Hình ảnh

Hình ảnh

Thứ Sáu, 18 tháng 5, 2012

Đền Hiển Trung

Đền Hiển Trung, tên chữ là Hiển Trung Từ, khi xưa toa lạc trên phần đất của làng Tân Triêm, thuộc trấn Gia Định xưa (nay thuộc quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam). Ngày nay ngôi đền đã không còn vì đã bị quân Pháp phá bỏ trước năm 1954[1].


1. Lịch sử

Theo sách Hoàng Việt long hưng chí, sau khi lấy được thành Diên Khánh (Ất Mão, 1795), "Thế Tổ (chỉ chúa Nguyễn Phúc Ánh, sau này là vua Gia Long) sai bộ Lễ ghi tên các công thần trận vong và ốm chết từ khi trung hưng cho tới chiến dịch Diên Khánh, lập đền Hiển Trung ở Gia Định” [2].

Tương tự, Huỳnh Ngọc Trảng và Nguyễn Đại Phúc, viết: "Đền Hiển Trung xây dựng năm 1795, trùng tu năm 1804 [3], để thờ các công thần đã từng theo giúp Nguyễn Phúc Ánh, trong đó đứng đầu là Võ Tánh và Ngô Tùng Châu...[4].

Cùng quan điểm này còn có sách Sài Gòn - Gia Định qua thơ văn. Nhóm tác giả này viết: "Hiển Trung Từ còn gọi là Miếu Công Thần, ở địa phận thôn Tân Triêm, trong cuộc đất thành Ô Ma, xây năm 1795"[5].

Tuy nhiên, theo nhà nghiên cứu Huỳnh Minh, vào khoảng năm Ất Mão (1795), chúa Nguyễn Phúc Ánh cho xây dựng miếu Hội Đồng (còn gọi là "miễu Thánh". Quân Pháp gọi là "temple des Grands Dignitaires". Lúc đầu, miếu phụng thờ các thần linh, sau mới liệt thờ các vị công thần)[6] ở địa phận làng Tân Triêm. Đến năm Giáp Tý (1804), tức sau khi lên ngôi, ông mới cho sửa sang ngôi miếu trên, đồng thời cho xây dựng đền Hiển Trung ở kế bên để thờ các công thần đã từng theo giúp mình[7]. Tin theo đây thì "năm 1795, chỉ có miếu Hội Đồng; đến năm 1804, mới có thêm đền Hiển Trung".

Dưới triều Thiệu Trị (1846 hoặc 1847)[8], đền Hiển Trung được nhà vua cho tu bổ lại.

Tháng 2 năm 1859, thành Gia Định mất vào tay quân Pháp. Sau đó, họ nhanh chóng chiếm lấy các ngôi chùa cổ để làm đồn gọi là “phòng tuyến chùa chiền” (lignes des pagodes), gồm: chùa Khải Tường (pagode de Barbe), chùa Kiểng Phước (pagode des Clochetons), chùa Cây Mai (pagode des Pruniers), đền Hiển Trung... Lúc bấy giờ, người Pháp gọi ngôi đền này là pagode de la Fidelite Eclatante (chùa Hiển Trung), hay là pagode des Mares (có nghĩa chùa ở chỗ khu vực ao nước, vì sân chùa có hai ao nước trồng sen) [9].

Trung úy Hải quân Pháp Léopold Pallu, sĩ quan tùy viên Tổng hành dinh của tướng Leonard Charner trong đoàn viễn chinh đánh Sài Gòn năm 1861 đã viết về ngôi đền này như sau:
"Chùa Ao trước kia rất nổi tiếng vì là nơi hành hương cho những người đi buôn bán từ Mỹ Tho trở về. Chùa có hai ao nên gọi là chùa Ao, một lớn một nhỏ, nước dơ bẩn, thường thấy thỉnh thoảng có xuất hiện loại cá sấu caiman [10].


Sau khi Gia Định trở thành lãnh địa của Pháp theo Hòa ước Nhâm Tuất (1862), ở khu vực chùa Kim Chương, người Pháp lập Sở nuôi ngựa, và lập ở khu vực đền Hiển Trung một trại lính (tức thành Ô Ma, Camp aux Mares), khiến ngôi đền nằm gọn trong vòng thành [11].


Năm 1927, sau khi đã được ghi vào sổ bộ các cổ tích của Trường Viễn Đông bác cổ (nay là Viện Viễn Đông Bác cổ), đền Hiển Trung đã được nhà trường vừa kể xuất tiền trùng tu lại. Qua năm 1939 (ngày 10 tháng 11 dương lịch), triều đình Huế có biệt phái một đại thần vào đây tế tự [12]


Tang thương biến đổi, ngôi đền đã hư tệ sẵn bởi thời gian, lại thêm nỗi các lính tập của Pháp cùng vợ con của họ “đến ăn ở nơi đây không lòng bảo tồn” (Vương Hồng Sển) nên hầu hết những bài vị đều bị xiêu lạc. Đến thời quân Nhật Bản hoành hành một lúc, rồi đến lượt đạo binh viễn chinh Pháp trở lại chiếm thành Ô Ma sau khi Nhật Bản đầu hàng, thì họ triệt hạ đền Hiển Trung lúc nào không rõ, bất chấp đó là một di tích hiếm có trong Nam [13]. Học giả Vương Hồng Sển kể:

"Đền nầy được trường Viễn Đông Bác Cổ liệt kê vào sổ cổ tích, tưởng nhờ vậy mà được tồn tại, không ngờ đến năm 1954 thì đã không còn! Riêng tôi được đến viếng một phen năm 1947 với ông Pierre Dupont, nhơn viên Trường Bác Cổ, khi ấy đền đã bị mối ăn hư hao nhiều rồi, qua năm 1950, tôi có trở lại viếng với ông Bernard Phillipe Groslier là quản thủ Pháp của viện Bảo Tàng Sài Gòn. Chúng tôi đề nghị cấp tốc sửa chữa đền, nhưng cơ quan nhà binh Pháp không thuận giao trả đền cho Trường Bác Cổ, một hai rằng đền ở trên lãnh thổ nhà binh thì thuộc quyền nhà binh định đoạt! Tưởng việc đâu còn đó, và trong trí tôi đinh ninh nhớ đền ở mé gần đường Võ Tánh cứ đứng ngoài rào, ngay chỗ giáp mối đường Nguyễn Cư Trinh (Marchand) cũ ngó vói qua tường thì thấy nóc đền. Không dè qua năm 1955, chúng tôi trở lại đây với nhơn viên Viện Khảo Cổ, thì đã sao dời vật đổi, đền đâu chẳng thấy, một viên gạch nhỏ cũng không còn, đừng nói chi một bộ kèo trính rường cột chạm trổ tỉ mỉ...[14].

Theo đây, thì lúc bấy giờ đền Hiển Trung ở chỗ “giáp mối” giữa đường Võ Tánh (thời Pháp là đường Frère Louis, sau đó là đường Võ Tánh, và nay là đường Nguyễn Trãi)[15] với đường Nguyễn Cư Trinh (thời Pháp đường Marchand, sau đó là đường Nguyễn Cư Trinh cho đến nay). Và vì ngôi đền đã bị phá hủy từ lâu, thêm không có tài liệu nào mô tả lại, nên không rõ lối kiến trúc của công trình ấy như thế nào [16]

2. Thờ cúng
Lúc sơ khởi, trong đền Hiển Trung thờ 1015 vị công thần, liệt kê như sau:
■Bàn thờ chính ở giữa thờ ba vị, là: Võ Tánh, Ngô Tùng Châu và Nguyễn Tấn Huyên.
■Bàn thờ thứ nhất ở bên trái thờ 10 vị, là: Chưởng dinh Quận công Châu Văn Tiếp, Tiền dinh Quận công Tôn Thất Hội, Thiếu bảo Quận công Tống Viết Phước, Chưởng dinh Quận công Mai Đức Nghị, Chưởng thủy dinh Võ Di Nguy, Chưởng dinh Quận công Nguyễn Cửu Dật, Nguyễn Cửu Toán, Nguyễn Thành, Hữu quân Quận công Tôn Thất Dũ, Tả quân Quận công Nguyễn Văn Chánh.
■Bàn thờ thứ nhất ở bên mặt, thờ 10 vị: Chưởng dinh Quận công Nguyễn Hữu Thụy, Nguyễn Đình Thuyên, Nguyễn Kim Phẩm, Trần Xuân Trạch, Tôn Thất Cốc, Tống Phước Hòa, Thiếu phó Nguyễn Thái Nguyên, Chưởng dinh Bùi Kế, Chưởng cơ Đoàn Văn Các, Hoàng Công Thành.

Ngoài ra, bên ở hai bên hông đền còn có các bàn thờ số còn lại, trong đó có một người Pháp là Chưởng vệ Mạn Hòe (Manuel) [17].

Về sau, trong số 1015 vị công thần này, có 361 vị được chuyển ra thờ trong các đền Trung Hưng, Trung Tiết ở Huế, và đền Bảo Trung ở Khánh Hòa...Đến khi quân Pháp đánh chiếm Gia Định, đền Hiển Trung không ai chăm sóc, vua Tự Đức bèn truyền đem hết số vị còn lại ra thờ ở Ân Tự, thuộc thôn Vĩ Dạ (huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên) [18].

3. Thông tin thêm

■Sau Hiệp định Genève 1954, quân Pháp rút khỏi Việt Nam và trao trả thành Ô Ma cho Chính quyền Đệ nhất Cộng hòa. Sau đó, tòa thành này trở thành Tổng Nha Cảnh sát, rồi là Bộ Tư Lệnh Cảnh Sát Quốc Gia dưới thời Việt Nam Cộng hòa (số 258 đường Võ Tánh; nay là đường Nguyễn Trãi, thuộc phường Nguyễn Cư Trinh, quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh).

■Theo học giả Trương Vĩnh Ký, trước miếu Hội Đồng và đền Hiển Trung ở ngoài lộ cái, thuở "cựu trào" có dựng hai cột đá, một đề "Khuynh cái" (nghiêng dù), một đề "Hạ mã" (xuống ngựa) để tỏ lòng tôn kính[19].

Sách tham khảo chính
■Vương Hồng Sển, Sài Gòn năm xưa, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, 1991.
■Huỳnh Minh, Gia Định xưa, Nxb Văn hóa-Thông tin tái bản năm 2006.
■Nguyễn Thanh, Thành phố bất khuất. Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, 1984.

Chú thích
1.^ Theo Vương Hồng Sển, Sài Gòn năm xưa, tr. 156 và 219.
2.^ Ngô Giáp Đậu, Hoàng Việt long hưng chí, Nxb Văn học, 1993, tr. 212.
3.^ Thông tin này phù hợp theo sử Nguyễn. Sách Quốc triều sử toát yếu chép: "Năm Giáp Tý (1804) tháng 6 (âm lịch), (nhà vua) sắc cho bộ Lễ bàn định về việc 1015 người tử tế được dự tế trong đền Hiển Trung, giao cho các quan trấn chế bàn vị mà thờ" (phần "Chính biên", tr. 88). Những “người tử tế” ở đây, theo Vương Hồng Sển, đó là những “tử sĩ liều mình vì nước trong các trận chống Tây Sơn” (Sài Gòn năm xưa, tr. 155).
4.^ Bài viết "Kim Chương Tự - ngôi chùa lịch sử của đất Gia Định" của Huỳnh Ngọc Trảng - Nguyễn Đại Phúc đăng trên báo Giác Ngộ online [1] (http://www.giacngo.vn/tuvien/2008/03/24/56D450/) .
5.^ Nguyễn Thanh Xuân - Nguyễn Khuê - Trần Khuê, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, tr.270.
6.^ Lúc đầu quân Pháp chiếm cứ miếu Hội Đồng làm nơi ăn ở, về sau cũng bị họ phá bỏ. Theo Nguyễn Thanh (Thành phố bất khuất, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, tr. 145) thì “ngôi miếu bị quân Pháp xóa mất dấu tích khoảng năm 1855”.
7.^ Gia Định xưa, tr. 66.
8.^ Huỳnh Minh (Gia Định xưa, tr. 55) ghi là 1846, Vương Hồng Sển (Sài Gòn năm xưa, tr. 218) ghi là 1847.
9.^ Theo Nguyễn Thanh (Thành phố bất khuất, tr. 145), hoặc xem bài viết "Từ thành Ô Ma đến trường Trung Thu" của Lê Công Lý [2] (http://www.trungthu.us/xuanti/ThanhOMa.htm) .
10.^ Léopold Pallu, Lịch sử cuộc viễn chinh Nam Kỳ năm 1861. Bản dịch tiếng Việt tại đây: [3] (http://www.vnmilitaryhistory.net/index.php?topic=9316.5;wap2) . Nói thêm: Nước ao dơ bẩn, có thể vì lúc đó sen đã tàn lụi hết. "Caiman” là tên của một loại cá sấu.
11.^ Gọi là Ô Ma vì nơi này có nhiều ao sen, và Mares có nghĩa là ao. Thông tin tham khảo: Theo Lê Công Lý thì năm 1875, trên khoảng đất chung quanh đền Hiển Trung, nơi có nhiều ngôi mộ được biến cải thành một trại nuôi ngựa giống gọi là "Ferme des Mares" (Mares cũng có nghĩa là ngựa) bao gồm cả đường Hồng Thập Tự (nay là đường Nguyễn Thị Minh Khai) và đường Lý Thái Tổ (theo Trương Vĩnh Ký thì Sở nuôi ngựa này ở chỗ khu vực chùa Kim Chương, dẫn lại theo Sài Gòn năm xưa, tr. 153 và 155). Đến khi ngựa giống gốc Ả rập và bò sữa bị chết nhiều vì không hợp thủy thổ, họ chuyển sang trồng lúa giống Miến Điện, rồi lại chuyển sang trồng cỏ cho ngựa ăn, nhưng tất cả đều không thành công, nên trang trại này bị giản tán vì lỗ vốn. Phần thành Ô Ma, ban đầu là nơi huấn luyện các lính tập, sau trở thành Bộ Tổng hành dinh quân đội Liên hiệp Pháp. Xem bài viết "Từ thành Ô Ma đến trường Trung Thu", nguồn đã dẫn.
12.^ Sài Gòn năm xưa, tr. 156.
13.^ Sài Gòn năm xưa, tr. 156.
14.^ Sài Gòn năm xưa, tr. 156 và tr. 219.
15.^ Trước 1975, Sài Gòn có hai đường Võ Tánh: một thuộc Phú Nhuận (gần khu mộ Võ Tánh, nay là đường Hoàng Văn Thụ), một là phần thuộc quận 1 của đường Nguyễn Trãi hiện nay.
16.^ Căn cứ lời kể của Vương Hồng Sển (Sài Gòn năm xưa, tr. 219) và Bản đồ Thành phố Hồ Chí Minh, Nxb Hồng Đức, 2007.
17.^ Mạn Hòe là một võ tướng của chúa Nguyễn, mang quốc tịch Pháp, đã tử trận khi đánh nhau với quân Tây Sơn tại Thất Kỳ Giang (tức sông Ngã Bảy ở Cần Giờ, Sài Gòn) vào năm Nhâm Dần (1782). Theo Nguyễn Lương Bích- Phạm Ngọc Phụng, Tìm hiểu thiên tài quân sự của Nguyễn Huệ, xb Quân đội Nhân dân, 1977, tr. 66.
18.^ Lược ghi theo Gia Định xưa, tr. 53-55.
19.^ Dẫn lại theo Sài Gòn năm xưa, tr. 156.





Không có nhận xét nào: