Hình ảnh

Hình ảnh

Thứ Bảy, 20 tháng 11, 2010

Lưu Ngạc và Lão Tàn du ký

Lưu Ngạc (1857 - 1909), trước tên là Mộng Bằng, tên chữ là Văn Đoàn; sau đổi thành Ngạc, tên chữ là Thiết Vân, hiệu là Hồng Đô, Bách Luyện Sinh. Ông là một nhà văn Trung Quốc thời cận đại, nổi tiếng với quyển tiểu thuyết Lão Tàn du ký.

I. Tác giả:
Lưu Ngạc sinh trưởng trong một gia đình quan lại ở huyện Đan Đồ, tỉnh Giang Tô, sau di cư sang huyện Hoài An cùng tỉnh.

Ông là người có tính phóng khoáng, không theo quy cũ, ham đọc sách. Thuở trai trẻ, ông đi thi Hương nhưng không đỗ, bèn chuyên tâm vào các môn khoa học, như toán học, y học, thủy lợi, văn tự học...

Sau, ông lần lượt trải qua các nghề: kinh doanh thuốc lá ở Hoài An, làm thầy thuốc ở Dương Châu, mở Thạch Ấn thư xã ở Thượng Hải,...nhưng đều thất bại, khiến mất cả gia nghiệp.

Năm Quang Tự thứ 14 (1888), sông Hoàng Hà làm vỡ đê ở Trịnh Châu. Lưu Ngạc đến xin với Ngô Đại Trừng tham gia việc trị thủy. Thành công, ông trở nên nổi tiếng, được tiến cử với Thanh đình ở Bắc Kinh, được bổ chức quan, thăng dần đến Tri phủ.

Năm 1890, Lưu ngạc tham gia phong trào Dương vụ [1], đốc thúc chính quyền mượn vốn của nước ngoài để mở đường sắt và khai thác khoáng sản. Vì việc này, mà phải thủ cựu coi ông là Hán gian.

Năm Canh Tý (1900), ông chuyển đến ở Thượng Hải, mở mang công thương nghiệp, như làm muối, làm hàng dệt,...nhưng không hiệu quả.
Cũng trong năm này, liên quân tám nước kéo vào Bắc Kinh, cộng thêm sự loạn lạc bấy lâu nay, làm cho nạn đói hoành hành rất dữ ở nơi đây. Thấy vậy, ông thương lượng với quân Nga đang nắm giữ kho lúa của triều đình mà họ định dùng làm chất đốt, để mua lại với giá rẻ, rồi bán lại với giá rẻ cho dân (có người nói ông không bán mà chỉ phát chẩn cho dân đói), cứu sống được rất nhiều người. Vì việc này, mà ông bị người khác phe vu là “tự ý mua bán thóc kho”, là “biển thủ kho lúa”.

Mấy năm sau, khi phong trào bài ngoại lên cao, Lưu Ngạc trở thành đối tượng thù ghét của phái thủ cựu, vì ông là một trong số người đã ủng hộ việc hợp tác với người nước ngoài để làm kinh tế trong nước. Bấy giờ, tướng Viên Thế Khải, một người trước đây đã bị ông từ chối tiến cử, nhân cơ hội này bèn cho truy tội ông (vụ kho lúa), rồi đày ông đi sung quân ở Tân Cương.
Mười ba tháng sau, ông chết vì bệnh bại (1909), được đưa về chôn cất ở quê nhà là huyện Hoài An.

II. Tác phẩm:
Lưu Ngạc để lại các tác phẩm:
-Lão Tàn du ký.
-Thiết vân tàn quy: Sách sưu tập chữ viết trên xương và mai rùa (giáp cốt văn tự).
-Trị hà ngũ thuyết: Năm thuyết về trị thủy sông Hoàng Hà.
-Lịch đại Hoàng Hà biến thiên đồ khảo: Khảo cứu bản đồ biến thiên của sông Hoàng Hà qua các đời.

Trong số đó, thì Lão Tàn du ký (Du ký của Lão Tàn) là tác phẩm đã làm nên tên tuổi ông.
Đây là truyện dài theo lối chương hồi do Lưu Ngạc viết vào những năm 1903 - 1906, tức cuối đời Thanh ở Trung Quốc. Theo các nhà nghiên cứu văn học Trung Quốc, thì tác phẩm này thuộc thể loại “Tiểu thuyết khiển trách”.
Bởi lúc bấy giờ địa vị tiểu thuyết mới chính thức được đề cao, và nhiều tác giả đã có ý thức rõ rệt về mục đích sáng tác. Họ đã dùng tiểu thuyết để phơi bày và tố cáo thực trạng xấu xa của xã hội, sự sa đọa của giới quan lại và triều đình nhà Thanh trước vận mệnh đen tối của đất nước. Do đó đã xuất hiện hàng loạt những tiểu thuyết mang tính chất hiện thực, mang nội dung liên quan mật thiết đến những vấn đề thời sự nóng bỏng, mà các nhà nghiên cứu văn học của Trung Quốc thường gọi là Khiển trách tiểu thuyết. Một trong số tác phẩm tiêu biểu và xuất sắc của thể loại này là Lão Tàn du ký.

Xét về văn bản, Lão Tàn du ký gồm tập I (20 hồi) và tập II (9 hồi) [2]. Ban đầu (1906), từ hồi 1 đến hồi 13 được đăng từng kỳ trên tờ bán nguyệt san Tú tượng tiểu thuyết, sau mới đăng đầy đủ trên Nhật nhật tân văn ở Thiên Tân. Do nội dung truyện hấp dẫn, có sức thu hút bạn đọc, nên sau đó được in thành sách (tái bản nhiều lần), và được trích giảng trong các sách giáo khoa ở Trung Quốc .
Tuy nhiên, theo nhà văn Lỗ Tấn, thì 20 hồi đầu (tức tập I) là của Lưu Ngạc, có lời tựa cho chính ông viết vào đầu năm Bính Ngọ (1906) tại Thượng Hải; còn hai ba hồi cuối (ý nói tập II), có người nói là do người con viết nối thêm.

Về nội dung, Lão Tàn du ký chép chuyện một nhà nho tên là Thiết Anh, hiệu Lão Tàn. Ông có tính hào hiệp, có kiến thức về kinh tế; nhưng không chịu làm quan, mà làm ông lang dạo, đi khắp miền Sơn Đông, tiếp xúc với mọi giới trong xã hội, nhìn thấy mọi cảnh đau khổ của dân chúng, rồi kể lại những điều mắt thấy tai nghe trên suốt dọc đường. Đó là thói nhũng nhiễu, tham lam, bỉ ổi, hay dùng cực hình giết hại dân lành, v.v...của các quan lại; là số phận bi thảm, cai đắng của những người thất cơ lỡ vận, nhất là phụ nữ mà Lão Tàn góp phần phanh phui và ra tay cứu vớt...

Đánh giá tác phẩm này, học giả Nguyễn Hiến Lê viết:
Ở "Lão Tàn du ký", ngọn bút của Lưu Ngạc vừa có tính cách hiện thực phê phán, vừa có tính cách lãng mạn. Ông dùng chữ rất khéo, miêu tả sinh động. Tuy nhiên, bố cục cũng rời rạc như các trường thiên tiểu thuyết hồi đó, không có nhân vật nổi bật và cố sự cứ nối tiếp nhau, chứ không có liên lạc gì mật thiết với nhau.
Tập nhì "Lão Tàn du ký" kể tiếp chuyện ông lang già đó đi chơi miền núi Thái Sơn, nội dung kém tập trên, đầy những tư tưởng Phật học mà thiếu sự nhận xét về thế sự (Văn học Trung Quốc hiện đại, tr. 82
).

Bùi Thụy Đào Nguyên, giới thiệu.

Chú thích:
[1] Đây là phong trào xây dựng công nghiệp “tự cường” theo lối tư bản của giai cấp phong kiến nhà Thanh (Trung Quốc) từ những năm 60 - 90 của thế kỷ 19.
[2] Ghi theo Phạm Tú Châu (tr. 901). Nguyễn Hiến Lê ghi tập II chỉ có 6 hồi (tr. 81).
Sách tham khảo:
•Lỗ Tấn, Sơ lược lịch sử tiểu thuyết Trung Quốc (Lương Duy Tâm dịch). Nhà xuất bản Văn hóa, 1996.
•Nguyễn Hiến Lê, Văn học Trung Quốc hiện đại. Nhà xuất bản Văn học, 1993.
•Phạm Tú Châu, mục từ Lưu Ngạc in trong Từ điển văn học (bộ mới). Nhà xuất bản Thế giới, 2004.
•Trần Văn Chánh, Lời giới thiệu sách Lão Tàn du ký (bản dịch 20 hồi đầu của Trần Văn Chánh). Nhà xuất bản Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh, 1989.

Không có nhận xét nào: