Giới thiệu Gia Định thất thủ vịnh
Gia Định thất thủ vịnh là một bài phú Nôm của Việt Nam, gồm 19 vế (mỗi vế có hai câu) và một bài thơ thất ngôn bát cú, chưa xác định được tác giả, chỉ biết ra đời sau khi quân Pháp đánh chiếm Gia Định vào năm 1859.
Bài phú do học giả Trương Vĩnh Ký sưu tầm đầu tiên, phiên âm và giới thiệu trong Saigon d’ autrefois (do C.Guilland et Martion ấn hành năm 1882), và ghi là khuyết danh vào năm 1882. Tuy nhiên, lúc bấy giờ ông chỉ mới sưu tầm được 7 câu. Mãi về sau, tác phẩm mới được sưu tầm đầy đủ và được giới thiệu trong Thi văn quốc cấm thời thuộc Pháp của Thái Bạch, Giai thoại làng Nho Lãng Nhân, Tập Thành của Vương Hồng Sển, Hào khí Đồng Nai của Ca Văn Thỉnh, v.v...
Theo Thái Bạch và Lãng Nhân, thì tác giả là Phan Văn Trị, nhưng cả hai ông đều không nêu ra chứng cứ. Vì thế, nhóm tác giả sách Sài Gòn Gia Định qua thơ văn xưa (tr. 280), và Ca Văn Thỉnh trong sách Hào khí Đồng Nai (tr. 138), vẫn ghi là khuyết danh.
Trong Tập Thành của học giả Vương Hồng Sển, thì bài này còn có tên là Gia Định phú (bài 2). Ông gọi vậy là để phân biệt với bài 1 là "Gia Định phú" (còn có tên là "Cổ Gia Định phong cảnh vịnh").
Năm 2012, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu đã chọn bản của Vương Hồng Sển (vì đầy đủ hơn cả, tuy nhiên vẫn sử dụng các bản khác để hiệu đính và bổ túc) để in trong Tổng tập địa dư địa chí Việt Nam (tập 3), có kèm theo lời dẫn và chú thích của Trương Vĩnh Ký. Trong các bản ở trong các sách khác, có một số chữ dị bản.
Giới thiệu bài phú
-Lời dẫn của Trương Vĩnh Ký
Vịnh này ai làm ra thì không có biết rõ, mà văn làm hay, đối đáp cân xứng. Xem hãy còn dài nữa, mà thấy bổn chép có bấy nhiêu, thì ta cũng chép lại bấy nhiêu. Bấy nhiêu cũng đủ hiểu ý tứ và chí khí của kẻ làm. Chính ý là tiếc đất cũ của mình nay đã về tay giặc; đổ cho đạo tuần hườn trời đất đổi dời khiến cho giặc mạnh. Khí giới giỏi, cơ xảo đến đánh mà lấy đi.
P.J.B. Trương Vĩnh Ký.
-Toàn văn bài phú
1. Thương thay đất Gia Định! Tiếc thay đất Gia Định!
Vực thẳm nên cồn, đất bằng nổi sóng.[I]
2. Tàu khói chạy mây tuôn sông mấy khúc, lờ lạt bến Trâu [1]
Dây thép giăng chớp nhoáng đất ngàn trùng, ngã xiêu thành Phụng [2].
3. Bờ cõi phân chia khác mặt, trông ra như quáng như mù.
Giang sơn dời đổi lạ mày, tưởng tới dường mê dường tỉnh.[II]
4. Lớp cũ tàn, lớp mới mọc, ngổn ngang xe ngựa đất gò bằng.
Dấu trước lấp, dấu sau bồi, tan nát cửa nhà trời dậy sấm.[III]
5. Inh ỏi súng rền kinh cửa Bắc, hãi hùng trăm họ dứt câu ca [3]
Tò le kèn thổi trời Nam, mờ mịt năm canh không tiếng trống.[IV]
6. Hào kiệt tìm phương lánh mặt, sa cơ gió hạc lúc hư kinh [4] [V]
Anh hùng kiếm chốn ẩn thân, sút thế nước cờ cơn lúng túng.
7. Từ Bến Thành [5] trải qua chợ Sỏi [6] loài tanh hôi lang lệ biết bao nhiêu.[VI]
Nơi Chợ Lớn [7] sắp tới Cầu Kho [8], quân mọi rợ lẫy lừng nên quá lắm.
8. Cầu Thị Nghè [9] cùng nơi Chợ Quán [10] chúa Giê-giu đắc ý vểnh râu.
Chùa Cẩm Đệm [11] trải đến Cây Mai[12], Phật Bồ Tát chịu nghèo ôm bụng.
9. Nơi nơi nổi xóm đạo nhà thờ.
Chốn chốn lập chùa thiêng miếu thánh[13]
10. Dọc dọc ngang ngang mấy lớp, thảy đều chúng nó lâu đài.
Văn văn võ võ hai bên, nào thấy quan ta võng lọng.
11. Ngậm ngùi thay ba bốn lân Gò Vấp [14], cây cỏ khô thân thế cũng khô.
Bát ngát nhẽ Mười tám thôn Vườn Trầu [15], hoa trái rụng, người đời cũng rụng.
12. Mấy dặm Gò Đen - Rạch Kiến [16], ngọn lửa thiêu sự nghiệp sạch không.
Đòi nơi Rạch Lá - Gò Công [17] trận gió quét cửa nhà trống rỗng.
13. Tiếng kêu oan, oan này vì nước, hồn nghĩa dân biết dựa vào đâu?
Thân liều thác, thác cũng vì vua, xương nghĩa sĩ chất đà đầy đống.
14. Sông núi đào, mồ xiêu mả lạc, thương thay kẻ thác chẳng an hồn.
Đường sá đắp, cửa nát nhà tan, cực bấy người còn khôn nỗi sống.
15. Sau trước vầy đàng tả đạo, dân ta đòi bữa đòi suy.
Đêm ngày ỏi tiếng Lang Sa [18], thế nó càng ngày càng lộng.
16. Cờ Thành Thang [19] sao không thấy phất, bỏ liều con đỏ chốn chông gai.
Áo Võ Vương [20] sao chẳng thấy cài, nỡ để dân đen trong bùn lấm.
17. Đầu Trung nguyên tóc hãy còn dài, công này nhờ Chu Bá, học Xuân Thu xin chớ biếm Hoàn Công [21].
Tay tả nhậm áo kia khỏi mặc, việc ấy bởi vì ai, học Luận ngữ cớ sao chê Quản Trọng [22].
18. Bóng xế dặm ngàn trong man mác, nước non này ai thấy chẳng buồn.
Trời chiều chim chóc nhảy lăng xăng, tình cảnh ấy lòng nào chẳng động?
19. Nay ta nhân cảm việc đời,
Vậy mới tả một bài ngâm vịnh:
Dắng dỏi lầu Tây tiếng địch xoang,
Đoái trông thấp thoáng bóng dương tàn.
Giang sơn tám cõi êm tì báo
Thế giới ba ngàn nổi sói lang.
Áy náy người lo ơn cúc dục,
Bâng khuâng kẻ tưởng nghĩa quân vương.
Ai về bến bắc thăm người Võ,
Hỏi cán cờ mao trải mấy sương?
Chú thích của Trương Vĩnh Ký:
[I] Đổi dời đời biến loạn, nổi giặc Tây lên.
[II] Chỉ đất Gia Định đã đổi dời khác quá, không còn nhìn được nữa. Mà nghĩ đất giang san cố cựu lại dường tỉnh dường mê.
[III] Cái cũ đã tàn đi, bây giờ ra lớp mới, xe ngựa dập diều. Cửa nhà xưa phá tan hết, bây giờ nhà mới xây gạch đá, lầu hiên chập chồng.
[IV] Súng Tây bắn rền đất, thiên hạ kinh hãi dập tiếng âu ca, là đổi thạnh ra loạn, thái bình ra giặc giã. Bây giờ nghe tiếng kèn tây thổi tò tó te, đêm không nghe tiếng trống canh như xưa.
[V] Gió hạc lúc hư kinh: hạc nghe gió dậy thất kinh (phong thinh hạc lụy).
[VI] Tinh chuyên hay tanh hôi cũng vậy.
Ý kiến của Nguyên: Mặc dù làm việc cho thực dân Pháp, nhưng ở đây Trương Vĩnh Ký vẫn gọi
họ là "giặc". Đọc các chú thích trên của ông đều thấy toát lên nỗi ngậm
ngùi vì cảnh "nước mất, nhà tan".
Bùi Thụy Đào Nguyên giới thiệu.
Chú thích:
[1] Bến Trâu (tên chữ là Ngưu Chử) tức Bến Nghé (bờ sông Tôn Đức Thắng, quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh ngày nay).
[2] Năm 1835, sau khi đánh dẹp cuộc nổi dậy Lê Văn Khôi, vua Minh Mạng sai phá thành cũ (thành Quy, có 8 cạnh), xây thành mới gọi là "Thành Phụng" (là thành tứ giác có 4 cạnh). Năm 1859, quân thực dân Pháp tấn công thành. Và sau khi thành bị đánh hạ, họ đã phá hủy hoàn toàn.
[3] Có bản chép là “âu ca”, có nghĩa là hát để khen ngợi công đức.
[4] Hư Kinh: kinh hãi vì việc không đâu.
[5] Chợ Bến Thành xưa nằm ở góc bờ sông Sài Gòn với đường Kinh lấp (nay là đường Nguyễn Huệ).
[6] Chợ Sỏi (vì nơi bến sông có nhiều cát sỏi nên gọi vậy) nằm sát vàm Bến Nghé, thuộc làng Tân Khai; nay là đầu đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh. Sau khi người Pháp qui hoạch lại thành phố Sài Gòn thì chợ không còn nữa.
[7] Chợ Lớn nói đây nay ở trung tâm quận 5, Thành phố Hồ Chí Minh.
[8] Gọi là Cầu kho vì xưa kia có cái cầu bắc ngang qua con rạch ăn vào kho cẩm Thảo (nơi chứa lúa từ lục tỉnh chở lên nộp cho vua). Theo Nguyễn Đình Đầu thì Cầu Kho ở bờ rạch Bến Nghé, nơi đầu đường Trần Đình Xu, quận 1 ngày nay.
[9] Cầu Thị Nghè là cây cầu bắc qua rạch Thị Nghè (đoạn gần hạ lưu đổ vào sông Sài Gòn), nối quận 1 và quận Bình Thạnh . Cầu xưa kia do bà Nguyễn Thị Khánh (con gái tướng Nguyễn Cửu Vân) làm ra để chồng tiện đường qua Sài Gòn làm việc.
[10] Chợ Quán khi trước ở tại làng Tân Kiểng (kế làng Nhơn Giang và Bến Nghé) nên còn gọi là chợ Tân Kiểng. Đây là một trong số ít ngôi chợ có từ nửa cuối thế kỷ 18 ở trấn Phiên An. Gọi là Chợ Quán vì thuở trước chợ nhóm ở lối nhà thương Chợ Quán (nay là Trung tâm Bệnh Nhiệt Đới ở số 190 Bến Hàm Tử, phường 1, quận 5, Thành phố Hồ Chí Minh), chung quanh chợ có nhiều quán xá. Theo Nguyễn Đình Đầu, thì Chợ Quán nằm ở khoảng đường Trần Bình Trọng ra bến Hàm Tử thuộc quận 5 ngày nay.
[11] Chùa Cẩm Đệm tức chùa Giác Lâm, hiện tọa lạc tại số 118 đường Lạc Long Quân, thuộc phường 10, quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh.
[12] Chùa Cây Mai tọa lạc trên gò Mai, thuộc Gia Định xưa. Trong thời Pháp thuộc, ngôi chùa đã bị tháo gỡ, chỉ còn lại một gò Mai gần như phẳng lì, nằm ở góc đường Hồng Bàng-Nguyễn Thị Nhỏ thuộc phường 16, quận 11, Thành phố Hồ Chí Minh.
[13] Tác giả không ưng cả “xóm đạo nhà thờ” lẫn “chùa thiêng miếu thánh”, theo tinh thần của "Dương Từ-Hà Mậu" của Nguyễn Đình Chiểu chăng ? (chú thích của Nguyễn Đình Đầu).
[14] Gò Vấp tức "gò có nhiều cây vắp" (vắp nói trại thành vấp). Người Chăm gọi cây này là Krai và xem như là thần mộc, yểm hộ cho dân tộc họ. (Gia Định xưa, tr. 93). Đất Gò Vấp xưa thuộc tổng Bình Trị Hạ, huyện Bình Dương, tỉnh Gia Định (1836); nay thuộc quận Gò Vấp, Thành phố Hồ Chí Minh.
[15] Mười tám thôn Vườn Trầu, (tên chữ là Thập bát phù viên), là một tên gọi dùng để chỉ địa danh của một vùng đất, mà nay bao gồm địa giới của huyện Hóc Môn, Quận 12 và một phần huyện Củ Chi, Thành phố Hồ Chí Minh.
[16] Gò Đen - Rạch Kiến là hai địa danh; xưa thuộc huyện Phước Lộc (là một trong trong 4 huyện của phủ Tân An, thuộc tỉnh Gia Định), nay thuộc tỉnh Long An.
[17] Rạch Lá - Gò Công là hai địa danh; xưa thuộc huyện Tân Hòa, nay thuộc tỉnh Tiền Giang. Hai địa danh này gợi nhớ đến cuộc khởi nghĩa của Trương Định (bị quân Pháp đánh dẹp năm 1864).
[18] Lang Sa là phiên âm từ tên nước Pha Lang Sa hay Phờ Lăng Sơ (France) mà ra.
[19] Thành Thang, tên thật là Tử. Ông là người đã lật đổ vua Kiệt tàn bạo, và thành lập nhà Thương (Trung Quốc).
[20] Võ Vương tức Chu Vũ Vương, tên thật là Cơ Phát hay Tây Bá Phát. Ông là người đã lật đổ vua Trụ tàn bạo của nhà Thương, và thành lập nhà Chu (Trung Quốc). [21] Ý nói đời Chu, Tề Hoàn Công làm bá chủ chư hầu, đánh bại Nhung, Địch, bảo vệ nhà Chu và cứu nước nhà.
[22] Quản Trọng (725 TCN - 645 TCN) là một chính trị gia, nhà quân sự thời Xuân Thu (685 TCN) của Trung Quốc. Ông đã giúp Tề Hoàn Công chỉnh đốn chính trị và quân bị, tập hợp chư hầu xướng nghĩa tôn Chu (thiên tử) làm nên nghiệp bá. Câu này và câu trên đại để nói là nếu không có Tề Hoàn Công làm bá chư hầu, Quản Trọng làm tướng thì Trung Nguyên (là nơi phát nguyên của nền văn minh Trung Hoa) đã phải róc tóc, mặc áo cài bên trái (tả nhậm) kiểu man di (Nhung, Địch,...) rồi!
Tài liệu tham khảo:
-Nguyễn Đình Đầu, phần chú thích cho bản "Gia Định thất thủ vịnh" in trong Tổng tập dư địa chí Việt Nam (tập 4), Nxb Thanh Niên, 2011.
-Nguyễn Thị Thanh Xuân - Nguyễn Khuê - Trần Khuê, Sài Gòn-Gia Định qua thơ văn xưa. Nhà xuất bản Thành phố Hồ Chí Minh, 1987.
-Vương Hồng Sển, Sài Gòn năm xưa. Nhà xuất bản Thành phố Hồ Chí Minh, 1991.
-Vương Hồng Sển, Sài Gòn tạp phín lù. Nhà xuất bản Văn hóa-Thông tin, 1998.
-Huỳnh Minh, Gia Định xưa. Nhà xuất bản Văn hóa-Thông tin, tái bản năm 2006.
-Sơn Nam, Bến Nghé xưa. Nhà xuất bản Văn Nghệ Thành phố Hồ Chí Minh, 1981.
-Ca Văn Thỉnh, Hào khí Đồng Nai, Nhà xuất bản Thành phố Hồ Chí Minh, 1983.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét