Lê Quả Dục (1833-1899), tự là Toàn Thanh, hiệu là Dưỡng Chính Trai; là một nhà giáo, nhà thơ và là một viên quan nhà Nguyễn theo đường lối kháng Pháp ở cuối thế kỷ 19 trong lịch sử Việt Nam.
Ông sinh trưởng tại xã Hoành Nha, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định (nay thuộc xã Giao Tiến, huyện Xuân Thủy, tỉnh Nam Định).
Ông mồ côi cha từ nhỏ, gia đình nghèo. Nhưng nhờ tư chất thông minh và siêng năng, năm Tự Đức thứ 20, ông thi đỗ cử nhân khoa Đinh Mão (1867).
Vì bận phụng dưỡng mẹ già, ông không ra làm quan, mà ở nhà mở trường dạy học.
Mãi đến năm 1883, khi mẹ đã qua đời, ông mới đi làm Huấn đạo huyện Ý Yên, rồi Tri huyện Phong Doanh (đều thuộc tỉnh Nam Định)[1].
Năm 1886, ông được thăng làm Tri phủ Nho Quan (Ninh Bình), nhưng ngay năm sau ông xin cáo quan về quê để tiếp tục nghề dạy học.
Lê Quả Dục có tham gia việc mộ nghĩa chống Pháp cùng với Phạm Văn Nghị, và có liên hệ với nhiều sĩ phu yêu nước như Đỗ Huy Liêu, Vũ Hữu Lợi, Trần Văn Gia...
Ông mất năm 1899, thọ 66 tuổi.
Tác phẩm của Lê Quả Dục có Lê Toàn Thanh thi văn tập, gồm 80 bài thơ chữ Hán, một số bài văn Nôm và câu đối. Năm 1981, trong bộ Văn học yêu nước & cách mạng Hà Nam Ninh có trích ra giới thiệu 6 bài thơ của ông. Sau đây là 2 bài tiêu biểu ở trong số đó:
Phiên âm Hán-Việt:
Ất Dậu niên, vãng Hà Nội cảm tác
Trấp ngũ niên lai thử nhất lâm,
Cựu du vô xứ phục tương tầm.
Xa trần, mã tích huyên thiên địa,
Hồ sắc, sơn quang biến cổ câm (kim).
Thức mục Tân Đình tiềm trụy lệ,
Hồi đầu cố quốc ám thương tâm.
Tà dương lữ quán nhân cô tửu,
Tào tạp nhân trung độc tự châm.
Dịch nghĩa:
Năm Ất Dậu (1885), đến Hà Nội, cảm tác
Đã hai mươi lăm năm rồi mới tới đây
Các nơi đến chơi trước không còn chỗ nào thăm lại được.
Chỉ thấy bụi xe, vết ngựa, mù trời, dậy đất,
Sắc hồ bóng núi nay đã khác hẳn xưa.
Ngước mắt nơi Tân Đình mà thầm gạt lệ,[2]
Ngẩng nhìn nước cũ, luống những đau lòng.
Chiều tà nơi quán trọ ngồi uống rượu,
Một mình nâng chén giữa đám người đông ồn ào.
Phiên âm Hán Việt:
Độc Hà Ninh Tổng đốc Hoàng Chế đài vĩnh quyết sớ cảm tác
Thành vong dĩ thệ dữ câu vương (vương),
Tâm sự do tồn thủ tấu chương.
Tiết hiện ngôn ngôn hòa huyết lệ,
Văn thành tự tự hiệp phong sương.
Bình sơn vạn lý cô trung đạt,
Nùng lĩnh thiên thu chính khí hương.
Tự vị nguyện truy tiền Vũ Hiển,
Đối khan hoàn hữu cổ Tuy Dương.
(Lê Toàn Thanh thi văn tập)
Dịch nghĩa:
Cảm tác khi đọc sớ vĩnh biệt của Tổng đốc Hà Ninh họ Hoàng
Thành mất, ông quyết cùng chết với thành,
Tâm sự còn lại tờ tâu tự tay viết.
Khí tiết hiển hiện trong lời như hóa máu với nước mắt,
Trong bài văn, chữ nào cũng như cuộn cả gió sương.
Tấm cô trung giãi tỏ với non Bình [3] xa xôi muôn dặm,
Chính khí sẽ nức thơm cùng với núi Nùng [4] ngàn năm.
Tự nhủ xin noi gương ông Vũ Hiển [5] khi trước,
Nhìn xem, hãy còn dấu cũ thành Tuy Dương. [6]
Bùi Thụy Đào Nguyên, giới thiệu.
Chú thích:
[1] Huyện Phong Doanh, trước có huyện sở tại làng Thượng Đồng (Yên Tiến). Khoảng năm 1940, Phong Doanh mới sáp nhập vào Ý Yên.
[2] Nhà Tấn mất Trung nguyên chạy về phương Nam, các danh sĩ đến Tân Đình (tên cái quán ở về phía nam thành Nam Kinh, tỉnh Giang Tô, dựng lên từ thời Tam Quốc) hội họp, thương khóc với nhau. Cả câu này ý nói nỗi đau xót của tác giả vì nạn nước (bị quân Pháp lấn chiếm).
[3] Non Bình là núi Ngự Bình ở Huế.
[4] Núi Nùng ở ngay trong thành cổ Hà Nội.
[5] Vũ Hiển đại học sĩ là tước của tướng Nguyễn Tri Phương
[6] Thành Tuy Dương là nơi Trương Tuần và Hứa Viễn đời Đường đã quyết chiến chống lại tướng An Lộc Sơn. Đây có ý so sánh việc Nguyễn Tri Phương và Hoàng Diệu đánh Pháp rồi tuất tiết tại thành Hà Nội với việc làm của hai ông này.
Sách tham khảo:
* Nhiều người soạn (Nguyễn Văn Huyên chủ biên), Văn học yêu nước & cách mạng Hà Nam Ninh (tập 1). Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, 1981.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét