Hình ảnh

Hình ảnh

Thứ Năm, 18 tháng 11, 2010

Hoàng đế Quang Tự


Ảnh: Hoàng đế Quang Tự

Hoàng đế Quang Tự (1871 – 1908), tên húy là Ái-tân-đảng-la Tải-điềm (sử Việt Nam ghi là Tái/Tải Điềm), là vị Hoàng đế thứ 10 của nhà Thanh trong lịch sử Trung Quốc. Ông trị vì từ năm 1875 - 1908 chỉ với một niên hiệu là Quang Tự.
Năm 1898, Quang Tự làm cuộc biến pháp để canh tân đất nước. Sợ mất lộc vị, phái thủ cựu (Hậu đảng) mà người đứng đầu là Thái hậu Từ Hi, đã chống đối việc cải cách rất quyết liệt. Thế nhưng, Quang Tự cương quyết, bảo:“ Không cho ta biến pháp thì giết ta còn hơn".


Quang Tự là con của Thuần-hiền-thân Vương Ái-tân-đảng-la Dịch-hoàn (sử Việt ghi là Dịch Hoàn), mẹ là người họ Hiệp-hách-na-lạp, em của Thái hậu Từ Hi.

Năm 1875, Hoàng đế Đồng Trị (tên thật là Ái-tân-đảng-la Tải-thuần, sử Việt ghi là Tải Thuần, con ruột Thái hậu Từ Hi) mất vì bệnh, Thái hậu Từ Hi cùng với Thái hậu Từ An liền giáng chỉ đưa Tải-điềm (4 tuổi) vào cung, cho làm con nối nghiệp rồi đưa lện kế vị ngay năm ấy, lấy niên hiệu là Quang Tự.

Tuy Quang Tự làm Hoàng đế, nhưng chỉ là hư vị, vì mọi quyền hành đều ở trong tay Thái hậu Từ Hi. Theo Nguyễn Hiến Lê thì ngay từ khi vào cung, vị Hoàng đế này đã bị Từ Hi quản thúc chặt chẽ quá, mỗi chút là bị quát tháo, đánh đập, hoặc bắt quì cả mấy giờ. Vì vậy, Quang Tự sợ người dì này như sợ cọp, bảo gì cũng phải nghe theo...Thái giám Lý Liên Anh, vốn được Từ Hi sủng ái, cũng hùa theo ăn hiếp Hoàng đế. Sau này, Quang Tự có một quí phi rất hiền mà ông rất quí mến, Lý Liên Anh cũng tìm cách xô nàng xuống giếng, rồi sai thủ hạ lấy đá lấp lại.

Chính biến Mậu Tuất (1898) xảy ra, Hoàng đế Quang Tự bị giam 10 năm ở Doanh Đài, trong một căn phòng bẩn thỉu, ăn không đủ no, mặc không đủ ấm...cho đến khi chết (1908) [1].

Hoàng đế Quang Tự qua đời ngày 14 tháng 11 năm 1908 (một ngày trước khi Thái hậu Từ Hi mất) ở tuổi 37 và ở ngôi được 33 năm. Ông được đình thần tôn miếu hiệu là Đức Tông Đồng Thiên Sùng Vận Đại Trung Chí Chính Kinh Văn Vĩ Vũ Nhân Hiếu Mẫn Trí Đoan Kiệm Khoan Cần Cảnh Hoàng Đế, gọi tắt là Đức Tông.

Kế ngôi Quang Tự là Ái-tân-đảng-la Phổ-nghi (sử Việt ghi là Phổ Nghi). Đây là vị Hoàng đế cuối cùng của triều Thanh.

Cuộc đời làm vua của Quang Tự gắn lền với công cuộc biến pháp năm Mậu Tuất (1898).
Theo sử liệu thì sau trận Chiến tranh Thanh-Nhật (tháng 7 năm 1894), bị một nước nhỏ là Nhật Bản đánh thua, nhiều kẻ sĩ Trung Quốc bỗng thức tỉnh. Họ nhận ra rằng cần mà phải thay đổi chế độ và duy tân mọi mặt mới chấn hưng được nước nhà. Trong số ấy, có Khang Hữu Vi và Lương Khải Siêu (học trò ông Vi) là người hăng hái nhất.

Sau vài lần dâng thư lên Hoàng đế Quang Tự xin biến pháp duy tân (gọi vắn là biến pháp), bị các đình thần không đồng tình ém nhẹm, tháng 6 năm 1896, thầy trò Khang Hữu Vi lại dâng thư lần nữa. Lần này nhờ có Ông Đồng Hòa (đang làm Thượng thư bộ Hộ, tước Hiệp biện đại học sĩ, trước là thầy học của Quang Tự) tiến cử nên thành công.

Tuy nhiên, mãi đến ngày 11 tháng 6 năm Quang Tự thứ 28 (1898), công cuộc biến pháp mới chính thức khởi sự, vì lúc này Từ Hi đã lui về nghỉ ở Di Hòa viên, giao lại mọi quyền hành cho Hoàng đế (dĩ nhiên vẫn luôn theo dõi mọi hành động của Quang Tự).

Thế nhưng chỉ mấy ngày sau, thì vấp phải sự chống đối của phái Hậu đảng, tức phe phái của Thái hậu Từ Hi [2]. Đàm Tự Đồng, một thành viên của phái duy tân, thấy vậy bèn khuyên Quang Tự đoạt lấy chính quyền. Hoàng đế nghe lời bèn triệu Viên Thế Khải lúc đó đang thống lĩnh 7.000 quân về Bắc Kinh bàn việc, có ý dùng quân của Viên để bao vây Di Hòa Viên.

Chẳng may việc đó bị tiết lộ (chính Viên phản Hoàng đế Quang Tự, vì thấy Từ Hi và phe cánh của bà hãy còn mạnh). Sau đó, dựa vào lực lượng quân đội của Vinh Lộc (Tổng đốc Trực Lệ), bà ra lệnh bắt giam Hoàng đế Quang Tự và các thành viên đứng đầu phái Duy Tân, đồng thời cho bãi bỏ hết những cải cách mà Hoàng đế vừa ban ra. Sử gọi vụ đấy là Chính biến Mậu Tuất (1898), là Bách nhật duy tân (Cuộc cải cách trăm ngày).

Về sau khi nghiên cứu lịch sử Trung Quốc ở giai đoạn này, nhà sử học Will Durant đã tiếc rằng:
Tuy Từ Hi thái hậu và các cận thần của bà cực lực chống đối phong trào ấy (duy tân), nhưng nó vẫn ngầm lôi cuốn được ông vua trẻ là Quang Tự. Rồi đột nhiên, nhà vua không hỏi ý kiến “Phật bà” (Từ Hi), ban hành một loạt lệnh sắc táo bạo. Nếu những sắc lệnh này thực hành được thì Trung Hoa đã yên ổn nhảy một bước lớn lao theo con đường Âu hóa, nhà Thanh không bị sụp đổ, mà Trung Hoa cũng không bị khốn cùng (Lịch sử văn minh Trung Quốc, tr. 274)

Bùi Thụy Đào Nguyên, soạn
Chú thích:
[1] Lược theo Sử Trung Quốc (Tập 2, tr. 251). Tác giả Phổ Nghi cho biết cái chết của Quang Tự là một nghi án. Theo lời kể của viên thái giám già Lý Tường An, thì Quang Tự mất vì bị Khánh Vương Dịch Khuông và Viên Thế Khải đầu độc. Cũng có lời đồn đãi cho rằng do Từ Hi giết chết vì "bà không cam tâm chết trước vua Quang Tự" (Nửa đời đã qua, tr. 29-30).
[2] Theo Lịch sử thế giới cận đại thì phái này đã chủ trương rằng: “Thà mất nước chứ không biến pháp” (tr. 351).

Sách tham khảo:
-Nguyễn Hiến Lê, Sử Trung Quốc (Tập 2 và Tập 3 in chung). Nhà xuất bản Văn hóa, 1997
-Will Durant, Lịch sử văn minh Trung Quốc (Nguyễn Hiến Lê dịch). Đại học sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh xuất bản, 1980.
-Phổ Nghi, Nửa đời đã qua (hồi ký). Nhà xuất bản Thanh Niên, 2009.
-Vũ Dương Ninh - Nguyễn Văn Bồng, Lịch sử thế giới cận đại. Nhà xuất bản Giáo dục, 2008.
Nguyễn Khắc Thuần, Các đời đế vương Trung Quốc. Nhà xuất bản Giáo dục, 2005. Các tên phiên âm ở trong bài đều ghi theo sách này.

Không có nhận xét nào: