Hình ảnh

Hình ảnh

Chủ Nhật, 30 tháng 10, 2011

Truyện Lý Phục Man

Lý Phục Man (? - ?), không rõ họ tên thật (vì ông có công đánh dẹp quân Lâm Ấp, nên được đặt tên là "Phục Man", và được ban quốc tính họ "Lý"), là một danh tướng thời Lý Nam Đế ở thế kỷ 6 trong lịch sử Việt Nam.
Ông nổi tiếng là người giỏi võ nghệ, là một trung thần có nhiều công lao, nên khi mất, ông được nhân dân nhiều nơi tôn thờ làm Thành hoàng làng. Mặc dù vậy, trong sử cũ không thấy chép về ông. Tên và thần tích của ông xuất hiện lần đầu tiên trong Việt điện u linh tập thời Trần; và sau đó được kể lại trong Đại Nam nhất thống chí thời Nguyễn.


I. Tóm tắt thần tích Lý Phục Man:
1.1 trong Việt điện u linh tập:
Trong một chuyến tuần thú, vua Lý Thái Tổ (Lý Công Uẩn) đi đến Sở Bộ Đầu (tên gọi cũ của Yên Sở, thuộc Hoài Đức, Hà Nội ngày nay). Cảm khái trước vẻ đạp của phong cảnh, bèn rót rượu xuống dòng sông lớn mà khấn rằng: "Trẫm xem nơi đây thủy tú sơn kỳ khác hẳn mọi phương, nếu có linh hồn của những trang nhân kiệt, thì xin hãy nhận lễ cúng".
Đêm ấy, nhà vua mộng thấy một dị nhân cao lớn vạm vỡ, y phục trang nghiêm, đến cúi đầu lạy 2 lần, rồi tâu rằng:
"Thần vốn là người làng này, họ Lý tên Phục Man, đã theo giúp Lý Nam Đế (tức Lý Bí, ở ngôi: 544-548), và được phong làm tướng quân. Nhờ lòng trung liệt mà nổi danh, được cho trấn thủ đất Đỗ Động (Thanh Oai) và Đường Lâm (Ba Vì). Quân man (chỉ quân Lâm Ấp) đều sợ, không dám xúc phạm, cả một phương đều yên ổn. Đến khi thần thác, Thượng đế chấm lòng trung ấy, cho thần giữ chức cũ. Về công trạng, thần xin trình rõ vài điều mạo muội:
Xưa kia, thuở Cao Tổ nhà Đường (chỉ Lý Uyên) sắp làm vua, thần thường đem binh theo Khâu Hòa phá được cuộc nổi dậy của Ninh Thường Chân ở cửa Giáp Sơn. Qua đời vua Túc Tông (Lý Hanh), lại phá được quân Đại Thực Ba Tư ở cửa Thần Thạch. Sang đời vua Đại Tông (Lý Dự), lại phá quân Côn Lôn Chà Và ở Chu Diên. Lại khi Cao Vương (Cao Biền) phá nước Nam Chiếu, với lúc Ngô Tiên Chúa (Ngô Quyền) phá quân Nam Hán, Lê Đại Hành (Lê Hoàn) phá quân Tống; mỗi lần xuất quân, thần luôn ở trên không mù mịt, mang quỷ binh đi ám trợ, kết cuộc đều có công cả. Thần cũng từng cầm quỷ binh, dâng mệnh Thượng đế, phá quân Chiêm Thành ở Giáp Sơn...Đến khi thần mất, linh hồn chẳng tan, thôn dân kính mến, nhân thế mới lập đền thờ phụng. Hễ khi nào có dùng binh, thì thần lại ám trợ từ trên không, bọn nghịch tặc vào cướp đều bị ngăn chống cả...
Đoạn Lý Phục Man đọc 4 câu thơ:
Thiên hạ toàn mông muội,
Cô vi ẩn thanh danh.
Trung nguyên yết nhật nguyệt,
Quang diệu thị chạn hình.
Nghĩa là:
Thiên hạ đều tăm tối,
Vậy nên giấu thanh danh.
Giữa trời theo nhật nguyệt,
Rực rỡ thật chân tình.

Dứt lời, Lý Phục Man biến mất. Nhà vua chưa kịp đối đáp, bỗng giật mình tỉnh dậy, liền đem nói hết với kẻ tả hữu. Quan Ngự sử đại phu là Lương Văn Nhậm nói: "Đó là lời thần có ý muốn hiển linh để mà lập hình tượng". Nhà vua bèn sai người trong châu lập đền thờ và tạc một tượng thần như đã trông thấy trong mộng, rồi phong làm Phúc thần coi giữ một phương.

Trong niên hiệu Nguyên Phong (đời vua Trần Thái Tông), quân Thát Đát (quân Nguyên Mông) vào đánh. Đến đây, ngựa chúng què không thể tiến được. Thôn dân biết có sức thần giúp, bèn kéo ra cự chiến, giết được quân xấm lấn rất nhiều. Khi nước đã yên, liền có sắc phong thần làm Chứng An Quốc Công, và cho thôn ấy đổi làm Chứng An Hộ Xá.

Niên hiệu Trùng Hưng năm đầu (1285, đời Trần Nhân Tông), quân phương Bắc (chỉ quân Nguyên Mông) lại vào cướp phá nữa. Họ đi đến đâu cũng đều đốy rụi cả, nhưng tới nơi này thì như có người phòng hộ, nên không hề hấn gì. Lúc dẹp xong quân xâm lược, lại có sắc phong thần làm Chứng An Vương. Sang năm thứ 4 (1288), còn gia phong thêm 2 chữ Minh Ứng. Niên hiệu Hưng Long thứ 21 (1313, đời Trần Anh Tông), lại gia thêm 2 chữ Tá Quốc...(theo Lý Tế Xuyên, GS. Nguyễn Văn Uyên ghi là Hựu Quốc).

1.2 Trong Đại Nam nhất thống chí:
Sách Đại Nam nhất thống chí được biên soạn theo lệnh vua Tự Đức, ghi truyện Lý Phục Man như sau:
Ông là người làng Yên Sở (Hoài Đức, Hà Nội ngày nay), và có tài thao lược xuất chúng. Ông theo vua Lý Nam Đế và có những công trạng rực rỡ. Vua thấy ông là một bề tôi trung thành, bèn cử ông làm tướng và giao cho ông cai quản Đỗ Động và Đường Lâm. Quân man đều chịu quy phục, và nhân dân được sống yên ổn. Ông dẹp yên Lâm Ấp nhiều lần, vì thế Nam Đế phong ông làm Phục Man (bình định quân man), rồi cho ông mang họ Lý của hoàng tộc, và ban cho ông chức Thiếu úy. Từ đấy, ông tham gia bàn bạc mọi ở triều đình. Ông rất chính trực, nên ai cũng kính phục. Sau đấy, ông được cử đi giữ bờ cõi phía Lâm Ấp. Ông bị quân Lâm Ấp đánh thua, bèn tự vẫn, được đưa về mai táng ở làng Yên Sở, bên bờ Hồ Mã.

Vua Lý Thái Tổ, trong một chuyến tuần du, dừng chân tại Cổ Sở, nằm mộng thấy một người kỳ dị quỳ gối trước mặt mình. Người đó xưng là Lý Phục Man và tâu rằng: "Khi đất nước loạn lạc, chẳng ai nhận ra người bề tôi trung thành. Bây giờ mọi chốn đều yên ổn, nhật nguyệt tỏa sáng trên trời, và kẻ tôi trung có thể hiện ra". Rồi người đó biến mất. Nhà vua tỉnh giấc bèn truyền tạc một pho tượng thờ Lý Phục Man.

Vua Trần Thái Tông, một hôm ghé thuyền ở bến đò Hồ Mã, gần làng Yên Sở để ngủ đêm. Vua nằm mộng thấy ở giữa sông có một chiếc thuyền lớn tiến lại, vua mới hỏi: “Ai đó?”, người đàn ông trên thuyền liền đáp: “Thần là Lý Phục Man. Thượng đế sai thần canh giữ chốn này để che chở cho dân”. Nhà vua tỉnh dậy lập tức truyền mở rộng ngôi đền, và phong cho thần những tước hiệu mới.

Năm Nguyên Phong (đời vua Trần Thái Tông), quân Thát Đát (Nguyên Mông) đến cướp phá nước ta (nay là Việt Nam). Đến làng Cổ Sở, ngựa của chúng bị liệt không tiến lên được. Nhờ đó dân làng đánh tan được chúng. Dưới thời Trùng Hưng (đời Trần Nhân Tông), giặc Tàu (chữ trong Đại Nam Nhất thống chí, chỉ quân Nguyên Mông) sang cướp nước ta. Chúng phá phách mọi thứ trên đường đi. Làng Cổ Sở không bị xâm phạm. Hình như làng đó được thần che chở. Dưới thời Cảnh Trị nhà Lê (Lê Huyền Tông), vua lại ban cho thần những tước vị mới…

II. So sánh, đút kết:
Như trên đã nói, trong các sử cũ (như Đại Việt sử lược, Đại Việt sử ký toàn thư, Việt Nam sử lược) không có dòng nào biên chép về Lý Phục Man. Thông tin chủ yếu về ông có trong Việt điện u linh tập và Đại Nam nhất thống chí đều dựa vào truyền thuyết dân gian. Song so với truyền thuyết dân gian ở làng Yên Sở (nơi được xem là quê hương của Lý Phục Man) có mấy điểm, mà trong hai sách không chép, hoặc nói chưa rõ đó là:

-Lý Phục Man đã cưới công chúa Siêu (được khấn là Lý Nương, con Lý Nam Đế) làm vợ. Hiện nay, vị công chúa này cũng được thờ trong đình Yên Sở (còn gọi là Quán Giá), ở bên trái ông [1].
-Mộ thần Lý Phục Man, tương truyền nằm dưới đáy đầm sen rộng và sâu ở giữa vạt rừng, đằng sau đình Yên Sở.
-Lý Phục Man được quân Lý Nam Đế cử đi đánh quân Lâm Ấp. Sau khi đánh tan, ông nhận lệnh ở lại giữ biên cương, khiến họ không dám sang quấy nhiễu. Nhưng khi nhà Tiền Lý suy yếu, vua nhà Lương bên Trung Quốc phái Trần Bá Tiên sang đánh Lý Nam Đế, buộc nhà vua phải chạy lánh vào vùng động Khuất Lão (Tam Nông, Vĩnh Phú). Nghe tin đó, Phục Man càng ra sức canh phòng. Song quân Lâm Ấp vẫn chọc thủng biên giới, vây đánh quân ông. Thất thế, ông phải dẫn tàn quân chạy trốn. Vì thiếu lương thực và quân cứu viện, ông tự sát. Cảm thương chủ tướng, thuộc hạ đưa ông về táng tại Cổ Sở, bên bờ Hồ Mã. Như vậy, theo truyền thuyết, Lý Phục Man mất trong khi Lý Nam đế chạy trốn, và trước khi Triệu Quang Phục lên ngôi, tức trong khoảng thời gian giữa năm 546 và năm 548 [2].

Điều cần lưu ý khác, đó là ở Việt điện u linh tập, người soạn đã để Lý Phục Man kể lại thân thế của mình trong một “giấc mộng”; còn ở sách Đại Nam nhất thống chí thì phần đó do người soạn kể nên nó có vẻ thật hơn, và độ tin cậy cao hơn. Ngoài ra, ở Đại Nam nhất thống chí còn loại bỏ tất cả những gì mà thần Lý Phục Man đã giúp cho các vua bên Trung Quốc. Việc đó đã cho thấy "ý thức dân tộc lúc bấy giờ đã mạnh mẽ". Tuy nhiên, vì là “truyền thuyết” nên cuộc đời ông đã được thêu dệt ít nhiều, thực hư lẫn lộn.

Điều cần lưu ý nữa, đó là từ lâu, có một số người cố chứng minh rằng ông chính là danh tướng Phạm Tu, song đến nay vẫn chưa đủ sức thuyết phục. Trong sách Lịch sử Việt Nam (tập I), do Phan Huy Lê-Trần Quốc Vượng-Hà Văn Tấn và Lương Ninh cùng biên soạn, sau khi giới thiệu Lý Phục Man là một vị "tướng quân coi giữ một miền biên cảnh, trong một triều đình hẳn còn sơ sài, có Tinh Thiều làm tướng văn, Phạm Tu làm tướng võ"...các tác giả cũng đã kèm theo lời chú thích rằng: "Phạm Tu và Lý Phục Man là một hay hai người, và quan hệ với nhau như thế nào, đấy là một vấn đề đã được đặt ra từ rất lâu, nhưng chưa đủ cứ liệu khoa học để kết luận".[3]


Bùi Thụy Đào Nguyên, giới thiệu.

Chú thích:
[1] Sau này trong đình Yên Sở, người ta lại thờ thêm một nữ thần nữa, tên là Á Nương, và xem vị này là vợ thứ hai của Lý Phục Man. Theo lời kể, thì người đàn bà này họ Trần, vốn là một cô đầu thời Nguyễn sơ. Một hôm, bà đến dự hội làng Yên Sở thì đột nhiên biến mất, chỉ để lại quần áo trên "gò đuổi cầy". Ít lâu sau, trong làng có nhiều người chết. Nghe lời các thầy bói, dân làng thờ Á Nương ở bên phải Thần hoàng Lý Phục Man, từ đó thôn xóm được yên (lược theo GS. Nguyễn Văn Huyên, tr. 471-472).
[2] Theo GS. Huyên, ở Yên Sở còn có một truyền khác nói là Lý Phục Man không tự sát, mà là bị quân Lâm Ấp chém rơi đầu trong một trận kịch chiến.
[3] Trích trong Lịch sử Việt Nam (tập I, tr. 400). Thông tin thêm: Theo Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam (do Đinh Xuân Lâm, Trương Hữu Quýnh, Phan Đại Doãn biên soạn. Nxb Giáo dục in năm 2006) thì Lý Phục Man và Phạm Tu là hai người khác nhau. Các ông viết: “Lý Phục Man (? - 545) [một số tài liệu cho rằng Lý Phục Man mất năm 548]...Quân Lâm Ấp quấy phá biên giới, ông cùng Phạm Tu đánh lui,...ông có công khuất phục các thủ lĩnh dân tộc ít người trong vùng nên nhân đó vua Lý ban cho hiệu là Phục Man ...”

Sách tham khảo chính:
-Lý Tế Xuyên, Việt điện u linh tập lục toàn biên, truyện "Lý Phục Man" (Ngọc Hồ dịch). Nhà xuất bản Cửu Long, 1992.
-Nguyễn Văn Huyên, Góp phần nghiên cứu văn hóa Việt Nam (tập I), phần "Góp phần nghiên cứu một vị Thành hoàng Việt Nam: Lý Phục Man". Nhà xuất bản Khoa học xã hội, 2003.
-Phan Huy Lê-Trần Quốc Vượng-Hà Văn Tấn và Lương Ninh, Lịch sử Việt Nam (tập I). Nhà xuất bản Đại học và Trung học chuyên nghiệp, Hà Nội, 1983.
-Nhiều người soạn, Từ điển bách khoa Việt Nam, mục từ: "Lý Phục Man"





1 nhận xét:

Họ Phạm nói...

Điều cần lưu ý nữa, đó là từ lâu, có một số người cố chứng minh rằng ông chính là danh tướng Phạm Tu, song đến nay vẫn chưa đủ sức thuyết phục.
Tôi tán thành quan điểm của bạn. Tôi đã dành nhiều năm nghiên cứu vấn đề này đến nay tôi hoàn toàn tin tưởng vào nghiên cứu của mình "KHÔNG CÓ CƠ SỞ ĐỂ ĐỒNG NHẤT LÝ PHỤC MAN VỚI PHẠM TU"
Mời bạn xem nội dung qua các blog của tôi
http://hopham.blogspot.com
Chào bạn