Hình ảnh

Hình ảnh

Thứ Sáu, 21 tháng 3, 2014

Chùa Ông Ngựa ở Thủ Dầu Một (Bình Dương)

Chùa Ông, tục gọi là chùa Ông Ngựa, tọa lạc ở số 18 Hùng Vương, phường Phú Cường, thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương.




1. Lai lịch:
Chùa Ông Ngựa vốn là ngôi miếu nhỏ tên là Thanh An, thờ phụng Quan Vũ, (còn gọi là Quan Công, Quan Vân Trường) và có từ lâu đời (có nguồn ghi do một nhóm người Hoa theo đạo Minh Sư và phong trào “bài Mãn phục Minh” xây dựng năm 1868). Đến năm 1920, dòng họ trông nom ngôi miếu quá nghèo khó, không thể ở lại quê. Nhưng họ rời đi mà để miếu hoang lạnh cũng không đành lòng.  Bấy giờ ở trong vùng có ông Trần Hiển Vinh là người nhân đức, giàu có, và từng làm quản lý đồn điền cao su cho người Pháp. Dòng tộc trông nom miếu Thanh An liền tìm gặp cụ Vinh, và trình bày ý nguyện mời cụ đứng ra tiếp quản nơi thờ phụng...Sau khi tiếp quản ngôi miếu, năm 1930, cụ Vinh đã trùng tu ngôi miếu thành ngôi chùa nhỏ, và đổi tên là Thanh An tự.

2. Thờ cúng:
Ngoài tướng Quan Vũ được thờ chính và đã có từ trước, cụ Vinh còn thờ thêm một số anh hùng dân tộc Việt Nam, như Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Nguyễn Trãi, Nguyễn Huệ, v.v…để tỏ lòng tri ân. Hàng năm, khách thập phương đổ về khấn nguyện vào dịp lễ, Tết và những “ngày vía” của các vị thần thờ tự tại đây. Lễ tế chính tại chùa là ngày vía đức Quan Thánh Đế  (tức Quan Vũ) 24/6 âm lịch.

3. Kiến trúc:
Khác lạ so với những ngôi miếu thờ Quan Vũ ở miền Nam do người Hoa xây dựng, chùa Thanh An được ở đây do người Việt đứng ra chủ trì việc xây dựng và cất theo lối kiến trúc chùa chiền ở cố đô Huế. Chùa có hình chữ “Nhất”, có ba cổng gồm một cổng chính và hai cổng phụ.

Ngoài ra, điểm độc đáo khác nữa, đó là ở đây có pho tượng ngựa Xích Thố và thanh long đao án ngữ ở cổng chính. Ngựa đúc bằng bê tông cốt thép, dài khoảng 3m, cao 2m. Trên lưng ngựa có gắn yên, chạm khắc văn thư, cổ đeo yếm.  Tượng ngựa cùng thanh long đao dựng đứng kế bên do một nghệ nhân ở Huế chế tác từ cuối năm 1930, và do cụ Trần Hiển Vinh thuê làm….Tin tưởng, nhiều khách hành hương thường đến khấn vái, vuốt ve Ông Ngựa, chui qua bụng Ông Ngựa để cầu mong được khỏe mạnh, bình an và may mắn....

Ảnh và bài của Bùi Thụy Đào Nguyên

Thứ Ba, 11 tháng 2, 2014

   
Khúc xuân

Ô hay! Trời chưa hửng nắng
Quýt tươi ửng đỏ sang mùa
Lũ bướm cánh vàng, cánh trắng,

Rộn ràng bên khóm cúc xưa.


Mai cũng khoe vàng rực rỡ
Đón ong khát mật xa về
Và gió nói gì với cỏ,
Mà màu biếc một góc quê.

Lòng em bấy lâu như lụa
Bỗng hồng, bỗng thắm…người ơi
Như thể chưa từng góa bụa,
Áo cơm chưa trĩu phận người…



Chủ Nhật, 22 tháng 12, 2013

Tập ảnh của Nguyên:

Thứ Sáu, 14 tháng 6, 2013

Viện Cơ Mật - Tam Tòa

Viện Cơ mật (Tam tòa) là cơ quan tư vấn của nhà vua, nằm ở góc Đông-Nam của Kinh thành Huế; nay là trụ sở của trung tâm bảo tồn đi tích Cố đô Huế  ở số 23 đường Tống Duy Tân, TP. Huế, Việt Nam. Đây là một di tích mang nhiều biến cố lịch sử với nhiều lần thay đổi cả về chức năng, kiến trúc và tên gọi.

Lịch sử

Năm 1802, vua Gia Long lên ngôi, mở ra một vương triều mới. Thủ phủ Phú Xuân bị triệt giải, và khu vực Viện Cơ mật hiện nay được dùng để xây chỗ ở cho Hoàng tử Đảm (sau này trở thành vua Minh Mạng).
 Năm 1816, khi hoàng tử Đảm được phong Hoàng thái tử và chuyển về nơi ở mới ở phía đông kinh thành, thì nơi đây trở thành nơi ở của Hoàng tử Nguyễn Phúc Chẩn (em vua Minh Mạng), và về sau nữa trở thành nơi ở của Nguyễn Phúc Thiện Khuê  (con trai trưởng của Nguyễn Phúc Chẩn).

Năm Minh Mạng thứ 20 (1839), khu đất này được lấy lại để xây chùa Giác Hoàng.  Đây là ngôi chùa được vua Thiệu Trị xếp vào một trong 20 thắng cảnh của đất thần kinh thời bấy giờ. 
Đến cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, sau khi Việt Nam mất hẳn chủ quyền vào tay thực dân Pháp, toàn bộ kiến trúc của chùa Giác Hoàng bị Pháp cho triệt giải để xây dựng Viện Cơ Mật, và hoàn thành năm 1903. Kể từ đó, dân gian còn gọi  đây là Tam Tòa, vì ngoài công trình chính là Viện Cơ Mật, còn có hai dãy nhà hai bên. Dãy bên phải được xây làm văn phòng của các ông Hội lý người Pháp và dãy bên trái được xây làm Bảo tàng Kinh tế.
Từ đó đến nay, di tích này không có gì thay đổi về mặt kiến trúc nhưng chức năng thì lại khác.
Từ 1955 đến 1975, dưới chế độ VNCH, hai dãy nhà hai bên trở thành văn phòng của các cơ quan tư pháp địa phương, còn tòa nhà chính (tức Viện Cơ Mật) được dùng làm nơi xét xử các vụ án từ sơ thẩm đến thượng thẩm.
Từ năm 1975 đến 1976, Ủy ban Quân quản Trị Thiên Huế đóng và làm việc tại khu vực này.
Từ năm 1976 -1989, Tam Tòa trở thành trụ sở của Tỉnh ủy tỉnh Bình Trị Thiên, rồi Tỉnh ủy tỉnh Thừa Thiên Huế (1989 - 2000).
Tháng 10/2000, Tam Tòa được chuyển giao cho Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế quản lý cho đến nay.

Thông tin thêm:

Viện Cơ mật là cơ quan tư vấn của nhà vua gồm bốn vị đại thần từ Tam phẩm trở lên, thường là Đại Học Sĩ của các điện Đông Các, Văn Minh, Võ Hiển và Cần Chánh. Thời vua Thành Thái có Thượng thư Lục bộ tham gia và viên Khâm Sứ Pháp làm chủ tọa. Thời vua Duy Tân đổi thành phủ Phụ Chính. Viện lúc đầu đặt ở nhà Tả Vu. Sau khi kinh đô thất thủ năm 1885, Viện phải dời đi đến nhà của bộ Lễ, rồi nhà của bộ Binh, và cuối cùng là về ở chùa Giác Hoàng (ở cùng với tòa Giám Sát của người Pháp và Trực Phòng các bộ).

 


Tham khảo:
Viện Cơ Mật - Tam Tòa trên website Huế , Xưa và Nay http://www.huexuavanay.com/vi/di-tich-hue/di-tich-trong-kinh-thanh/99-vien-co-mat-tam-toa.html

 

 




Chủ Nhật, 21 tháng 4, 2013

Tiểu sử Linh mục Trương Bửu Diệp




Nhà an nghỉ của Cha Diệp trong Thánh đường Tắc Cậu.

Phanxicô Xaviê Trương Bửu Diệp (thường được gọi là Cha Diệp, 1897 - 1946) là một Linh mục Công giáo tại Việt Nam. Ông được biết đến nhiều bởi đã chịu chết thay cho giáo dân cùng bị bắt với mình.

Trương Bửu Diệp sinh ngày 1 tháng 1 năm 1897 tại họ đạo Cồn Phước, thuộc làng Tấn Đức; nay thuộc ấp Mỹ Lợi, thị trấn Mỹ Luông, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang. Thân phụ là ông Micae Trương Văn Đặng (1860 - 1935), thân mẫu là bà Lucia Lê Thị Thanh. Ông được Linh mục Giuse Sớm rửa tội ngày 2 tháng 2 năm 1897 tại họ đạo Cồn Phước và lấy tên Thánh là Phanxicô.

Năm 1904, lúc lên bảy tuổi thì mẹ mất, ông theo cha đến Battambang (Campuchia) sinh sống bằng nghề thợ mộc. Tại đây, cha ông tục huyền với bà Maria Nguyễn Thị Phước (sinh năm 1890, quê quán ở Mỹ Luông; nay thuộc Chợ Mới, An Giang) [1].

Tượng Cha Diệp tại phần mộ cũ của ông

Học đạo, được thụ phong Linh mục
Năm 1909, Linh mục Phêrô Lê Huỳnh Tiền đưa Trương Bửu Diệp vào học đạo tại Tiểu chủng viện Cù Lao Giêng (nay thuộc xã Tấn Mỹ, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang). Sau đó, thầy Diệp tiếp tục học đạo tại Đại chủng viện Nam Vang (Campuchia); vì thời ấy, các họ đạo trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long đều trực thuộc Giáo phận Nam Vang.

Năm 1924, sau thời gian học đạo, thầy Diệp được thụ phong Linh mục tại Nam Vang, thời Giám mục Valentin Herrgott cai quản. Năm 1924-1925, Linh mục Diệp được bề trên bổ nhiệm làm Cha phó họ đạo Hố Trư, một họ đạo của người Việt sinh sống tại Kandal (Campuchia).

Năm 1927 - 1929, Cha Diệp trở về nước và làm Giáo sự tại Chủng Viện Cù Lao Giêng.

Tháng 3 năm 1930, Cha Diệp về nhận nhiệm sở tại Họ đạo Tắc Sậy. Trong những năm làm nhiệm vụ Cha sở, Cha Diệp đã liên hệ, giúp đỡ để thành lập thêm nhiều họ đạo lân cận như: Bà Đốc, Cam Bô, An Hải, Đầu Sấu, Chủ Chí, Khúc Tréo, Đồng Gò, Rạch Rắn.

Năm 1945 - 1946, chiến tranh loạn lạc khiến nhiều giáo dân phải di tản. Cha Bề Trên là Trần Minh Ký ở Bạc Liêu và cả người Pháp cũng kêu gọi Cha Diệp lánh mặt. Khi nào tình hình yên ổn thì trở về họ đạo, nhưng ông vẫn một mực từ chối và trả lời: “Tôi sống giữa đoàn chiên và nếu có chết cũng chết giữa đoàn chiên. Tôi không đi đâu hết”.

Bị bắt và bị giết
Theo thông tin trên website Hội đồng Giám mục Việt Nam, thì ngày 12 tháng 3 năm 1946, Linh mục Diệp bị quân Nhật bắt cùng với trên 70 người giáo dân tại họ Tắc Sậy. Tất cả bị lùa đi và nhốt chung tại lẫm lúa (kho lúa) của ông giáo Sự ở Cây Dừa. Theo lời kể của ông Ba Lập thì họ chất rơm chung quanh tính đốt tất cả, nhưng cha Diệp đứng ra tranh đấu cho dân, đồng thời an ủi những người cùng bị giam. Cha bị mời đi làm việc 3 lần và lần thứ ba thì không thấy trở về nữa. Sau khi Cha Diệp bị mời đi lần thứ ba, bổn đạo thấy cửa lẫm để mở ngỏ và họ đã trốn thoát...

Sau đó vài ngày giáo dân đã tìm thấy xác Cha Diệp dưới một cái ao tại phần đất của ông giáo Sự, với vết chém sau ót ngang mang tai và thân xác trần trụi, và họ đã đem chôn cất trong phòng Thánh của nhà thờ Khúc Tréo (nay thuộc xã An Trạch, huyện Ðông Hải, tỉnh Bạc Liêu) [2].


Mộ Cha Diệp hiện nay.
Thông tin liên quan
1/ Nơi yên nghỉ hiện nay:
Năm 1969, hài cốt Cha Diệp được cải táng về trong khuôn viên nhà thờ Tắc Sậy (ảnh 1 và 2), là nơi Cha lãnh nhiệm vụ chăn chiên trong 16 năm (ông là Cha sở thứ nhì của họ đạo Tắc Sậy). Ngày 4 tháng 3 năm 2010, hài cốt của Cha Diệp táng lại được cải táng lần nữa, nhưng chỉ cách chỗ cũ khoảng hơn chục mét, và cũng ở trong khuôn viên nhà thờ ấy.

Hàng năm, nhất là ngày 11 và 12 tháng 3 dương lịch (ngày Cha Diệp thọ nạn), đông đảo người dân từ nhiều nơi đến hành hương và tham quan Thánh đường Tắc Sậy và phần mộ của Cha Diệp [3].

Từ năm 2012, cuộc điều tra phong Thánh cấp giáo phận cho Linh mục Trương Bửu Diệp bắt đầu được tiến hành.

2/ Thánh đường Tắc Sậy:
Nhà thờ Tắc Sậy nằm trên Quốc lộ 1 A (tuyến Bạc Liêu - Cà Mau), thuộc Giáo phận Cần Thơ, và nằm trong địa bàn của xã Tân Phong, huyện Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu.

Nhà thờ có từ lâu đời, nhưng trước đây chỉ là một ngôi thờ được xây dựng bán kiên cố, nhỏ hẹp và lợp tôn. Để nhà thờ và phần mộ Linh mục Trương Bửu Diệp đang an nghỉ trong khuôn viên được tôn nghiêm và khanh trang hơn, ngày 24 tháng 2 năm 2004, lễ đặt viên đá đầu tiên xây dựng ngôi nhà thờ mới đã được tổ chức. Sau đó, nhờ sự ủng hộ của giáo dân và khách thập phương, đến nay khu nhà thờ mới (nay có tên là Thánh đường Tắc Sậy) đã cơ bản hoàn thành trên diện tích rộng hàng ngàn m².


Chú thích:
[1] Kế mẫu đã sinh hạ một người con gái tên là Trương Thị Thìn (sinh 1913), hiện còn sống tại họ đạo Bến Dinh, thuộc xã Tân Hòa, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp.
[2] Nguồn: "Chân dung linh mục Việt Nam: Linh mục Phanxicô Xaviê Trương Bửu Diệp đăng trên website Hội đồng Giám mục Việt Nam. Có nguồn ghi khác: Theo bảng tóm tắt tiểu sử Cha Trương Bửu Diệp hiện dựng tại nhà an nghỉ của ông, thì ông bị bắt "vì sự tranh chấp giữa các giáo phái" (nhưng không ghi rõ người bắt thuộc giáo phái nào). Lại có người kể rằng ông bị Việt Minh bắt giết. Để thống nhất được các ý kiến, cần tra cứu thêm.
[3] Thời gian gần đây, nhiều người dân ở Nam Bộ (giáo dân và cả những người theo tín ngưỡng khác) thường đến phần mộ của Cha Diệp đến khấn xin, vì tin rằng ông có thể ban phước cho mình.

Tài liệu tham khảo chính:
-Website Hội đồng Giám mục Việt Nam, "Chân dung linh mục Việt Nam: Linh mục Phanxicô Xaviê Trương Bửu Diệp" [
Bảng tóm tắt tiểu sử Cha Trương Bửu Diệp hiện dựng tại nhà an nghỉ của ông trong Thánh đường Tắc Sậy.

Bùi Thụy Đào Nguyên soạn.

Thứ Tư, 26 tháng 12, 2012

Thứ Hai, 17 tháng 12, 2012

Thơ Bùi Thụy Đào Nguyên


Nhớ về bục giảng ngày xưa

Lắm lúc
Ở nơi phố chợ
Thầm nhớ về bục giảng ngày xưa

Nơi có đàn trẻ thơ
Cặm cụi gò từng nét chữ.
Dưới mái trường loang lổ,
Bởi một thời đạn bom.

Nơi có những đồng nghiệp sớm hôm
Bụng lắm ngô, khoai…vẫn bám trường, bám lớp
Để nói về “rừng vàng, bể bạc ”,
Những anh hùng thuở Đinh-Lý-Trần-Lê…

Nơi có những tấm lòng quê
Ít tiền của, nhưng giàu nhân nghĩa
Đã đùm bọc, cưu mang
Những thầy cô trẻ

…Giờ đã trải bao dâu bể,
Cơm đời mặn nhạt đã quen
Cớ gì vẫn đọng trong tim,
Một mái trường quê nhỏ hẹp

Để khi giở từng trang viết
Giáo án của thời tóc xanh
Nỗi nhớ càng thêm da diết,
Thêm phai bao sợi tóc mình…

Quýt 

Anh đi quýt vừa nhú lá
Tính ra trái đã bốn mùa
Không biết xứ người xa lạ,
Anh còn nhớ đến vườn xưa

Lắm lúc em nằm thao thức
Ôm con lòng nghĩ đến anh …
Ngắm trẻ giống cha như đúc,
Buồn cho phận hẫm riêng mình

Buồn như mùng xanh ngày cưới
Vá đi, vá lại…mấy lần
Đêm đêm cuộn tròn thay gối,
Mơ về ngày cũ bên anh

Sáng nay quýt hồng chín rộ
Tỏa bao hương trái thơm nồng
Muốn hái làm quà…lại sợ,
Biết “người ấy” có vui không ?…


Phía ấy, dòng sông quê

Chiều nay qua sông Hậu
Nhớ sao dòng quê hương
Bồi hồi bao kỷ niệm,
Thời thơ trẻ mến thương.

Dù bây giờ khôn lớn
Lầm lũi đường phố xa
Nhiều khi trông mưa xuống,
Như thấy bóng quê nhà.

Lại bùi ngùi nhớ mẹ
Bên sông áo bạc màu
Gánh gồng nuôi con trẻ,
Đời sông lắm khúc đau.

Chạnh lòng thương người cũ
Lâu rồi chẳng thấy nhau,
Nỗi chi đời như nụ
Tầm xuân trong mưa rào…



Tuổi xuân
 
Xót xa nhìn cam rụng
Nước hiu buồn cuốn đi
Lòng như trái khô mật,
Hanh hao mộng xuân thì.

Anh - cuối rừng nằm lại
Khi cuộc chiến tàn nhanh
Em bế con về sông,
Trĩu lòng bao gió bụi.

Để những hôm sóng nổi
Chèo chống qua quãng sâu.
Có gì chợt nhói đau
Trong thân cò lặn lội.

Có gì chợt bối rối
Khi ngắm trẻ say nồng.
Nghe gió khua bờ bụi,
Biết mai còn xuân không?... 
Reply | Threaded | More     star

Re: Nhớ về bục giảng ngày xưa, và các bài thơ khác...

kimlua
33 posts
This post was updated on Nov 20, 2012; 6:59am.

Tạm biệt Đà Lạt
 
Vẫy tay chào biệt núi đồi,
Chào căn gác chứa chân người lãng du.
Chào cô gái trẻ Kơ-tu,
Trĩu lưng vượt dốc khi mù chưa tan.
Chào bao điện các phế hoang,
Nỗi chi cứ phải bẻ bàng bấy lâu.
Chào muôn hoa trái thắm màu,
Buồn vui bên kẻ dãi dầu nắng mưa.
Chào thông tỏa bóng già nua,
Vẫn reo dẫu ngấm chát chua đã nhiều.
Thẳng ngay dẫu lắm búa rìu,
Bạc tiền vẫn cứ gây điều trái oan…


Tình đầu 

Ngày em lấy chồng
Sóng bủa bên sông
Bằng lăng rưng rưng,
Tím loang nỗi nhớ.

Tôi nằm nghe cỏ
Thầm thỉ hỏi nhau
Chuyện cò lao đao,
Trải đời hụt gió …

Từ xa đò nhỏ
Bỏ đó, bỏ đăng *
Chốc đã mười năm,
Bán mua lắm chợ
Nhiều đêm trăn trở
Lòng nhớ đến ai
Đâu làn tóc mây,
Mà hoa vội tím!

Chiều nao qua bến
Gọi thời tuổi thơ
Bằng lăng tím bờ,
Vin bông thêm nhớ

Gió lùa đồng cỏ,
Đò nhỏ xưa đâu ?
Cò trú phương nào,
Nắng mưa có lạ ?

Tôi ngồi nhặt lá
Thả xuống dòng sâu
Tìm đó dãi dầu,
Thấy đăng gãy vỡ

Trở về góc chợ
Kết lại tình đăng
Hỏi ai, mùa xuân
Đến chưa bên đó ?…


*Hai dụng cụ bằng tre dùng để bắt cá

Bên sông Hương , cảm tác
 
1.
 
Sông Hương
Nước chảy hiền hòa,
Mà sao vẫn cuốn cả nhà Nguyễn
trôi…
 
2.
 
Rót đầy ly rượu mời hoa
Hỏi nhan sắc cũ, lụa là xưa đâu

Tột cùng sao vội đắm sâu,
Lòng dân chẳng ở bền lâu với mình ?…
 
3.
 
Sẩy chân vỡ giấc son vàng,
Cười khan bên những lọng tàn hẩm hiu

Bần thần ngó mảnh sân rêu,
Nghe đâu ngày trước dập dìu công khanh

Dẫy đầy rượu thịt, yến oanh
Chỉ không thấy tấm lòng dân buổi nào
 
Phải chăng lúc ấy giặc vào,
Cân đai nhốn nháo, lũy hào ngửa nghiêng ?…
 

Reply | Threaded | More     star

Re: Nhớ về bục giảng ngày xưa, và các bài thơ khác...

kimlua
33 posts
This post was updated on Nov 30, 2012; 5:53am.


