Hình ảnh

Hình ảnh

Chủ Nhật, 5 tháng 12, 2010

Chợ Thủ ở An Giang

Chợ Thủ là một địa danh ở xã Long Điền A, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang (Việt Nam), trên đoạn đường từ thị trấn Mỹ Luông đến thị trấn Chợ Mới.

1. Tên gọi:
Theo nhà văn Sơn Nam thì dịa danh Chợ Thủ là tên gọi tắt của Chiến Sai thủ sở, nằm ở phía tây sông Trà Thôn. Thủ là vì nơi đây có đón đồn (thủ là đồn quân có nhiệm vụ kiểm soát sông rạch). Chiến Sai là vì người dân Khmer gọi nơi đây là Kiến Sai (Kiên Svai), theo nghĩa là chòm cây xoài, nói trại ra là Chiến Sai. Đến đời Minh Mạng, Thủ Chiến Sai đổi tên là bảo An Lạc. Ngoài ra nơi đây còn được gọi là Củ Hủ, Cù Hu hay Cỗ Hỗ.

2. Lịch sử:
Năm 1700, Thống suất Nguyễn Hữu Cảnh đã cho đình binh (trú quân) tại tả ngạn sông Hậu (cồn Cây Sao, sau được gọi là Cù lao Ông Chưởng), trước khi qua sông Tiền, trút hơi thở cuối cùng tại Sầm Giang (Rạch Gầm, Mỹ Tho) vào năm đó. Số quân sĩ của Nguyễn Hữu Cảnh là những người Việt mang từ miền Trung vào, họ bắt đầu châm rễ tại những vùng đất mới, trong số đó có vùng Chợ Thủ.

Cũng theo Sơn Nam, thì Chợ Thủ là một vị trí chiến lược. Nó cùng với đạo Hùng Ngự (nay là Hồng Ngự) và Tân Châu là 3 cứ điểm quan trọng để coi giữ vùng Cù lao Giêng, lỵ sở của đạo Tân Châu [1]. Nhờ có đồn (thủ) từ xưa, nên nơi đây phát triển sớm hơn Chợ Mới (gọi Mới là vì mới thành lập sau khi Pháp đến). Và nhờ có gỗ súc từ Campuchia đưa về trạm kiểm lâm Tân Châu với chi phí tương đối nhẹ, cộng với tay nghề khéo léo, khiến Chợ Thủ phát triển ngành mộc, đủ sức cạnh tranh với hàng mộc từ Lái Thiêu (Bình Dương) và Biên Hòa đưa xuống. Bên cạnh nghề mộc, theo Nguyễn Liên Phong, thì người dân ở đây còn thành thạo nghề ươm dệt.

Và cũng vì có có vị trí chiến lược, mà nơi đây đã xảy ra một trận thủy chiến (hỏa công) ác liệt vào đầu năm Giáp Ngọ (1834). Theo sử liệu thì vào cuối năm Quý Tỵ (1833), sau khi nhận lời cầu viện của Lê Văn Khôi, thủy quân Xiêm tiến đến Thuận Cảng (sông Vàm Nao). Bị tướng Trương Minh Giảng chỉ huy chận đánh, nên họ phải rút lui. Nhưng tháng sau, tháng Giêng năm Giáp Ngọ (1834), họ lại tràn xuống, theo Sông Tiền. Quân Việt lui đến rạch Cỗ Hỗ (Chợ Thủ) thì đánh tan được quân Xiêm, buộc họ phải lui về giữ phủ Ba Cầu Nam thuộc Chân Lạp. Sau đó, quân Xiêm lại tổ chức tấn công. Tướng Trương Minh Giảng lại cho quân lui về Cổ Hỗ, đóng đồn hai bên bờ, cố phòng thủ.

Sử nhà Nguyễn chép:
Giặc Xiêm dẫn binh thuyền hơn trăm chiếc, từ Thuận Cảng xuống, bày ngang giữa dòng sông, ngày đêm dùng đại bác bắn phá quân ta. Ta chờ quân chi viện, nhưng giặc ở phía thượng nguồn bèn nhân đêm tối, thừa lúc nước ròng, noi theo hai bên tả hữu bờ sông, phóng lửa đốt thuyền quân ta, rồi giặc đem quân đến đồn phía tả ngạn mà đánh... Quản vệ Phạm Hữu Tâm đốc binh đánh từ giờ Dần đến giờ Tỵ, chém kẻ cầm đầu của giặc là Phi Nhã Khổ Lặc. Quân giặc chết nhiều, thây chồng lên nhau. Giặc liền lui. Ngài (vua Minh Mạng) xuống dụ ban khen... Tháng 10 năm Giáp Ngọ (1834), phong Thống chế Phạm Hữu Tâm tước Tân Phúc nam để tỏ rõ công đánh giặc Xiêm ở Thuận Cảng và ở Chiến Sai [2].
Sau lần đại bại này, quân Xiêm tháo chạy hết về nước.

3. Trong thơ ca:
Trong Nam Kỳ phong tục diễn ca (1909) của Nguyễn Liên Phong có đoạn mô tả Chợ Thủ như sau:
Thủ Chiến Sai, xứ quê mùa,
Nhơn dân đông đảo, miếu chùa nghiêm trang.
Trại cưa dãy dọc, dãi ngang,
Chuyên nghề ươm dệt cả làng thói siêng.
Nam phụ (lão ấu) nội thôn (Tú Diền),
Đều là biết dệt nghề riêng trong nhà.
Xung quanh mấy chỗ gần xa,
Mua hàng chợ Thủ, tiếng đà xưa nay.
Trời sanh phong thổ cũng hay,
Trên tơ lụa đủ, dưới cây ván nhiều.
Công dung ngôn hạnh mỹ miều,
Gái hay thêu dệt, người đều thanh thao...


Chính vì nết đẹp này, mà ở Nam Bộ còn lưu truyền câu:
Thủ Thiêm, Thủ Đức, Bến Lức, Thủ Đoàn,
Anh phải lòng nàng tại Thủ Chiến Sai.

Bùi Thụy Đào Nguyên, giới thiệu.
Chú thích:
[1] Cù lao Giêng, trước có tên là Doanh Châu. Tên Khmer là Koh Teng. Năm 1757, chúa Nguyễn Phúc Khoát cho thành lập Tân Châu đạo thì tướng Trương Phước Du đã cho đặt thủ sở chính tại đây để coi quản đạo này và để tiếp ứng với đạo Châu Đốc và đạo Đông Khẩu (Sa Đéc).
[2] theo Quốc triều chính biên toát yếu (tr. 215 và 241) và Minh Mạng chính yếu (dẫn lại theo Sơn Nam, Lịch sử An Giang , tr. 10).

Sách tham khảo chính:
-Quốc sử quán triều Nguyễn (Cao Xuân Dục làm Tổng tài), Quốc triều sử toát yếu. Nhà xuất bản Văn học, 2002.
-Sơn Nam, Lịch sử An Giang. Nhà xuất bản Tổng hợp An Giang, 1988.
-Phan Văn Kiến, Lịch sử địa phương An Giang. Nhà xuất bản Giáo dục, 2009..

Nghề mộc ở Chợ Thủ

1 nhận xét:

Dương Huy Hoàng nói...

Anh Long ơi! Không ngờ anh nối nghiệp "Bác" Sơn Nam .Rất mong được liên lạc với anh qua mail.
Thật sự ngưỡng mộ.
Nhớ nhiều.

Dương huy Hoàng.