Hình ảnh

Hình ảnh

Thứ Tư, 22 tháng 12, 2010

Dũng khí Đặng Đại Độ

Đặng Đại Độ (? - ?) là danh thần dưới thời chúa Nguyễn Phúc Khoát. Ông nổi tiếng là người thanh liêm, chính trực, đầy dũng khí, rất được người dân đương thời ngưỡng mộ.

Đặng Đại Độ là người làng Cư Triền, huyện Phong Đăng, phủ Quảng Bình (nay là làng Quảng Cư, thị trấn Kiến Giang, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình).

Cha ông là Thỏa Lộc hầu Đặng Đại Lược (1690-1764), thuộc dòng dõi Quốc công Đặng Tất. Ông là người có khí tiết, tài văn chương nên được bổ vào viện Văn chức trong phủ chúa Nguyễn Phúc Khoát. Mùa xuân năm Tân Dậu (1741), Đặng Đại Lược làm Ký lục doanh Bố Chính. Năm Bính Dần (1746), thăng ông làm Cai bạ doanh Quảng Nam. Tuy làm quan lớn nhưng cảnh nhà vẫn nghèo khó, gì không nhận quà biếu của ai.

Nhờ học giỏi, Đặng Đại Độ sớm đỗ Hương tiến (Cử nhân), được bổ vào viện Văn chức, nơi cha đang làm quan.

Năm Mậu Thìn (1748), Đặng Đại Độ làm Ký lục doanh Bình Khang (Khánh Hòa ngày nay). Năm Tân Tỵ (1761), có nhóm người ở Thạch Bích (Quảng Ngãi) nổi dậy, chúa Nguyễn Phúc Khoát sai ông cầm quân đi đánh. Xong việc, ông được cử làm Ký lục Quảng Nam, rồi làm Ký lục Trấn Biên (Biên Hòa).

Bấy giờ, có hai cai đội hầu cận chúa Nguyễn Phúc Khoát, nhận lệnh đi tìm bắt những con hát (ca nhi) đem về mua vui. Có lệnh chúa trong tay, hai viên chức này rất hống hách, làm nhiều điều trái phép nhưng không ai dám ngăn cản. Đến Trấn Biên, quen thói làm càn, Đặng Đại Độ sai bắt giết cả hai rồi cho đem xác treo ở chợ.

Ngay sau đó, ông xin rời nhiệm sở, tự mình mặc áo đơn, cổ đeo gông, đi bộ từ Trấn Biên ra thẳng Phú Xuân xin nhận tội. Cùng đi có đứa cháu gọi ông bằng chú. Người cháu đề nghị thuê võng cáng cho đỡ mỏi chân. Đại Độ đáp “Lại có hạng tội nhân mong được nhàn hạ ư?”.

Qua hơn một tháng đi bộ, Đặng Đại Độ tới kinh thành, vào bộ Hình dâng đơn xin tới nhà ngục chờ xét xử. Bộ Hình đem việc Đặng Đại Độ tâu lên, chúa Nguyễn cho triều kiến. Thấy ông không có triều phục, chúa sai người cấp cho, rồi chăm chú nghe ông nói rõ sự tình và lời xin nhận tội. Chúa Nguyễn an ủi, dụ rằng: "Khanh có tội gì đâu mà phải đọa đày mình khổ sở đến như vậy. Chỉ vì trẫm buồn phiền mệt nhọc nên mới bảo chúng nó tìm đôi đứa con hát về kinh giúp trẫm tiêu khiển, không dè chúng cậy thế hiếp người, giở thói làm càn, khanh giết đi là phải".

Biết ông là người liêm chính, chúa Nguyễn liền thăng Đặng Đại Độ làm Khâm sai tuần hành Ngũ phủ (Quảng Ngãi, Quy Nhơn, Phú Yên, Bình Khang, Bình Thuận) kiêm Tuần phủ Gia Định, được quyền xem xét phẩm hạnh của các quan dưới quyền mà tùy nghi giáng chức hay thăng chức quan lại ở sáu địa phương trên.

Đặng Đại Độ mất tại nhiệm sở (Gia Định), Đại Nam liệt truyện không cho biết năm nào, chỉ có lời ghi chú rằng do sự trạng cha con Đặng Đại Độ được biết muộn, cho nên sách “Thực lục” không kịp chép đến.

Phần mộ Đặng Đại Độ, hiện ở Lệ Thủy (Quảng Bình), cách mộ Nguyễn Hữu Cảnh không xa.

Bàn về ông, GS. Nguyễn Khắc Thuần viết:
Vì mục đích an dân, Đặng Đại Độ sẵn sàng nghiêm trị bất cứ một ai dám nhũng nhiễu dân. Thế ra, phép nước nghiêm hay không nghiêm, trước hết đều do ở người thực thi phép nước. Cổ kim vẫn có không ít những vị quan dũng cảm, dám vì công lý mà to gan đụng độ với các đấng quan trên; nhưng nghiêm với chính mình và tự xử chính mình như Đặng Đại Độ, quả thật là rất hiếm. Cuộc đời của ông đã vĩnh viễn khép lại từ lâu, nhưng khí khái của ông thì vĩnh tồn với đất Biên Hòa - Gia Định, với tất cả những ai khao khát quốc thái dân an (Lần giở trước đèn. Nhà xuất bản Thanh Niên, 2003, tr. 195-196).

Bùi Thụy Đào Nguyên, giới thiệu.

Không có nhận xét nào: