Hình ảnh

Hình ảnh

Thứ Bảy, 14 tháng 8, 2010

Huỳnh Công Lý

Huỳnh Công Lý (? - 1821) là võ quan cao cấp của nhà Nguyễn trong lịch sử Việt Nam. Năm 1819, ông được cử làm Phó tổng trấn Gia Định thành, sau đó vì phạm tội tham nhũng mà bị xử chết.

Huỳnh Công Lý (có sách chép họ Hoàng), chưa tra được thân thế, chỉ biết ông ra làm quan từ thời vua Gia Long, được phong tới tước Lý Chính hầu.

Đến khi con gái ông được tuyển vào cung, được vua Minh Mạng phong làm phi (Huệ phi), ông càng được tin cậy, từng được cử giữ chức Tả thống chế quân thị trung, rồi Phó tổng trấn Gia Định thành năm 1819, tức trong khoảng thời gian Hữu quân Nguyễn Huỳnh Đức đang lĩnh chức Tổng trấn và Trịnh Hoài Đức đang lĩnh chức Hiệp trấn, chuyên lo việc hành chính.

Đốc suất đào kinh An Thông:
Tháng giêng năm Kỷ Mão (1819), đời vua Gia Long, Huỳnh Công Lý nhận lệnh chỉ huy việc đào kinh. Sách Quốc triều sử toát yếu (Chính biên, tr. 137) chép:
“…Khiến Phó tổng trấn Hoàng Công Lý đem 10 vạn dân, cấp tiền gạo đào sông từ thành Phiên An thông đến sông Mã Trường Giang [1]. Đào xong rồi, Ngài (Gia Long) đặt tên là An Thông Hà. Đàng sông đã thông, thuyền bè qua lại đêm ngày, chỗ ấy thành một chỗ đô hội lợi ích cho dân lắm.”

Bàn về lợi ích của con kinh, Vương Hồng Sển viết:
Khảo ra vì rạch Chợ Lớn cạn hẹp (cũng vì thế nên sau Pháp lấp bỏ) để có một con kinh rộng lớn hơn, nên năm Gia Long thứ 18 (Kỷ Mão, 1819), vua Gia Long hạ lịnh cho đào kinh Tàu Hủ (tên chữ là An Thông Hà)...Vùng Chợ Lớn thuở nay buôn bán thạnh vượng một phần lớn là nhờ kinh này. Đây là đường thủy vận nối liền Sài Gòn với các sông ngòi chảy xuống mặt Hậu Giang...và để giao dịch với thương cảng và các tàu hàng tàu buôn xuất ngoại.[2]
Ngoài ra, trong khoảng thời gian này, Huỳnh Công Lý còn hỗ trợ Bửu Thiện hầu Nguyễn Văn Phong nạo nét sông Bảo Định ở Mỹ Tho.

Đánh dẹp quân Sư Kế:
Cuối năm Đinh Mão (đầu năm 1820), vua Gia Long qua đời, sau đó Nguyễn Phúc Đảm lên nối ngôi, đặt niên hiệu là Minh Mạng.

Tháng 7 (âm lịch) năm ấy, bên nước Chân Lạp có một thầy tu tên là Kế (sử Việt thường gọi là Sư Kế) vận động những người dân bất mãn ở xứ ấy tràn sang sang đánh phá vùng Quang Hóa, Quang Phong, Thuận Thành (đều thuộc trấn Phiên An). Phó tổng trấn Huỳnh Công Lý liền sai Đào Quang Lý mang quân đi cản phá không được.

Được tin báo, nhà vua mới liền sai Tả quân Lê Văn Duyệt trở vào Gia Định để cùng Hoàng Công Lý lo việc đánh đuổi, vì lúc này Trịnh Hoài Đức đã được triệu về kinh, mà Nguyễn Huỳnh Đức thì đang lâm trọng bệnh (đến tháng 9 thì mất). Đề cập đến vụ việc này, Sách Quốc triều sử toát yếu (Chính biên) chép:

Quan trấn Phiên An là Đào Quang Lý đánh không được, giặc càng hung dữ, cướp phá khắp nơi. Khi Lê Văn Duyệt đến, sai Hoàng Công Lý đem quân đánh và tư cho nước Chân Lạp thêm binh giúp sức, giặc thua chạy, Lý đem quân về…[3]

Bị xử chết:
Tuy lập được công, nhưng ngay sau đó Huỳnh Công Lý bị tố cáo là có hành vi tham nhũng. Theo đơn khiếu kiện của một số quân lính thì ông đã lợi dụng chức quyền để vơ vét tiền của dân chúng và của của họ.

Sách Đại Nam thực lục (tập 2, trang 93) chép :
Năm Minh Mệnh thứ nhất (1820), tháng 9...Phó tổng trấn Gia Định là Hoàng Công Lý tham lam trái phép, bị quân nhân tố cáo hơn mười việc. Lê Văn Duyệt đem việc tâu lên. Vua bảo Nguyễn Văn Nhân và Nguyễn Văn Xuyên rằng: "Không ngờ Công Lý quá đến thế, công trạng nó có gì bằng các khanh, duy nhờ Tiên đế cất nhắc, ngôi đến phó Tổng trấn, lộc nước ơn vua, thực không phải bạc, thế mà lại bóc lột tiểu dân, làm con mọt nước. Nay tuy dùng phép buộc tội, nhưng dân dã khốn khó rồi."

Sau khi hội bàn với đình thần, nhà vua bèn cho bắt giam Huỳnh Công Lý, rồi sai Thiêm sự bộ Hình là Nguyễn Đình Thinh đến Gia Định để tra xét án. Kết cuộc, ngoài số tiền tham nhũng trên ba vạn quan, Nguyễn Đình Thinh còn phát hiện trong thời gian làm quan ở Huế, Huỳnh Công Lý đã bắt lính xây dựng ba cửa hàng gạch ở bên bờ sông Hương để tư lợi.

Đình thần luận tội, khép Huỳnh Công Lý vào tội chết. Sau khi án được nhà vua phê thuận, tháng 5 năm 1821, Huỳnh Công Lý bị xử tử tại Gia Định, số tài sản tham nhũng được chi trả lại cho quân lính và người dân bị bốc lột, cửa hàng ở Huế thì được bán để lấy tiền giúp cho cấm binh, còn con gái ông là Huệ phi bị đuổi ra khỏi cung về làm dân thường .

Bàn về giai thoại...
Lâu nay có giai thoại cho rằng, vua Minh Mạng có ý bao che Hoàng Công Lý (vì là cha vợ), và Lê Văn Duyệt đã phải dùng “Thượng phương kiếm” với quyền “tiền trảm hậu tấu” để chém chết Huỳnh Công Lý vì sợ nhà vua bao che, để rồi nhân vụ án Lê Văn Khôi (con nuôi ông Duyệt), mà nhà vua đã ra lệnh kết tội thật nặng Lê Văn Duyệt [4].

Trong tài liệu "Souvenirs historiques sur Saigon et ses environs" (Ký ức lịch sử về Sài Gòn và vùng phụ cận) của Trương Vĩnh Ký, xuất bản năm 1885 có kể lại rằng trong thời gian Lê Văn Duyệt ra Huế, Huỳnh Công Lý đã có liên hệ bất chính với những bà vợ của Lê Văn Duyệt ở Gia Định...nên Lê Văn Duyệt đã chém đầu Huỳnh Công Lý, không những về tội tham nhũng, lộng quyền mà còn có chuyện liên hệ với vợ Lê Văn Duyệt nữa...[5]

Tuy nhiên, trong một bài viết, giáo sư Nguyễn Lý Tưởng đã bác bỏ chuyện Lê Văn Duyệt dùng ”quyền tiền trảm hậu tấu”. Ông viết:
Đọc lại các tài liệu chính sử của triều đình, chúng tôi không thấy nói đến chuyện này...mà chỉ thấy Lê Văn Duyệt là người thi hành pháp luật rất nghiêm minh, và làm đúng thủ tục tố tụng...Những chuyện "bên lề" về vụ án Huỳnh Công Lý, cố ý làm cho dư luận hiểu sai lạc về Tả quân Lê Văn Duyệt...đều không có bằng chứng xác đáng và không đúng sự thật [6].

Và đoạn dụ sau đây cũng cho thấy vua Minh Mạng không hề bao che hay nương nhẹ đối với cha vợ mình:
Dụ: Trước đây, Hoàng Công Lý là Thị trung tả thống chế, đã không làm rõ được ý trẫm là yêu thương binh lính. Trái lại còn lợi dụng làm giàu cho mình, làm hại người khác, sai riêng cấm binh mở ba cửa hàng gạch ngói mưu lợi riêng. Tất cả gỗ đá, gạch ngói đều cho chở về xây dựng nhưng chưa bị phát giác. Đến khi y trở lại nhận chức Phó Tổng Trấn Gia Định, lòng tham lại càng quá đáng. Nay bị binh lính, dân chúng, thợ thuyền Gia Định tố giác. Quan Tổng trấn ở đó đã tra xét rõ ràng và tấu trình. Trẫm nghĩ phạm nhân cũng là viên quan lớn ngoài biên nên giáng chỉ cho đình thần họp bàn định tội và phúc tấu. Nay đã trình lên và đều nói tội ác của Hoàng Công Lý chồng chất quá nhiều, xin chém theo luật cho mọi người biết và để răn đe sau này...Từ nay về sau bất kể quân lính trong ngoài, gặp phải các viên biền tham lam ngược đãi như vậy mà vướng chỗ quyền thế không nói ra được thì cho phép tâu trình, trẫm sẽ tìm ra căn nguyên để trị tội kẻ tham nhũng. Hãy kính theo Dụ này...Ngày 14 tháng 5 năm Minh Mệnh thứ 2 (1821)[7].

Bùi Thụy Đào Nguyên, soạn.
Chú thích:
[1] Mã Trường Giang do tướng Nguyễn Cửu Đàm chỉ huy đào vào mùa thu năm Nhâm Thìn (1772), nối liền Rạch Cát (Sa Giang) với rạch Bến Nghé. Vì con kinh đào thẳng như ruột ngựa, nên tục gọi là kinh Ruột Ngựa (Sài Gòn năm xưa, tr. 135).
[2] Thông tin thêm: Huỳnh Công Lý hiệp với ông Tổng Thanh tra Gia Định, điều khiển 11. 469 nhơn công, chia làm ba tốp, mỗi dân công có lãnh một số tiền và một khẩu phần, khởi công ngày 23 tháng giêng đến ngày 23 tháng 4 năm Kỷ Mão (1819) là hoàn thành, đúng ba tháng. Con kinh này bắt đầu từ cầu Đề Thông (nôm gọi cầu Bà Thuông) chạy đến ngã tư sông Rạch Cát. Sách nói kinh dài 2.129 tầm và 1 bộ, bằng 9 dặm rưỡi (5.472 m)...Nay ráp với đoạn Chợ Quán và cầu Ông Lãnh, gọi chung là kinh Tàu Hủ (Sài Gòn năm xưa, tr. 139-140).
[3] Thông tin thêm: Tháng 9 (âm lịch) năm Canh Thìn (1820), quân Sư Kế tấn công thành Nam Vang, vua nước ấy đưa thư cầu cứu. Lê Văn Duyệt liền sai Thống chế Nguyễn Văn Trí mang quân sang giúp, đến tháng 10 (âm lịch) thì Sư Kế bị quân nhà Nguyễn giết chết ở đất Ba Tầm Lai (Quốc triều sử toát yếu, tr. 146-147).
[4] Sách Hỏi đáp Lịch sử Việt Nam (tập 3) có đoạn: Thẳng thắng, cứng rắn, Lê Văn Duyệt đã từng xử tử một viên quan tham nhũng là Huỳnh Công Lý, mặc dù người này có con gái là vợ vua Minh Mạng. Cho nên nhân vụ án Lê Văn Khôi (con nuôi ông Duyệt), nhà vua đã ra lệnh kết tội Lê Văn Duyệt (Nhà xuất bản Trẻ, 2007, tr. 328).
[5] Bản lược dịch của Nguyễn Đình Đầu, nhà xuất bản Trẻ, 1997, trang 32.
[6] Xem bài viết “Tổng trấn Gia Định Lê Văn Duyệt giết Phó tổng trấn Huỳnh Công Lý” của GD. Nguyễn Lý Tưởng ở đây: [http://lichsuvn.info/forum/showthread.php?t=4924]. Nói thêm: Trong bản luận tội của đình thần, Việt Nam sử lược và Việt sử tân biên...đều không nói đến việc Lê Văn Duyệt đã dùng quyền “tiền trảm hậu tấu” để chém chết Huỳnh Công Lý.
[7] Minh Mạng, Ngự chế văn (Trần Văn Quyền dịch). Viện Nghiên cứu Hán Nôm (Hà Nội) xuất bản, 2000, tr. 30.

Sách tham khảo chính:
-Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục (tập 2). Nhà xuất bản Giáo Dục, 2007.
-Quốc sử quán triều Nguyễn, Quốc triều sử toát yếu. Nhà xuất bản Văn Học, 2004.
-Vương Hồng Sển, Sài Gòn năm xưa. Nhà xuất bản Thành phố Hồ Chí Minh, 1991.

Không có nhận xét nào: