Mùa đông năm 1861, quân Pháp từ Gia Định kéo lên vây hãm rồi chiếm lấy thành Biên Hòa, ông bèn dẫn quân chạy xuống Tân Hòa (thuộc Gò Công) để hiệp cùng Phó lãnh binh Trương Định, trấn giữ nơi hiểm yếu ngăn cản lại.
Ở chiến khu, Đỗ Quang nghe tin vào đêm 16 tháng 12 năm 1861, một số dân binh đã tập kích đồn Pháp ở Cần Giuộc (thuộc Long An), gây cho đối phương nhiều thiệt hại. Đổi lại, khoảng hai mươi dân binh đã phải hy sinh. Nghĩa cử đó đã gây niềm xúc động lớn trong nhân dân và trong giới sĩ phu, trong đó có Đỗ Quang. Lập tức, ông sai người đến nhờ Nguyễn Đình Chiểu làm một bài văn tế (Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc) để đọc tại buổi lễ truy điệu các nghĩa sĩ đã bỏ mình trên...
Trong lúc nhân dân ba tỉnh miền Tây đang kháng cự quyết liệt, thì ngày 5 tháng 6 năm 1862, hòa ước Nhâm Tuất được ký kết, sau khi đại diện nhà Nguyễn là Phan Thanh Giản và Lâm Duy Hiệp thuận giao cho Pháp ba tỉnh miền Đông (Biên Hòa, Gia Định, Định Tường) và đảo Côn Lôn cho quân Pháp.
Sau đó, Đỗ Quang có lệnh cử đi làm Tuần phủ Nam Định, nhưng ông đã dùng lời lẽ ôn tồn để xin được cáo quan. Trong sớ có đoạn:
Hôm thần về, sĩ dân đứng che kín cả đường nói:
Nay cha bỏ con, quan bỏ dân. Quan về thì quan lại làm quan, nhưng dân ở lại thì dân không còn được làm dân của triều đình nữa.
Tiếng kêu khóc đầy đường, thần cũng phải gạt nước mắt mà đi. Trần trộm nghĩ, thần tài hèn sức mọn, nhưng từ trước tới nay vẫn xum vầy với dân, chưa từng tính đến ngày bỏ dân mà về. Nghĩa dân từ trước từng vì triều đình mà dốc hết sức người sức của, giờ chẳng biết bỏ thân nơi nào.
Như thế là thần, ở trên thì phụ với triều đình, ở dưới thì phụ với dân trăm họ, tội không thể chối được. Giờ nếu thần lại lạm dự chức ở Nam Định thì biết ăn nói thế nào với dân Gia Định? Biết trả lời thế nào với công luận trong nước? Thần vẫn còn có chút lòng, quả là rất hổ thẹn. Vả chăng, thần vốn là kẻ có kiến thức nông cạn và hạn hẹp, nếu cứ gắng gượng mà làm việc mãi cũng chẳng thể gọi là báo bổ. Vậy, xin bệ hạ hãy thu sắc mệnh, cho thần được bãi chức về với làng với ruộng, hầu làm nguôi bớt lòng oán giận của sĩ dân, và cũng để giữ tiết liêm sĩ của thần vậy...
Nguồn tham khảo: Đại Nam chính biên liệt truyện (Nhị tập, quyển 31).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét