Nguyễn Hàm Ninh (1808-1867) tự là Thuận Chi, hiệu là Tĩnh Trai và Nhâm Sơn; là một danh sĩ trong lịch sử Văn học Việt Nam thời nhà Nguyễn.
I.Tác giả:
Nguyễn Hàm Ninh là người làng Phù Ninh, sau dời sang làng Trung Ái, phủ Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình (nay là làng Trung Thuần, xã Quảng Lưu, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình).
Ông sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo, được người cô không con nuôi cho ăn học.
Năm Kỷ Sửu (1829), ông đỗ tú tài. Năm Tân Mão (1831), thì ông đỗ thủ khoa (giải nguyên) kỳ thi Hương lúc 23 tuổi.
Ban đầu, ông được bổ dạy học tại Quốc tử giám. Năm Quý Tỵ (1833), ông làm tri huyện Lục Ngạn (Bắc Giang). Gặp lúc thân phụ qua đời, ông về cư tang cho đến năm Bính Thân (1836) thì được vời ra giữ chức Quốc học độc thư và dạy học cho thái tử Nguyễn Phúc Miên Tông.
Năm Mậu Tuất (1838), ông được chuyển giữ chức Tôn nhân phủ Chủ sự, nhưng vì phạm lỗi, bị vua Minh Mạng cho bãi chức.
Về quê được ít lâu, năm Tân Sửu (1841), học trò ông là Nguyễn Phúc Miên Tông lên nối ngôi (tức vua Thiệu Trị), ông lại được vời ra giữ chức hành tẩu ở Nội các, rồi viên ngoại lang bộ Hình.
Năm Bính Ngọ (1846), chuyển ông sang làm lang trung bộ Lễ, rồi đổi làm Án sát tỉnh Khánh Hòa. Ở đây, ông bị thuyền buôn bắt chở sang Trung Quốc, đến lúc về nước, bị triều đình cách chức đày vào Đà Nẵng sung quân.
Ít lâu sau, ông mới được cho về làm Trước tác ở Viện Hàn Lâm. Lại bị khiển trách, và lần này thì ông bị cách chức luôn.
Ngày 15 tháng 12 năm Đinh Mão (1867), Nguyễn Hàm Ninh qua đời, lúc thọ 59 tuổi.
Mộ Nguyễn Hàm Ninh hiện ở xã Quảng Lưu, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình.
Nguyễn Hàm Ninh đã để lại:
*Tác phẩm bằng chữ Hán có:
-Tĩnh Trai thi tập (hay Nhâm Sơn thi tập)
-Tĩnh Trai thi sao (Bản sao thơ Tĩnh Trai)
-Dược sư ngẫu đề (Đề vịnh ngẫu hứng khi đi làm thuốc)
*Tác phẩm bằng chữ Nôm có:
-Phản thúc ước: Đây là bài văn tứ lục nhằm chống lại bài văn thúc ước (là các bài văn tế được đọc trong lễ tế thần hằng năm ở làng. Nội dung của chúng thường khuyên dân làng sống an phận, nhẫn nhục), tức qua bài văn này, ông công kích mạnh mẽ giới cường hào và vạch trần những tệ nạn của xã hội.
Ngoài ra, ông còn có một số bài thơ, bài ca trù viết bằng chữ Nôm.
*
Nguyễn Hàm Ninh nổi tiếng hay chữ. Ông và Cao Bá Quát là đôi bạn thơ. Ngoài ra, ông còn thường xướng họa với Tam Khanh (tức Nguyệt Đình, Mai Am, Huệ Phố) ở Huế.
Đa phần thơ Nguyễn Hàm Ninh viết về tâm sự của riêng ông, về nạn nước, cùng cảnh sống khổ cực của những người nông dân nghèo.
Nhận xét khái quát về sự nghiệp trước tác của ông, Đại Nam chính biên liệt truyện (do Cao Xuân Dục làm tổng tài) có đoạn:
(Nguyễn) Hàm Ninh lấy văn học nổi tiếng. Về thơ văn thời trầm tĩnh, hùng mạnh; khi đè nén, khi phô trương, và sở trường về lối ngũ ngôn. Thương Sơn công (tức Tùng Thiện Vương) vẫn thường khen (thơ ông) [tr. 684].
II.Giới thiệu 3 thi phẩm:
1. Cảm sự
Thùy khiển tây minh chiến hạm lai,
Hải cương kỷ xứ động xuân lôi,
Cần Giờ [1] dĩ thất kim thang hiểm,
Đà Nẵng không lưu phong hỏa đài.
Tam kỷ long xà [2] hoàn chướng tế,
Tứ lân phong hạc [3] mạn kinh xai.
Dao liên Lộc Dã [4] cao sưu địa,
Nhị thập dư niên hựu kiếp thôi [5].
Dịch nghĩa:
Cảm xúc trước việc xảy ra
Ai khiến chiến hạm từ bể tây tiến vào đất ta,
Làm cho dọc ven biển nhiều nơi vang dậy tiếng sấm mùa xuân,
Cửa Cần Giờ đã mất hẳn cái thế hiểm trở của thành vàng ao nóng,
Cửa Đà Nẵng luống để lại cái pháo đài khói lửa.
Dân "long xà" sau ba kỷ đang còn làm trở ngại,
Chuyện "phong hạc" từ bốn phía quanh nước đừng nên nghi sợ.
Đoái thương xứ Đồng Nai là chỗ đất màu mỡ,
Mới hết loạn được hơn vài mươi năm, nay lại bị giặc cướp tàn phá!
Chú thích:
[1] Cần Giờ: một cửa bể thuộc tỉnh Gia Định (Nam Kỳ). Năm 1859, giặc Pháp tấn công vào cửa ấy, mở đầu cuộc xâm lăng của chúng vào Nam Kỳ, sau mấy tháng đánh phá đồn ải ta ở Đà Nẵng.
[2] Long xà: rồng rắn, chỉ những dân chống lại nhà Chu sau khi Chu đã cướp ngôi nhà Thương được ba kỷ (một kỷ là 12 năm). Đây chỉ dân Nam Kỳ vẫn không chịu hàng phục Pháp.
[3] Phong hạc: do câu "Phong thanh hạc lệ", gió thôi hạc kêu. Quân Bồ Kiên nước Tần bị Tạ Huyên (nước Tấn) đánh thua; ban đêm, nghe gió thổi hạc kêu, tưởng quân Huyên đuổi theo, liền bỏ chạy (Tấn thư).
[4] Lộc Dã: Đồng Nai, chỉ đất Nam Kỳ.
[5] Từ cuộc khởi nghĩa của Lê Văn Khôi đến khi Pháp gây biến, có hơn vài mươi năm.
2. Lệ Sơn xuân vọng [1]
Cổ thú yên thâm túc vũ dư,
Nham hoa vô tế nhiễu khâm cư.
Thiên phong vãn chiếu liên bình lục,
Vạn lý phù vân quyển thái hư.
Nam quốc sơn hà chung bất động,
Tây nhung kỹ lãng dục hà như?
Tự văn cửu bệ cần thôi cốc [2],
Nhật vọng Cam Tuyền tấu tiệp thư [3].
Dịch nghĩa:
Mùa xuân đứng trên núi Lệ Sơn trông xa
Ở nơi đồn thú binh cũ, khói mây dày đặc, sau trận mưa đêm trước,
Hoa núi khắp nơi, bao quanh thân áo ta,
Ánh chiếu trên nghìn ngọn núi, chiếu qua đồng nội,
Mây nổi ngoài muôn dặm, cuốn khắp trời xanh.
Núi sông nước Nam quyết không thể lay chuyển,
Giặc cướp phương Tây muốn làm trò trống gì?
Dường nghe trên chín bệ đã cất nhắc vị đại tướng,
Hằng ngày mong mỏi trông thấy Cam Tuyền báo tin thắng trận.
Chú thích:
[1] Lệ Sơn: tên một dãy núi thuộc tỉnh Quảng Bình. Ở đây thời chiến tranh Trịnh - Nguyễn có lập đồn binh canh phòng.
[2] Thôi cốc: đầy bánh xe. Nghĩa bóng là cử đại tướng đi đánh. Theo sách Sử ký Phùng Đường truyện: khi phong chức đại tướng thì vua tự đẩy xe cho đại tướng mà bảo: trong nước thì quyền ta, ngoài mặt trận thì quyền đại tướng. Đây chỉ việc Tự Đức cử Nguyễn Tri Phương.
[3] Cam Tuyền: tên một quả núi ở tỉnh Thiểm Tây, trên núi có cung Cam Tuyền của nhà Hán. Đời Hán Văn Đế, Hung Nô xâm lấn Trung Quốc, khói lửa suốt từ núi Cam Tuyền tới huyện Trường An.
3. Tức sự di chư đồng chí
Viêm phong chưng xích nhật,
Trọc thủy bế Hoàng Hà [1].
Cửu hạn ký thái thậm,
Tam nông kỳ như hà!
Vu ngu nghi nhữ vọng,
Dân bệnh cánh thùy ca [2]?
Nhiếp lý quần công tại,
Thương lâm lượng phỉ tha [3].
Dịch nghĩa:
Thơ tức sự gửi các bạn
Gió quạt hơi nóng, mặt trời đỏ nung nấu,
Nước đục là sông Hoàng Hà bế tác,
Đại hạn đã quá lâu,
Nhà nông sẽ ra sao?
Đồng bóng ngu si không đủ trông cậy,
Dân khổ cực nào ai nhắc đến?
Điều hòa âm dương có các vị đại thần,
Người làm ra mưa rào nhà Thương đâu phải là kẻ khác.
Chú thích:
[1] Trọc thủy: nước sông Hoàng Hà (Trung Quốc) luôn luôn bị đục.
[2] Theo nguyên chú của tác giả, câu này theo ý câu thơ của Bạch Cư Dị đời Đường: Duy ca sinh dân bệnh, nguyên đắc thiên tử tri, nghĩa là: Chỉ kể lể những nỗi khổ cực của dân, mong nhà vua biết rõ.
[3] Vua Cao Tông nhà Ân (Thương) được Phó Duyệt, một vị tướng giỏi, giúp việc trị nước. Cao Tông thường nói với ông ta: "Ví như đại hạn thì ta dùng ngươi làm trận mưa rào".
Bùi Thụy Đào Nguyên, giới thiệu.
Sách tham khảo:
-Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam chính biên liệt truyện. Nhà xuất bản Văn Học, 2004.
-Nguyễn Lộc, mục từ Nguyễn Hàm Ninh trong Từ điển văn học (bộ mới). Nhà xuất bản Thế Giới, 2004.
-Nguyễn Q. Thắng-Nguyễn Bá Thế. Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam. Nhà xuất bản Khoa học Xã Hội, 1992.
-Hợp tuyển thơ văn Việt Nam (1858-1920), do Huỳnh Lý chủ biên, Nhà xuất bản Văn học, 1984.
Một cổng thành Huế
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét