Lý Dực (937-978), còn gọi là Lý Hậu Chủ hay Nam Đường Hậu Chủ, tự: Trùng Quang; hiệu Chung Ẩn; là nhà làm từ và là ông vua cuối cùng của Nam Đường trong lịch sử Trung Quốc.
1.Tiểu sử:
Năm 961, Lý Cảnh (tức Nam Đường Nguyên Tông, cũng gọi là Nam Đường Trung Chủ) mất, con trai ông là Lý Dực kế vị.
Khi Lý Dực lên ngôi, thế nước Nam Đường ngày một suy, lại chịu sức ép lớn của triều Tống ở phía Bắc; nên hàng năm nhà vua phải đem vàng bạc đi cống nộp để lấy lòng Tống Thái Tổ (tức Triệu Khuông Dẫn hay Dận).
Sau nhiều năm làm vua trong xa hoa trụy lạc, năm thứ 7 niên hiệu Khai Bảo (974), Tống Thái Tổ cất quân đánh Nam Đường, bắt Lý Hậu Chủ (tức Lý Dực) về Khai Phong (tức Biện Kinh). Nước Nam Đường diệt vong, truyền nối được 3 đời, tổng cộng 40 năm.
Tương truyền, ngày thành Kim Lăng thất thủ, Lý Hậu Chủ đang ngồi nghe giảng kinh Phật ở chùa Tịnh Cư, vội vàng cởi áo ra hàng.
Về Biện Kinh, Tống Thái Tổ phong Lý Hậu Chủ làm Vi Mệnh hầu (hoặc An Mệnh hầu), đối xử với ông rất nhạt nhẽo. Từ đó về sau, Lý Hậu Chủ sống một cuộc đời tù túng cách biệt với thế giới bên ngoài, tuy có chức tước, nhưng thực ra cũng chẳng khác gì một tù nhân.
Năm 978, Lý Hậu Chủ mất ở tuổi 41 [1].
2. Từ của Lý Hậu Chủ:
Từ địa vị một ông vua đến thân phận một tù nhân, làm cho từ của Lý Hậu Chủ chia ra thành hai thời kỳ khác nhau.
Ở thời kỳ trước, những bài từ của ông có tình điệu vui tươi, chủ yếu phản ánh cuộc sống xa hoa và ăn chơi của người đứng đầu cung đình. Tiêu biểu là những bài làm theo điệu Ngọc lâu xuân, Cán khê sa,...Song, nhìn chung, từ trong gian đoạn này, tuy về nghệ thuật chứng tỏ một tài năng, nhưng tầm tư tưởng bị hạn chế, giống phong cách Hoa gian phái (phái “Trong Hoa”) chuyên làm thơ diễm tình.
Ở thời kỳ sau, do thân bị cầm tù, bị hành hạ nên những bài từ trong gian đoạn này đã dứt bỏ được sắc màu ăn chơi, mà chan chứa nỗi đau u uất của một kẻ bất hạnh. Tiêu biểu là những bài làm theo điệu Ngu mỹ nhân, Lãng đào sa,...Và mặc dù có sự cảm thụ sâu sắc về cuộc sống cực nhục mà mình nếm trải, song từ của ông vẫn thiếu một ý nghĩa xã hội sâu sắc.
Sau Lý Hậu Chủ, từ bắt đầu được phát triển song song và được coi trọng như thơ ca cổ điển. Sang thời Tống liền đó, từ đạt tới một trình độ rất cao, và trở thành một thể loại tiêu biểu của một thời đại.
Cho nên khi nói về từ của Lý Hậu Chủ, học giả Nguyễn Hiến Lê cũng đã viết rằng:
Lý Dực tức Nam Đường hậu chủ đáng làm thiên tử trên từ đàn đời Ngũ đại. Trước khi mất nước, lời đẹp đẽ và lộng lẫy; sau khi mất nước, giọng lâm ly, thống khổ...Nhiều nhà phê bình từ của ông, khen là “thánh phẩm”. Chu Tế nói: "Từ của Phi Khanh (tức Ôn Đình Quân) đẹp vì rực rỡ, từ của Đoan Kỷ (tức Vi Trang) đẹp vì giản dị, còn từ của Hậu Chủ thì “áo vải tóc bù” mà đẹp.Tuy có công lớn với nghệ thuật, nhưng Hậu Chủ có tội lớn với quốc dân, vì mê từ quá, để nước mất [ tr.498-499].
Ngoài tài làm từ , Lý Hậu Chủ còn là người giỏi thư họa và thông âm luật.
3. Giới thiệu tác phẩm:
Chưa rõ Lý Hậu Chủ đã để lại bao nhiêu bài từ, song những bài còn lưu lại đều hay. Dưới đây là hai trong số bài từ tiêu biểu của ông.
1. Ngu mỹ nhân
Xuân hoa thu nguyệt hà thời liễu?
Vãng sự tri đa thiểu!
Tiểu lâu tạc dạ hựu đông phong,
Cố quốc bất kham hồi thủ nguyệt minh trung!
Ngọc khám ưng do tại,
Chỉ thị chu nhan cải.
Vấn quân năng hữu kỷ đa sầu?
Cáp tự nhất giang xuân thủy hướng đông lưu.
Tạm dịch:
Xuân hoa thu nguyệt bao giờ hết?
Việc cũ biết nhiều ít!
Đêm qua lầu nhỏ lại gió đông,
Nước cũ về chẳng được, ánh trăng trong!
Bệ ngọc chừng còn đó,
Hồng nhan buồn đã đổi.
Ai ơi xin hỏi sầu mấy hồi?
Nào khác dòng xuân hướng đông trôi.
2. Lãng đào sa lệnh
Liêm ngoại vũ sàn sàn,
Xuân ý lan san,
La thường bất nại ngũ canh hàn.
Mộng lý bất tri thân thị khách,
Nhất hướng tham hoan.
Độc tự mạc bằng lan,
Vô hạn giang san,
Biệt thời dung dị kiến thời nan.
Lưu thủy lạc hoa xuân khứ dã,
Thiên thượng nhân gian.
Tạm dịch:
Rả rích mưa tuôn,
Lòng những bàn hoàn,
Vạt là không ấm suốt canh tàn.
Trong mộng nào hay mình ở trọ,
Chợt thấy vui tràn.
Một mình tựa lan can,
Bát ngát giang san,
Chia tay thì dễ, gặp lại khó khăn.
Nước trôi hoa rụng xuân qua đó,
Trời đất miên man.
Bùi Thụy Đào Nguyên, soạn.
Chú thích:
[1]. Có tác giả viết rằng Lý Hậu Chủ bị Tống Thái Tổ cho uống thuốc độc chết. Tuy nhiên, tra trong sách dùng để tham khảo thì không thấy có thông tin này.
Sách tham khảo:
•Nguyễn Hiến Lê, Đại cương văn học Trung Quốc (trọn bộ). Nhà xuất bản Trẻ, 1997.
•Trần Lê Bảo, mục từ “Lý Dực” in trong Từ điển văn học (bộ mới). Nhà xuất bản Thế giới, 2004.
•Sở nghiên cứu văn học thuộc Viện Khoa học xã hội Trung Quốc biên soạn, Lịch sử văn học Trung Quốc (Tập II), Bản dịch do Nxb Giáo dục Việt Nam ấn hành năm 1993.
1 nhận xét:
Xin chao ban, tinh co view blog tren twitter.com
Chac ban hoc khoa lich su, gioi ve lich su ghe.
Moi ghe tham blog minh: http://www.1197614.co.cc
Đăng nhận xét