Muộn 
 
Có một chiều tĩnh lặng
Như sau một hồi chuông …
 
Trên lầu người thiếu phụ
Chừng như phai phấn son
Chừng như trong xuân muộn,
Chơ vơ một cánh buồm.
 
Ai hiểu lòng thiếu phụ
Nghĩ gì khi chiều buông?
Nghĩ gì khi hoa rụng,
Như trôi vào cõi quên?
 
Ai hiểu lòng thiếu phụ?
Tôi thì không, thì không …
Chỉ thấy đôi mắt tím,
Nép bên rèm phớt xanh.
 
Ai hiểu lòng thiếu phụ?
Tôi thì không, thì không …
Chỉ thấy chiều bảng lãng,
Hương mùa xuân phai dần,
 
Chỉ thấy chiều tĩnh lặng
Sâu thẳm và cô đơn
Ngồi xoay ly rượu muộn,
Bóng ai như nghiêng buồn.
 
Như những chiều tĩnh lặng,
Mà lòng tôi thì không…



Muộn (2)
 
Ngày ấy
Trả câu thơ. Em đi…
 
Sự thật
Đột ngột hiện ra trần trụi
Căn hộ mười hai mét vuông
Bốn bức tường ám khói,
Hôm nào,
Em bảo màu mây.
 
Sự thật
Ngày ấy mới hay
Có tổ tò vò khuất nơi kẽ cửa
Đêm đêm
Côn trùng cựa mình trăn trở,
Đợi mùa tiết đổi thay.
 
Sự thật
Sau ngày ấy mới hay
Thiếu phụ trong căn hộ bên
Có đôi mắt phiền muộn
Mỗi chiều
Nàng như mặt trời lịm xuống,
Thầm che giấu nỗi lòng mình …
 
Ngày ấy
Đã đôi năm
Vuông nhà buồn tẻ, lặng thinh
Như tổ tò vò trống huơ
Bám khe cửa hỏng
 
Chiều nay
Nhà bên thôi quạnh,
Tim đau nhói một điều gì…



Muộn (3)

Thiếu hơi
Không thể cất lên trời
Quả bóng nằm lăn lóc
Giữa phố xá thấp cao, ngổn ngang bủa chặt
Người, bụi và xe …

May mà còn chút gió, chút mây
Chút nắng trên thềm rêu cũ
Đủ cho gã
Thầm mơ căn hộ,
Một bờ vai để nhỏ lệ mình.

Hình như vẫn còn gì đó thẫm xanh
Luôn thao thức trong trái tim lầm lạc
Kịp hiểu bạc tiền không thể mua hạnh phúc,
Ngẩng lên
Trăng khuyết quá vành.

Để một chiều trong cõi phù sinh
Gã vét túi …những mong chiều đỡ quạnh
- Không còn hoa tươi…
Câu trả lời bỗng như dao nhọn
Cứa tim. Khi bấc chuyển mùa …

Đêm
Bên hoa giả
Có người không trẻ - làm thơ
Bằng nước mắt thật !…


Khói 
 
Một làn khói nhỏ
Trốn chiều bay đi
Khói ơi, nhớ nhé
Ru ai trở về...
 
Dù ngày đã muộn
Đã tàn cuộc chơi
Nắng mưa rượt đuổi,
Sắc đào úa phai.
 
Dù không còn ai
Nhóm hồng bếp cũ
Áo không xanh nữa,
Ước thề lãng quên.
 
Ơi, cõi mông mênh
Khói về đâu vậy
Có cùng tóc mây
Níu mùa xuân lại?
 
Có cùng hoa trái
Vọng đến thẳm cùng
Đường em - cạm bẫy
Bốn bề biết không ?... 
Reply | Threaded | More     star

Re: Nhớ về bục giảng ngày xưa, và các bài thơ khác...

kimlua
33 posts
This post was updated on Dec 17, 2012; 3:21pm.

Tự khúc

Mỗi ngày
Tôi nơi vỉa hè
Mời gọi bán mua bên dòng tất bật
Trước vô số sắc màu, âm thanh hỗn tạp
Lắm khi lòng rối như tơ.

Một hôm
Chợt buồn, chợt muốn làm thơ
Bất chợt nhận ra
Tim mình vẫn chưa khô cạn
Dòng sữa ấm thuở nào
Mẹ chắt chiu từ cội nguồn số phận,
Vẫn thầm ngan ngát hương cau.

Bất chợt
Tôi thèm được như cánh én nghiêng chao
Tìm khói hương xưa
Tìm mùa trăng cũ
Dù nơi đó
Không còn ai với chùm hoa nhỏ,
Cũng chẳng còn tôi
Đón nụ hôn đầu…

Bất chợt nhận ra
Chốn phố phường ngột ngạt làm sao
Mới hiểu ai kia – vì đâu cáu bẳn
Vì đâu tôi mãi giấu che, ngăn mật đắng
Sơn môi, chuốt giọng nói cười.

Mười mấy năm
Tôi quá quen mưa nắng chợ đời .
Quen thói đua chen,
Quen mùi cống rãnh
Sợ một ngày
Sẽ phải quen trước trang giấy trắng,
Vẽ duyên chiếc mặt nạ người !…




Viết cho người xa 

Đâu những tháng ngày vui cũ
Tình nồng như mới quen nhau
Mắt biếc cười tươi trong nắng,
Nhà tranh mát ánh trăng sao.

Những lúc chung lòng, chung mộng
Sắn khoai cũng lắm ngọt ngào
Đời vẫn chưa phai hy vọng,
Mưa tan trời lại xanh cao.

Lũ bỗng dâng đầy ngõ hẹp
Đưa ai lạc bến xa nào
Bão lớn thương đò có kịp,
Chống chèo qua quãng sông sâu.

Ba năm, bốn năm rồi nữa
Bao giờ trầu thắm, tươi cau ?
Lầm lỡ xui người lận đận,
Nắng trưa, mưa sớm dãi dầu.

Lại một đêm dài thao thức
Nằm nghe lau lách xạc xào
Áp tấm áo xưa vào ngực,
Nguyện cầu phương đó thôi đau… 

Thứ Ba, 20 tháng 11, 2012

Thân thế và sự nghiệp Nguyễn Trường Tộ



Nguyễn Trường Tộ (1830 ? [1] – 1871), còn được gọi là Thầy Lân [2]; là một danh sĩ, kiến trúc sư [3], và là nhà cải cách xã hội Việt Nam ở thế kỷ 19.

Ông sinh trong một gia đình theo đạo Công giáo từ nhiều đời tại làng Bùi Chu, thuộc huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An. Thân phụ là Nguyễn Quốc Thư, một thầy thuốc Đông y, nhưng mất sớm.

Những năm học tập
Thuở thiếu thời, Nguyễn Trường Tộ học chữ Hán với cha và các thầy ở trong vùng: Tú Giai ở Bùi Ngõa, Cống Hữu ở Kim Khê và quan huyện Địa Linh về hưu ở Tân Lộc.

Ông thông minh, học giỏi, nên được truyền tụng là "Trạng Tộ". Thế nhưng, ông không đỗ đạt gì, có thể vì ông là người Công giáo nên không được đi thi, hoặc là ông không muốn đi theo con đường khoa cử .

Sau khi thôi học, ông mở trường dạy chữ Hán tại nhà, rồi được mời dạy chữ Hán trong Nhà chung Xã Đoài (nay thuộc xã Nghi Diên, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An). Tại đây, ông được Giám mục người Pháp tên là Gauthier (tên Việt là Ngô Gia Hậu, về Xã Đoài nhận nhiệm vụ từ năm 1846) dạy cho học tiếng Pháp và giúp cho có một số hiểu biết về các môn khoa học thường thức của phương Tây.

Cuối năm 1858, ông đi cùng Giám mục Gauthier vào vào Đà Nẵng tránh nạn "phân tháp" (sáp nhập hai ba gia đình Công giáo vào trong một làng không Công giáo, chứ không cho ở tập trung như trước) [4].

Đầu năm 1859, Giám mục Gauthier đưa ông sang Hương Cảng (Hồng Kông) [5] và một số nơi khác... [6]

Làm phiên dịch cho quân Pháp
Đầu tháng 2 năm 1861, sau khi chiến tranh ở Ý và ở Trung Quốc kết thúc, Đô đốc Léonard Charner được lệnh gom quân ở Trung Quốc đem về Sài Gòn mở rộng vùng chiếm đóng. Với quyết tâm này, Charner đã thuyết phục được một số giáo sĩ Pháp đang lánh nạn ở Hồng Kông, trong số đó có Giám mục Gauthier, về Sài Gòn cộng tác. Nhận lời, Giám mục Gauthier dẫn Nguyễn Trường Tộ cùng về với mình. Sau đó, ông Tộ nhận làm "từ dịch" (phiên dịch các tài liệu chữ Hán) cho thực dân Pháp.

Trong bài "Trần tình" (viết xong ngày 7 tháng 5 năm 1863), Nguyễn Trường Tộ phân trần rằng: lúc bắt đầu khởi hấn (đầu năm 1859, tức lúc quân Pháp chuẩn bị tấn công thành Gia Định), quân Pháp có mời ông cộng tác, nhưng ông một mực từ chối. Sau khi Đại đồn Chí Hòa thất thủ (tháng 2 năm 1861), ông thấy rằng phải tạm hòa theo đề nghị của Pháp, để dưỡng quân và củng cố lực lượng. Chính vì thế mà Nguyễn Trường Tộ đã nhận làm từ dịch cho Pháp để mong góp phần vào việc hòa đàm...

Ngày 29 tháng 11 năm 1861, Đô đốc Louis-Adolphe Bonard lên thay Đô đốc Léonard Charner, và ông này liền xua quân mở rộng cuộc chiến. Thấy vậy, Nguyễn Trường Tộ không trông mong gì ở cuộc "nghị hòa" nên xin thôi việc.

Hết lòng vì đất nước
Sau khi thôi việc, Nguyễn Trường Tộ đã dồn hết tâm trí vào việc thảo kế hoạch giúp nước. Nhờ sự hiểu biết sâu rộng về các phương diện chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật...; đến đầu tháng 5 năm 1863, thì ông đã thảo xong 3 bản điều trần gửi lên Triều đình Huế là: "Tế cấp luận", "Giáo môn luận" và "Thiên hạ phân hợp đại thế luận".

Ngoài ra, ông còn thảo thêm bài "Trần tình" gửi lên để giải bày tâm tư và hoàn cảnh của mình, vì sợ Triều đình nghi ngờ ông, người đã từng gần gũi với các giáo sĩ Pháp và làm việc cho quân Pháp.

Song tất cả đều không được phúc đáp. Đầu năm 1864, ông lại gửi cho đại thần Trần Tiễn Thành một bản điều trần nữa (hiện thất lạc) [7] để thuyết phục Triều đình Huế nên tạm hòa với Pháp và mở rộng bang giao.

Trong thời gian phái bộ Phan Thanh Giản ở Pháp về Sài Gòn chờ tàu để đi Huế (từ ngày 18 đến 24 tháng 3 năm 1864), ông đã đến tiếp xúc với các chánh phó sứ để thảo luận nhiều vấn đề liên quan đến việc xây dựng và bảo vệ đất nước. Sau đó, ông viết "Lục lợi từ" (còn có tên "Dụ tài tế cấp bẩm từ", tháng 6 năm 1864) rồi gửi lên Triều đình, nhưng sau đó cũng không được phúc đáp.

Trong quãng thời gian đó, năm 1862-1864, bằng sự hiểu biết của mình, ông đã thiết kế và chỉ đạo việc xây cất tu viện Dòng Thánh Phaolô Sài Gòn (nay ở số 4 đường Tôn Đức Thắng). Đây là một công trình kiến trúc theo kiểu châu Âu có quy mô và có giá trị bền vững cho đến tận ngày nay [8].

Thành công ấy đã làm cho tiếng tăm Nguyễn Trường Tộ lan rộng. Khoảng năm 1864, ông được người Anh mời sang dự một hội nghị khoa học ở Anh, nhưng chưa đi thì đã bị thực dân Pháp ngăn trở, có lẽ vì họ không muốn ông liên lạc với người Anh.

Khoảng cuối năm 1864 cho đến đầu năm 1865, Nguyễn Trường Tộ đã gửi liên tiếp ba bản điều trần cho đại thần Trần Tiễn Thành, và hai bản điều trần cho đại thần Phạm Phú Thứ, để nhờ đưa các vấn đề quan trọng lên vua và Triều đình. Hai văn bản gửi cho ông Thứ, vì chưa tìm thấy nên không rõ nội dung. Còn ba văn bản gởi cho ông Thành, thì có thể là các bài: "Góp ý về việc mua và đóng thuyền máy" (cuối 1864), "Góp ý về việc đào tạo người điều khiển và sửa chữa thuyền máy" (tháng 2, 1865) và "Khai hoang từ" (tháng 2, 1866).

Sau đó, Nguyễn Trường Tộ được triệu ra Huế để giải quyết vụ tàu London. Về vụ việc này, sách Đại Nam thực lục kể đại ý như sau: "Trước đây, Hoàng Văn Xưởng đi Hương Cảng có đặt mua tàu London. Không ngờ bị Phô Na (chủ hãng tàu) lừa dối, tàu đã cũ nát, chưa đi tới nơi thì đã bị sóng gió làm hư hại. Sau khi sửa chữa ở Gia Định, họ đưa tàu đến cửa Thuận An (Huế) bắt phải mua [9]. Nhưng sau khi đệ trình lên cách giải quyết, thì không được thi hành nên ông có lẽ chán nản, và xin về Nghệ An (ngày 10 tháng 4 năm 1866). Trong bức thư gửi Trần Tiễn Thành (viết từ Nghệ An đề ngày 15 tháng 6 năm 1866), thì tâm trạng của ông lúc bấy giờ khá u uất. Một phần vì ông nóng lòng việc canh tân đất nước, một phần vì thấy vua và một số quan lại bảo thủ hãy còn nghi kỵ mình...

Mặc dù vậy, Nguyễn Trường Tộ vẫn không nản chí. Về tới Nghệ An, việc đầu tiên ông làm là viết thư cho Triều đình để báo tin về việc Giám mục Gauthier nhận lời đi Pháp để mua các thứ cần thiết về mở trường kỹ thuật ở Huế. Sau đó, ông được lệnh đi cùng Giám mục Gauthier ra Huế để chuẩn bị đi Pháp. Khi ấy là giữa tháng 8 năm 1866.

Trong khoảng 3 tháng ở quê nhà, ông giúp Tổng đốc Nghệ An Hoàng Tá Viêm đào kênh Sắt ở Hưng Nguyên. Truyện "Sự tích ông Nguyễn Trường Tộ" kể:

Năm Tự Đức 19, Bính Dần (1866), ngũ nguyệt (tháng 5), Bộ sai quan Tổng đốc Nghệ An là Hoàng Tá Viêm ra đào Kênh Sắt...Người viết thư cậy ông Tộ đi khám xem hình đất, thế đất, chỉ lối cho mà đào... Kênh hoàn thành, ông Tộ có làm bài thơ mừng Kênh Sắt [10].
Ngày 17 tháng 8 năm 1866, Nguyễn Trường Tộ cùng với Giám mục Gauthier và Linh mục Nguyễn Điều tới Huế. Lần này, Nguyễn Trường Tộ được vua Tự Đức tiếp kiến ở nhà Tả Vu trong Tử Cấm thành (Huế), được hỏi han nhiều điều, và được nhà vua nghe theo.

Ngày 15 tháng 9 năm đó, phái đoàn Giám mục Gauthier và Nguyễn Trường Tộ đi tàu của nhà vua vào Sài Gòn, và ở đó chờ tàu. Trong thời gian lưu lại, hai ông đã có những cuộc tiếp xúc với Đô đốc Lagrandière và Lãnh sự Tây Ban Nha để nắm tình hình theo yêu cầu của Triều đình. Sau đó, Nguyễn Trường Tộ đã có 6 bản báo cáo gởi về Huế. Qua các văn bản này, ông trình bày cho Triều đình thấy là có một khác nhau giữa ý đồ của của Pháp soái (tức Đô đốc Lagrandière) ở Sài Gòn và chính sách của chính phủ ở Pháp. Pháp soái thì muốn bằng mọi cách thôn tính hoàn toàn sáu tỉnh Nam Kỳ và áp đặt trên phần đất còn lại của Việt Nam một hiệp ước bảo hộ; trong khi ấy ở chính quốc, thì có nhiều dư luận chống đối các cuộc phiêu lưu quân sự ở các vùng đất xa xôi....

Ngày 10 tháng 1 năm 1867, phái đoàn đáp tàu L’orne đi Pháp. Trong 8 tháng ở đây, họ đã mua sách vở, dụng cụ, máy móc...để lập trường học kỹ thuật ở Huế. Ngoài ra, Giám mục Gauthier cũng đã tới Bộ Ngoại giao Pháp, Bộ Hàng hải và Thuộc địa Pháp để xin tài trợ cho các chương trình của mình; đồng thời tiếp xúc với một số thương gia và kỹ nghệ gia người Pháp. Ngày 25 tháng 11 năm 1867, phái đoàn trở về Việt Nam.

Theo Linh mục Nguyễn Bá Cần (tác giả sách Nguyễn Trường Tộ: Con người và di thảo), thì có lẽ Nguyễn Trường Tộ đã theo Giám mục Gauthier sang Rôma (Ý), rồi được vào chầu Giáo hoàng Piô IX nhân chuyến đi này.

Ngày 29 tháng 2 năm 1868, phái đoàn Giám mục Gauthier và Nguyễn Trường Tộ về tới Huế. Cùng theo về còn có hai Linh mục, một giáo dân (bác sĩ Hemaiz5) và một người thợ máy (tất cả đều là người Pháp, và đều do Giám mục Gauthier vận động được). Sau khi xem xét các thứ mua về cho trường học và các thứ mà Bộ Hàng hải Pháp gửi tặng, vua Tự Đức cho phép Giám mục Sohier được xây trường học kỹ thuật trên mảnh đất đã đề nghị (nằm giữa nhà thờ Kim Long và Tòa Giám mục Huế).... Theo tờ tấu của Viện Cơ mật đề ngày 4 tháng 3 năm 1868, thì sau đó các thành viên trong đoàn đều được nhà vua ban thưởng tiền và lụa...

Đi Pháp về, trong thời gian từ cuối tháng 2 cho tới cuối tháng 4 năm 1868, Nguyễn Trường Tộ đã gởi cho Triều đình, ít nhất là 9 văn bản. Ngoài văn bản đầu tiên (sau khi về tới Huế), còn nói về việc mở trường và phát triển đất nước, hầu hết các văn bản khác đều xoay chung quanh vấn đề sứ bộ đi Pháp. Bởi Triều đình vua Tự Đức lúc bấy giờ chỉ quan tâm tới việc làm sao lấy lại được 6 tỉnh Nam Kỳ đã mất vào tay Pháp. Sau những cuộc thương thuyết không thành công giữa Trần Tiễn Thành và Đô đốc Lagrandière tại Sài Gòn cuối tháng 1 năm 1868, vua Tự Đức nhất định cử một phái bộ sang Pháp để điều đình với chính phủ Pháp. Đối với vấn đề quan trọng này, quan điểm trước sau như một của Nguyễn Trường Tộ là phải tự lực tự cường để lấy lại phần đất đã mất, chứ không thể van xin nài nỉ. Tuy nhiên, ông vẫn sẵn sàng đi theo sứ bộ và đã có những kiến nghị rất cụ thể cho chuyến đi.

Khoảng giữa tháng 3 năm 1868, Nguyễn Trường Tộ được cấp phát ngựa và chi phí về Nghệ An thăm mẹ già trước lúc lên đường sang Pháp. Tuy nhiên, sau khi trở lại Huế, ông đổi ý, kiến nghị với Triều đình là không nên sai sứ bộ sang Pháp điều đình mà chỉ nên gởi sứ bộ vào Sài Gòn thương thuyết.

Việc đi Pháp vì thế phải đình hoãn không thời hạn. Ngày 18 tháng 4 năm 1868, Bộ Lễ lại cấp phép cho Nguyễn Trường Tộ trở về Nghệ An. Trước đó, ngày 7 tháng 4 năm 1868, Giám mục Gauthier cũng đã lên đường trở về Xã Đoài vì thấy việc mở trường kỹ thuật không được nói tới nữa [11].

Về lại Nghệ An, Nguyễn Trường Tộ bắt tay vào việc vận động dân vùng Xuân Mỹ (Nghệ An) thường xuyên bị úng lụt đến nơi ở mới, đồng thời xây cất Nhà Chung Xã Đoài [12]. Trong những năm này, ông vẫn đều đặn gửi lên triều đình Huế các bản điều trần về thời sự.

Tháng 10 (âm lịch) năm Tự Đức thứ 23 (1870), Nguyễn Trường Tộ gửi thư lên Triều đình đề nghị lập lãnh sự ở Sài Gòn và sứ quán ở Pháp để nắm tình hình. Đầu tháng 11 năm đó, ông lại xin được vào Nam tổ chức đánh úp quân Pháp để thu hồi 6 tỉnh Nam Kỳ, nhân lúc Pháp đang thua Phổ (Đức) và Cách mạng Pháp đang nổi dậy.

Ngày 28 tháng 12 năm 1870, trong bản tấu của Viện Cơ mật dâng lên vua Tự Đức có đoạn:

..."Bọn thần tuân phụng xét duyệt các khoản mật trần của Nguyễn Trường Tộ thấy y cũng có lòng với ta và chính lúc này là lúc có thể thừa cơ hội được. Ý kiến của bọn thần cũng đồng với các lý lẽ của thần Trần Tiễn Thành tâu xin. Nhưng xét vì đây là việc quân quốc trọng sự cần phải bàn thảo kín đáo kỹ lưỡng mới bảo đảm không nguy hiểm trở ngại sau này. Nay bọn thần chưa giáp mặt y bàn tính mà đã nội giao cho y qua các nước thám sát những việc cần phải làm, lỡ ra có chỗ nào chưa được chu đáo, sợ sẽ sinh trở ngại. Vậy xin cho Bộ Lễ lấy lý do phái đem người qua Tây học tập, khẩn tư cho tỉnh thần Nghệ An lập tức cấp ngựa, sức y lên kinh ngay để bọn thần ở Viện Cơ mật và Tòa Thương Bạc đối diện hỏi bọn y xem suy tính cơ nghi như thế nào cho được chu thỏa. Bọn thần sẽ suy nghĩ chín chắn đôi ba lần và phúc tâu đầy đủ. Vậy dám xin có lời tâu bày, đợi chỉ tuân hành."
Đầu năm 1871, ông nhận được lệnh cấp tốc ra Huế với lý do "đưa học sinh đi Pháp", nhưng kỳ thực là để bàn bạc với vua Tự Đức về phương lược quân sự và ngoại giao mà ông đã trình bày trong các văn bản gởi cho Triều đình cuối năm 1870. Nhưng Triều đình Huế bàn đi tính lại mà không đi đến được một quyết định nào: Sứ bộ không được cử đi các nước, kế hoạch đánh úp Pháp để thu hồi 6 tỉnh ở Nam Kỳ cũng không được thực hiện...

Sau mấy tháng ở Huế, có thể là vì không có việc gì để làm, hoặc có thể vì bệnh cũ tái phát, Nguyễn Trường Tộ đã xin phép trở về Xã Đoài (Nghệ An).

Qua đời
Giữa năm ấy, ông về lại Xã Đoài, và đến ngày 22 tháng 11 năm 1871 thì đột ngột từ trần. Lúc ấy, ông chỉ mới khoảng 43 tuổi.

Con ông là Nguyễn Trường Cửu, trong Sự tích ông Nguyễn Trường Tộ chỉ nói ngắn gọn rằng: "Qua năm sau, Tự Đức 24 (1871), ngày 10 tháng 10, ông Tộ làm câu thơ rằng: "Nhất thất túc thành thiên cổ hận / Tái hồi đầu thị bách niên cơ" (Một kiếp sa chân, muôn kiếp hận / Ngoảnh đầu cơ nghiệp ấy tăm năm) đoạn thì qua đời. Thọ 41 tuổi".

Nhiều chứng cứ cho thấy ông mất vì bệnh xuất huyết bao tử. Riêng Giám mục Gauthier cho rằng ông bị đầu độc. Trong một thư đề ngày 1 tháng 11 năm 1871, vị Giám mục này viết: "Người Giáo hữu Việt Nam mà tôi đem theo năm 1867 và người ta gọi là Kiến trúc sư (...) đã là nạn nhân của một âm mưu đầu độc".

Sau đó, thân xác ông được an táng tại thôn Bùi Chu. Phần mộ của ông xưa kia chỉ là một nấm mộ đất thấp. Năm 1943, với sự đóng góp của ông Từ Ngọc Nguyễn Lân và một số thân sĩ ở Nghệ Tĩnh, một ngôi mộ bằng đá cẩm thạch đã được dựng lên trên một gò đất cao, giữa một cánh đồng rộng.

Vợ, con
Không biết chắc Nguyễn Trường Tộ đã lập gia đình lúc nào. Có thể là trong khoảng thời gian ông trở về Nghệ An, sau khi các dự án canh tân của ông gởi vua Tự Đức bị chống đối nên bị bỏ dở (sau tháng 4 năm 1868). Con ông gồm một trai, một gái. Người con gái lấy chồng ở một làng kế cận. Người con trai là Nguyễn Trường Cửu (ông mất khi Trường Cửu mới được 18 tháng), có tư chất thông minh, được học hành, thường được gọi là "Đồ Cửu". Ông Cửu mất vào khoảng năm 1942, và đã để lại tác phẩm Sự tích ông Nguyễn Trường Tộ.

Tác phẩm
Kể từ khi về nước (khoảng 1861) cho đến năm cuối đời (1871), Nguyễn Trường Tộ đã đều đặn gửi lên vua Tự Đức và triều đình Huế các bản điều trần và phúc trình về thời sự. Đáng chú ý có:

-Hòa từ (Bàn về hòa) gửi tướng Nguyễn Bá Nghi (1861)
-Tế cấp luận (Bàn về những việc khẩn cấp, tháng 3 - 4 năm 1863, hiện chưa tìm thấy)
-Giáo môn luận (Bàn về việc tự do tôn giáo, 26 tháng 3 năm 1863)
-Thiên hạ phân họp đại thế luận (Bàn về những thế lớn phân và hợp trong thiên hạ). Đây là bài "Hòa từ" được sửa chữa lại (1863)
-Điều trần (7 tháng 5 năm 1863)
-Lục lợi từ (Kế hoạch làm cho dân giàu, tháng 6 năm 1864)
-Khai hoang từ (Bàn về việc khai hoang, tháng 2 năm 1865)
-Điều trần khả năng lấy lại ba tỉnh miền Đông [Nam Kỳ] (1866)
-Kế hoạch vận động ở Pháp để giữ ba tỉnh miền Tây [Nam Kỳ] (1866)
-Báo cáo về việc gặp viên Lãnh sự Tây Ban Nha (1866)
-Kế ly gián giữa Anh và Pháp (1866)
-Điều trần về hội nước ngoài (1866)
-Phúc trình về việc ký hợp đồng với các hội nước ngoài (gửi về khi sang Pháp năm 1887)
-Về tám điều cần bàn gấp (gửi về khi sang Pháp năm 1867)
-Điều trần về việc tiễu trần giặc biển (tháng 8, 1868)
-Điều trần về việc tái tu võ bị (1869)
-Kế hoạch nội công ngoại kích thu hồi sáu tỉnh Nam Kỳ (tháng 11, 1870)
-Bổ sung kế hoạch sai sứ đi Tây và đánh úp Gia Định (tháng 11, 1870)
-Bàn về việc cho Pháp thông thương để đổi lại sáu tỉnh (tháng 2, 1871)
-Kế hoạch thương nghị với Pháp và vận động sự giúp đỡ của các nước khác (tháng 2, 1871)
-Kế hoạch vay tiền để dùng vào việc binh (tháng 2, 1871)
-Về việc gửi học sinh sang Singapore học sinh ngữ (tháng 2, 1871)
-Về việc nhờ Giám mục Hòa giúp lấy lại 6 tỉnh (tháng 3, 1871)
-Tu võ bị (bàn về việc chỉnh đốn quân đội và quốc phòng, tháng 5, 1871)
-Về việc cần canh tân, quảng giao để giữ nước (tháng 8, 1871)
-Về việc nông chính (tháng 8, 1871), v.v...
Ngoài ra, Nguyễn Trường Tộ còn để lại một số di cảo thơ.

Tóm tắt nội dung các bản điều trần
Nguyễn Trường Tộ đã liên tiếp gửi lên triều đình Huế 58 bản điều trần (theo tập họp của Linh mục Nguyễn Bá Cần) đề xuất canh tân xây dựng đất nước. Nội dung các bản điều trần đề cập đủ mọi lĩnh vực. Tóm tắt các mặt chủ yếu:

-Về chính trị:
Ông trình bày những chiến lược cơ bản, về những thế lớn phân và hợp trong thiên hạ ("Thiên hạ phân hợp đại thế luận", 1863) và đề xuất "Kế ly gián giữa Anh và Pháp" (1866). Không hề ảo tưởng về dã tâm của thực dân Pháp, nhưng ông rất sáng suốt chủ trương tạm hòa hoãn với Pháp, gợi ý với nhà vua về lợi ích lớn của việc "Mở rộng quan hệ với Pháp và các nước khác" (1871)...

-Về nội chính:
Ông đề nghị triều đình tinh giản bộ máy chính quyền để đỡ hao tốn công quỹ, xác định rõ chức năng công việc của từng loại quan lại để khỏi phải có rất nhiều người ăn lương mà không biết làm gì. Mặt khác, nên có chính sách đối với những nho sinh để họ không thể dựa vào chút chữ nghĩa, trốn tránh nghĩa vụ đối với nước nhà. Ngoài ra, muốn cho đội ngũ viên chức giữ được thanh liêm thì phải tạo điều kiện cho họ làm giàu chính đáng...

-Về tài chính:
Ông đề nghị sắp đặt lại hệ thống thuế khóa cho thật công bằng hợp lý. Muốn thế phải đo đạc lại ruộng đất, kê khai nhân khẩu, tăng thuế người giàu và hàng xa xỉ ngoại nhập, đánh thuế thật nặng vào những tệ nạn như cờ bạc, rượu chè,...Ngoài ra, còn phải khuyến khích nhà giàu bỏ tiền ra cho vay, và vay tiền của nước ngoài...

-Về kinh tế:
Ông đề nghị chấn hưng "nông, công, thương nghiệp" để làm cho dân giàu nước thịnh, bằng những hành động cụ thể như: tổ chức khai hoang, bảo vệ rừng, thành lập các đoàn tàu đem hàng nông sản đi bán, cử người thăm dò tài nguyên, khai thác mỏ, thành lập các cơ sở sản xuất công nghệ và đào tạo thợ kỹ thuật…Và để nền kinh tế cả nước có thể giao thông dễ dàng, thì phải chú ý đến việc làm mới và tu bổ đường bộ và đường thủy....

-Về học thuật:
Ông đề nghị cải cách "việc học, việc thi" để chọn được nhân tài hữu ích. Không nên tiếp tục lối học "máy móc, tín điều" kiểu Trung Hoa. Đáng chú ý là việc ông đề nghị đem các môn khoa học vào trong chương trình học, nhất quyết phải dùng quốc văn (chữ Nôm) để dạy học và soạn sách, kể cả trong các giấy tờ hành chính...

-Về ngoại giao:
Ông chủ trương quan hệ mềm mỏng với Pháp, và không chỉ có Pháp mà còn phải đặt ngoại giao với nhiều nước khác như Anh, Tây Ban Nha... Phải biết lợi dụng mâu thuẫn giữa các nước này để có lợi cho mình. Phải đào tạo được các thông dịch viên giỏi công việc và tiếng nước ngoài...

-Về võ bị:
Ông đề nghị cải tu võ bị nhằm tăng chất lượng của quân đội, như tổ chức lại đội ngũ, cho quân lính được học tập các binh pháp mới, mua sắm tàu thuyền và vũ khí[30], xây dựng phòng tuyến cả ở thành thị lẫn nông thôn, đề phòng quân Pháp xâm lược lan ra cả nước...

Bên cạnh đó, ông còn đề nghị cải cách về các mặt khác như văn hóa, tôn giáo, bảo tồn di tích lịch sử, v.v...Tuy nhiên, phần lớn những đề nghị của ông đã không được triều đình nhà Nguyễn nghe theo do tầm nhìn hạn hẹp của họ và hạn chế của thời đại.

*
Các bản điều trần của Nguyễn Trường Tộ đã nói lên rất rõ tấm lòng yêu nước thiết tha của ông. Ông tin tưởng vào triển vọng canh tân của Nhật Bản, đặt hết hy vọng vào thế hệ trẻ được đào tạo bằng thực nghiệp có thể làm mạnh thế nước... Tuy chưa có ý thức thay thế thể chế phong kiến bằng một thể chế dân chủ, bởi tình thế đất nước chưa có phép làm điều đó, nhưng tư tưởng của ông đã tiến rất gần các nhà tư tưởng tiến hóa luận của phương Tây. Có thể nói, ông đã gợi ra cho người lãnh đạo đất nước những cách nghĩ, cách nhìn cởi mở và táo bạo mà hàng thế kỷ về sau vẫn đáng để suy gẫm. Tóm lại, ông quả là một con người có trí thông minh, nhìn xa thấy rộng, có khả năng ứng dụng vào thực tế vốn liếng tri thức uyên bác cũng như những điều mình sở đắc. Tiếc thay, ông lại "sinh không gặp thời", do đó ông đã không thực sự đóng một vai trò nào trong lịch sử, ngoài vai trò "làm chứng về tấm lòng của một con người, về vận hội của một đất nước".
Về đóng góp cho văn học Việt, ông đã để lại một lối văn mang phong cách "chính luận - trữ tình": vừa phải đảm bảo sự chặt chẽ, sắt bén, khúc chiết trong phân tích (chịu ảnh hưởng khá rõ tư duy lôgic phương Tây); nhưng cũng vừa thấm đẫm cảm hứng trữ tình của tác giả (vì ông phơi trải hết lòng mình), nên có sức thuyết rất mạnh. Ngoài ra, ông còn để lại một số di cảo thơ. Nhìn chung thơ ông mang phong cách trữ tình khoáng đạt, và có thể chia thành hai mảng: những bài "tức cảnh, sinh tình" và những bài "Ngôn chí, tự tình"...

Chú thích
[1] Về năm sinh của Nguyễn Trường Tộ, theo GS. Lê Thước trong bài “Nguyễn Trường Tộ tiên sinh tiểu sử” đăng trên Nam Phong tạp chí số 102, và hầu hết các tác giả tiếp sau đó, đều nói: "ông sinh năm Minh Mạng năm thứ 9 (1828)". Tuy nhiên, trong "Sự tích ông Nguyễn Trường Tộ" do Nguyễn Trường Cửu (con trai của Nguyễn Trường Tộ) viết, mặc dù không nói năm sinh, nhưng nói: "mất ngày 10 tháng 10 năm Tự Đức 24 (1871)... thọ 41 tuổi", tức sinh năm 1830 hoặc 1831 (thường thì tuổi thọ tính theo tuổi ta). Hiện nay, theo Linh mục Nguyễn Bá Cần, thì vẫn chưa có đủ tài liệu để xác định một cách chắc chắn về năm sinh của ông (sách ở mục tham khảo, phần I: "Nguyễn Trường Tộ - Con người". Bản điện tử trang 1).

[2] Tên "Thầy Lân" từng được nói tới trong các thư của các thừa sai người Pháp lúc bấy giờ. Trong tờ tấu của Cơ mật viện (Huế) đề ngày 14 tháng 5 năm 1867, cũng thấy nói: "Nguyễn Trường Tộ, tức tên Thầy Lân" (dẫn theo Trương Bá Cần, bản điện tử trang 1).

[3] Giám mục Gauthier và người dân lúc ấy thường gọi Nguyễn Trường Tộ bằng danh hiệu "Kiến trúc sư", mặc dù ông chưa học qua chuyên ngành. Như trong thư gửi Hội Truyền giáo Nước ngoài ở Paris (đề ngày 1 tháng 1 năm 1870), Giám mục Gauthier viết: "...Người ta quen gọi là Kiến trúc sư vì ông ta (chỉ ông Tộ) đã xây ngôi nhà ba tầng của các nữ tu Sài Gòn, một nhà nguyện và một ngọn tháp cao nổi bật..." (dẫn lại theo Nguyễn Bá Cần, bản điện tử trang 2).

[4] Đầu tháng 9 năm 1858, quân Pháp bắt đầu đánh chiếm cảng Đà Nẵng. Để kiểm soát và ngăn chặn người Công giáo có thể tiếp tay với họ, Triều đình Huế cho bắt giam các giáo sĩ và trùm trưởng, đồng thời ra lệnh "phân tháp" giáo dân. Nghĩa là phân tán người Công giáo bằng cách tháp nhập (sáp nhập) hai ba gia đình Công giáo vào trong một làng không Công giáo, chứ không cho ở tập trung. Đây là một biện pháp gây nhiều thiệt hại và đau khổ cho đồng bào Công giáo lúc bấy giờ.

[5] Sau khi quân Pháp bị cầm chân ở Đà Nẵng, theo Nguyễn Bá Cần (sách đã dẫn, bản điện tử trang 1), thì các giáo sĩ Pháp ở Đà Nẵng, đứng đầu là Giám mục Pellerin, đã cùng nhau làm áp lực để quân Pháp đánh kinh đô Huế. Nhưng bộ chỉ huy quân sự Pháp đánh giá là không thể đánh Huế mà phải chuyển hướng về Sài Gòn. Do đó, trước khi đem quân vào Nam, Đô đốc Rigault de Genouilly đã tìm cách bắt buộc các giáo sĩ Pháp, hoặc trở về nhiệm sở hoặc đi tạm lánh ở Hương Cảng. Giám mục Gauthier cùng với Nguyễn Trường Tộ đã đi sang nơi đó trong hoàn cảnh như thế.

[6] Hầu hết các tác giả, kể cả Nguyễn Trường Cửu (con trai của Nguyễn Trường Tộ) đều nói là từ Hồng Kông, Giám mục Gauthier đã đem Nguyễn Trường Tộ sang Pháp, sang Roma (Ý) vào chầu Giáo hoàng Piô IX. Nhưng nay thì biết rõ rằng trong những năm 1859-1860, Giám mục Gauthier không về Pháp. GS. Đào Duy Anh nói là "Giám mục Gauthier đưa Nguyễn Trường Tộ sang Hồng Kông rồi để cho Nguyễn Trường Tộ một mình đi Pháp”...Sự thực là với tài liệu hiện có, không biết chắc được là trước năm 1861, Nguyễn Trường Tộ có đi sang các nước phương Tây để tìm tòi học hỏi hay chỉ quanh quẩn ở các nước Đông Nam Á như Hồng Kông, Mã Lai... là những nơi có cơ sở hậu cần lớn của Hội Truyền giáo Nước ngoài của Paris...(theo Nguyễn Bá Cần, bản điện tử trang 1. Cũng theo ông Cần thì ông Tộ có lẽ sang Ý nhân chuyến đi Pháp năm 1867).

[7] Nhờ Nguyễn Trường Tộ có nhắc tới văn bản này trong thư gửi cho đại thần Phan Thanh Giản vào tháng 3 năm 1864, mà biết được nội dung chủ yếu của nó.

[8] Tu viện Dòng Thánh Phaolô Sài Gòn được khởi công từ tháng 9 năm 1862 và hoàn tất ngày 18 tháng 7 năm 1864. Linh mục Le Mée (thừa sai Paris) trong một bức thư đăng trên tập san Missions Catholiques năm 1876, có nói về công việc ấy như sau: "Đức Giám mục Gauthier và Linh mục Croc đã đem theo một nho sĩ Bắc Kỳ, tên là Lân (tức Nguyễn Trường Tộ). Với trí thông minh hiếm có, lại được gợi ý và được thúc đẩy bởi sự nhiệt tình và tận tụy của Giám mục Gauthier, nho sĩ Bắc Kỳ này, vì tình yêu Thiên Chúa, đã nhận đứng ra đốc suất công việc. Trước kia, ông có ở Hồng Kông ít lâu và trong thời gian ngắn ngủi tại thuộc địa này của người Anh, ông đã thấy được cách thức và thể loại kiến trúc của châu Âu. Thời đó ở Sài Gòn, chưa có một công trình nào làm kiểu mẫu. Với đề án của tu viện và nhà nguyện do Nữ tu Benjamin cung cấp, ông ta đã phác họa được một họa đồ phối cảnh chung và thực hiện công trình nhờ sự cộng tác của các công nhân người Việt. Chính ông đã phải vẽ sơ đồ của tháp chuông và tự mình trông nom công việc một cách rất cẩn thận, và chính ông đã hoàn thành nhiều phần khác của công trình. Mỗi ngày người ta thấy ông có mặt ở công trường và để ý tới từng chi tiết. Phải thú nhận là nếu không có ông thì không thể thực hiện được một công trình như vậy vào một thời điểm mà ở Sài Gòn chưa có thợ cũng như chưa có nhà thầu..." . Như thế, cơ sở của Dòng Thánh Phaolô do Nguyễn Trường Tộ (từng được Giám mục Gauthier gọi là "Kiến trúc sư") xây cất nổi lên giữa Sài Gòn năm 1864 như một công trình kiên cố có tầm cỡ.

[9] Đại Nam thực lục, phần "Chính biên". Bản dịch của Nhà Xuất bản Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1974, trang 35-36.

[10] Nguyễn Trường Tộ đã khai thông được con đường thủy từ Sông Cấm cho tới sông Vinh, xóa bỏ được Thiết Cảng (Cửa Sắt), để làm thành Kênh Sắt, mà ngày nay gọi là Kênh Gai hay kênh Nguyễn Trường Tộ. Công việc đào có lẽ hoàn thành trong những ngày Nguyễn Trường Tộ còn ở Nghệ An, tức giữa năm 1866, và ông đã làm bài bạt "Mừng đào xong Thiết Cảng".

[11] Trong một bức thư gởi Hội Truyền giáo Paris, đề ngày 31 tháng 3 năm 1868, Giám mục Gauthier viết: "...Công việc sẽ tiến triển nhanh hơn nếu không có việc cử sứ bộ đi Pháp và những sự chậm chạp của xứ này... Trong các quan thượng thư, có hai vị cựu trào tìm cách cản trở quyết tâm của nhà vua...". Hai vị "cựu trào" trong thư là Nguyễn Tri Phương và Võ Trọng Bình. Nhưng, theo Nguyễn Bá Cần (bản điện tử: tr. 3) có lẽ không phải chỉ có hai vị đại quan ấy, mà có cả một luồng dư luận khá rộng rãi, trong Triều đình cũng như ở các tỉnh, tỏ ra dè dặt, lo sợ trước ảnh hưởng của các giáo sĩ người Pháp: Một trường đào tạo nhân tài đầu tiên hoàn toàn do các thầy người Pháp, đặt ngay bên cạnh Tòa Giám mục, dưới sự giám sát của Giám mục.

[12] Trước kia dân Xuân Mỹ ở vùng dưới chân đồi thấp, tới mùa mưa thì lầy lội, bẩn thỉu. Nguyễn Trường Tộ đã khuyên dân dời cư lên triền đồi cách chỗ ở hiện nay khoảng 400 mét về phía Tây. Chính ông đã vẽ đường, chia ô cho các hộ. Trong số các công trình do Nguyễn Trường Tộ xây cất ở Nhà Chung Xã Đoài, nay chỉ còn lại nhà tràng Latinh (tức tiểu chủng viện) ba tầng, hình chữ thập gọi là “nhà Tây”, chứ Tòa Giám mục và các nhà phụ thuộc đều đã bị bom Hoa Kỳ đánh sập (theo Nguyễn Bá Cần).

Sách tham khảo
-Quốc sử quán triều Nguyễn, Quốc triều dử toát yếu. Nxb Văn học, 2002.
-Nguyễn Bá Cần, Nguyễn Trường Tộ – con người và di thảo. Nxb TP. Hồ Chí Minh, 2002. Xem online tại đây: [http://www.vnmilitaryhistory.net/index.php?topic=13703.0]
-Nguyễn Huệ Chi, mục từ: “Nguyễn Trường Tộ” trong Từ điển văn học (bộ mới). Nxb Thế giới, 2004.
-Nguyễn Q. Thắng - Nguyễn Bá Thế, Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam. Nxb Khoa học xã hội, 1992.
-Trịnh Vân Thanh, Thành ngữ-Điển tích-Danh nhân từ điển (quyển 2). Nxb Hồng Thiêng, Sài Gòn, 1967.
-Nhóm Nhân văn Trẻ, Hỏi đáp lịch sử Việt Nam (tập 4). Nxb Trẻ, 2007

Thứ Hai, 12 tháng 11, 2012

Thiên Ninh công chúa




Thiên Ninh công chúa (? - ?) tên thật là Trần Ngọc Tha (có sách chép là Bạch Tha), là một công chúa nhà Trần trong lịch sử Việt Nam.

Bà là con gái của vua Trần Minh Tông (ở ngôi: 1314-1357) và Hoàng hậu Lê Thánh (có sách chép là Lệ Thánh, về sau là Hiến Từ Thái hậu).

Tháng 4 (âm lịch) năm Nhâm Ngọ (1342), Ngọc Tha được vua Trần Dụ Tông (ở ngôi: 1341-1369, là em cùng cha cùng mẹ với Ngọc Tha) phong làm Thiên Ninh công chúa, rồi gả cho Chính Túc vương Kham (có sách chép là Hưng Túc).

Năm Tân Mão (1351), bà đồng ý thông dâm với vua Trần Dụ Tông (tức em ruột của mình) để trị bệnh "liệt dương" cho vua theo phương thuốc của thầy thuốc Trâu Canh.

Sách Đại Việt sử ký toàn thư (quyển 7, kỷ nhà Trần) chép:
“Mùa thu, tháng 7 (Tân Mão, 1351),...Trâu Canh có tội đáng chết, được tha. Bấy giờ Trâu Canh thấy vua (Trần Dụ Tông) bị liệt dương, dâng phương thuốc nói rằng giết đứa bé con trai, lấy mật hòa với dương khởi thạch mà uống và thông dâm với chị hay em ruột của mình thì sẽ hiệu nghiệm. Vua làm theo, thông dâm với chị ruột là công chúa Thiên Ninh, quả nhiên công hiệu”...[1]

Cuối năm Kỷ Dậu (1369), mẹ ruột của Thiên Ninh công chúa là Hiến Từ Thái hậu (lúc bấy giờ đã được tôn làm Hiến Từ Tuyên Thánh thái hoàng thái hậu) bị vua mới tên là Trần Nhật Lễ (sách thường chép là Dương Nhật Lễ, ? - 1370) giết chết.

Sách Đại Việt sử ký toàn thư (quyển 7, kỷ nhà trần) chép:
... “Ngày vua (Trần Dụ Tông) sắp băng, vì không có con, xuống chiếu đón Nhật Lễ vào nối đại thống...Ngày 15 (tháng 6 năm Kỷ Dậu), Hiến Từ hoàng thái hậu sai người đón Nhật Lễ lên ngôi...Tháng 12, ngày 14, Nhật Lễ giết Hiến Từ Tuyên Thánh thái hoàng thái hậu (là tước hiệu của Hiến Từ hoàng thái hậu lúc ấy) ở trong cung”. [2]

Đến tháng 9 (âm lịch) năm sau thì hai người con (không rõ tên) của Thiên Ninh công chúa cũng đều bị hại bởi Nhật Lễ.
Sách Đại Việt sử ký toàn thư (quyển 7, kỷ nhà trần) chép:

“Nhật Lễ tiếm vị, rượu chè dâm dật, hằng ngày chỉ thích rong chơi, thích các trò hát xướng, muốn đổi lại họ Dương (khiến) người tôn thất và các quan đều thất vọng.
Mùa thu, tháng 9, ngày 20,...cha con Nguyên Trác và hai người con của Thiên Ninh công chúa đem người tôn thất vào thành định giết chết Nhật Lễ. Nhật Lễ trèo qua tường, nấp dưới gầm cầu mới. Mọi người đều không thấy, giải tán ra về. Khi trời sắp, Nhật Lễ vào cung, chia người đi bắt 18 người chủ mưu. Bọn Nguyên Trác đều bị hại” .[3]
.
Oán giận, cuối năm ấy, Thiên Ninh công chúa đến sông Đại Lại (một chi lưu của sông Mã) thuộc phủ Thanh Hóa để họp bàn với một số tôn thất nhà Trần tìm cách lật đổ Nhật Lễ.

Sách Đại Việt sử ký toàn thư (quyển 7, kỷ nhà trần) chép:
“Mùa đông, tháng 10 (Canh Tuất, 1370), vua (chỉ Trần Phủ, về sau là vua Trần Nghệ Tông) [4] vì có con gái làm hoàng hậu (của Nhật Lễ), sợ vạ lây đến mình, tránh ra trấn Đà Giang (tức Gia Hưng), ngầm hẹn với các em là Cung Tuyên Vương Kính, Chương Túc quốc thượng hầu Nguyên Đán, Thiên Ninh công chúa Ngọc Tha hội ở sông Đại Lại phủ Thanh Hóa để dấy quân...Trước đây, vua vốn không có ý định làm vua. Công chúa Thiên Ninh bảo: "Thiên hạ là thiên hạ của tổ tông mình, sao lại vứt bỏ nước cho kẻ khác? Anh phải đi đi, em sẽ đem bọn gia nô dẹp nó cho!"... Tháng 11, vua cùng Cung Tuyên (vương), Thiên Ninh (công chúa) đều dẫn quân về kinh”....

Sau đó, Nhật Lễ bị bắt giam ở phường Giang Khẩu [5], rồi bị vua Trần Nghệ Tông (ở ngôi: 1370-1372) sai người đánh chết cùng với người con tên là Liễu....

Sau khi việc phế lập đã xong, tháng 2 (âm lịch) năm Tân Hợi (1371), vua Trần Nghệ Tông cho đãi yến các quan ở điện Thiên An, ban thưởng theo thứ bậc khác nhau. Trong dịp này, Công chúa Thiên Ninh được phong làm Lạng Quốc thái trưởng công chúa, và đổi tên là Quốc Hinh.

Kể từ đó, sách Đại Việt Sử ký Toàn thư không chép thêm gì về bà. Bà mất năm nào không rõ.

Xem tiểu sử của Thiên Ninh công chúa, thì thấy đây là một người đàn bà rất có ý chí, sốt sắng và thật hết lòng với hoàng tộc nhà Trần.

Nổi bật trong số những việc làm của bà, đó là việc bà đã chịu lấy thân mình giúp cho Trần Dụ Tông chữa bệnh bất lực hòng giúp vua có thể có con nối dõi sau này. Theo tác giả Trần Minh Đức, thì không nên có thái độ quá nghiêm khắc với họ. Có thể nói trong vụ việc ấy, Thiên Ninh công chúa chỉ là một "toa thuốc chữa bệnh" cho vua Dụ Tông mà thôi [6].

Chú thích
[1] Trích trong Đại Việt Sử ký Toàn thư (đã dẫn, bản dịch: tập 2, tr 131). Công hiệu như thế nào, Đại Việt sử ký toàn thư không chép rõ, song vua Trần Dụ Tông vẫn không có con, nên sau này phải truyền ngôi cho Trần Nhật Lễ là "con" của anh. Thông tin thêm: Dương khởi thạch (vì có khả năng làm cho dương vật cương cứng lên nên có tên này), tên khoa học: Asbestos tremolite. Tremolit (Silicat CA và MG) hay Ca2Mg5Si8022 (OH)2. Đây là loại khoáng chất khối, dạng như bó kim, màu trắng hoặc xám tro hoặc lục nhạt, có màu lóng lánh như Thạch anh, mềm dễ bẻ, bóp vụn có dạng sợi. Chủ trị: khí kết thành khối u trong bụng, tử cung hư lạnh, liệt dương.
[2] Trích trong Đại Việt Sử ký Toàn thư (đã dẫn, bản dịch: tập 2, tr. 145-147). Thông tin thêm: Trần Nhật Lễ là con của kép hát Dương Khương và đào hát có tên hiệu là Vương Mẫu (vì đóng vai Vương mẫu trong tích “Vương mẫu hiến bàn đào” nên lấy làm hiệu). Thấy Vương Mẫu xinh đẹp, Cung Túc vương Trần Nguyên Dục (anh vua Trần Dụ Tông) lấy làm vợ (khi ấy đã có mang Nhật Lễ). Khi Nhật Lễ sinh ra, Cung Túc vương nhận làm con mình. Cũng theo quyển sử trên, vì “bà từng hối về việc lập Nhật Lễ, nên Nhật Lễ ngầm đánh thuốc độc giết bà (bản dịch: tr.148).
[3] Trích trong Đại Việt Sử ký Toàn thư (đã dẫn, bản dịch: tập 2, trang 148-149). Sử thần không kể rõ nên không biết hai người con (không rõ tên) của Thiên Ninh công chúa bị hại như thế nào. Chỉ thấy chép rằng Thái tể Nguyên Trác cùng con là Nguyên Tiết đều bị giết.
[4] Lúc ấy, Trần Phủ đang là Cung Định Vương, sau khi lật đổ Nhật Lễ, ông lên ngôi lấy hiệu là Trần Nghệ Tông.
[5] Phường Giang Khẩu về sau đổi là phường Hà Khẩu, ở vào khoảng phố Hàng Buồm, Hà Nội hiện nay.
[6] Nguồn: BS. Trần Minh Đức, sách ở mục tham khảo, tr. 163-164.

Sách tham khảo
-Ngô Sĩ Liên, Đại Việt sử ký toàn thư (quyển VII, kỷ nhà Trần)] Bản dịch (tập 2) của Hoàng Văn Lâu. Nhà xuất bản Khoa học xã hội, Hà Nội, 1985. Có thể xem online ở đây: [2]
-Trần Minh Đức, chương: "Thầy thuốc Trâu Canh đời Trần: Nhà tình dục học đầu tiên ở Việt Nam" trong sách Lịch sử nhìn lại dưới góc độ y khoa. Nxb Văn hóa-Văn nghệ, Tp. Hồ Chí Minh, 2012.

Bùi Thụy Đào Nguyên giới thiệu

Chủ Nhật, 4 tháng 11, 2012

Thầy thuốc triều Trần: Trâu Canh


Trâu Canh (? - ?) là người nhà Nguyên (Trung Quốc), về sau trở thành danh y dưới thời nhà Trần (khoảng từ 1314–1369) trong lịch sử Việt Nam.

Tiểu sử

Sách Đại Việt sử ký toàn thư (quyển VII, kỷ nhà Trần) chép vắn tắt về nhân vật Trâu Canh như sau:
"Canh là con Trâu Tôn người phưong Bắc. Khoảng năm Thiệu Phong[1], người Nguyên vào cướp, tôn làm thầy thuốc đi theo quân Nguyên, đến khi quân Nguyên thua, thì bị bắt. Tôn ở nước ta, chữa thuốc cho các vương hầu thời đó, phần nhiều thấy công hiệu. Người trong nước nhiều lần cho Tôn ruộng, nô, thành ra giàu có. Canh nối nghiệp cha, trở thành danh y, nhưng không có hạnh kiểm"...[2]
Nói về cách chữa bệnh của Trâu Canh, bộ sử ấy chép:
"Kỷ Mão, (Khai Hựu) năm thứ 11 (1339)...Mùa thu, tháng 8, ngày 15, ban đêm, con của Thượng hoàng (Trần Minh Tông) là Hạo (lúc ấy mới 4 tuổi ta, về sau là vua Trần Dụ Tông) đi thuyền chơi Hồ Tây bị chết đuối, vớt được ở lỗ cống đơm cá. Thượng hoàng sai thầy thuốc Trâu Canh cứu chữa. Canh nói: "Dùng kim châm sẽ sống lại, nhưng chỉ sợ sẽ bị liệt dương". Dùng kim châm thì quả như lời ông ta nói, từ đấy mọi người gọi Trâu Canh là thần y. Canh sau mãi được thăng lên Quan phục hầu Tuyên Huy viện đại sứ kiêm Thái y sứ"...[3]
"Tân Mão, (Thiệu Phong) năm thứ 11 (1351)...Mùa thu,...Trâu Canh có tội đáng chết, được tha. Bấy giờ Trâu Canh thấy vua (Trần Dụ Tông) bị liệt dương, dâng phương thuốc nói rằng giết đứa bé con trai, lấy mật hòa với dương khởi thạch mà uống và thông dâm với chị hay em ruột của mình thì sẽ hiệu nghiệm. Vua làm theo, thông dâm với chị ruột là công chúa Thiên Ninh [4] quả nhiên công hiệu. Canh từ đấy được yêu quý hơn, được ngày đêm luôn ở trong hậu cung hầu hạ thuốc thang. Canh liền thông dâm với cung nữ. Việc phát giác, Thượng hoàng (Trần Minh Tông) định bắt Canh chết, nhưng vì có công chữa khỏi bệnh cho vua nên được tha"... [5]
"Bính Thân, (Thiệu Phong) năm thứ 16 (1356)...Mùa thu, tháng 8, (Thượng hoàng Trần Minh Tông) ngự đến đền thờ Quốc phụ thượng tể Huệ Vũ Đại Vương (Trần Quốc Chẩn), trên núi Kiệt Đặc (ở địa phận huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương). Khi trở về, trong thuyền ngự có con ông vàng đốt vàng má phía bên trái của Thượng hoàng, rồi Thượng hoàng bị bệnh. Vua (Trần Dụ Tông) sai người giữ thuyền ngự trông coi việc đóng quan tài...Khi bệnh trầm trọng, cho gọi quan thầy thuốc là bọn Trâu Canh, Vương Định, Phạm Thế Thường vào xem mạch. Canh nói: "Mạch phiền muộn". (Trần) Minh Tông ứng khẩu một bài thơ nhỏ, đọc cho bọn Canh nghe:
Chuẩn mạch hưu luân phiền muộn đa,
Trâu công lương tễ yếu điều hòa.
Nhược ngôn phiền muộn vô hưu yết,
Chỉ khủng trùng phiêu phiền muộn gia.
(Xem mạch chớ bàn nhiều muộn phiền,
Ông Trâu thuốc tốt cắt cho yên.
Nếu còn nói mãi phiền cùng muộn,
Chỉ sợ càng tăng phiền muộn lên).
Vì Trâu Canh ra vào cung cấm, hay dùng những câu kỳ lạ, những kế quỷ quyệt để huyễn hoặc Dụ Hoàng (Trần Dụ Tông). (Trần) Minh Tông ghét hắn, nên mượn bài thơ để châm biếm. Đến khi dâng thuốc lên thì ngài nói: "Người ta ở đời,bao nhiêu khổ não. Ngày nay thoát được khổ não này, thì ngày khác lại phải chịu khổ não khác". Rồi không chịu uống thuốc"...[6]
"Quý Mão (Đại Trị) năm thứ 6 (1363)...Mùa hạ, tháng 5, trả lại Châu Canh chức tước cũ. Năm Giáp Thìn, (Đại Trị) năm thứ 7 (1364),...Tháng 5, vua (Trần Dụ Tông) đi hóng gió chơi trăng. Vì uống rượu quá sai, lại lội xuống sông tắm, nên bị ốm. Sai quan thầy thuốc là bọn Trâu Canh thay nhau hầu thuốc thang. Mùa thu, tháng 7, vua khỏi bệnh"... [7]
 Kể từ đó trở đi, sách Đại Việt sử ký toàn thư không chép thêm gì về thầy thuốc Trâu Canh, chỉ cho biết rằng: "Dòng dõi của Canh đến triều nay còn có người là Trâu Bảo, được của do Trâu Canh cất giữ trở nên giàu có, nhưng cũng vì thế mà trở nên lụng bại"[8].
Dưới góc độ y khoa hiện đại
(Chỉ có tính tham khảo)
Nghiên cứu toa thuốc điều trị bệnh liệt dương của Trâu Canh cho vua Trần Dụ Tông, theo BS. Hồ Đắc Duy, có hai yếu tố cần được phân tích:
-Dược phẩm gồm: Mật + Dương khởi thạch [9]
-Hoạt động tình dục: Thông dâm với chị hay em ruột mình.
Cả hai yếu tố này đều có sự tàng ẩn không bình thường.
 -Đòi hỏi mật của một đứa bé đồng nghĩa với khuyến khích giết chết một người. Đó là một việc trái với đạo đức của xã hội và y đức.
-Thông dâm với chị hay em ruột của mình. Đó là một đòi hỏi trái với luân lý của gia đình và xã hội.
Tất cả chẳng qua là một đòn tâm lý ác liệt đối với vua Dụ Tông. Bởi điều trị liệt dương là điều trị cảm xúc, điều trị cái nguyên nhân tâm lý đã gây ra hậu quả liệt dương như các cơ chế y khoa hiện đại. Lưu ý trước đây, chính Trâu Canh là người đã nói câu "...chỉ sợ sẽ bị liệt dương" đã khiến nhà vua (khi ấy còn là một đứa trẻ 4 tuổi) bị ám ảnh từ đó. Và nguời duy nhất có thể phá bỏ cái định kiến ấy không ai khác hơn là Trâu Canh, vì trước đây ông đã từng cứu sống vị vua này. Phương pháp kỳ dị của ông ta lại được Hoàng gia đồng tình vun vào, ngay cả Thiên Ninh Công Chúa cũng chấp nhận. Điều này càng gây cho Dụ Tông lòng "tự tin". Có thể lòng tự tin ấy đã đánh đổ các định kiến Dụ Tông chiến thắng được sự bất lực.
Tóm lại, những điều quái đản mà Trâu Canh đưa ra trong toa thuốc này chỉ là một ấn tượng khủng khiếp làm cái chìa khóa để xóa bỏ cái định kiến. Ông ta đã làm động tác của một nhà phân tâm học hiện đại với một số ma thuật cho đến nỗi Thượng hoàng Trần Minh Tông phải chán ghét thậm tệ nhưng không thể giết chết Trâu Canh được, mặc dù ông ta đã phạm tội tày trời [10].
Còn theo nghiên cứu của BS. Trần Minh Đức, thì thầy thuốc Trâu Canh đã chữa bệnh bất lực cho vua Duệ Tông bằng cách kích thích tâm lý (áp dụng tâm lý "ăn trái cấm"). Đây là cách chữa bệnh tân tiến vào thời đó. Tuy nhiên, việc làm ấy xét ra vừa vô đạo (giết đứa trẻ để lấy mật uống) mà cũng vừa vô luân (loạn luân với chị ruột). Và cũng theo bác sĩ này, thì Trâu Canh chính là "nhà tình dục học đầu tiên ở Việt Nam" [11].
Chú thích
[1] Theo Hoàng Văn Lâu và Hà Văn Tấn, thì trong "niên hiệu Thiệu Phong (1341-1358) không có quân Nguyên xâm lược. Sách Khâm định Việt sử Thông giám cương mục chữa là Nguyên Phong (1251-1258). Như vậy là muốn chỉ cuộc xâm lược của quân Nguyên vào năm 1258, không chắc là có thầy thuốc Trung Quốc đi theo quân Nguyên. Chúng tôi cho rằng nên chữa là Thiệu Bảo (1279-1285). Trong niên hiệu này, có cuộc xâm lược lần thứ hai 1285. Lần này ta bắt được nhiều tù binh"' (Đại Việt sử ký toàn thư. Bản dịch: Tập II, chú thích, trang 131).
[2] Đại Việt sử ký toàn thư (quyển VII). Bản dịch: Tập II, tr. 131.
[3] Đại Việt sử ký toàn thư (quyển VII). Bản dịch: Tập II, tr. 125. Các chữ ở trong ngoặc là của người khởi soạn.
[4] Đại Việt sử ký toàn thư chép: "Mùa hạ, tháng 4, phong con gái Thượng hoàng (Trần Minh Tông) là Ngọc Tha (còn chép là Bạch Tha) làm Thiên Ninh công chúa, gả cho Chính Túc vương Kham (có sách chép là Hưng Túc). Nguồn: Quyển VII, bản dịch: tập II, trang 127.
[5] Đại Việt sử ký toàn thư (quyển VII). Bản dịch: Tập II, tr. 131.
[6] Đại Việt sử ký toàn thư (quyển VII. Bản dịch: Tập II, tr. 136-137). Cũng theo sách này (tr. 136), vì không chịu uống thuốc, Thượng hoàng Trần Minh Tông băng ở cung Bảo Nguyên vào mùa xuân, tháng 2, ngày 19, năm Đinh Dậu, 1357.
[7] Đại Việt sử ký toàn thư (quyển VII). Bản dịch: Tập II, tr. 142-143.
[8] Đại Việt sử ký toàn thư (quyển VII. Bản dịch: Tập II, tr. 132). "Triều nay" tức triều vua Lê Thánh Tông. Câu "cũng vì thế mà trở nên lụng bại" có thể hiểu Trâu Bảo cũng giống như Trâu Canh, đều là người "không có hạnh kiểm", nên sản nghiệp về sau tiêu tan hết theo luật nhân quả của nhà Phật.
[9] Dương khởi thạch (vì có khả năng làm cho dương vật cương cứng lên nên có tên này), tên khoa học: Asbestos tremolite. Tremolit (Silicat CA và MG) hay Ca2Mg5Si8022 (OH)2. Đây là loại khoáng chất khối, dạng như bó kim, màu trắng hoặc xám tro hoặc lục nhạt, có màu lóng lánh như Thạch anh, mềm dễ bẻ, bóp vụn có dạng sợi. Chủ trị: khí kết thành khối u trong bụng, tử cung hư lạnh, liệt dương..
[10] Nguồn: BS Hồ Đắc Duy, “Một bệnh lý tình dục được nói đến trong các bộ sử vĩ đại của nước ta”.
[11] Trần Minh Đức, "Lịch sử nhìn lại dưới góc độ y khoa", tr. 155 và 177.
Nguồn tham khảo
*Ngô Sĩ Liên, Đại Việt sử ký toàn thư (quyển VII, kỷ nhà Trần). Bản dịch (tập 2) của Hoàng Văn Lâu. Nhà xuất bản Khoa học xã hội, Hà Nội, 1985
*Trần Minh Đức, chương: "Thầy thuốc Trâu Canh đời Trần: Nhà tình dục học đầu tiên ở Việt Nam" trong sách Lịch sử nhìn lại dưới góc độ y khoa. Nxb Văn hóa-Văn nghệ, Tp. Hồ Chí Minh, 2012.
*BS Hồ Đắc Duy, "Một bệnh lý tình dục được nói đến trong các bộ sử vĩ đại của nước ta"
 Bùi Thụy Đào Nguyên giới thiệu