Hình ảnh

Hình ảnh

Chủ Nhật, 19 tháng 6, 2011

Đạm Phương nữ sử (1881-1947)



Đạm Phương (1881-1947) tên thật là Công Nữ Đồng Canh, tự: Quý Lương; là nhà văn, nhà báo, nhà giáo dục Việt Nam.

Bà sinh năm Tân Tỵ (1881) trong một gia đình hoàng tộc ở tại Huế. Cha bà là Nguyễn Phúc Miên Triện, là Hoàng tử thứ 66 của vua Minh Mạng, được phong tước Hoằng Hóa quận vương.

Thời niên thiếu, bà được học Hán văn, Pháp văn, Quốc ngữ; và học cả cầm, kỳ, thi, họa, thêu thùa, nấu nướng…Năm 20 tuổi, bà được mời vào Cung lo việc cho Hoàng hậu; dạy cho các Công chúa và cung nữ. Bà dạy giỏi, được triều đình phong cho bà chức “nữ sử” [1] nên sau này khi viết báo bà thường ký tên là Đạm Phương nữ sử.

Đọc nhiều, hiểu biết sâu rộng, sớm tiếp cận tư tưởng dân chủ như Lương Khải Siêu, Tôn Dật Tiên, Jean-Jacques Rousseau; lại sớm được tiếp xúc với các nhà yêu nước như Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, v.v….nên Công Nữ Đồng Canh đã từ một địa vị “lá ngọc cành vàng” trở thành một người trí thức tiến bộ của thời đại.

Bài báo đầu tiên của bà được đăng trên Nam Phong tạp chí (Hà Nội) tháng 7 năm 1918. Kể từ đó, bà lần lượt gửi bài cộng tác với các báo, tạp chí ở Bắc Kỳ và Nam Kỳ: Nam Phong tạp chí, Phụ nữ thời đàm,Tiếng dân, Hữu Thanh, Lời đàn bà… Ngoài ra, bà còn làm trợ bút cho báo Trung Bắc tân văn và giữ chuyên mục Văn đàn bà của báo này từ năm 1919 đến năm 1928.

Giữa năm 1926, sau khi tiếp xúc với Phan Bội Châu và các bậc chí sĩ khác, bà công khai đứng ra tổ chức một trường học nữ công có tên là Nữ công học hiệu tại Huế nhằm giáo dục nữ giới ý thức được giá trị của nghề nghiệp thủ công. Đây là một hội đoàn đầu tiên của phụ nữ Việt Nam với tư tưởng canh tân, đề xướng vấn đề nữ quyền rất tiến bộ đương thời.

Năm 1928, bà bị thực dân Pháp bắt giam vì chúng nghi bà có liên quan đến đảng Tân Việt.
Từ cuối năm 1930 trở đi bà giã từ báo chí, vắng hẳn bút danh Đạm Phương trên các phương tiện truyền thông, tập trung vào việc làm sách.

Sau ngày toàn quốc kháng chiến chống Pháp (19 tháng 12 năm 1946), bà tản cư ra Thanh Hóa cùng với gia đình con trai Nguyễn Khoa Văn (tức Hải Triều). Tuổi già sức yếu, Đạm Phương nữ sử mất vào năm Đinh Hợi (1947) ở huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa, thọ 66tuổi.

Năm 16 tuổi, Đạm Phương nữ sử lấy ông Nguyễn Khoa Tùng con trai thứ 7 của cụ Nguyễn Khoa Luận, sinh hạ được 3 người con trai và 3 người con gái. Sau cả 3 con trai của bà lần lượt hy sinh trong sự nghiệp giải phóng dân tộc Việt, trong đó có nhà lý luận Marxist Hải Triều (Nguyễn Khoa Văn).

Các tác phẩm của Đạm Phương nữ sử để lại:
-Kim tú cầu (tiểu thuyết bi tình), đăng từng phần trên Trung Bắc tân văn từ số 25 tháng 5 năm 1923 đến 21 tháng 7 cùng năm; sau đó in thành sách. Căn cứ thời điểm này, nhà nghiên cứu Lê Thanh Hiền khẳng định, bà Đạm Phương là người phụ nữ Việt Nam “đầu tiên viết tiểu thuyết”. Nội dung Kim Tú Cầu kể chuyện nàng Kim Tú Cầu yêu người anh con cô con cậu tên là Ngọc Lan mà không lấy được. Cha mẹ ép gả nàng làm vợ kế quan đề đốc Mổ. Chồng chết, nàng Tú Cầu nhan sắc bị kẻ cướp đuổi bắt, phải trốn vào một ngôi chùa trên núi... Còn chàng Ngọc Lan sau khi người trong mộng đi lấy chồng đâm ra buồn tủi, rồi quyết chí học hành, thi đỗ cử nhân. Trải qua bao biến cố, khi Ngọc Lan tìm được đến nơi thì Tú Cầu đã bị chết trong rừng sâu. Ngọc Lan đau đớn ngất đi...

-Lược khảo về tuồng hát An Nam (đăng trên Nam Phong tạp chí số 76, tháng 10 năm 1923).
-Hồng phấn tương tri (truyện dài, 1929)
-Đạm Phương thi văn tập
-Giáo dục nhi đồng (1942)
-Năm mươi năm về trước, là một cuốn tiểu thuyết vạch trần những xấu xa thối nát của cuộc sống trong cung đình”. Cuốn sách bị Sở kiểm duyệt Pháp tiêu hủy ngay bản thảo xin giấy phép xuất bản (1944).

Ngoài ra, bà còn viết khoảng 200 bài báo về giáo dục như Gia đình giáo dục thường đàm, Bàn về vấn đề giáo dục con cái, Phụ nữ gia đình, Nữ công thường thức,, v.v…So với thời bấy giờ, đó là một sự nghiệp báo chí đồ sộ.
*
Đạm Phương nữ sử xuất hiện như một nhà báo nữ ở giai đoạn đầu tiên của nền báo chí nước nhà, và là một trong những cây bút hàng đầu của làng báo Việt Nam thuở ấy... Bên cạnh đó, bà còn nổi tiếng là một nhà hoạt động xã hội tân tiến thời bấy giờ với việc đòi quyền bình đẳng cho phụ nữ. Năm 1926, bà cho ra đời Nữ công học hội. Đây là một tổ chức hội phụ nữ đầu tiên ở Việt Nam. Chính nhờ học hội mà những người phụ nữ đã bước ra khỏi ngưỡng cửa nhà mình và đã vươn tới hòa nhập cùng xã hội bằng những công việc mà trước đó chỉ nam giới mới được làm. Tâm huyết với việc nâng cao vị thế của phụ nữ Việt Nam trong thời đại bấy giờ, bà đã viết hàng loạt bài báo với chủ đề giáo dục phụ nữ, hướng dẫn cách sinh con, nuôi con, cách tổ chức gia đình theo đời sống mới…Theo nhận định của nhiều nhà nghiên cứu, bà là người phụ nữ đầu tiên ở Đông Nam Á đặt vấn đề giải phóng phụ nữ ngay từ đầu thế kỷ 20; và cũng là nữ trí thức Việt Nam đầu tiên đặc biệt quan tâm đến sự dưỡng dục thế hệ trẻ thơ. Trong một tác phẩm của mình bà đã có một câu văn rất hay: “Khuôn mặt người mẹ là quyển sách đầu tiên của đứa con”.

Về văn chương, Đạm Phương nử sử đã để lại một số tác phẩm khá độc đáo, trong đó có quyển tiểu thuyết bi tình Kim Tú Cầu (1923), ra đời trước khi có quyển Tố Tâm (1925). Theo tác giả Phạm Thị Thu Hương thì đây là một tác phẩm “phê phán việc ép duyên, ca ngợi tình yêu hôn nhân tự do, phê phán sự bất ổn xã hội đang đe dọa cuộc sống của người dân. Mặc dù cách miêu tả nhân vật còn sơ lược, ước lệ và cách dẫn dắt câu chuyện chưa có gì mới, song Kim Tú Cầu cũng như hầu hết mảng văn xuôi của bà đã phần nào thoát ra khỏi nghệ thuật biền ngẫu và lối kết cấu có hậu của tiểu thuyết cổ điển. Thơ bà vẫn khai thác các đề tài và hình thức của thơ trung đại, nhưng đã mang chút sắc thái riêng của một nữ sĩ Tây học nên cũng khá hấp dẫn độc giả đương thời. Ngoài ra, bài Lược khảo về tuồng hát An Nam của bà là công trình nghiên cứu sớm nhất về loại hình nghệ thuật này” (Từ điển văn học [bộ mới], tr. 376).

Năm 1947, khi hay tin bà mất, cụ Thảo Am Nguyễn KhoaVy đã viết đôi câu đối ca ngợi công đức của bà:
“Khí phách nam nhi, tinh hoa Nam Việt, nhớ thuở Nam Giao truy điệu, lên diễn đàn thay mặt cụ Sào Nam
Văn tài nữ Sử, sư phạm nữ công, e khi nữ giới yêu cầu, đi phó hội theo chân bà Trưng nữ”.

Tháng 6 năm 1999, chính quyền tỉnh Thừa Thiên Huế ra quyết định đặt tên là đường Đạm Phương.
Đường nằm trên địa bàn phường Tây Lộc, thuộc khu vực Thành Nội, khởi đầu từ đường Hoàng Diệu, chạy qua phía sau chợ Tây Lộc đến đường Lê Đại Hành, dài 250m.

Kỷ niệm 130 năm ngày sinh Đạm Phương nữ sử 1881 – 2011, một cuộc Hội thảo diễn ra ngày 18 tháng 6 năm 2011 tại Thừa Thiên- Huế do UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế phối hợp với Viện Văn học Việt Nam tổ chức.
Tham dự Hội thảo có Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hội Phụ nữ Việt Nam, gia đình Đạm Phương nữ sử cùng các nhà nghiên cứu.
Nhà sử học Dương Trung Quốc ví hội thảo này như động tác "phủi đi lớp bụi thời gian của sự quên lãng, kể cả những nhận thức, hạn chế liên quan đến gia cảnh, tính thời đại, và làm long lanh một tấm gương mà ngày hôm nay nếu soi lại chúng ta sẽ thấy rất nhiều bài học quý giá cho sự nghiệp giải phóng phụ nữ và con trẻ"...


Bùi Thụy Đào Nguyên, giới thiệu.
Chú thích:
[1] Nữ sử là tên một chức quan đời nhà Chu (Trung Quốc) dành cho người phụ nữ học giỏi, được sung vào triều để chép những việc trong nội cung.

Không có nhận xét nào: