Hình ảnh

Hình ảnh

Thứ Hai, 30 tháng 8, 2010

Công thần nhà Lý: Đào Cam Mộc

Đào Cam Mộc (? - 1015) là đại thần nhà Tiền Lê và là đại công thần nhà Lý trong lịch sử Việt Nam.

Đào Cam Mộc, không rõ quê quán và thân thế. Năm 1005, Lê Long Đĩnh giết vua anh là Lê Trung Tông (Lê Long Việt) để lên ngôi. Lúc bấy giờ, Đào Cam Mộc đang làm chức Chi hậu, bèn ngầm liên kết với Sư Vạn Hạnh và mấy đại thần khác chờ cơ hội tôn quan Thân vệ Lý Công Uẩn lên thay.

Đến năm 1009, thì mưu sự thực hiện được, vì vua Lê Long Đĩnh (thụy hiệu là Lê Ngọa Triều) mất mà con trai (tên Sạ) thì còn bé.

Lý Công Uẩn lên làm vua, khai sáng nên cơ nghiệp nhà Lý, đã phong cho Đào Cam Mộc làm Nghĩa Tín hầu và gả con gái là công chúa An Quốc cho. Kể từ đó, Đào Cam Mộc ra sức xây dựng triều chính.

Tháng 6 năm Ất Mão (1015), Đào Cam Mộc mất, Lý Thái Tổ (tức Lý Công Uẩn) truy tặng ông là Thái sư tước Á vương.

Hiện nay trong nhà Võ Chỉ, ở bên trái Đền Lý Bát Đế, có đặt tượng thờ ba vị, đó là: Lê Phụng Hiểu, Lý Thường Kiệt và Đào Cam Mộc.

*
Đào Cam Mộc là một nhân vật có thật trong lịch sử, là người có công đầu trong việc đưa Lý Công Uẩn lên ngai vàng. Thế nhưng hành trạng của vị này thì sử sách lại chép rất sơ sài, quê quán ở đâu, cha mẹ là ai, con cháu ra sao...đều không thấy. Trước đây, một số nhà nghiên cứu vẫn coi Đào Cam Mộc là người Bắc Ninh, đồng hương với vua Lý. Nhưng tra thần tích 16 xã huyện Tiên Du và 10 xã huyện Từ Sơn đều không thấy nơi nào thờ ông.

Chỉ khi đọc trên tờ báo Thăng Long - Hà Nội văn hiến số 43, xuất bản tháng sáu năm 2007, bài Thái sư Á vương Đào Cam Mộc của Lê Thành Hiểu, mới biết quê nội của ông là làng Tràng Lang, nay thuộc xã Định Tiến huyện Yên Định, Thanh Hóa và quê ngoại là làng Nam Thạch cùng huyện.

Tuy nhiên, ngay ở quê nội và ngoại trên, nhiều người già không hề biết là làng mình có ông Đào Cam Mộc. Chỉ gần đây, nhiều người tìm về hỏi han họ Đào, thế là người hai làng trên đều công nhận sự thể đó.

Có điều là đền thờ (được coi là đền Đào Cam Mộc) ở cả hai nơi trên đều đã bị phá từ lâu, vài năm gần đây mới làm lại và không còn thần tích, thần phả, kể cả bài vị Đào Cam Mộc cũng không có. Ở quê Tràng Lang có một số sắc phong nhưng là của các vị thần khác. Ở quê Nam Thạch cũng không còn thần tích, sắc phong, chỉ có hai ngai ở trong đặt bài vị nhưng chẳng có chữ. Tại Tràng Lang có họ Đào nhưng lại từ nơi khác đến cư ngụ mới khoảng bảy tám đời. Còn Nam Thạch không có họ Đào.

Tuy nhiên, ở Nam Thạch có một ông già kể, cụ Đào Cam Mộc quê nội là Tràng Lang nhưng từ nhỏ đã mồ côi cha, nên về ở quê mẹ. Nhà nghèo phải mò cua bắt ốc để sinh sống, được cái là Đào rất khỏe. Một hôm thuyền vua Lê Đại Hành qua làng bị cạn, quân lính không sao kéo thuyền đi được. Đang lặn ngụp dưới sông, Cam Mộc liền ghé vai nâng thuyền lên và thế là thuyền dịch chuyển được. Vua nhà Tiền Lê bèn tuyển Cam Mộc vào đội vũ sĩ. Và thế là từ đấy chàng Đào theo vua Lê đi chinh chiến, trở thành tướng giỏi.

Quê hương bản quán vị khai quốc công thần nhà Lý, như vậy còn nhiều vấn đề lớn chưa tường được...

Bùi Thụy Đào Nguyên, soạn.
Tài liệu tham khảo:
-Ngô Sĩ Liên, Đại Việt sử kí toàn thư (tập 1). Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1983, tr. 238-239.
-Trần Trọng Kim, Việt Nam sử lược. Nhà xuất bản Tân Việt, Sài Gòn, 1968, tr. 94-95.
-Nguyễn Vinh Phúc, Đào Cam Mộc- công thần khai quốc triều Lý. Bài đăng trên website báo Hà Nội mới ngày 14 tháng 6 năm 2010.

Không có nhận xét nào: