I. Lịch sử hình thành:
1.1 Trước thời nhà Nguyễn:
Ở buổi đầu dựng nước và sau đó, Việt Nam là một nước chuyên về nông nghiệp, nhân dân chỉ sống trong vòng kinh tế “tự cung tự cấp”, nếu cần giao lưu từ vùng này sang vùng khác người ta thường sử dụng đường thủy. Song về mặt quản lý lãnh thổ, nhà nước vẫn phải có đường để nối liền các địa phương, vì thế đường bộ Việt Nam đã ra đời.
Trước khi có đường Cái quan, dưới thời Lý Thái Tông (ở ngôi: 1028-1054), ở Việt Nam đã có hệ thống đường Quan lộ. Mỗi tuyến đường được chia ra từng cung, có cắm biển gỗ để chỉ phương hướng, có người cai quản, và đặt nhà trạm (tức dịch trạm, cách nhau khoảng 15-20 km), chủ yếu là để chuyển công văn [2], tài vật từ kinh đô đi khắp nơi và ngược lại, đồng thời làm nơi nghỉ chân của các quan lại triều đình trên đường công cán.
Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân, thì đường Cái quan chính thức được xây dựng vào năm Ất Mão (1375), dưới thời Trần, để nối liền kinh thành Thăng Long với Thanh Hóa. Đến thời Hồ, vào năm 1402, con đường được đắp tiếp vào đến Châu Hóa (Huế).
Năm Tân Mão (1471), vua Lê Thánh Tông dẫn quân đi bình Chiêm. Sau chiến thắng Chà Bàn, đạo thừa tuyên Quảng Nam thừa tuyên được thành lập vào tháng 6 (âm lịch) năm đó. Để tiện việc coi giữ, nhà vua đã cho tổ chức lại hệ thống giao thông liên lạc thông suốt từ Thăng Long cho đến phủ Hoài Nhơn (Bình Định) bằng đường bộ.
Năm Mậu Ngọ (1558), Đoan Quốc công Nguyễn Hoàng vào trấn nhậm đất Thuận Quảng, tiếp theo là xảy ra cuộc tranh giành thế lực giữa họ Trịnh và họ Nguyễn (sử cũ gọi là thời Trịnh-Nguyễn phân tranh), kéo dài suốt 2, 5 thế kỷ. Để phục vụ cho chiến tranh, con đường này đã được đôi bên cho sửa sang, mở rộng. Sau đó, đường Cái quan được nối dài theo sự nghiệp mở nước về phương Nam của dân tộc Việt, và vào khoảng 1757 dưới thời chúa Nguyễn Phúc Khoát, con đường vào đến đất Hà Tiên.
Năm 1792, chúa Nguyễn Phúc Ánh (sau này là vua Gia Long) đã cho đắp đường từ Mỹ Tho qua giồng Kiến Định và bắc cầu Quỳ Tông. Trong năm này, ông đã huy động dân binh đắp đường thiên lý phía nam từ Gia Định dọc theo giồng cát xuống Trấn Định, qua Thủ Đoàn, giồng Cai Yến, giồng Tha La, giồng Kỳ Lân, giồng Cai Lữ, giồng Trà Luộc, giồng Cai Lễ, giồng Thủ Triệu, Cái Thia... Hai bên đường thiên lý đặt nhiều quán trạm.
1.2 Dưới thời nhà Nguyễn:
Đường Cái quan phát triển mạnh mẽ nhất là triều Nguyễn, và thực sự trở thành “huyết mạch kinh tế và hệ thần kinh quản trị quốc gia”.
Sau thời kỳ Nam Bắc phân tranh kéo dài hàng mấy trăm năm, vua Gia Long thấy đường sá giao thông là vấn đề khẩn yếu cho việc chính trị và quân sự nên đã sai quan trấn nhậm các doanh trấn phải sửa chữa, bắc cầu ván qua sông suối và uốn thẳng lại con đường Thiên lý. Cụ thể là vào tháng 3 (âm lịch) năm 1809, nhà vua sai Nguyễn Huỳnh Đức và Lê Chất đi coi công việc sửa đắp đường quan các tỉnh là Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên và Khánh Hòa. Sách Quốc triều toát yếu (phần Chính biên) chép: "…Ngài (Gia Long) nghĩ đàng cũ quanh co, khiến Nguyễn Hoàng (Huỳnh) Đức, Lê Chất giăng dây cho thẳng, bắt dân sửa lại. Cho hoãn việc trưng binh, đình việc tạp tụng; chỗ nào có mồ mả thời cấp tiền cho dân dời đi chỗ khác, và trồng cây hai bên đàng” [3].
Đầu năm 1810, vua Gia Long lại sai Giám thành Nguyễn Văn Học lo việc sửa cầu cống đường sá ở các địa phương Quảng Đức (Thừa Thiên Huế), Quảng Trị, Quảng Bình. Công việc gồm có "đo xem thế đất, lấy dân sửa đắp, cấp cho (dân) lương ăn hàng ngày". Vua lại dặn thêm Nguyễn Văn Học rằng "... trời mùa hè nóng nực, không nên đúc thốc (dân) làm quá, để nới sức dân" [4].
Năm 1812, De la Bissachere trong “Etat actuel du Tonkin de la Cochinchine et les royaumes de Cambodge, Laos et Lac Tho” xuất bản ở Paris (Hiện trạng Bắc Kỳ, Nam Kỳ, các vương quốc Lào, Campuchia và Lạc Thổ) đã mô tả về con đường Cái quan lúc bấy giờ như sau: “… có một con đường lớn nối Phú Xuân và Đông Kinh (Hà Nội). Con đường này đẹp như đường châu Âu… đường tuy không lát gạch đá, nhưng chỗ nào không vững chắc thì người ta đổ gạch, đá vụn và đóng cọc để củng cố; đường làm hơi vồng lên ở giữa để thoát nước ra hai vệ đường. Hai bên đường có rãnh thoát nước và trồng cây…”
Đến tháng 10 năm ất Hợi (1815), vua Gia Long lại sai Tổng trấn Lê Văn Duyệt làm đường từ Sài Gòn đi về phía tây. Bắt đầu từ cửa Đoài Nguyệt ở phía tây thành Bát Quái, qua cầu Tham Lương (đường Trường Chinh nay), qua bến đò Thị Sưu, qua đầm Lão Đống, giáp ngã ba đường sứ tới Khê Lăng đến đất Kha Pha (Cao Miên)... Chỗ gặp sông ngòi thì bắc cầu, đầm lầy thì đắp đất, gặp rừng thì đốn cây. Mặt đường rộng 6 tầm (12,72 m), đường thông suốt cho người và ngựa….
Tiếp tục sự nghiệp của vua cha, mới lên ngôi được hai năm (1821), vua Minh Mạng cho phép Bình Thuận huy động dân chúng đi phát chặt những cây rừng rậm rạp ở hai bên đường cái mở rộng thêm mỗi bên 10 tầm .
Năm 1832, vua Minh Mạng lại dụ cho bộ Công: “…đường cái quan có nhiều chỗ núi cao, lính trạm leo trèo, nhân dân đi lại, có nhiều khó khăn trở ngại. Vậy truyền lệnh cho các quan địa phương xem xét địa phận hạt mình, chỗ nào có đá lớn ngăn trở, thì đốt cho nát phá bỏ đi, cốt rộng từ 4 – 5 thước trở lên, đủ đi lại được; chỗ nào vì nước mưa lụt chảy xói, lâu ngày thành trũng sâu, thì đá lấp đầy, hoặc xây thành bậc, cho được bằng phẳng, rồi ủy cho phủ huyện thuê dân làm, trả công ưu hậu bằng tiền và gạo, rộng cho thời hạn, cốt được thành công để lợi ích lâu dài” [5].
Năm 1835, vua Minh Mạng cho đắp các đường bộ ở các tỉnh Nam Kỳ dùng vào việc quan báo, khắc phục việc đi lại chủ yếu bằng đường thủy trước đây. Từ thành Định Tường còn có thêm 3 tuyến đường quan trọng khác: đường từ bắc thành Gia Định đến Định Tường, dài 10.800 trượng (từ Sài Gòn đi Cần Giuộc, Cần Đước, Gò Công, Chợ Gạo đến Mỹ Tho); đường từ cửa tây thành Định Tường đến địa giới tỉnh Vĩnh Long, dài 6.600 trượng (từ Mỹ Tho cặp sông Tiền đến Cái Thia); đường từ đông nam thành Vĩnh Long đến địa giới Định Tường (từ Vĩnh Long đến bến đò sang Cái Thia).
Lúc bấy giờ, con đường cũng được chia thành nhiều cung, mỗi cung trung bình dài khoảng 25-30 dặm (15km-20km). Để có chỗ canh phòng, vận chuyển công văn giấy tờ, và làm nơi đón đưa quan lại trú đêm trên đường; ngay từ thời Gia Long, triều đình đã cho dựng ở giữa hai cung một nhà trạm gồm ba gian hai chái bằng gạch ngói hay cây lá, theo cùng một kiểu do bộ Công quy định, có hào và tường bao bọc chung quanh, lại có chòi gác bốn phía. Trên cửa ra vào có treo biển khắc tên trạm. Ở mỗi trạm đều có nhiều phu trạm (khoảng 50 người) và ngựa (khoảng 3 con) để làm nhiệm vụ chuyển tải công văn giấy tờ, khiêng cáng và đồ dùng của quan lại qua đường. Quản lý và điều hành sự vụ các dịch trạm trên đường Thiên lý là chức năng của ty Bưu chính, còn việc đưa lệnh của triều đình và thu nhận báo cáo của các địa phương là nhiệm vụ của ty Thông chính sứ. Người của hai cơ quan này phải túc trực ngày đêm để điều hành công việc được thông suốt.
Nhìn chung, con đường Cái quan ngày trước cũng chỉ là con đường đất, chạy qua các làng mạc hoang vu, dân cư còn rất thưa thớt, qua những đèo dốc và rừng hoang. Khó khăn chính trên tuyến đường này là chưa bắc được nhiều cầu qua các sông suối nhất là vào mùa mưa lũ. Và phương tiện đi lại, ngoài ngựa, võng, kiệu, cáng dành cho quan lại với một số xe bò, xe trâu chuyên chở hàng hóa, lương thực, còn hầu hết nhân công đi bộ mang vác.
Sau ngày Thất thủ Kinh đô (tháng 7 năm 1885), thực dân Pháp tiến hành mở rộng con đường đi qua đèo Hải Vân để nối liền cửa biển Đà Nẵng (nơi các chiến hạm của Pháp neo đậu) với Kinh đô Huế. Công trình do Đại úy công binh Besson đảm trách. Thực dân Pháp đã cưỡng bức nhân dân các làng xã lân cận đi làm đường mà không được trả công. Cho đến lúc nào làm xong phần đường của địa phương mình mới được trả về quê quán. Vì quá công phẫn cho nên vào cuối tháng 12 năm 1886, dân chúng đã nổi dậy giết chết viên Đại úy Besson và tiêu hủy toàn bộ các bản thiết kế cùng phương tiện để làm việc làm đường. Sau đó họ đồng lòng bỏ việc tập thể kéo nhau về lại quê hương. Bởi thế để hoàn thành đoạn đường Huế - Đà Nẵng thực dân Pháp đã gặp nhiều thử thách hết sức khó khăn.
Đầu thế kỷ 20, thực dân Pháp chú tâm vào việc xây dựng và khai thác các tuyến đường sắt, còn đường bộ chúng bỏ lửng. Mãi cho đến sau năm 1912, Toàn quyền Sarraut mới chú ý trở lại. Năm 1918, thực dân Pháp ký nghị định chia đường bộ Việt Nam thành hai loại: đường thuộc địa (routes colonials) và đường địa phương (routes régionales). Đường thuộc địa (21 đường) do tổng ngân sách Đông Dương đài thọ, đường địa phương do các ngân sách các kỳ phụ trách.
Đường thuộc địa số 1 được vạch theo con đường Cái quan của nhà Nguyễn nối Hà Nội với Sài Gòn. Con đường Cái quan được điều chỉnh lại và mở rộng, lát đá, rải nhựa, xây cầu cống, bến phà, và trở thành đường Quốc lộ I A ngày nay.
II. Trong Văn học Nghệ thuật:
Đường Cái quan đã được nhắc đến trong câu ca dao:
Đường cái là đường cái quan,
Chận em ra chợ làm tan chợ rồi.
Danh sĩ Nguyễn Thông trong một chuyến đi ra Bình Thuận đã sáng tác bài Long Thành – Phước Tuy đồ trung hoài cảm, trong đó đã nói lên nỗi cực nhọc và hiểm nguy khi đi trên con đường này (dịch từ chữ Hán):
Ve kêu tự chốn nào?
Về tối giọng thêm sầu.
Khách đi mệt muốn nghỉ
Vắng vẻ chốn rừng sâu!
Bên đường hổ đói thét,
Mảnh áo giọt sương thâu…
Vào những năm nửa thế kỷ 20, nhạc sỹ Phạm Duy đã lấy tên Con đường Cái quan để kể lại lịch sử cuộc Nam Tiến của dân tộc mình.
Bùi Thụy Đào Nguyên giới thiệu
Chú thích:
[1] Vì chủ yếu dành cho quan lại sử dụng nên có có các tên này. Từ “cái” ở đây có nghĩa là lớn. Từ “báo” ở đây có nghĩa là báo tin. Thiên lý có nghĩa là nghìn dặm, là rất xa.
[2] Công văn thường được đựng trong ống tre (có niêm phong, và đóng dấu cẩn thận) được chuyển đi bằng ngựa, hoặc chạy bộ. Người phu trạm chạy tin ngày xưa, nay được coi là tiền thân của ngành bưu chính Việt Nam nên ngày 6 tháng 6 năm 1971, Tổng cục Bưu chính Việt Nam Cộng hòa đã cho phát hành con tem với hình người phu trạm phi ngựa để kỷ niệm 20 năm bưu hoa Việt Nam.
[3] Trích trong Quốc triều toát yếu (phần Chính biên), tr. 99.
[4] Dẫn lại theo Nguyễn Thanh Lợi, Đường thiên lý thời Nguyễn.
[5] Trích trong Đại Nam thực lục chính biên, tập 9, tr.191.
Tài liệu tham khảo:
-Nguyễn Đắc Xuân, Từ đường Thiên lý tới con đường Cái quan (bản điện tử) [http://lichsu.vn/Lich-su-Viet-Nam/235/Tu-duong-Thien-ly-toi-con-duong-Cai-quan.html]
-Nguyễn Thanh Lợi, Đường thiên lý thời Nguyễn (bản điện tử) [http://dongten.net/archives/2925/2]
-Nhiều người soạn (Trần Nam Tiến chủ biên), Hỏi đáp lịch sử Việt Nam. (tập 3). Nhà xuất bản Trẻ, 2007.
- Quốc sử quán triều Nguyễn, Quốc triều toát yếu (phần Chính biên). Nxb Văn học, 2002.
-Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục chính biên, tập 9, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1964.