Hình ảnh

Hình ảnh

Thứ Sáu, 17 tháng 12, 2010

Tướng Hồ Văn Bôi và khu đền mộ họ Hồ ở Biên Hòa

1. Tiểu sử:

Hồ Văn Bôi (còn gọi là Hồ Văn Vui, ? - 1804), là võ tướng và là ngoại thích triều Nguyễn trong lịch sử Việt Nam.

Ông Bôi là người ở Bình An, tỉnh Biên Hòa; nay thuộc quận Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh.

Cha ông là Hồ Văn Vân, từ Nghệ An vào Nam lập nghiệp.

Ông Bôi xuất thân làm Túc trực đội trưởng, từng hai lần theo chúa Nguyễn Phúc Ánh lưu vong ở Vọng Các (Xiêm La, nay là Thái Lan).

Mùa thu năm Đinh Mùi (1787), ông theo chúa Nguyễn về Long Hưng (tục gọi Nước Xoáy, thuộc Sa Đéc).

Tháng Giêng năm Mậu Thân (1788), ông theo chúa Nguyễn kéo binh về Gia Định, đánh nhau với quân Tây Sơn, được thăng làm Thuộc nội Cai đội. Kể từ đó, ông xông pha nơi trận mạc cho đến khi nhà Tây Sơn bị đánh đổ năm Nhâm Tuất (1802).

Tháng 6 (âm lịch) năm ấy, chúa Nguyễn Phúc Ánh lên ngôi tại Phú Xuân (Huế), lấy niên hiệu là Gia Long. Sau đó, Hồ Văn Bôi được thăng làm Tả thị trung Tả nhất Vệ úy, rồi đổi làm Khâm sai thuộc nội Chưởng cơ, quản lãnh Tả nhất vệ.

Nhưng chỉ hai năm, tức sau khi ông hộ giá vua Gia Long ra Bắc, ông xin cáo bịnh về hưu, rồi mất trong năm này (Giáp Tý, 1804)[1].

Năm Bính Dần (1806), con gái ông là Hồ Thị Hoa được chọn làm vợ Đông cung Nguyễn Phúc Đảm (sau là vua Minh Mạng, và bà là Tá Thiên nhân hoàng hậu).

Năm Bính Tuất (1826), vua Minh Mạng (tức con rể ông Bôi) cho truy tặng ông Bôi là Nghiêm Vũ tướng quân, Thượng bộ quân Đô thống, và vợ ông làm Nhị phẩm phu nhân.

Năm Tân Sửu (1841), vua Thiệu Trị (tức cháu ngoại ông Bôi) truy tặng ông Bôi là Đặc tiến tráng Vũ tướng quân, Tả quân Đô thống phủ, Đô thống chưởng phủ sự, Thái bảo, tước Phúc Quốc công, thụy là Trung Dũng. Vợ chính ông là Huỳnh Thị Lành được truy phong là Nhất phẩm Phúc Quốc phu nhân, và cho truy phong họ Hồ đến 4 đời trước.

2. Khu đền mộ họ Hồ ở Biên Hòa:
Ngoài việc gia phong trên, vua Thiệu Trị còn sai người lập đền thờ họ Hồ ở xã Xuân Hòa (huyện Hương Trà, phủ Thừa Thiên) và ở xã Linh Chiểu Tây (huyện Nghĩa An, tỉnh Biên Hòa). Lúc bấy giờ, cả hai đều gọi là "Hồ tộc từ". Năm Nhâm Tý 1852), nhà vua Tự Đức (tức chắt ngoại ông Bôi) cho đổi tên nhà thờ ở Biên Hòa là "Dũ trạch từ".

Lo lắng các ngôi mộ và nhà thờ của họ Hồ ở Biên Hòa bị xâm hại, nên xưa kia (1863) vua Tự Đức đã cử Phan Thanh Giản sang Pháp thương thuyết việc chuộc đất, một phần cũng vì điều này. Ngày 15 tháng 3 năm 1874, nỗi lo này một lần nữa đã thể hiện rõ ở điều 5 trong Hòa ước Giáp Tuất, trích:
...Mười một ngôi mộ của họ Phạm [2]...và ba ngôi mộ của họ Hồ ở trong lãnh vực làng Linh Chiểu Tây và Tân Mai (tỉnh Biên Hòa), không được bóc mộ, đào xới, xâm phạm hay đập phá. Sẽ cấp một lô đất rộng 100 mẫu cho các ngôi mộ nhà họ Phạm và một lô tương đương như thế cho nhà họ Hồ. Hoa lợi thu được trên các lô đất nầy được dùng để gìn giữ và bảo toàn các ngôi mộ và chu cấp các gia đình lo việc trông nôm các phần mộ. Các lô đất được miễn các thứ thuế và những người trong dòng họ Phạm, Hồ cũng sẽ được miễn thuế thân, khỏi thi hành quân dịch hay đi dân công…
.
Tuy nhiên khu đền mộ họ Hồ rộng lớn (khoảng 5.000 m2) xưa kia, ngày nay đã thành phế tích, và nằm lẫn trong khu dân cư ở quận Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh. Phần linh vị vợ chồng Hồ Văn Vân và linh vị vợ chồng Hồ Văn Bôi thì được người dân đưa vào thờ tại đình Linh Chiểu, quận Thủ Đức.

Bùi Thụy Đào Nguyên, giới thiệu.
Chú thích:
[1] Chép theo Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam (tr. 286). Sách Gia Định xưa chép ông Bôi mất năm 1806, tức ngay sau khi gả con gái cho Đông cung Nguyễn Phúc Đảm (tr. 71).
[2] Được gọi là Lăng Hoàng Gia, hiện ở xã Long Hưng, thị xã Gò Công. Ở đây có mộ của đại thần Phạm Đăng Hưng, cha của Thái hậu Từ Dũ.

Sách tham khảo chính:
-Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam chính biên liệt truyện (bản dịch). Nhà xuất bản Văn học, 2004.
-Huỳnh Minh, Gia Định xưa. Nhà xuất bản Văn hóa-Thông tin tái bản năm 2006.
-Nguyễn Q. Thắng - Nguyễn Bá Thế, Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam. Nhà xuất bản Khoa học xã hội, 1992.

Không có nhận xét nào: