Hình ảnh

Hình ảnh

Thứ Tư, 27 tháng 7, 2011

Nguyên Chẩn, thi nhân đời Đường

Nguyên Chẩn (元稹, 779-831), tự: Vi Chi (微之); là nhà thơ Trung Quốc thời Trung Đường [1].

Ông là người Lạc Dương, tỉnh Hà Nam (Trung Quốc). Cha mất sớm, nhà nghèo nhưng nhờ thông minh và chăm chỉ học tập, năm 9 tuổi đã biết viết văn. Đến 15 tuổi, ông thi đỗ khoa Minh kinh, được bổ chức Hiệu thư lang. Sau đó, ông đỗ chế khoa, được giữ chức Hữu thập di.

Làm quan tại triều, ông thường đấu tranh với các thế lực đang làm lũng đoạn triều chính, trong đó có phe hoạn quan. Nhưng cuối cùng, việc làm này thất bại, ông bị giáng chức làm Sĩ tào tham quân ở Giang Lăng, rồi làm Tư mã ở Thông Châu.

Sau, nhờ có các hoạn quan như Thôi Đàm Tuấn, Thôi Hoàng Giản...giúp đỡ, ông thỏa hiệp được với các thế lực trên, không kiên trì đấu tranh được như bạn thân ông là Bạch Cư Dị.

Năm 822 đời Đường Mục Tông (ở ngôi: 820-824), sau khi nắm giữ một vài chức vụ tại triều, Nguyên Chẩn và Bùi Độ đều được cử lên làm Tể tướng [2]. Vì ghen công với Bùi Độ, ông cùng Thôi Hoàng Giản mưu phá. Bùi Độ biết được tâu việc lên vua, ông bị đưa đi làm Thứ sử ở Đồng Châu, rồi làm Thứ sử ở Việt Châu kiêm quan sát sứ ở Chiết Đông.

Đến đời Đường Văn Tông (ở ngôi: 826-840), ông được đổi làm Tiết độ sứ ở Vũ Xương (nay là thủ phủ tỉnh Hồ Bắc).

Năm 831, Nguyên Chẩn mất tại chức lúc 52 tuổi.

Tác phẩm Nguyên Chẩn để lại có:
-Nguyên thị Trường Khánh tập (Tập thơ của Trường Khánh họ Nguyên), gồm 60 quyển.

-Hội chân ký (Ghi chuyện gặp gỡ chân tình). Đây là truyện ngắn tả mối tình giữa Thôi Oanh Oanh và Trương Quân Thụy, đặt nền mống cho sự ra đời vở tạp kịch Tây sương ký (Truyện ký mái Tây) [3] nổi tiếng.

Ngoài ra, những lời bàn luận về thế sự của ông và Bạch Cư Dị, còn được tập hợp trong 75 thiên Sách lâm (Rừng sách).
*
Nguyên Chẩn và Bạch Cư Dị là đôi bạn thân thiết: là bạn thơ và là bạn đồng triều, rồi vì cùng đấu tranh chính trị trong nội bộ mà cùng bị biếm. Đối với thi đàn lúc bấy giờ, hai ông đã tích cực đề xướng phong trào Tân nhạc phủ. Bài tựa "Nhạc phủ đề cổ" của Nguyên Chẩn, và "Ký Nguyên Chẩn thư" (Thư gửi Nguyên Chẩn) của Bạch Cư Dị có thể xem là những tuyên ngôn của khuynh hướng sáng tác hiện thực trong thơ ca Trung Quốc vào đầu thế kỷ 9.

Riêng về Nguyên Chẩn, rất nhiều tác phẩm của ông đã được phổ nhạc và lưu truyền trong cung cấm, nên lúc bấy giờ ông còn được là Nguyên tài tử. Đề tài mà ông thường viết là tình yêu, là sự tiếc thương cho người đã khuất. Đây là sở trường của ông, do ông giàu từ ngữ và tinh tế khi tả, nổi bật có bài "Xuân hiểu" (Sáng xuân), "Khiển bi hoài" (Giải nỗi sầu nhớ, gồm 3 bài) [4],...

Song bộ phận có giá trị nhất của Nguyên Chẩn lại là thơ phúng dụ. Thơ phúng dụ phần lớn viết theo thể cổ phong và nhạc phủ, cũng dùng những đề tài giống như Bạch Cư Dị, để nói lên tâm tình bất mãn của tác giả đối với tình hình chính trị (trong đó có việc ông phê phán chủ trương gây chiến), đồng thời ít nhiều phản ánh cuộc cuộc sống của người dân đương thời. Đáng chú ý các bài: "Thái châu hành" (Bài hành lặn xuống lấy hạt châu), "Tróc bổ hành" (Bài ca lùng bắt), "Chức phụ từ" (Bài ca gái dệt), "Điền gia từ" (Lời người làm ruộng), "Viễn chinh phu" (Chồng đi viễn chinh), v.v...

Song nhìn chung, diện phản ánh ở thơ phúng dụ của Nguyên Chẩn không rộng bằng ở Bạch Cư Dị, và mức độ phê phán cũng không mạnh bằng. Mặc dù vậy, chủ trương văn học và thực tiễn sàng tác của Nguyên Chẩn đã có ảnh hưởng khá nhiều đối với các nhà thơ hiện thực đương thời và đời sau.

Khen ngợi ông và Bạch Cư Dị, danh sĩ Hoàng Thao thời Vãn Đường viết:
"Đời Đường, trước thì có Lý Bạch, Đỗ Phủ; sau thì có Nguyên Chẩn, Bạch Cư Dị, thật đúng như biển cả mênh mông, như Hoa Nhạc (tức núi Hoa Sơn ở Thiểm Tây) ngất trời".

Đến đời Thanh, danh sĩ Triệu Dực lại viết: " Nguyên Chẩn và Bạch Cư Dị thích bình thường, giản dị...(làm thơ) phần nhiều gặp cảnh sinh tình, nhân việc nảy ý, cảnh trước mắt, lời nói cửa miệng, tự nhiên có thể đi sâu vào lòng người, ai cũng nghiền ngẫm, ngâm nga".


Giới thiệu ba trong số bài thơ tiêu biểu của Nguyên Chẩn.

1. Chức phụ từ

Phiên âm:
Chức phụ hà thái mang,
Tàm kinh tam ngọa hành dục lão.
Tàm thần nữ thánh tảo thành ti,
Kim niên ti thuế trừu chinh tảo.
Tảo chinh phi thị quan nhân ác,
Khứ tuế quan gia sự nhung tác.
Chinh nhân chiến khổ thúc đao sang,
Chủ tướng huân cao hoán la mạc.
Sào ti chức bạch do nỗ lực,
Biến tập liêu cơ khổ nan chức.
Đông gia đầu bạch song nữ nhi,
Vị giải khiêu văn giá bất đắc.
Thiềm tiền niễu niễu du ti thượng,
Thượng hữu tri thù xảo lai vãng.
Tiễn tha trùng trải giải duyên thiên,
Năng hướng hư không chức la võng.

Dịch nghĩa:
Bài ca gái dệt
Gái dệt mới bận rộn làm sao,
Tằm đã ngủ ăn ba rồi, tằm sắp chín.
Nhờ ơn thần tằm và bàn tay gái kỳ diệu nên sớm thành tơ,
Năm nay thuế tơ thu sớm hơn kỳ hạn.
Thuế thu sớm phải đâu quan độc ác,
(Chỉ vì) năm ngoái quan quân có việc binh đao.
Binh sĩ chiến đấu gian khổ, cần lụa buộc vết thương,
Chủ tướng lập công to, cần lụa thay màn trướng.
Ươm tơ dệt lụa còn có thể gắng sức,
Giật máy thay sợi, thật khó nhọc khôn làm nổi.
Láng giềng phía đông có đôi gái đầu bạc trắng,
Vì dệt hoa văn khéo nên không lấy được chồng.
Trước thềm sợi tơ bay phấp phới,
Con nhện tài tình, nhịp nhàng đan qua lại.
Khen cho loài sâu bọ mà biết chằng sợi ngang trời,
Có thể giữa khoảng hư không, dệt nên màng lưới.


Khiển bi hoài (kỳ 2)
Phiên âm:
Tích nhật hý ngôn thân hậu sự,
Kim triêu đô đáo nhãn tiền lai.
Y thường dĩ thí hành khan tận,
Châm tuyến do tồn vị nhẫn khai.
Thượng tưởng cựu tình liên tỳ bộc,
Dã tằng nhân mộng tống tiền tài.
Thành tri thử hận nhân nhân hữu,
Bần tiện phu thê bách sự ai!

Dịch nghĩa:
Giải nỗi sầu nhớ (bài 2)
Ngày trước cứ nói đùa những chuyện về sau,
Bây giờ đều đén ngay trước mắt.
Áo quần của nàng đã dần dần đem bố thí hết,
Kim chỉ vẫn còn nhưng không nở lấy ra.
Nhớ ân tình xưa, (ta) thương cả những kẻ nô tỳ,
Nhân mộng thấy nàng, (ta) đốt giấy tiền, vàng mã.
Vẫn biết nổi đau khổ (tử biệt) này ai ai cũng gặp phải,
(Chỉ xót xa) vợ chồng nghèo nên trăm chuyện buồn thương.

3. Hành cung
Phiên âm:
Liêu lạc cố hành cung
Cung hoa tịch mịch hồng
Bạc đầu cung nữ tại
Nhàn tọa thuyết Huyền Tông.

Ngô Tất Tố dịch thơ:
Hành cung
Quạnh hiu thương cảnh hành cung,
Trước cung, hoa thắm mấy bông rầu rầu.
Trong cung bà chúa bạc đầu,
Ngồi rồi, kể chuyện khi hầu Huyền Tông.

Bùi Thụy Đào Nguyên, giới thiệu.
Chú thích:
[1] Theo Trần Trọng San (Thơ Đường, tr. 30), thì nhà Đường có 4 thời kỳ: Sơ Đường (618-713), Thịnh Đường (713-766), Trung Đường (766-835) và Vãn Đường (836-905).
[2] Chép theo Lịch sử văn học Trung Quốc (Tập II, tr. 228). Trần Trọng San (tr. 146) cho biết Nguyên Chẩn làm Thượng thư Tả thừa, và Bùi Độ làm Thượng thư Hữu thừa.
[3] Tây sương ký do nhà viết kịch đời Nguyên là Vương Thực Phủ sáng tác. Sau, danh sĩ đời Nguyễn (Việt Nam) là Lý Văn Phức (hoặc Nguyễn Lê Quang) lại chuyển thể từ kịch bản này làm thành truyện Nôm là Tây sương (Mái Tây).
[4] Vợ Nguyên Chẩn là Vi Tùng, con nhà quan, mất khi ông mới 30 tuổi, gia cảnh còn nghèo. Thương nhớ vợ, ông làm bài thơ này.

Sách tham khảo:
- Sở nghiên cứu văn học thuộc Viện Khoa học xã hội Trung Quốc biên soạn, Lịch sử văn học Trung Quốc (Tập II), Bản dịch do Nxb Giáo dục Việt Nam ấn hành năm 1993.
-Dịch Quân Tả, Văn học sử Trung Quốc (Tập I). GS. Huỳnh Minh Đức dịch từ tiếng Trung Quốc. Nhà xuất bản Trẻ, 1992.
- Nguyễn Hiến Lê, Đại cương văn học sử Trung Quốc (trọn bộ). Nhà xuất bản Trẻ, 1997.
-Lê Đức Niệm, mục từ "Nguyên Chẩn" in trong Từ điển văn học (bộ mới). Nhà xuất bản Thế giới, 2004.
-Trần Trọng San, Thơ Đường. Tủ sách Đại học Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, 1990.
-Nhiều người dịch, Thơ Đường (Tập I). Nhà xuất bản Văn học, 1987.

Vi Ứng Vật, thi nhân đời Đường

Vi Ứng Vật (chữ Hán: 韋應物, 737-792 hoặc 793), là nhà thơ Trung Quốc đời Đường.

Ông là người Trường An (nay là Tây An, thủ phủ tỉnh Thiểm Tây). Đời Đường Huyền Tông (ở ngôi: 712-756), ông được bổ làm chức Tam vệ lang, được ra vào cung cấm. Sau ông thi đỗ Tiến sĩ, được cử làm Thứ sử Trừ Châu, Giang Châu, rồi Tô Châu; được dân chúng rất mến phục.

Năm 792 hoặc 793, đời Đường Đức Tông (ở ngôi: 780-805), Vi Ứng Vật mất, lúc ấy ông khoảng 55 tuổi.

*
Sinh thời, tính ông chuộng nghĩa hiệp, có lúc cuồng phóng, nhưng cũng rất cao khiết, mỗi lần đi đến đâu, ông cũng cho quét sạch đất, đốt hương rồi mới ngồi. Ông không thích giao du rộng, bạn thơ chỉ có Lưu Trường Khanh, Cố Huống, Thích Hiệu Nhiên; và ông thường ví mình với Đào Tiềm. Theo học giả Nguyễn Hiến Lê, thì Vi Ứng Vật thuộc phái "tự nhiên" [1] trong lịch sử thi ca đời Đường.

Thi tập của ông (đều lấy tên là Giang Châu hoặc Tô Châu) gồm 10 quyển, hiện còn lưu truyền.

Vi Ứng Vật có cuộc sống khá khác thường, lúc đầu thì buông thả, về sau lại nhúng nhường, ham đọc sách, rồi trở thành một viên quan thanh liêm, hiểu thấu nỗi cực khổ của dân. Hai lối sống cực đoan đó đã ảnh hưởng tới tính phức tạp trong tư tưởng và nghệ thuật thơ ca của ông.

Nhìn chung trong toàn bộ tác phẩm của ông, thơ tả tâm tình nhàn hạ của kẻ ẩn sĩ chiếm phần lớn, như các bài: "Ký Toàn Tiêu sơn trung đạo sĩ" (Thư gửi đạo sĩ ở trong núi Toàn Tiêu), "Đông giao" (Ngoài thành phía đông), "Đáp Lý Cán" (Trả lời Lý Cán), "Hiệu Đào Bành Trạch" (Bắt chước Đào Bành Trạch), "U cư" (Ở ẩn),...

Một số khác tuy ít hơn, nhưng cũng có nhiều bài hay. Thơ cảm khái của ông cũng có nhiều bài được khen là "chứa chan lòng ưu thời mẫn thế" [3], như các bài: "Đăng cao vọng Lạc thành tác" (Làm lúc lên cao ngắm thành Lạc), "Đăng Trùng Huyền tự các" (Lên gác chùa Trùng Huyền), "Nghĩ cổ thi thập nhị thủ" (Mười hai bài nghĩ cổ),...

Bên cạnh đó, ông cũng có một số bài tỏ rõ sự căm giận đối với giai cấp thống trị, đồng thời cảm thông sâu sắc với người lao động, như các bài "Quảng Đức trung Lạc Dương tác" (Cảm khái khi đang làm quan ở Lạc Dương dưới thời Quảng Đức), "Đáp Thôi Đô thủy" (Đáp Đô thủy họ Thôi), "Tạp thể ngũ thủ" (Năm bài tạp thể),...

Về mặt miêu tả, rải rác trong thơ ông có nhiều bức tranh "rất đẹp và tinh tế", có thể tìm thấy điều đó trong các bài như: "Trừ Châu Tây giản" (Khe suối ở phía Tây Trừ Châu), "Phú đắc mộ tống Lý Tào" (Phú Đắc: buổi chiều mưa tiễn chân Lý Tào), "Đông giao" (Ngoài thành phía đông), "Trường An ngộ Phùng Trứ" (Gặp Phùng Trứ ở Trường An), "Tịch thứ Vu Di huyện" (Đêm nghỉ ở huyện Vu Di),...

Ngoài ra, mảng thơ của ông viết về bạn bè và người quen cũng rất được chú ý vì chúng rất thắm thiết và chân tình; như các bài: "Hoài thượng hỷ hội Lương Xuyên cố nhân" (Trên sông Hoài mừng gặp bạn cũ đất Lương Xuyên), "Ký Lý Đảm, Nguyên Tích" (Gửi Lý Đảm và Nguyên Tích), "Sơ phát Dương Tử ký Nguyên Đại hiệu thư" (Từ bến sông Dương Tử, gửi quan hiệu thư Nguyên Đại), "Tống Phần Thành Vương chủ bạ" (Tiễn quan chủ bạ họ Vương ở Phần Thành), "Thu dạ ký Khâu viên ngoại" (Đêm thu gửi Khâu viên ngoại),v.v...

Về nghệ thuật, thơ của ông rất giống thơ Đào Tiềm, được Bạch Cư Dị, Tô Thức khen lắm (nhất là thơ ngũ ngôn) [8]; và được giới nghiên cứu đánh giá là có phong cách giản dị, đẹp đẽ ("chân mà không mộc mạc, đẹp mà không hoa lệ").

Giới thiệu hai trong số bài thơ tiêu biểu của Vi Ứng Vật.

1. Ký Toàn Tiêu sơn trung đạo sĩ
Kim triêu quận trạch lãnh,
Hốt niệm sơn trung khách.
Giản để thúc kinh tân,
Quy lai chử bạch thạch.
Dục trì nhất biều tửu,
Viễn uỷ phong vũ tịch.
Lạc diệp mãn không sơn,
Hà xứ tầm hành tích?

Vô danh dịch:
Thư gửi đạo sĩ ở trong núi Toàn Tiêu
Sáng nay nha quận vắng,
Chợt nhớ khách trong non.
Kiếm củi ngoài bên lạch,
Về nhà đá nấu cơm.
Muốn đem một bầu rượu,
An ủi đêm gió mưa.
Lá rụng đầy đường núi,
Dấu đi đã lờ mờ.


2. U cư
Quý tiện tuy dị đẳng,
Xuất môn giai hữu doanh.
Độc vô ngoại vật khiên,
Toại thử u cư tình.
Vi vũ dạ lai quá,
Bất tri xuân thảo sinh.
Thanh sơn hốt dĩ thự,
Điểu tước nhiễu xá minh.
Thì dữ đạo nhân ngẫu,
Hoặc tùy tiều giả hành.
Tự đương an kiển liệt,
Thùy vị bạc thế vinh.


Hải Đà dịch:
Sang hèn tuy khác bậc,
Ra đường phải tranh nhau.
Riêng ta không ràng buộc,
Sống chẳng phải lo âu.
Mưa phùn đêm rơi nhẹ,
Cỏ mọc nào biết đâu.
Núi xanh trời rạng sáng,
Chim ríu rít nhà sau.
Thiền sư đôi khi gặp,
Tiều phu dạo cùng nhau.
Thua kém mình yên phận,
Phú quí chẳng bền lâu.

Bùi Thụy Đào Nguyên, giới thiệu.

Chú thích:
[1] Phái "tự nhiên" chủ trương trái hẳn với phái "xã hội". Các thành viên của phái này cho rằng không còn cách nào cải tạo được thời thế, nên chán đời, muốn ở ẩn. Họ chịu ảnh hưởng phong khí của Đào Tiềm và Tạ Linh Vận, chịu ảnh hưởng của Phật và Lão, nên ưa ca tụng thú nhàn tản cũng cảnh đẹp của tạo hóa. Đại biểu cho phái “tự nhiên”, ngoài Vi Ứng Vật, còn có Mạnh Hạo Nhiên, Liễu Tông Nguyên và Vương Duy (theo Nguyễn Hiến Lê, tr.443 và 455).

Sách tham khảo:
- Sở nghiên cứu văn học thuộc Viện Khoa học xã hội Trung Quốc biên soạn, Lịch sử văn học Trung Quốc (Tập II), Bản dịch do Nxb Giáo dục Việt Nam ấn hành năm 1993.
-Dịch Quân Tả, Văn học sử Trung Quốc (Tập I). GS. Huỳnh Minh Đức dịch từ tiếng Trung Quốc. Nhà xuất bản Trẻ, 1992.
-Trần Trọng Kim, Đường thi. Nhà xuất bản Tân Việt, 1974.
-Nguyễn Hiến Lê, Đại cương văn học sử Trung Quốc (trọn bộ). Nhà xuất bản Trẻ, 1997.
-Trần Lê Bảo, mục từ "Vi Ứng Vật" in trong Từ điển văn học (bộ mới). Nhà xuất bản Thế giới, 2004.

Thứ Hai, 25 tháng 7, 2011

Liễu Vĩnh, một từ gia thời Bắc Tống

Liễu Vĩnh (chữ Hán: 柳永, 1004-1054) [1], trước có tên là Tam Biến [2], tự: Kỳ Khanh; là quan nhà Bắc Tống, và là nhà làm từ (từ gia) nổi tiếng ở Trung Quốc.

1. Tiểu sử:
Liễu Vĩnh là người Sùng An, tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc. Ông xuất thân trong một gia đình quan lại theo Nho học mấy đời, tuổi trẻ từng sống và học tập ở kinh thành Khai Phong, từng đi thi nhiều lần nhưng đều hỏng, về già mới đỗ Tiến sĩ.

Sau đó, ông lần lượt làm mấy chức quan nhỏ: Triện quan ở Mục Châu, Diêm quan ở Định Hải, Hiểu phong; và làm Viên ngoại lang coi việc đồn điền. Trong các nhà làm từ nổi tiếng thời Bắc Tống, ông là người giữ chức quan nhỏ nhất; nhưng lại là nhà làm từ chuyên nghiệp đầu tiên, cả đời dốc sức vào việc sáng tác từ.

Năm 1054 đời Tống Nhân Tông, Liễu Vĩnh mất lúc 50 tuổi. Tương truyền, khi đó các kỹ nữ đã góp tiền để chôn cất ông, và còn làm lễ truy điệu [3].

Hiện còn quyển Nhạc chương tập (Tập sách ghi các chương nhạc), có gần 200 bài từ của ông.

2. Sự nghiệp văn chương:
Nội dung chủ yếu của từ Liễu Vĩnh là phản ánh tâm trạng buồn bực, bất mãn của đại bộ phận trí thức (trong đó có ông), có tài nhưng không gặp cơ hội trong xã hội phong kiến, hoạn lộ trắc trở, nên đi đến chỗ lạnh nhạt với công danh lợi lộc. Có thể thấy những điều đó trong các bài từ làm theo điệu "Phụng quy vân", "Quy triều quan", "Khán hoa", "Bát thanh Cam Châu", "Vũ lâm linh",...

Ở khía cạnh khác, mặc dù xuất thân trong một gia đình quan lại theo Nho học mấy đời, nhưng Liễu Vĩnh từng "nhiều phen du ngoạn cùng hiệp khách", "thích làm các khúc ca trong hoa dưới nguyệt" ở chốn lầu hồng, như những bài từ làm theo điệu "Hạc xung thiên", "Trường thọ lạc", "Mê tiên dẫn",.... Ở đấy, trên quan điểm của một văn nhân bất đắc chí, ông mô tả cuộc sống của các kỹ nữ, và bày tỏ sự cảm thông với họ. Thành thử, ông làm cho từ có nội dung xã hội nhiều hơn.

Đồng thời, Liễu Vĩnh còn làm khá nhiều bài tả cảnh phồn hoa của thị thành (Khai Phong, Hàng Châu, Tô Châu,...), như những bài từ làm theo điệu "Vọng hải triều".

Ngoài ra, lúc làm Diêm quan ở Định Hải, ông có làm bài thơ "Chử hải ca" (Bài ca nấu muối biển) rất đáng chú ý. Đây là một tác phẩm hiện thực ưu tú, giàu cảm xúc, tả cảnh khổ phơi lọc muối và cuộc sống nghèo cực của những người dân làm muối, đồng thời tố cáo giới quan lại địa chủ đã bốc lột họ.

Về nghệ thuật, nhờ học tập và tiếp thu kinh nghiệm sáng tác của các nhạc khúc dân gian thời đầu Tống và của một số tác giả thời Trung Đường; mà Liễu Vĩnh đã có nhiều sáng tạo: hoặc theo điệu cũ điền lời mới, hoặc tự sáng sáng tạo ra điệu mới; và làm cho ngôn ngữ từ thêm rõ ràng, bình dị vì đã được ông thông tục hóa và khẩu ngữ hóa...

Thứ nữa, ông còn là người đầu tiên làm nhiều “mạn từ” (tức bài từ dài, trong Nhạc chương tập, “mạn từ” chiếm đến bảy tám phần mười), và làm cho nó trở thành một hình thức văn học thuần thục.

Ngoài ra, ông còn là người đã đem tình và cảnh lồng vào nhau, điều mà từ khúc dân gian đời Đường chưa có. Nhờ vậy, từ dân gian có một bước đổi thay khá rõ.

Trong số các nhà làm từ thời Bắc Tống, từ của Liễu Vĩnh được truyền bá rộng rãi [4], và được nhiều thế hệ sau thừa kế, phát huy. Ông là một nhà văn có ảnh hưởng xã hội tương đối lớn.

3. Giới thiệu từ:
Từ của Liễu Vĩnh có nhiều bài hay, nhưng thường dài, nên ở đây chỉ có thể giới thiệu một bài từ làm theo điệu "Bát thanh Cam Châu", và bài thơ thất ngôn cổ phong "Chử hải ca".

1. Bát thanh Cam Châu
Phiên âm:

Đối tiêu tiêu vũ sái giang thiên,
Nhất phiên tẩy thanh thu,
Tiệm sương phong thê khẩn,
Quan hà lãnh lạc,
Tàn chiếu đương lâu.
Thị xứ hồng suy lục giảm,
Nhiễm nhiễm vật hoa hưu.
Duy hữu Trường Giang thuỷ,
Vô ngữ đông lưu.

Bất nhẫn đăng cao lâm viễn,
Vọng cố hương diểu mạc,
Quy tứ nan thu.
Thán niên lai tung tích,
Hà sự khổ yêm lưu!
Tưởng giai nhân, trang lâu trường vọng,
Ngộ kỷ hồi, thiên tế thức quy chu?
Tranh tri ngã, ỷ lan can xứ,
Chính nhẫm ngưng sầu.

Dịch nghĩa:
Trước cảnh mưa chiều sầm sập dội xuống dòng sông mênh mông,
Một phen gột rửa trời thu trong vắt.
Dần dần sương gió lạnh rít,
Núi sông tẻ ngắt,
Bóng tà dương chiếu thẳng trước lầu.
Nơi đó hồng phai thắm nhạt,
Cảnh vật suy tàn.
Chỉ có nước sông Trường giang,
Vẫn vẫn lặng lẽ chảy về đông.

Không nỡ lên cao nhìn xa,
Trông vời quê hương mờ mịt,
Nỗi nhớ nhung không ngăn được.
Than thở nỗi phiêu bạt bao năm,
Việc gì cứ phải nấn ná ở lại cho khổ?
Nghĩ rằng người đẹp trên lầu đang đứng ngóng,
Đã bao lần trông chân trời lầm tưởng thuyền về!
Đâu biết ta cũng đang đứng tựa lan can,
Đăm đăm sầu nhớ .

2. Chử hải ca
Chử hải chi dân hà sở dinh,
Phụ vô tàm chức phu vô canh.
Y thực chi nguyên thái liêu lạc,
Lao bồn chử tựu nhữ luân chinh.
Niên niên xuân hạ triều doanh phố,
Triều thoái quát nê thành đảo tự.
Phong can nhật bộc hàm vị gia,
Thuỷ quán triều ba lưu thành lỗ.
Lỗ nùng kiềm đạm vị đắc nhàn,
Thái tiều thâm nhập vô cùng sơn.
Báo tung hổ tích bất cảm tỵ,
Triêu dương sơn khứ tịch dương hoàn.
Thuyền tải kiên kình vị hoàng yết,
Đầu nhập cự táo viêm viêm nhiệt.
Thần thiêu mộ thước đồi tích cao,
Tài đắc ba đào biến thành tuyết.
Tự tòng chư lỗ chí phi sương,
Vô phi giá thải sung hầu lương.
Xưng nhập quan trung đắc vi trực,
Nhất mân vãng vãng thập mân thường.
Chu nhi phục thuỷ vô hưu tức,
Quan tô vị liễu tư tô bức.
Khu thê trục tử khoá công trình,
Tuy tác nhân hình câu thái sắc.
Chúc hải chi dân hà khổ môn,
An đắc mẫu phú tử bất bần.
Bản triều nhất vật bất thất sở,
Nguyện quảng hoàng nhân đáo hải tân.
Giáp binh tịnh tẩy chinh luân chuyết,
Quân hữu dư tài bãi diêm thiết.
Thái bình tương nghiệp nhĩ duy diêm,
Hoá tác Hạ Thương Chu thời tiết.

Hoàng Tạo dịch:
Bài ca nấu muối biển
Dân nấu muối biển sống sao đây?
Vợ không canh cửi chồng không cày.
Nguồn sống áo cơm thật buồn tẻ,
Nấu xong thùng muối là thuế ngay.
Hàng năm xuân hạ triều ngập bãi,
Triều xuống gom bùn thành đông núi,
Gió hong nắng dãi muối thêm nồng.
Lọc qua nước triều thành đất muối,
Đất nồng muối nhạt đã xong đâu.
Kiếm củi xông vào tận núi sâu,
Vết hổ dấu beo nào dám quản.
Sáng sớm ra đi về đã chiều,
Thuyền chở vai gánh bao mải miết.
Quẳng cả vào lò cháy bằng hết,
Suốt ngày nung nấu từng đống cao.
Biến sóng biển xanh thành đụn tuyết,
Từ vũng bùn đen đến trắng ngần.
Đều là vay mượn lấy lương ăn,
Cân nạp cho quan giá rẻ mạt.
Một quan vay lãi hoá mười quan,
Quanh đi quẩn lại không hề ngớt.
Thuế quan chưa xong thuế tư bắt,
Xua con đuổi vợ đi làm thuê.
Tuy có hình người mặt xanh ngắt,
Đời dân nấu muối, ôi cay chua,
Ước gì mẹ giàu con cũng no.
Ơn trên mọi vật yên nơi chốn,
Bến biển xa này thấu đến cho.
Gươm giáo rửa cất, thuế khoá bãi,
Bỏ thuế muối sắt, của thừa thãi.
Thái bình ông tướng giỏi điều canh,
Hãy làm sống lại đời Tam đại.

Bùi Thụy Đào Nguyên, giới thiệu
Chú thích:
[1] Ghi theo Lịch sử văn học Trung Quốc (Tập 2, tr. 401). Từ điển văn học (bộ mới, tr. 857) chép là: 987?-1053?.
[2] Chép theo Từ điển văn học (bộ mới, tr. 857). Lịch sử văn học Trung Quốc (Tập 2, tr. 401) cho biết trước khi có tên Liễu Vĩnh, ông đã đổi tên ba lần, nhưng sách không kể ra.
[3] Theo Từ điển văn học (bộ mới, tr. 858). Sách Lịch sử văn học Trung Quốc (Tập 2, tr. 404) kể tương tự, và viết thêm rằng: "Đây chỉ là lời đồn, tuy không có gì chắc chắn, nhưng cũng đã nói lên mối quan hệ mật thiết giữa Liễu Vĩnh với các kỹ nữ thời bấy giờ" .
[4] Sách Hậu Sơn thi thoại nói từ Liễu Vĩnh lúc bấy giờ “khắp thiên hạ ngâm nga”, sách Năng cải trai mạn lục nói từ của ông từng được “truyền bá khắp bốn phương”, Diệp Mộng Đắc trong Tị thử lục thoại cũng chép rằng cả ở Tây Hạ “phàm những nơi có giếng nước đều ca hát từ của Liễu Vĩnh”, thiên "Nhạc chí" trong sách Cao Ly sử cũng cho biết rằng "đương thời người học tập ông hoặc chịu ảnh hưởng của ông lại càng nhiều" (theo Lịch sử văn học Trung Quốc, Tập 2, tr. 408).

Sách tham khảo:
-Trần Lê Bảo, mục từ “Liễu Vĩnh” in trong Từ điển văn học (bộ mới). Nhà xuất bản Thế giới, 2004.
-Sở nghiên cứu văn học thuộc Viện Khoa học xã hội Trung Quốc biên soạn, Lịch sử văn học Trung Quốc (Tập II), Bản dịch do Nxb Giáo dục Việt Nam ấn hành năm 1993.
-Nguyễn Hiến Lê, Đại cương văn học Trung Quốc. Nhà xuất bản Trẻ, 1997.
- Nhiều người dịch, Thơ Tống (Trương Chính giới thiệu, Nam Trân duyệt thơ). Nhà xuất bản Văn hóa, Hà Nội, 1991.

Chủ Nhật, 24 tháng 7, 2011

Hoàng Đức Lương, nhà thơ Việt Nam thời Hậu Lê

Hoàng Đức Lương (? - ?) là văn thần và là nhà thơ Việt Nam thời Hậu Lê. Ông là người biên soạn bộ "Trích diễm thi tập" có tiếng trong lịch sử thơ ca Việt Nam.

1. Tiểu sử:
Ông là người làng Cửu Cao, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên; sau dời về ở làng Ngọ Kiều, huyện Gia Lâm, trấn Kinh Bắc; nay thuộc ngoại thành Hà Nội.

Không rõ thân thế, chỉ biết ông đỗ Nhị giáp tiến sĩ (Hoàng giáp) khoa Mậu Tuất (1478) dưới triều vua Lê Thánh Tông, được bổ chức quan, làm đến Tham nghị.

Năm 1489 [1], ông được cử làm Phó sứ sang Trung Quốc giao thiệp với nhà Minh; trở về được thăng Tả thị lang bộ Hộ.

Hoàng Đức Lương mất năm nào không rõ.

2. Tác phẩm:
Ngoài sáng tác của ông, hiện còn 25 bài thơ chép trong Toàn Việt thi lục và Hoàng Việt thi tuyển; ông còn biên soạn bộ Trích diễm thi tập (Tập thơ tuyển chọn những bài thơ đẹp), gồm 15 quyển (theo Lê Quý Đôn, nhưng hiện chỉ còn 6 quyển). Đây là tập hợp tuyển thơ của các nhà thơ có tiếng đời Trần và các danh gia đời Lê sơ.

Nhìn chung, thơ của ông khá thâm trầm, ý nhị, đẹp một cách kín đáo và giản dị. Nhưng để có những câu tưởng chừng đạm nhã và thoát sáo đó, ngòi bút của tác giả đã phải dụng công rất nhiều (Tự trào).

3. Giới thiệu thơ:
Dưới đây là bốn bài thơ của ông:

1. Tự trào
Tính tích thù kham tiếu,
Ngâm đa diệc bất công.
Dạ thâm tài đắc cú,
Mãnh khỉ cấp hô đồng.
Dịch nghĩa:
Tự cười minh
Buồn cười cho tính ngông của mình,
Cứ ngâm nga nhiều mà thơ chẳng hay.
Có lúc đêm khuya nghĩ được một câu,
Đã vùng dậy gọi vội tiểu đồng.

2. Thôn cư
Tang ám tằm chính miên,
Thiềm đê yến sơ nhũ.
Lực quyện hạ sừ qui,
Trú vĩnh cưu thanh ngọ.
Dịch nghĩa:
Ở làng quê
Dâu xanh tốt chính là lúc tằm ngủ,
Ngoài hiên thấp, chim én đang nớm cho con.
Mệt mỏi, thì vác cuốc về nghỉ,
Ngày dài, chim cưu kêu lúc bóng tròn.

3. Hoàng Đường hạ bạc
Giang thượng cô chu khách dạ trì,
Nhất ban tâm sự thiểu nhân tri.
Vô đoan thụy khởi bằng cao chẩm,
Nguyệt đạm phong khinh tế tế xuy.
Dịch nghĩa:
Bến sông Hoàng [2] ban đêm
Chiếc thuyền lẻ loi trên sông, đêm đất khách qua chậm,
Bầu tâm sự của khách ít người thấu hiểu.
Bổng dưng thức giấc ngồi tựa gối cao,
Bên ngoài, trăng mờ gió nhè nhẹ thổi.
4. Thu hạ quan thư
Khai quyển thâm âm hạ,
Dung quang chiếu tự minh.
Tĩnh trung tâm dị động,
Lạc diệp tác thu thanh.
Dịch nghĩa:
Đọc sách dưới bóng cây
Ngồi đọc sách dưới bóng cây,
Ánh sáng le lói, dung mạo cũng tươi tắn.
Cảnh thanh tĩnh, lòng dễ xao động,
Lá rụng làm thành tiếng thu.

4. Giới thiệu "Trích diễm thi tập":
Theo Lê Quý Đôn (Kiến văn tiểu lục, Thiên chương, Q.4, tờ 12-13) và Bùi Huy Bích (Lời tiểu dẫn trong Hoàng Việt thi tuyển), thì đây là bộ thi tuyển thứ ba; sau các bộ Việt âm thi tập của Phan Phu Tiên, Cổ kim thi gia tinh tuyển của Dương Đức Nhan, và trước bộ Toàn Việt thi lục của Lê Quý Đôn.

Căn cứ bài Tựa của soạn giả là Trần Đức Lương viết năm 1497, thì bộ Trích diễm thi tập chắc đã hoàn thành trong khoảng thời gian ấy.

Cũng theo Lê Quý Đôn, bộ hợp tuyển này gồm 15 quyển, tuyển chọn thơ của các nhà thơ có tiếng đời Trần (từ Nguyễn Trung Ngạn) đến đầu đời Lê (đến Đàm Văn Lễ, cuối sách có phụ thêm một số bài thơ của người soạn là Trần Đức Lương); nhưng đến thời ông chỉ "còn lại chưa đầy một nửa". Sau thế kỷ 18, phần còn lại đó cũng bị thất lạc một thời gian dài, mãi gần đây mới tìm lại được.

Văn bản mới tìm ra này gồm 6 quyển, có nguyên vẹn bài Tựa của soạn giả viết vào năm Hồng Đức thứ 28 (1497), và phần thơ ngũ tuyệt và thất tuyệt; nhưng thiếu hẳn phần thơ ngũ ngôn bát cú và thất ngôn bát cú. Đối chiếu với những bài thơ Lê Quý Đôn đã chép lại trong Toàn Việt thi lục, có thể khẳng định bản Trích diễm thi tập hiện nay cũng gần giống với bản đã “sứt mẻ” mà Lê Quý Đôn đã có.

Dụng ý làm ra bộ Trích diễm thi tập đã được Hoàng Đức Lương nói rõ trong bài Tựa của ông. Đó là biểu hiện của tấm lòng trân trọng đối với di sản tinh thần của quá khứ, là một việc làm cụ thể nhằm bổ cứu cho tình trạng mất mát đáng tiếc trong lịch sử văn học Việt Nam trước thế kỷ 15; và đó cũng chính là ý thức muốn góp phần vào việc xây đắp truyền thống văn hóa văn nghệ lâu đời của dân tộc Việt, nhằm nâng cao thêm uy tín và địa vị tự chủ của nước nhà.

Trong khi định nghĩa và đánh giá thơ, Hoàng Đức Lương đã xác định đặc trưng của thơ là "đẹp". Cái "đẹp" này khác hẳn về chất so với mọi cái đẹp vât chất và tinh thần khác. Nên khi soạn bộ Trích diễm thi tập, ông không lấy tiêu chuẩn "vua, quan, dân thường" làm thứ tự ưu tiên, mà chỉ lấy thơ hay làm tiêu chuẩn, và sắp xếp theo thể loại.

Mặc dù chưa tìm được trọn bộ, nhưng bản Trích diễm thi tập gồm 6 tập, vẫn là "bộ sách rất quý, bởi nó đã bổ sung được một số bài thơ và một số nhà thơ mà hai bộ thi tuyển trước đó (Việt âm thi tập và Cổ kim thi gia tinh tuyển) đã bỏ sót hoặc vì lý do nào đó đã không tuyển chọn vào".


Bùi Thụy Đào Nguyên, giới thiệu.

Chú thích:
[1] Chép theo Từ điển văn học (bộ mới. tr. 613) và Văn học thế kỷ XV-XVII (tr. 499). Tuy nhiên tra trong Đại Việt sử ký toàn thư (Quyển II, bản dịch do NXB Khoa học xã hôi ấn hành 1985, tr. 507), thì rất thể Hoàng Đức Lương đi trong đoàn sứ bộ của Đàm Văn Lễ vào năm Hồng Đức thứ 19 (1488).
[2] Bến sông Hoàng tức là bến đò trên bờ Hoàng Giang, một khúc sông xưa kia chảy qua Gia Lâm đổ vào Nhị Hà (sông Hồng), nhưng nay đã lấp.

Sách tham khảo:
-Lê Quý Đôn, Kiến văn tiểu lục. Nhà xuất bản Văn hóa Thông tin, 2007.
-Nguyễn Huệ Chi, mục từ “Hoàng Đức Lương” in trong Từ điển văn học (bộ mới). Nhà xuất bản Thế giới, 2004.
-Trần Văn Giáp, Tìm hiểu kho sách Hán Nôm. Nhà xuất bản Khoa học xã hội, 2003.
-Trần Thị Băng Thanh (chủ biên), Văn học thế kỷ XV-XVII, mục từ: " Hoàng Đức Lương ". Nhà xuất bản Khoa học xã hội, 2004.
-Nguyễn Q. Thắng- Nguyễn Bá Thế, Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam, mục từ: " Hoàng Đức Lương". Nhà xuất bản Khoa học, 1992.

Thứ Sáu, 22 tháng 7, 2011

Tô Tuân, nhà văn lớn thời Tống.

Tô Tuân (蘇洵, 1009-1066), hiệu: Lão Tuyền là quan nhà Tống, và là nhà văn đứng trong hàng tám nhà văn lớn [1] thời Đường-Tống trong lịch sử văn học Trung Quốc.

Ông là người Mi Sơn, Mi Châu (nay là huyện Mi Sơn, tỉnh Tứ Xuyên). Từ cụ cố của ông là Tô Khâm tới đời cha của ông là Tô Tư đều là thường dân; nhưng đến đời ông, thì hai anh ông là Tô Đàm và Tô Hoán đều thi đỗ Tiến sĩ. Sau này, hai con của ông là Tô Thức (tức Tô Đông Pha) và Tô Triệt cũng đều thi đỗ Tiến sĩ, nên người đời gọi ông là "Lão Tô", và gọi chung ba cha con ông là "Tam Tô".

Thuở thiếu thời, Tô Tuân có học hành nhưng chỉ qua loa, và thường đi rong chơi đây đó. Chưa đầy 20 tuổi, ông đã lấy vợ. Đến năm 27 tuổi, ông mới bắt đầu chăm chỉ học hành. Trong nhiều năm sau đó, ông ra sức học tập và nghiên cứu kinh truyện, nhưng đi thi nhiều lần mà không đỗ. Quá thất vọng, ông đem đốt hết mấy trăm bài văn do mình làm, rồi đóng cửa quyết tâm học hành lại từ đầu.

Năm 1039 đời Tống Nhân Tông (ở ngôi: 1022-1063), Tô Tuân tới Lang Châu (nay là huyện Lang Trung, tỉnh Tứ Xuyên) thăm người anh là Tô Hoán đang làm quan ở đó. Thấy anh làm được nhiều việc tốt cho nhân dân vùng ấy, ông rất vui và cảm động. Nhân đó, ông tới chơi vùng Nao Châu (nay là huyện Phụng Tiết, tỉnh Tứ Xuyên) và Kinh Châu (nay là huyện Nhương Dương, tỉnh Hà Bắc)...Mãi đến năm 39 tuổi, Tô Tuân mới trở lại quê nhà, rồi ở lại để lo dạy học cho con là Tô Thức và Tô Triệt.

Năm 1056, thấy việc học của Tô Thức và Tô Triệt đã khá, Tô Tuân bèn đưa hai con tới kinh đô Khai Phong để thi. Đến nơi, vì trời mưa liền cả tháng, trong kinh thành nhiều chỗ ngập nước, nhà cửa đổ sập, ba cha con đành phải xin nương náu trong chùa Hưng Quốc. Ở đây, Tô Tuân dâng thư tới Âu Dương Tu, khi ấy đang làm quan lớn tại triều, được Âu Dương Tu khen và coi trọng.

Năm sau (1057), Tô Thức và Tô Triệt đều thi đỗ Tiến sĩ, nhưng tới tháng 5 thì vợ Tô Tuân là Trình thị bị bệnh rồi qua đời. Tô Tuân liền cùng hai con về quê để lo an táng cho vợ.

Nghe lời Âu Dương Tu đề cử, tháng 11 năm Gia Hựu thứ ba (1058), Hoàng đế Tống Nhân Tông ra lệnh triệu Tô Tuân lên làm quan ở kinh, nhưng ông dâng thư từ tạ. Tháng 6 năm sau (1059), lại có lệnh triệu ông lần nữa. Thấy không thể từ chối, tháng 8 năm Gia Hựu thứ năm (1060), Tô Tuân nhận lời làm Hiệu thư lang, để lo việc biên tập, sửa sang các sách cổ cho Hoàng đế; và chủ trì việc biên soạn bộ sách lớn là "Thái Thường nhân cách lễ nhất bách quyển".

Khi ấy, nghe tiếng Tô Tuân, Vương An Thạch muốn kết bạn với ông. Nhưng vì khác chí hướng, ông không đồng ý. Không chỉ vậy, ông còn viết bài "Biện gian luận" công kích Vương An Thạch.

Năm 1066 đời Tống Anh Tông (ở ngôi: 1063-1067), sách Thái Thường nhân cách lễ nhất bách quyển đã soạn xong, vừa trình lên Hoàng đế, thì ông qua đời. Khi ấy, Tô Tuân 57 tuổi.

Tác phẩm của ông để lại có "Gia Hựu tập" và "Lão Tuyền văn sao".

Nhờ ông có tinh thần chủ kiến, cẩn trọng, kỹ lưỡng trong phương pháp và bố cục, nên văn ông có nhiều bài hay, nhất là các bài viết về lịch sử, chính trị và quân sự. Nhìn chung, văn chương Tô Tuân mạnh mẽ, cứng rắn, chịu ảnh hưởng của Chiến Quốc sách và Sử ký Tư Mã Thiên. Thời đó, có nhiều người mô phỏng lối văn của ông.

Bùi Thụy Đào Nguyên, giới thiệu.
Chú thích:
[1] Đường-Tống bát đại gia gồm: Liễu Tông Nguyên, Hàn Dũ, Âu Dương Tu, Vương An Thạch, Tăng Củng, Tô Tuân, Tô Thức và Tô Triệt.
Sách tham khảo:
-Hà Minh Phượng-Trần Kiết Hùng, Đường-Tống bát đại gia. Nhà xuất bản Đồng Nai, 1996.

Thứ Năm, 21 tháng 7, 2011

Tô Triệt, nhà văn lớn thời Tống

Tô Triệt (chữ Hán: 蘇轍, 1039-1112), tự: Tử Do, hiệu Dĩnh Tân Di Lão [1]; là quan nhà Tống, và là nhà văn đứng trong hàng tám nhà văn lớn [2] thời Đường-Tống trong lịch sử văn học Trung Quốc.

Ông là người Mi Châu, Mi Sơn (nay thuộc Tứ Xuyên). Ông là con trai thứ ba của Tô Tuân, và là em của Tô Thức (tức Tô Đông Pha). Cả ba đều đứng trong hàng tám nhà văn lớn thời Đường-Tống (Đường-Tống bát đại gia), và được người đời gọi chung là “Tam Tô”.

Xuất thân trong một gia đình trí thức khá nghèo, thuở nhỏ, Tô Triệt học với cha. Ngoài ra, ông còn học với thầy Lưu Thuần (tự là Huy Chi) ở phía tây thành Mi Sơn.

Cũng như anh trai, Tô Triệt lấy vợ sớm (17 tuổi). Năm 1057 đời Tống Nhân Tông (ở ngôi: 1022-1063), ông cùng anh là Tô Thức đến kinh đô Khai Phong thi, và đều đỗ Tiến sĩ.

Đến năm 1061, ông cùng Tô Thức lại đỗ Chế khoa, nhưng lấy cớ phải phụng dưỡng cha, Tô Triệt xin chưa nhận chức quan.

Nhà Bắc Tống lúc bấy giờ rất suy yếu. Để củng cố lại, năm 1070, Hoàng đế Tống Thần Tông cử Vương An Thạch được cử làm Tể tướng, và ông này đã đưa ra một số cải cách (gọi tắt là "tân pháp", hay "biến pháp"). Khi các pháp ấy thi hành thì gặp sự chống đối của nhiều quan lại và sĩ phu, trong số đó có Tô Thức và Tô Triệt. Cũng ngay năm này (1070), Tô Triệt dâng thư lên Hoàng đế, trần tình rằng khổng thể sửa đổi pháp chế được. Tống Thần Tông bèn triệu ông vào điện cùng bàn, rồi lệnh cho ông phải tham gia công cuộc cải cách. Khi làm, Tô Triệt thấy có nhiều việc không phù hợp, ông lại dâng thư công kích tân pháp. Người đứng đầu phái Tân pháp là Vương An Thạch giận lắm, muốn buộc tội ông, nhờ có lời tâu của Trần Thắng Chi, ông mới khỏi tội, nhưng bị đổi làm Trấn thủ ở Hà Nam.

Năm 1073, Tô Triệt bị đổi làm thư ký ở Tề Châu (nay là huyện Lịch Thành, tỉnh Sơn Đông).

Năm 1077, ông đổi sang làm Trước tác lang. Khi Trương Phương Bình đi trấn thủ ở Nam Kinh, ông cũng tới đó nhận chức.

Năm 1079, Tô Thức bị giam vào ngục vì “làm thơ báng bổ triều đình”, Tô Triệt tình nguyện đem chức quan của mình ra chuộc tội cho anh, nhưng không được chấp thuận, lại bị giáng chức và đày đi Quân Châu (nay là huyện Cao An, tỉnh Giang Tây), làm công việc trông coi và giám sát thuế.

Năm 1084, ông được thăng làm Tri huyện Tích Khê (nay là huyện Tích Khê, tỉnh An Huy). Tuy ở đây không lâu, nhưng ông đã làm được nhiều việc cho dân, được dân quý trọng và khen ngợi.

Sau khi Tống Triết Tông (ở ngôi: 1085-1100) lên nối ngôi, phái Cựu đảng (chống phái Tân pháp của Vương An Thạch) do Tư Mã Quang đứng đầu thắng thế, Tô Triệt được triệu về kinh lãnh chức Bí thư sảnh Hiệu thư lang, rồi lần lượt trải các chức: Hữu tư giám, Khởi cư lang, Trung thư xá nhân, Thị lang bộ Hộ, quyền Thượng thư bộ Lại (1089). Cũng trong năm đó (1089), ông cùng Hình bộ thị lang Triệu Quân Tích được cử đi sứ nước Liêu (Khiết Đan). Trở về nước, ông nhận chức Ngự sử trung thừa, rồi làm Môn hạ thị lang, nắm quyền chấp chính.

Nhưng khi Tống Triết Tông thay đổi triều chính, phái Tân pháp lại được phục hồi, Tô Triệt lại dâng thư cản ngăn (1094), liền bị biếm ra coi Nhữ Châu, và liên tiếp bị đổi đi nhiều nơi khác nữa.

Năm 1100, Tống Huy Tông (ở ngôi: 1100-1125) lên nối ngôi, Tô Triệt vẫn tiếp tục cuộc sống nay đây mai đó. Sau, ông được phục chức Thái trung đại phu, nhưng khi Thái Kinh làm Tể tướng, ông lại bị giáng xuống làm Triều nghị đại phu, rồi lại phục chức cũ là Thái trung đại phu.

Khi Tô Triệt đã 62 tuổi, vì quá chán ngán con đường hoạn lộ, ông dâng biểu xin nghỉ hưu, rồi đến dưỡng lão ở Hứa Xương (nay thuộc Hà Nam, Trung Quốc) [3]. Vì sống bên dòng Dĩnh Thủy, nên ông lấy hiệu là Dĩnh Tân Di Lão, quay về với thú điền viên, đọc sách và trước thuật.

Năm 1112, Tô Triệt mất, thọ 73 tuổi, được truy tặng là Đoan Minh điện học sĩ.
Các trước tác quan trọng của Tô Triệt có: Loan Thành tập (Tập văn ở Loan Thành) và Ứng chiếu tập (Tập văn đáp lại lời chiếu).

Nhìn chung, Tô Triệt chịu ảnh hưởng của cha (Tô Tuân) và anh (Tô Thức), lấy Nho giáo làm nề tảng, đặc biệt quý trọng Mạnh Tử. Ông có làm thơ, nhưng chủ yếu vẫn là nhà tản văn, sở trường về chính luận và sử luận.

Bùi Thụy Đào Nguyên, giới thiệu.

Chú thích:
[1] Chép theo Từ điển văn học (bộ mới, tr. 1750). Sách Đường-Tống bát đại gia (tr. 341) ghi là Dĩnh Tân Khiển lão, và cho biết: "ông có viết một thiên tự truyện là 'Dĩnh Tân Khiển lão truyện' dài hơn hai vạn chữ, có lẽ đây là thiên tự truyện dài nhất thời cổ trong lịch sử văn học Trung Quốc".
[2] Đường-Tống bát đại gia gồm: Liễu Tông Nguyên, Hàn Dũ, Âu Dương Tu, Vương An Thạch, Tăng Củng, Tô Tuân, Tô Thức và Tô Triệt.
[3] Theo Đường-Tống bát đại gia (tr. 347). Từ điển văn học (bộ mới, tr. 1751) ghi ông dưỡng lão ở Dĩnh Xuyên.

Sách tham khảo:
-Hà Minh Phượng-Trần Kiết Hùng, Đường-Tống bát đại gia. Nhà xuất bản Đồng Nai, 1996.
-Trần Đình Sử, mục từ “Tô Triệt” in trong Từ điển văn học (bộ mới). Nhà xuất bản Thế giới, 2004.

Thứ Tư, 20 tháng 7, 2011

Mạnh Giao, nhà thơ Trung Quốc thời Trung Đường

Mạnh Giao (chữ Hán: 孟郊, 751-814), tự: Đông Dã; là viên quan và là nhà thơ Trung Quốc thời Trung Đường.

Ông là người Vũ Khang, Hồ Châu (nay là huyện Vũ Khang, tỉnh Chiết Giang).
Lúc trai trẻ, ông đi thi nhiều lần không đỗ. Buồn chán, ông cùng nhà sư Hạo Nhiên và những người khác, tổ chức hội thơ ở Hồ Châu, rồi ra sức ngâm vịnh. Mãi đến đời Đường Đức Tông (ở ngôi: 779-805), khi ấy ông 46 tuổi, mới đỗ được Tiến sĩ; và đến năm 50 tuổi, ông mới được bổ làm Huyện úy Lật Dương (tỉnh Giang Tô).
Đối với một chức quan nhỏ này, Mạnh Giao không thấy hứng thú gì, nên suốt ngày lại rong chơi, ngâm vịnh, kết giao với Trương Tịch, Giả Đảo, Hàn Dũ... Thấy ông bỏ bê công việc, quan huyện lệnh bèn cử một viên úy khác làm thay, và “chia một nửa số lương” với ông, ông liền từ chức về. Sau, được Trịnh Dư Khánh tiến cử, ông tiếp tục làm quan, và trải đến chức Hiệp luật lang ở Lạc Dương.
Năm 63 tuổi, Trịnh Dư Khánh (khi này là Trấn thủ Hưng Nguyên) lại mời Mạnh Giao về làm tham mưu cho quân Hưng Nguyên, nhưng đi đến Vân Hương thì ông chết đột ngột, thọ 61 tuổi. Nhờ bà con, bạn bè giúp đỡ, ông được đưa về chôn cất ở Lạc Dương.
Sau khi mất, ông được Trương Tịch đặt tên thụy là Trịnh Diệu tiên sinh, và được Hàn Dũ làm bài minh đề trên mộ chí.
Theo Dịch Quân Tả, thì Mạnh Giao là người có khí tiết, cương trực, nhưng ít hòa hợp với người khác.

Sự nghiệp văn chương:
Thơ ca của Mạnh Giao hiện còn khoảng 400 bài, được xếp thành tập Mạnh Đông Dã gồm 2 quyển. Phần lớn, chúng là nhạc phủ và cổ thể (còn gọi là thơ cổ phong); một số khác là thơ cận thể (tức thơ Đường luật), nhưng về luật đối và luật bằng trắc, có khi không tuân thủ.
Cuộc đời Mạnh Giao khá buồn: đỗ muộn, chỉ làm được một chức quan nhỏ, cảnh nhà luôn túng quẫn, sinh con mấy lần đều chết yểu...Lại thêm, thi phong của ông không hòa với thói tục, nên bị một số người công kích; bởi vậy ông thường than thở về mình ("Thu hoài", "Tặng Thôi Thuần Lượng", "Khổ hàn ngâm" [Ngâm giữa lúc khổ và rét],...).
Song nhờ sống thanh bạch, thường hay đi đây đó, mà ông thấu hiểu nỗi khổ của người dân lao động; đồng thời qua đó, ông còn châm biếm những kẻ sống xa hoa hưởng lạc. Tiêu biểu như các bài: "Chức phụ từ" (Lời người đàn bà dệt vải), Hàn địa bách tính ngâm (Bài ngâm trăm họ giữa nơi rét buốt)...
Bên cạnh đó, Mạnh Giao còn là người tích cực ủng hộ phong trào cổ văn (còn gọi là phong trào phục cổ)[1] do Hàn Dũ cổ súy. Cho nên ông chủ trương “viết thì phải viết chuyện hưng vong, lời lẽ thì phải có phong cốt” (Độc Trưong Bích tập).
Về cách thể hiện, thơ của Mạnh Giao vừa cổ kính, tân kỳ, lại vừa hiểm hóc, lạnh lẽo [2]; song cũng có không ít bài diễn tả tình ý sâu sắc, phác thực, bằng những lời giản dị (nên được lưu truyền), như các bài: "Chức phụ từ" (Lời người đàn bà dệt vải), "Cổ oán biệt" (Nỗi ly oán cũ), "Du tử ngâm" (Khúc ngâm của đứa con đi xa), "Khứ phụ" (Người vợ bị ruồng bỏ), "Liệt nữ tháo" (Tiết tháo của người liệt nữ),...
Nhìn chung, nhờ ông nghiêm túc, thận trọng, trau giồi công phu, nên thơ ông thường có tứ mới. Tuy nhiên do thích độc đáo và cầu kỳ nên thơ ông có chỗ trúc trắc, khó hiểu. Mặc dù còn hạn chế, nhưng tài thơ của ông vẫn được Hàn Dũ khen là: "như con ngựa bất kham, nhàn thấy suốt cổ kim", là: "như dao chém trúng sớ thịt, chương cú sắc sảo, đâm thọc tim gan", là: "Đông Dã làm kinh người/ Hoa thơm phun hương lạ" (Đông Dã động kinh tục/ Thiên ba thổ kỳ phân); và ông vẫn xứng đáng là nhà thơ ưu tú trong số nhà thơ thời Trung Đường.

Mạnh Giao và Giả Đảo:
Mạnh Giao và Giả Đảo xưa nay vẫn thường nhắc chung. Có câu “Giao lạnh, Đảo gầy”, là vì họ đều làm thơ công phu, và đều thích đề tài cùng khổ [3].
Song nếu so lại, thơ Mạnh Giao, về mặt nội dung tư tưởng và phong cách nghệ thuật, có những sáng tạo độc đáo, sâu sắc, và có hơi thở của cuộc sống và hơn thơ Giả Đảo.
Giới thiệu thơ:
Giới thiệu hai trong số bài thơ tiêu biểu của Mạnh Giao.

1. Chức phụ từ
Phu thị điền trung lang,
Thiếp thị điền trung nữ.
Đương niên giá đắc quân,
Vị quân bỉnh cơ trữ.
Cân lực nhật dĩ bì,
Bất tức song hạ ky (cơ).
Như hà chức hoàn tố,
Tự trước lam lũ y ?
Quan gia bảng thôn lộ,
Cánh sách tải tan thụ.

Dịch nghĩa:
Lời người đàn bà dệt cửi
Chồng thiếp vốn nhà nông,
Thiếp cũng là gái nơi đồng ruộng.
Lấy chàng từ năm ấy,
Giúp chàng, giữ việc canh cửi.
Gân sức ngày một mỏi mòn,
Bên song, chiếc khung cửi vẫn không hề nghỉ.
Cớ sao tay dệt ra lụa, vải,
Mà mình vẫn phải mặc manh áo tả tơi?
Bọn quan lại còn niêm yết bên đường làng,
Bắt phải trồng dâu thêm nữa.

2. Liệt nữ tháo
Ngô đồng tương đãi lão,
Uyên ương hội song tử.
Trinh phụ quý tuẫn phu,
Xả sinh diệc như thử.
Ba lan thệ bất khởi,
Thiếp tâm cổ tỉnh thủy.

Dịch nghĩa:
Tiết tháo của người liệt nữ
Cây ngô đồng chờ đợi nhau đến già.
Chim uyên ương chết cũng chung đôi.
Người trinh phụ quý trọng việc chết theo chồng,
Cũng có thể hy sinh mạng sống của mình như thế.
Thề rằng lòng em không nổi sóng,
Cũng như nước trong giếng cổ.

Bùi Thụy Đào Nguyên, soạn.

Chú thích:
1.Phong trào “phục cổ” do Trần Tử Ngang khởi xướng, được Lý Bạch, Đỗ Phủ, Hàn Dũ, Liễu Tông Nguyên và một số thi nhân khác hưởng ứng. Đây là phong trào sáng tác theo lối văn thành thực và mạnh mẽ đời Hán-Ngụy (tức thời Kiến An). Nhờ nó mà tản văn có nhiều tình, ý: chất phác mà cảm động, hoặc đẹp đẽ mà không ủy mị. Với thơ, nó làm cho thơ không đến nỗi bị luật thanh âm bó buộc quá, và chủ nghĩa thực dụng cũng được nảy nở, do đó phát sinh khuynh hướng tả thực trong thơ (theo Nguyễn Hiến Lê, Đại cương văn học sử Trung Quốc, tr. 228 và 231).
2.Tiêu biểu là bài "Hàn khổ ngâm", tác giả đã dùng các hình ảnh để tả cảnh rét, đã tạo nên không khí lạnh lẽo âm u, gây ấn tượng mạnh (Từ điển văn học, bộ mới, tr. 961). ê (tr. 459).
3.Theo Nguyễn Hiến Lê, thì người ta liệt Lý Hạ, Mạnh Giao và Giả Đảo vào phái “khổ ngâm” hay “quái đản” (đối lập với phái “bình dị”, trong đó có Bạch Cư Dị và Nguyên Chẩn), vì họ thường ngâm thơ ra rả để tìm một tiếng lạ lùng, hoặc hạ một vần khó, làm cho người ta kinh dị mới gọi là khéo (Đại cương văn học Trung Quốc, tr. 456). Thí dụ như câu: "Nghẹn tắc xuân yết hầu, ong bướm sự ánh sáng" (Túng thiếu), và câu: “Huống như đồi hai thuyết, tựa kể cắt thái do” (Hàn khê) của Mạnh Giao, thì đọc lên chẳng biết tác giả nói gì (Đại cương văn học Trung Quốc, tr. 246).

Sách tham khảo:
•Sở nghiên cứu văn học thuộc Viện Khoa học xã hội Trung Quốc biên soạn, Lịch sử văn học Trung Quốc (Tập II), Bản dịch từ tiếng Trung Quốc do Nxb Giáo dục Việt Nam ấn hành năm 1993.
•Nguyễn Hiến Lê, Đại cương văn học sử Trung Quốc. Nhà xuất bản Trẻ, 1997.
•Dịch Quân Tả, (GS. Huỳnh Đức Đức dịch từ tiếng Trung Quốc), Văn học sử Trung Quốc (Quyển I). Nhà xuất bản Trẻ, 1992.
•Trần Lê Bảo, mục từ “Mạnh Giao” trong Từ điển văn học (bộ mới). Nhà xuất bản Thế giới, 2004.
•Trần Trọng San, Thơ Đường. Nhà xuất bản Thành phố Hồ Chí Minh, 1990.
•Nhiều người dịch, Thơ Đường (Tập I). Nhà xuất bản Văn học, 2987.

Lưu Vũ Tích, nhà thơ Trung Quốc thời Trung Đường

Lưu Vũ Tích (chữ Hán: 劉禹錫, 772-842) tự: Mộng Đắc (夢得); là viên quan và là nhà thơ Trung Quốc thời Trung Đường.

Ông là người Lạc Dương (nay là thành phố Lạc Dương, tỉnh Hà Nam) [1]. Nguyên quán tổ tiên ông ở Trung Sơn, nay là huyện Định, tỉnh Hà Bắc (Trung Quốc).
19 tuổi, Lưu Vũ Tích đến học ở kinh đô Trường An (nay là Tây An, thủ phủ tỉnh Thiểm Tây).
Năm 21 tuổi, ông thi đỗ Tiến sĩ, sau lại đỗ thêm khoa Bác học hoành từ.
Dưới thời Đường Thuận Tông (ở ngôi: 805), ông cùng với Liễu Tông Nguyên giúp Vương Thúc Văn chấp chính, có đề ra một số biện pháp canh tân. Nhưng không lâu sau, Vương Thúc Văn bị giáng chức, ông cũng bị đưa đi làm Tư mã Lãng Châu (nay là Thường Đức, tỉnh Hồ Nam), bấy giờ ông 33 tuổi.
Chín năm sau (814), Lưu Vũ Tích được triệu về kinh đô. Rồi vì bài thơ làm ở Huyền Đô quán (Trường An) [2], xúc phạm giới cầm quyền, ông lại bị đưa đi làm Thứ sử ở Liên Châu (nay là huyện Liên, tỉnh Quảng Đông). Về sau, ông còn làm Thứ sử ở Quỳ Châu và Hòa Châu, có nghĩa là còn bị đày nhiều năm nữa.
Những năm cuối đời, Lưu Vũ Tích về ở Lạc Dương, làm chức quan nhàn tản là Thái tử tân khách (tức làm tân khách của Thái tử) [3]. Đến đời Đường Vũ Tông (ở ngôi: 840-846), ông được phong làm Kiểm hiệu Lễ bộ Thượng thư.
Năm 842, Lưu Vũ Tích mất, thọ 70 tuổi.

Tác phẩm thi ca của ông có Lưu Tân Khách tập, gồm 40 quyển.

*
Có hoài bão lớn, lại phải sống phiêu bạt nhiều năm, Lưu Vũ Tích sinh ra căm phẫn xã hội bất công. Vì vậy, ông làm khá nhiều bài thơ bộc lộ nỗi phẫn uất trong lòng, hoặc lấy cớ vịnh sử để tỏ chí bất khuất, hoặc lấy cớ vịnh vật để chỉ trích nền chính trị thối nát đương thời. Các bài như "Hôn kính từ" (Bài từ kính tối), "Dưỡng chí từ" (Bài từ nuôi chim cắt), "Tụ văn dao" (Khúc ca dao tụ đàn muỗi), "Độc Trương Khúc Giang tập tác" (Cảm tác khi đọc tập thơ Trương Khúc Giang),...đều bao hàm những điều ấy.

Thơ hoài cổ của ông cũng rất được tán thưởng, vì chúng đều chan chứa tình cảm ai oán bi thương. Nổi bật có các bài "Ô Y hạng" (Ngõ Ô y), "Tây Tái sơn hoài cổ" (Nghĩ lại chuyện xưa ở núi Tây Tái), "Kim lăng hoài cổ" (Nghĩ lại chuyện xưa ở Kim Lăng), "Thục tiên chủ miếu" (Miếu Thục tiên chủ),...

Mặt khác, vì từng sống lâu ở vùng sông Sở núi Ba [4], khiến ông sinh lòng yêu mến ca dao địa phương. Tiếp nối truyền thống học tập dân ca của Khuất Nguyên, ông làm ra chín thiên "Trúc chi từ" (theo làn điệu dân ca "Trúc chi từ" ở vùng Quỳ Châu) và chín bài từ theo điệu "Lãng đào sa"...Đây là những tác phẩm mang phong cách mới do ông hấp thu, dung hòa những cái hay cái đẹp của dân ca mà thành.

Ngoài thơ và từ, ông còn viết ba thiên "Thiên luận" (Bàn về trời, viết tiếp theo "Thiên thuyết" [Nói về trời] của Liễu Tông Nguyên), trình bày sâu sắc thêm tư tưởng vô thần. Do vậy, ông được xem là "nhà tư tưởng duy vật thô phác đời Đường".

Nhìn chung, thơ ca của Lưu Vũ Tích thường trong trẻo, hùng hồn, tiết tấu khá hài hòa. Đương thời, ông được sánh ngang với Bạch Cư Dị (người đời gọi chung là Lưu-Bạch), còn Bạch Cư Dị thì gọi ông là “thi hào”.

*
Giới thiệu 5 trong số tác phẩm tiêu biểu của Lưu Vũ Tích.

1. Ô Y hạng
Chu Tước kiều biên dã thảo hoa,
Ô Y hạng khẩu tịch dương tà.
Cựu thời Vương Tạ đường tiền yến,
Phi nhập tầm thường bách tính gia.

Tản Đà dịch thơ:
Ngõ Ô Y [5]
Bên cầu Chu Tước cỏ hoa,
Ô Y đầu ngõ, bóng tà tịch dương.
Én xưa nhà Tạ, nhà Vương
Lạc loài đến chốn tầm thường dân gia.

2. Ẩm tửu khán mẫu đơn
Kim nhật hoa tiền ẩm,
Cam tâm tuý sổ bôi.
Đãn sầu hoa hữu ngữ,
Bất vị lão nhân khai.

Trần Trọng Kim dịch thơ:
Uống rượu xem hoa mẫu đơn
Hôm nay uống rượu trước hoa,
Uống chơi vài chén để mà gượng vui.
Chỉ e hoa biết nói cười,
Nở ra đâu có vì người già nua.

3. Thục tiên chủ miếu
Thiên địa anh hùng khí,
Thiên thu thượng lẫm nhiên.
Thế phân tam túc đỉnh,
Nghiệp phục ngũ châu tiền.
Ðắc tướng năng khai quốc,
Sinh nhi bất tượng hiền.
Thê lương Thục cố kỹ,
Lai vũ Nguỵ cung tiền.

Dịch nghĩa:
Miếu Thục tiên chủ
Khí anh hùng của ngài (Lưu Bị) còn ở trong trời đất,
Ngàn thu sau phải còn khiến người ta kính sợ.
Khi ấy thế nước chia làm ba phần, giống như ba chân vạc,
Ngài đã khôi phục được nghiệp đế, đem lại thời đại tiền Ngũ châu [6] .
Ngài đã tìm được vị Thừa tướng (Khổng Minh) có tài mở nước,
Nhưng sinh phải đứa con (Lưu Thiện) không có tài đức giống mình.
Những nàng kỹ nữ khi xưa của nước Thục nay phải héo hắt, đau thương,
Đến múa trước cung nước Ngụy.

4. Hạnh viên hoa hạ thù Lạc Thiên kiến tặng
Nhị thập dư niên tác trục thần,
Quy lai hoàn kiến Khúc Giang xuân.
Du nhân mạc tiếu bạch đầu tuý,
Lão tuý hoa gian hữu kỷ nhân.

Vô danh dịch thơ:
Dưới hoa vườn hạnh đáp Lạc Thiên đã tặng
Khách đày hai chục năm hơn,
Trở về ngắm lại xuân hờn Khúc Giang.
Chớ cười đầu trắng say gàn,
Dưới hoa được mấy lão làng say sưa.

5. Tái du Huyền Đô quán
Bách mẫu đình trung bán thị đài,
Đào hoa tịnh tận thái hoa khai.
Chủng đào đạo sĩ quy hà xứ,
Tiền độ Lưu lang kim hựu lai.

Hoài Anh dịch thơ:
Lại đến chơi lầu Huyền Đô
Vườn xưa trăm mẫu nửa rêu đầy
Đào hết, hoa rau lại đến thay
Đạo sĩ trồng đào đâu đó nhỉ ?
Chàng Lưu năm trước lại về đây.

Bùi Thụy Đào Nguyên, soạn.
Chú thích:
[1] Theo Lịch sử văn học Trung Quốc (Tập 2, tr. 236) và Từ điển văn học (bộ mới, tr. 905). Thơ Đường (Tản Đà dịch, tr. 109) nói Lưu Vũ Tích là huyện Bành Thành, nay thuộc tỉnh Giang Tô.
[2] Bài thơ có tên là "Tự Lang Châu chí kinh hí tặng khán hoa chư quân tử" (Từ Lang Châu đến kinh đô đùa tặng các vị quân tử xem hoa). Dịch nghĩa như sau: "Trên đường tím, bụi hồng táp vào mặt,/ Không ai là không nói mới đi ngắm hoa về./ Cả ngàn gốc đào ở đạo quán Huyền Đô,/ Đều trồng sau khi chàng Lưu đã đi (nhập Thiên Thai)". Ý của bài thơ khá mơ hồ, chẳng qua người ta kiếm cớ để lại đày ông. Có người giải thích rằng hình ảnh ngàn gốc hoa đào tượng trưng cho những kẻ quý tộc mới lên do đầu cơ chính trị thời đó, còn những người xem hoa là những kẻ xu thời nịnh thế, bám víu vào những người có thế lực. Câu cuối của bài thơ tác giả dùng chữ "Lưu lang" chỉ tích Lưu Thần đi chơi chốn Thiên Thai, nhưng cũng chính là để chỉ ông (cùng họ Lưu). Về sau, khi được triệu về kinh, ông lại đến chơi và làm bài "Tái du Huyền Đô quán" (Lại đến chơi lầu Huyền Đô), vẫn với cái giọng điệu cũ (xem bài ở bên trên). Theo sử sách ghi chép thì cũng chính vì bài thơ này mà ông bị đưa về Đông đô (Lạc Dương) làm chức quan nhàn tản là tân khách của Thái tử (theo “Lịch sử văn học Trung Quốc” , Tập 2, tr. 237).
[3] Không rõ là Thái tử nào, vì các sách dùng để tham khảo đều không ghi tên.
[4] Núi Ba nằm hai bên sông Dương Tử, từ Hồ Bắc qua đến Tứ Xuyên, gồm 12 ngọn núi, trong đó có ngọn nổi tiếng tên là Nữ Thần (tức Vu Sơn).
[5] Ô y nghĩa là áo đen. Xưa đời Tấn trung hưng. Họ Vương, họ Tạ là hai nhà quí hiển ở đó, cho các con em đều mặc áo đen, nhân vậy đặt tên. Bài thơ đây là lời hoài cổ (chú thích của Tản Đà, tr. 110).
[6] Ngũ châu tiền là tiền do Hán Vũ Đế đúc ra. Ở đây, mượn đồng tiền để nói đến cơ nghiệp nhà HáHạnh viên hoa hạ thù Lạc Thiên kiến tặng

Sách tham khảo:
-Sở nghiên cứu văn học thuộc Viện Khoa học xã hội Trung Quốc biên soạn, Lịch sử văn học Trung Quốc (Tập II), Bản dịch từ tiếng Trung Quốc do Nxb Giáo dục Việt Nam ấn hành năm 1993.
-Nguyễn Hiến Lê, Đại cương văn học sử Trung Quốc. Nhà xuất bản Trẻ, 1997.
-Dịch Quân Tả, (GS. Huỳnh Đức Đức dịch từ tiếng Trung Quốc), Văn học sử Trung Quốc (Quyển I). Nhà xuất bản Trẻ, 1992.
Trần Lê Bảo, mục từ “Lưu Vũ Tích” trong Từ điển văn học (bộ mới). Nhà xuất bản Thế giới, 2004.
-Tản Đà dịch, Thơ Đường. Nhà xuất bản Trẻ, 1989.

Chủ Nhật, 17 tháng 7, 2011

Hàn Ốc, nhà tho thời Vãn Đường

Hàn Ốc hay Hàn Ác (chữ Hán: 韓偓, 844-923), tự: Trí Nghiêu (致堯), tiểu tự: Đông Lang (冬郎), hiệu: Ngọc Tiều Sơn Nhân (玉樵山人); là quan lại và là nhà thơ Trung Quốc thời Vãn Đường.

Ông là người Vạn Niên, nay thuộc ngoại ô thị trấn Tây An, tỉnh Thiểm Tây. Cha ông là Hàn Chiêm, là anh em bạn rể với nhà thơ Lý Thương Ẩn.

Năm 10 tuổi, Hàn Ốc đã nổi tiếng về tài thơ, từng được Lý Thương Ẩn khen ngợi [1].

Năm 889 đời Đường Chiêu Tông (ở ngôi: 888-904), Hàn Ốc thi đỗ Tiến sĩ, làm quan trải các chức: Gián nghị đại phu, Hàn lâm học sĩ, Binh bộ thị lang. Sau vì không theo phe của quyền thần Chu Toàn Trung (tức Chu Ôn), nên bị giáng chức làm Tư mã Bộc Châu.
Đến đời Đường Ai Đế (ở ngôi: 904-907), có chiếu cho Hàn Ốc phục hồi chức cũ, nhưng ông không dám về triều. Ông mang qia quyến vào đất Mân (Phúc Kiến), nương nhờ Vương Thẩm cho đến khi mất (932), thọ 79 tuổi.

Tác phẩm của Hàn Ốc có Hàn lâm tập Hương liễm tập.

*
Trong Hàn lâm tập, có một số bài phản ánh và cảm thương trước thời thế loạn ly. Xen vào đó, là tư tưởng hàm ân và trung quân của ông đối với nhà Đường.

Song, tập thơ mà ông đã bỏ công nhiều công sức, và được nhiều người chú ý nhất, đó là Hương liễm tập, có nghĩa là "thơ phấn hương". Nội dung của tập thơ này đa phần mô tả chuyện trai gái nhớ nhung, tương tư, thậm chí mô tả chuyện ái ân; hoặc là mô tả sự sầu não, cô đơn, và nhất là sự ức chế tình cảm (cũng như tình dục) của người đàn bà. Các bài như "Ngũ canh" (Năm canh), "Khuê tình" (Tình trong phòng khuê), "Áp hoa lạc" (Ép hoa rụng), "Trù trướng" (Buồn bã), Kế tông (Bới tóc), Ư tự (Mối sầu), "Trú Tẩm" (Ngủ ngày), "Ngẫu kiến bối diện, thị tịch kiêm mộng" (Vô tình thấy phía sau mà đêm về mộng tưởng)...đã nói lên điều đó. So với các thi nhân thời bấy giờ, quả là ông đã vượt hẳn khỏi vòng kiềm tỏa của khuôn sáo cũ, mở một đi cho riêng mình, với một chủ đề thơ mới lạ và táo bạo.

Dưới đây là 4 trong số bài thơ tiêu biểu trong Hương Liễm tập của Hàn Ốc.

1. Xuân khuê
Nhân uân trướng lư hương
Bạc bạc thụy thời trang
Trường hu giải la đái
Khiếp kiến thượng không sàng.
Dịch nghĩa:
Khuê phòng mùa xuân
Trong màn hương thoảng thoảng dễ chịu
Ăn mặc sơ sài để ngủ
Cởi thắt lưng quần, than dài một tiếng,
Vì thấy cái giường không mà kinh hãi.

2. Trú tẩm
Phác phấn canh thiêm hương thể hoạt
Giải y duy kiến hạ thường hồng
Phiền khâm sạ xúc băng hồ lãnh
Quyện chẫm từ y bảo kế tông.
Dịch nghĩa:
Ngủ ngày
Đánh phấn thêm cho thân thể thơm mát,
Cởi áo mới thấy quần màu hồng ở dưới.
Chạm phải chiếc mền, thấy lạnh như băng,
Mệt mỏi tựa búi tóc vào gối.

3. Vịnh dục
Tái chỉnh ngư tê long thúy tâm
Giải y tiên giác băng dâm dâm
Giáo di lan chúc tần tu ảnh
Tự thí hương thang cánh phạ thâm
Sơ tựa tẩy hoa nan ức án
Chung ưu ốc tuyết bất thắng nhân
Khởi tri thị nữ liêm huy ngoại
Thừa thủ quân vương kỷ bính kim.

Dịch nghĩa:
Vịnh cảnh tắm
Sửa soạn bới tóc lại cho đàng hoàng
Mới cởi áo cảm thấy hơi lạnh
Dặn bưng đèn đi vì thẹn
Tự thử xem nước tắm vừa chưa.
Lúc đầu kỳ cọ nhẹ nhàng
Sau tắm gội thỏa thích
Chẳng biết người hầu đứng ngoài kia,
Có chịu khó nài nĩ vua vào ngủ không.

4. Ngũ canh
Văng niên tằng ước Úc Kim sàng
Bán dạ tiềm thân nhập động phòng
Hoài lư bất tri kim điền lạc
Ám trung duy giác tú hài hương
Thử thời dục biệt hồn câu đoạn
Tự hậu, tương phùng nhăn cánh cuồng
Quang cảnh toàn tiêu trù trướng tại
Nhân sinh doanh đắc thị thê lương.

Dịch nghĩa:
Năm canh
Năm xưa từng hẹn trên giường Úc Kim,
Nửa đêm lén đến động phòng.
Trong lúc ôm nhau chẳng biết trâm rơi đâu mất,
Ở trong bóng tối chỉ cảm thấy mùi đôi hài thêu.
Lúc đó, muốn rời nhau nhưng hồn rã rời,
Từ đấy hễ gặp nhau là nhìn nhau điên cuồng.
Cảnh ấy giờ đấy chẳng còn nữa,
Chỉ còn nỗi buồn suốt đời.

Bùi Thụy Đào Nguyên, giới thiệu
Chú thích:
[1] Lý Thương Ẩn tặng Hàn Ốc một bài thơ, trong đó có hai câu: "Thập tuế tài thi tẩu mã thành/ Sồ phụng thanh ư lăo phụng thanh". Có nghĩa: Mười tuổi làm thơ nhanh hơn ngựa/ Tiếng chim phụng non trong hơn chim phụng già .

Sách tham khảo:
-Sở nghiên cứu văn học thuộc Viện Khoa học xã hội Trung Quốc biên soạn, Lịch sử văn học Trung Quốc (Tập II), Bản dịch do Nxb Giáo dục Việt Nam ấn hành năm 1993.
-Dịch Quân Tả, Văn học sử Trung Quốc (Quyển I). Nhà xuất bản Trẻ, 1992.




Thứ Ba, 5 tháng 7, 2011

Lý Hậu Chủ, nhà làm từ tài giỏi thời Nam Đường

Lý Dực (937-978), còn gọi là Lý Hậu Chủ hay Nam Đường Hậu Chủ, tự: Trùng Quang; hiệu Chung Ẩn; là nhà làm từ và là ông vua cuối cùng của Nam Đường trong lịch sử Trung Quốc.

1.Tiểu sử:
Năm 961, Lý Cảnh (tức Nam Đường Nguyên Tông, cũng gọi là Nam Đường Trung Chủ) mất, con trai ông là Lý Dực kế vị.
Khi Lý Dực lên ngôi, thế nước Nam Đường ngày một suy, lại chịu sức ép lớn của triều Tống ở phía Bắc; nên hàng năm nhà vua phải đem vàng bạc đi cống nộp để lấy lòng Tống Thái Tổ (tức Triệu Khuông Dẫn hay Dận).
Sau nhiều năm làm vua trong xa hoa trụy lạc, năm thứ 7 niên hiệu Khai Bảo (974), Tống Thái Tổ cất quân đánh Nam Đường, bắt Lý Hậu Chủ (tức Lý Dực) về Khai Phong (tức Biện Kinh). Nước Nam Đường diệt vong, truyền nối được 3 đời, tổng cộng 40 năm.
Tương truyền, ngày thành Kim Lăng thất thủ, Lý Hậu Chủ đang ngồi nghe giảng kinh Phật ở chùa Tịnh Cư, vội vàng cởi áo ra hàng.
Về Biện Kinh, Tống Thái Tổ phong Lý Hậu Chủ làm Vi Mệnh hầu (hoặc An Mệnh hầu), đối xử với ông rất nhạt nhẽo. Từ đó về sau, Lý Hậu Chủ sống một cuộc đời tù túng cách biệt với thế giới bên ngoài, tuy có chức tước, nhưng thực ra cũng chẳng khác gì một tù nhân.
Năm 978, Lý Hậu Chủ mất ở tuổi 41 [1].

2. Từ của Lý Hậu Chủ:
Từ địa vị một ông vua đến thân phận một tù nhân, làm cho từ của Lý Hậu Chủ chia ra thành hai thời kỳ khác nhau.
Ở thời kỳ trước, những bài từ của ông có tình điệu vui tươi, chủ yếu phản ánh cuộc sống xa hoa và ăn chơi của người đứng đầu cung đình. Tiêu biểu là những bài làm theo điệu Ngọc lâu xuân, Cán khê sa,...Song, nhìn chung, từ trong gian đoạn này, tuy về nghệ thuật chứng tỏ một tài năng, nhưng tầm tư tưởng bị hạn chế, giống phong cách Hoa gian phái (phái “Trong Hoa”) chuyên làm thơ diễm tình.
Ở thời kỳ sau, do thân bị cầm tù, bị hành hạ nên những bài từ trong gian đoạn này đã dứt bỏ được sắc màu ăn chơi, mà chan chứa nỗi đau u uất của một kẻ bất hạnh. Tiêu biểu là những bài làm theo điệu Ngu mỹ nhân, Lãng đào sa,...Và mặc dù có sự cảm thụ sâu sắc về cuộc sống cực nhục mà mình nếm trải, song từ của ông vẫn thiếu một ý nghĩa xã hội sâu sắc.
Sau Lý Hậu Chủ, từ bắt đầu được phát triển song song và được coi trọng như thơ ca cổ điển. Sang thời Tống liền đó, từ đạt tới một trình độ rất cao, và trở thành một thể loại tiêu biểu của một thời đại.
Cho nên khi nói về từ của Lý Hậu Chủ, học giả Nguyễn Hiến Lê cũng đã viết rằng:
Lý Dực tức Nam Đường hậu chủ đáng làm thiên tử trên từ đàn đời Ngũ đại. Trước khi mất nước, lời đẹp đẽ và lộng lẫy; sau khi mất nước, giọng lâm ly, thống khổ...Nhiều nhà phê bình từ của ông, khen là “thánh phẩm”. Chu Tế nói: "Từ của Phi Khanh (tức Ôn Đình Quân) đẹp vì rực rỡ, từ của Đoan Kỷ (tức Vi Trang) đẹp vì giản dị, còn từ của Hậu Chủ thì “áo vải tóc bù” mà đẹp.Tuy có công lớn với nghệ thuật, nhưng Hậu Chủ có tội lớn với quốc dân, vì mê từ quá, để nước mất [ tr.498-499].
Ngoài tài làm từ , Lý Hậu Chủ còn là người giỏi thư họa và thông âm luật.

3. Giới thiệu tác phẩm:
Chưa rõ Lý Hậu Chủ đã để lại bao nhiêu bài từ, song những bài còn lưu lại đều hay. Dưới đây là hai trong số bài từ tiêu biểu của ông.
1. Ngu mỹ nhân
Xuân hoa thu nguyệt hà thời liễu?
Vãng sự tri đa thiểu!
Tiểu lâu tạc dạ hựu đông phong,
Cố quốc bất kham hồi thủ nguyệt minh trung!
Ngọc khám ưng do tại,
Chỉ thị chu nhan cải.
Vấn quân năng hữu kỷ đa sầu?
Cáp tự nhất giang xuân thủy hướng đông lưu.

Tạm dịch:
Xuân hoa thu nguyệt bao giờ hết?
Việc cũ biết nhiều ít!
Đêm qua lầu nhỏ lại gió đông,
Nước cũ về chẳng được, ánh trăng trong!
Bệ ngọc chừng còn đó,
Hồng nhan buồn đã đổi.
Ai ơi xin hỏi sầu mấy hồi?
Nào khác dòng xuân hướng đông trôi.

2. Lãng đào sa lệnh
Liêm ngoại vũ sàn sàn,
Xuân ý lan san,
La thường bất nại ngũ canh hàn.
Mộng lý bất tri thân thị khách,
Nhất hướng tham hoan.
Độc tự mạc bằng lan,
Vô hạn giang san,
Biệt thời dung dị kiến thời nan.
Lưu thủy lạc hoa xuân khứ dã,
Thiên thượng nhân gian.

Tạm dịch:
Rả rích mưa tuôn,
Lòng những bàn hoàn,
Vạt là không ấm suốt canh tàn.
Trong mộng nào hay mình ở trọ,
Chợt thấy vui tràn.
Một mình tựa lan can,
Bát ngát giang san,
Chia tay thì dễ, gặp lại khó khăn.
Nước trôi hoa rụng xuân qua đó,
Trời đất miên man.

Bùi Thụy Đào Nguyên, soạn.
Chú thích:
[1]. Có tác giả viết rằng Lý Hậu Chủ bị Tống Thái Tổ cho uống thuốc độc chết. Tuy nhiên, tra trong sách dùng để tham khảo thì không thấy có thông tin này.

Sách tham khảo:
•Nguyễn Hiến Lê, Đại cương văn học Trung Quốc (trọn bộ). Nhà xuất bản Trẻ, 1997.
•Trần Lê Bảo, mục từ “Lý Dực” in trong Từ điển văn học (bộ mới). Nhà xuất bản Thế giới, 2004.
•Sở nghiên cứu văn học thuộc Viện Khoa học xã hội Trung Quốc biên soạn, Lịch sử văn học Trung Quốc (Tập II), Bản dịch do Nxb Giáo dục Việt Nam ấn hành năm 1993.