Hình ảnh
Thứ Sáu, 26 tháng 11, 2010
Viên Thế Khải (1859 - 1916)
Viên Thế Khải (16 tháng 9 năm 1859 - 6 tháng 6 năm 1916), tự là Uy Đình, hiệu là Dung Am; là một nhân vật lịch sử ở đầu thời Trung Hoa Dân Quốc.
Nhận xét khái quát về ông, học giả Nguyễn Hiến Lê viết:
Ông là một chính trị gia có tài, thông minh, biết tổ chức, mưu mô, cương quyết, có bản lãnh, có thủ đoạn; chỉ tiếc rằng ông ham quyền quá, nhiều tham vọng quá, không dùng tài mình vào việc giúp nước, mà chỉ để nhắm cái ngai vàng...Giá bấy giờ Trung Hoa có một lãnh tụ khác, không nghĩ đến tư lợi, đến quyền thế của mình, thì có thể Trung Hoa đã thống nhất được ngay và tránh được cái họa nội chiến kéo dài nhiều năm sau...(Sử Trung Quốc, Quyển 3, tr. 26).
*
Viên Thế Khải sinh ra tại thôn Trương Doanh, huyện Hạng Thành, phủ Trần Châu, tỉnh Hà Nam.
Gia đình họ Viên sau đó đã dời đến một khu đồi, cách trung tâm Hạng Thành 16 km về phía Đông Nam. Ở đó họ Viên đã xây một thôn được xây tường rào có tên Viên Trại thôn. Viên trại này ngày nay nằm trong Vương Minh Khẩu hương, trên lãnh thổ của thành phố cấp huyện Hạng Thành.
1. Gia nhập quân đội:
Khi còn trẻ, Viên Thế Khải (sách sử có khi gọi tắt là Viên) thích cưỡi ngựa, đánh võ. Ông mong muốn làm quan chức nhưng đã hai lần trượt trong các kỳ thi của triều đình. Nhưng nhờ mối quan hệ của cha, mà Viên có một chỗ đứng trong quân đội nhà Thanh ở Sơn Đông.
Năm 1884, Viên theo đoàn quân đi trấn áp phong trào nông dân ở Triều Tiên, rồi tham gia Chiến tranh Thanh-Nhật, nhưng ông được lệnh trở nước trước khi cuộc chiến kết thúc, mà phần thắng lợi nghiêng về phía quân đội Nhật Bản.
Năm 1894 đến 1898, ông tham gia các cuộc đánh dẹp quân Nghĩa Hoà Đoàn. Nhờ theo phe đại thần Lý Hồng Chương, Viên được bổ nhiệm làm chỉ huy trong việc đào tạo quân đội mới (1895).
2. Tiết lộ cơ mưu của phái Duy tân:
Tháng 6 năm 1898, nghe theo lời Khang Hữu Vi và Lương Khải Siêu, Hoàng đế Quang Tự cho thi hành cuộc biến pháp, nhằm duy tân đất nước. Thế nhưng chỉ mấy ngày sau, thì vấp phải sự chống đối của phái Hậu đảng, tức phe phái của Thái hậu Từ Hi. Đàm Tự Đồng, một thành viên của phái duy tân, thấy vậy bèn khuyên Quang Tự đoạt lấy chính quyền. Hoàng đế nghe lời bèn cử Tự Đồng đến gặp Viên Thế Khải lúc đó đang thống lĩnh 7.000 quân ở Thiên Tân, và đã từng tham gia Cường học hội (một tổ chức của phái Duy tân).
Mặc dù nhận lời kéo quân về giúp, nhưng sau khi cân nhắc, Viên thấy phe Từ Hi (sử gọi là Hậu đảng) còn mạnh, nên ngay sau đó ông lập tức đến Bắc Kinh, báo lại mọi việc cho Từ Hi. Kết quả là Hoàng đế Quang Tự bị bắt giam, 6 vị nhân sĩ (trong đó có Đàm Tự Đồng) bị giết, Khang Hữu Vi cùng Lương Khải Siêu phải chạy trốn sang Nhật Bản, và cuộc biến pháp bị bãi bỏ...Sử gọi vụ này là Bách nhật Duy tân (Cải cách trăm ngày), là Chính biến Mậu Tuất (1898),
Nhờ công tiết lộ, Viên Thế Khải được Từ Hi phong làm Thống soái tân quân Bắc Dương.
Năm 1901, Viên thay Lý Hồng Chương làm đại thần nhiếp chính. Năm 1907, Viên được cử làm Thượng thư bộ Ngoại vụ, tham gia vào việc quân cơ.
Cựu hoàng Phổ Nghi kể:
Viên Thế Khải sau khi đến Bắc Kinh không đầy một tháng, lấy danh nghĩa Long Dụ thái hậu (vợ chính Hoàng đế Quang Tự) mở kho lương thực tiếp tế cho quân đội, đồng thời bức ép những người thân quý nộp tài sản nuôi quân...Chính trị, quân binh, tài sản (trong cung), tất cả đều rơi vào tay của Viên Thế Khải....
Năm 1908, Hoàng đế Quang Tự qua đời. Bấy giờ có người tin rằng Quang Tự mất vì bị Khánh Vương Dịch Khuông và Viên Thế Khải đầu độc, để đưa Tái Chấn (con Dịch Khuông) lên nối ngôi [1].
Thấy có nhiều người muốn giết Viên Thế Khải, nhưng sợ rằng khi Viên chết, thì quân Bắc Dương sẽ nổi lên phản đối, nên Thái hậu Long Dụ nghe theo chủ ý của Trương Chi Động, cho Viên về nhà dưỡng bệnh, rồi cho nghỉ công tác.
3. Trấn áp quân cách mạng:
Bất mãn vì nhà Thanh quốc hữu hoá đường sắt Xuyên - Hán, Việt - Hán để gán nợ cho Anh, Pháp, Đức, Mỹ; nhân dân các tỉnh Hồ Bắc, Hồ Nam, Quảng Đông, Tứ Xuyên nổi dậy phản đối.
Lợi dụng thời cơ nhà Thanh điều quân đội từ Vũ Xương đến Trùng Khánh, tối ngày 10 tháng 10 năm 1911, binh lính ở Vũ Xương nổi dậy. Đây là kết quả của một cuộc vận động lâu dài của những phần tử trong Trung Quốc Đồng minh hội [2]. Mờ sáng hôm sau thì quân cách mạng chiếm được Vũ Xương. Sử gọi là Khởi nghĩa Vũ Xương. Thắng lợi này đã cổ vũ các tỉnh khác tuyên bố ly khai với nhà Thanh, làm nên cuộc Cách mạng Tân Hợi.
Lập tức, Thanh đình phái nhiều tướng lĩnh và hàng vạn quân đi tiêu diệt, nhưng không thành công. Lúc bấy giờ Viên Thế Khải đang dưỡng bệnh ở Hà Nam, được mời ra làm Tổng đốc Hồ - Quảng, chỉ huy đội quân Bắc Dương, lãnh nhiệm vụ trấn áp quân cách mạng ở Hán Khẩu, Hán Dương.
Cựu hoàng Phổ Nghi kể:
Nghe nói, cha tôi (tức Hàm Thân Vương, lúc này đang làm Nhiếp Chính Vương) cùng các vương công thảo luận, bất luận Viên trấn áp cách mạng thành công hay thất bại, cuối cùng phải diệt trừ ông ta. Nếu như Viên thất bại thì mượn cớ thất bại mà xử tội chết, nếu như thành công thì lấy cớ giải trừ quân đội, tướt bỏ binh quyền, rồi nghĩ cách tiêu diệt. Tóm lại, quân đội quyết không để rơi vào tay người Hán, nhất là là không thể nằm trong tay Viên (Nửa đời đã qua, tr. 36).
Tuy nhiên, Viên cũng không phải là tay vừa. Nhân cơ hội này, ông liền ép Thanh đình phải cử ông làm Tổng lý nội các (tương đương chức Thủ tướng bây giờ).
Ngày 2 tháng 11 năm 1911, Viên cho quân đánh chiếm lại Hán Khẩu, sau đó cho bao vây Vũ Xương. Ngày 12 tháng 11, Viên Thế Khải đến Bắc Kinh thành lập nội các. Cho Đoàn Kỳ Thụy coi việc quân ở miền Võ Hán, cho Phùng Quốc Chương làm Tổng thống quân cấm vệ tại kinh thành.
Ngày 15 tháng 11, đại biểu quân cách mạng ở các tỉnh về Thượng Hải dự hội nghị, nhưng đến ngày 24 thì bị vây phải dời về Vũ Xương. Nơi này lại bị vây, hội nghị phải họp trong tô giới Anh ở Hán Khẩu.
Ngày 2 tháng 12, quân cách mạng chiếm được Nam Kinh, hội nghị liền dời về đây để bầu đại Tổng Thống, lập Chính phủ lâm thời.
Ngày 25 tháng 12, Tôn Dật Tiên (còn gọi là Tôn Văn hay Tôn Trung Sơn) từ Mỹ về nước. Sau đó (10 tháng 11 năm Tân Hợi, tức là ngày 29 tháng 12 năm 1911), ộng được đại biểu của 17 tỉnh dự họp bầu làm Đại tổng thống lâm thời (Lê Nguyên Hồng làm phó), và lấy ngày 1 tháng 1 năm 1912 làm ngày khai sinh của chính quyền Trung Hoa dân quốc.
Được tin, Viên Thế Khải liền tìm mọi cách tấn công vào chính quyền mới. Vừa bị Viên uy hiếp, vừa bị các nước đế quốc thu hết thuế quan (họ không công nhận chính phủ của Tôn Dật Tiên), nên chính phủ Cộng hòa gặp rất nhiều khó khăn.
4. Làm Lâm thời Đại Tổng thống:
Để chấm dứt cuộc nội chiến, Tôn Dật Tiên đã đề xuất hiệp nghị 5 điều như sau:
-Hoàng đế nhà Thanh phải thoái vị.
-Viên Thế Khải phải tuyên bố tuyệt đối tán thành chính thể Cộng hòa.
-Hoàng đế thoái vị xong, Tôn Dật Tiên sẽ từ chức Lâm thời Đại Tổng thống.
-Lâm thời Tham nghị viện sẽ cử Viên Thế Khải lên làm Lâm thời Đại Tổng thống.
-Được tuyển cử rồi, Viên phải tuyên thệ giữ Lâm thời ước pháp do Tham nghị viện định ra.
Viên Thế Khải bằng lòng, bèn mật sai Đoàn Kỳ Thụy hiệp với 40 tướng lãnh khác uy hiếp Hoàng đế nhà Thanh thoái vị. Ngày 12 tháng 2 năm 1912 (năm đầu Dân quốc), Hoàng đế Tuyên Thống (tức Ái-tân-đảng-la Phổ-nghi) phải xuống chiếu thoái vị, để hoàng thất và hoàng tộc còn hưởng được một số điều kiện ưu đãi của Chính phủ Dân quốc.
Ngay hôm sau, Viên điện cho Tôn Dật Tiên và Lê Nguyên Hồng biết công lao của ông, và có ý thúc ép Tôn Dật Tiên từ chức, nhường chức Đại tổng thống lại cho Viên. Tôn Dật Tiên đồng ý với ba điều kiện là:
-Chính phủ lâm thời phải đóng ở Nam Kinh, không được thay đại biểu.
-Tổng thống mới được cử phải đến Nam Kinh nhận chức, Tôn Dật Tiên và Chính phủ của ông mới thôi chức.
-Tổng thống mới phải tuân theo Ước pháp của Chính phủ lâm thời, những điều luật và quy chế đã công bố vẫn tiếp tục có giá trị.
Ngày 15 tháng 2 năm 1912, sau khi Viên Thế Khải đồng ý tuân theo các điều kiện trên, Tham nghị viện cử ông lên làm Lâm thời Đại Tổng thống. Tôn Dật Tiên sau đó cử học giả Thái Nguyên Bồi lên Bắc Kinh rước Viên xuống Nam Kinh nhận chức theo thỏa thuận. Nhưng vì Viên không muốn rời xa hang ổ của mình, nên bí mật cho một nhóm binh sĩ do Tào Côn thống lĩnh giả vờ nổi loạn. Sợ phương Bắc có biến, Thái Nguyên Bồi đề nghị để Viên tuyên thệ và nhận chức ở Bắc Kinh.
Ngày 10 tháng 3, Viên Thế Khải tuyên bố nhận chức ở Bắc Kinh. Căn cứ vào quy định của Ước pháp, Viên cử người xuống Nam Kinh tổ chức nội các mới, dùng Đường Thiệu Nghi làm Quốc vụ Tổng lý. Ngày 5 tháng 4, Tham nghị viện quyết định dời Chính phủ lâm thời lên Bắc Kinh. Cách mạng Tân Hợi đến đây kể như kết thúc.
5. Lại xung đột với lực lượng cách mạng:
Sau khi Viên Thế Khải lên làm Đại tổng thống, tuy phái cách mạng không hoàn toàn bị loại bỏ, nhưng những chức vụ chủ chốt trong chính quyền đều vào tay phe của Viên. Theo sử liệu thì đây là chính quyền mà ngoài thì treo chiêu bài “Trung Hoa Dân quốc”, nhưng bên trong là phái của Viên cấu kết với đế quốc chống lại phái cách mạng.
Ngày 20 tháng 3 năm 1913, một đảng viên trọng yếu của Trung Quốc Đồng Minh hội là Tống Giáo Nhân bị mưu sát mà người chủ mưu là một viên chức cao cấp trong Chính phủ của Viên [3]. Vì việc này mà Tôn Dật Tiên (con rể ông Nhân) tuyên bố chống Viên Thế Khải.
Tháng 8 năm đó, với ý định thông qua Quốc hội, sẽ hạn chế quyền lực của Viên Thế Khải, Trung Quốc Đồng Minh hội cải tổ thành Quốc dân đảng.
Trước tình trạng Quốc dân đảng chiếm đa số ghế trong Quốc hội, để đối phó, Viên Thế Khải bèn gấp rút cho bổ sung quân, đồng thời không đợi Quốc hội thông qua, Viên ký giấy vay Ngân hàng đoàn (đây là ngân hàng 5 nước, gồm Anh, Pháp, Đức, Nhật, Nga) một số tiền 25 triệu bảng Anh để tiến hành cuộc đối đầu mới. Số tiền này phải trả trong 47 năm bằng thuế muối.
Quốc dân đảng phản đối kịch liệt. Các tướng lĩnh thuộc đảng này là Lý Liên Kiệt (Đô đốc Giang Tây), Hồ Hán Dân (Đô đốc Quảng Đông), Bách Văn Uất (Đô đốc An Huy)...trách Viên làm trái phép. Viên bèn ra lệnh cách chức cả ba. Tức thì, các tướng khởi binh chống lại Viên: Lý Liên Kiệt khởi binh ở Giang Tây, Trần Kỳ Mỹ khởi binh ở Thượng Hải, Bách Văn Uất khởi binh ở An Huy, Trần Quýnh Minh khởi binh ở Quảng Đông. Ngoài ra, ở các tỉnh Phúc Kiến, Hồ Nam, Trùng Khánh cũng lần lượt hưởng ứng. Tuy nhiên tất cả đều thất bại (Tôn Dật Tiên phải lưu vong sang Nhật) vì ít quân và vì Viên Thế Khải đã bố trí lực lượng từ trước.
Cuộc xung đột này chỉ kéo dài không đầy hai tháng, sử gọi dây là cuộc cách mạng lần thứ hai (lần đầu là Cách mạng Tân Hợi năm 1911).
6. Khôi phục nền đế chế:
Sau đó, Viên Thế Khải bắt Quốc hội thừa nhận ông là Đại tổng thống chính thức (Lê Nguyên Hồng làm phó). Và để bảo đảm địa vị của mình, tháng 11 năm 1913, Viên ra lệnh trục xuất các nghị viên thuộc Quốc dân đảng ra khỏi Quốc hội.
Đầu năm 1914, Viên Thế Khải giải tán luôn Quốc hội. Không lâu sau, ông hủy bỏ luôn Ước pháp lâm thời rồi cho xây dựng một nền thống trị "độc tài của tập đoàn quan liêu, quân phiệt và đại địa chủ tư bản".
Tháng 8 năm đó, Chiến tranh thế giới thứ nhất bùng nổ, các đế quốc phương Tây đều bận chiến tranh. Nhân cơ hội này, Nhật Bản liền xông vào chiếm lấy đất đai của Trung Quốc. Mượn cớ tuyên chiến với Đức, Nhật Bản đưa quân đổ bộ lên Sơn Đông, chiếm vùng Giao Châu Loan và nắm lấy đường sắt Giao Tế. Lúc này, vì Viên đang muốn khôi phục nền đế chế, và muốn được Nhật Bản giúp đỡ nên không hề tỏ thái độ phản đối.
Tháng 1 năm 1915, Nhật Bản đề ra 21 yêu sách với Viên Thế Khải và Chính phủ của ông, coi đó là điều kiện để họ thừa nhận Viên lên ngôi Hoàng đế. Nội dung cơ bản của yêu sách là:
-Đem quyền lợi ở vùng Sơn Đông trước kia thuộc Đức, chuyển cho Nhật Bản. Thừa nhận sự độc quyền của Nhật Bản ở Liêu Ninh, Cát Lâm và Đông Nội Mông.
-Cho phép Nhật Bản hùn vốn kinh doanh khai thác mỏ sắt ở Đại Trị, Hồ Bắc; mỏ than ở Bình Hương, Giang Tây. Nhật Bản có đặc quyền trong việc xây dựng đường sắt, khai mỏ ở Phúc Kiến. Những đảo, cửa biển chỉ được cho Nhật Bản thuê.
-Mời người Nhật Bản làm cố vấn chính trị, kinh tế, quân sự. Binh công xưởng phải do hai nước Trung-Nhật cùng xây dựng. Hai nước cùng quản lý lực lượng cảnh sát địa phương, v.v..
Vì quyền lợi riêng, Viên chấp nhận yêu sách. Tháng 10 năm Dân quốc thứ 4 (1915), đại biểu quốc dân các tỉnh đều bỏ phiếu tán thành thể chế quân chủ lập hiến. Và cũng ngay hôm ấy, Tham chính viện thay mặt quốc dân tôn Viên Thế Khải lên ngôi Hoàng đế[18]. Viên nhận lời, định ngày mùng một tháng Giêng năm sau (1916) sẽ lên ngôi, lấy niên hiệu là Hồng Hiến.
Lập tức, Tiến bộ đảng của Lương Khải Siêu[20]liên kết với Đảng Cách mạng Trung Hoa của Tôn Dật Tiên (do ông thành lập năm 1914) vận động cuộc phản đế chế. Hưởng ứng lời hiệu triệu của hai đảng, các tỉnh là Tứ Xuyên, Quảng Đông, Quảng Tây, Hồ Nam,..đều có phong trào chống đối Viên.
Cũng khoảng thời gian đó, Thái Ngạc (nguyên Đô đốc Vân Nam), từ Bắc Kinh lén về Vân Nam, họp bàn với Đô đốc Vân Nam là Đường Kế Nghiêu đánh điện xin Viên từ bỏ đế chế, rồi tuyên bố Vân Nam độc lập. Sau đó, Thái Ngạc mang quân đi lấy Tứ Xuyên. Hưởng ứng, cựu Tổng đốc Giang Tây là Lý Liệt Quân cũng mang quân đi lấy Quảng Đông. Viên Thế Khải liền sai Tào Côn, Ngô Bội Phu đem quân chống Thái Ngạc; sai Long Tế Quang đem quân đi chống Lý Liệt Quân. Nhưng vì quân đội không ủng hộ Viên nữa, nên không thu được kết quả...Tiếp theo các tỉnh Quý Châu, Quảng Tây, Chiết Giang, Hồ Nam, Thiểm Tây,...cũng lần lượt tuyên bố độc lập. Bộ hạ của Viên là Đoàn Kỳ Thụy, Phùng Quốc Chương cũng theo phe Cộng hòa mà phản đối đế chế. Đến đây, Nhật Bản thấy uy tín của Viên giảm sút quá nên cũng bỏ rơi Viên.
7. Viên mất và họa quân phiệt sau đó:
Theo cựu hoàng Phổ Nghi, thì Viên Thế Khải định gả con gái cho ông, nhưng việc chưa đi đến đâu thì Viên đã chết vì tức giận sau khi làm Hoàng đế được 83 ngày [4].
Theo Nguyễn Hiến Lê, thì Viên Thế Khải vội vàng bỏ ý xưng đế, chỉ giữ chức Tổng thống thôi, nhưng phe phản đối cũng không chịu. Tháng 5 năm 1916, phái cách mạng ở Quảng Châu thành lập Chính phủ Cộng hòa và bầu Lê Nguyên Hồng làm Tổng thống. Viên ưu uất chết tháng 6 năm đó (ngày 6 tháng 6 năm 1916). Có sách nói là Viên tự tử, có sách bảo là chết vì bệnh niếu độc (urémie) [5].
Lê Nguyên Hồng lấy tư cách là Phó tổng thống lên thay, cử Phùng Quốc Cương làm phó, Đoàn Kỳ Thụy làm Tổng lý Nội các; rồi cho khôi phục Ước pháp lâm thời, triệu tập lại Quốc hội. Nhưng họ không đoàn kết với nhau được. Phe quân nhân Bắc Dương (đàn em của Viên) là Đoàn Kỳ Thụy, Phùng Quốc Chương, Tào Côn, Trương Tác Lâm...xưng hùng ở phương Bắc. Ở phương Nam thì có Đường Kế Nghiêu, Lục Vĩnh Đình...khởi binh chống lại, gây cuộc tương tranh quân phiệt giữa Nam và Bắc nhiều năm sau này.
Bùi Thụy Đào Nguyen giới thiệu
Chú thích:
[1] Long Dụ là cháu gái Từ Hi thái hậu. Khi tuyển hoàng hậu, Hoàng đế Quang Tự có ý chọn Đức Hinh (con Tuần phủ Giang Tây), nhưng rồi ông phải nghe theo sự sắp đặt của Từ Hi để làm lễ kết hôn với Long Dụ. Thông tin Viên ám hại Quang Tự chép theo lời kể của viên thái giám già Lý Tường An. Tuy nhiên, cũng có lời đồn đãi cho rằng do Từ Hi giết chết vì "bà không cam tâm chết trước vua Quang Tự" (theo Phổ Nghi, Nửa đời đã qua, tr. 29-30).
[2] Đây là chính đảng tư sản đầu tiên của Trung Quốc có ảnh hưởng lớn ở trong nước, trong các giới tư sản và lưu học sinh Hoa kiều. Thành lập 1905 ở Tôkyô (Nhật Bản), trên cơ sở hợp nhất "Hưng trung hội", "Hoa hưng hội", "Quang phục hội" do Tôn Trung Sơn đứng đầu. Mục tiêu là "Đánh đuổi nhà Thanh, khôi phục Trung Hoa, thành lập Dân quốc, bình quân địa quyền" (thực hiện quyền bình đẳng về ruộng đất).
[3] Chép theo Sử Trung Quốc (tr. 483). Lịch sử thế giới cận đại ghi người chủ mưu là Viên (tr. 370). Thông tin thêm: Tống Giáo Nhân là cha của Tống Ái Linh (vợ Khổng Tường Hy), Tống Khánh Linh (vợ Tôn Dật Tiên), Tống Mỹ Linh (vợ Tưởng Giới Thạch).
[4] Theo Nửa đời đã qua, tr. 113. Cựu hoàng Phổ Nghi không ghi rõ ngày tháng. Ở Wikipedia tiếng Anh và tiếng Hoa đều ghi ông làm Hoàng đế từ ngày 12 tháng 12 năm 1915 đến ngày 22 tháng 3 năm 1916, thì thoái vị. Tuy nhiên, tra trong các sử liệu ở phần sách tham khảo, thì không thấy có thông tin này.
Sách tham khảo chính:
-Nguyễn Hiến Lê, Sử Trung Quốc (Tập 2 và Tập 3 in chung). Nhà xuất bản Văn hóa, 1997.
-Phan Khoang, Trung Quốc sử lược. Văn sử học xuất bản, Sài Gòn, 1970.
-Vũ Dương Ninh - Nguyễn Văn Hồng, Lịch sử thế giới cận đại. Nhà xuất bản Giáo dục, 2008.
-Phổ Nghi, Nửa đời đã qua (hồi ký). Nhà xuất bản Thanh Niên, 2009.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét