Hình ảnh

Hình ảnh

Thứ Sáu, 19 tháng 11, 2010

Đồng Trị hoàng đế



Đồng Trị (1856 – 1875), tức Thanh Mục Tông; là vị Hoàng đế thứ 9 của nhà Thanh trong lịch sử Trung Quốc.

I. Tiểu sử sơ lược:
Đồng Trị tên đầy đủ là Ái-tân-đảng-la Tải-thuần (Tải Thuần). Ông là con trai duy nhất của Hoàng đế Hàm Phong với Lan Quý nhân Từ Hy.

Năm 1859, liên quân Anh - Pháp tiến vào Bắc Kinh, Hàm Phong chạy lên Nhiệt Hà [1], giao việc nước cho người em là Cung thân vương Dịch Hân.

Tại đây, năm 1861, Tải Thuần (5 tuổi) được lập vua cha phong làm Hoàng thái tử, đồng thời cử 8 đại quan làm Tán Tương chính vị đại thần, để trợ giúp khi Tải Thuần lên nối ngôi.

Tháng 7 năm 1861, Hàm Phong mất tại Nhiệt Hà. Lập tức, Tải Thuần trở thành vị Hoàng đế thứ 9 của nhà Thanh. Thế nhưng quyền bính thực sự đều nằm hết trong tay mẹ, tức Thái hậu Từ Hi, sau khi bà này đã mưu hại hết 8 vị cố mệnh đại thần (3 vị bị xử chết, 5 vị bị giam hoặc bị xung quân) và lấn lướt Từ An, vốn là người hiền hậu.

Hoàng đế Đồng Trị ở ngôi (trên danh nghĩa) 14 năm (1861 - 1875), sử dụng 2 niên hiệu, đó là: Kỳ Tường (từ tháng 8 đến tháng 12 năm 1891) và Đồng Trị (1862 - 1875).

Năm 1875, Hoàng đế Đồng Trị mất, được an táng ở Huệ lăng, miếu hiệu là Mục Tông Kế Thiên Khai Vận Thụ Trung, và là Cư Chính Bảo Đại Định Công Thánh Trí Thành Hiếu Tín Mẫn Cung Khoan Nghị Hoàng Đế, nhưng thường gọi tắt là Mục Tông.

II. Việc nước và việc trong cung:
2.1 Về việc nước:
Thời Đồng Trị ở ngôi, Trung Quốc tiếp tục chịu sự xâm nhập về kinh tế của các nước đế quốc. Trước sức ép này, giới phong kiến nhà Thanh từ những năm 60 của thế kỷ 19 đã từng bước thiết lập một nền công nghiệp tự cường, theo kiểu tư bản. Sử gọi đây là phong trào Dương Vụ (kéo dài cho đến những năm 90 của thế kỷ 19), mà đại biểu của phái này là Tăng Quốc Phiên, Tả Tông Đường và Lý Hồng Chương. Họ chủ trương liên kết với tư bản nước ngoài, xây dựng công nghiệp quân sự, trang bị lại quân đội theo kiểu phương Tây... Theo đó, giới thương gia cũng bắt đầu nhập cuộc. Họ cùng nhau thành lập và phát triển các ngành nghề, như: ươm tơ, làm bột, làm diêm, làm giấy, in ấn, khai mỏ, vận chuyển, chế tạo và sửa chữa cầu, v.v...Nhờ vậy, Trung Quốc dần có được những cơ sở công thương nghiệp khá hiện đại.

Về mặt quân sự, ở thời Đồng Trị, Trung Quốc tiếp tục bị các nước Anh, Mỹ và Nhật Bản gây sức ép nặng nề. Đáng kể là vụ:

-Năm 1867, một chiếc tàu Mỹ đụng phải đá ngầm bị chìm ở Đài Loan. Mỹ vin cớ đó cho rằng người dân ở nơi đấy đã giết hết thủy thủ của họ, nên sai quân đến tàn sát dân chúng. Nhưng sau đó, quân Mỹ phải rút đi vì bị người dân chống cự rất quyết liệt.

-Năm 1874, Nhật Bản được Mỹ giúp đánh chiếm Đài Loan, nhưng rồi cũng phải rút đi vì bị người dân địa phương chống đối quá. Tuy vậy, Thanh đình phải bồi thường cho Nhật Bản 50 vạn lạng bạc.

-Năm 1875, sau khi đế quốc Anh thôn tính xong Miến Điện, thì bắt đầu xâm lược tỉnh Vân Nam (Trung Quốc); buộc Thanh đình phải lý “Điều ước Yên đài” cho phép họ được hoạt động ở các tỉnh Vân Nam, Tứ Xuyên, Tây Tạng, Cam Túc và Thanh Hải.

2.2 Về việc trong cung:
Khi Tải Thuần mới lên nối ngôi, Từ An thái hậu và Từ Hi thái hậu cùng thính chính, nhưng lần lần Từ Hi lấn Từ An, quyết định hết mọi việc. Năm 1872, hai bà tính lập hậu (cưới vợ) cho ông. Nhưng vì Đồng Trị không ưa mẹ đẻ mà quí Từ An, nên đã chọn A Lỗ Đặc do Từ An giới thiệu và là người ông mến vì hiền đức. Bởi việc này mà Từ Hi thù cả Đồng Trị lẫn Từ An [2]. Sau khi cưới xong, Từ Hi cấm Đồng Trị đến chung chăn gối với A Lỗ Đặc, mà phải làm việc này với một cung phi tên là Phong. Đồng Trị cương quyết không chịu.
Học giả Nguyễn Hiến Lê viết:
Có lẽ do đó mà ông sinh ra chán nản, đau khổ; thường cùng với một vài hoạn quan ban đêm trốn ra khỏi thành đi chơi phố phường, có lần sáng về trễ, không kịp buổi triều. Hai năm sau ông chết, sử chép là do bệnh “thiên hoa” (đậu mùa), nhưng dân gian thì cho rằng ông mắc bệnh hoa liễu. Ông chết rồi, A Lỗ Đặc sống rất khổ sở. Sau đó, Từ Hi cho bãi chức cha bà (Thị lang Sùng Khởi) và bắt bà phải tự tử để không được làm thái hậu mà “ thùy liêm thính chính” (rủ mành nghe việc triều chính) trong đời vua sau.
Đồng Trị không có con, Từ Hi lựa một người cháu trong hoàng tộc, mới lên 4 tuổi, em con chú của Đồng Trị, đưa lên ngôi để dễ thao túng, đó là Hoàng đế Quang Tự…[3]

Bùi Thụy Đào Nguyên, giới thiệu.
Chú thích:
[1] Nhiệt Hà nằm ở phía Bắc của Vạn lý trường thành, phía Tây của Mãn Châu Lý, phía Đông của Mông Cổ. Thủ phủ là thành phố Thừa Đức. Tỉnh này rộng 114 nghìn km2.
[2] Năm 1891, đời Quang Tự, Thái hậu Từ An đột ngột qua đời. Theo Nguyễn Hiến Lê thì Từ An bị Từ Hi đầu độc, chỉ vì bà bắt gặp một nhà sư ở trong phòng ngủ của Từ Hi. Từ An bỗng dưng nổi cơn đau bụng rồi chết, không ai hay (tr. 251). Cựu hoàng Phổ Nghi nói rằng Từ An đột tử là vì ăn điểm tâm do Từ Hi đưa đến (tr. 17).
[3] Theo Sử Trung Quốc (Tập 2, tr. 250-251). Cựu hoàng Phổ Nghi kể: Theo suy luận của mọi người, Đồng Trị chết vì mắc bệnh hoa liễu. Nhưng theo nhật ký của đại thần Ông Đồng Hòa và những gì tôi được biết, thì Đồng Trị mất vì bệnh đậu mùa. Tuy bệnh này không gây chết người, nhưng trong lúc bệnh, Đồng Trị lại bị khích động mạnh (Hoàng hậu A Lỗ Đặc đến thăm Đồng Trị rồi khóc lóc với ông, kể rằng bà thường bị Từ Hi trách mắng vô cớ. Từ Hi nghe trộm xông ra túm lấy tóc A Lỗ Đặc đánh túi bụi, rồi còn đòi dụng hình nữa, khiến Đồng Trị sợ đến hôn mê), dẫn tới biến chứng "đậu nội hàm" cùng với việc chữa trị không đúng cách, nên đã dẫn tới tử vong (tr. 12).

Sách tham khảo:
■Nguyễn Hiến Lê, Sử Trung Quốc (Tập 2 và Tập 3 in chung). Nhà xuất bản Văn hóa, 1997.
■Phan Khoang, Trung Quốc sử lược. Văn sử học xuất bản, Sài Gòn, 1970.
■Vũ Dương Ninh-Nguyễn Văn Hồng, Lịch sử thế giới cận đại. Nhà xuất bản Giáo dục, 2008
■Phổ Nghi, Nửa đời đã qua (hồi ký). Nhà xuất bản Thanh Niên, 2009.
■Nguyễn Khắc Thuần, Các đời đế vương Trung Quốc. Nhà xuất bản Giáo dục, 2005.

Không có nhận xét nào: