Hình ảnh

Hình ảnh

Thứ Sáu, 27 tháng 7, 2012

Danh thần triều Nguyễn: Phan Huy Chú



Phan Huy Chú (Chữ Hán: 潘輝注; 1782 – 1840), tự Lâm Khanh, hiệu Mai Phong; là quan triều nhà Nguyễn, và là nhà thơ, nhà thư tịch lớn [1], nhà bác học Việt Nam.

Xuất thân trong "dòng họ Phan Huy" có tiếng về văn học, thuở nhỏ, Phan Huy Chú có tên là Hạo, sau vì kiêng quốc húy đổi là Chú. Ông là con trai thứ ba của danh thần Phan Huy Ích và bà Ngô Thị Thực (thuộc "dòng họ Ngô Thì", cũng có tiếng về văn học. Bà là con gái Ngô Thì Sĩ, em gái của Ngô Thì Nhậm, bà mất khi Phan Huy Chú mới 10 tuổi).

Ông sinh ra và lớn lên ở thôn Thụy Khuê, thuộc huyện Yên Sơn, phủ Quốc Oai (trước thuộc tỉnh Sơn Tây, sau thuộc Hà Tây; và nay là thôn Thuỵ Khuê, xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, thành phố Hà Nội).

Quê gốc của ông là thôn Chi Bông, xã Thu Hoạch (đầu thời Nguyễn thuộc huyện Thiên Lộc, phủ Đức Quan, trấn Nghệ An; nay thuộc xã Thạch Châu, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh). Năm 1787, một người trong dòng họ Phan Huy (và là ông nội của Phan Huy Chú) là Phan Huy Cận (sau đổi tên là Áng), làm quan lớn dưới triều Lê-Trịnh, sau khi từ giã chốn quan trường đã đến ở làng Thụy Khuê, và trở thành "ông tổ đầu tiên của của chi phái Phan Huy" ở đây.

Vốn thông minh, được cha mẹ nuôi dạy chu đáo, lại từng được Ngô Thì Nhậm (cậu ruột) rèn dạy từ lúc 6 tuổi; nhưng cả hai lần thi Hương (Đinh Mão, 1807; và Kỷ Mão, 1819), ông chỉ đỗ Tú tài (nên tục gọi ông là "Kép Thầy", vì ở làng Thầy và đỗ hai lần). Kể từ đó, ông thôi việc thi cữ, chỉ chuyên tâm vào việc nghiên cứu và trước tác.

Tuy không đỗ cao, nhưng ông vẫn nổi tiếng là người có kiến thức uyên bác. Vì vậy, năm Tân Tỵ (1821), vua Minh Mạng cho triệu ông vào kinh đô, cử giữ chức Biên tu trường Quốc tử giám ở Huế. Năm này, ông dâng lên vua bộ sách Lịch triều hiến chương loại chí do ông biên soạn (khởi soạn khi còn đi học, đến năm 1809 thì cơ bản hoàn thành), và được khen thưởng.

Năm Ất Dậu (1825), ông được sung làm Phó sứ sang Trung Quốc. Khi về, được làm Phủ thừa phủ Thừa Thiên, rồi thăng Hiệp Trấn Quảng Nam (1829). Ít lâu sau, ông bị giáng vì phạm lỗi, được điều động về Huế giữ chức Thị độc ở Viện hàn lâm.

Năm Tân Mão (1831), lại sung Phan Huy Chú làm Phó sứ sang nhà Thanh (Trung Quốc). Nhưng khi về nước, thì cả đoàn sứ bộ đều bị giáng chức (ông bị cách chức), vì tội “lộng quyền” (tài liệu không kể rõ).

Năm sau (Nhâm Thìn, 1832), cho ông làm phục dịch trong phái bộ sang Batavia (Giang Lưu Ba, Indonesia) để lập công chuộc tội.

Trở về (Giáp Ngọ, 1834), ông được bổ làm Tư vụ bộ Công. Sau đó, vì chán chốn quan trường, ông cáo bệnh xin về hưu ở làng Thanh Mai, thuộc huyện Tiên Phong (nay là xã Vũ Thắng, huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội). Ở đây, ông làm nghề dạy học và soạn sách cho đến khi mất.

Phan Huy Chú mất ngày 27 tháng 4 năm Canh Tý (28 tháng 5 năm 1840) lúc 58 tuổi.

Phần mộ của ông hiện ở tại thôn Mai Trai, xã Vạn Thắng, huyện Ba Vì, (trước thuộc Hà Tây, nay thuộc Hà Nội).

Các tác phẩm chính của ông, có:
-Lịch triều hiến chương loại chí
-Hoàng Việt dư địa chí
-Mai Phong du Tây thành dã lục
-Hoa thiều ngâm lục (tập thơ đi sứ sang Trung Quốc)
-Hoa trình tục ngâm
-Hải trình chí lược, hay còn gọi là Dương trình ký kiến (ghi chép những điều trông thấy lúc đi Batavia)
-Lịch đại điển yếu thông luận, v.v...

Nhìn chung, Phan Huy Chú nổi tiếng là nhà nghiên cứu, biên khảo, hơn là nhà thơ, nhà văn. Tác phẩm có giá trị nhất của ông là bộ Lịch triều hiến chương loại chí. Đây có thể xem là “bộ bách khoa toàn thư” đầu tiên của Việt Nam. Kế tiếp, đáng kể nữa là bộ Hoàng Việt dư địa chí, ghi chép về địa lý Việt Nam.

Thông tin thêm
Vợ Phan Huy Chú là bà Nguyễn Thị Vũ, con gái Tiến sĩ Nguyễn Thế Lịch (tức Nguyễn Gia Phan), người thôn Yên Lũng, Từ Liêm (nay thuộc Hoài Đức, Hà Nội). Ông giỏi nghề thuốc, và từng làm quan trải đến chức Thượng thư bộ Hộ dưới triều Tây Sơn. Năm 1803, ông bị vua Gia Long sai đánh đòn tại Văn Miếu cùng với Ngô Thì Nhậm.

Bùi Thụy Đào Nguyên, giới thiệu.
Sách tham khảo:
-Phần "Tiểu sử Phan Huy Chú" in đầu tập 1 của bộ sách Lịch triều hiến chương loại chí (bản dịch gồm 3 tập). Nxb Khoa học xã hội, 1992.
-Phan Đăng, Lời nói đầu giới thiệu bộ sách “Hoàng Việt dư địa chí”, in trong Tổng tập dư địa chí Việt Nam (tập 1). Nxb Thanh Niên, 2012.
-Trần Văn Giáp, Tìm hiểu kho sách Hán Nôm (toàn tập). Nxb Khoa học xã hội, 2003.
-Nguyễn Q. Thắng - Nguyễn Bá Thế, Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam. Nxb Khoa học xã hội, 1992.
-Nguyễn Lộc, mục từ "Phan Huy Chú, trong Từ điển văn học (bộ mới). Nxb Thế giới, 2004.
-Nhiều tác giả, Phan Huy Chú và dòng họ Phan Huy. Sở Văn hóa thông tin Hà Sơn Bình xuất bản, 1983. Trong đó, chủ yếu tham khảo 4 bài viết, là:
*Phan Huy Lê, “Về dòng họ Phan Huy ở Sài Sơn”.
*Tạ Ngọc Liễn, "Sự nghiệp còn mãi".
*Kim Anh, "Vai trò gia đình với sự hình thành tài năng Phan Huy Chú".
*Nguyễn Tuấn Thịnh, "Phan Huy Chú-Nhà thư tịch lớn".

Thứ Bảy, 21 tháng 7, 2012

Lê Tắc và sách An nam chí lược


[B]Lê Tắc, Lê Trắc (? - ?, chữ Hán: 黎崱), hay Lê Trực [1], trước là họ Nguyễn sau đổi thành họ Lê, tự là Cảnh Cao (景高), hiệu là Đông Sơn (東山); là một sử gia người Việt, đã sang Trung Quốc sống vào thời nhà Nguyên, và soạn bộ An Nam chí lược ở nơi đó.[/B]

I. Ông là người huyện Đông Sơn, Ái Châu; nay thuộc Thanh Hóa, Việt Nam. Sách vở cũ của người Việt biên chép về ông rất ít. Tuy nhiên nhờ có bài "Tự sự" nằm trong bộ An Nam chí lược do chính Lê Tắc biên soạn, mà biết được một số thông tin về ông.

Theo nội dung bài ấy, thì ông thuộc dòng dõi Nguyễn Phu, làm Thứ sử Giao Châu thời Đông Tấn (đầu thế kỷ 4). Tổ tiên của ông đã nhiều đời ở Ái Châu, trong đó có Tằng tổ tên là Nguyễn Khôn, khoảng cuối đời nhà Lý làm chức Đông Thượng các môn sứ; ông nội tên là Nguyễn Trưng, đầu đời nhà Trần làm chức Ngoại lang. Thân phụ của ông tên là Nguyễn Viễn Vọng, làm Lệnh thư xá, cưới con gái của Hứa Thúc Tôn ở Chư Vệ, rồi sinh ra ông.

Không năm nào và vì sao, ông về làm con nuôi của người cậu tên là Lê Bổng [2], người Chư Vệ, rồi đổi thành họ Lê.

Đến năm 9 tuổi, Lê Tắc thi khoa thần đồng. Lớn lên, ông cưới con gái của Xương Xán ở Chư Vệ, và được vua Trần Thái Tông cho vào cung hầu cận, dần trải đến chức Thị lang. Sau, đổi ông qua giúp việc dưới trướng của Chương Hiến hầu Trần Kiện (con thứ của Tĩnh Quốc đại vương Trần Quốc Khang, và là cháu nội vua Trần Thái Tông), rồi theo vị quan này vào trấn giữ Nghệ An.

Đầu năm Ất Dậu (1285), Quân Nguyên từ Trung Quốc chia làm ba đạo tiến đánh Đại Việt (Việt Nam ngày nay) lần thứ hai. Lúc bấy giờ, đạo quân thứ 3 do tướng Toa Đô chỉ huy đang ở Chiêm Thành tiến đánh lên. Lập tức, Hưng Đạo Vương bàn với Thượng tướng Thái sư Trần Quang Khải ra quân chặn đánh ở Nghệ An. Tháng 2 (âm lịch) năm ấy, Trần Kiện và liêu thuộc (trong số đó có Lê Trắc) đem cả nhà đầu hàng quân Nguyên [3].

Trên đường lưu vong sang Yên Kinh (kinh đô nhà Nguyên, nay là Bắc Kinh), Trần Kiện bị quân phục kích nhà Trần bắn chết ở Lạng Giang (ở phía bắc tỉnh Bắc Giang ngày nay). Lê Trắc liều mình cướp được xác chủ mang sang Khâu Ôn (thuộc Lạng Sơn) chôn cất.

Lê Tắc kể:
..."Tháng 4 (Ất Dậu)...Minh Lý Tích Ban đem bọn Chương Hiến (Trần Kiện) vào bệ kiến Thiên tử (nhà Nguyên). Đi đến trại Chi Lăng, bị quân Nam chặn đánh rất gấp. Đang đêm, ...Chương Hiến bị địch quân dồn ép giết chết trên lưng ngựa. Tắc ôm thây ruổi chạy mấy mươi dặm, ra Khâu Ôn an táng. Những thuộc lại đi theo Chương Hiến, bị giết gần một nữa"...[4]

Sách Đại Việt sử ký toàn thư kể:
..."Tháng 2, ngày Giáp Thìn mồng 1, con thứ của Tĩnh Quốc đại vương Quốc Khang là Chương Hiến hầu (Trần) Kiện và liêu thuộc là bọn Lê Trắc đem cả nhà đầu hàng quân Nguyên. Toa Đô sai đưa bọn Kiện về Yên kinh. Thổ hào Lạng Giang là bọn Nguyễn Thế Lộc, Nguyễn Lĩnh tập kích ở trại Ma Lục (Chi Lăng). Gia nô của Trần Hưng Đạo là Nguyễn Địa Lô bắn chết Kiện. Trắc đưa xác Kiện lên ngựa, trốn đi đêm, chạy được vài chục dặm, tới Khâu Ôn chôn Kiện ở đó"...[5].

Mùa xuân năm Bính Tuất (1286), vua nhà Nguyên là Hốt Tất Liệt phong cho Trần Ích Tắc (con vua Trần Thái Tông, đầu hàng và chạy sang Yên Kinh trong cuộc chiến tranh Nguyên Mông-Đại Việt lần thứ hai) làm "An Nam quốc vương". Các quan đi theo đều được phong chức tước theo thứ bậc, Lê Tắc được phong sắc Tòng thị lang, lãnh chức Chỉ huyện Lệnh doãn.

Năm Đinh Hợi (1287), quân Nguyên mượn tiếng đưa "An Nam quốc vương" Trần Ích Tắc về nước để tiến công Đại Việt lần thứ ba. Kết cuộc, lần này đại quân nhà Nguyên lại thua to hơn hai lần trước, khiến Lê Tắc đi theo lại phải chạy tháo thân sang Trung Quốc.

Lê Tắc kể:
..."Năm Đinh Hợi...Hoàng thượng (Hốt Tất Liệt) khiến Trấn Nam vương (Thoát Hoan) cùng Bình Chương Áo Lỗ Xích Khê (Ayuruychi) đem binh tiến thảo. Mồng ba tháng 9, quân khởi hành từ tỉnh Ngạc, tháng 11 đến An Nam (Việt Nam ngày nay)...Kế sau quân (nhà Nguyên) bị tan vỡ...mấy nghìn người chạy lạc đường đều bị vây hãm. Một mình Tắc dẫn Đạt Vạn hộ, Tiêu Thiên hộ (tên gì đều chưa rõ) và Thiêm Sự viện lĩnh phủ phán Lê Yến. Yến, trên ngựa bồng cậu bé 9 tuổi (Trần Dục), con của An Nam quốc vương (Trần Ích Tắc), cộng tất cả hơn sáu mươi kỵ mã quân, giết lính giữ ải, chạy về phương Bắc. Ngựa Lê Yến sức yếu, chạy thụt đường sau, gần bị quân Nam (chỉ quân nhà Trần) đuổi kịp. Tắc thương hại, đổi ngựa khỏe của mình cho Yến, mình đi sau quất ngựa Yến chạy tới để thoát nạn. Khốn nỗi, đường trước cũng bị quân Nam đón đánh, hai mặt giáp công, khiến vất vả muôn lần suýt chết, rong ruổi suốt mấy trăm dặm, từa nửa đêm đến mờ sáng, đến ải Châu Chiếu lạy mừng"....[6]

Năm Nhâm Thìn (1292), Lê Tắc được cấp hàm Phụng Sự lang, lĩnh hư chức đồng Tri châu An Tiêm. Về sau, ông cưới Tôn nữ họ Lý (con quốc vương trước, và là con nuôi Chương Hoài hầu, tức Trần Văn Lộng) làm vợ [7].

Vì bài "Tự sự" bị thiếu, nên không rõ quảng đời còn lại của ông. Theo GS. Nguyễn Huệ Chi, thì về sau Lê Tắc được bổ làm Phụng nghị đại phu ở đất Hán Dương (nay là các quận Hán Dương và Thái Điện, địa cấp thị Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc). Ở đây, ông sống gần như một ẩn sĩ. Không rõ ông mất năm nào.

Khi sống lưu vong ở Trung Quốc, ông kết giao với một số sĩ đại phu, hay ngao du sơn thủy và say mê nghiên cứu điển tịch. Khoảng năm 1307, Lê Tắc đã cơ bản (về sau ông còn bổ sung thêm) làm xong bộ sách An Nam chí lược (gồm 20 quyển, về sau thất lạc quyển 20), trong đó có 15 bài thơ của ông.


[B]Chú thích phần I:[/B]
[1] GS. Nguyễn Huệ Chi cho biết: "Lâu nay vẫn quen đọc là Lê Tắc (hay Trắc), nhưng Lê Mạnh Thát mới phát hiện ra cách đọc là "Lê Thực" qua lời chú của chính Đại Việt sử ký toàn thư (sách ở mục tham khảo, tr. 34).
[2] Ghi theo "Tự sự", bản dịch tiếng Việt in trong Tổng tập dư địa chí Việt Nam (tập 1, tr. 530). Từ điển bách khoa Việt Nam (tập 1, tr. 44) ghi là "Lê Phụng".
[3] Theo Đại Việt sử ký toàn thư (tập 2, bản dịch, tr. 51). Trong "Tự sự", thì Trần Kiện đem Lê Tắc và mấy vạn người đi chống cự với quân Toa Đô ở Thanh Hóa. Đánh trận ấy bị thua, liệu bề chống không nổi nữa, "bèn cùng bọn Tắc đem quân ra hàng" (nguồn đã dẫn, tr.531).
[4] Trích "Tự sự", nguồn đã dẫn (tr. 531). Các chữ trong ngoặc là của người soạn.
[5] Trích trong Đại Việt sử ký toàn thư (tập 2), bản dịch, tr. 51.
[6] Trích "Tự sự", nguồn đã dẫn (tr. 531-352). Các chữ trong ngoặc là của người soạn.
[7] "Tự sự" không ghi rõ “quốc vương trước” là ai.
[8] Theo Nguyễn Huệ Chi, Từ điển văn học (bộ mới), tr.34.

[B]II. An Nam chí lược[/B] (chữ Hán: 安南志略, có nghĩa: "Lược ghi về An Nam"[1]), là một bộ sách sử viết bằng văn xuôi chữ Hán (nguyên bản có 20 quyển, nhưng hiện tại chỉ còn 19 quyển) do Lê Tắc (? - ?) biên soạn khi sống lưu vong tại Trung Quốc ở khoảng nửa đầu thế kỷ 14. Nội dung sách ghi chép hỗn hợp về địa lý, lịch sử, văn hóa, v.v...An Nam (Việt Nam ngày nay) từ ban đầu đến cuối đời Trần. Có lẽ đây là một công trình khảo cứu về Việt Nam lâu đời nhất còn lại, do một người Việt viết.

[B]Năm biên soạn[/B]
Không biết chính xác năm khởi soạn. Tuy nhiên, căn cứ vào ba bài Tựa viết cho An Nam chí lược vào năm Đinh Mùi (1307), có lẽ bộ sách được biên soạn trước đó, đến năm ấy, thì tác phẩm đã cơ bản hoàn thành, và còn được tiếp tục bổ sung thêm trong nhiều năm sau.

-Trích bài Tựa của Lưu Tất Đại:..."Trong năm Đại Đức thứ 11 (1307)...quan An Tiêm châu đồng tri là Lê phụng sự (chỉ Lê Tắc) đến thăm tôi tại công thự Ngọc đường, đưa ra bộ An Nam chí lược cho tôi xem....Đến lúc Lê phụng sự từ giã bệ rồng trở về, tôi có nói với ông rằng: Bộ sách này nên chép thêm, tôi sẽ nói với Sử quán, tâu lên Triều đình, phụng chiếu giao cho Bí phủ để bổ túc bộ Nhất Thống chí"...

-Trích bài Tựa của Hứa Thiện Thắng:..."Lê Tắc, người Đông sơn, bèn lấy sơn xuyên, phong thổ, nhân vật cổ kim, những sự biến cách và những cuộc hành động quân đội gần đây, biên thành một quyển sách"...

-Trích bài Tựa của Trình Cự Phu: "Gần đây tôi sắp đi đi ra đất Giang, Hán, có nghe nói dưới trướng Trần Vương (Trần Ích Tắc) có nhã sĩ hay văn. Nay coi bộ sách này quả không phải là lời nói ngoa...[2]

Không rõ sau đó, Lê Tắc đã soạn thêm những phần nào, chỉ biết mãi đến hơn 25 năm sau (1333 hoặc 1335), mới có bài Tự tựa của chính tác giả. (xem bên dưới). Và căn cứ vào câu "Nguyên Thống sơ nguyên..." ở cuối bài, mà một số nhà nghiên cứu, trong đó có H. Maspéro đã cho rằng bộ sách đã làm xong vào năm 1333 (năm này, Hoàng đế Nguyên Huệ Tông cho đổi niên hiệu là Nguyên Thống) [3].

Không đồng ý với ý kiến trên, sau khi khảo chứng, GS. Trần Kính Hòa (Chen Ching Ho, nhà nghiên cứu người Hồng Kông) đã cho rằng chữ “nguyên” trong "sơ nguyên" là chép hay khắc nhầm (vì kiểu chữ hơi giống nhau), lẽ ra phải là chữ “tam”, tức năm 1335. Ngoài ra, căn cứ vào một vài sự kiện xảy ra sau đó được ghi trong bộ sách, GS. Hòa còn kết luận rằng “An Nam chí lược không phải đã soạn xong vào dịp Lê Tắc viết bài Tự tựa, kỳ thực Lê Tắc vẫn tiếp tục gia bút cho đến năm Chí Nguyên Kỷ Mão (1339)”. Nhưng vì sao có bài Tự tựa đề năm 1335, GS. Hòa giải thích: “Hình như lúc ấy bộ này đã có cơ hội được đem ra ấn hành, song việc đó đến năm Chí Nguyên thứ 5 (1339) vẫn chưa được thực hiện”...[4].

Vì tác giả không đề năm khởi soạn, và vì năm hoàn thành bộ sách cũng chưa thật rõ ràng, nên có một số tác giả đã ghi là "An Nam chí lược được biên soạn vào đời Nguyên" (như trong bộ Tứ khố toàn thư tổng mục đề yếu [quyển 14] biên soạn vào đời Càn Long, nhà Thanh, Trung Quốc), hoặc là "vào thế kỷ 14" (như H. Cordier trong cuốn Theo book of Ser Marco Polo xuất bản ở Luân Đôn năm 1924).

[B]Các truyền bản[/B]
Theo bài "Tựa" (giới thiệu ở bên dưới) của Học sĩ Âu Dương Huyền, thì trong năm Thiên Lịch (1328-1329) đời Nguyên Văn Tông, ông cùng với một số văn nhân khác được nhà vua cho làm chức Toản tu để soạn bộ Kinh Thế đại điển. Đến khi làm xong định dâng lên vua, thì có Đại học sĩ Hà Vinh dâng cuốn An Nam chí lược (gồm 20 quyển) của Lê Tắc, khiến vua ban chiếu giao cho thư cuộc, làm thành một quyển An Nam phụ lục để thêm vào bộ Kinh Thế đại điển, xếp ở mục “địa quan” (tức sử địa)...Tiếc rằng bộ sách này sau đó đã thất truyền.

Qua đầu đời nhà Minh, An Nam chí lược lại được chép trong bộ Vĩnh Lạc đại điển (soạn 1403, xong 1408), nhưng phần chép ấy sau đó lại bị thất truyền, nên không rõ A Nam chí lược trong Vĩnh Lạc đại điển (và cả trong Kinh Thế đại điển) chép ra sao. Chỉ biết đến khi Thanh Cao Tông (Càn Long) giáng chỉ soạn bộ Tứ khố toàn thư tổng mục đề yếu, và An Nam chí lược được đưa vào, thì nó chỉ còn 19 quyển.

Tóm lại, An Nam chí lược từng có mặt trong cả ba bộ sách lớn (được coi là “bách khoa toàn thư Trung Quốc”), và đã được nhiều danh sĩ khen ngợi trong các bài Tựa. Tiếc rằng Bản nguyên gồm 20 quyển đã thất truyền từ lâu, hiện giờ chỉ còn bản 19 quyển đang được lưu hành. Tuy vẫn có bản 20 quyển như: bản Văn lan các ở Tokyo (Nhật Bản), Bản sao của British Museum (Luân Đôn, Anh), ...nhưng kỳ thực các bản ấy chỉ lấy bản 19 quyển phân chia thành 20 quyển mà thôi...

Theo GS. Nguyễn Huệ Chi, thì sau năm 1339, An Nam chí lược (20 quyển) mới được san khắc lần đầu, nhưng bản ấy về sau đã thất lạc [5]. Tuy nhiên, căn cứ nội dung bài Tựa (không đề năm) của Âu Dương Huyền (xem bên dưới), thì rất có thể sách được san khắc lần đầu trong khoảng niên hiệu Chí Nguyên (1335-1340, đời Nguyên Huệ Tông).

Bản An Nam chí lược thông dụng bấy lâu nay là san bản của nhà Lạc Thiện đường do Kishida Ginko (phiên âm tiếng Việt là Ngạn Ngâm Hương, người Nhật Bản) ấn hành năm Minh Trị thứ 17 (tức năm Quang Tự thứ 10 của triều Thanh, 1884) tại Thượng Hải (Trung Quốc). Trong bài Tựa, ông cho biết đây bản của Thiếu Thiềm Tiền Trúc Đinh tự tay hiệu chính, và trước kia nó thuộc tàng thư cũ của Ngũ Nghiện lầu. Bộ sách này chỉ có 19 quyển, và đã được Phan Duy Tiếp dịch rồi in rônêô tại miền Bắc Việt Nam vào năm 1959.

Ngày 31 tháng 3 năm 1960, sau khi đã tổ chức phiên dịch, Ủy ban phiên dịch sử liệu Việt Nam trực thuộc Viện Đại học Huế đã giới thiệu một bộ An Nam chí lược mới. Theo "Phàm lệ", thì Ủy ban đã lấy bản của Lạc Thiện đường, bản sao của Tiền Đại Hân tự tay hiệu đính (hiện tàng trữ tại Nội các Văn khố Nhật Bản), bản sao của Văn lan các (hiện tàng trữ tại Đông Kinh Tỉnh Gia đường văn khố) và bản sao ở Đại Anh Bác vật quán (Luân Đôn, Anh) để làm ra, và đặt tên là An Nam chí lược hiệu bản.

Năm 2012, An Nam chí lược hiệu bản lại được giới thiệu đầy đủ trong Tổng tập dư địa chí Việt Nam (tập 1) do nhà xuất bản Thanh Niên ấn hành.

[B]Tự tựa và Tựa của Âu Dương Huyền[/B]
Dưới đây là "Tự tựa" của Lê Tắc (dịch từ chữ Hán ra tiếng Việt) cho biết lý do làm ra An Nam chí lược, và các sách mà ông đã dùng để tham khảo trong quá trình biên soạn.

"Tôi sinh trưởng ở đất Nam Việt, đã làm quan ăn lộc của bản quốc. Trong mười năm về trước, đi xứ nọ qua xứ kia, trải khắp nửa nước An Nam, hơi biết được hình thế sơn xuyên địa lý. Từ khi nội phụ Thánh triều (nhà Nguyên) đến nay đã hơn năm mươi năm rồi. Tự xét đã quê mùa lại ngây dại, học thức theo lối xưa mà không thấu đáo, đến tuổi già lại ham sách, tiếc rằng đã muộn, nên các văn tịch cổ kim không thể xem hết được.
"Nhân trong lúc rảnh thì giờ, gom góp lượm lặt những điều đã ghi trong quốc sử các triều đại, Giao Chỉ đồ kinh,lại tham khảo bộ Phương kim bổ nhất điển cố, mà làm ra bộ An Nam chí lược, 20 quyển.
"Người xưa có nói: “đạo trời chỉ có một mà thôi vậy”. Nay ta ở trong khoảng trời đất che đất chở, đều phải có trật tự, lễ nghĩa, vua cho ra vua, tôi cho ra tôi, cha cho ra cha, con cho ra con, nếu không có cái tính tốt ấy, thì làm sao cho hợp với lẽ trời?
"Huống chi Thanh giáo đã lan tràn tới Nam Giao từ đời Đường, Ngu đến nay hơn 3.000 năm, cho nên sự ưa chuộng về thanh danh, văn vật gần như Trung Quốc, tuy rằng phong thổ có khác, nhưng sự tích nhiều chỗ đáng hi chép, không nên bỏ qua. Tiếc rằng các nhà kỷ thuật nói thì rộng mà phần nhiều trái ngược nhau.
"Cuốn này căn cứ vào kiến văn và lấy tài liệu của các sách, nhưng không khỏi có chỗ sai lầm, xin các vị chư quân tử, thấy chỗ nào sơ lược thì cải chính cho.

"Ất Mão, Nguyên Thống sơ nguyên, tiết thanh minh, mùa xuân, Cổ Ái, Lê Tắc tựa"[6].

Ngoài bài "Tự tựa" của tác giả, trong các bản lưu truyền, còn có các bài Tựa của các danh sĩ Trung Quốc (phần lớn là của các danh sĩ đời Nguyên), Kishida Ginko (người Nhật Bản, đề Tựa năm 1884),... Bên dưới đây, chỉ giới thiệu bài "Tựa" của Học sĩ Âu Dương Huyền, vì nó có liên quan đến khoảng thời gian ra đời của An Nam chí lược.

"Trong năm Thiên Lịch (1328-1329, đời Nguyên Văn Tông), tôi làm quan Tượng Khuê Chương học sĩ, đồng thời cùng chung làm chức Toản tu để soạn bộ Kinh Thế đại điển; làm xong định dâng lên vua, vừa khi Đại học sĩ Hà Vinh lấy bộ sách An Nam chí lược của ông Lê Tắc dâng lên, được lời chiếu vua, khiến giao cho thư cuộc, bèn làm một quyển An Nam phụ lục, để cho thuộc môn địa quan.

"Trong niên hiệu Chí Nguyên (1335-1340, đời Nguyên Huệ Tông), tôi được triệu lên Đại Đô (Bắc Kinh), qua đất Giang Hán, ông Lê Tắc lấy bộ Chí lược ấy trình với tôi mà xin bài Tựa. Thiết tưởng nhà Thánh Nguyên chí nhân như trời, bao hết thiên hạ, không kể xa gần, khiến vua tôi Nam Giao được cấp bổng lộc sống ở Trung Quốc tính đã mấy mươi năm, không có mảy may Ông Lê Tắc được nhà hạ, rong chơi, tự ý sáng tác văn chương, đã vẽ vời được địa hình của bản quốc (Việt Nam), lại thêm chi tiết về thổ nghi, phong tục, sản vật và nhân vật. Hơn nữa còn thu lượm được các mục văn tự của sứ thần Nam, Bắc qua lại. Nếu không phải nhờ đức hóa thấm nhuần, thanh giáo phổ biến, sao có thành tích như vậy? Xưa đức Khổng Tử dọn bớt Kinh Thi, để lại chương Thức Vi [7] trong thiên Vệ Phong, tuy việc này chứng tỏ ý buồn của người ký ngụ, nhưng đương thời bây giờ, không ai giúp đỡ được người ấy, do việc này cũng đủ biết rõ.
"Lấy đó mà suy luận, thì các nhà văn học hiện nay cũng nên nêu ra An Nam chí lược, tán tưởng để cho đời sau hiểu rõ giá trị của bộ này. Nước nhà có đức dìu dắt người phương xa và bao bọc cả bốn phương, truyền lại muôn đời, phải chăng sẽ nhờ bộ sách này?
"Lê quân (Lê Tắc) biệt hiệu Đông Sơn, tính ưa đọc sách, hiếu cổ, càng già càng phát huy. Còn những bài thơ khác (của ông), có thể truyền đời sau cũng rất phong phú.

"Hàn Lâm Thị giảng Học sĩ, Âu Dương Huyền tựa".

[B]Mục lục và nội dung (sơ lược)[/B]

Dưới đây là mục lục sách An Nam chí lược được giới thiệu trong Tổng tập dư địa chí Việt Nam (tập 1), kèm theo là nội dung tóm tắt (phần để trong ngoặc) của GS. Nguyễn Huệ Chi và của An Nam chí lược hiệu bản. Ở các bản khác, phần mục lục có dị biệt một vài chỗ.

Quyển nhất, gồm 10 mục:
-Địa lý đồ (bản đồ địa lý Việt Nam, phần này đã mất)
-Tổng tự (lịch sử tổng quát của Việt Nam từ thượng cổ đến đời Trần)
-Quận ấp
-Sơn
-Thủy
-Cổ tích
-Đường An Nam Đô hộ nguyên lệ châu quận (tên các châu quận vốn có trong An Nam đô hộ phủ đời Đường)
-Phong tục (nói sơ về phong tục Việt Nam lúc bấy giờ)
-Biên cảnh phục dịch (nói sơ về nước Chiêm Thành, Chân Lạp, Liêu Tử)
-Trắc ảnh (đo bóng mặt trời).

Quyển hai, gồm 2 mục:
- Đại Nguyên chiếu chế (gồm các giấy tờ triều Nguyên gửi cho triều đình Việt Nam)
-Tiền triều thư mạng (gồm các bức thư và sắc chỉ của các triều đại Trung Quốc trước triều Nguyên gửi các triều đại Việt Nam)

Quyển ba, gồm 2 mục chính:
-Đại Nguyên phụng sứ (các sứ thần triều Nguyên sang Việt Nam). Phụ chép cuộc sứ trình của Trương Lập Đạo sang Việt Nam, và bài tựa tập Sử Giao lục (Ghi chép chuyện đi sứ Giao Chỉ) của Tiêu Phương Nhai (tức Tiêu Thái Đăng) nói về cuộc đi sứ sang Việt Nam năm 1294.
-Tiền triều phụng sứ (các sứ thần của các triều đại trước triều Nguyên sang Việt Nam)

Quyển bốn, gồm 2 mục:
-Chinh thảo vận hướng (việc tải lương trong cuộc xâm lược Việt Nam của nhà Nguyên)
-Tiền triều chinh phạt (việc chuẩn bị lương thảo của các triều đại trước nhà Nguyên trong những lần hành quân xâm lược Việt Nam)

Quyển năm, gồm 2 mục:
-Đại Nguyên danh thần vãng phục thơ vấn (thư từ của các quan chức triều Nguyên giao thiệp với Việt Nam)
-Tiền triều thư sớ (thư từ của các triều đại trước nhà Nguyên giao thiệp với Việt Nam)

Quyển sáu, gồm 2 mục:
-Biểu chương (thư biểu của các vua nhà Trần gửi nhà Nguyên trong các năm)
-Tiền đại thư biểu (thư biểu của Triệu Đà, Lê Hoàn...gửi các triều vua Trung Quốc, trước triều Nguyên)

Quyển bảy, gồm 1 mục chính:
-Hán Giao Châu, Cửu Chân, Nhật Nam thứ sử, thái thú (các quan Thứ sử, Thái thú ở quận Giao Châu, Cửu Chân, Nhật Nam). Phụ Tam Quốc thời thứ sử (phụ chép các quan Thứ sử, Thái thú đời Tam Quốc)

Quyển tám, gồm 1 mục chính:
- Lục Triều Giao Châu thứ sử, đô đốc; Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam, thái thú (các Đô đốc, Thứ sử Giao Châu, các Thái thú ở các quận Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam trong thời Lục Triều)

Quyển chín, gồm 2 mục chính:

- Đường An Nam đô đốc, đô hộ, kinh lược sứ, Giao, Ái, Hoan tam quận thứ sử (các quan Đô đốc, Đô hộ, Kinh lược sứ An Nam và các quan Thứ sử ba quận là Giao Chỉ, Ái Châu, Hoan Châu vào đời nhà Đường). Phụ Thiên Oai Kỉnh tân tạc hải phái bia (phụ chép bài văn bia Thiên Oai Kỉnh, đường kênh mới đào)
-Tống Giao Châu chuyển vận sứ, an vũ sứ (nói về Hầu Nhân Bảo, Thiệu Diệp)

Quyển mười, gồm 1 mục:
- Lịch triều ky thần (hay cơ thần, chép về những viên quan Trung Quốc bị đày hoặc bỏ trốn sang Việt Nam ký ngụ)
Quyển mười một, gồm 4 mục chính:
-Triệu thị thế gia (Gia thế, dòng dõi của Triệu Đà). Phụ chép bài Nam Việt hành của quan Gián nghị nhà Tống là Chu Chi Tài.
-Ngũ đại thời tiếm thiết (những người tiếm xưng vương hiệu thời Ngũ Đại: Khúc Hạo, Dương Đình Nghệ, Kiều Công Tiễn, Ngô Quyền)
-Đinh thị thế gia (Gia thế, dòng dõi của Đinh Bộ Lĩnh)
-Lê thị thế gia (Gia thế, dòng dõi của Lê Hoàn) [8]

Quyển mười hai, gồm 1 mục:
-Lý thị thế gia (Gia thế, dòng dõi nhà Lý)

Quyển mười ba, gồm 1 mục:
-Trần thị thế gia (Gia thế, dòng dõi nhà Trần). Phụ chép Nội phụ hầu vương (các Vương hầu nội phụ: Trần Ích Tắc, Trần Tú Viên, Trần Văn Lộng, Trần Kiện)

Quyển mười bốn, gồm 5 mục nói về Việt Nam:
-Học hiệu (tình hình giáo dục)
-Quan chế (quy chế quan lại)
-Chương phục (mũ áo phẩm phục)
-Hình chánh (việc cai trị)
-Binh chế (tổ chức quân đội)
-Lịch đại khiển sứ (sứ thần Việt Nam sang Trung Quốc trong các triều đại)

Quyển mười lăm, gồm 2 mục chính, 1 mục phụ:
-Nhân vật (nói về những người Việt Nam, gồm nhiều tiểu mục nhỏ: người nhận tước mệnh của các triều đại của Trung Quốc, người sang làm quan ở Trung Quốc, người có tên tuổi, phụ nữ tiết nghĩa, nhà sư có tiếng, người chống lại chính quyền đô hộ: Trưng Trắc, Bà Triệu, Lý Bí, Dương Thanh, Nùng Trí Cao)
-Vật sản (các loại sản vật quý của Việt Nam)
-Phụ: Lâm Ấp (phần này đã mất)

Quyển mười sáu, gồm 2 mục:
-Tạp ký (chuyện vặt vãnh). Phụ chép bài "Liễu Tử Hậu vị An Nam Dương thị ngự tế Trương Đô hộ văn" (bài văn của Liễu Tử Hậu làm cho quan Thị ngự An Nam họ Dương tế quan Đô hộ họ Trương)
-Lịch triều danh hiền tạp vịnh (một số thơ văn của các bậc danh hiền Trung Quốc đề vịnh về Việt Nam)

Quyển mười bảy, gồm 2 mục:
-Chí Nguyên dĩ lai danh hiền phụng sứ An Nam thi (thơ văn của các sứ thần triều Nguyên sang Việt Nam từ niên hiệu Chí Nguyên [đời Nguyên Huệ Tông] trở về sau)
-Ngọc Đường chư công tặng Thiên sứ thi tự (những bài tựa và thơ của các quan Hàn lâm viện đưa tặng các sứ giả triều Nguyên sang Việt Nam)

Quyển mười tám, gồm 1 mục:

- An Nam danh nhân thi (thơ của các vua quan triều Trần, trong đó có tác giả)

Quyển mười chín, gồm 2 mục:
-Đồ chí ca (bài thơ trường thiên của tác giả viết về mối quan hệ lịch sử giữa Việt Nam và Trung Quốc)
-Tự sự (tự kể chuyện về thân thế của tác giả). Sau đó là ba bài viết ngắn (viết năm 1812, 1814 và một bài không ghi năm) nói về A Nam chí lược của Phục Ông (tức Hoàng Phi Liệt) và bài Lời cẩn bạch của Kishida Ginko (viết năm 1884) [9]

Quyển hai mươi, gồm 1 mục:
-Danh công đề vịnh An Nam chí (nay đã mất)

***
Trong các bài Tựa của các danh dĩ triều Nguyên viết cho bộ An Nam chí lược, đều có lời khen ngợi tác giả và tác phẩm, mà bài Tựa của Âu Dương Huyền vừa giới thiệu bên trên chỉ là một trong số đó... Đến đời Thanh, trong bộ Tứ khố toàn thư tổng mục đề yếu (soạn đời Càn Long) cũng đã có lời khen ngợi như sau:
..."Các sự biên chép như trên (trong An Nam chí lược) càng đủ chứng tỏ các bộ Nguyên sử có nhiều thiếu sót. Còn như biên chép các loại sơn xuyên, nhân vật thì rõ ràng đầy đủ, thật có công tìm tòi, kê cứu...không kém gì bộ sử Cao Ly vậy.

Đối với các nhà nghiên cứu người Việt, có ý kiến cho rằng, tác giả đã đứng trên quan điểm của người Nguyên để soạn An Nam chí lược, bằng lời lẽ xu phụ, nên đã bị một số sĩ phu khinh miệt cho tác giả là "tiểu nhân nho", là "phản bội tổ quốc" [10]. Song, cũng có ý kiến khác cho rằng, tuy làm quan cho nhà Nguyên, nhưng tác giả vẫn có lòng tưởng nhớ cố hương, và cách soạn sách theo quan điểm nhà Nguyên là việc bắt buộc phải uốn theo triều đại mà ông phục vụ.

Mặc dù có những hạn chế về mặt quan điểm, nhưng An Nam chí lược vẫn được coi là một bộ sách lớn, xuất hiện sớm, có giá trị nhiều mặt, do một người có trình độ học vấn cao viết về thời đại mình đang sống (thời nhà Trần) trở về trước. Khái quát về mặt ưu và khuyết của tác phẩm, GS. Nguyễn Huệ Chi, viết:

"Đây là một bộ sách tập hợp sử liệu và văn liệu về Việt Nam, thiên về một phương diện: trình bày mối quan hệ lịch sử nhiều mặt giữa Việt Nam và Trung Quốc. Do được viết trong thời gian quy phụ[18] “Thiên triều”, tác giả phải tô đậm tính chất lệ thuộc trong mối quan hệ ấy. sử bút của tác giả vì thế mất tính khách quan, và ngôn từ trong sử cũng như trong thơ thường lộ rõ giọng người quy phụ. Tuy nhiên, cũng nhờ được tiếp xúc với sách vở Trung Quốc thuở ấy, tác giả đã ghi lại được khá nhiều tư liệu hiếm hoi liên quan đến lịch sử, văn hóa Việt Nam. Phần thư tín ngoại giao giữa hai nước cũng cung cấp được ít nhiều tác phẩm văn học thuộc loại hình văn xuôi luận chiến vốn có truyền thống rất sớm ở nước ta"'...[11]

[B]Chú thích phần II:[/B]
[1] An Nam là tên gọi nước Việt Nam thời xưa, xuất hiện từ năm 679 khi nhà Đường (Trung Quốc) đổi tên "Giao Châu đô phủ" thành "An Nam đô hộ phủ", và tồn tại đến đầu thế kỷ 10 (sau đó đổi tên thành "Giao Chỉ quận"). Từ năm 1777 (đầu đời Lý Cao Tông), các vương triều Trung Quốc thường dùng tên "An Nam quốc" để chỉ nước Việt Nam ngày nay, và phong cho các vua Việt Nam tước hiệu là "An Nam quốc vương" (theo Từ điển bách khoa Việt Nam, tập 1, 1995, tr. 44).
[2] Chép theo các bản dịch in trong Tổng tập dư địa chí Việt Nam (tập 1), phần “An Nam chí lược”.
[3] Bài Le protectorat général d’ Annam sous les T’ang (BEFEO., 1910, t. X, p. 540.
[4] Xem chi tiết trong bài "Soạn niên, tài liệu và truyền bản của An Nam chí lược" của GS. Trần Kính Hòa, sách ở mục tham khảo, tr. 69-84.
[5] Nguyễn Huệ Chi, mục từ "Lê Tắc" , tr.34-35.
[6] Phiên âm Hán-Việt của câu này là: “Nguyên thống sơ nguyên Ất Mão, xuân thanh minh tiết, Cổ Ái, Lê Tắc tựa” (theo Tổng tập dư địa chí Việt Nam, tập 1, tr.100). Theo sự khảo chứng của Trần Kính Hòa thì nó phải là “Nguyên Thống sơ tam Ất Hợi” tức năm 1335. Theo Trần Văn Giáp (tr. 584), thì phiên âm của câu này là: “Nguyên thống sơ nguyên Ất Mão xuân, thanh minh tiết, Cổ Ái, Lê Tắc tựa” (dấu phẩy nằm sau chữ xuân). Và theo ông, Ất Mão phải hiểu là “tháng Ất Mão” mới đúng Vì năm 1333 (là năm Quý Dậu) và năm 1335 (là năm Ất Hợi) đều không phải là năm Ất Mão. Tính ra, tháng Ất Mão chính là tháng 2 của năm Quý Dậu, phù hợp với chữ “xuân” ở trong câu.
[7] Đây là một bài trong ca dao nước Vệ (Vệ Phong) do một người tôi trung nước Vệ làm ra để hoài cảm đất nước.
[8] Trong mục lục của Trần Văn Giáp (tr. 585), thì quyển 10 gồm có "Lịch triều ky thần", "Triệu thị Thế gia", "Ngũ đại thời tiếm thiết". Quyển 11 chỉ có "Đinh thị thế gia" và "Lê thị thế gia". GS. Nguyễn Huệ Chi cũng chép giống như thế.
[9] Hoàng Phi Liệt (1763-1825), tự Nghiêu Phố, là người Giang Tô, đỗ Cử nhân năm 1788. Ông học giỏi, thích tàng trữ sách cổ. Ông có nhiều tác phẩm nói về các sách cổ. Kishida Ginko (1833-1805), sinh ra ở Okayama (Nhật Bản); là nhà báo, nhà nghiên cứu Trung Quốc và là một doanh nhân.
[10] Theo Nguyễn Q. Thắng-Nguyễn Bá Thế, Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam (Nxb Khoa học xã hội, 1992, tr. 376). Một trong số người có quan điểm này, là Cao Văn Luận (Giáo sư, Viện trưởng Viện Đại học Huế). Ông viết: "Lê Tắc quên mình là người Việt, dựa vào lập trường và quan điểm của người Nguyên để soạn...Ủy ban (phiên dịch sách An Nam chí lược) không có chút ý định nào dung thứ những hành động và quan niệm sai lầm của soạn giả đối với Tổ quốc" (trích trong Tổng tập dư địa chí Việt Nam (tập 1, tr. 65). Tuy nhiên, phê phán gay gắt nhất, có lẽ là Trần Thanh Mại. Theo ông, thì đó là "một quyển sử nhục nhã của kẻ bán nước" (dẫn lại theo Vũ Ngọc Khánh, tr. 85).
[11] Nguyễn Huệ Chi, mục từ "Lê Tắc" , tr.34-35.

Sách tham khảo:
-Lê Tắc, "Tự sự". Bản dịch tiếng Việt in trong Tổng tập dư địa chí Việt Nam (tập 1, tr. 99-100). Nhà xuất bản Thanh Niên, 2012.
-Ngô Sĩ Liên, Đại Việt sử ký toàn thư (tập 2). Bản dịch tiếng Việt do Nxb Khoa học xã hội ấn hành năm 1985.
-Nguyễn Huệ Chi, mục từ "Lê Tắc" in trong Từ điển văn học (bộ mới). Nxb Thế giới, 2004.
-Nguyễn Huệ Chi, mục từ "An Nam chí lược" in trong Từ điển văn học (bộ mới). Nxb Thế giới, 2004.
-Trần Kính Hòa, "Soạn niên, tài liệu và truyền bản của An Nam chí lược" in trong Tổng tập dư địa chí Việt Nam (tập 1). Nhà xuất bản Thanh Niên, 2012.
- Ủy ban phiên dịch sử liệu Việt Nam trực thuộc Viện Đại học Huế, An Nam chí lược hiệu bản, in trong Tổng tập dư địa chí Việt Nam (tập 1).
-Trần Văn Giáp, Tìm hiểu kho sách Hán Nôm (trọn bộ 2 tập). Nxb Khoa học xã hội, 2003.
-Nguyễn Q. Thắng-Nguyễn Bá Thế, Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam. Nxb Khoa học xã hội, 1992.
- Vũ Ngọc Khánh, Người "có vấn đề" trong sử nước ta, Nxb Văn hóa-thông tin, 2008.


[B]Bùi Thụy Đào Nguyên, giới thiệu.[/B]

Thứ Ba, 17 tháng 7, 2012

Danh tướng nhà Nguyễn: Phan Văn Thúy


Phan Văn Thúy (? - 1883) là danh tướng nhà Nguyễn trong lịch sử Việt Nam. Một trong số công lao nổi bật của ông, đó là việc chỉ huy khai đào sông Vĩnh Định ở Quảng Trị vào năm 1825.

Thân thế và sự nghiệp:
Ông là người huyện Đăng Xương (1884, đổi là Thuận Xương) [1], thuộc phủ Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị [2]. Lớn lên, không rõ năm nào, ông theo chúa Nguyễn vào Gia Định, rồi từng được bổ làm Khâm sai thuộc nội Cai đội quân Thần Sách, Vệ úy vệ Hổ uy.

Sau khi nhà Tây Sơn bị đánh đổ, năm Gia Long thứ 2 (Quý Hợi, 1803), thăng ông làm Hữu doanh Vệ úy, Khâm sai Chưởng cơ, coi quân bản doanh. Chẳng lâu sau, ông nhận mệnh "theo thủy quân của Đô thống chế Thái hòa hầu, ngồi thuyền Hải Đạo, đến địa phương Bắc Thành tiểu trừ giặc biển"[3].

Năm Gia Long thứ 14 (Ất Hợi, 1815), cử ông làm Lưu thủ doanh Quảng Bình. Sau, có tội, ông bị biếm xuống Cai cơ [4].

Năm Minh Mạng thứ nhất (Canh Thìn, 1820), thăng ông làm Chưởng cơ, rồi lại thăng làm Phó Đô thống chế doanh hậu quân Thần Sách, lãnh nhiệm vụ Phó Đốc trấn Thanh Hóa.

Năm Minh Mạng thứ 6 (Ất Dậu, 1825), cử ông coi việc đào sông (kênh) Vĩnh Định ở Quảng Trị. Theo Quốc triều sử toát yếu, thì công việc khởi sự vào tháng 3 (âm lịch) năm ấy. Sử thần chép: "Vì lúc bấy giờ các trấn lâu không mưa, giá gạo hơi cao, triều đình bàn khởi việc công dịch để lấy tiền nuôi dân. Sông đào xong, tùy bậc thưởng cấp" [5]. Xong việc, cất ông làm Phó Đô thống chế thị nội doanh Long Vũ.

Năm Minh Mạng thứ 8 (Đinh Hợi, 1827), lại cho ông kiêm quản Tòa Thương Bạc. Tháng 5 (âm lịch) năm đó, quân Xiêm La (Thái Lan ngày nay) đánh lấy nước Vạn Tượng (Lào ngày nay), khiến vua nước ấy là A Nỗ phải chạy sang Việt Nam cầu cứu. Vua Minh Mạng liền cho Phan Văn Thúy sung chức Kinh lược biên vụ đại thần kiêm lĩnh Trấn thủ Nghệ An để lo việc.

Năm Mậu Tý (1828), ông cùng Phó tướng Nguyễn Văn Xuân, Tham tán Nguyễn Khoa Hào...đem 2.000 lính Kinh, 30 con voi, tiến đến đóng đồn ở phủ Trấn Ninh (Nghệ An) [6] rồi tìm cách đưa vua A Nô về nước [7].

Ít lâu sau, nhà vua ban chỉ triệu ông về, thăng làm Đô thống, cho lĩnh chức Phó Tổng trấn Bắc Thành. Thấy mình đến tuổi 70, nhiều lần ông dâng sớ xin về hưu, nhưng nhà vua cứ ủy lạo lưu lại.

Theo sách Quốc sử di biên của danh thần Phan Thúc Trực, thì lúc làm Phó Tổng trấn, Phan Văn Thúy đã dâng sớ xin đổi cách mặc quần áo ở Bắc Thành, và được vua nghe theo. Sách Quốc triều sử toát yếu chép: "Tháng 10 (âm lịch) năm Mậu Tý (1828), truyền đổi cách ăn mặc từ sông Gianh trở ra Bắc" [8].

Năm Minh Mạng thứ 14 (Quý Tỵ, 1833), cho ông làm Thự Hậu quân Đô thống Chưởng phủ sự, tước Chương Nghĩa hầu. Gặp lúc Lê Văn Khôi khởi binh chống Nguyễn ở thành Phiên An, nhà vua cho ông làm Thảo nghịch Hữu tướng quân. Đến nơi, ông và Tham tán Trương Minh Giảng tiến quân phá tan một đội quân nổi dậy ở trạm Biên Long. Tháng 8 (âm lịch) năm đó, ông bị bệnh tại quân thứ Biên Hòa, chuyển về đến Khánh Hòa thì mất.

Thương tiếc, vua Minh Mạng cho truy tặng ông là Đặc tiến Tráng Vũ tướng quân Thiếu bảo, ban tên thụy là Trung Tráng. Sau đó, nhà vua còn cho thiết đàn tế ở bên sông Hương, đồng thời sai Hoàng tử Vĩnh Tường công Miên Hoành làm lễ tứ tửu (tức lễ dâng rượu vua ban).

Năm Bính Thân (1836), tên ông được khắc trên bia Võ công dựng tại Võ miếu (lập năm 1835), và đứng hàng thứ ba trong số 20 danh tướng của triều Nguyễn.

Thông tin liên quan
1. Danh tướng Phan Văn Thúy là người có công lớn trong việc đào sông (kênh) Vĩnh Định ở Quảng Trị. Theo sách Đại Nam nhất thống chí (quyển "Phủ Thừa Thiên", mục "Núi sông"), thì:
Sông đào Vĩnh Định (Vĩnh Định Hà) ở phía đông lỵ sở cũ của huyện Hải Lăng, chia nước từ ngã ba làng Cổ Thành của sông cái Thạch Hãn, chảy qua thôn La Duy, lại chảy qua làng Trung Đan (hay Đơn) rồi vào làng Lương Điền. Thời trước, làng Trung Đan có một đường kênh, sau bị phù sa, cát bồi lấp thành cạn, thuyền bè khó đi.
Năm thứ 33 (Tân Dậu, 1681) đời Thái Tông (chúa Nguyễn Phúc Tần), đã cho vét đào, lâu ngày lại tắc. Đến năm thứ 2 (Quý Dậu, 1693) đời Hiển Tông (chúa Nguyễn Phúc Chu) lại đào, sau lại bị cát bồi hầu thành đất bằng. Năm Minh Mạng thứ 6 (1825), vua sai Thống chế Phan Văn Thúy đốc binh dân khai đào từ xã Câu Kênh đến xã Trung Đan gồm 1.720 trượng, ba tháng thì xong, bèn cho tên là Vĩnh Định.
Năm Minh Mạng thứ 17 (Bính Thân, 1836), xa giá nhà vua tuần du ra Quảng Trị, thuyền ngự đi qua sông này, có thơ ngự chế khắc vào đá và dựng nhà bia ở bờ nam sông. Cũng vào năm ấy đúc Cửu Đỉnh, khắc hình sông vào Thuần Đỉnh.
Năm Thiệu Trị thứ 2 (Nhâm Dần, 1842), xa giá Bắc tuần, nhà vua có thơ ngự chế khắc vào bia đá dựng ở bờ sông.

2. Theo Quốc sử di biên của Phan Thúc Trực, vào năm 1828 (Minh Mạng thứ 9), vấn đề đổi trang phục của miền Bắc được đặt ra, lần này không phải từ phía chính quyền trung ương mà là từ chính quyền địa phương. Sách này chép: "Tháng 9, Phó Tổng trấn Bắc Thành là Phan Văn Thúy xin đổi cách mặc quần áo ở Bắc Thành, vua nghe theo. Vua dụ rằng: "Đất nước ta cùng chung bốn biển, phong tục hay, lẽ nào lại để cho có những chỗ sai khác. Tháng trước, các trấn thần ở Thanh Hóa, Nghệ An lần lượt xin đổi quần áo của sĩ dân, nay thể theo khẩn cầu, toàn hạt Bắc Thành cũng được sửa đổi kịp thời, để thống nhất chế độ"...
Căn cứ vào điều lệnh do Tổng trấn Bắc Thành Phan Văn Thúy công bố vào tháng 5 năm 1830 (năm Minh Mạng thứ 11), thì kể từ đó “Đàn ông không được đội mũ dài, mũ Thiên bình, mũ Yến vĩ, áo có ống tay rộng, cổ cao, đai lưng, đi tất chân. Phụ nữ không được dùng vải lụa ngắn quấn trên đầu, các dây đai eo lớn nhỏ và quần không đáy”.

Bùi Thụy Đào Nguyên, giới thiệu.
Chú thích:
[1] Đầu thời Lê, tên là huyện Vũ Xương. Đầu triều Gia Long đổi tên là Đăng Xương, đến năm Kiến Phúc thứ nhất (1884), lại đổi là Thuận Xương (theo Đại Nam dư địa chí ước biên, tr. 178).
[2] Chép theo Đại Nam chính biên liệt truyện (tr.347), Đại Nam nhất thống chí (sách ở mục tham khảo) và thông tin trong bài viết “Hình ảnh Quảng Trị trên Cửu Đỉnh” trên báo Quảng Trị online, cập nhật này 24 tháng 1 năm 2012. Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam (tr. 804) chép ông là người huyện Chương Nghĩa (Quảng Ngãi), là sai.
[3] Trích trong Đại Nam chính biên liệt truyện (tr. 347). Chưa tra được Đô thống chế Thái hòa hầu là ai.
[4] Theo Đại Nam nhất thống chí, nguồn đã dẫn. Sử Nguyễn không cho biết ông đã phạm tội gì.
[5] Quốc triều sử toát yếu (tr. 166-197). Công dịch có nghĩa là việc làm của mỗi người góp vào việc công ích. Câu này có thể hiểu là nhà vua cho thu tiền công dịch của những người trong độ tuổi lao động nhưng không đi đào, để nuôi số người trực tiếp đào kênh.
[6] Sách Đại Nam dư địa chí ước biên (tr. 241) cho biết: "Phủ Trấn Ninh ở phía tây tỉnh thành Nghệ An. Đầu thời Lê, do Cầm Công (hay Lư Cầm Công, thủ lĩnh của Bồn Man) chiếm giữ. Vua Lê Thánh Tông đi đánh, dẹp được, đặt tên phủ như ngày nay...Năm đầu Gia Long, vì Vạn Tượng có công lao đánh giặc (chỉ nhà Tây Sơn), nên đem đất ấy cho họ. Năm Minh Mạng thứ 8 (1827), Vạn Tượng bị Xiêm cướp phá, Trấn Ninh lại thuộc về ta" (chỉ Việt Nam). Xem thêm mục từ Bồn Man.
[7] Theo Đại Nam chính biên liệt truyện (tr.347) và Quốc triều sử toát yếu (tr. 174). Tuy nhiên, theo Quốc triều sử toát yếu, thì các tướng đi theo ông Thúy không có Tham tán Nguyễn Khoa Hào, mà chỉ có: Nguyễn Văn Xuân (Phó tướng sung chức Bang tá đại thần), Thượng thư Trần Lợi Trinh (sung chức Tham tán), Đoàn Văn Trường và Lê Văn Quyền (cả hai đều sung chức Bang tá). Sách Việt Nam sử lược (tr. 457) kể tên các tướng giống như sách Đại Nam chính biên liệt truyện, nhưng số quân lại ghi khác: 3.000 và 24 con voi.
[8] Quốc triều sử toát yếu, tr. 182.

Sách tham khảo:
-Quốc sử quán triều Nguyễn (Cao Xuân Dục chủ biên), Đại Nam chính biên liệt truyện, truyện "Phan Văn Thúy". Nxb Văn Học, 2004.
-Quốc sử quán triều Nguyễn (Cao Xuân Dục chủ biên), Đại Nam dư địa chí ước biên. Nxb Văn Học, 2004.
-Quốc sử quán triều Nguyễn (Cao Xuân Dục chủ biên), Quốc triều sử toát yếu (phần Chính biên). Nxb Văn Học, 2002.
-Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí (quyển "Phủ Thừa Thiên", mục "Núi sông", và mục: "nhân vật": tiểu truyện Phan Văn Thúy) in trong Tổng tập dư địa chí Việt Nam (tập 3). Nxb Thanh Niên, 2012.
-Phan Thúc Trực, Quốc sử di biên. Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, 2010.
-Trần Trọng Kim, Việt Nam sử lược. Nxb Tân Việt, 1968.
-Nguyễn Q. Thắng - Nguyễn Bá Thế, Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam. Nxb Khoa học xã hội, 1992.

Thứ Tư, 11 tháng 7, 2012

GIới thiệu Kim Gia Định phong cảnh vịnh


Kim Gia Định phong cảnh vịnh (còn có tên là Gia Định phong cảnh quốc âm ca vịnh), là một tác phẩm bằng thơ do Hai Đức (? – 1882?, không biết họ tên đầy đủ, hiệu là Tập Phước), ở Chợ Lớn làm ra, gồm 152 câu thơ lục bát, viết bằng chữ Nôm, không rõ năm sáng tác, chỉ phỏng đoán là có sau Hòa ước Nhâm Tuất (1862) trong lịch sử Việt Nam.

Bài vịnh này đã được học giả Trương Vĩnh Ký (viết tắt là Pétrus Ký) phiên âm từ chữ Nôm ra chữ quốc ngữ, rồi cho in trong quyển ''Saigon d’aujourd’hui'' (Nét đẹp Sài Gòn) do nhà hàng C.Guilland et Martion, Saigon, ấn hành năm 1882.
Sau đây là lời giới thiệu của ông về tác giả và tác phẩm:
"Điệu vịnh nầy là của Hai Đức ở Chợ Lớn, hiệu là Tập Phước (mới mất năm nay)[1], làm về địa cảnh đất Chợ Lớn, Bến Nghé đời bây giờ, kể từ Phú Lãng Sa lại cho tới nay, lập ra thế nào, khen khéo để sửa sang cho ra cảnh tốt, cho nên thú vui.
"Văn đặt thật tình, lời nói dễ hiểu; cũng nên in ra để đời cho người ta coi, cùng để lại người đời sau cho biết đời nay đất nầy là như vậy, hoặc sau sẽ ra tốt hơn nữa chăng? dẫu cuộc đổi dời cồn có hóa nên vực, vực có hóa nên cồn đi nữa, thì cũng hãy còn tích lại mà nhắc".
P.J.B. Trương Vĩnh Ký


Ngoài những thông tin trên, đến nay vẫn chưa tra được thân thế và sự nghiệp của tác giả Hai Đức.

Dưới đây là toàn văn ''Kim Gia Định phong cảnh vịnh'' do Pétrus Ký phiên âm từ chữ Nôm ra chữ quốc ngữ. Nhận xét về hai văn bản, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu viết: "Đến nay chưa thấy ai phân tích hay phê bình giữa hai bản Nôm và quốc ngữ. Chúng ta có thể yên tâm về sự trung thực giữa hai văn bản đó" (Tổng tập dư địa chí Việt Nam, tập 4, tr. 134).

Công dư [2] đương lúc thảnh thơi,
Nhìn trông phong cảnh đặt lời nôm na.
Dở dang việc trước kể ra,
Thấy tay những khách phương xa nghe cùng.
Đổi dời là máy hóa công [3],
Mở đường tang hải kết vòng phiền hoa [4].
Vận trời năm thứ mười ba[5],
Việt Nam cùng Phú Lãng Sa giao hòa[6].
Riêng chia sáu tỉnh sơn hà:
Định Tường, Gia Định, Biên Hòa, Vĩnh Long.
An Giang tỉnh sắp vô trong,
Đến Hà Tiên tỉnh giáp vòng Cao Mịên.
Bãi binh hai chữ chiếu vàng,
Sông êm Bến Nghé khói tan đầm Rồng [7].
Hết ai xưng bá xưng hùng,
Tháp Mười đồn phá, Gò Công lũy bằng[8].
Lệnh trời một tiếng đã rằng,
Hoàng triều đóng ấn, đình thần ký tên.
Người giao người lãnh thuận tình,
Mấy điều nghị ước đôi bên như lời.
Quan quân rày đặng thảnh thơi,
Lấp đàng hờn giận, kết người anh em.
Muôn dân nệm ấm gối êm,
Khỏi điều lưu lạc lại thêm sum vầy.
Xưa Nam nay đã về Tây,
Lang Sa nguơn soái [9]một tay quờn hoành[10].
Gồm coi thủy lục chư dinh,
Một mình khiển tướng một mình đề binh.
Ngồi trên cầm mực công bình,
Sửa sang địa thế tập tành dân phong.
Bình Dương với huyện Tân Long,[11]
Đặt làm thành phố chỗ trong chỗ ngoài.
Sài Gòn Chợ Lớn chia hai,
Tên thì có khác, đất thì cũng liên.
Dưới sông tàu lửa đậu liền,
Từ đồn Giao Khẩu sấp lên Bà Nghè.[12]
Thông lưu các nước bộn bề,
Có tàu Đông Việt có ghe Bắc Kỳ.
Bán buôn vật nọ hàng kia,
Lao xao thương khách xiết gì là đông.
Chiếc qua chiếc lại đầy sông,
Mù mù khói tỏa, đùng đùng máy kêu.
Những tàu đồng dát sắt neo,
Càng nhìn tận mặt càng xiêu cả hồn.
Sợ chi nghịch thủy nghịch phong.
Dầu lòng chạy ngược dầu lòng chạy xuôi.
Dưới sông sự tích thảy rồi,
Thôi thì trót thể thử coi trên bờ,
Gia Tân nền trạm thuở xưa, [13]
Ngày nay có dựng cột cờ gần bên.
Tư bề dây thép[14]giăng lên,
Lưu thông các thứ báo tin truyền lời.
Đàng xa ba bốn ngày trời,
Máy dây đi một khắc thời tới nơi,
Chuyện trò mấy tiếng mấy lời,
Hẵn hòi nào có vi sơ chút nào.
Cánh chim bay hãy còn lâu,
Máy nầy sức mạnh quá mau dư mười.
Nhiều nơi cơ xảo khác đời,
Gẫm điều nên lạ, gẫm điều nên hay.
Những là máy để cưa cây,
Máy xay lúa gạo, máy may áo quần.
Máy đàng, máy tuyết lạ chừng ,
Dễ coi trước mặt, khó phân ra lời.
Từ đây biết sức biết tài,
Nhiều tay khôn khéo nhiều người giàu sang.
Của kho xuất phát bạc vàng,
Lập ra trại lính dinh quan thiếu gì.
Có tòa Nguơn soái lạ kỳ,
Đá xây làm cột sắt vây làm rào.
Năm từng lầu rộng lại cao,
Cờ treo trước cửa quân hầu ngoài sân.
Rỡ ràng có chất có văn,
Biết chừng nào tốt, biết chừng nào khen.
Giá dư trăm vạn trăm ngàn,
Công phu mà sợ bạc tiền mà kinh.
Tam tòa lập sở công hình,
Để phân tội trọng tội khinh cho người.
Thượng tòa phúc án các nơi,
Những người kêu ức, những người kêu oan.
Có người mi phạm cấm giam,
Ngục môn là chữ, khám đường là tên.
Có nhà nuôi kẻ tật nguyền,
Thuốc thang cho uống, cơm tiền cho ăn.
Có nhà dạy học thơ văn,
Chiếu giường sẵn cắp, áo quần sẵn ban.
Có người phòng ngự loài gian,
Ngày đêm đi khắp các làng tuần canh.
Áo đen tay có viền xanh,
Tiếng kêu Police, Giám thành là tên.
Có trường bắn súng diễu binh,
Tập luyện nhiều cách, công trình nhiều năm [15]
Có vườn nuôi thú nuôi cầm,
Mấy ngàn thảo mộc, mấy trăm phi trùng [16]
Có trường đấu xảo lạ lùng,
Chư ban đủ món, bá công đủ nghề.
Những đồ các nước thiếu chi,
Vật khen trọng thưởng, vật chê phát hồi.
Dập dìu kẻ tới người lui,
Bên coi thứ nọ, bên coi thứ nầy.
Biết bao nhiêu khéo nhiêu hay!
Cuộc vui kể trót tháng chầy mới thôi.
Trường đua xe ngựa cũng vui,
Hơn thì có thưởng, thua lui ra về.
Xa gần đất chợ làng quê,
Cùng nhau đem ngựa đem xe đến tràng.
Cười cười nói nói vang đàng,
Kể sao cho xiết muôn ngàn người đông.
Chẳng phiền hao của tốn công,
Mở đàng ngang đọc đào sông vắn dài.
Đàng thì đã rộng lại ngay,
Trên đầu che mát có cây hai hàng.
Mỗi sông có bắt cầu ngang,
Đá xây bốn phía sắt ràng hai bên,
Mỗi đàng tối có thắp đèn,
Dưới sông trên bộ sáng liền nối nhau.
Năm canh rực rỡ một màu,
Như trăng chói đất, như sao lòa trời.
Biết bao nhiêu thú chơi bời ,
Những nơi hí viện, những nơi tửu lầu.
Phong lưu lắm thú phong lưu,
Ngồi coi cỡi ngựa mặc dầu ý ai.
Thiếu chi gái sắc trai tài,
Áo quần rực rỡ hớn hài xuê xoang.
Phố phường tòa dọc dãi ngang,
Có hàng đồ Bắc, có hàng đồ Nam.
Bán buôn tiền vạn bạc ngàn,
Nhộn nhàng khiêng gánh lăng xăng ra vào.
Đêm thì tiệc khách lao xao,
Đứa rao ngưu nại, đứa ra hạnh trà [17]
Đứa thì cháo vịt cháo gà,
Cùng là công bính, cùng là hoa sanh[18]
Những là đậu chúc liên canh,[19]
Sa lê quả tử ngồi quanh các đàng [20]
Đèn chong ghế sắp hai hàng,
Dễ mê con mắt, dễ hoang tâm tình.
Dầu không ví cảnh Bồng dinh[21]
Cũng là thứ nhứt các thành cõi Nam.
Chẳng tiên song cũng khác phàm,
Ai gây mà đặng ai làm mà ra?
Non sông lục tỉnh nước ta,
Xưa là thế ấy, nay ra thế nầy.
Tu bồi đã lắm công dày,
Trên là Nguơn soái, dưới thì các quan .
Cũng vì khéo tính khéo toan,
Hai mươi năm đã rõ ràng cuộc vui.
Gần đây trước mắt thấy rồi,
Gởi lời hỏi với những người phương xa.
Hẵn hòi sự thật kể ra,
Dám đâu thêu dệt, dám là khoe khoang.
Lời quê tiếng tục ngang tàng,
Giải khuây có chút can tràng ngâm nga.

Bùi Thụy Đào Nguyên giới thiệu

1. ▲ Có nguồn căn cứ vào đây, để viết Hai Đức mất năm 1882. Điều này không chắc lắm, vì Pétrus Ký không ghi năm viết lời giới thiệu, nên không biết nó có cùng thời điểm xuất bản sách Saigon d’aujourd’hui hay không.
2. ▲ Công dư có nghĩa là lúc rỗi việc công.
3. ▲ Hóa công là thợ gầy dựng, ở đây chỉ Trời.
4. ▲ Tang hải là dâu biển, ý nói đến sự đời biến đổi. Phiền hoa, tức “phồn hoa” có nghĩa là náo nhiệt xa hoa.
5. ▲ Năm thứ 13 là năm Canh Thân (1860) đời Tự Đức. Lúc này, quân Pháp đang có mặt tại Sài Gòn, và đã phá tan thành Gia Định (1859).
6. ▲ Ở đây ý nói đến việc ký kết Hòa ước Nhâm Tuất (1862) giữa Pháp (Phú Lãng Sa) với triều đình Huế.
7. ▲ Bến Nghé (tên chữ là Ngưu Chử), tức bờ sông Tôn Đức Thắng, quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh ngày nay. Đầm Rồng là cù lao Rồng (còn gọi là cù lao Tân Long) trên sông Tiền, nay thuộc thành phố Mỹ Tho. Ở đây dùng từ “đầm” (vũng nước to và sâu) là không chính xác.
8. ▲ Tháp Mười là chỗ Võ Duy Dương đóng đồn chống Pháp (bị đánh dẹp năm 1866). Tương tự, Gò Công là chỗ của Trương Định (bị đánh dẹp năm 1864).
9. ▲ Lang Sa là phiên âm từ tên nước Pha Lang Sa hay Phờ Lăng Sơ (France) mà ra. Ngươn soái là Nguyên soái, người cầm đầu quân đội; nhưng ở đây còn là người đứng đầu Sài Gòn lúc bấy giờ
10. ▲ Chưa hiểu rõ nghĩa. Có thể ở đây “quờn” là quyền, “hoành” là lớn rộng; hiểu nôm na là "có quyền hành rộng lớn".
11. ▲ Huyện Bình Dương ở đây là Sài Gòn ngày nay, huyện Tân Long ở đây là Chợ Lớn ngày nay.
12. ▲
Đồn Giao khẩu (còn gọi là đồn Thảo Câu, sau đổi là đồn Hữu Bình, tục gọi là đồn Vàm Cỏ) nằm trên bờ hữu ngạn sông Sài Gòn. Theo Nguyễn Đình Đầu, thì đồn này nằm ở cuối kho Thương cảng, góc sông Sài Gòn với cầu Tân Thuận ngày nay. Đối diện với đồn này là đồn Giác Ngư (sau đổi là Tả Định, tục gọi là đồn Cá Trê),  nằm bên Thủ Thiêm trên bờ tả ngạn sông Sài Gòn (''Địa lý lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh'', tr. 172) . Bà Nghè (tức Thị Nghè, tên thật là Nguyễn Thị Khánh, con gái tướng Nguyễn Cửu Vân) ở đây là một địa danh thuộc quận Bình Thạnh, ngày nay.


13. ▲ Trạm Gia Tân thuở trước ở tại vàm Bến Nghé, nơi có dựng cột cờ thủ ngữ. Chữ “cột cờ” ở câu sau chỉ cột cờ này.
14. ▲ Dây thép ở đây dùng để truyền tin.
15. ▲ Trường bắn súng diễu binh, tập luyện…ở chỗ Mô Súng cũ; nay là khu vực Công trường Dân Chủ.
16. ▲ Nay là Thảo Cầm Viên Sài Gòn.
17. ▲ Ngưu nại là sữa bò, hạnh trà là nước bột hạnh có bỏ đường.
18. ▲ Công bính là thứ bánh làm bằng cơm cháy. Hoa sanh là lạc hoa sanh, tức đậu phộng.
19. ▲ Đậu chúc là đậu xanh với đường (chè). Liên canh là cháo hạt sen bỏ đường.
20. ▲ Sa lê là trái lê.
21. ▲ Bồng dinh hay Bồng doanh, chỉ cảnh tiên. Theo Sơn Hải Kinh, thì Bồng Lai, Doanh châu và Phương Trượng là ba hòn núi nằm ở biển Bột Hải. Ở đó có các tiên nhân.

Sách tham khảo:
-Trương Vĩnh Ký, "Kim Gia Định phong cảnh vịnh" in trong Tổng tập dư địa chí Việt Nam (tập 4), Nxb Thanh Niên, 2011.
-Thanh Nghị, Việt Nam tân từ điển, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh , 1991.
-Vương Hồng Sển, Sài Gòn năm xưa. Nhà xuất bản Thành phố Hồ Chí Minh, 1991.
-Nguyễn Đình Đầu, Địa lý lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh in trong Địa chí văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh (tập 1). Nhà xuất bản Thành phố Hồ Chí Minh, 1987.

Thứ Ba, 10 tháng 7, 2012

Giới thiệu Gia Định thất thủ vịnh

Gia Định thất thủ vịnh là một bài phú Nôm của Việt Nam, gồm 19 vế (mỗi vế có hai câu) và một bài thơ thất ngôn bát cú, chưa xác định được tác giả, chỉ biết ra đời sau khi quân Pháp đánh chiếm Gia Định vào năm 1859.

Bài phú do học giả Trương Vĩnh Ký sưu tầm đầu tiên, phiên âm và giới thiệu trong Saigon d’ autrefois (do C.Guilland et Martion ấn hành năm 1882), và ghi là khuyết danh vào năm 1882. Tuy nhiên, lúc bấy giờ ông chỉ mới sưu tầm được 7 câu. Mãi về sau, tác phẩm mới được sưu tầm đầy đủ và được giới thiệu trong Thi văn quốc cấm thời thuộc Pháp của Thái Bạch, Giai thoại làng Nho Lãng Nhân, Tập Thành của Vương Hồng Sển, Hào khí Đồng Nai của Ca Văn Thỉnh, v.v...

Theo Thái Bạch và Lãng Nhân, thì tác giả là Phan Văn Trị, nhưng cả hai ông đều không nêu ra chứng cứ. Vì thế, nhóm tác giả sách Sài Gòn Gia Định qua thơ văn xưa (tr. 280), và Ca Văn Thỉnh trong sách Hào khí Đồng Nai (tr. 138), vẫn ghi là khuyết danh.

Trong Tập Thành của học giả Vương Hồng Sển, thì bài này còn có tên là Gia Định phú (bài 2). Ông gọi vậy là để phân biệt với bài 1 là "Gia Định phú" (còn có tên là "Cổ Gia Định phong cảnh vịnh").

Năm 2012, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu đã chọn bản của Vương Hồng Sển (vì đầy đủ hơn cả, tuy nhiên vẫn sử dụng các bản khác để hiệu đính và bổ túc) để in trong Tổng tập địa dư địa chí Việt Nam (tập 3), có kèm theo lời dẫn và chú thích của Trương Vĩnh Ký. Trong các bản ở trong các sách khác, có một số chữ dị bản.

Giới thiệu bài phú

-Lời dẫn của Trương Vĩnh Ký
Vịnh này ai làm ra thì không có biết rõ, mà văn làm hay, đối đáp cân xứng. Xem hãy còn dài nữa, mà thấy bổn chép có bấy nhiêu, thì ta cũng chép lại bấy nhiêu. Bấy nhiêu cũng đủ hiểu ý tứ và chí khí của kẻ làm. Chính ý là tiếc đất cũ của mình nay đã về tay giặc; đổ cho đạo tuần hườn trời đất đổi dời khiến cho giặc mạnh. Khí giới giỏi, cơ xảo đến đánh mà lấy đi.
P.J.B. Trương Vĩnh Ký.

-Toàn văn bài phú


    1. Thương thay đất Gia Định! Tiếc thay đất Gia Định!
    Vực thẳm nên cồn, đất bằng nổi sóng.[I]
    2. Tàu khói chạy mây tuôn sông mấy khúc, lờ lạt bến Trâu [1]
    Dây thép giăng chớp nhoáng đất ngàn trùng, ngã xiêu thành Phụng [2].
    3. Bờ cõi phân chia khác mặt, trông ra như quáng như mù.
    Giang sơn dời đổi lạ mày, tưởng tới dường mê dường tỉnh.[II]
    4. Lớp cũ tàn, lớp mới mọc, ngổn ngang xe ngựa đất gò bằng.
    Dấu trước lấp, dấu sau bồi, tan nát cửa nhà trời dậy sấm.[III]
    5. Inh ỏi súng rền kinh cửa Bắc, hãi hùng trăm họ dứt câu ca [3]
    Tò le kèn thổi trời Nam, mờ mịt năm canh không tiếng trống.[IV]
    6. Hào kiệt tìm phương lánh mặt, sa cơ gió hạc lúc hư kinh [4] [V]
    Anh hùng kiếm chốn ẩn thân, sút thế nước cờ cơn lúng túng.
    7. Từ Bến Thành [5] trải qua chợ Sỏi [6] loài tanh hôi lang lệ biết bao nhiêu.[VI]
    Nơi Chợ Lớn [7] sắp tới Cầu Kho [8], quân mọi rợ lẫy lừng nên quá lắm.
    8. Cầu Thị Nghè [9] cùng nơi Chợ Quán [10] chúa Giê-giu đắc ý vểnh râu.
    Chùa Cẩm Đệm [11] trải đến Cây Mai[12], Phật Bồ Tát chịu nghèo ôm bụng.
    9. Nơi nơi nổi xóm đạo nhà thờ.
    Chốn chốn lập chùa thiêng miếu thánh[13]
    10. Dọc dọc ngang ngang mấy lớp, thảy đều chúng nó lâu đài.
    Văn văn võ võ hai bên, nào thấy quan ta võng lọng.
    11. Ngậm ngùi thay ba bốn lân Gò Vấp [14], cây cỏ khô thân thế cũng khô.
    Bát ngát nhẽ Mười tám thôn Vườn Trầu [15], hoa trái rụng, người đời cũng rụng.
    12. Mấy dặm Gò Đen - Rạch Kiến [16], ngọn lửa thiêu sự nghiệp sạch không.
    Đòi nơi Rạch Lá - Gò Công [17] trận gió quét cửa nhà trống rỗng.
    13. Tiếng kêu oan, oan này vì nước, hồn nghĩa dân biết dựa vào đâu?
    Thân liều thác, thác cũng vì vua, xương nghĩa sĩ chất đà đầy đống.
    14. Sông núi đào, mồ xiêu mả lạc, thương thay kẻ thác chẳng an hồn.
    Đường sá đắp, cửa nát nhà tan, cực bấy người còn khôn nỗi sống.
    15. Sau trước vầy đàng tả đạo, dân ta đòi bữa đòi suy.
    Đêm ngày ỏi tiếng Lang Sa [18], thế nó càng ngày càng lộng.
    16. Cờ Thành Thang [19] sao không thấy phất, bỏ liều con đỏ chốn chông gai.
    Áo Võ Vương [20] sao chẳng thấy cài, nỡ để dân đen trong bùn lấm.
    17. Đầu Trung nguyên tóc hãy còn dài, công này nhờ Chu Bá, học Xuân Thu xin chớ biếm Hoàn Công [21].
    Tay tả nhậm áo kia khỏi mặc, việc ấy bởi vì ai, học Luận ngữ cớ sao chê Quản Trọng [22].
    18. Bóng xế dặm ngàn trong man mác, nước non này ai thấy chẳng buồn.
    Trời chiều chim chóc nhảy lăng xăng, tình cảnh ấy lòng nào chẳng động?
    19. Nay ta nhân cảm việc đời,
    Vậy mới tả một bài ngâm vịnh:
    Dắng dỏi lầu Tây tiếng địch xoang,
    Đoái trông thấp thoáng bóng dương tàn.
    Giang sơn tám cõi êm tì báo
    Thế giới ba ngàn nổi sói lang.
    Áy náy người lo ơn cúc dục,
    Bâng khuâng kẻ tưởng nghĩa quân vương.
    Ai về bến bắc thăm người Võ,
    Hỏi cán cờ mao trải mấy sương?

Chú thích của Trương Vĩnh Ký:
[I] Đổi dời đời biến loạn, nổi giặc Tây  lên.
[II] Chỉ đất Gia Định đã đổi dời khác quá, không còn nhìn được nữa. Mà nghĩ đất giang san cố cựu lại dường tỉnh dường mê.
[III] Cái cũ đã tàn đi, bây giờ ra lớp mới, xe ngựa dập diều. Cửa nhà xưa phá tan hết, bây giờ nhà mới xây gạch đá, lầu hiên chập chồng.
[IV] Súng Tây bắn rền đất, thiên hạ kinh hãi dập tiếng âu ca, là đổi thạnh ra loạn, thái bình ra giặc giã. Bây giờ nghe tiếng kèn tây thổi tò tó te, đêm không nghe tiếng trống canh như xưa.
[V] Gió hạc lúc hư kinh: hạc nghe gió dậy thất kinh (phong thinh hạc lụy).
[VI] Tinh chuyên hay tanh hôi cũng vậy.


Ý kiến của Nguyên: Mặc dù làm việc cho thực dân Pháp, nhưng ở đây Trương Vĩnh Ký vẫn gọi họ là "giặc". Đọc các chú thích trên của ông đều thấy toát lên nỗi ngậm ngùi vì cảnh "nước mất, nhà tan".

Bùi Thụy Đào Nguyên giới thiệu
.
Chú thích:
[1] Bến Trâu (tên chữ là Ngưu Chử) tức Bến Nghé (bờ sông Tôn Đức Thắng, quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh ngày nay). 
[2] Năm 1835, sau khi đánh dẹp cuộc nổi dậy Lê Văn Khôi, vua Minh Mạng sai phá thành cũ (thành Quy, có 8 cạnh), xây thành mới gọi là "Thành Phụng" (là thành tứ giác có 4 cạnh). Năm 1859, quân thực dân Pháp tấn công thành. Và sau khi thành bị đánh hạ, họ đã phá hủy hoàn toàn.
[3] Có bản chép là “âu ca”, có nghĩa là hát để khen ngợi công đức.
[4]  Hư Kinh: kinh hãi vì việc không đâu.
[5] Chợ Bến Thành xưa nằm ở góc bờ sông Sài Gòn với đường Kinh lấp (nay là đường Nguyễn Huệ).
[6] Chợ Sỏi (vì nơi bến sông có nhiều cát sỏi nên gọi vậy) nằm sát vàm Bến Nghé, thuộc làng Tân Khai; nay là đầu đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh. Sau khi người Pháp qui hoạch lại thành phố Sài Gòn thì chợ không còn nữa.
[7] Chợ Lớn nói đây nay ở trung tâm quận 5, Thành phố Hồ Chí Minh.
[8] Gọi là Cầu kho vì xưa kia có cái cầu bắc ngang qua con rạch ăn vào kho cẩm Thảo (nơi chứa lúa từ lục tỉnh chở lên nộp cho vua). Theo Nguyễn Đình Đầu thì Cầu Kho ở bờ rạch Bến Nghé, nơi đầu đường Trần Đình Xu, quận 1 ngày nay.
[9] Cầu Thị Nghè là cây cầu bắc qua rạch Thị Nghè (đoạn gần hạ lưu đổ vào sông Sài Gòn), nối quận 1 và quận Bình Thạnh . Cầu xưa kia do bà Nguyễn Thị Khánh (con gái tướng Nguyễn Cửu Vân) làm ra để chồng tiện đường qua Sài Gòn làm việc.
[10] Chợ Quán khi trước ở tại làng Tân Kiểng (kế làng Nhơn Giang và Bến Nghé) nên còn gọi là chợ Tân Kiểng. Đây là một trong số ít ngôi chợ có từ nửa cuối thế kỷ 18 ở trấn Phiên An. Gọi là Chợ Quán vì thuở trước chợ nhóm ở lối nhà thương Chợ Quán (nay là Trung tâm Bệnh Nhiệt Đới ở số 190 Bến Hàm Tử, phường 1, quận 5, Thành phố Hồ Chí Minh), chung quanh chợ có nhiều quán xá. Theo Nguyễn Đình Đầu, thì Chợ Quán nằm ở khoảng đường Trần Bình Trọng ra bến Hàm Tử thuộc quận 5 ngày nay.
[11] Chùa Cẩm Đệm tức chùa Giác Lâm, hiện tọa lạc tại số 118 đường Lạc Long Quân, thuộc phường 10, quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh.
[12] Chùa Cây Mai tọa lạc trên gò Mai, thuộc Gia Định xưa. Trong thời Pháp thuộc, ngôi chùa đã bị tháo gỡ, chỉ còn lại một gò Mai gần như phẳng lì, nằm ở góc đường Hồng Bàng-Nguyễn Thị Nhỏ thuộc phường 16, quận 11, Thành phố Hồ Chí Minh.
[13] Tác giả không ưng cả “xóm đạo nhà thờ” lẫn “chùa thiêng miếu thánh”, theo tinh thần của "Dương Từ-Hà Mậu" của Nguyễn Đình Chiểu chăng ? (chú thích của Nguyễn Đình Đầu).
[14] Gò Vấp tức "gò có nhiều cây vắp" (vắp nói trại thành vấp). Người Chăm gọi cây này là Krai và xem như là thần mộc, yểm hộ cho dân tộc họ. (Gia Định xưa, tr. 93). Đất Gò Vấp xưa thuộc tổng Bình Trị Hạ, huyện Bình Dương, tỉnh Gia Định (1836); nay thuộc quận Gò Vấp, Thành phố Hồ Chí Minh.
[15] Mười tám thôn Vườn Trầu, (tên chữ là Thập bát phù viên), là một tên gọi dùng để chỉ địa danh của một vùng đất, mà nay bao gồm địa giới của huyện Hóc Môn, Quận 12 và một phần huyện Củ Chi, Thành phố Hồ Chí Minh.
[16] Gò Đen - Rạch Kiến là hai địa danh; xưa thuộc huyện Phước Lộc (là một trong trong 4 huyện của phủ Tân An, thuộc tỉnh Gia Định), nay thuộc tỉnh Long An.
[17] Rạch Lá - Gò Công là hai địa danh; xưa thuộc huyện Tân Hòa, nay thuộc tỉnh Tiền Giang. Hai địa danh này gợi nhớ đến cuộc khởi nghĩa của Trương Định (bị quân Pháp đánh dẹp năm 1864).
[18] Lang Sa là phiên âm từ tên nước Pha Lang Sa hay Phờ Lăng Sơ (France) mà ra.
[19] Thành Thang, tên thật là Tử. Ông là người đã lật đổ vua Kiệt tàn bạo, và thành lập nhà Thương (Trung Quốc).
[20] Võ Vương tức Chu Vũ Vương, tên thật là Cơ Phát hay Tây Bá Phát. Ông là người đã lật đổ vua Trụ tàn bạo của nhà Thương, và thành lập nhà Chu (Trung Quốc). [21] Ý nói đời Chu, Tề Hoàn Công làm bá chủ chư hầu, đánh bại Nhung, Địch, bảo vệ nhà Chu và cứu nước nhà.
[22] Quản Trọng (725 TCN - 645 TCN) là một chính trị gia, nhà quân sự thời Xuân Thu (685 TCN) của Trung Quốc. Ông đã giúp Tề Hoàn Công chỉnh đốn chính trị và quân bị, tập hợp chư hầu xướng nghĩa tôn Chu (thiên tử) làm nên nghiệp bá. Câu này và câu trên đại để nói là nếu không có Tề Hoàn Công làm bá chư hầu, Quản Trọng làm tướng thì Trung Nguyên (là nơi phát nguyên của nền văn minh Trung Hoa) đã phải róc tóc, mặc áo cài bên trái (tả nhậm) kiểu man di (Nhung, Địch,...) rồi!

Tài liệu tham khảo:
-Nguyễn Đình Đầu, phần chú thích cho bản "Gia Định thất thủ vịnh" in trong Tổng tập dư địa chí Việt Nam (tập 4), Nxb Thanh Niên, 2011.
-Nguyễn Thị Thanh Xuân - Nguyễn Khuê - Trần Khuê, Sài Gòn-Gia Định qua thơ văn xưa. Nhà xuất bản Thành phố Hồ Chí Minh, 1987.
-Vương Hồng Sển, Sài Gòn năm xưa. Nhà xuất bản Thành phố Hồ Chí Minh, 1991.
-Vương Hồng Sển, Sài Gòn tạp phín lù. Nhà xuất bản Văn hóa-Thông tin, 1998.
-Huỳnh Minh, Gia Định xưa. Nhà xuất bản Văn hóa-Thông tin, tái bản năm 2006.
-Sơn Nam, Bến Nghé xưa. Nhà xuất bản Văn Nghệ Thành phố Hồ Chí Minh, 1981.
-Ca Văn Thỉnh, Hào khí Đồng Nai, Nhà xuất bản Thành phố Hồ Chí Minh, 1983.