họ đạo của người Việt sinh sống tại Kandal (Campuchia).

Năm 1927 - 1929, Cha Diệp trở về nước và làm Giáo sự tại Chủng Viện Cù Lao Giêng.

Tháng 3 năm 1930, Cha Diệp về nhận nhiệm sở tại Họ đạo Tắc Sậy. Trong những năm làm nhiệm vụ Cha sở, Cha Diệp đã liên hệ, giúp đỡ để thành lập thêm nhiều họ đạo lân cận như: Bà Đốc, Cam Bô, An Hải, Đầu Sấu, Chủ Chí, Khúc Tréo, Đồng Gò, Rạch Rắn.

Năm 1945 - 1946, chiến tranh loạn lạc khiến nhiều giáo dân phải di tản. Cha Bề Trên là Trần Minh Ký ở Bạc Liêu và cả người Pháp cũng kêu gọi Cha Diệp lánh mặt. Khi nào tình hình yên ổn thì trở về họ đạo, nhưng ông vẫn một mực từ chối và trả lời: “Tôi sống giữa đoàn chiên và nếu có chết cũng chết giữa đoàn chiên. Tôi không đi đâu hết”.

Bị bắt và bị giết
Theo thông tin trên website Hội đồng Giám mục Việt Nam, thì ngày 12 tháng 3 năm 1946, Linh mục Diệp bị quân Nhật bắt cùng với trên 70 người giáo dân tại họ Tắc Sậy. Tất cả bị lùa đi và nhốt chung tại lẫm lúa (kho lúa) của ông giáo Sự ở Cây Dừa. Theo lời kể của ông Ba Lập thì họ chất rơm chung quanh tính đốt tất cả, nhưng cha Diệp đứng ra tranh đấu cho dân, đồng thời an ủi những người cùng bị giam. Cha bị mời đi làm việc 3 lần và lần thứ ba thì không thấy trở về nữa. Sau khi Cha Diệp bị mời đi lần thứ ba, bổn đạo thấy cửa lẫm để mở ngỏ và họ đã trốn thoát...

Sau đó vài ngày giáo dân đã tìm thấy xác Cha Diệp dưới một cái ao tại phần đất của ông giáo Sự, với vết chém sau ót ngang mang tai và thân xác trần trụi, và họ đã đem chôn cất trong phòng Thánh của nhà thờ Khúc Tréo (nay thuộc xã An Trạch, huyện Ðông Hải, tỉnh Bạc Liêu) [2].


Mộ Cha Diệp hiện nay.
Thông tin liên quan
1/ Nơi yên nghỉ hiện nay:
Năm 1969, hài cốt Cha Diệp được cải táng về trong khuôn viên nhà thờ Tắc Sậy (ảnh 1 và 2), là nơi Cha lãnh nhiệm vụ chăn chiên trong 16 năm (ông là Cha sở thứ nhì của họ đạo Tắc Sậy). Ngày 4 tháng 3 năm 2010, hài cốt của Cha Diệp táng lại được cải táng lần nữa, nhưng chỉ cách chỗ cũ khoảng hơn chục mét, và cũng ở trong khuôn viên nhà thờ ấy.

Hàng năm, nhất là ngày 11 và 12 tháng 3 dương lịch (ngày Cha Diệp thọ nạn), đông đảo người dân từ nhiều nơi đến hành hương và tham quan Thánh đường Tắc Sậy và phần mộ của Cha Diệp [3].

Từ năm 2012, cuộc điều tra phong Thánh cấp giáo phận cho Linh mục Trương Bửu Diệp bắt đầu được tiến hành.

2/ Thánh đường Tắc Sậy:
Nhà thờ Tắc Sậy nằm trên Quốc lộ 1 A (tuyến Bạc Liêu - Cà Mau), thuộc Giáo phận Cần Thơ, và nằm trong địa bàn của xã Tân Phong, huyện Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu.

Nhà thờ có từ lâu đời, nhưng trước đây chỉ là một ngôi thờ được xây dựng bán kiên cố, nhỏ hẹp và lợp tôn. Để nhà thờ và phần mộ Linh mục Trương Bửu Diệp đang an nghỉ trong khuôn viên được tôn nghiêm và khanh trang hơn, ngày 24 tháng 2 năm 2004, lễ đặt viên đá đầu tiên xây dựng ngôi nhà thờ mới đã được tổ chức. Sau đó, nhờ sự ủng hộ của giáo dân và khách thập phương, đến nay khu nhà thờ mới (nay có tên là Thánh đường Tắc Sậy) đã cơ bản hoàn thành trên diện tích rộng hàng ngàn m².


Chú thích:
[1] Kế mẫu đã sinh hạ một người con gái tên là Trương Thị Thìn (sinh 1913), hiện còn sống tại họ đạo Bến Dinh, thuộc xã Tân Hòa, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp.
[2] Nguồn: "Chân dung linh mục Việt Nam: Linh mục Phanxicô Xaviê Trương Bửu Diệp đăng trên website Hội đồng Giám mục Việt Nam. Có nguồn ghi khác: Theo bảng tóm tắt tiểu sử Cha Trương Bửu Diệp hiện dựng tại nhà an nghỉ của ông, thì ông bị bắt "vì sự tranh chấp giữa các giáo phái" (nhưng không ghi rõ người bắt thuộc giáo phái nào). Lại có người kể rằng ông bị Việt Minh bắt giết. Để thống nhất được các ý kiến, cần tra cứu thêm.
[3] Thời gian gần đây, nhiều người dân ở Nam Bộ (giáo dân và cả những người theo tín ngưỡng khác) thường đến phần mộ của Cha Diệp đến khấn xin, vì tin rằng ông có thể ban phước cho mình.

Tài liệu tham khảo chính:
-Website Hội đồng Giám mục Việt Nam, "Chân dung linh mục Việt Nam: Linh mục Phanxicô Xaviê Trương Bửu Diệp" [
Bảng tóm tắt tiểu sử Cha Trương Bửu Diệp hiện dựng tại nhà an nghỉ của ông trong Thánh đường Tắc Sậy.

Bùi Thụy Đào Nguyên soạn.