Hình ảnh

Hình ảnh

Thứ Ba, 25 tháng 1, 2011

Đại thần Phạm Đăng Hưng và Lăng Hoàng Gia ở Gò Công


Phạm Đăng Hưng

Phạm Đăng Hưng (1765-1825), tự Hiệt Củ, là danh thần của nhà Nguyễn trong lịch sử Việt Nam.

Ông là người ở Giồng Sơn Quy (xưa thuộc huyện Tân Hòa, phủ Tân An, tỉnh Gia Định; nay thuộc ấp Lăng Hoàng Gia, xã Long Hưng, thị xã Gò Công, tỉnh Tiền Giang). Cha là ông Phạm Đăng Long và mẹ là bà Phạm Thị Tánh.

Năm Bính Thìn (1796), tại Gia Định, Nguyễn Đăng Hưng thi đỗ tam trường, chuẩn bị thi tứ trường thì bị bệnh nên phải trở về quê [1]. Nhưng vì ông nổi tiếng là người có văn tài và hiền đức nên được bổ làm "Lễ sinh nội phủ” thời chúa Nguyễn Phúc Ánh.
Sau ông được thăng làm Tham luận ở Vệ Phấn Võ, đem quân ra đánh nhau với quân Tây Sơn ở Phú Yên. Năm Kỷ Mùi (1799), Phạm Đăng Hưng làm Tham tri bộ Lại, nhưng thường theo quân đội làm Tham mưu.

Đến khi chúa Nguyễn Phúc Ánh lên ngôi lấy niên hiệu là Gia Long (1802), ông lần lượt trải chức: Tham tri bộ Lại kiêm Chưởng trưởng đà sự (trông coi đê điều, 1805), Thanh tra Trường thi Hương ở Kinh Bắc (1807), Thượng thư bộ Lễ (1813) kiêm quản Khâm thiên giám (1815).

Năm 1816, ông xin vua lập Xã thương (kho chứa lúa ở các xã) để chẩn cấp cho dân nghèo khi mất mùa, nhưng không được nghe.

Tháng 12 năm Kỷ Mão (1819), vua Gia Long lâm bệnh nặng. ông phụng thảo di chiếu, rồi cùng với Lê Văn Duyệt đồng lo việc tôn phò vua mới.

Năm 1821 đời vua Minh Mạng, sung ông làm Quốc sử quán Phó tổng tài. Cùng năm này, ông bị giáng xuống 2 cấp vì việc mạo tặng bằng sắc ở bộ Lễ. Sau lại được bổ làm Học sĩ Viện Hàn lâm, rồi thăng làm Tả tham tri bộ Lại, coi sóc luôn Viện Hàn lâm. Ít lâu sau nữa, ông lại được phục hồi chức cũ ở Quốc sử quán, kiêm Ấn vụ bộ Lại, sung Khâm tu ngọc phổ toản tu (tức coi việc biên soạn gia phả cho nhà vua).

Năm Giáp Thân (1824), ông được phục chức Thượng thư bộ Lễ. Tháng 4 năm Ất Dậu (1825), khi nhà vua đi tuần thú dinh Quảng Nam, ông được cử chức Chưởng quản Kinh thành Huế. Nhưng đến ngày 14 tháng 6 năm này thì ông mất vì bệnh tại Huế, thọ 60 tuổi.
Thương tiếc, vua Minh Mạng thăng Phạm Đăng Hưng hàm Vinh Lộc đại phu, Trụ quốc Hiệp biện đại học sĩ, thụy Trung Nhã.

Đến năm 1849 đời vua Tự Đức (vua gọi ông Hưng là ông ngoại), phong tặng ông là Đặc tấn Vinh lộc đại phu, Thái bảo, Cần chánh điện đại học sĩ, tước Đức Quốc công, được thờ ở miếu Trung hưng công thần và được dự tên trong miếu Hiền lương. Vợ ông được phong là Đức quốc nhất phẩm phu nhân, thụy Đoàn từ. Đồng thời, nhà vua cho dựng từ đường thờ vợ chồng ông ở Kim Long (nay thuộc thành phố Huế) và gia tặng cho các đời trước.

Tương truyền, Phạm Đăng Hưng còn được người đương thời gọi là ông Ba Bị vì "đi đâu ông cũng mang theo ba bị ngũ cốc để phân phát cho dân nghèo"
Ông có 4 người con, trong đó có cô Phạm Thị Hằng, tức Từ Dụ hoàng thái hậu (nhưng người đời quen gọi là Thái hậu Từ Dũ) và người con trai là Phạm Đăng Thuật được chọn làm Phò mã Đô úy, giữ chức Lang trung bộ Lễ.
Phạm Đăng Hưng cùng với Tôn Thất Địch nhận lệnh vua biên soạn lại: Ngọc phả (Gia phả nhà Nguyễn) và phác thảo bộ Đại Nam thực lục

Lăng Hoàng Gia
Đây là nơi yên nghỉ của những người quá cố thuộc dòng họ Phạm Đăng nổi tiếng ở Gò Công thuộc tỉnh Tiền Giang.

1. Vị trí, tên gọi:
Lăng Hoàng Gia được xây trên gò Sơn Quy (có hình con rùa nên dân gian gọi là Gò Rùa, sau được vua Tự Đức đổi thành Sơn Quy) thuộc ấp Lăng Hoàng Gia, xã Long Hưng, thị xã Gò Công, tỉnh Tiền Giang.
Khu lăng được xây dựng trong nhiều năm liền trên diện tích gần 3.000m2, nằm cách thị xã Gò Công khoảng 2km và cách thành phố Mỹ Tho khoảng 30km.
Dòng họ Phạm đã sống lâu đời và nổi tiếng ở đất Gò Công. Ông Phạm Đăng Khoa là người khai hoang lập nghiệp ở xứ này. Phạm Đăng Hưng là hậu duệ đời thứ tư. Vì là ông ngoại vua Tự Đức, cha của Hoàng thái Hậu Từ Dụ, tước Đức Quốc công, nên sau khi Phạm Đăng Hưng mất (1825), triều đình nhà Nguyễn cho xây dựng tại đây nhà thờ và lăng mộ dòng họ Phạm Đăng đúng theo kiến trúc dành cho lăng tẩm vua quan lúc bấy giờ, và được người đời gọi là Lăng Hoàng gia.

2. Nhà thờ dòng họ Phạm Đăng:
Qua cổng tam quan rêu phong là một ngôi nhà thờ (từ đường) bề thế, được cất theo kiến trúc cung đình, để thờ những người trong dòng tộc Phạm Đăng. Tương truyền, công trình do trưởng nam của Phạm Đăng Hưng là ông Phạm Đăng Tá cho xây dựng năm 1888 thời vua Thành Thái và trùng tu năm 1921 thời vua Khải Định. Hiện nay, ngôi nhà bao gồm một nhà thờ, nhà khách, nhà kho và công trình phụ. Mười trụ cột chính giữa, lớn nhất được thiết kế thành hai hàng song song như những đôi bàn tay khổng lồ vươn lên chống đỡ toàn bộ lăng. Những đường hoành, rui, mè đều được thiết kế sắc sảo, độc đáo, vững chắc bởi các loại gỗ nâu quý được vận chuyển từ Huế vào. Trong nhà thờ có một tấm bia gỗ sơn son thiếp vàng chép lại nội dung bia dựng bên mộ Phạm Đăng Hưng.

3. Mộ Phạm Đăng Hưng:


Đã có 13 người qua đời được xây lăng mộ tại đây trong khoảng thời gian từ năm 1811 đến đầu thế kỷ 20. Đặc biệt, trong đó có mộ của Phạm Đăng Hưng được xây dựng từ năm 1825, là một kiến trúc tâm điểm, độc đáo với diện tích hơn 800m², cách nhà thờ khoảng 500 m phía bên phải. Tương truyền, ông Hưng được chôn ở tư thế ngồi và trong quan ngoài quách [1].

Mộ được xây dựng với kiểu kiến trúc hình bát giác mang dáng dấp của một chiếc mũ triều phục. Bốn trụ thấp cách điệu giữa búp sen và chiếc nón cùng biểu tượng đôi cá vượt vũ môn được đặt phía trước. Sau bức hoành phi là bốn con rồng ngự trị trên cao giương cặp mắt sáng quắc (hiện tại chỉ còn 3 con, một con bên phải đã bị hư hỏng vì thời gian). Phía dưới là hình tượng ngũ lân (tượng trưng cho ngũ tước: công, hầu, bá, tử, nam; ngụ ý năm đời đều danh giá) khảm trai hình độc đáo (hiện con 3 con đã bị hư hỏng nặng phần đầu và chân).

Đặc biệt nơi đây có đến hai nhà bia ghi lại công trạng của Phạm Đăng Hưng, với lý do sau:
•Nhà Bia phía bên phải được làm bằng đá cẩm thạch trắng (đá Ngũ Hành Sơn ở Đà Nẵng) có khắc bia văn do Phan Thanh Giản soạn năm 1858. Nhưng khi di chuyển từ Huế vào đến Sài Gòn thì bị quân Pháp lấy làm mộ bia cho Đại úy Barbé vừa bị nghĩa quân Trương Định chém chết 1860. Năm 1999, tấm bia này đã được chuyển về đây. Tính ra tấm bia đá mang tên hai người chết một Pháp một Việt này đã luân lạc đúng 140 năm (1859-1999).
•Nhà bia phía bên trái dựng tấm bia bằng đá hoa cương (đá Ganis) do vua Thành Thái sai làm năm 1899, sau khi tấm bia đầu đã bị quân Pháp chiếm đoạt. Nội dung tấm bia này giống y tấm bia trước.
Khu mộ dòng họ
Trong khu lăng còn có hệ thống mộ dòng họ Phạm Đăng được chôn theo một trục dài, toàn bộ đều làm bằng hồ ô dước, bao bọc chung quanh bằng một lớp tường dày và cao 90 cm, các ngôi mộ tổ bố cục đơn giản theo hình vuông hoặc chử nhật.

*
Lăng Hoàng Gia còn được gọi là khu lăng mộ của “Thích lý” theo nghĩa là của “bà con nhà vua”. Nơi đây, đã được vua Bảo Đại cùng Hoàng hậu Nam Phương đến viếng năm 1942, và cựu hoàng Thành Thái cũng đã đến viếng sau khi về nước năm 1947.

Lăng Hoàng Gia được xây dựng bởi bàn tay khéo léo của các nghệ nhân địa phương cùng các nghệ nhân cung đình từ Huế được phái vào, nên lăng mang những nét đặc trưng và phong cách của kiến trúc cung đình Huế.

Sau khi phải ký kết Hòa ước Nhâm Tuất (3 tháng 6 năm 1862) với thực dân Pháp, vua Tự Đức đã sai Phan Thanh Giản sang Pháp xin chuộc đất, một phần cũng vì lo sợ khu lăng mộ họ Phạm và khu lăng mộ họ Hồ (xem trang Hồ Văn Bôi) ở Biên Hòa bị đối phương xâm hại. Đến khi Hòa ước Giáp Tuất (15 tháng 4 năm 1874) được ký giữa Pháp và Nam triều, việc bảo vệ khu hai đền mộ này được quy định tại điều khoản 5.
Ngày 2 tháng 12 năm 1992, Lăng Hoàng Gia được Bộ Văn hóa-Thông tin (nay là Bộ văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận di tích cấp Quốc gia.

Bùi Thụy Đào Nguyên, soạn.
Chú thích:
[1] Đây có thể chỉ là một kỳ thi nhằm tuyển chọn quan lại. Năm 1813, sau nhiều năm lên ngôi, vua Gia Long mới cho mở khoa thi Hương đầu tiên tại Trường thi Gia Định.
Sách tham khảo chính:
-Quốc sử quán triều Nguyễn, Quốc triều sử toát yếu (bản dịch). Nhà xuất bản Văn học, 2002.
-Huỳnh Minh, Gò Công xưa. Nhà xuất bản Thanh niên tái bản năm 2001.
-Nguyễn Q. Thắng - Nguyễn Bá Thế, Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam. Nhà xuất bản Khoa học xã hội, Hà Nội, 1992.
-Trịnh Vân Thanh, Thành ngữ điển tích danh nhân từ điển (Quyển 2). Nhà xuất bản Hồn thiêng, Sài Gòn, 1966.

Ảnh từ trên xuống:
Nhà thờ dòng họ Phạm Đăng.
Mộ Phạm Đăng Hưng và hai nhà bia ở hai bên.

Không có nhận xét nào: