Hình ảnh

Hình ảnh

Thứ Bảy, 19 tháng 3, 2011

Danh sĩ Vũ Huy Tấn và bài thơ Vọng đồng trụ cảm hoài

Vũ Huy Tấn hay Võ Huy Tấn (1749 - 1800), còn có tên là Liễn, hiệu là Nhất Thủy. Ông là nhà thơ, là viên quan trải hai triều đại: nhà Hậu Lê và nhà Tây Sơn trong lịch sử Việt Nam. Hiện chưa biết cột đồng do Mã Viện sai dựng ở đâu, nhưng theo Vũ Huy Tấn thì nó đã nằm bên phần đất của Trung Quốc, bởi vùng đất Lưỡng Quảng (Quảng Đông và Quảng Tây) đã bị nước này thôn tính.


Ông sinh năm Kỷ Tỵ (1749) tại làng Mộ Trạch, huyện Đường An, trấn Hải Dương (nay thuộc tỉnh Hải Dương). Cha ông là Vũ Huy Đình, Tiến sĩ triều Hậu Lê.

Năm 1768, Vũ Huy Tấn đỗ đầu kỳ thi Hương, được bổ làm Thị nội Văn chức, dưới thời vua Lê Hiển Tông. Khi nhà Hậu Lê sụp đổ, Vũ Huy Tấn về quê ẩn, rồi nhận lời mời của nhà Tây Sơn, ra giữ chức Hàn lâm đãi chế.

Năm Kỷ Dậu (1789) [1], ông được cử sang giao thiệp với nhà Thanh (Trung Quốc). Do có công lao, ông được phong làm Thị lang bộ Công, tước bá.

Năm sau (1790), ông lại cùng với Ngô Văn Sở, Phan Huy Ích lãnh giao nhiệm vụ đưa phái đoàn của giả vương Phạm Công Trị sang nhà Thanh. Trở về nước, ông được phong làm Thượng thư bộ Công, tước Hạo Trạch hầu. Dưới triều Cảnh Thịnh, ông được đặc cách lên hàng Thượng trụ quốc, Thị trung đãi chiếu Thượng thư.

Năm Canh Thân (1800), Vũ Huy Tấn mất năm 51 tuổi, tức trước khi nhà Tây Sơn bị diệt vong (1802).

Theo sử liệu, khi đến Yên Kinh (tức Bắc Kinh) cùng giả vương Phạm Công Trị, ông đã phản đối quan lại nhà Thanh bởi họ gọi các quan trong sứ bộ Việt Nam là “di quan”, tức quan mọi rợ (việc làm này được ông nói đến trong bài thơ "Biện di", có nghĩa Biện bác về chữ di), được người đời khen ngợi [2].

Tác phẩm của Vũ Huy Tấn hiện chỉ còn một tập thơ bằng chữ Hán có tên là Hoa nguyên tùy bộ tập, gồm những bài sáng tác trong chuyến đi sứ năm Kỷ Dậu (1790). Đây là bản viết tay, không rõ năm chép, được lưu trữ trong Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm (Hà Nội) mang ký hiệu A. 375.

Nhìn chung, thơ ông thấm đượm một tinh thần dân tộc sâu sắc, một ý thức trách nhiệm cao, tuy có phảng phất chút hoài cảm quá khứ. Đặc biệt, trong tập thơ trên có bài văn tế "Tác Phụng soạn tôn tế bắc lai vong chư tướng văn" (Phụng soạn văn tế các tướng sĩ phương Bắc [chỉ quân đội nhà Thanh] sang xâm lược bị chết trận), không những thể hiện được niềm tự hào dân tộc về chiến công chống quân xâm lược, mà còn thể hiện được lòng nhân đạo của nhân dân Việt (những người chiến thắng) đối với những người thua trận bị bỏ mạng.

Trong cuốn Văn học thế kỷ XVIII do PGS. Nguyễn Thạch Giang làm chủ biên, có giới thiệu 9 bài thơ và một bài phú. Ở đây, trích giới thiệu một bài:

Vọng đồng trụ cảm hoài
(Trông chỗ cột đồng, cảm xúc)
Dịch nghĩa:

Sáng sớm ra khỏi thành Minh Châu,
Tìm hỏi dấu tích cột đồng.
Người địa phương chỉ tay về phía xa,
Nơi hai đống đá xanh xanh!
Than ôi! Cột đồng kia!
Là đất cũ của nước ta!
Từ thời Trưng Vương buổi trước,
Phục Ba (Mã Viện) đã vạch làm biên giới.
Bậc phấn son (ý nói đến Hai Bà Trưng) thật cũng anh hùng.
Muôn đời tiếng tăm còn vang dội.
Đáng thương tên gian phu nhúng tay vào vạc,
Cắt đất dâng đi chẳng đoái tiếc gì.
Bờ cõi xưa vì thế luân lạc đi mất,
Đến nay đã hàng mấy trăm năm.
Khói mù cộng với thời gian,
Cảm khái việc xưa nay biết dường nào!
Bên này có núi Phân Mao,
Trời đã làm cho phần Bắc phần Nam bị chia tách.
Chia đã lâu rồi cần hợp lại,
Vết tích lạ này há lại bỏ không.

Chú thích:
[1] Sách Đại Thanh lịch triều thực lục, phần "Cao Tông Thuần hoàng đế thực lục" (quyển 1335) có chép việc này: "Mậu Thân tháng 7, năm Càn Long thứ 54 (1789) Chánh sứ nước Nam là Nguyễn Quang Hiển và Phó sứ Nguyễn Hữu Điều cùng bọn Vũ Huy Tấn vào chầu vua".
[2] Theo Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam (tr. 956) và Từ điển văn học (bộ mới, tr. 2026).

Bùi Thụy Đào Nguyên, soạn.
Sách tham khảo:
-Nguyễn Thạch Giang (chủ biên), Văn học thế kỷ XVIII. Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2004.
-Nguyễn Lộc, mục từ "Vũ Huy Tấn" trong Từ điển văn học (bộ mới). Nhà xuất bản Thế giới, 2004.
-Nguyễn Q. Thắng-Nguyễn Bá Thế, Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam, mục từ “Vũ Huy Tấn (Võ Huy Tấn)”. Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1992.

Không có nhận xét nào: