Hình ảnh
Thứ Ba, 30 tháng 11, 2010
Cách mạng Tân Hợi
Cách mạng Tân Hợi (1911) là cuộc cách mạng dân chủ tư sản, do những người trí thức cấp tiến trong giai cấp tư sản và tiểu tư sản lãnh đạo, đã lật đổ triều đại Mãn Thanh, chấm dứt chế độ quân chủ chuyên chế tồn tại lâu đời ở Trung Quốc, mở đường cho chủ nghĩa tư bản phát triển, có ảnh hưởng nhất định đối với cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc ở một số nước Châu Á.
I. Nguyên nhân và diễn biến:
Phẫn uất vì thất bại nhục nhã sau các cuộc Chiến tranh Nha phiến (1840 - 1842 và 1857 - 1860), Chiến tranh Thanh - Nhật (1894 - 1895), và nhất là việc liên quân tám nước kéo vào cướp phá Bắc Kinh (1900), mà nhân dân Trung Quốc muốn cải cách thể chế chính trị hoặc phế bỏ nhà Thanh.
Theo suy nghĩ của những người đương thời, thì nhà Thanh là một chính quyền do ngoại tộc (Mãn Châu) làm chủ, vừa hèn yếu thối nát, vừa ngăn trở đất nước phát triển theo đường lối tư bản.
Lúc bấy giờ có Tôn Dật Tiên (còn gọi là Tôn Văn hay Tôn Trung Sơn) hiểu rõ ý nguyện của dân, năm 1894, ông sáng lập Hưng Trung hội tại Hônôlulu (Hawaii) với cương lĩnh "Đánh đuổi giặc Thát (chỉ Mãn Thanh), khôi phục Trung Hoa, lập chính phủ hợp quần".
Theo sử liệu, thì Cách mạng Tân Hợi thành công không phải ngẫu nhiên, mà là kết quả của cuộc vận động cách mạng lâu dài và các cuộc nổi dậy trước đó, mà công đầu là Đồng Minh hội do Tôn Dật Tiên làm Tổng lý.
II. Trước Cách mạng Tân Hợi:
Theo học giả Nguyễn Hiến Lê, thì trước khi Cách mạng Tân Hợi nổ ra, Tôn Dật Tiên và đảng cách mạng của ông đã tổ chức 10 cuộc khởi nghĩa chống Thanh nhưng đều bị thất bại. Điểm lược một vài vụ nổi bật:
Năm 1895, nhân lúc nhân dân cả nước căm giận nhà Thanh ký hiệp ước Mã Quan với Nhật Bản, ngày 26 tháng 10, Tôn Dật Tiên định tổ chức khởi nghĩa ở Quảng Châu. Nhưng kế hoạch bị lộ, các đồng chí của ông bị giam và bị giết hơn 70 người, ông phải trốn sang Nhật Bản, rồi qua Hônôlulu. Đây là cuộc khởi nghĩa lần đầu của ông.
Tháng 11 năm 1899, phong trào Nghĩa Hòa Đoàn bùng nổ, Tôn Dật Tiên cùng với các đồng chí chạy thoát vội trở về nước, tổ chức khởi nghĩa ở Quảng Châu lần thứ hai. Ông cử Trịnh Sĩ Lương đi đánh Huệ Châu (Quảng Đông), Sử Kiên Như đi ném tạc đạn giết Tổng đốc Đức Thọ. Nhưng cả hai việc đều thất bại. Sử Kiên Như tuẫn nạn và nhiều chiến sĩ cách mạng khác lại bị bắt giam và bị giết.
Ngày 18 tháng 9 năm 1905 tại Tôkyô (Nhật Bản), Tôn Dật Tiên cùng Hoàng Hưng chủ trì việc hợp nhất Hưng Trung Hội với hai tổ chức cách mạng khác là Quang Phục hội và Hoa Trung hội. Kể từ đây, đảng vừa hợp nhất có tên là Trung Quốc Đồng Minh hội (gọi tắt là Đồng Minh hội), do Tôn Dật Tiên làm Tổng lý [2].
Năm 1906, hai hội viên của Đồng Minh hội là Lưu Đạo Nhất và Thái Thiệu Nam tổ chức khởi nghĩa ở ba nơi là Bình Hương (Giang Tây), Trương Lăng và Lưu Dương (Hồ Nam), nhưng tất cả đều thất bại.
Mùa thu năm 1907, Đồng Minh hội tổ chức khởi nghĩa ở Khâm Châu thuộc Quảng Đông (nay thuộc Quảng Tây). Chiếm được Phòng Thành, nhưng vì không có tiếp tế, phải rút vào Thập Vạn Đại Sơn. Đến mùa đông năm ấy, quân cách mạng đánh chiếm Trấn Nam Quan, Khâm Châu, Liêm Châu (nay tên là Hợp Phố thuộc Quảng Tây), Thượng Tư (Quảng Tây), nhưng rồi cùng vì không có tiếp tế nên phải rút đi.
Năm 1908, quân cách mạng cùng dân địa phương khởi nghĩa ở Hà Khẩu (Vân Nam). Sau khi đánh thắng một trận lớn, quân và dân cùng tiến lên uy hiếp Mông Tự, nhưng rồi cũng phải rút đi vì không có tiếp tế. Mùa thu năm ấy, chi bộ Đồng Minh hội thành lập ở Hương Cảng (Hồng Kông). Năm 1910, tổ chức này cho người vận động lực lượng tân binh ở Quảng Đông nổi dậy, nhưng bị đàn áp ngay.
Tháng 4 năm 1911, Đồng Minh hội chọn 500 cảm tử quân, hợp với quân địa phương, đánh vào dinh Tổng đốc Quảng Châu. Cuộc đột kích này do Hoàng Hưng và Triệu Thanh chỉ huy, nổ ra ngày 27 tháng 4 năm 1911 (tức ngày 29 tháng 3 năm Tân Hợi). Tuy nhiên, do quân cảm tử và khí giới không đến cùng một lượt, và còn do bị lộ, nên số quân đánh vào dinh Tổng đốc phải tuẫn nạn nhiều. Sau tìm được 72 thi hài đem hợp táng tại Hoàng Hoa Cương ở Quảng Châu, và được người đời gọi là Thất thập nhị liệt sĩ [3]. Đây là lần khởi nghĩa thứ 10 do Đồng Minh hội tổ chức, trước khi nổ ra cuộc khởi nghĩa tự phát ở Vũ Xương.
Cũng trong khoảng thời gian này, việc Thanh đình trao quyền kinh doanh đường sắt Việt-Hán và Xuyên Hán cho Mỹ đã gây thêm một làn sóng căm phẫn trong nhân dân Trung Quốc. Khắp nơi, nổi lên phong trào đòi tẩy chay hàng Mỹ, đòi chính phủ xóa bỏ điều ước đã ký với Mỹ. Thấy người dân chống đối quá, Mỹ đồng ý xóa điều ước với điều kiện Thanh đình phải bồi thường 6. 750.000 đô la. Vừa sợ đế quốc, vừa sợ nhân dân, Thanh đình sai Tổng đốc Lưỡng Hồ là Trương Chi Động vay tiền của Anh để bồi thường cho Mỹ.
Đến ngày 9 tháng 5 năm 1911, Thanh đình ra sắc lệnh “Quốc hữu hóa đường sắt” nhưng thực chất là trao quyền kinh doanh cho bốn nước là Anh, Mỹ, Pháp và Đức. Lập tức lần lượt ở Hồ Nam, Hồ Bắc, Quảng Châu, Tứ Xuyên...nhân dân nổi lên chống đối vì họ cho rằng Thanh đình đã bán rẻ quyền lợi dân tộc. Thanh đình bèn ra lệnh trấn áp phong trào quyết liệt, cấm báo chí đưa tin, cấm bãi thị, bãi khóa, diễn thuyết và cho giải tán các hội đồng bảo vệ đường sắt...Tuy nhiên, bất chấp lệnh trên, bất chấp cả những lời lẽ can ngăn của phái lập hiến, phong trào chống đối vẫn lên cao, nhất là ở Tứ Xuyên.
Ngày 7 tháng 9 năm 1911, Tổng đốc Tứ Xuyên là Triệu Nhĩ Phong phái người đến mời các thủ lĩnh trong hội bảo vệ đường sắt đến dinh thương lượng, nhưng sau đó cho lính bắt tất cả. Thấy điều bạo ngược, hàng vạn người dân Thành Đô (tỉnh lỵ của tỉnh Tứ Xuyên) kéo đến dinh Tổng đốc đòi thả người, nhưng bị Triệu Nhĩ Phong ra lệnh nổ súng làm chết 32 người và làm bị thương nhiều người khác. Căm phẫn tột độ, phong trào bãi khóa, bãi thị lan rộng ra toàn tỉnh Tứ Xuyên, về sau phát triển mạnh thành cuộc khởi nghĩa Thành Đô, buộc Thanh đình phải đem quân từ Hồ Bắc về trấn áp.
III. Cách mạng Tân Hợi:
Cách mạng Tân Hợi chính thức khởi đầu bằng cuộc khởi nghĩa tự phát ở Vũ Xương.
3.1 Khởi nghĩa Vũ Xương:
Vụ Quảng Châu nổ ra hồi tháng 4 năm 1911 đã kể trên, càng làm cho Thanh đình lo ngại. Họ bèn đánh điện cho các tỉnh bảo phải đề phòng nghiêm ngặt. Tổng đốc Hồ Bắc là Thụy Trừng sau đó ra sức lùng bắt được nhiều đảng viên, lại có cả một danh sách nữa, mà trong đó có tên một số đông quân lính ở các doanh [4]. Số quân lính có dự vào lấy làm nguy, nhất là ở Vũ Xương (một quận của thành phố Vũ Hán, thủ phủ tỉnh Hồ Bắc).
Rồi nhân cơ hội Thanh đình điều quân từ Vũ Xương đến Trùng Khánh, đêm 19 tháng 8 năm Tân Hợi (10 tháng 10 năm 1911), đông đảo quân lính ở đây đã phải tấn công liền, không đợi chỉ thị của đảng mà cũng chẳng kịp chuẫn bị. Ngay đêm đó, họ đã làm chủ Vũ Xương (Hồ Bắc), và chỉ hai ngày sau thì chiếm luôn Hán Khẩu và Hán Dương.
Học giả Nguyễn Hiến Lê kể:
...Họ tự xưng là "dân quân", vây đánh dinh Tổng đốc. Tổng đốc tỉnh Hồ Bắc là Thụy Trừng vội đem gia quyến xuống trốn trong một chiến hạm. Thống chế tỉnh này là Trương Bưu cũng đã đào tẩu. Quân nổi dậy không ai cầm đầu, nửa đêm xông vào nhà một viên Đô đốc tên là Lê Nguyên Hồng, dí súng vào người, buộc phải lãnh đạo họ. Ông tính tình vui vẻ, thân mật, hiền từ nên được lòng binh lính. Ông miễn cưỡng theo, còn mọi việc do binh lính quyết định lấy... [5]
.
Cuộc khởi nghĩa Vũ Xương thành công một cách nhanh chóng, quá sức tưởng tượng của phái cách mạng. Ngay cả Tôn Dật Tiên lúc này đang ở Mỹ và Hoàng Hưng đang trốn ở Hương Cảng cũng lấy làm ngạc nhiên.
Ngày 11 tháng 10, tức ngay khi làm chủ được Vũ Xương, các thủ lĩnh cách mạng cùng với các đại biểu phái lập hiến họp thảo luận việc lập chính phủ mới. Hội nghị đã quyết định đổi quốc hiệu nước là Trung Hoa Dân quốc, cử Lê Nguyên Hồng thuộc phái lập hiến chỉ huy quân chính phủ. Đồng thời kêu gọi toàn quân và toàn dân đánh đổ chính phủ Mãn Thanh, tuyên bố với lãnh sự các nước ở Hán Khẩu là chính phủ Dân quốc sẽ tôn trọng mọi quyền lợi của nước ngoài ở Trung Quốc.
Hưởng ứng cuộc khởi nghĩa Vũ Xương, các tỉnh khác lần lượt giành lấy chính quyền, hoặc tuyên bố độc lập. Như vậy, quân cách mạng trong một thời gian ngắn đã trực tiếp hoặc gián tiếp làm tan rã đế quốc Mãn Thanh rộng lớn. Họ chỉ còn khống chế mấy tỉnh miền Bắc mà số phận của nó cũng rất mong manh. Nhưng về phía cách mạng, một đặc điểm nổi bật lúc bấy giờ là chính quyền Dân quốc ở nhiều địa phương đều bị phái lập hiến nắm giữ, vì họ mạnh hơn.
Khi khởi nghĩa nổ ra ở Vũ Xương, Thanh đình liền sai một tướng Mãn Châu là Ấm Xương đi đánh dẹp, nhưng rồi triệu hồi về mà bổ Viên Thế Khải (sử có khi gọi tắt là Viên) lúc bấy giờ đang dưỡng bệnh ở Hà Nam (trước đây Viên bị Thanh đình nghi kỵ cho nghĩ việc) làm Tổng đốc Hồ-Quảng, dẫn thủy lục quân đi trấn áp.
3.2 Thành lập chính phủ Nam Kinh:
Đầu tháng 11 năm 1911, hầu hết các tỉnh Trung và Nam Trung Quốc đều do quân cách mạng nắm giữ. Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, ngày 15 tháng 11, đại biểu các tỉnh về Thượng Hải họp "Hội nghị đại biểu đô đốc phủ các tỉnh". Nhưng cuộc họp đến ngày 24 tháng 11 phải dời về Vũ Xương. Nơi này bị vây, hội nghị phải họp trong tô giới Anh ở Hán Khẩu. Ngày 2 tháng 12, quân cách mạng chiếm được Nam Kinh, hội nghị liền dời về đây để bầu đại Tổng Thống, lập Chính phủ lâm thời.
Ngày 25 tháng 12, Tôn Dật Tiên từ Mỹ về nước. Sau đó (10 tháng 11 năm Tân Hợi, tức là ngày 29 tháng 12 năm 1911), ộng được đại biểu của 17 tỉnh dự họp bầu làm Đại tổng thống lâm thời (Lê Nguyên Hồng làm phó), và lấy ngày 1 tháng 1 năm 1912 làm ngày khai sinh của chính quyền Trung Hoa Dân quốc.
Được tin, Viên Thế Khải liền tìm mọi cách tấn công vào chính quyền mới. Vừa bị Viên uy hiếp, vừa bị các nước đế quốc thu hết thuế quan (họ không công nhận chính phủ của Tôn Dật Tiên), nên chính phủ Cộng hòa gặp rất nhiều khó khăn. Để chấm dứt cuộc nội chiến, Tôn Dật Tiên đã đề xuất hiệp nghị 5 điều, trong đó có điều khoản là nếu Viên Thế Khải lật đổ được Thanh đình thì sẽ được bầu làm Đại tổng thống.
Viên Thế Khải bằng lòng, bèn mật sai Đoàn Kỳ Thụy hiệp với 40 tướng lãnh khác uy hiếp Hoàng đế nhà Thanh thoái vị. Ngày 12 tháng 2 năm 1912 (năm đầu Dân quốc), Hoàng đế Tuyên Thống (tức Ái-tân-đảng-la Phổ-nghi) phải xuống chiếu thoái vị, để hoàng tộc còn được hưởng một số điều kiện ưu đãi của Chính phủ Dân quốc.
Theo thỏa thuận, ngày 15 tháng 2 năm 1912, Tham nghị viện cử Viên lên làm Lâm thời Đại Tổng thống. Ngày 10 tháng 3 năm đó, Viên Thế Khải tuyên bố nhận chức ở Bắc Kinh. Căn cứ vào quy định của Ước pháp, Viên cử người xuống Nam Kinh tổ chức nội các mới, dùng Đường Thiệu Nghi làm Quốc vụ Tổng lý. Ngày 5 tháng 4, Tham nghị viện quyết định dời Chính phủ lâm thời lên Bắc Kinh. Cách mạng Tân Hợi đến đây kể như chấm dứt.
IV. Sau cách mạng Tân Hợi:
Sau khi Viên Thế Khải lên làm Đại tổng thống, tuy phái cách mạng không hoàn toàn bị loại bỏ, nhưng những chức vụ chủ chốt trong chính quyền đều vào tay phe của Viên. Theo sử liệu thì đây là chính quyền mà ngoài thì treo chiêu bài “Trung Hoa Dân quốc”, nhưng bên trong là phái của Viên cấu kết với đế quốc chống lại phái cách mạng.
Tháng 8 năm đó, với ý định thông qua Quốc hội, sẽ hạn chế quyền lực của Viên Thế Khải, Đồng Minh hội cải tổ thành Quốc dân đảng. Trước tình trạng Quốc dân đảng chiếm đa số ghế trong Quốc hội, để đối phó, Viên Thế Khải bèn gấp rút cho bổ sung quân, đồng thời không đợi Quốc hội thông qua, Viên ký giấy vay Ngân hàng đoàn (đây là ngân hàng 5 nước, gồm Anh, Pháp, Đức, Nhật, Nga) một số tiền 25 triệu bảng Anh để tiến hành cuộc đối đầu mới. Số tiền này phải trả trong 47 năm bằng thuế muối.
Quốc dân đảng phản đối kịch liệt. Các tướng lĩnh thuộc đảng này bèn khởi binh chống lại, nhưng đều thất bại vì ít quân và vì Viên Thế Khải đã bố trí lực lượng từ trước. Cuộc xung đột này chỉ kéo dài không đầy hai tháng. Sau đó, Viên Thế Khải bắt Quốc hội thừa nhận ông là Đại tổng thống chính thức (Lê Nguyên Hồng làm phó). Và để bảo đảm địa vị của mình, tháng 11 năm 1913, Viên ra lệnh trục xuất các nghị viên thuộc Quốc dân đảng ra khỏi Quốc hội.
Đầu năm 1914, Viên Thế Khải giải tán luôn Quốc hội. Không lâu sau, ông hủy bỏ luôn Ước pháp lâm thời rồi cho xây dựng một nền thống trị "độc tài của tập đoàn quan liêu, quân phiệt và đại địa chủ tư bản".
V. Nhận xét sơ lược:
Như đã giới thiệu ở phần mở đầu, Cách mạng Tân Hợi là cuộc cách mạng dân chủ tư sản, do những người trí thức cấp tiến trong giai cấp tư sản và tiểu tư sản lãnh đạo, đã lật đổ triều đại Mãn Thanh, chấm dứt chế độ quân chủ chuyên chế tồn tại lâu đời ở Trung Quốc, mở đường cho chủ nghĩa tư bản phát triển, có ảnh hưởng nhất định đối với cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc ở một số nước Châu Á (trong đó có Việt Nam).
Song, cuộc cách mạng này bộc lộ một số mặt hạn chế, đó là:
-Không giải quyết được vấn đề ruộng đất cho nông dân, một trong những vấn đề cơ bản của cách mạng. Chính vì vậy, họ không động viên được đông đảo quần chúng nông dân tham gia.
-Không thủ tiêu thực sự giai cấp phong kiến, mà chỉ thỏa hiệp. Việc đem toàn bộ chính quyền cách mạng giao cho Lê Nguyên Hồng, và sau nữa là Viên Thế Khải, là một minh chứng.
-Không dám đụng chạm đến các nước đế quốc xâm lược, tức là không dám đấu tranh giành lại quyền lợi của dân tộc. Để rồi họ câu kết với Viên, giúp Viên củng cố thế lực, quay lại đoạt công và chống phá cách mạng.
Ngoài ra, các hạt nhân lãnh đạo Đồng Minh hội hãy còn non yếu về mặt đường lối và tổ chức, nên sự phối hợp hãy còn lỏng lẻo, nhiều khi tư tưởng cũng không đồng nhất.
Bùi Thụy Đào Nguyên, giới thiệu
Chú thích:
[1] Theo Nguyễn Hiến Lê, Sử Trung Quốc (Tập 3), tr. 10-11.
[2] Đồng Minh hội dựa trên học thuyết Tam dân của Tôn Dật Diên là "dân tộc độc lập, dân quyền tự do, dân sinh hạnh phúc", với mục tiêu đấu tranh là "Đánh đuổi giặc Thát, khôi phục Trung Hoa, thành lập Dân quốc và bình quân địa quyền" (có nghĩa là thực hiện quyền bình đẳng về ruộng đất). Để tuyên truyền đường lối của đảng, Tôn Dật Tiên cho ra tờ Dân báo.
[3] Năm 1924, một nhà hoạt động cách mạng Việt Nam tên là Phạm Hồng Thái, sau khi ám sát hụt Toàn quyền Merlin, nhảy xuống sông tự tử, cũng được chôn ở đó.
[4] Nhờ Văn học xã (lập năm 1907) và Cộng tiến hội (lập đầu năm 1911, hai đoàn thể này đều do những phần tử của Đồng Minh hội tổ chức) vận động từ trước, mà số quân lính này đã ngầm theo cách mạng (Lịch sử thế giới cận đại, tr. 364).
[5] Nguyễn Hiến Lê, sách đã dẫn, tr. 13.
Sách tham khảo:
-Nguyễn Hiến Lê, Sử Trung Quốc (Tập 2 và Tập 3 in chung). Nhà xuất bản Văn hóa, 1997.
-Nguyễn Hiến Lê, Lịch sử thế giới (Tập II, chương Cách mạng Tân Hợi). Nhà xuất bản Văn hóa, 1995.
-Phan Khoang, Trung Quốc sử lược. Văn sử học xuất bản, Sài Gòn, 1970.
-Vũ Dương Ninh - Nguyễn Văn Hồng, Lịch sử thế giới cận đại (chương viết về Trung Quốc). Nhà xuất bản Giáo dục, 2008.
-Phổ Nghi, Nửa đời đã qua (hồi ký). Nhà xuất bản Thanh Niên, 2009.
-Nhiều tác giả (Phan Ngọc Liên chủ biên), Lịch sử 11 (nâng cao). Nhà xuất bản Giáo dục, 2007.
Ảnh từ trên xuống:
-Tôn Dật Tiên, người có vai trò quan trọng trong Cách mạng Tân Hợi
-Thanh Đế Thoái Vị Chiếu Thư (1912) chấm dứt chế độ quân chủ ở Trung Quốc
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét