Nguyễn Văn Giáp (? -1887), tục gọi là Bố Giáp (vì ông từng làm chức Bố chính), là một sĩ phu yêu nước trong phong trào Cần vương chống Pháp trong lịch sử Việt Nam.
Ông sinh trưởng tại làng Tả Thanh Oai, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Đông (nay thuộc huyện Thanh Trì, Hà Nội).
Ông thi đỗ cử nhân, ra làm quan trải dần đến chức Bố chánh tỉnh Sơn Tây.
Trong kế hoạch nhằm thôn tính Bắc Kỳ, ngày 11 tháng 12 năm 1883, quân Pháp rầm rộ kéo đến tấn công thành Sơn Tây. Mặc dù bị quân đội Việt chống cự quyết liệt, nhưng đến ngày 16 tháng 12 thì quân Pháp chiếm được thành.
Thành mất, Nguyễn Văn Giáp bỏ việc quan về Lâm Thao (Phú Thọ) lập căn cứ chống Pháp. Sau, để tăng thêm sức mạnh và để không bị cô lập, ông hợp quân vớiNguyễn Quang Bích, tuần phủ Hưng Hóa.
Tháng 7 năm 1885, hưởng ứng dụ Cần Vương, Nguyễn Văn Giáp được đại thần Tôn Thất Thuyết cử làm Tuần phủ Sơn Tây, kiêm Tham tán hiệp đốc Bắc Kỳ quân vụ.
Kể từ đó, ông cùng cùng Nguyễn Quang Bích, Phùng Khắc Nhuận,...tổ chức chống Pháp ở vùng thượng lưu Sông Hồng, Sông Đà, và đã gây cho đối phương ít nhiều tổn hại. Các trận giao tranh đáng kể lúc bấy giờ là: Thanh Mai (tháng 10 năm 1885), Tuần Quán (tháng 2 năm 1886), Tiên Động (tháng 6 năm 1886).
Thấy công cuộc bình định Bắc Kỳ bị cản trở, tháng 12 năm 1886, tướng Brissaud mở cuộc hành quân truy quét lực lượng của Nguyễn Văn Giáp ở hai huyện là Văn Bàn (Lào Cai) và Văn Chấn (Yên Bái), rồi tiến sâu vào Đại Lịch (Yên Bái)...
Lúc đó, Nguyễn Văn Giáp đang lâm trọng bệnh, nhưng vì sự tồn vong của phong trào, ông vẫn phải đứng ra đôn đốc nghĩa quân cản phá. Hai bên đã đụng độ nhiều trận ác liệt, đáng kể là trận Đại Lịch (tháng 1 năm 1887) và trận Nghĩa Lộ (tháng 11 năm 1887).
Sau khi đẩy lui được quân Pháp, bệnh ông càng trầm trọng thêm vì gian lao nợi trận mạc quá đỗi. Cuối năm đó (1887), Nguyễn Văn Giáp qua đời.
Nguyễn Văn Giáp mất, Nguyễn Quang Bích có làm bài văn tế dài bằng chữ Hán, để tỏ lòng thương tiếc và ca ngợi khí tiết của ông. Trích một đoạn (dịch):
...Bệnh tình trầm trọng
Thời vận chơi vơi
Đương cơn binh hỏa,
Dường bệnh một nơi.
Quân giặc vừa rút
Tướng tinh đã rơi.
...Khí tiết của Ngài
Sáng rực trên trời
Thù nước còn đó
Chí lớn chưa nguôi...
Ở quận 2, Thành phố Hồ Chí Minh hiện có con đường mang tên Nguyễn Văn Giáp.
Bùi Thụy Đào Nguyên, soạn
Sách tham khảo:
-Nguyễn Q. Thắng-Nguyễn Bá Thế, Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam. Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1992, tr. 691-692.
-Nhiều người soạn, Từ điển bách khoa toàn thư Việt Nam, mục từ Nguyễn Văn Giáp (bản điện tử).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét