Hình ảnh

Hình ảnh

Thứ Bảy, 25 tháng 9, 2010

Nghĩa sĩ đất Nam Định: Hoàng Văn Tuấn

Hoàng Văn Tuấn (1823-1892) là một viên quan nhà Nguyễn theo đường lối kháng Pháp ở cuối thế kỷ 19 trong lịch sử Việt Nam.

Ông sinh năm Quý Mùi (1823) tại làng Đô Hoàng (nay thuộc xã Yên Thành), huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định.

Khoảng cuối năm 1858, ông theo đoàn nghĩa dũng của Hoàng giáp Phạm Văn Nghị vào Huế xin vào Đà Nẵng đánh Pháp, nhưng vua Tự Đức không cho nên đành kéo nhau về.

Khoa thi Hương năm Bính Tý (1864), ông thi đỗ giải nguyên, được bổ làm Tri huyện Nam Xang (tức huyện Lý Nhân, thuộc tỉnh Hà Nam ngày nay).

Năm 1873, quân Pháp đánh thành Hà Nội lần thứ nhất. Thành bị đánh hạ, tướng giữ thành là Nguyễn Tri Phương bị thương rồi mất. Sau đó, các thành ở Hải Dương, Ninh Bình và Nam Định cũng lần lượt bị quân Pháp tiến chiếm. Căm giận, Hoàng văn Tuấn cùng văn thân trong huyện mộ quân rồi tham gia lực lượng của Phạm Văn Nghị kình chống lại, giữ vững được Ý Yên và Phong Doanh.
Năm 1874, triều đình Huế ký Hòa ước Giáp Tuất 1874 Hòa ước Giáp Tuất với Pháp, Hoàng Văn Tuấn bất bình cáo quan về làng.
Năm 1883, quân Pháp đánh thành Hà Nội lần thứ hai, Thành lại bị đánh hạ, tướng giữ thành là Hoàng Diệu treo cổ tuẫn tiết; Hoàng văn Tuấn lại cùng với các bạn đồng chí hướng mộ quân chống ngăn.
Năm 1884, sau khi ký Hòa ước Giáp Thân 1884 Hòa ước Giáp Thân với Pháp, triều đình Huế ra lệnh quan quân ở Bắc Kỳ bãi binh. Vì chống lệnh, Hoàng Văn Tuấn bị bắt giam ở nhà lao Ninh Bình, rồi bị kết án tù đày 10 năm. Sau, nhờ người quen vận động nên ông được thả, chịu sự quản thúc ở quê nhà.
Năm Nhâm Thìn (1892), ông lâm bịnh nặng rồi mất, thọ 69 tuổi.

Sinh thời, ông có làm nhiều thơ văn, nhưng thất lạc gần hết, nay chỉ còn lại ít bài thơ chữ Hán. Giới thiệu một bài:

Ngục trung bất thụy
Thê thê phong vũ, dạ trì trì
Tức tức trùng thanh nhiễu tứ vi.
Dục bổ di biên lai thụy pháp,
Nam tương trọc tửu áp hàn uy.
Mê đồ vị tất tri kim thị,
Mộng kính hà tu lãm cố phi.
Hồi thủ bách niên đô thị mộng,
Lân tường kê hưởng nhật tranh huy.

Tạm dịch nghĩa:
Trong nhà giam, không ngủ
Mưa gió buồn thảm, đêm chầm chậm trôi qua,
Tiếng dế rền rĩ khắp chung quanh.
Muốn đem sách cũ ra đọc để cho dễ ngủ,
Khó lấy rượu nồng át cái rét đang hăng.
Đường mê, chưa chắc đã biết nay là đúng,
Giấc mộng, cần gì phải coi trước kia là sai.
Quay đầu lại, trăm năm đều là mộng cả,
Bên hàng xóm, tiếng gà báo sáng gáy vang.


Bùi Thụy Đào Nguyên, giới thiệu.

Sách tham khảo:
-Nhiều người soạn (Nguyễn Văn Huyên chủ biên), ''Văn học yêu nước & cách mạng Hà Nam Ninh'' (tập 1). Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, 1981, tr. 157-159.
-Nguyễn Q. Thắng-Nguyễn Bá Thế, Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam. Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, 1992, tr. 266-267.

Thứ Sáu, 24 tháng 9, 2010

Danh sĩ đất Nam Định: Lê Quả Dục (1833-1899)

Lê Quả Dục (1833-1899), tự là Toàn Thanh, hiệu là Dưỡng Chính Trai; là một nhà giáo, nhà thơ và là một viên quan nhà Nguyễn theo đường lối kháng Pháp ở cuối thế kỷ 19 trong lịch sử Việt Nam.

Ông sinh trưởng tại xã Hoành Nha, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định (nay thuộc xã Giao Tiến, huyện Xuân Thủy, tỉnh Nam Định).

Ông mồ côi cha từ nhỏ, gia đình nghèo. Nhưng nhờ tư chất thông minh và siêng năng, năm Tự Đức thứ 20, ông thi đỗ cử nhân khoa Đinh Mão (1867).

Vì bận phụng dưỡng mẹ già, ông không ra làm quan, mà ở nhà mở trường dạy học.

Mãi đến năm 1883, khi mẹ đã qua đời, ông mới đi làm Huấn đạo huyện Ý Yên, rồi Tri huyện Phong Doanh (đều thuộc tỉnh Nam Định)[1].

Năm 1886, ông được thăng làm Tri phủ Nho Quan (Ninh Bình), nhưng ngay năm sau ông xin cáo quan về quê để tiếp tục nghề dạy học.

Lê Quả Dục có tham gia việc mộ nghĩa chống Pháp cùng với Phạm Văn Nghị, và có liên hệ với nhiều sĩ phu yêu nước như Đỗ Huy Liêu, Vũ Hữu Lợi, Trần Văn Gia...

Ông mất năm 1899, thọ 66 tuổi.

Tác phẩm của Lê Quả Dục có Lê Toàn Thanh thi văn tập, gồm 80 bài thơ chữ Hán, một số bài văn Nôm và câu đối. Năm 1981, trong bộ Văn học yêu nước & cách mạng Hà Nam Ninh có trích ra giới thiệu 6 bài thơ của ông. Sau đây là 2 bài tiêu biểu ở trong số đó:

Phiên âm Hán-Việt:
Ất Dậu niên, vãng Hà Nội cảm tác

Trấp ngũ niên lai thử nhất lâm,
Cựu du vô xứ phục tương tầm.
Xa trần, mã tích huyên thiên địa,
Hồ sắc, sơn quang biến cổ câm (kim).
Thức mục Tân Đình tiềm trụy lệ,
Hồi đầu cố quốc ám thương tâm.
Tà dương lữ quán nhân cô tửu,
Tào tạp nhân trung độc tự châm.

Dịch nghĩa:
Năm Ất Dậu (1885), đến Hà Nội, cảm tác
Đã hai mươi lăm năm rồi mới tới đây
Các nơi đến chơi trước không còn chỗ nào thăm lại được.
Chỉ thấy bụi xe, vết ngựa, mù trời, dậy đất,
Sắc hồ bóng núi nay đã khác hẳn xưa.
Ngước mắt nơi Tân Đình mà thầm gạt lệ,[2]
Ngẩng nhìn nước cũ, luống những đau lòng.
Chiều tà nơi quán trọ ngồi uống rượu,
Một mình nâng chén giữa đám người đông ồn ào.

Phiên âm Hán Việt:
Độc Hà Ninh Tổng đốc Hoàng Chế đài vĩnh quyết sớ cảm tác

Thành vong dĩ thệ dữ câu vương (vương),
Tâm sự do tồn thủ tấu chương.
Tiết hiện ngôn ngôn hòa huyết lệ,
Văn thành tự tự hiệp phong sương.
Bình sơn vạn lý cô trung đạt,
Nùng lĩnh thiên thu chính khí hương.
Tự vị nguyện truy tiền Vũ Hiển,
Đối khan hoàn hữu cổ Tuy Dương.
(Lê Toàn Thanh thi văn tập)

Dịch nghĩa:
Cảm tác khi đọc sớ vĩnh biệt của Tổng đốc Hà Ninh họ Hoàng
Thành mất, ông quyết cùng chết với thành,
Tâm sự còn lại tờ tâu tự tay viết.
Khí tiết hiển hiện trong lời như hóa máu với nước mắt,
Trong bài văn, chữ nào cũng như cuộn cả gió sương.
Tấm cô trung giãi tỏ với non Bình [3] xa xôi muôn dặm,
Chính khí sẽ nức thơm cùng với núi Nùng [4] ngàn năm.
Tự nhủ xin noi gương ông Vũ Hiển [5] khi trước,
Nhìn xem, hãy còn dấu cũ thành Tuy Dương. [6]

Bùi Thụy Đào Nguyên, giới thiệu.
Chú thích:
[1] Huyện Phong Doanh, trước có huyện sở tại làng Thượng Đồng (Yên Tiến). Khoảng năm 1940, Phong Doanh mới sáp nhập vào Ý Yên.
[2] Nhà Tấn mất Trung nguyên chạy về phương Nam, các danh sĩ đến Tân Đình (tên cái quán ở về phía nam thành Nam Kinh, tỉnh Giang Tô, dựng lên từ thời Tam Quốc) hội họp, thương khóc với nhau. Cả câu này ý nói nỗi đau xót của tác giả vì nạn nước (bị quân Pháp lấn chiếm).
[3] Non Bình là núi Ngự Bình ở Huế.
[4] Núi Nùng ở ngay trong thành cổ Hà Nội.
[5] Vũ Hiển đại học sĩ là tước của tướng Nguyễn Tri Phương
[6] Thành Tuy Dương là nơi Trương Tuần và Hứa Viễn đời Đường đã quyết chiến chống lại tướng An Lộc Sơn. Đây có ý so sánh việc Nguyễn Tri Phương và Hoàng Diệu đánh Pháp rồi tuất tiết tại thành Hà Nội với việc làm của hai ông này.

Sách tham khảo:
* Nhiều người soạn (Nguyễn Văn Huyên chủ biên), Văn học yêu nước & cách mạng Hà Nam Ninh (tập 1). Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, 1981.

Thứ Năm, 23 tháng 9, 2010

Trận Bắc Lệ (1844)

Trận Bắc Lệ (1844)

Trận Bắc Lệ hay còn gọi Trận cầu Quan Âm, đã diễn ra từ ngày 23 tháng 6 năm 1884 và kết thúc vào ngày 3 tháng 7 cùng năm, là một trận giao tranh lớn giữa quân Pháp và quân liên minh Việt -Thanh.
Kết thúc trận, quân đội Pháp ở Bắc Kỳ (Việt Nam) phải chịu nhiều thiệt hại về người và của, khiến nó trở thành một sự kiện gây hoang mang cho thực dân Pháp và gây nhiều căng thẳng cho mối quan hệ Pháp - Thanh lúc bấy giờ.


1. Bối cảnh:
Sau mấy trận thất bại ở Bắc Kỳ, Thanh đình đã trị tội các tướng tá của mình, rồi sai Phan Đình Tân (Tuần phủ Quảng Tây) chỉ huy cuộc chiến đấu. Tháng tư năm Giáp Thân (1844), Phan Đình Tân kéo quân qua cửa quan họp binh với Sầm Dục Anh (Tổng đốc Vân Quí), rồi phái Vương Đức Bảng (Bố Chánh), Phương Hữu Thăng, Huỳnh Nguyện Xuân đem 17 doanh quân đóng ở Nam Quan, Lạng Sơn và Quan Âm.
Ở Lạng Sơn, các tướng Thanh đã liên lạc với các quan Việt là Lã Xuân Oai (Tuần phủ Lạng Sơn) Nguyễn Thiện Thuật (Tán tướng) Tạ Hiện (Đề đốc), Phạm Huy Quang (Ngự sử) để cùng kháng Pháp.

Để tránh các cuộc xung đột giữa đôi bên, Pháp và Thanh cùng ký kết tại Thiên Tân (Trung Quốc) bản quy ước ngày 11 tháng 6 năm 1884 gồm 5 khoản, mà trong đó có khoản Thanh triều sẽ lần lượt rút hết quân ra khỏi Bắc Kỳ.
Biết Việt Nam sau quy ước này, sẽ mất chỗ dựa duy nhất là nhà Thanh, và biết nhà Nguyễn cũng đã mệt nhoài vì mấy năm chiến tranh, nên nội các Tules Ferry (Pháp) đã cử Jules Patenôtre sang Huế để ký kết bản một hiệp ước mới, đó là hòa ước Patenôtre (hay còn gọi là hòa ước Giáp Thân) vào ngày 6 tháng 6 năm 1884.
Hòa ước này, gồm 19 khoản, ngoài mục đích phân chia Việt Nam ra thành ba kỳ, xoa dịu sự công phẫn của nhân dân Việt Nam, nó còn nhằm cắt đứt hoàn nhà Nguyễn với toàn mọi mối quan hệ giữa nhà Thanh (Trung Quốc).

2. Giao tranh:
Hay tin hai hiệp ước trên vừa được ký kết, quân Pháp ở Bắc Kỳ rất vui và nhẹ nhõm vì cho rằng chiến tranh, vậy là đã kết thúc.
Bởi theo tờ quy ước của Trung tá Fournier ký với Tổng đốc Trực Lệ Lý Hồng Chương ở Thiên Tân, thì quân Thanh ở Lạng Sơn, Thất Khê và Cao Bằng sẽ phải rút hết về nước.
Tin vậy, nên ngày 13 tháng 6 năm 1884, Thống tướng Millot phái Thiếu tá Dugenne dẫn hơn ngàn binh lính và khoảng ngần ấy phu khuân vác, từ Phủ Lạng Thương kéo lên tiếp quản các tỉnh thành trên.
Ngày 22 tháng 6, đoàn quân Pháp đi đến đồn Bắc Lệ [1]. Nhưng khi quân Pháp đến bờ sông Hóa (một nhánh của sông Thương), cách cầu Quan Âm khoảng 8 dặm thì bị chặn lại. Ở phía bên kia cầu, quân Thanh và quân khởi nghĩa người Việt do Nguyễn Thiện Thuật, Tạ Hiện, Phạm Huy Quang cùng chỉ huy, vẫn còn đang đóng giữ.
Ngày 23, sau khi thăm dò được một quãng sông không sâu lắm, dưới làn mưa đạn, quân Pháp vẫn cố vượt sông. Trước tình thế căng thẳng, tướng nhà Thanh sai quân đưa thư, đại ý nói rằng đã biết có hòa ước, nhưng vì chưa được lệnh rút quân về, vậy xin hoãn lại mấy ngày nữa để đợi chỉ dụ của Bắc Kinh.
Sách Việt Nam sử lược kể:
(Nhưng) Trung tá Dugenne không chịu; đến quá trưa, trung tá cho người đưa thư sang bảo quân Tàu rằng: trong một giờ nữa mà quân Tàu không rút về thì quân Pháp cứ việc tiến lên.
Đoạn rồi trung tá truyền lệnh tiến binh; đi được một lúc, thì quân Tàu phục hai bên đường bắn ra. Quân Pháp dàn trận đánh nhau đến tối. Sáng ngày hôm sau, quân Pháp thấy quân Tàu sắp vây cả bốn mặt, bèn rút quân về bên này sông Thương, để đợi quân cứu viện ở Hà Nội lên. Trận ấy quân Pháp bị 28 người tử trận, 46 người bị thương, còn những phu phen chết không biết bao nhiêu mà kể.
Thống tướng Millot tiếp được tin quân Pháp thua ở Bắc Lệ, liền sai thiếu tướng De Négrier đem 2 đại đội quân bộ, 2 đội pháo binh và một toán công binh đi đường Phủ Lạng Thương qua làng Kép, lên tiếp ứng cho trung tá Dugenne. Khi tiếp được quân của trung tá rồi, thiếu tướng Millot triệu thiếu tướng De Négrier về Hà Nội, để chờ lệnh và quân ở bên Pháp sang..[2]


Sách Việt sử tân biên (quyển 5, tập thượng) kể:
…Tiền đồn của Pháp khi ấy là Phủ Lạng Thương, nằm trên con đường đi Lạng Sơn. Từ Hà Nội, quân của Trung tá Dugenne đã mất 2 ngày mới đến được nơi này. Dưới ánh nắng gay gắt của mặt trời mùa hạ xứ Bắc, thấy quân lính mỏi mệt quá, Dugenne phải cho nghỉ 4 ngày rồi mới tiến lên. Họ lên đường vào ngày 12 tháng 6 mang theo 4, 5 ngày lương. Ngày đầu, họ đi được không quá 8 cây số qua những khúc đường mà chỗ nào cũng ngập nước và bùn lên tới đầu gối, cây cỏ che kín đầu người...
Ngày 19 tháng 6, quân Pháp đi từ 3 giờ rưỡi sáng. Đến 8 giờ, trời nóng quá không thể lê bước được phải ghé vào làng Bắc Lệ. Mưa lại đổ xuống luôn mấy ngày khi họ tới Cao sơn. Liền trong 3 ngày, quân Pháp ngừng bước trước một khúc của con sông Thương.
Ngày 23 tháng 6, họ phải lội qua sông, nước lên tới ngang thắt lưng. Nhưng vừa đặt chân lên bờ bên kia thì cách 250 thước, trên một ngọn đồi quân Việt và quân Thanh bắn vào họ.
Đến 9 giờ, thì một sứ giả của bên Thanh, mặc áo xanh, không đem vũ khí, nhưng mang một bức thư buộc trên đầu một cành tre, đến xin gặp Dugenne...và vụ việc thương thảo (bên đòi tiến, bên đòi hẹn) cứ nhùng nhằng.
…Lúc bấy giờ, Trung tá Dugenne cần có một sự dứt khoát bởi tối sắp đến nơi, mà họ thì không thể đóng quân trên bờ sông vì e bị tấn công. Vì vậy, trong khi chờ gặp viên Tư lệnh quân Thanh, tiền đạo của Pháp kéo đến một nơi gần khe núi. Quân Thanh bắn ra từ các lùm cây rậm rạp. Đám lính tập bỏ chạy. Vào khoảng 5 giờ rưỡi, đạn của quân Thanh lại bắn ra như mưa rào, gây khủng hoảng dữ dội trong đám lao công. Đêm tối, súng im bặt, lính Pháp phải đào hố và đặt trạm cứu thương. Vào 11 giờ đêm, mưa to lại đổ.
Ngày sau (26 tháng 6), tình trạng của Pháp quân bi đát hơn. Tám ngàn quân Thanh vây kín quân Pháp. Trung tá Dugenne thấy nguy quá ra lệnh chiến đấu mãnh liệt hơn nhưng rồi cũng phải hô mở một con đường máu để rút lui. Quân Thanh nấp trên các hang, các khe, các bụi rậm cứ chỉa súng bắn xuống đoàn quân đang cố tháo chạy. Đến 5 giờ chiều, quân Pháp mới vượt sông về tới Bắc Lệ..
.[3]

3. Thiệt hại:Theo sách Đại Nam thực lục thì con số thiệt hại của Pháp như sau:
-Bên bờ sông Hóa: Liên quân Thanh - Việt bắt được 1 quan tư, 2 quan hai, 20 người lính, hơn 100 mã tà và thu được áo, mũ, lừa, ngựa rất nhiều. Còn số người chết đuối ở sông Hóa, không biết đâu mà kể.
-Nơi đồn Bắc Lệ: Nghĩa quân bắt được 1 quan hai, 1 quan một và 6, 7 người lính.
-Nơi núi Thiên Cầu, không biết chính xác, vì chính sử viết như thế này: Ngày 11, lại phái nghĩa dũng chặn núi Thiên Cầu đánh chém quân ấy, hơn 50 người, giải nộp dinh nhà Thanh lãnh thưởng [4].
Bên liên quân liên minh Việt –Thanh, thiệt hại không rõ.

4. Bàn luận:
Nói đến sự kiện Bắc Lệ, sách Tổng tập (tậpI) của GS. Trần văn Giàu có đoạn:
...Bị bao vây ba mặt và bị đe dọa cắt đứt đường rút lui về Hà Nội, Dugenne thất thế, vội vã ra lệnh rút lui. Số quân Pháp và số dân phu bỏ chạy tán loạn, bỏ cả lương thực, ngựa, lừa, đạn dược. Tới chiều, binh đoàn của Pháp mới qua sông Thương, rút về Bắc Lệ với một số đông tử thương, trong số đó có 2 quan ba, 2 quan hai, 1 bác sĩ; và gần một phần mười số quân bị thương nặng nhẹ.
Đến được đồn Bắc Lệ, số quân Pháp trên lại bị nghĩa quân Việt do Tán tương Hoàng Đình Kính chỉ huy, tổ chức tấn công, bắt được một quan hai. Rồi ông còn phái nghĩa dũng tiến mau ngăn quân Pháp ở núi Thiên Cầu, giết và bắt được một số đối phương giải về doanh của quân Thanh. Trung tá Dugenne và số quân còn lại lui riết về Đáp Cầu Kép)...[5].

5. Kết:

Trận cầu Quan Âm mà Pháp gọi là sự kiện Bắc Lệ, có tiếng vang rất lớn ở Pháp và Việt Nam, khiến thực dân Pháp rất hoang mang, lo ngại.
Đây thật sự là một thất bại nặng nề của quân Pháp, một thắng lợi to lớn của liên quân Việt – Thanh. Cho nên khi nhận được tin, thủ tướng Jules Ferry liền đánh điện khẩn cho Lý Hồng Chương, để phản đối kịch liệt sự việc này. Và sau đó, đã hai lần (12 tháng 7 & 19 tháng 8) Jules Ferry gửi tối hậu thư đòi quân Thanh phải rút ngay khỏi Bắc Kỳ và phải đòi thường thiệt hại cho Pháp 250 triệu francs (khoản tiền này sau cứ giảm dần đi). Nhưng mặc dù tình hình giao thiệp giữa Pháp và Thanh rất căng thẳng, nhưng cả đôi bên đều muốn dùng con đường thương thuyết để tránh một cuộc chiến tranh lớn.
Nhưng trước những yêu sách quá đáng của Pháp, triều đình Bắc Kinh không thể nào nhượng bộ được nữa, cuối cùng, cuộc chiến tranh Trung - Pháp cũng đã nổ ra (tháng 8 năm 1884).
Sau trận Bắc Lệ, Trung tướng Millot bị triệu hồi, Thiếu tướng Brière de l'Isle lên thay thế, để tiếp tục công việc đánh dẹp và bình định Bắc Kỳ...

Bùi Thụy Đào Nguyên, soạn

Chú thích:[1] Nay ở xã Tân Thành, huyện Hữu Lũng tỉnh Lạng Sơn còn có thông Bắc Lệ và ga Bắc Lệ.
[2] Việt Nam sử lược, tr. 543-544.
[3] Lược kể theo Việt sử tân biên, tr. 438-440.
[4] Đại Nam thực lục, tập 36, Nxb KHXH, Hà Nội, 1975, tr. 129.
[5] Lược theo Tổng tập (tập I), tr. 391

Sách tham khảo:
-Trần Trọng Kim, Việt Nam sử lược, Nxb Tân Việt, Sài Gòn, 1968 (tr. 543-544).
-Trần Văn Giàu, Tổng tập (phần I), Nxb Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 2006 (tr.400)
-Phạm Văn Sơn, Việt sử tân biên, quyển 5, tập thượng, Sài Gòn, 1962 (tr. 438-440).
-Hoàng Văn Lân & Ngô Thị Chính, Lịch sử Việt Nam (1858-cuối XIX), Nxb Giáo dục, 1979 (tr. 66-67).
-Đinh Xuân Lâm, Nguyễn Văn Khánh, Nguyễn Đình Lễ, Đại cương lịch sử Việt Nam, tập II, Nxb Giáo dục, 2006 (tr.59-60)

Thứ Ba, 21 tháng 9, 2010

Giới thiệu sơ lược Kịch thơ Việt Nam

Kịch thơ Việt Nam là một thể loại trong loại hình văn học kịch, mà lời thoại là thơ. Thể loại này ra đời vào năm 1934, phát triển mạnh, rồi gần như đã khép lại vào những năm cuối thế kỷ 20 trong lịch sử văn học và sâu khấu tại Việt Nam.



Ở văn học Châu Âu từ thế kỷ 17 đã có kịch thơ dùng để diễn và dùng để đọc. Trong lịch sử văn học cổ Trung Quốc hầu như không có kịch thơ, mà chỉ có ca kịch. Hý khúc của nước ấy tuy có sử dụng các bản thuộc "thể bản xoang" (gồm hai loại câu 7 chữ và 10 chữ là chủ yếu), nhưng là hát chứ không phải để đọc hay ngâm trong lúc diễn.

Ở Việt Nam trước những năm 1935-1940, cũng chỉ có tuồng và chèo. Tuy hai loại hình này có sử dụng thơ, nhưng khi diễn tấu nó phải được ngâm hay hát theo giọng tuồng hoặc chèo.

Phải cho đến khi phong trào Thơ mới ra đời (đầu thập kỷ 30 của thế kỷ 20) và đã có được những thành tựu rực rỡ, thì kịch thơ mới bắt đầu xuất hiện. Theo GS. Phạm Thế Ngũ thì “lúc bấy giờ, lối kịch thơ ra ra đời, vừa cứu vớt kịch nói (thoại kịch) khỏi cái tẻ nhạt của câu nói thông thường, vừa thỏa mãn một nhu cầu xướng ngâm của người Việt nên rất được hoan nghênh” [1]

I. Lịch sử sơ lược:

1.1 Giai đoạn 1934-1940:

Kịch thơ Việt Nam khởi đầu là hai bài thơ Anh Nga (1934) và Tiếng địch sông Ô (1935) của Phạm Huy Thông. Tuy nhiên, đây chỉ là được kết cấu theo kiểu các vai kịch, cốt dùng để đọc hay ngâm chứ không phải để diễn. Tiếp theo là các vở:

-Huyền Trân Công chúa (1935) của Nguyễn Nhược Pháp.

-Hận Nam Quan (viết 1937, in 1944) của Hoàng Cầm.

-Trần Can (viết 1939, in 1940) và Lý Chiêu Hoàng (viết khoảng 1940, in 1942) của Phan Khắc Khoan, v.v...

Ở thế hệ này, kịch thơ đều mang đề tài lịch sử. Các cốt truyện phần lớn đều xoay quanh những biến cố lịch sử gay cấn, những câu chuyện tình yêu éo le, những giằng xé giữa tình và hiếu... Về thể thơ cho kịch thơ, sau những trải nghiệm, thể thơ "8 chữ" được coi là phù hợp hơn cả. Và tùy theo tình huống kịch mà thay đổi tiết tấu bằng những nhịp ngắt đa dạng: 4/4, 2/6, 6/2 hoặc 1/3/4, 2/2/4, v.v...

1.2 Giai đoạn 1940-1945:

Đến thế hệ thứ 2 (1940-1945), số tác giả và tác phẩm kịch thơ nhiều hơn. Sự hòa hợp giữa hình thức kịch và ngôn ngữ thơ đã đạt được một bước tiến khá cao. Kịch tính nổi bật và lời thơ óng chuốt, điêu luyện. Nhiều vở kịch thơ đã được đưa lên sân khấu. Về đề tài, đề tài bi tình vẫn còn được ưa chuộng, như:

-Trầm Hương đình và Mã Ngôi Pha (1942) của Thế Lữ.

-Bóng giai nhân (1942) của Yến Lan, Nguyễn Bính và Vũ Trọng Can.

-Vân muội (1944), Trương Chi (1944) và Hồng Điệp (1944) của Vũ Hoàng Chương *Phạm Thái (1942) và Quỳnh Như (1944) của Phan Khắc Khoan, v.v...

Tuy nhiên, do những cuộc vận động cứu nước âm ỷ và không khí bắt bớ tù đày ngột thở của những năm tiền cách mạng, nên bên cạnh đề tài trên còn có thêm đề tài anh hùng cứu nước. Tiêu biểu có:

-Quán biên thùy (1943) và Người mù dạo trúc (1944) của Thao Thao.

-Lê Lai đổi áo (1943), Lữ Gia (1943), Người Hoa Lư (1945) của Lưu Quang Thuận.

-Đêm Lam Sơn (1943), Trưng Vương khởi nghĩa (1943), Hội nghị Diên Hồng (1944) và Lam Sơn họp mặt (1944) của Nguyễn Xuân Trâm.

-Lên đường (1944) của Hoàng Cầm.

-Lá cờ, Máu anh nhi, Gương phụ nữ, Mầm tin (đều viết năm 1945) của Phan Khắc Khoan.

-Viễn khách(1942) của Lê Huyền Linh.

-Kiều Loan (1942) của Hoàng Cầm, v.v...

1.3 Giai đoạn 1945- cuối thế kỷ 20:

Từ sau 1945, trong khi kịch nói mỗi ngày một phát triển, thì kịch thơ đi ngược lại, mặc dù có thêm những vở mới và ở Sài Gòn có nhiều vở kịch thơ được phát trên đài phát thanh của các ban kịch Vi Huyền Đắc, Mây Tần (do Đinh Hùng sáng lập), Vũ Hoàng Chương...

Theo GS. Nguyễn Huệ Chi, thì:

Kịch thơ Việt Nam không thể chống lại sự đào thải trong tâm lý tự nhiên của các thế hệ khán giả...Những vở được sáng tác và trình diễn thành công ngày một trở nên hiếm dần trong môi trường sinh hoạt văn hóa sôi động, rất nhanh chóng tiếp thu những cái mới từ ngoài đưa đến...Có thể nói, với tư cách một thể loại của văn học kịch, vận mệnh của kịch thơ ở Việt Nam đã hầu như khép lại trong những năm cuối thế kỷ 20 [2].

Trong một lần trả lời phỏng vấn, nhà văn Hoàng Công Khanh cho biết:

Sau năm 1953, ngoài Bắc gần như vắng bóng kịch thơ. Ở Sài Gòn, kịch thơ phát huy vai trò trong phong trào sinh viên học sinh... Sau năm 1975, chị Bích Thuận có dựng "Bến nước Ngũ Bồ" ở Thành phố Hồ Chí Minh và ở nhiều nước. Gần đây, ngoài Bắc, vở kịch thơ "Kiều Loan" (của Hoàng Cầm) được dựng trên sân khấu kịch nói và "Cung phi Điểm Bích" (dựng từ kịch thơ cùng tên của ông) lần đầu ra mắt trên sân khấu cải lương...

Và theo ông, thì:

Kịch thơ khó viết (hai phần "kịch" và "thơ" phải hài hòa, khăng khít và gần như cân xứng), kén khán giả và đòi hỏi diễn viên phải biết đọc thơ, ngâm thơ... Quan trọng hơn, diễn viên phải “cảm” được thơ. Vì thế, kịch thơ ngày càng vắng bóng...[3]

Các vở nổi trội trong thời kỳ này là:

-Về Hồ (1946) và Bến nước Ngũ Bồ (1953) của Hoàng Công Khanh.

-Tình xuân và chiến sĩ (1948) của Phan Khắc Khoan.

-Hồng Gấm, tuổi hai mươi (1973) của Lưu Trọng Lư, v.v...

*

Tóm lại, người khởi xướng ra kịch thơ Việt Nam là Phạm Huy Thông với "Anh Nga" và "Tiếng địch sông Ô". Song đó chỉ là những thí nghiệm nhỏ trên báo, chưa hề được đưa lên sân khấu. Chỉ từ năm 1940 trở đi, ta mới thấy những vở lịch thơ trọn vẹn, và thấy cả những tác giả chuyên về thể loại này. Người nổi tiếng nhất ở đây là Phan Khắc Khoan...

Các nhà viết kịch thơ Việt Nam thường lấy đề tài trong lịch sử, đó cũng là do ảnh hưởng của thời cuộc. Họ muốn dùng những câu thơ mỹ lệ, hùng hồn để làm sống lại những nhân vật trong những trang sử xưa. Vài người như Phan Khắc Khoan, Nguyễn Huy Tưởng còn muốn đề cao tinh thần quốc gia. Nhà phê bình đương thời Lê Thanh viết: "Để làm sống lại cái tinh thần dân tộc lúc này, thiết tưởng không có phương pháp giáo hóa quần chúng nào mạnh bằng đem diễn những vở kịch chứa đựng những lời thơ hùng hồn. Kịch thơ chính là cái có thể giúp ta trong mục đích ấy".

Về hình thức, các nhà viết kịch thơ thường dùng câu thơ 8 chữ. Điệu tám chữ giúp cho sự thuật tả tư tưởng được dồi dào thoải mái. Đây cũng chính là hậu thân của câu nói lối, vốn có giá trị tuyên xướng rất thích hợp với sân khấu...

II. Giới thiệu một đoạn kịch thơ:

Để minh họa cho bài, sau đây là một đoạn kịch thơ trong vở Hận Nam Quan của thi sĩ Hoàng Cầm:

Một đêm giăng mờ lạnh lẽo. Tiếng tiêu nào trên ngàn xa văng vẳng trong sương. Trên một khu rừng gần Ải Nam Quan, chi chít cây cối, có một bóng đen vạch cây, rẽ lá tìm đường. Gần chỗ ấy, Nguyễn Phi Khanh (cha Nguyễn Trãi) bị giam trong một cái cũi lớn. Lúc đó đã nửa đêm. Bốn bề tịch mịch. Duy có tiếng tiêu vẫn réo rắt, não nùng. Thỉnh thoảng có tiếng mõ cầm canh xa xa. Hồi lâu, Phi Khanh hơi cử động và ngồi dậy.

* Phi Khanh:

Đây biên giới hai nước thù đẫm máu;

Đây Nam Quan...con mắt khép tình thâm

Lối qua lại của một loài cuồng khấu

Là Nam Quan...chua xót bóng nghìn năm...

* Phi Khanh:

Con yêu quý! Chớ xuôi lòng mềm yếu

Gác tình riêng, vỗ cánh trở về Nam !

Con về đi! Tận trung là tận hiếu

Đem gươm mài bóng nguyệt dưới khăn tang

Nếu trời muốn cho nước ta tiêu diệt

Thì lưới thù sẽ úp xuống đầu xanh

Không bao giờ! Không bao giờ con chết

Về ngay đi rồi chí toại công thành !

Nghĩ đến cha một phương trời ảm đạm

Thì nghiến răng vung kiếm quét quân thù

Trãi con ơi! Tương lai đầy ánh sáng

Cha đứng đây trông suốt được nghìn thu.

* Nguyễn Trãi:

Hận Nam Quan, biết bao giờ phai nhạt,

Biết bao giờ cạn lệ khóc cha già

Lúc vĩnh biệt thật trăm nghìn chua xót!

* 'Phi Khanh:

Về ngay đi Nguyễn Trãi

Nâng gươm thề, đem quốc sử mà soi.

* Nguyễn Trãi

Đã đến giờ con lìa xa quan ải,

Kể từ nay Nam Bắc cách đôi nơi.

* Phi Khanh:

Đêm sắp cạn, về ngay đi Nguyễn Trãi,

Nhớ Nam Quan là vết máu trên đầu...

* Nguyễn Trãi:

Trên ngọn núi, nắng phơi màu hy vọng

Con biết rồi, bóng dáng của nghìn xưa

Con hiểu rồi, linh hồn cha cao rộng

Sẽ bay về theo lớp gió mây đưa

Tiếng chim ca vang lừng, sao mãnh liệt!

Gió bình minh phơi phới tuổi thanh xuân...

(Nguyễn Trãi lùi dần vào các khóm cây)

Kính chúc cha lên đường sang cõi chết,

Vui từ nay cho đến lúc ly trần [4]

Tiếng tiêu vẫn mơ màng, gió sớm nổi lên, Phi Khanh quắc mắt nhìn theo con.

Bùi Thụy Đào Nguyên, soạn.

Chú thích:

[1] Việt Nam văn học sử giản ước tân biên (quyển 3), tr. 660. [2] Từ điển văn học (bộ mới), tr. 744.

[3] Bài phỏng vấn Kịch thơ là thứ “hàng hóa” xa xỉ đăng trên báo Thể thao Văn hóa (bản điện tử) ngày 31 tháng 08 năm 2008.

[4] Vở kịch đã có trọn vẹn trên internet.

Sách tham khảo:

-Phạm Thế Ngũ, Việt Nam văn học sử giản ước tân biên (quyển 3). Quốc học tùng thư xuất bản, Sài Gòn, 1965.

-Nguyễn Huệ Chi, mục từ Kịch thơ trong Từ điển văn học (bộ mới). Nhà xuất bản Thế giới, 2004.

Thứ Hai, 20 tháng 9, 2010

Đặng Dung và bài thơ Thuật hoài của ông

Đặng Dung và bài thơ Thuật hoài của ông

Đặng Dung (? - 1414) là nhà thơ và là danh tướng nhà Hậu Trần trong lịch sử Việt Nam.

I. Tiểu sử:
Ông là người xã Tả Hạ, huyện Thiên Lộc, trấn Nghệ An (nay là huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh).
Tổ tiên Đặng Dung vốn là người Hóa Châu, sau di cư đến nơi ấy cư trú.
Dưới triều nhà Hồ, ông giúp cha là Đặng Tất (? - 1409) cai quản đất Thuận Hóa. Sau khi quân Minh (Trung Quốc) tiến chiếm nước Việt (khi ấy có quốc hiệu là Đại Ngu), nhà Hồ sụp đổ, Đặng Dung cùng cha tham gia cuộc khởi nghĩa của Trần Ngỗi (tức Giản Định Đế).

Năm 1409, sau trận đại chiến ở Bô Cô (xã Hiếu Cổ, huyện Ý Yên, thuộc tỉnh Nam Định ngày nay); “vì nghe lời gièm pha của bọn hoạn quan là Nguyễn Quỹ, nói rằng Đặng Tất chuyên quyền, vua Giản Định Đế đem lòng ngờ vực đã giết Đặng Tất và Nguyễn Cảnh Chân. Đặng Dung tức giận bỏ Trần Ngỗi, cùng Nguyễn Cảnh Dị (con của Nguyễn Cảnh Chân) rước Trần Quý Khoáng từ Thanh Hóa về đất Chi La (nay là huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh), tôn lên ngôi vua (tức Trùng Quang Đế), và ông được giữ chức Đồng bình chương sự.
Về sau, do nhu cầu cần phải hợp nhất hai lực lượng, các tướng của Trần Quý Khoáng do Nguyễn Súy cầm đầu đã tổ chức đánh úp vào Ngự Thiên, đem Trần Ngỗi về Chi La tôn làm Thượng hoàng.
Dù phải chiến đấu dưới quyền người đã giết cha mình, nhưng vì sự nghiệp chung ông đã vượt lên trên tất cả, trước sau vẫn giữ vững phẩm cách đường đường của một vị tướng. Từ đó ông trải qua rất nhiều trận giao chiến, nổi bật hơn cả là trận đánh vào tháng 9 năm Quý Tị (1413) ở khu vực Thái Gia.

Sách Đại Việt sử ký toàn thư của Ngô Sĩ Liên chép:
Đang khi đôi bên quân nam và quân bắc đang cầm cự nhau thì Đặng Dung bí mật dùng bộ binh và tượng binh mai phục, đúng nửa đêm thì bất ngờ đánh úp vào doanh trại của (Trương) Phụ. (Đặng) Dung đã nhảy lên thuyền của (Trương) Phụ và định bắt sống (Trương) Phụ nhưng lại không biết mặt để có thể nhận ra hắn, vì thế, (Trương) Phụ liền nhảy sang thuyền nhỏ chạy thoát. Quân Minh bị tan vỡ đến quá nữa, thuyền bè, khí giới bị đốt phá gần hết, thế mà (Nguyễn) Súy không biết hợp lực để cùng đánh. (Trương) Phụ biết quân của (Đặng) Dung ít nên lập tức quay lại đánh. (Đặng) dung đành phải chịu thất bại, quân sĩ chạy tan tác hết [1].

GS. Nguyễn Khắc Thuần kể tiếp:
Tháng 11 năm 1413, Đặng Dung cùng Nguyễn Cảnh Dị bị Trương Phụ bắt sống khi đang tìm đường tạm lánh sang Xiêm La để tính kế lâu dài. Vì liên tục lớn tiếng chửi mắng nên Nguyễn Cảnh Dị đã bị Trương Phụ hạ lệnh giết ngay. Còn Đặng Dung cùng Trần Quý Khoáng, Nguyễn Súy và một số tướng lãnh khác bị áp giải về Yên Kinh (Trung Quốc). Dọc đường, Trần Quý Khoáng nhảy xuống biển tự tử, Đặng Dung cũng lập tức nhảy xuống chết theo [2].

Sử gia Trần Trọng Kim kể và kèm theo lời khen ngợi:
Từ khi thua trận ấy rồi, Trần Quý Khoách thế yếu quá không thể chống với quân giặc được nữa, phải vào ẩn núp ở trong rừng núi. Chẳng được bao lâu Trần Quý Khoáng, Nguyễn Cảnh Dị, Đặng Dung, Nguyễn Súy đều bị bắt, và phải giải về Yên Kinh cả. Đi đến giữa đường, Quý Khoách nhảy xuống bể tự tử, bọn ông Đặng Dung cũng tử tiết cả. Ông Đặng Dung có làm bài thơ Thuật hoài, mà ngày nay còn có nhiều người vẫn truyền tụng.
Cha con ông Đặng Dung đều hết lòng giúp nước phò vua, tuy không thành công được, nhưng cái lòng trung liệt của nhà họ Đặng cũng đủ làm cho người đời sau tưởng nhớ đến, bởi vậy hiện nay còn có đền thờ ở huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh.
..[3]

II.Thuật hoài:
Thuật hoài hay Cảm hoài là bài thơ tự sự của Đặng Dung khi ông đem quân giúp vua Trùng Quang Đế của nhà Hậu Trần, nhưng do lòng người ly tán, quân binh ít ỏi, lương thực thiếu thốn nên cuối cùng đã thất bại. Bài thơ thể hiện ý chí sắt đá của một người anh hùng nhưng không may là không gặp thời thế, công việc chưa xong thì tuổi đã già.

Thuật hoài được viết bằng chữ Hán theo thể thất ngôn bát cú, luật trắc, vần bằng, đúng niêm luật, đối chỉnh, bố cục rất hợp qui cách của thể thơ.

Đề gồm phá (câu 1) và thừa (câu 2) nói ngay tâm trạng "việc đời mờ tối, tuổi thì đã già, không biết làm sao, cứ say hát tràn". Thực (câu 3 & 4) giải thích tâm trạng của người anh hùng "không gặp được thời vận, sự nghiệp không thành, cứ ôm hoài mối hận trong lòng". Luận (câu 5 & 6) nói rộng tâm trạng hơn "là người có ý chí lớn lao muốn phò vua dẹp giặc nhưng không có cách nào thực hiện được". Kết (câu 7 & 8) kết lại tâm trạng "thù chưa trả, tuổi đã già, song vẫn cương quyết giữ vững ý chí diệt giặc đến cùng"

Nguyên tác & bản dịch
Nguyên tác:
感懷
世事悠悠奈老何
無窮天地入酣歌
時來屠釣成功易
運去英 雄飲恨多
致主有懷扶地軸
洗兵無路挽天河
國讎未報頭先白
幾度龍泉戴月磨

Phiên âm Hán-Việt:
Cảm hoài
Thế sự du du nại lão hà?
Vô cùng thiên địa nhập hàm ca.
Thời lai đồ điếu thành công dị,
Vận khứ anh hùng ẩm hận đa.
Trí chủ hữu hoài phù địa trục,
Tẩy binh vô lộ vãn thiên hà.
Quốc thù vị báo đầu tiên bạch,
Kỷ độ Long Tuyền đới nguyệt ma.

•Chép theo Ngữ văn 10 (nâng cao). Có bản chép khác: Thế lộ (câu 1), Nhập thù ca (câu 2), Sự khứ (câu 4), Trí chúa hữu tâm (câu 5), vị phục (câu 7).

Dịch nghĩa:
Việc đời dằng dặc mà ta đã già, biết làm thế nào?
Trời đất mênh mông đắm trong cuộc rượu hát ca.
Khi gặp thời, người làm nghề hàng thịt, kẻ câu cá cũng dễ thành công,
Lúc lỡ vận, bậc anh hùng đành phải nuốt hận nhiều.
Giúp chúa, những mong xoay trục đất lại,
Rửa vũ khí không có lối kéo tuột sông Ngân xuống.
Thù nước chưa trả được mà mái tóc đã bạc sớm,
Bao phen mang gươm báu mài dưới bóng trăng.

Bản dịch của Tản Đà:
Việc đời man mác, tuổi già thôi!
Đất rộng trời cao chén ngậm ngùi.
Gặp gỡ thời cơ may những kẻ,
Tan tành sự thế luống cay ai!
Phò vua bụng những mong xoay đất,
Gột giáp sông kia khó vạch trời.
Đầu bạc giang san thù chửa trả,
Long tuyền mấy độ bóng trăng soi.

Bản dịch của Phan Kế Bính:
Việc đời bối rối tuổi già vay,
Trời đất vô cùng một cuộc say.
Bần tiện gặp thời lên cũng dễ,
Anh hùng lỡ bước ngẫm càng cay.
Vai khiêng trái đất mong phò chúa,
Giáp gột sông trời khó vạch mây.
Thù trả chưa xong đầu đã bạc,
Gươm mài bóng nguyệt biết bao rày.

Thơ đời Trần, bất kể là vui hay buồn thường thể hiện sự khẳng định nhân phẩm và niềm tự hào về bản lĩnh con người. Và ngay cả trong cái buồn của thơ ca cuối thế kỷ thứ 14 vẫn còn còn phảng phất dư ba của hào khí Đông A. Và Thuật hoài, bài thơ duy nhất còn lại của Đặng Dung, được chép trong Toàn Việt Thi Lục của Lê Quí Đôn (1726 - 1784) chính là một trong những bài thơ hay và tiêu biểu cho phong cách thơ ấy.

Nhà nghiên cứu Phạm Tú Châu trong Từ điển văn học (bộ mới) đánh giá:
Tuy là thơ của một người ôm hận vì bất lực trước thời thế, "người đọc vẫn thấy toát lên ở đây tình cảm cao cả tràn khắp đất trời, đó là lòng yêu nước thiết tha của một tráng sĩ vì nước bôn ba, là niềm tin và quyết tâm bảo vệ nền độc lập dân tộc qua hình tượng rất đẹp, rất thơ: “Mấy phen mang gươm Long Tuyền mài dưới trăng”". "Thuật hoài" ra đời vào những ngày cuối cùng của nhà Trần, nhưng vẫn mang trọn hào khí dân tộc của những năm đầu dựng nước và giữ nước cả về nội dung lẫn hình thức. Lý Tử Tấn (1378 - ?, quan thời Lê) nhận xét "Phi hào kiệt chi sĩ bất năng" (Nếu không phải là kẻ sĩ hào kiệt thì không thể làm được bài thơ này) [4].

Chú thích bài thơ:
-Du du còn có nghĩa là rối bời.
-Hàm ca: Cuộc rượu hát ca.
-Đồ điếu: Đồ là hàng thịt, điếu là câu cá; nhắc tích Phàn Khoái bán thịt chó, Hàn Tín câu cá, sau giúp Lưu Bang (Hán Cao Tổ) phá Tần, diệt Sở, làm nên nghiệp lớn.
-Trí chủ: Phò tá giúp đỡ cho chủ
-Địa trục: Trục trái đất.
-Tẩy binh: Điển tích từ hai câu thơ trong bài Tẩy Binh Mã (Rửa khí giới) của Đỗ Phủ: An đắc tráng sĩ vãn thiên hà; Tịnh tẩy giáp binh trường bất dụng. Dịch nghĩa: Ước gì có tráng sĩ kéo nước sông Ngân xuống (dịch chữ thiên hà); Rửa sạch khí giới, mãi mãi không dùng đến nữa.
-Vị báo: Vị (chưa), báo (đáp trả lại).
-Long Tuyền là tên một loại gươm báu thời xưa.
-Đòng: một loại vũ khí của người xưa.

Chú thích phần tiều sử:
[1] Đại Việt sử ký toàn thư (Bản kỉ toàn thư, quyển 9, tờ 22-b). Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục chép tương tự và kèm theo lời bình là: Trời nuông tha trương Phụ (Chính biên, quyển 12, tờ 39).
[2] Nguyễn Khắc Thuần, Danh tướng Việt Nam (tập 4). Nhà xuất bản Giáo dục, 2006, sách đã dẫn, tr. 236.
[3] Trần Trọng Kim, Việt Nam sử lược, Nxb Tân Việt, Sài Gòn, tr. 197.
[4] Từ điển văn học (bộ mới). Nxb Thế giới, 2004, tr. 389.

Bùi Thụy Đào Nguyên, soạn

Chủ Nhật, 19 tháng 9, 2010

Đề lĩnh Nguyễn Chanh

Nguyễn Chanh (? - 1892) là Đề lĩnh của đội quân Can thứ trong cuộc khởi nghĩa Hương Khê (1885-1896) ở cuối thế kỷ 19 tại Việt Nam.

Nguyễn Chanh, thân thế không rõ, chỉ biết ông xuất thân từ nông dân lao động nghèo ở Hà Tĩnh.

Theo nhà cách mạng Phan Bội Châu thì khi quân Pháp mới kéo đến Hà Tĩnh, Nguyễn Chanh bèn đến xin gia nhập đội ngũ, rồi tình nguyện dẫn quân Pháp đi truy nã các nghĩa sĩ chống đối. Thế nhưng, trên đường đi, ông cùng với các bạn đồng chí hướng, bày rượu nhử cho quân Pháp uống say, rồi ra tay giết sạch, đoạt lấy hết súng, kéo về làm cuộc khởi nghĩa ở Can Lộc tỉnh Hà Tĩnh (Việt Nam vong quốc sử, tr. tr. 88-89).

Tháng 7 năm 1885, vua Hàm Nghi chạy ra thành Tân Sở (Cam Lộ, Quảng Trị) ban dụ Cần Vương. Hưởng ứng, Đình Nguyên tiến sĩ Phan Đình Phùng bèn đứng ra kêu gọi các lực lượng kháng Pháp ở Hà Tĩnh cùng tập hợp lại, làm cuộc khởi nghĩa Hương Khê. Nguyễn Chanh cùng em là Nguyễn Trạch liền nhận lời tham gia.

Bị quân Pháp kéo đến đàn áp, lực lượng Hương Khê dần suy yếu. Đầu năm 1887, Phan Đình Phùng giao quyền chỉ huy cho Cao Thắng để ra Bắc đến các tỉnh Sơn Tây, Hải Dương, Bắc Ninh,...tìm sự hỗ trợ và liên kết lực lượng.

Cuối tháng 9 năm 1889, Phan Đình Phùng từ đất Bắc trở về gầy dựng lại phong trào kháng Pháp tại Hà Tĩnh. Sau khi tổ chức lại, đội quân của Nguyễn Chanh và Nguyễn Trạch trở thành là một trong 15 quân thứ của lực lượng Hương Khê, đó là Can thứ, phụ trách địa bàn huyện Can Lộc (Hà Tĩnh).

Kể từ đó, cùng với nghĩa quân Can thứ, hai ông tổ chức và tham gia nhiều trận tập kích, chống càn quét, làm tiêu hao phần nào sinh lực của đối phương. Nổi bật là trận:

■Trận phục kích quân Pháp tại làng Hốt (xã Phú Lộc, huyện Can Lộc) ngày 13 tháng 4 năm 1980.

■Trận đánh đồn Nam Huân và các vùng phụ cận kéo dài từ ngày 20 đến 25 tháng 10 năm 1890.

■Trận tập kích vào ty Thương chánh Can Lộc vào tháng 7 năm 1981.

Tháng 8 năm 1892, sau nhiều lần hành quân bố ráp mà vẫn chưa làm tan rã được lực lượng Hương Khê, Bộ chỉ huy quân Pháp liền điều thêm quân và đại bác để tiếp tục đi càn quét. Khi ấy, Phan Đình Phùng đang đóng quân tại Hội Trung, Cao Đạt đang đóng quân tại La Sơn, Bá hộ Thuận (Nguyễn Hữu Thuận) đang đóng quân ở Trại Chè, và Đốc Chanh (tức Nguyễn Chanh) đang đóng quân ở Thiền Thôn. Dò biết được, quân Pháp liền rầm rộ kéo nhau đi tấn công.

Cuộc chống trả đang có hiệu quả, thì Đốc Chanh bất ngờ bị nội gián. Ông rơi vào vòng vây và đã tử trận vào cuối tháng 8 năm 1892.

Sau này, khi kể về khởi nghĩa Hương Khê, ngoài thủ lĩnh Phan Đình Phùng, ông Phan Bội Châu chỉ nói đến có hai người nữa đó là Cao Thắng và Nguyễn Chanh.

Đoạn viết về Nguyễn Chanh như sau:

Tới chiến trận, (Nguyễn) Chanh biết tránh mũi nhọn, nhằm đánh vào chỗ trễ nải (của đối phương), lấy thư thái đối địch với bọn đang mệt nhọc. (Lúc) lâm cơ thung dung, ứng biến nhanh như thần, có phong thái của danh tướng đời xưa...Tiếc thay! (Nguyễn) Chanh, (Cao)Thắng chết rồi, Hà Tĩnh không có danh tướng nữa... (Việt Nam vong quốc sử, tr. tr. 88-89).

Bùi Thụy Đào Nguyên, soạn.

Sách tham khảo:

■Phan Bội Châu, Việt Nam vong quốc sử. Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1982.

■Phạm Văn Sơn, Việt sử tân biên (quyển 5, tập trung). Tác giả tự xuất bản, Sài Gòn. 1963.

■Đinh Xuân Lâm-Nguyễn Văn Khánh-Nguyễn Đình Lễ, Đại cương lịch sử Việt Nam (tập 2). Nhà xuất bản Giáo Dục, 2006.

Thứ Hai, 13 tháng 9, 2010

Cầu Trường Tiền (Huế)












Cầu Trường Tiền



Cầu Trường Tiền còn được gọi là Cầu Tràng Tiền [1], là chiếc cầu dài 403 m, gồm 6 nhịp dầm thép hình vành lược, khẩu độ mỗi nhịp 67 m. Khổ cầu 6 m [2], được thiết kế theo kiến trúc Gô tích, bắc qua sông Hương. Đầu cầu phía bắc thuộc phường Phú Hòa, đầu cầu phía nam thuộc phường Phú Hội; ở ngay giữa thành phố Huế thuộc Việt Nam.

I. Lịch sử và tên gọi:
Căn cứ bài thơ Thuận Hóa thành tức sự của nhà thơ Thái Thuận [3], thi sĩ Quách Tấn đã cho rằng dưới thời vua Lê Thánh Tôn, sông Hương đã có cầu. Chiếc cầu đó, được làm bằng song mây bó chặt lại với nhau và nối liền nhau, nên có tên là cầu Mây. Vì cầu có hình cái mống úp lên sông, nên còn có tên là cầu Mống. Trải bao năm tháng, không biết khi nào, cầu Mống được làm lại bằng gỗ, mặt cầu lát bằng ván gỗ lim.

Năm Thành Thái thứ 9 (1897), chiếc cầu trên được nhà cầm quyền Pháp (khi ấy Khâm xứ Trung Kỳ là Levécque) giao cho hãng Eiffel (Pháp) thiết kế (do Gustave Eiffel thiết kế) và khởi công xây dựng lại bằng sắt, đến năm Thành Thái thứ 11 (1899) thì hoàn thành và được mang tên vị vua này. Tổng cộng tiền xây cầu Thành Thái tiêu tốn hết khoảng 400 triệu đồng, là một số tiền lớn vào thời đó.

Năm Giáp Thìn (1904), bão lớn làm cầu hư hỏng nặng. Năm sau, tức năm Thành Thái thứ 17 (1905) [4], chiếc cầu mới được sửa chữa lại bằng xi măng cốt thép. Tổng chiều dài cây cầu lúc bấy giờ là 401,10 m, rộng 6,20 m, gồm 6 nhịp dầm thép hình vành lược (hay hình bán nguyệt), và diện mạo này, vẫn giữ được cho đến ngày hôm nay. Năm 1907, khi vua Thành Thái bị thực dân Pháp đày sang đảo Réunion, thì chính quyền thực dân Pháp cho đổi tên là cầu Clémenceau, theo tên của Georges Clemenceau, một Thủ tướng Pháp thời Thế chiến thứ nhất.

Đến năm 1937, cầu được mở rộng thêm hai hành lang ở hai bên (có những ban công hình bán nguyệt để có chỗ dừng chân, hay né tránh nhau), dành cho người đi bộ, xe đạp.

Năm 1945 chính phủ Trần Trọng Kim đổi tên là cầu Nguyễn Hoàng.

Năm 1946, trong chiến tranh Việt - Pháp, cầu bị Việt Minh đặt mìn, giật sập hai nhịp phía tả ngạn. Hai năm sau cầu được tu sửa tạm để qua lại.

Trong Sự kiện Tết Mậu Thân, trụ 3 và nhịp 4 bị phá hủy [5], khi quân Mặt trận Giải phóng miền Nam cho giật sập để cắt đường phản công của quân đội Việt Nam Cộng hòa. Sau đó, một chiếc cầu phao được dựng lên tạm thời, và cầu Trường Tiền cũng được tiến hành sửa chữa lại.

Từ năm 1991 đến 1995, công ty Công ty Cầu 1 Thăng Long lãnh trách nhiệm trùng tu, xây lại hai nhịp cầu, và tất cả các bao lơn cũng bị phá bỏ.
Mặc dù trải nhiều tên gọi, nhưng từ rất lâu, cái tên cầu Trường Tiền (vì chiếc cầu nằm gần một công trường đúc tiền, gọi tắt là Trường Tiền của nhà Nguyễn và phố Trường Tiền do vua Thành Thái lập năm 1899) vẫn được người dân quen gọi và đã đi vào nhiều bộ môn nghệ thuật...

II. Trong Văn học Nghệ thuật:
 
Tên Cầu Mống đã xuất hiện trong thơ Thái Thuận:
Thuận Hóa thành tức sự
(Quách Tấn dịch)
Ghe thuyền qua lại sớm liền trưa
Cầu Mống giăng sông cửa nước chừa.
Mây lẫn bóng non trời rộng mở,
Gió dồn tiếng sóng biển xa đưa.
Chợ chiều tấp nập thân là lụa,
Nét bút bồi hồi nhịp trúc tơ.
Ca nữ quản bao dòng huyết hận,
Địch đài trổi khúc lạc mai xưa.

Sau Cầu Mống, là cầu Trường Tiền. Và công trình này đã nhanh chóng trở thành một thắng cảnh nổi tiếng, và là đề tài của nhiều bộ môn nghệ thuật. Trích giới thiệu:
 
Cầu Trường Tiền lúc hoàng hôn.
Cầu Trường Tiền trong những câu ca:
Cầu Trường Tiền sáu vài mười hai nhịp
Em theo không kịp
Tội lắm anh ơi!
Bấy lâu mang tiếng chịu lời
Anh có xa em đi nữa
Cũng tại ông Trời nên xa [6].


Năm 1905, chiếc cầu được đúc lại bằng bê tông cốt thép, nên có câu:
Chợ Đông Ba đem ra ngoài giại
Cầu Trường Tiền đúc lại xi-mon
Ơi người lỡ hội chồng con
Về đây gá nghĩa vuông tròn nước non...[7]

Năm 1946, trong chiến tranh Pháp - Việt, cầu bị đặt mìn giật sập. Sau đó, lại có câu:
Cầu Trường Tiền bấy nhiêu niên (năm) qua lại,
Kể tự đời Thành Thái đến nay.
Chạnh lòng biết hỏi ai đây,
Việc chi nên nỗi đang tay dứt cầu?
 
Và có ai đó đã đáp lại rằng:
Chí quyết thắng Pháp Tây
Nên cầu nầy phải phá,
Qua sông còn nhiều ngã
Đừng buồn bã em ơi.
Nước non khôi phục được rồi,
Cầu nầy bắc lại, không mấy hồi đó em...
Trong thời gian Nguyễn Bính lưu lạc đến Huế, cầu Trường Tiền cũng đã xuất hiện trong thơ ông:
Cầu cong như chiếc lược ngà
Sông dài mái tóc cung nga buông hờ


Gustave Eiffel người thiết kế cầu Trường Tiền.
Đôi bờ đôi cánh tay vua
Cung nga úp mặt làm thơ thất tình...
...Bồng bồng sáu nhịp cầu cao
Thờ ơ bóng mát nơi nào cũng xanh...
(trích trong Vài nét Huế, 1941)

Sau sự kiện Tết Mậu Thân, cầu Trường Tiền bị bom đạn gây hư hại nặng. Quá xúc cảm, nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng viết bài hát Chuyện một chiếc cầu đã gãy để nói lên sự việc này, có những câu :
...Cầu thân ái đêm nay gẫy một nhịp rồi
Nón lá sầu khóc điệu Nam Ai tiếc thương lời vắn dài
Vì sao không thương mến nhau còn gây khổ đau làm lỡ nhịp cầu...

Ngoài ra, cầu Trường Tiền cũng đã được in trong bộ tem thư của Việt Nam.

III. Mười hai vài, sáu nhịp:
Theo Từ điển tiếng Việt, cái gọi là vài cầu (hay vì cầu)[8], “là kết cấu nối hai nhịp giữa hai mố cầu và tựa lên các mố đó", còn nhịp cầu cũng theo từ điển này là “khoảng cách giữa hai trụ cầu và mố cầu liền nhau”. Theo đó, TS. Trần Đức Anh Sơn cho rằng cầu Trường Tiền thực sự là “mười hai vài, sáu nhịp” chứ không phải là “sáu vài, mười hai nhịp”. Ca dao có câu:
Chợ Đông Ba đem ra góc thành,
Cầu Trường Tiền sáu nhịp bến đò Ghềnh bắc ngang.
Hay:
Cầu Trường Tiền sáu nhịp bắc qua,
Tả Thanh Long, hữu Bạch Hồ đợi khúc âu ca thái bình.
Song đôi khi, để thuận tai, để có vần, có điệu, một vài tác giả dân gian đã đổi từ “mười hai vài, sáu nhịp” sang “sáu vài mười hai nhịp”, như ở câu:
Cầu Trường Tiền sáu vài mười hai nhịp
Anh theo không kịp
Tội lắm em ơi!....

Bùi Thụy Đào Nguyên, giới thiệu.
Chú thích:
1. Chữ Hán: 場錢: viết và đọc Trường Tiền hay Tràng Tiền, với nghĩa là "công trường đúc tiền" đều đúng (場 tràng, trường). Sở dĩ cầu có tên này là vì "cầu bắc qua sông Hương gần vị trí đúc tiền thời Nguyễn", và sau 30 tháng 4 năm 1975, tên gọi dân gian được sử dụng làm tên chính thức. (theo Từ điển lịch sử Thừa Thiên-Huế, trang 839, do TS Đỗ Bang chủ biên).
2.Các con số ghi theo Từ điển bách khoa Việt Nam (quyển I, tr. 389)
3.Thái Thuận (chữ Hán: 蔡順, 1440 -?), phó nguyên suý Tao đàn Nhị thập bát Tú, tác giả Lữ Đường thi di cảo.
4. Ghi theo Từ điển bách khoa Việt Nam (quyển I, tr. 389). Thi sĩ Quách Tấn (sách đã dẫn, tr. 137) ghi là năm 1906.
5.Theo Từ điển bách khoa Việt Nam (quyển I, tr. 389).
6.Chép theo Quách Tấn (tr. 129). Cũng theo ông, câu ca này tả tâm sự của một bầy tôi không kịp chạy theo vua, chứ không phải viết về đề tài tình yêu trai gái.
7.Quách Tấn giải thích: "người lỡ hội chồng con", ám chỉ những chiến sĩ còn sống sót sau cuộc Cần Vương (Bước lãng du, tr. 136).
8.Vài vốn là "vì" (nghĩa là kèo) đọc trại mà thành (theo Từ điển Khoa Học và Kỹ Thuật. NXB. Khoa Học và Kỹ Thuật).

Khởi nghĩa Hương Khê (1885-1896)








Khởi nghĩa Hương Khê (1885-1896) là đỉnh cao của phong trào Cần vương, và thất bại của công cuộc này cũng đã đánh dấu sự kết thúc sứ mạng lãnh đạo chống thực dân Pháp của tầng lớp sĩ phu phong kiến Việt Nam. Lãnh đạo chính của khởi nghĩa là Đình nguyên tiến sĩ Phan Đình Phùng (1847-1895), và một cộng sự đắc lực của ông là Quản cơ Cao Thắng (1864-1893).

1. Tập hợp lực lượng:

Sau khi vua Hàm Nghi ban dụ Cần Vương (tháng 7 năm 1885), ở Hà Tĩnh và Nghệ An đã bùng nổ nhiều phong trào đấu tranh vũ trang. Cuộc đầu tiên là của Lê Ninh ở Trung Lễ (Đức Trung, Đức Thọ), sau đó là lần lượt các cuộc:

-Khởi nghĩa của Cao Thắng, Cao Nữu ở Hàm Lại, Sơn Lễ (Hương Sơn, Hà Tĩnh).

-Khởi nghĩa của Nguyễn Trạch và Nguyễn Chanh ở Can Lộc (Hà Tĩnh).

-Khởi nghĩa của Ngô Quảng và Hà Văn Mỹ ở Nghi Xuân (Hà Tĩnh).

-Khởi nghĩa của Nguyễn Hữu Thuận ở Thạch Hà (Hà Tĩnh).

-Khởi nghĩa của Nguyễn Xuân Ôn và Lê Doãn Nhạ ở Nghệ An, v.v...

Trên cơ sở các cuộc khởi nghĩa đó, sau khi được vua Hàm Nghi và đại tướng Tôn Thất Thuyết giao trọng trách tổ chức phong trào kháng Pháp ở Hà Tĩnh (tháng 10 năm 1885), Phan Đình Phùng đã tiến hành tập hợp, phát triển thành một phong trào có quy mô rộng lớn, dưới sự chỉ đạo thống nhất là ông.

2. Địa bàn hoạt động:

Địa bàn hoạt động của nghĩa quân bao gồm bốn tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình; với địa bàn chính là Hương Khê (Hà Tĩnh), tồn tại suốt 10 năm liên tục.

Ở bốn tỉnh này, Phan Đình Phùng đã chia địa bàn thành 15 quân thứ, đồng thời dựa vào địa thế rừng núi hiểm yếu, ông cho xây dựng lực lượng và cơ sở chiến đấu chính nằm ở hai huyện Hương Sơn và Hương Khê (Hà Tĩnh). Theo sử liệu thì Phan Đình Phùng đã cho xây dựng bốn căn cứ lớn, đó là:

-Căn cứ Cồn Chùa ở xã Sơn Lâm (Hương Sơn, Hà Tĩnh), án ngữ đường sang Nghệ An. Đây là nơi dự trữ lương thực và rèn đúc vũ khí.

-Căn cứ Thượng Bồng-Hạ Bồng ở tây nam Đức Thọ (Hà Tĩnh) dựa vào địa thế của sông Ngàn Sâu và Ngàn Trươi. Ngoài ra, Phan Đình Phùng còn cho lập nơi đây hệ thống hào lũy, đồn trại, kho lương, bãi tập,...Đây là một căn cứ lớn trong buổi đầu kháng chiến của nghĩa quân Hương Khê.

-Căn cứ Trùng Khê-Trí Khê nằm ở hai xã Hương Ninh - Hương Thọ thuộc huyện Hương Khê. Đây là căn cứ dự bị, có đường sang Lào, phòng khi bị quân Pháp bao vây.

-Căn cứ Vụ Quang ở phía tây Hương Khê. Nơi đây có địa hình hiểm trở, tựa lưng vào dãy Trường Sơn. Từ đây, nghĩa quân có thể theo đường núi vào Quảng Bình, Quảng Trị, ra Nghệ An, Thanh Hóa hay theo đường sông đi xuống các vùng đồng bằng hoặc khi cần thiết có thể lánh sang Lào.

3. Tổ chức:

Theo giúp Phan Đình Phùng, có các trí thức như tiến sĩ Phan Trọng Mưu, cử nhân Phan Quảng Cư, Ấm Ninh (Lê Ninh),...và rất nhiều chỉ huy xuất thân từ nhân dân lao động nghèo khổ như Cao Thắng, Nguyễn Chanh, Nguyễn Trạch, Lê Văn Tạc, Phan Đình Can, Phan Đình Phong, Nguyễn Mục, Phan Bá Niên,...

Về tổ chức lực lượng, nghĩa quân được chia thành 15 quân thứ: Hà Tĩnh có 10, Nghệ An có 2, Quảng Bình có 2, và Thanh Hóa có 1. Các quân thứ được xây dựng trên các cơ sở đơn vị hành chính, thường là huyện, có khi là xã, và lấy tên nơi đó để gọi. Liệt kê ra như sau:

1/Khê thứ ở huyện Hương Khê (Hà Tỉnh), chủ huy là Nguyễn Thoại.

2/ Can thứ ở huyện Can Lộc (Hà Tĩnh), chỉ huy là Nguyễn Chanh và Nguyễn Trạch.

3/ Lai thứ ở tổng Lai Thạch thuộc Can Lộc (Hà Tĩnh), chỉ huy là Phan Đình Nghinh.

4/ Hương thứ ở huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh), chỉ huy là Nguyễn Huy Giao.

5/ Nghi thứ ở huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh), chỉ huy là Ngô Quảng và Hà Văn Mỹ.

6/ Cẩm thứ ở huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh), chỉ huy là Hoàng Bá Xuyên.

7/Thạch thứ ở huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh), chỉ huy là Võ Phát.

8/ Diệm thứ ở làng Tình Diệm thuộc huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh), chỉ huy là Cao Đạt.

9/ Lễ Thứ ở làng Trung Lễ, thuộc huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh), chỉ huy là Nguyễn Cấp.

10/ Kỳ thứ ở huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh), chỉ huy là Võ Phát.

11/ Anh thứ ở huyện Anh Sơn (Nghệ An), chỉ huy là Nguyễn Mậu.

12/ Diễn thứ ở huyện Diễn Châu (Nghệ An), chỉ huy là Lê Trọng Vinh.

13/ Thanh thứ ở Thanh Hóa, chỉ huy là Cầm Bá Thước.

14/ Bình thứ ở Quảng Bình, chỉ huy là Nguyễn Thụ.

15/ Lệ thứ ở huyện Lệ Thủy (Quảng Bình), chỉ huy là Nguyễn Bí.

Mỗi quân thứ có từ 100 đến 500 quân (buổi đầu tổng cộng có khoảng ngàn quân và 500 khẩu súng tốt), đứng đầu là người có năng lực và uy tín. Nghĩa quân có phục trang cùng một kiểu giống nhau.

Vũ khí của nghĩa quân, ngoài những thứ thông thường, họ còn có hàng trăm khẩu súng tự chế (do Cao Thắng nghiên cứu rồi chế tạo theo kiểu súng của Pháp) không khác gì kiểu súng của Pháp năm 1874, nhưng đạn không đi xa được vì nòng súng không xẻ rãnh.

Phần lương thực và của cải chủ yếu là nhờ nhân dân đóng góp.

4. Phương thức tác chiến:

Nghĩa quân Hương Khê dựa vào địa thế núi rừng hiểm trở với hệ thống công sự chằng chịt để tiến hành chiến tranh du kích. Nghĩa quân luôn phân tán hoạt động, đánh quân Pháp bằng nhiều hình thức, như: công đồn, chặn đường tiếp tế, dùng cạm bẫy, và dụ đối phương ra ngoài đồn để diệt họ...

5. Diễn biến:

Khởi nghĩa Hương Khê có thể chia làm hai giai đoạn chính:

-Giai đoạn đầu (1885-1888):

Đây là giai đoạn chuẩn bị, xây dựng lực lượng và cơ sở chiến đấu. Sau một vài trận tập kích và chống càn không hiệu quả, Phan Đình Phùng cho quân rút về làng Phùng Công (Hương Sơn), rồi lại rút lên rừng núi đánh du kích, và lực lượng gần như bị tan rã.

Đầu năm 1887, thấy thực lực nghĩa quân Hương Khê quá yếu, Phan Đình Phùng giao quyền chỉ huy cho Cao Thắng để ra Bắc đến các tỉnh Sơn Tây, Hải Dương, Bắc Ninh,...tìm sự hỗ trợ và liên kết lực lượng.

Ở lại Hà Tĩnh, Cao Thắng cùng các chỉ huy khác như Cao Nữu, Cao Đạt, Nguyễn Niên,...đem quân đến làng Lê Động (Hương Sơn) để tổ chức lại lực lượng (mộ mới được 400 quân), luyện quân, rèn đúc vũ khí (trong đó có khoảng 200 súng hỏa mai, sau đúc được thêm 350 khẩu súng kiểu súng Pháp năm 1874),.

-Giai đoạn sau (1889-1896):

Cuối tháng 9 năm 1889, Phan Đình Phùng từ Bắc Kỳ trở về Hà Tĩnh. Sau đó, ông cho mở rộng địa bàn hoạt động ra khắp bốn tỉnh là Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Bình, làm cản trở con đường đi lại Bắc-Nam của quân Pháp.

Đối phó lại, thực dân Pháp cho bố trí nhiều đồn lẻ ở các nơi để phong tỏa từng khu vực và kiềm chế hoạt động của nghĩa quân. Riêng ở Hương Khê, đối phương đã lập tới 20 đồn, mỗi đồn có khoảng 30 lính đóng giữ.

Trong những năm từ 1889 đến 1892, nghĩa quân bốn tỉnh trên đã phối hợp và hoạt động mạnh trên một vùng rộng lớn bao gồm Diễn Châu, Yên Thành, Thanh Chương, Nghi Lộc,...để đánh trả và quấy rối quân Pháp. Theo sách Việt sử tân biên[8], thì nghĩa quân đã tổ chức được 28 trận lớn nhỏ trong giai đoạn này, để tập kích và chống càn quét, như là: -Trận chống càn ở Cồn Chùa và Khe Đen do Đề Niên (Phan Bá Niên) chỉ huy vào ngày 1 tháng 9 năm 1889.

-Trận tấn công đồn Dương Liễu vào ngày 15 và 16 tháng 12 năm 1889.

-Trận tấn công huyện lỵ Hương Sơn vào cuối tháng 12 năm 1889.

-Trận chống càn ở La Sơn và Thường Sơn do Đề Thăng và Phan Trọng Mưu chỉ huy vào tháng 3 năm 1980.

-Trận phục kích đánh chặn quân Pháp tại làng Hốt (Phú Lộc, Can Lộc) do Đốc Chanh (Nguyễn Chanh) và Đốc Trạch (Nguyễn Trạch) chỉ huy vào tháng 4 năm 1890.

-Trận Trường Lưu (Can Lộc) vào đêm 26 rạng 27 tháng 5 năm 1980. Đến đêm 31 tháng này, đồn Trường Lưu còn bị nghĩa quân đánh lần nữa, rồi tiếp theo là đánh đồn Hương Sơn, v.v...

Sau nhiều trận thua đau, kể từ đầu năm 1892 trở đi, thực dân Pháp cho mở nhiều cuộc càn quét, trong số ấy đáng kể là trận càn lớn vào khu Hói Trùng và Ngàn Sâu, là căn cứ của Cao Thắng, vào đầu tháng 8 năm 1892.

Để đối phó với quân Pháp, Phan Đình Phùng bố trí một lực lượng chống trả tại chỗ, một nhóm khác đi hoạt động ở phía sau lưng đối phương, buộc họ phải rút về vì sợ bị đánh tập hậu. Trong khoản thời gian này, đã xảy ra nhiều trận giao tranh, đáng kể là trận:

-Ngày 7 tháng 3 năm 1892, nghĩa quân Hương Khê tiến đánh đồn Trung Lễ. Sau đó, Bá hộ Thuận (Nguyễn Hữu Thuận) còn tiến đánh huyện Thạch Hà, bắt được viên tri huyện. Còn Cao Thắng thì cho quân giả làm lính khố xanh bắt sống được Tuần phủ Đinh Nho Quang.

-Đêm 23 tháng 8 năm 1892, nghĩa quân Hương Khê do Bá hộ Thuận (Nguyễn Hữu Thuận) chỉ huy đã táo bạo tập kích vào tỉnh lỵ Hà Tĩnh, phá được nhà lao và giải phóng hơn 70 nghĩa quân bị cầm tù.

Thấy nghĩa quân Hương Khê ngày càng lớn mạnh, quân Pháp một mặt tăng cường càn quét, thu hẹp phạm vi hoạt động của quân, mặt khác tìm cách cắt đứt liên lạc giữa các quân thứ, và giữa nghĩa quân với nhân dân.

Để phá thế bị bao vây và mở rộng địa bàn hoạt động, được Phan Đình Phùng đồng ý, tháng 11 năm 1893, Cao Thắng đưa khoảng một ngàn quân từ Ngàn Tươi mở trận tấn công lớn vào tỉnh lỵ Nghệ An. Trên đường hành quân, nhiều đồn trại đối phương bị phá bỏ. Nhưng trận trận tấn công đồn Nu ở Thanh Chương (một huyện miền núi nằm ở phía tây nam thuộc tỉnh Nghệ An), Cao Thắng bị thương nặng rồi hy sinh lúc 29 tuổi, gây tổn thất lớn cho nghĩa quân Hương Khê.

Lợi dụng cơ hội nghĩa quân bị mất người đứng đầu tài giỏi, quân Pháp tăng thêm binh lực rồi siết chặt vòng vây. Nghĩa quân Hương Khê cố gắng đánh trả những cuộc vây quét, nhưng thế lực của lực lượng ngày càng giảm sút.

Khoảng cuối năm này (1893), Phan Đình Phùng cho người đến vây nhà Trương Quang Ngọc ở làng Thanh Lang, thuộc huyện Tuyên Hóa, chém lấy đầu ông này để báo thù cho việc ông bắt vua Hàm Nghi giao cho quân Pháp.

Ngày 31 tháng 3 năm 1894, Bá hộ Thuân lại mang quân tập kích vào tỉnh lỵ Hà Tĩnh lần nữa, nhưng sau đó phải rút lui về cố thủ tại núi Quạt và núi Vụ Quang thuộc Hương Khê (nay thuộc huyện Vụ Quang).

Khoảng tháng 10 (âm lịch) năm Giáp Ngọ (1894), một đại thần thân Pháp là Hoàng Cao Khải bắt tay vào việc khuyến dụ Phan Đình Phùng và nghĩa quân của ông.

Năm 1895, thực dân Pháp điều võ quan thân Pháp là Nguyễn Thân đến phối hợp với công sứ Nghệ An là Duvillier đem ba ngàn quân đi đàn áp cuộc khởi nghĩa Hương Khê. Quân chủ lực của Phan Đình Phùng bị đối phương bít đường tiếp vận, nên vũ khí, lương thực, quân số thảy đều thiếu thốn, khó bù đấp. Mỗi lần đối phương tấn công, nghĩa quân chỉ có thể chạy quanh từ núi Quạt rồi trở về núi Vụ Quang, và không thể ở đâu lâu quá ba ngày.

Ngày 17 tháng 10 năm 1894, Phan Đình Phùng đã tập hợp lực lượng, đánh thắng một trận lớn, đối phương mất nhiều vũ khí và bị giết chết rất nhiều. Khởi đầu, ông cho quân lên tận nguồn sông chặt cây đóng kè chặn nước lại, đồng thời chuẩn bị sẵn nhiều khúc gỗ lớn. Khi quân Pháp và quân triều đến giữa dòng sông, thì ông cho phá kè trên nguồn, và tuôn cây xuống. Đối phương phần bị nước cuốn, phần bị cây lao vào người, lại bị nghĩa quân ở hai bên bờ xông ra đánh nên bị thương vong rất nhiều. Theo Phạm Văn Sơn thì sau trận này, phía Pháp ngoài số quân trang và đạn dược bị mất mát, còn có ba sĩ quan và trên trăm lính bị tiêu diệt.

Đây là trận thắng cuối cùng, vì gần ba ngàn quân do Nguyễn Thân cầm đầu ngày càng xiết chặt vòng vây.

Trong một trận giao tranh ác liệt, Phan Đình Phùng bị thương nặng, rồi hy sinh vào ngày 28 tháng 12 năm 1895[1].

Mười hai ngày sau khi thủ lĩnh Phan Đình Phùng mất, Nguyễn Thân mới tới được căn cứ Vụ Quang. Sau đó, Nguyễn Thân cho quật mồ Phan Đình Phùng ở chân núi Quạt, đổ dầu đốt cho xương thịt ông cháy thành tro, rồi trộn vào thuốc súng bắn xuống sông La [2].

Sang đầu năm 1896, một số chỉ huy lần lượt mất vì ở lâu nơi rừng sâu nước độc, một số bị tử trận hoặc bị bắt rồi bị giết [3], một số khác thì rút qua Xiêm La[4] hoặc ra hàng...Khởi nghĩa Hương Khê đến đây kết thúc.

*

Khởi nghĩa Hương Khê là đỉnh cao nhất của phong trào Cần vương cuối thế kỷ 19, kéo dài suốt 10 năm, có quy mô rộng lớn, có tổ chức tương đối chặt chẽ, lập được nhiều chiến công và gây cho quân Pháp tổn thất nặng nề. Cuộc khởi nghĩa đã huy động đến mức cao độ sự ủng hộ và tiềm năng to lớn của nhân dân (người Kinh và người Thượng, của cả đồng bằng và miền núi). Về quân sự, nghĩa quân đã biết sử dụng những phương thức tác chiến linh hoạt, chủ động, sáng tạo trong quá trình chuẩn bị lực lượng cũng như khi giao chiến với đối phương. Khởi nghĩa Hương Khê thất bại do nhiều nguyên nhân, chủ yếu là do nghĩa quân chưa biết liên kết, tập hợp lực lượng, phát triển thành phong trào toàn quốc. Đó cũng chính là những hạn chế của thời đại, của bộ phận lãnh đạo phong trào Cần vương nói chung.

Bùi Thụy Đào Nguyên, soạn

Chú thích:

[1] Sách Lịch sử Nghệ Tĩnh cho biết: Trước đây, thực dân Pháp tung tin Phan Đình Phùng mất vì bệnh kiết lỵ, nhưng căn cứ theo bức công điện cũa Khâm sứ Trung Kỳ gửi Toàn quyền Đông Dương, thì ông đã hy sinh anh dũng (dẫn theo Đại cương lịch sử Việt Nam (tập 2), tr. 84.

[2] Chép theo Lịch sử 11 (nâng cao, tr.257). Trần Trọng Kim thì chép như sau: Có người nói rằng việc ấy tuy Nguyễn Thân trước định thế, nhưng sau lại cho đem chôn (tr. 568). Thông tin thêm: Nhờ đánh dẹp được cuộc khởi nghĩa này mà Nguyễn Thân được thăng phụ chính thay cho Nguyễn Trọng Hợp về hưu và được chính phủ Pháp tặng Huân chương Bắc đẩu bội tinh tam hạng. Đến khi già yếu về hưu trí tại Thu Xà (Quảng Ngãi), Thân bị bệnh điên cuồng mà chết. (Phạm Văn Sơn, sách đã dẫn, tr. 168–182).

[3] Theo Phạm Văn Sơn thì thực dân Pháp đã cho xử tử 23 người trong cấp chỉ huy của lực lượng Hương Sơn (sách đã dẫn, tr. 167).

[4] Số người qua Xiêm La, sau này trở thành cơ sở của Việt nam Quang phục hội và phong trào cách mạng Việt Nam những năm đầu thế kỷ 20 (theo Lịch sử 11, tr. 257).

Sách tham khảo:

-Trần Trọng Kim, Việt Nam sử lược. Nhà xuất bản Tân Việt, Sài Gòn, 1968.

-Phạm Văn Sơn, Việt sử tân biên (quyển 5, tập trung). Tác giả tự xuất bản, Sài Gòn. 1963.

-Đinh Xuân Lâm-Nguyễn Văn Khánh-Nguyễn Đình Lễ, Đại cương lịch sử Việt Nam (tập 2). Nhà xuất bản Giáo Dục, 2006.

-Hoàng Văn Lân-Ngô Thị Chính, Lịch sử Việt Nam [1858-cuối XIX], quyển 3, tập 1, phần 1. Nhà xuất bản Giáo Dục, 1979.

-Nhiều tác giả (Phan Ngọc Liên chủ biên), Lịch sử 11 (nâng cao). Nhà xuât bản Giáo Dục, 2007.

-Trịnh Vân Thanh, Thành ngữ điển tích danh nhân từ điển (quyển 2), Sài Gòn, 1966,.

-Nhóm Nhân văn Trẻ, Hỏi đáp lịch sử Việt Nam (tập 4). Nhà xuất bản Trẻ, 2007.

Ảnh trên: Phan Đình Phùng.

Thứ Sáu, 10 tháng 9, 2010

Đinh Công Tráng và khởi nghĩa Ba Đình

Đinh Công Tráng (1842 - 1887) là lãnh tụ chính của khởi nghĩa Ba Đình (tên cứ điểm ở huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hoá) trong phong trào Cần vương chống Pháp ở cuối thế kỷ 19 tại Việt Nam.

Ông sinh năm Nhâm Dần (1842) tại làng Trinh Xá, huyện Thanh Liêm (nay là xã Thanh Tân, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam).

Khi quân Pháp tiến hành công cuộc xâm chiếm Bắc Kỳ, đang là một chánh tổng, ông đến gia nhập đội quân của Hoàng Kế Viêm, rồi tham gia trận Cầu Giấy ngày 19 tháng 5 năm 1883.

Tháng 7 năm 1885, sau khi kinh thành Huế thất thủ, tướng Tôn Thất Thuyết đưa vua Hàm Nghi lên chiến khu Tân Sở (Quảng Trị) ban dụ Cần Vương kêu gọi toàn dân kháng chiến. Hưởng ứng, Đinh Công Tráng bèn cùng các đồng chí của mình đã chọn Ba Đình (trên vùng đất thuộc ba làng: Mậu Thịnh, Thượng Thọ, Mỹ Khê; cách huyện lỵ Nga Sơn 4 km) làm căn cứ kháng chiến lâu dài.

Từ đây, nghĩa quân có thể tỏa đi các nơi, kiểm soát các tuyến giao thông quang trọng trong vùng, tổ chức phục kích các đoàn xe vận tải của đối phương đi lại trên con đường Bắc-Nam...Chính vì vậy, mà quân Pháp rất quyết tâm đánh dẹp.

Theo giúp Đinh Công Tráng có nhiều cộng sự, trong đó có Phạm Bành là người tài giỏi và đắc lực, đã cùng ông chỉ huy lực lượng nghĩa quân đánh bại hai đợt tấn công quy mô lớn của Pháp ngày 18 tháng 12 năm 1886 và ngày 6 tháng 1 năm 1887.

Trận ngày 18 tháng 12 năm 1886:

Quân Pháp gồm 500 lính, có đại bác 80 ly yểm hộ, tấn công căn cứ Ba Đình từ hai hướng. Hướng tây nam do trung tá Metzanhzơ (Metzinzer), hướng đông bắc do trung tá Đôt (Dodds) chỉ huy, nhưng đều bị nghĩa quân đánh lui. Sau trận này, thấy không thể thắng nhanh được, nên quân Pháp chuyển sang phương án bao vây.

Trận ngày 6 tháng 1 năm 1887 - 21 tháng 1 năm 1887:

Ngày 6 tháng 1 năm 1887, trung tá Đôt lại cho quân tấn công đợt nữa, nhưng cũng không thành công, ông bèn cho quân rút ra xa, tổ chức bao vây và chờ viện binh.

Không thể để căn cứ Ba Đình tồn tại giữa vùng đồng bằng giáp ranh Thanh Hóa và Ninh Bình, làm cản trở công cuộc thôn tính nước Việt, Bộ Tư lệnh quân viễn chinh Pháp quyết định:

-Nâng số quân Pháp đánh Ba Đình lên 3.530 lính (1.580 lính Âu và 1.950 lính bản xứ). Ngoài ra, còn 5 nghìn dân binh và giáo dân của linh mục Trần Lục đến tiếp tay.

-Tăng số pháo sử dụng lên 36 khẩu, trong đó có 4 khẩu 95 ly, 10 khẩu 81 ly, 4 khẩu 65 ly,...

-Đưa 4 pháo hạm và nhiều thuyền lớn đến yểm trợ và lo việc tiếp vận.

-Cử đại tá Brixô (Brissaud) làm tổng chỉ huy [1].

Sau khi cắt đứt xong đường tiếp tế của nghĩa quân, Đại tá Brissaud liền cho quân tiến đánh căn cứ Ba Đình. Lần này, Brissaud vừa cho phun dầu đốt cháy các lũy tre, vừa cho nã pháo tới tấp, biến căn cứ Ba Đình thành một biển lửa.

Trước sức mạnh của đối phương, đêm 20 rạng 21 tháng 1 năm 1887, Đinh Công Tráng cho quân phá vòng vây, rút về căn cứ dự phòng ở Mã Cao.

Sáng ngày 21 tháng 1 năm 1887, quân Pháp chiếm được cứ điểm Ba Đình. Sau khi ra sức tàn phá, họ còn bắt buộc triều đình nhà Nguyễn phải xóa tên ba làng trên bản đồ hành chính.

Trận đồn Mã Cao:

Đinh Công Tráng vừa đến Mã Cao, chưa kịp củng cố lực lượng, thì đã bị quân Pháp đuổi theo tấn công. Sau 10 ngày giao tranh ác liệt, đến ngày 2 tháng 2 năm 1887, căn cứ Mã Cao mới bị đánh hạ. Sau đó, một số đông nghĩa quân rút lên Thung Voi, Thung Khoai, rồi lên miền Tây Thanh Hóa sáp nhập với đội nghĩa quân của Cầm Bá Thước. Một số khác theo Đinh Công Tráng rút về Nghệ An.

Về Nghệ An, Đinh Công Tráng định gây lại phong trào, nhưng đến ngày 5 tháng 10 năm 1887[2] thì ông đã hy sinh trong một trận chiến đấu với đối phương tại làng Tang Yên, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An.

Tướng Pháp Mason nhận định về Đinh Công Tráng như sau:

(Ông) là người có trật tự, trọng kỷ luật, cương trực, hay nghiêm trị những thủ hạ quấy nhiễu dân; có chí nhẫn nại, biết mình, biết người, không bao giờ hành binh cẩu thả, giỏi lập trận thế [3].

Đề cập đến sự thất bại của ông, nhóm tác giả sách Đại cương lịch sử Việt Nam cho rằng:

Thất bại của ông bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân, mà trực tiếp là do chiến thuật phòng ngự bị động, với việc lập chiến tuyến cố thủ tại một vùng đồng chiêm trũng, địa bàn chật hẹp, dễ dàng bị cô lập khi bị đối phương bao vây hoặc tấn công. Đây được coi là điển hình của lối đánh chuyến tuyến cố định [4].

Bùi Thụy Đào Nguyên, soạn.

Chú thích:

[1] Số liệu này căn cứ Từ điển bách khoa Việt Nam, mục từ Trận Ba Đình và Việt sử tân biên, tr. 127.

[2] Ngày Đinh Công Tráng hy sinh chép Việt sử tân biên (tr. 137) và Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam (tr. 812). Tuy nhiên, Từ điển bách khoa Việt Nam chép là ngày 7 tháng 9 năm 1887. (tr. 157). Cũng theo Việt sử tân biên thì: Bị lý trưởng làng Tăng Yên tố cáo với Thiếu tá Coste, trưởng đồn Đô Lương, nên Đinh Công Tráng mới bị giết chết (tr. 136). Sách Hỏi đáp Lịch sử Việt nam (tập 4) ghi là lý trưởng làng Chính An (tr. 274).

[3] Dẫn lại theo Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam, tr. 157.

[4] Lược theo Đại cương lịch sử Việt Nam (tập 2), tr. 77.

Sách tham khảo chính:

-Nhiều người soạn, Từ điển bách khoa Việt Nam (tập 1). Hà Nội, 1995.

-Phạm Văn Sơn, Việt sử tân biên (quyển 5, tập trung). Tác giả tự xuất bản, Sài Gòn. 1963.

-Đinh Xuân Lâm-Nguyễn Văn Khánh-Nguyễn Đình Lễ, Đại cương lịch sử Việt Nam (tập 2). Nhà xuất bản Giáo Dục, 2006.

-Nguyễn Q. Thắng - Nguyễn Bá Thế, Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam. Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1992.

-Hoàng Văn Lân-Ngô Thị Chính, Lịch sử Việt Nam (1858-cuối XIX), Quyển 3, Tập 1, Phần 2. Nhà xuất bản Giáo Dục, 1979.