Hình ảnh

Hình ảnh

Thứ Sáu, 24 tháng 6, 2011

Mả Ngụy ở đâu?


Bản đồ mô tả vị trí Mả Ngụy

Mả Ngụy hay Mả Biền Tru [1] là một mồ chôn tập thể những người tham gia hoặc liên quan cuộc nổi dậy Lê Văn Khôi (1833-1835) ở thành Phiên An (còn gọi là thành Gia Định, thành Sài Gòn).

Cuộc khởi nghĩa ban đầu thành công, quân nổi dậy đã chiếm được thành Phiên An và các tỉnh Nam Kỳ. Song đến ngày 16 tháng 7 năm Ất Mùi (tức 8 tháng 9 năm 1835), khi quân triều đình chia làm 8 mũi, tấn công ồ ạt vào thành, quân nổi dậy chống cự không nổi, bị thua trận. Quân nổi dậy và dân chúng (gồm già trẻ, trai gái) ở trong và bên ngoài thành vài dặm, cả thảy 1.831 người đều bị giết chết và chôn chung một chỗ, và gọi là Mả Ngụy hay Mả Biền Tru [2].

Sách Đại Nam chính biên liệt truyện (mục Lê Văn Khôi), chép:...Bè đảng a dua, không cứ già trẻ trai gái, ở trong và ở vài dặm ngoài thành (đều) chém ngay, rồi đào một hố to vất thây lấp đất, chồng đá làm gò dựng bia khắc đây là “nơi bọn nghịch tặc bị giết, để tỏ quốc pháp” [3].

Vị trí ngôi mộ chung đó, theo nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu, nằm ở gần Mô Súng, tức khoảng gần Ngã Sáu (Công trường Dân Chủ), thuộc Thành phố Hồ Chí Minh [4].

Tác giả Nguyễn Thanh còn cho biết thêm rằng, khu vực này khi xưa là một cánh đồng rộng lớn, hoang vu với nhiều lùm cây cỏ um tùm, mang tên là Đồng Tập Trận hay còn gọi là Mô Súng [5]; và vị trí ngôi mộ chung ở khoảng gần bệnh viện Bình Dân trên đường Điện Biên Phủ ngày nay [6].

Cũng trên cánh đồng này, khi xưa vào ngày mồng 6 tháng Giêng hàng năm, Tổng trấn Gia Định đều cho cử hành lễ “xuất binh” tại đây. Và cũng chính nơi đây, Phan Xích Long và 56 đồng đội đã bị quân Pháp xử bắn, sau khi cuộc khởi nghĩa nổ ra tại Sài Gòn vào tháng 2 năm 1916 thất bại [7].
Bùi Thụy Đào Nguyên, tổng hợp tài liệu.

Chú thích:
[1] Ngụy ở đây có nghĩa là giặc, là (quân) làm loạn. Biền tru là tru diệt ngay, không cần xét xử.
[2] Con số biên theo Quốc triều chính biên toát yếu do Quốc sử quán triều Nguyễn tổ chức biên soạn (NXB Văn học, 2002, tr. 252). Có nguồn chép hơi khác.
[3] Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam chính biên liệt truyện, NXB Văn học, 2004, tr. 1038-1039.
[4] Nguyễn Đình Đầu, "Địa lý lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh" in trong Địa chí văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh (Tập 1, phần lịch sử), tr. 211.
[5] Gọi là Đồng Tập Trận vì đây là nơi dùng để thao dượt binh sĩ (tập trận), gọi là Mô Súng vì ở đây có mô đất cao đặt súng lớn. Trong bài "Cổ Gia Định phong cảnh vịnh", có câu: Đồng Tập Trận rộng cả ngàn, coi xấp xỉ bằng Thái nguyên dã / Mô Súng đắp cao trật gót, nhắm sâm si dường vọng vân đài.
[6] [6] Theo chú thích trong ''Sài Gòn năm xưa'' của Vương Hồng Sển, thì Mả Ngụy cũng ở khoảng bệnh viện Bình Dân (thuộc quận 3), và nó nằm phía tay mặt đường Điện Biên Phủ (thuộc quận 10) tức bên đối diện với bệnh viện (NXB. TPHCM, 1991, tr. 154).(NXB. TPHCM, 1991, tr. 154).
[7] Nguyễn Thanh, Thành phố bất khuất. Nhà xuất bản TP. HCM, 1984, tr. 43.

Không có nhận xét nào: