Hình ảnh

Hình ảnh

Thứ Hai, 25 tháng 7, 2011

Liễu Vĩnh, một từ gia thời Bắc Tống

Liễu Vĩnh (chữ Hán: 柳永, 1004-1054) [1], trước có tên là Tam Biến [2], tự: Kỳ Khanh; là quan nhà Bắc Tống, và là nhà làm từ (từ gia) nổi tiếng ở Trung Quốc.

1. Tiểu sử:
Liễu Vĩnh là người Sùng An, tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc. Ông xuất thân trong một gia đình quan lại theo Nho học mấy đời, tuổi trẻ từng sống và học tập ở kinh thành Khai Phong, từng đi thi nhiều lần nhưng đều hỏng, về già mới đỗ Tiến sĩ.

Sau đó, ông lần lượt làm mấy chức quan nhỏ: Triện quan ở Mục Châu, Diêm quan ở Định Hải, Hiểu phong; và làm Viên ngoại lang coi việc đồn điền. Trong các nhà làm từ nổi tiếng thời Bắc Tống, ông là người giữ chức quan nhỏ nhất; nhưng lại là nhà làm từ chuyên nghiệp đầu tiên, cả đời dốc sức vào việc sáng tác từ.

Năm 1054 đời Tống Nhân Tông, Liễu Vĩnh mất lúc 50 tuổi. Tương truyền, khi đó các kỹ nữ đã góp tiền để chôn cất ông, và còn làm lễ truy điệu [3].

Hiện còn quyển Nhạc chương tập (Tập sách ghi các chương nhạc), có gần 200 bài từ của ông.

2. Sự nghiệp văn chương:
Nội dung chủ yếu của từ Liễu Vĩnh là phản ánh tâm trạng buồn bực, bất mãn của đại bộ phận trí thức (trong đó có ông), có tài nhưng không gặp cơ hội trong xã hội phong kiến, hoạn lộ trắc trở, nên đi đến chỗ lạnh nhạt với công danh lợi lộc. Có thể thấy những điều đó trong các bài từ làm theo điệu "Phụng quy vân", "Quy triều quan", "Khán hoa", "Bát thanh Cam Châu", "Vũ lâm linh",...

Ở khía cạnh khác, mặc dù xuất thân trong một gia đình quan lại theo Nho học mấy đời, nhưng Liễu Vĩnh từng "nhiều phen du ngoạn cùng hiệp khách", "thích làm các khúc ca trong hoa dưới nguyệt" ở chốn lầu hồng, như những bài từ làm theo điệu "Hạc xung thiên", "Trường thọ lạc", "Mê tiên dẫn",.... Ở đấy, trên quan điểm của một văn nhân bất đắc chí, ông mô tả cuộc sống của các kỹ nữ, và bày tỏ sự cảm thông với họ. Thành thử, ông làm cho từ có nội dung xã hội nhiều hơn.

Đồng thời, Liễu Vĩnh còn làm khá nhiều bài tả cảnh phồn hoa của thị thành (Khai Phong, Hàng Châu, Tô Châu,...), như những bài từ làm theo điệu "Vọng hải triều".

Ngoài ra, lúc làm Diêm quan ở Định Hải, ông có làm bài thơ "Chử hải ca" (Bài ca nấu muối biển) rất đáng chú ý. Đây là một tác phẩm hiện thực ưu tú, giàu cảm xúc, tả cảnh khổ phơi lọc muối và cuộc sống nghèo cực của những người dân làm muối, đồng thời tố cáo giới quan lại địa chủ đã bốc lột họ.

Về nghệ thuật, nhờ học tập và tiếp thu kinh nghiệm sáng tác của các nhạc khúc dân gian thời đầu Tống và của một số tác giả thời Trung Đường; mà Liễu Vĩnh đã có nhiều sáng tạo: hoặc theo điệu cũ điền lời mới, hoặc tự sáng sáng tạo ra điệu mới; và làm cho ngôn ngữ từ thêm rõ ràng, bình dị vì đã được ông thông tục hóa và khẩu ngữ hóa...

Thứ nữa, ông còn là người đầu tiên làm nhiều “mạn từ” (tức bài từ dài, trong Nhạc chương tập, “mạn từ” chiếm đến bảy tám phần mười), và làm cho nó trở thành một hình thức văn học thuần thục.

Ngoài ra, ông còn là người đã đem tình và cảnh lồng vào nhau, điều mà từ khúc dân gian đời Đường chưa có. Nhờ vậy, từ dân gian có một bước đổi thay khá rõ.

Trong số các nhà làm từ thời Bắc Tống, từ của Liễu Vĩnh được truyền bá rộng rãi [4], và được nhiều thế hệ sau thừa kế, phát huy. Ông là một nhà văn có ảnh hưởng xã hội tương đối lớn.

3. Giới thiệu từ:
Từ của Liễu Vĩnh có nhiều bài hay, nhưng thường dài, nên ở đây chỉ có thể giới thiệu một bài từ làm theo điệu "Bát thanh Cam Châu", và bài thơ thất ngôn cổ phong "Chử hải ca".

1. Bát thanh Cam Châu
Phiên âm:

Đối tiêu tiêu vũ sái giang thiên,
Nhất phiên tẩy thanh thu,
Tiệm sương phong thê khẩn,
Quan hà lãnh lạc,
Tàn chiếu đương lâu.
Thị xứ hồng suy lục giảm,
Nhiễm nhiễm vật hoa hưu.
Duy hữu Trường Giang thuỷ,
Vô ngữ đông lưu.

Bất nhẫn đăng cao lâm viễn,
Vọng cố hương diểu mạc,
Quy tứ nan thu.
Thán niên lai tung tích,
Hà sự khổ yêm lưu!
Tưởng giai nhân, trang lâu trường vọng,
Ngộ kỷ hồi, thiên tế thức quy chu?
Tranh tri ngã, ỷ lan can xứ,
Chính nhẫm ngưng sầu.

Dịch nghĩa:
Trước cảnh mưa chiều sầm sập dội xuống dòng sông mênh mông,
Một phen gột rửa trời thu trong vắt.
Dần dần sương gió lạnh rít,
Núi sông tẻ ngắt,
Bóng tà dương chiếu thẳng trước lầu.
Nơi đó hồng phai thắm nhạt,
Cảnh vật suy tàn.
Chỉ có nước sông Trường giang,
Vẫn vẫn lặng lẽ chảy về đông.

Không nỡ lên cao nhìn xa,
Trông vời quê hương mờ mịt,
Nỗi nhớ nhung không ngăn được.
Than thở nỗi phiêu bạt bao năm,
Việc gì cứ phải nấn ná ở lại cho khổ?
Nghĩ rằng người đẹp trên lầu đang đứng ngóng,
Đã bao lần trông chân trời lầm tưởng thuyền về!
Đâu biết ta cũng đang đứng tựa lan can,
Đăm đăm sầu nhớ .

2. Chử hải ca
Chử hải chi dân hà sở dinh,
Phụ vô tàm chức phu vô canh.
Y thực chi nguyên thái liêu lạc,
Lao bồn chử tựu nhữ luân chinh.
Niên niên xuân hạ triều doanh phố,
Triều thoái quát nê thành đảo tự.
Phong can nhật bộc hàm vị gia,
Thuỷ quán triều ba lưu thành lỗ.
Lỗ nùng kiềm đạm vị đắc nhàn,
Thái tiều thâm nhập vô cùng sơn.
Báo tung hổ tích bất cảm tỵ,
Triêu dương sơn khứ tịch dương hoàn.
Thuyền tải kiên kình vị hoàng yết,
Đầu nhập cự táo viêm viêm nhiệt.
Thần thiêu mộ thước đồi tích cao,
Tài đắc ba đào biến thành tuyết.
Tự tòng chư lỗ chí phi sương,
Vô phi giá thải sung hầu lương.
Xưng nhập quan trung đắc vi trực,
Nhất mân vãng vãng thập mân thường.
Chu nhi phục thuỷ vô hưu tức,
Quan tô vị liễu tư tô bức.
Khu thê trục tử khoá công trình,
Tuy tác nhân hình câu thái sắc.
Chúc hải chi dân hà khổ môn,
An đắc mẫu phú tử bất bần.
Bản triều nhất vật bất thất sở,
Nguyện quảng hoàng nhân đáo hải tân.
Giáp binh tịnh tẩy chinh luân chuyết,
Quân hữu dư tài bãi diêm thiết.
Thái bình tương nghiệp nhĩ duy diêm,
Hoá tác Hạ Thương Chu thời tiết.

Hoàng Tạo dịch:
Bài ca nấu muối biển
Dân nấu muối biển sống sao đây?
Vợ không canh cửi chồng không cày.
Nguồn sống áo cơm thật buồn tẻ,
Nấu xong thùng muối là thuế ngay.
Hàng năm xuân hạ triều ngập bãi,
Triều xuống gom bùn thành đông núi,
Gió hong nắng dãi muối thêm nồng.
Lọc qua nước triều thành đất muối,
Đất nồng muối nhạt đã xong đâu.
Kiếm củi xông vào tận núi sâu,
Vết hổ dấu beo nào dám quản.
Sáng sớm ra đi về đã chiều,
Thuyền chở vai gánh bao mải miết.
Quẳng cả vào lò cháy bằng hết,
Suốt ngày nung nấu từng đống cao.
Biến sóng biển xanh thành đụn tuyết,
Từ vũng bùn đen đến trắng ngần.
Đều là vay mượn lấy lương ăn,
Cân nạp cho quan giá rẻ mạt.
Một quan vay lãi hoá mười quan,
Quanh đi quẩn lại không hề ngớt.
Thuế quan chưa xong thuế tư bắt,
Xua con đuổi vợ đi làm thuê.
Tuy có hình người mặt xanh ngắt,
Đời dân nấu muối, ôi cay chua,
Ước gì mẹ giàu con cũng no.
Ơn trên mọi vật yên nơi chốn,
Bến biển xa này thấu đến cho.
Gươm giáo rửa cất, thuế khoá bãi,
Bỏ thuế muối sắt, của thừa thãi.
Thái bình ông tướng giỏi điều canh,
Hãy làm sống lại đời Tam đại.

Bùi Thụy Đào Nguyên, giới thiệu
Chú thích:
[1] Ghi theo Lịch sử văn học Trung Quốc (Tập 2, tr. 401). Từ điển văn học (bộ mới, tr. 857) chép là: 987?-1053?.
[2] Chép theo Từ điển văn học (bộ mới, tr. 857). Lịch sử văn học Trung Quốc (Tập 2, tr. 401) cho biết trước khi có tên Liễu Vĩnh, ông đã đổi tên ba lần, nhưng sách không kể ra.
[3] Theo Từ điển văn học (bộ mới, tr. 858). Sách Lịch sử văn học Trung Quốc (Tập 2, tr. 404) kể tương tự, và viết thêm rằng: "Đây chỉ là lời đồn, tuy không có gì chắc chắn, nhưng cũng đã nói lên mối quan hệ mật thiết giữa Liễu Vĩnh với các kỹ nữ thời bấy giờ" .
[4] Sách Hậu Sơn thi thoại nói từ Liễu Vĩnh lúc bấy giờ “khắp thiên hạ ngâm nga”, sách Năng cải trai mạn lục nói từ của ông từng được “truyền bá khắp bốn phương”, Diệp Mộng Đắc trong Tị thử lục thoại cũng chép rằng cả ở Tây Hạ “phàm những nơi có giếng nước đều ca hát từ của Liễu Vĩnh”, thiên "Nhạc chí" trong sách Cao Ly sử cũng cho biết rằng "đương thời người học tập ông hoặc chịu ảnh hưởng của ông lại càng nhiều" (theo Lịch sử văn học Trung Quốc, Tập 2, tr. 408).

Sách tham khảo:
-Trần Lê Bảo, mục từ “Liễu Vĩnh” in trong Từ điển văn học (bộ mới). Nhà xuất bản Thế giới, 2004.
-Sở nghiên cứu văn học thuộc Viện Khoa học xã hội Trung Quốc biên soạn, Lịch sử văn học Trung Quốc (Tập II), Bản dịch do Nxb Giáo dục Việt Nam ấn hành năm 1993.
-Nguyễn Hiến Lê, Đại cương văn học Trung Quốc. Nhà xuất bản Trẻ, 1997.
- Nhiều người dịch, Thơ Tống (Trương Chính giới thiệu, Nam Trân duyệt thơ). Nhà xuất bản Văn hóa, Hà Nội, 1991.

Không có nhận xét nào: