Hình ảnh

Hình ảnh

Thứ Tư, 25 tháng 8, 2010

Thủ lĩnh kháng Pháp Acha Xoa

Acha Xoa (hay Asoa, theo cách gọi của người Việt; không rõ năm sinh và năm mất) là thủ lĩnh cuộc chiến chống Pháp và triều đình Campuchia thân Pháp, khởi phát từ năm 1863 đến 1866 thì bị đánh dẹp.


Ngày 11 tháng 8 năm 1863, triều đình Norodom I tại Campuchia ký một hiệp ước với thực dân Pháp để thành lập một chính quyền bảo hộ trên toàn vương quốc. Lập tức, họ gặp phải sự chống đối quyết liệt của nhiều người dân trong nước. Người đầu tiên làm cuộc nổi dậy là hoàng thân Xivôtha (hay Ă. Sivotha, con vua Ang Duông) và người thứ hai là Acha Xoa (hay A Soa), mà sử Nguyễn gọi là Ong Bướm.

Theo sách Lịch sử Campuchia thì thủ lĩnh Acha Xoa không phải là một hoàng thân như Xivôtha, mà chỉ là một người nô lệ. Để việc vận động quần chúng được thuận lợi, ông đã tự xưng là "người trời", là "hoàng thân Angphim" (con cựu phó vương AngEm)[1].

Tuy nhiên, nhóm Nhân Văn Trẻ thì cho rằng Acha Xoa là con của quốc vương, vì tranh chấp vương quyền với anh là Ong Lằn, và còn vì không chịu sự cai trị của Pháp, nên đã sang Thất Sơn mộ dân lập đồn đánh nhau với anh và với Pháp [2].

Thoạt tiên, Acha Xoa hoạt động ở vùng Angco và Baphuon, nhưng sau đó (cuối năm 1863), ông dời sang vùng biên giới Châu Đốc-Hà Tiên thuộc Việt Nam, nơi có đông đảo người Khmer cư trú, để lập căn cứ kháng chiến lâu dài, ĐượcThủ Khoa Huân đến cộng tác, nên phong trào ngày càng lớn mạnh.
Năm 1864, lực lượng Acha Xoa đã làm chủ tỉnh Paknhum, tỉnh Campốt và tiến gần tới thủ đô Phnôm Pênh.

Lo ngại, thực dân Pháp liền yêu cầu triều đình nhà Nguyễn phải tìm bắt thủ lĩnh Acha Xoa và Thủ Khoa Huân và giải tán nghĩa quân cho họ (vì lúc này ba tỉnh miền Tây Nam Kỳ vẫn thuộc nhà Nguyễn).

Tháng 6 năm Giáp Tý (1864), quan tỉnh An Giang là Phan Khắc Thận bắt được Thủ Khoa Huân. Bị áp lực của quân Pháp, viên quan này phải giao nộp ông. Sau đó ông bị đày đi Cayenne, là một thuộc địa của Pháp ở Nam Mỹ.

Phần thủ lĩnh Acha Xoa, trong sách Lịch sử Việt Nam (1858-cuối thế kỷ 19), có đoạn chép:
Thực dân Pháp vừa ra lệnh cho triều đình Tự Đức phải bắt Acha Xoa giao nộp, vừa cho mua chuộc dụ dỗ tay sai để ám hại hoàng thân. Quan triều ở ba tỉnh miền Tây còn đang kẻ chịu người không đi lùng bắt, thì hoàng thân đã bị kẻ phản bội (vốn là thuộc hạ) bắn trọng thương [3].

Theo sử nhà Nguyễn thì:
Tháng 6 năm Bính Dần (tháng 7 năm 1866), Tổng đốc An Hà bị cách là Phan Khắc Thận đánh úp Ong Bướm ở núi Tốn thuộc An Giang, bắt được tên thổ mục (chỉ Acha Xoa) cùng lọng súng ngựa voi...giải giao cho chủ súy Pháp, trong khi đi đường gặp Nguyễn Hữu Cơ, Hữu Cơ bảo đem trở lại, nhưng Tổng đốc Trương Văn Uyển[4] sợ sinh ra trở ngại khác, nên hai ba lần giục, (Khắc Thận) bèn giải giao cho Pháp [5].

Sau đó, theo sách Lịch sử Campuchia, thì Acha Xoa bị nhà cầm quyền Pháp kết án đày biệt xứ, nhưng không cho biết ông bị lưu đày ở đâu và mất năm nào; còn theo Từ điển bách khoa Việt Nam thì ông bị thực dân Pháp bức hại vàotháng 8 năm 1866 [6].

Nối tiếp Acha Xoa, một phong trào đấu tranh khác lại nổ ra, đó là cuộc nổi dậy của Pu Kom Pô.

Bùi Thụy Đào Nguyên, soạn.
Chú thích:
1.Theo Lịch sử Campuchia (tr. 192). Theo Từ điển bách khoa Việt Nam (quyển 1, tr. 25) thì ông chỉ lấy danh nghĩa ủng hộ hoàng đệ AngPhim.
2.Nhóm Nhân Văn Trẻ, Hỏi đáp lịch sử Việt Nam (tập 4), tr. 134.
3.Lịch sử Việt Nam (1858-cuối thế kỷ 19), tr. 95.
4.Trương Văn Uyển lúc bấy giờ là Tổng đốc Vĩnh Long, kiêm việc An Hà (An Giang và Hà Tiên) từ tháng 3 (âm lịch) năm 1865.
5.Đại Nam thực lục (quyển 30, tr. 86 và 255).
6. Lịch sử Cam puchia (tr. 193). Từ điển bách khoa Việt Nam (quyển 1, tr. 25).

Sách tham khảo:
-Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, tập 30. Nhà xuất bản Khoa Học Xã Hội, Hà Nội, 1975.
-Nhiều người soạn, Từ điển bách khoa Việt Nam (quyển 1). Trung tâm biên soạn Từ điển Bách khoa Việt Nam xuất bản, Hà Nội, 1995.
-Phạm Việt Trung-Nguyễn Xuân Kỳ-Đỗ Văn Nhung, Lịch sử Campuchia. Nhà xuất bản Đại Học&THCN, 1981.
-Hoàng Văn Lân-Ngô Thị Chính, Lịch sử Việt Nam (1858-cuối thế kỷ 19, quyển 3, tập 1, phần 1). Nhà xuất bản Giáo Dục, 1979.
-Nhóm Nhân Văn Trẻ, Hỏi đáp lịch sử (tập 4). Nhà xuất bản Trẻ, 2007.

Không có nhận xét nào: