Hình ảnh

Hình ảnh

Thứ Tư, 7 tháng 12, 2011

Danh thần triều Nguyễn: Phạm Phú Thứ



...Ông Thứ còn bỏ liêm bổng ra mua 1.000 phương gạo gửi về chia ra phát chẩn cho dân đói ở Quảng Nam, nhân đó cứu sống được nhiều người...

Phạm Phú Thứ (chữ Hán: 范富恕; 1821-1882), trước tên là Phạm Hào (khi đỗ Tiến sĩ, được vua Thiệu Trị đổi tên là Phú Thứ), tự: Giáo Chi, hiệu Trúc Đường, biệt hiệu: Giá Viên; là một đại thần triều nhà Nguyễn, và là một trong số người có quan điểm canh tân nước Việt Nam trong những năm nửa cuối thế kỷ 19.

I. Thân thế:
Phạm Phú Thứ sinh năm Tân Tỵ (1821) tại làng Đông Bàn, huyện Diên Phước, tỉnh Quảng Nam (nay thuộc thôn Nam Hà 1, xã Điện Trung, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam).

Ông xuất thân trong một gia đình Nho giáo, có tiên tổ từ Trung Quốc sang. Cha ông là Phạm Phú Sung, mẹ ông là Phạm Thị Cẩm (người làng Trừng Giang, và là con gái một ông đồ).

Nhà nghèo, mẹ mất sớm (lúc ông 7tuổi), nhưng nhờ thông minh, chăm chỉ, và từng được Tùng Thiện Vương (Miên Thẩm) dạy dỗ, nên ông Thứ sớm có tiếng là người học giỏi.

II. Thi đỗ, làm quan:
Năm Thiệu Trị thứ 2 (1842), Phạm Phú Thứ dự thi Hương, đỗ Giải nguyên khi mới 21 tuổi. Năm sau (Quý Mão, 1843), dự thi Hội, ông cũng đỗ đầu (Hội nguyên). Khi vào thi Đình, ông đỗ luôn Tiến sĩ cập đệ [1].

Buổi đầu (1844), ông được bổ làm Biên tu. Năm sau (1845), thăng ông làm Tri phủ Lạng Giang (nay thuộc tỉnh Bắc Giang), rồi thăng làm Thị Độc. Một thời gian sau, vì có tang cha, ông xin nghỉ chức.

Năm Tự Đức 2 (1849), ông được chuyển qua Viện Tập hiền làm chức Khởi cư chú (thư ký ghi lời nói và hành động của vua), rồi sang tòa Kinh diên (phòng giảng sách cho vua).

Năm 1850, thấy nhà vua ham vui chơi, lơ là việc triều chính, ông mạnh dạn dâng sớ can gián, nên bị cách chức và giam ở nhà lao Thừa Phủ (Huế). Xét án, triều đình khép ông vào tội đồ (đày đi xa); song nhà vua cho rằng đó chỉ là "lời nói khí quá khích, không nở bỏ, nhưng răn về (tính) nóng bậy", nên ông chỉ bị đày làm “thừa nông dịch” (lính trạm chuyên chạy về việc canh nông) ở trạm Thừa Nông (Huế).

Năm 1852, ông được khôi phục hàm Biên tu (hàm lúc sơ bổ). Năm 1854, cử ông làm Tri phủ Tư Nghĩa thuộc tỉnh Quảng Ngãi. Tại đây, ông tổ chức và vận động dân chúng lập được hơn năm mươi kho nghĩa thương để phòng khi chẩn tế cho dân. Với việc làm đó, ông được cử giữ chức Viên ngoại lang ở bộ Lễ.

Năm 1855, ông được điều sang công tác quân sự để giải quyết cuộc bạo động của người Thượng ở Đá Vách (thuộc tỉnh Quảng Ngãi). Sau khi dẹp yên, ông được thăng chức Án sát sứ ở hai tỉnh là Thanh Hóa và Hà Nội.

Năm 1858, ông được chuyển về làm việc ở Nội các tại Huế.

Năm 1859, ông xin về quê để dưỡng bệnh và cải táng mộ cha. Khi trở lại triều, ông dâng sớ xin đắp đê Cu Nhí, đào sông Ái Nghĩa, đồng thời xây dựng công sự bố phòng và luyện tập quân sự ở tỉnh nhà (Quảng Nam).

Năm 1860, từ Nội các, ông được thăng chức Thị lang bộ Lại, rồi thăng làm Thự Tham tri của bộ này.

Đầu năm 1863, sau khi vua Tự Đức xét trong mấy điều khoản trong Hòa ước Nhâm Tuất còn có chỗ chưa thỏa, liền sung Phạm Phú Thứ làm Khâm sai vào ngay Gia Định, hội với Phan Thanh Giản và Lâm Duy Hiệp (hay Thiếp) để đàm phán với quan soái Pháp và quan đại thần nước Y Pha Nho (Tây Ban Nha). Không hoàn thành nhiệm vụ, ông phải bị giáng một cấp. Tháng 5 (âm lịch) năm này, ông được cử làm Phó sứ, cùng với Chánh sứ Phan Thanh Giản và Bồi sứ Ngụy Khắc Đản, sang Pháp và Tây Ban Nha với nhiệm vụ xin chuộc lại ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ.

Tháng 2 (âm lịch) năm 1864, sứ bộ về đến Huế. Sau đó, ngoài bản tường trình cốt để thuyết phục vua Tự Đức mau “cải cách việc học tập và phát triển công nghiệp”, Phạm Phú Thứ còn dâng lên vua hai tác phẩm do ông làm trong chuyến đi, đó là Tây hành nhật ký và Tây Phù thi thảo. Vua xem cảm động, có làm một bài thơ để ghi lại việc này. Được tin cậy, nhà vua thăng ông làm Tham tri bộ Lại.

Năm 1865, thăng ông chức Thự Thượng thư bộ Hộ, sung Cơ mật viện đại thần. Ở chức việc này, ông đã mật tâu xin đặt 4 Tuyên phủ sứ ở Quảng Trị, Bình Định, Nghệ An và Hưng Hóa; đồng thời xin đặt “trường giao dịch chợ búa, sửa thuế thương chính, lập thổ tù” ở các nơi ấy để làm “mạnh vững nơi biên phòng, nhưng việc rút cục không thành”.

Năm 1866, quan soái Pháp phái tàu đến cửa Thuận An (Huế) đưa thư đòi “quản luôn ba tỉnh là Vĩnh Long, An Giang và Hà Tiên”, vì ở đây “bọn trộm cướp thường qua lại”. Nhà vua liền sai Phạm Phú Thứ và Phan Huy Vịnh đến “xin giữ giao ước cũ lâu dài”.

Năm 1867, Phan Thanh Giản mất, triều đình cử Phạm Phú Thứ làm người điều đình với Pháp. Song thực dân Pháp không hài lòng về cách xử sự cứng rắn của ông, còn triều đình Huế thì không hài lòng vì việc thương lượng cứ đỗ vỡ. Cuối cùng, ông bị Ngự sử đàn hặc, và bị gọi về kinh "hậu cứu".

Năm 1873, vì phạm lỗi, ông lại bị giáng làm Thị lang, rồi khai phục chức Tham Tri.

Năm 1874, triều đình cho mở nhà thương chính ở Bắc Kỳ. Nhà vua cho ông “là người am hiểu, và có tài cán lão luyện”, nên tháng 10 (âm lịch) năm đó, đổi ông làm Thự Tổng đốc Hải Yên (còn gọi là Hải An, gồm Hải Dương và Quảng Yên), kiêm sung Tổng lý thương chánh Đại thần. Đến nơi, gặp lúc đê huyện Văn Giang (nay thuộc Hưng Yên) vỡ, nước lũ tràn cả hai phủ là Bình Giang và Ninh Giang thuộc Hải Dương. Thấy dân đói khổ, ông lập tức xin trích năm vạn phương gạo ở kho Hưng Yên để phát chẩn. Đồng thời, lại phái thuộc hạ đem những người dân còn khỏe mạnh đến Đông Triều, Nam Sách...khẩn hoang, cày cấy kiếm sống.

Năm 1876, chuẩn cho Phạm Phú Thứ được thực thụ chức Tổng đốc Hải An. Để yên dân, ông xin đặt trường mua gạo ở chợ An Biên (thuộc huyện An Dương, Hải Phòng) và Đồ Sơn (thuộc huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh); đồng phái Thương biện là Lương Văn Tiến (anh em họ ngoại với Phú Thứ) đi hiểu dụ lưu dân, tạo công ăn việc làm cho họ, để họ thôi “càn rỡ, ngang ngược”. Ngoài ra, ông còn cho khai rộng sông ở phủ Bình Giang, mở Nha Thương Chánh và trường học chữ Pháp ở Hải Dương vào năm 1878, v.v....

Năm 1878, thăng ông làm Thự Hiệp biện Đại học sĩ, song vẫn lĩnh chức vụ cũ. Cũng trong năm này, Khâm phái ngự sử là Dương Hoàn tâu lên rằng: "Lương Văn Tiến (lúc này đang làm Giám đốc việc tuần phòng ngoài biển) cậy thế chở gạo ra ngoại quốc"...Vì vậy, Phạm Phú Thứ phải về Huế, để chữa bệnh và đợi án. Năm 1880, khi bản án dâng lên, ông bị giáng lám Quang lộc tự khanh, lĩnh chức Tham tri bộ Binh. Nhân có bệnh, ông xin về quê.

III. Qua đời:
Tháng 12 (âm lịch) năm 1881, nước Tây Ban Nha dâng tặng khánh vàng hạng nhất, đồng thời gửi tặng khánh vàng cho các quan đại thần là Trần Tiễn Thành, Nguyễn Văn Tường, Hoàng Diệu và ông.

Năm Tự Đức thứ 35 (Nhâm Ngọ, 1882), Phạm Phú Thứ mất tại quê nhà “giữa những ngày u ám nhất của vận mệnh chế độ phong kiến nhà Nguyễn”, thọ 61 tuổi.

Nghe tỉnh thần tâu lên, vua Tự Đức thương tiếc ban dụ, trong đó có đoạn: “Phú Thứ kinh lịch nhiều khó nhọc, đi đông sang Tây, dẫu yếu đuối cũng vâng mệnh không dám từ chối. Về việc trông coi Thương chính ở Hải Dương, khi tới nơi công việc đều có manh mối, sau này nên lấy đó noi theo. Những lưu dân, gian phỉ chứa ác ở Quảng Yên, Thứ tới kinh lý cũng được yên. Rồi mở đồn điền ở Nam Sách, thực là lo xa chu đáo, đó là công cán ngày thường rực rỡ đáng nêu. Gia ơn cho truy phục nguyên hàm Thự Hiệp biện Đại học sĩ và chuẩn cho thực thụ, cũng sắc cho địa phương tới tế một tuần” [Chính biên, tr. 758]. Theo GS. Trần Văn Giáp, thì sau đó ông còn được ban tên thụy là Văn Ý công.

Sinh thời, ông thường giao thiệp với các thi nhân có tiếng lúc bấy giờ như anh em Tùng Thiện Vương, Phan Thanh Giản, Trương Đăng Quế, Bùi Văn Dị, v.v...

IV. Tác phẩm:
Tác phẩm của Phạm Phú Thứ toàn bằng chữ Hán, gồm có:

■Tây phù thi thảo (Bản thảo tập thơ đi sứ phương Tây)
■Tây hành nhật ký (Nhật ký đi sứ phương Tây). Tập văn này và tập thơ trên, ghi lại khá tỉ mỉ những điều mắt thấy tai nghe về kinh tế, chính trị, phong tục, tập quán của người phương Tây, trong chuyến đi sứ dài ngày vào năm 1863.
■Trúc Đường thi văn tập (Tập thơ văn của Trúc Đường)
■Giá Viên toàn tập (Toàn tập Giá Viên). Cả thảy có 26 quyển: 13 quyển thơ, 13 văn; gồm đủ các thể loại thơ, tấu, phú, văn tế, ký...
■Bản triều liệt thánh sự lược toản yếu
■Thuật tiên đức
■Lịch triều thống hệ niên phả toát yếu

Ngoài ra, ông còn cho khắc in để phổ biến một số sách thực dụng do người Trung Quốc dịch từ sách tiếng Anh ra chữ Hán, như: Bác vật tân biên (sách nói về khoa học), Khai môi yếu pháp (sách nói về cách khai mỏ), Hàng hải kim châm (sách nói về cách đi biển), Vạn quốc công pháp (sách nói về cách thức giao thiệp quốc tế), góp phần vào tư tưởng canh tân của Nguyễn Trường Tộ, Nguyễn Lộ Trạch....
Nhận thấy đây đều là những sách cần thiết, tháng 3 nhuận (âm lịch) năm 1879, vua Tự Đức đã “khiến quan tỉnh Hải Dương (chỉ Phạm Phú Thứ) in cho nhiều mà bán, để quan lại và học trò học tập. Đến tháng 7 nhuận (âm lịch) năm 1881, lại khiến tỉnh Hải Dương khắc in 4 bộ sách ấy để ban cấp cho các trường học trong ngoài” [Quốc triều sử toát yếu, phần "Chính biên", tr. 485-486].

V. Được khen ngợi:
V.1. Là một viên quan tốt:
Sử nhà Nguyễn chép:
"(Phú Thứ) dẫu làm làm quan xa, mà tình trạng chốn quê quán chưa từng không quan tâm. Như khi ở Hải Đông, hạt Quảng Nam luôn năm đói kém, mà việc tuần phòng ở ngoài biển thì gạo cấm khá nghiêm, bèn thương lượng tạm bỏ điều cấm (ấy), hoặc quyền nghi cho thuyền chốn người Thanh, người Kinh chở gạo Bắc về Quảng Nam phân tán phát mại. Ông còn bỏ liêm bổng ra mua 1.000 phương gạo gửi về chia ra phát chẩn cho dân đói ở huyện hạt, nhân đó cứu sống được nhiều người, đến nay người vẫn nhớ"...[Chính biên, tr 758].

Thiếu tướng Đỗ Mậu trong hồi ký của mình cũng đã viết rằng:
"Cụ Phạm Phú Thứ là một nhà nho tuy ra làm quan...nhưng cụ luôn hành xử một cách thanh liêm, cương trực, và từng tỏ thái độ bất khuất đối với người Pháp, nên được giới sĩ phu và nhân dân miền Trung hết lòng ngưỡng mộ" [2].

V. 2 Là một nhà thơ có tài:
Nói về thơ của Phạm Phú Thứ, trong Từ điển bách khoa toàn thư, có đoạn: "Một số bài thơ trong “Giá Viên thi tập” bộc lộ cảm xúc của người chưa quên mình “vốn là học trò nghèo ở thôn quê”, chia sẻ nỗi vui buồn với ngư dân, nông dân trong cuộc sống hằng ngày của họ". Từ điển văn học (bộ mới) có nhận xét tương tự, đồng thời cũng nói thêm rằng “chính từ những tình cảm lành mạnh ấy, ngay lúc sinh thời, thơ văn ông đã được nhiều người tán thưởng”.

V. 3 Ghi công:
Hiện nay, lăng mộ Phạm Phú Thứ ở tại quê nhà tại làng Đông Bàn, đã được chính quyền địa phương cùng con cháu dòng tộc Phạm Phú tôn tạo lại, và đã được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.

Tên ông cũng đã được dùng để đặt tên cho hai ngôi trường, đó là: Trường trung học phổ thông Phạm Phú Thứ tại Gò Nổi (Điện Bàn, Quảng Nam), và trường Trung học phổ thông Phạm Phú Thứ tại xã Hòa Sơn (Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng). Ở quận Tân Bình, thuộc thành phố Hồ Chí Minh, cũng có con đường mang tên ông.

Bùi Thụy Đào Nguyên, giới thiệu.
Chú thích:
[1] Chép theo Chính biên (tr. 758). Tiến sĩ cập đệ gồm ba thí sinh đỗ cao nhất, nhưng sách này không ghi rõ ông Thứ đã đạt danh hiệu gì.
[2] Trích trong Việt Nam máu lửa quê hương tôi (hồi ký) của Hoàng Linh Đỗ Mậu (nguyên là Thiếu tướng trong quân đội Việt Nam Cộng hòa). Nxb Công an Nhân dân, 1995, tr. 319. Cũng theo tác giả này, phi công Phạm Phú Quốc, người tham gia ném bom dinh Độc Lập năm 1962, thuộc dòng dõi ông Thứ.

Sách tham khảo:
■Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam chính biên liệt truyện (viết tắt là "Chính biên"), truyện: “Phạm Phú Thứ”. Nxb Văn học, 2004.
■Quốc sử quán triều Nguyễn, Quốc triều sử toát yếu, phần "Chính biên". Nxb Văn học, 2002.
■Trần Văn Giáp, Tìm hiểu kho sách Hán Nôm (toàn tập). Nxb Khoa học xã hội, 2003.
■Nguyễn Kim Hưng, mục từ “Phạm Phú Thứ” in trong Từ điển văn học (bộ mới). Nxb Thế giới, 2004.
■Nhiều người soạn, Từ điển bách khoa toàn thư Việt Nam, mục từ “Phạm Phú Thứ” (bản điện tử) (http://dictionary.bachkhoatoanthu.gov.vn/default.aspx?param=1607aWQ9MjI0MTgmZ3JvdXBpZD0ma2luZD1zdGFydCZrZXl3b3JkPXA=&page=3)

Thứ Hai, 14 tháng 11, 2011

Lược sử con đường Cái quan

Đường Cái quan còn gọi là đường Quan lộ, đường Quan báo, đường Thiên lý [1], đường xuyên Việt; nay chính là Quốc lộ I A, chạy dài từ km 0 tại cửa khẩu Hữu Nghị Quan (Lạng Sơn) đến km 2301 + 340m tại thị trấn Năm Căn (Năm Căn, Cà Mau) trên lãnh thổ Việt Nam. Được hình thành dưới thời nhà Lý và kéo dài cho đến tận thời Nguyễn, đường cái quan đã đóng vai trò hết sức quan trọng trong kinh tế cũng như quốc phòng. Nó góp phần to lớn trong công tác quản lý đất nước, do vậy nhà Nguyễn đã đặc biệt chú trọng đến việc xây dựng và phát triển tuyến đường huyết mạch này.

I. Lịch sử hình thành:
1.1 Trước thời nhà Nguyễn:
Ở buổi đầu dựng nước và sau đó, Việt Nam là một nước chuyên về nông nghiệp, nhân dân chỉ sống trong vòng kinh tế “tự cung tự cấp”, nếu cần giao lưu từ vùng này sang vùng khác người ta thường sử dụng đường thủy. Song về mặt quản lý lãnh thổ, nhà nước vẫn phải có đường để nối liền các địa phương, vì thế đường bộ Việt Nam đã ra đời.
Trước khi có đường Cái quan, dưới thời Lý Thái Tông (ở ngôi: 1028-1054), ở Việt Nam đã có hệ thống đường Quan lộ. Mỗi tuyến đường được chia ra từng cung, có cắm biển gỗ để chỉ phương hướng, có người cai quản, và đặt nhà trạm (tức dịch trạm, cách nhau khoảng 15-20 km), chủ yếu là để chuyển công văn [2], tài vật từ kinh đô đi khắp nơi và ngược lại, đồng thời làm nơi nghỉ chân của các quan lại triều đình trên đường công cán.
Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân, thì đường Cái quan chính thức được xây dựng vào năm Ất Mão (1375), dưới thời Trần, để nối liền kinh thành Thăng Long với Thanh Hóa. Đến thời Hồ, vào năm 1402, con đường được đắp tiếp vào đến Châu Hóa (Huế).
Năm Tân Mão (1471), vua Lê Thánh Tông dẫn quân đi bình Chiêm. Sau chiến thắng Chà Bàn, đạo thừa tuyên Quảng Nam thừa tuyên được thành lập vào tháng 6 (âm lịch) năm đó. Để tiện việc coi giữ, nhà vua đã cho tổ chức lại hệ thống giao thông liên lạc thông suốt từ Thăng Long cho đến phủ Hoài Nhơn (Bình Định) bằng đường bộ.
Năm Mậu Ngọ (1558), Đoan Quốc công Nguyễn Hoàng vào trấn nhậm đất Thuận Quảng, tiếp theo là xảy ra cuộc tranh giành thế lực giữa họ Trịnh và họ Nguyễn (sử cũ gọi là thời Trịnh-Nguyễn phân tranh), kéo dài suốt 2, 5 thế kỷ. Để phục vụ cho chiến tranh, con đường này đã được đôi bên cho sửa sang, mở rộng. Sau đó, đường Cái quan được nối dài theo sự nghiệp mở nước về phương Nam của dân tộc Việt, và vào khoảng 1757 dưới thời chúa Nguyễn Phúc Khoát, con đường vào đến đất Hà Tiên.
Năm 1792, chúa Nguyễn Phúc Ánh (sau này là vua Gia Long) đã cho đắp đường từ Mỹ Tho qua giồng Kiến Định và bắc cầu Quỳ Tông. Trong năm này, ông đã huy động dân binh đắp đường thiên lý phía nam từ Gia Định dọc theo giồng cát xuống Trấn Định, qua Thủ Đoàn, giồng Cai Yến, giồng Tha La, giồng Kỳ Lân, giồng Cai Lữ, giồng Trà Luộc, giồng Cai Lễ, giồng Thủ Triệu, Cái Thia... Hai bên đường thiên lý đặt nhiều quán trạm.

1.2 Dưới thời nhà Nguyễn:
Đường Cái quan phát triển mạnh mẽ nhất là triều Nguyễn, và thực sự trở thành “huyết mạch kinh tế và hệ thần kinh quản trị quốc gia”.
Sau thời kỳ Nam Bắc phân tranh kéo dài hàng mấy trăm năm, vua Gia Long thấy đường sá giao thông là vấn đề khẩn yếu cho việc chính trị và quân sự nên đã sai quan trấn nhậm các doanh trấn phải sửa chữa, bắc cầu ván qua sông suối và uốn thẳng lại con đường Thiên lý. Cụ thể là vào tháng 3 (âm lịch) năm 1809, nhà vua sai Nguyễn Huỳnh Đức và Lê Chất đi coi công việc sửa đắp đường quan các tỉnh là Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên và Khánh Hòa. Sách Quốc triều toát yếu (phần Chính biên) chép: "…Ngài (Gia Long) nghĩ đàng cũ quanh co, khiến Nguyễn Hoàng (Huỳnh) Đức, Lê Chất giăng dây cho thẳng, bắt dân sửa lại. Cho hoãn việc trưng binh, đình việc tạp tụng; chỗ nào có mồ mả thời cấp tiền cho dân dời đi chỗ khác, và trồng cây hai bên đàng” [3].
Đầu năm 1810, vua Gia Long lại sai Giám thành Nguyễn Văn Học lo việc sửa cầu cống đường sá ở các địa phương Quảng Đức (Thừa Thiên Huế), Quảng Trị, Quảng Bình. Công việc gồm có "đo xem thế đất, lấy dân sửa đắp, cấp cho (dân) lương ăn hàng ngày". Vua lại dặn thêm Nguyễn Văn Học rằng "... trời mùa hè nóng nực, không nên đúc thốc (dân) làm quá, để nới sức dân" [4].
Năm 1812, De la Bissachere trong “Etat actuel du Tonkin de la Cochinchine et les royaumes de Cambodge, Laos et Lac Tho” xuất bản ở Paris (Hiện trạng Bắc Kỳ, Nam Kỳ, các vương quốc Lào, Campuchia và Lạc Thổ) đã mô tả về con đường Cái quan lúc bấy giờ như sau: “… có một con đường lớn nối Phú Xuân và Đông Kinh (Hà Nội). Con đường này đẹp như đường châu Âu… đường tuy không lát gạch đá, nhưng chỗ nào không vững chắc thì người ta đổ gạch, đá vụn và đóng cọc để củng cố; đường làm hơi vồng lên ở giữa để thoát nước ra hai vệ đường. Hai bên đường có rãnh thoát nước và trồng cây…”
Đến tháng 10 năm ất Hợi (1815), vua Gia Long lại sai Tổng trấn Lê Văn Duyệt làm đường từ Sài Gòn đi về phía tây. Bắt đầu từ cửa Đoài Nguyệt ở phía tây thành Bát Quái, qua cầu Tham Lương (đường Trường Chinh nay), qua bến đò Thị Sưu, qua đầm Lão Đống, giáp ngã ba đường sứ tới Khê Lăng đến đất Kha Pha (Cao Miên)... Chỗ gặp sông ngòi thì bắc cầu, đầm lầy thì đắp đất, gặp rừng thì đốn cây. Mặt đường rộng 6 tầm (12,72 m), đường thông suốt cho người và ngựa….
Tiếp tục sự nghiệp của vua cha, mới lên ngôi được hai năm (1821), vua Minh Mạng cho phép Bình Thuận huy động dân chúng đi phát chặt những cây rừng rậm rạp ở hai bên đường cái mở rộng thêm mỗi bên 10 tầm .
Năm 1832, vua Minh Mạng lại dụ cho bộ Công: “…đường cái quan có nhiều chỗ núi cao, lính trạm leo trèo, nhân dân đi lại, có nhiều khó khăn trở ngại. Vậy truyền lệnh cho các quan địa phương xem xét địa phận hạt mình, chỗ nào có đá lớn ngăn trở, thì đốt cho nát phá bỏ đi, cốt rộng từ 4 – 5 thước trở lên, đủ đi lại được; chỗ nào vì nước mưa lụt chảy xói, lâu ngày thành trũng sâu, thì đá lấp đầy, hoặc xây thành bậc, cho được bằng phẳng, rồi ủy cho phủ huyện thuê dân làm, trả công ưu hậu bằng tiền và gạo, rộng cho thời hạn, cốt được thành công để lợi ích lâu dài” [5].
Năm 1835, vua Minh Mạng cho đắp các đường bộ ở các tỉnh Nam Kỳ dùng vào việc quan báo, khắc phục việc đi lại chủ yếu bằng đường thủy trước đây. Từ thành Định Tường còn có thêm 3 tuyến đường quan trọng khác: đường từ bắc thành Gia Định đến Định Tường, dài 10.800 trượng (từ Sài Gòn đi Cần Giuộc, Cần Đước, Gò Công, Chợ Gạo đến Mỹ Tho); đường từ cửa tây thành Định Tường đến địa giới tỉnh Vĩnh Long, dài 6.600 trượng (từ Mỹ Tho cặp sông Tiền đến Cái Thia); đường từ đông nam thành Vĩnh Long đến địa giới Định Tường (từ Vĩnh Long đến bến đò sang Cái Thia).
Lúc bấy giờ, con đường cũng được chia thành nhiều cung, mỗi cung trung bình dài khoảng 25-30 dặm (15km-20km). Để có chỗ canh phòng, vận chuyển công văn giấy tờ, và làm nơi đón đưa quan lại trú đêm trên đường; ngay từ thời Gia Long, triều đình đã cho dựng ở giữa hai cung một nhà trạm gồm ba gian hai chái bằng gạch ngói hay cây lá, theo cùng một kiểu do bộ Công quy định, có hào và tường bao bọc chung quanh, lại có chòi gác bốn phía. Trên cửa ra vào có treo biển khắc tên trạm. Ở mỗi trạm đều có nhiều phu trạm (khoảng 50 người) và ngựa (khoảng 3 con) để làm nhiệm vụ chuyển tải công văn giấy tờ, khiêng cáng và đồ dùng của quan lại qua đường. Quản lý và điều hành sự vụ các dịch trạm trên đường Thiên lý là chức năng của ty Bưu chính, còn việc đưa lệnh của triều đình và thu nhận báo cáo của các địa phương là nhiệm vụ của ty Thông chính sứ. Người của hai cơ quan này phải túc trực ngày đêm để điều hành công việc được thông suốt.
Nhìn chung, con đường Cái quan ngày trước cũng chỉ là con đường đất, chạy qua các làng mạc hoang vu, dân cư còn rất thưa thớt, qua những đèo dốc và rừng hoang. Khó khăn chính trên tuyến đường này là chưa bắc được nhiều cầu qua các sông suối nhất là vào mùa mưa lũ. Và phương tiện đi lại, ngoài ngựa, võng, kiệu, cáng dành cho quan lại với một số xe bò, xe trâu chuyên chở hàng hóa, lương thực, còn hầu hết nhân công đi bộ mang vác.
Sau ngày Thất thủ Kinh đô (tháng 7 năm 1885), thực dân Pháp tiến hành mở rộng con đường đi qua đèo Hải Vân để nối liền cửa biển Đà Nẵng (nơi các chiến hạm của Pháp neo đậu) với Kinh đô Huế. Công trình do Đại úy công binh Besson đảm trách. Thực dân Pháp đã cưỡng bức nhân dân các làng xã lân cận đi làm đường mà không được trả công. Cho đến lúc nào làm xong phần đường của địa phương mình mới được trả về quê quán. Vì quá công phẫn cho nên vào cuối tháng 12 năm 1886, dân chúng đã nổi dậy giết chết viên Đại úy Besson và tiêu hủy toàn bộ các bản thiết kế cùng phương tiện để làm việc làm đường. Sau đó họ đồng lòng bỏ việc tập thể kéo nhau về lại quê hương. Bởi thế để hoàn thành đoạn đường Huế - Đà Nẵng thực dân Pháp đã gặp nhiều thử thách hết sức khó khăn.
Đầu thế kỷ 20, thực dân Pháp chú tâm vào việc xây dựng và khai thác các tuyến đường sắt, còn đường bộ chúng bỏ lửng. Mãi cho đến sau năm 1912, Toàn quyền Sarraut mới chú ý trở lại. Năm 1918, thực dân Pháp ký nghị định chia đường bộ Việt Nam thành hai loại: đường thuộc địa (routes colonials) và đường địa phương (routes régionales). Đường thuộc địa (21 đường) do tổng ngân sách Đông Dương đài thọ, đường địa phương do các ngân sách các kỳ phụ trách.
Đường thuộc địa số 1 được vạch theo con đường Cái quan của nhà Nguyễn nối Hà Nội với Sài Gòn. Con đường Cái quan được điều chỉnh lại và mở rộng, lát đá, rải nhựa, xây cầu cống, bến phà, và trở thành đường Quốc lộ I A ngày nay.

II. Trong Văn học Nghệ thuật:
Đường Cái quan đã được nhắc đến trong câu ca dao:
Đường cái là đường cái quan,
Chận em ra chợ làm tan chợ rồi.
Danh sĩ Nguyễn Thông trong một chuyến đi ra Bình Thuận đã sáng tác bài Long Thành – Phước Tuy đồ trung hoài cảm, trong đó đã nói lên nỗi cực nhọc và hiểm nguy khi đi trên con đường này (dịch từ chữ Hán):
Ve kêu tự chốn nào?
Về tối giọng thêm sầu.
Khách đi mệt muốn nghỉ
Vắng vẻ chốn rừng sâu!
Bên đường hổ đói thét,
Mảnh áo giọt sương thâu…
Vào những năm nửa thế kỷ 20, nhạc sỹ Phạm Duy đã lấy tên Con đường Cái quan để kể lại lịch sử cuộc Nam Tiến của dân tộc mình.
Bùi Thụy Đào Nguyên giới thiệu
Chú thích:
[1] Vì chủ yếu dành cho quan lại sử dụng nên có có các tên này. Từ “cái” ở đây có nghĩa là lớn. Từ “báo” ở đây có nghĩa là báo tin. Thiên lý có nghĩa là nghìn dặm, là rất xa.
[2] Công văn thường được đựng trong ống tre (có niêm phong, và đóng dấu cẩn thận) được chuyển đi bằng ngựa, hoặc chạy bộ. Người phu trạm chạy tin ngày xưa, nay được coi là tiền thân của ngành bưu chính Việt Nam nên ngày 6 tháng 6 năm 1971, Tổng cục Bưu chính Việt Nam Cộng hòa đã cho phát hành con tem với hình người phu trạm phi ngựa để kỷ niệm 20 năm bưu hoa Việt Nam.
[3] Trích trong Quốc triều toát yếu (phần Chính biên), tr. 99.
[4] Dẫn lại theo Nguyễn Thanh Lợi, Đường thiên lý thời Nguyễn.
[5] Trích trong Đại Nam thực lục chính biên, tập 9, tr.191.

Tài liệu tham khảo:
-Nguyễn Đắc Xuân, Từ đường Thiên lý tới con đường Cái quan (bản điện tử) [http://lichsu.vn/Lich-su-Viet-Nam/235/Tu-duong-Thien-ly-toi-con-duong-Cai-quan.html]
-Nguyễn Thanh Lợi, Đường thiên lý thời Nguyễn (bản điện tử) [http://dongten.net/archives/2925/2]
-Nhiều người soạn (Trần Nam Tiến chủ biên), Hỏi đáp lịch sử Việt Nam. (tập 3). Nhà xuất bản Trẻ, 2007.
- Quốc sử quán triều Nguyễn, Quốc triều toát yếu (phần Chính biên). Nxb Văn học, 2002.
-Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục chính biên, tập 9, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1964.





Thứ Ba, 8 tháng 11, 2011

Ngô Lợi

Ngô Lợi (1831[1] -1890), tên thật là Ngô Viện. Ngoài ra, ông còn có tên là Ngô Tự Lợi, hoặc được người trong đạo gọi tôn là Đức Bổn Sư hay Ông Năm Thiếp. Ông là Giáo chủ đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa (gọi tắt là đạo Hiếu Nghĩa), và là lãnh tụ phong trào kháng Pháp tại miền Nam Việt Nam vào cuối thế kỷ 19.

I. Thân thế:
Ngô Lợi là người ở huyện Mỏ Cày, tỉnh Bến Tre. Cha tên là Ngô Nhàn (? - 1937), làm nghề thợ mộc; mẹ tên Phạm Thị Xuyến, là người Bình An, tỉnh Định Tường (nay là tỉnh Tiền Giang).

Tương truyền từ nhỏ cho đến lúc trưởng thành, Ngô Lợi cũng không có biểu hiện gì khác lạ. Cho đến năm 1851, lúc 20 tuổi, ông viết Bà La Ni Kinh dài 223 chữ Hán, mang nội dung xưng tán Quán Thế Âm Bồ tát để khuyên người đời tu niệm, mà sau này trở thành quyển kinh quan trọng của đạo Hiếu Nghĩa.

Năm 37 tuổi, vào ngày mùng 5 tháng 5 năm Đinh Mão (1867), bỗng nhiên ông bất tỉnh. Sau 7 ngày 7 đêm, ông hồi tỉnh lại, trở thành người "giải thoát tẩy trần tâm, giáo nhơn tùng thiện đạo" (rũ sạch lòng trần, dạy người theo đạo lành) [2]. Bởi đi "thiếp" vào ngày trên và thỉnh thoảng ông lại có những cuộc đi thiếp như thế, nên người đời còn gọi ông là Năm Thiếp. Mỗi lần đi thiếp xong, ông thường nói những việc quá khứ và đoán định việc tương lai, nên được nhiều người tin theo. Vì vậy, về sau người trong đạo Hiếu Nghĩa cho rằng ngày 5 tháng 5 năm Đinh Mão (1867) chính là năm khai sáng đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa. Tuy nhiên, theo sách Địa chí An Giang (tập 2) thì đạo Hiếu Nghĩa ra đời tại núi Tượng (Ba Chúc, Tri Tôn, An Giang) vào năm 1876, tức là năm Ngô Lợi đưa một số đệ tử vào nơi đấy để khai hoang, lập chùa miếu và mở thôn ấp mới.

II. Sự nghiệp:
Sau khi “chứng đắc đạo quả” (theo cách nói của trong đạo Hiếu Nghĩa), ngày rằm tháng Giêng năm Nhâm Thân (1872), Ngô Lợi cho hợp ghe thuyền của tín đồ đi đến xã An Lộc (tổng An Lương, tỉnh An Giang) cất chùa ở cù lao Ba (nay là xã Vĩnh Trường, huyện An Phú), rồi lấy đó làm cơ sở truyền đạo.

Ông đã đi nhiều nơi vừa trị bệnh (nhất là trận dịch hoành hành dữ dội vào năm 1876), vừa thu nhận và dạy tín đồ thuyết "học Phật tu nhân, báo đáp tứ ân, hành xử theo thập nhị giáo điều". Tháng Giêng năm Bính Tý (1876), ông cho một tín đồ tên Trần Tịnh đi khảo sát vùng núi Tượng (nay thuộc thị trấn Ba Chúc, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang), rồi đưa một số đệ tử vào theo để khai hoang, lập chùa miếu và mở thôn ấp mới.

2.1 Khởi nghĩa ở Mỹ Tho:
Năm 1878, Ngô Lợi tổ chức hai cuộc lễ đại trai đàn, kéo dài ba đêm liền, vừa để cầu siêu cho những vong linh "vị quốc vong thân", vừa để khơi dậy ngọn lửa yêu nước trong lòng của hàng ngàn người đến dự.

Lần đầu diễn ra vào ngày 16 tháng 2 năm 1878 qui tựu hơn 200 người, rao giảng thuyết "Hội Long Hoa" và tuyên bố "đời Minh Hoàng được thành lập, ai không theo thì bị thú dữ, cọp beo trong rừng ăn thịt".

Lần thứ nhì diễn ra vào ngày 30 tháng 4 năm 1878. Trong lần này, ông phong Võ Văn Khả làm chánh tướng, Lê Văn Ong làm phó tướng để cùng lãnh đạo công cuộc kháng Pháp.

Ngày 2 tháng 5 năm 1878, cuộc nổi dậy đã nổ ra ở Cai Lậy (Mỹ Tho) nhưng nhanh chóng bị dẹp tan. Hai ông Ong và Khả bị xử chém tại Thuộc Nhiêu năm 1879, còn Ngô Lợi cùng nhiều nghĩa quân trốn thoát về làng An Ðịnh [10], căn cứ của đạo Hiếu Nghĩa, do ông cùng tín đồ khai hoang, lập ấp thuở trước.

2.2 Kháng Pháp nơi núi Tượng:
Màn lưới do thám của Pháp liền được lệnh truy lùng Ngô Lợi ráo riết, nhưng rốt cuộc không thu được kết quả nào, bởi ông được tin đồ và đồng bào mến mộ che giấu. Ngay cả thuộc hạ đắc lực của Đốc phủ Trần Bá Lộc là Hai Phép lãnh trách nhiệm theo dõi ông, cũng bị ông cảm hóa rồi theo phe kháng Pháp luôn. Đốc phủ Đỗ Hữu Phương cho tên Bửu, người Minh Hương, mua ba ngàn xâu chuỗi bồ đề từ Chợ Lớn xuống núi Tượng, cúng cho bổn đạo vẫn vẫn không dò hỏi được tin tức gì.
Một góc phố Ba Chúc tức thôn An Định xưa. Phía cuối đường là núi Tượng

Tức tối, thực dân Pháp nhiều lần tổ chức ruồng bố. Chỉ tính trong 12 năm (1876-1888), quân Pháp đã đến đốt phá, bắt bớ, tra tấn, tù dày những tín đồ ở làng An Ðịnh cả thảy bảy lần, tín đồ Hiếu Nghĩa gọi là “đạo nạn”, đơn cử như vào năm 1885, Ngô Lợi cùng với tín đồ đạo Hiếu Nghĩa kết hợp với nghĩa quân của Hoàng Thân Sivôtha (Campuchia) nổi dậy, đánh chiếm hai bờ kênh Vĩnh Tế và làm chủ Tịnh Biên. Nhưng ngay đó, quân Pháp do đại úy Ferussac đem quân chiếm lại và còn tấn công vào An Định, khiến Ngô Lợi phải cùng với nhiều tín đồ phải chạy sang Vườn Dầu, thuộc Campuchia để lánh nạn. Ngày 2 tháng 6 năm 1886, quân Pháp mở cuộc hành quân sang Campuchia, đánh vào căn cứ Vườn Dầu nhưng thất bại. Mặc dù cản ngăn được được đối phương, nhưng khi Ngô Lợi trở về núi Tượng, nhà cửa, chùa chiền ở An Định chỉ còn là những đống tro tàn.

Nhưng bi thảm nhất là vào năm 1887, quân Pháp do thiếu tá Peiqnaux ở Châu Đốc chỉ huy, cùng hai cộng sự là Trần Bá Lộc và cai tổng Trương Văn Keo kéo quân vào An Định. Bị kháng cự ở núi Trà Sư, nên khi Pháp tràn được vào làng, họ đã đốt sạch nhà cửa, chùa chiền, bắt nhiều người tra tấn để tìm Ngô Lợi.

Kết cuộc, Pháp xử bắn 8 người, đày ra Côn Đảo 13 người, cưỡng bức 407 gia đình gồm gần hai ngàn người già trẻ xuống tàu về quê quán và cho sáp nhập thôn An Định vào xã Ba Chúc, sáp nhập thôn An Thành vào xã Lương Phi...

III. Qua đời:
Ngày 13 tháng 10 âm lịch năm Canh Dần (1890), Ngô lợi mất vì bệnh tại tại chùa Bửu Linh, thuộc thôn An Hòa (nay là khóm An Hòa B, thị trấn Ba Chúc, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang), gần núi Tượng, lúc 59 tuổi [3]. Sau khi ông mất, phong trào kháng Pháp dần tan rã, chỉ còn lại đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa. Ngoài bản kinh Bà La Ni Kinh, từ năm 1879 đến năm 1884, Ngô Lợi còn truyền dạy cho tín đồ nhiều bài cung văn sớ điệp với nhiều nghi tiết cúng lễ. Sau, các vị đại đệ tử của ông đã ghi chép lại thành tập sách Ngọc Lịch Đồ Thơ Tập Chú.

IV Một vài nhận xét:
Tháng 10 năm 1885, chủ tỉnh Châu Đốc báo cáo:
“…Toàn là dân bất hảo, chống đối sự khai hóa của người Pháp. Họ ở tứ xứ gom về và tất cả đều theo đạo Phật (ý nói đạo Hiếu Nghĩa), nhưng là những phật tử có nhiệt tâm đến mức cuồng tín. Họ ra vẻ chí thú làm ăn, nhưng gặp cơ hội là họ khởi loạn nữa”...
Sau cuộc hành quân tìm diệt Ngô Lợi ở căn cứ Vườn Dầu vào năm 1886 nhưng thất bại, người Pháp viết:
“…Uy tín tinh thần của ông (Ngô Lợi) còn mạnh. Ông là giáo chủ tôn giáo mới...[4]

Tác giả Đinh Văn Hạnh nhận xét:
“… Có người nhận xét làng An Định là căn cứ của đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa và của phong trào Cần Vương toàn cõi Nam Kỳ. Thực ra, phong trào Cần vương mãi đến tháng 7 năm 1885 mới được phát động. Còn trước đó gần 10 năm, An Định đã là nơi hội tụ của những nghĩa quân thất bại trong những cuộc khởi nghĩa lớn... Họ về đây cùng với Năm Thiếp chờ cơ hội...[5]

Sách Địa chí An Giang đánh giá:
“…Ngô Lợi là một sĩ phu yêu nước của phong trào Cần Vương. Bị thực dân Pháp truy nã, ông từ Mỹ Tho về Ba Chúc dựng chùa tu hành để che mắt đối phương….Do vậy, làng An Định cùng đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa là nơi hội tụ của những người nuôi chí lớn, mong có ngày giải phóng quê hương khỏi tay quân xâm lược và đã gây cho Pháp nhiều khó khăn vất vả. Trong kháng chiến chống Mỹ, đã có nhiều đồng bào theo đạo này tham gia cách mạng...[6]

Bùi Thụy Đào Nguyên giới thiệu.
Chú thích:
[1] Theo nội dung trong “Ngọc lịch đồ thơ tạp chú” (chép tay bằng chữ Hán) và “Chánh tăng phật tích” (thơ lục bát bằng chữ Nôm), là 2 quyển tài liệu “bí truyền” của đạo Hiếu Nghĩa, thì Đức Bổn Sư (Ngô Lợi) sinh vào giờ Ngọ, ngày mùng 5 tháng 5 năm Tân Mão (1831)
[2] Trích kinh Hiếu Nghĩa. Thông tin thêm: Khi mới ra đời, đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa được Ngô Lợi gọi là "đạo Thờ ông bà" (hay "đạo Lành"), sau này tín đồ mới gọi đạo của mình là "đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa" (hay gọi tắt là "đạo Hiếu Nghĩa"). Quá trình phát triển đạo Hiếu Nghĩa gắn liền với phong trào kháng Pháp, với quá trình di dân, khai hoang lập làng ở vùng đồng bằng Nam Bộ. Và với đường hướng hành đạo là "Tu Nhân-Học Phật" (lấy đạo "hiếu" làm đầu, không đặt ra giới luật khắt khe và không có sự phân biệt, kiêng kị khác nhau giữa chức sắc và tín đồ) cùng với khả năng tổng hợp, hòa đồng các quan niệm cũng như các đối tượng thờ cúng của ba tôn giáo là Phật, Lão, Nho và tín ngưỡng dân gian; đạo Hiếu Nghĩa đã tạo nên sự phong phú, thăng bằng trong đời sống tâm linh và là tôn giáo đặc trưng của người dân ở vùng đất này.

[3] Tương truyền, trước đây vì sợ Pháp làm hại, đệ tử thân tín cõng xác Ngô Lợi, mà tín đồ gọi là kim thân, giấu trong hang (Vồ Cấm, Núi Tượng), đến khi bình yên mới kín đáo đưa về giấu nơi chùa Tổ (chùa Tam Bửu). Đến nay không biết kim thân có bị cháy cùng chùa vào năm 1978, khi quân đội Pôn pốt đến đốt phá, hay còn được cất giấu ở nơi đâu. Ngôi mộ Tổ (Ngô Lợi) nằm bên sân chùa Tam Bửu và ở thôn An Thành là mộ giả.
[4] Theo Rapports mensuels de Services (1887-1888).
[5] Cũng trong bài viết của Đinh Văn Hạnh, có một chi tiết rất đáng lưu ý là vào ngày 13 tháng 7 năm 1885, vua Hàm Nghi ban dụ Cần Vương. Phó tổng binh thành Hà Nội tên Lê Công Chánh đã xin về Bình Định tham gia cuộc khởi nghĩa của Mai Xuân Thưởng. Năm 1886, ông Chánh đến Bảy Núi gặp Ngô Lợi. Sau đó, Ngô Lợi cử người đi theo Chánh nhận bằng cấp và ấn triện, nhưng tất cả đều bị Pháp bắt, nên việc liên kết các phong trào Cần Vương không thành (Đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa với phong trào kháng Pháp, Nam Bộ xưa và nay, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, 2005, tr.185.)
[6] Địa chí An Giang tập 2, UBND tỉnh An Giang ấn hành, tr. 300 và 391.




Chủ Nhật, 30 tháng 10, 2011

Thái sư Lê Văn Thịnh



Ảnh: Tượng Thái sư Lê Văn Thịnh trong đền thờ tại thôn xã Đông Cứu (Bắc Ninh). Bài vị phía sau ghi là "Lê Thái sư Đại vương".

Lê Văn Thịnh (黎文盛, ? - ?), là người đỗ đầu trong khoa thi đầu tiên của Nho học Việt Nam, được bổ làm quan, dần trải đến chức Thái sư triều Lý. Năm 1084, ông thành công trong việc bàn nghị về việc cương giới với quan nhà Tống, khiến nước này phải trả lại 6 huyện 3 động thuộc châu Quảng Nguyên, cho Đại Việt (nay là Việt Nam). Tuy nhiên đến năm 1096 thì ông bị đày rồi mất, sau khi xảy ra "Vụ án hồ Dâm Đàm" (1095).

1. Tiểu sử:
Lê Văn Thịnh là người làng Đông Cửu, quê xã Chi Nhị, tổng Đại Lai, huyện Yên Định, lộ Bắc Giang; nay là thôn Bảo Tháp, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh.

Tháng 2 năm Ất Mão (1075), vua Lý Nhân Tông cho mở khoa thi Minh kinh bác học và thi Nho học tam trường, Lê Văn Thịnh dự thi và đã đỗ đầu [1].

Ban đầu, ông được vào hầu vua học, sau trải thăng chức Nội cấp sự, rồi Thị lang bộ binh vào năm Bính Thìn (1076).

Tháng 6 năm Giáp Tý (1084), ông được cử đi đến trại Vĩnh Bình (thuộc Cao Bằng ngày nay) để bàn nghị về việc cương giới với Chánh sứ nhà Tống là Thành Trạc. Sau khi đã phân giải mọi lẽ, nhà Tống chấp thuận trả lại cho Đại Việt (Việt Nam ngày nay) 6 huyện 3 động thuộc châu Quảng Nguyên (nay là phần đất ở phía Tây Bắc tỉnh Cao Bằng) mà họ đã chiếm trước đây, và cho thông sứ như cũ. Tiếc của, vì nghe đâu nơi ấy có vàng, người Tống có thơ rằng:
Nhân tham Giao Chỉ tượng
Khướt thất Quảng Nguyên kim.
(Vì tham voi Giao Chỉ
Bỏ mất vàng Quảng Nguyên).


Theo sử liệu, thì trong dịp này, Lê Văn Thịnh còn được vua Tống ban chức Long đồ đãi các chế [2], và sau đó được vua Lý Nhân Tông cất lên làm Thái sư vào năm Ất Sửu (1085).
Cống hiến cho nhà Lý thêm 10 năm thì xảy ra "vụ án hồ Dâm Đàm" vào năm Ất Hợi (1095). Sau đó (1096), ông bị đày đi Thao Giang (thuộc Tam Nông, Vĩnh Phú ngày nay).

Lê Văn Thịnh mất năm nào không rõ.

2. Vụ án hồ Dâm Đàm:
Sách “Đại Việt sử lược” ra đời vào thời Trần [3], kể lại vụ án như sau:
"Mùa đông, tháng 11, năm Ất Hợi (1095), nhà vua (Lý Nhân Tông) xem đánh cá ở Diêu Đàm (hay Dâm Đàm, nay là Hồ Tây, Hà Nội). Lúc bấy giờ vua ngự trong một chiếc thuyền nhỏ, thị vệ theo hầu rất ít. Thái sư Lê Văn Thịnh vốn có mưu gian, nhân cơ hội ấy mới dùng ảo thuật làm khói sương nổi thoắt lên bao phủ cả mặt hồ, ban ngày mà tối tăm mù mịt. Một lát, nhà vua nghe tiếng mái chèo sắp đến gần, vua có ý sợ xảy ra tai biến mới lấy cái mác phóng ra. Khói sương theo cái mác mà tan biến đi thì thấy thuyền của Lê Văn Thịnh đã đến gần, với đồ hung khí. Vua sai người bắt giữ Lê Văn Thịnh lại rồi hạ chiếu đem an trí ở miệt Thao Giang. Trước kia, trong nhà Lê văn Thịnh có tên đầy tớ là người Đại lý (tức Vân Nam, Trung Quốc ngày nay), giỏi làm ảo thuật, Lê Văn Thịnh học được phép của nó. Và, đến đây thì làm phản" (Bản dịch, tr. 174).

Sau đó, sách Đại Việt sử ký toàn thư ra đời vào thời Hậu Lê, kể lại vụ án như sau:
"Mùa xuân, tháng 3, Lê Văn Thịnh mưu làm phản, tha tội chết, an trí ở Thao Giang. Bấy giờ vua (Lý Nhân Tông) ra hồ Dâm Đàm, ngự thuyền nhỏ xem đánh cá. Chợt có mây mù nổi lên, trong đám mù nghe có tiếng thuyền bơi đến, tiếng mái chèo rào rào, vua lấy giáo ném. Chốc lát mây mù tan, thấy trong thuyền có con hổ, mọi người sợ tái mặt, nói: "Việc nguy rồi!". Người đánh cá là Mục Thận [4]quăng lưới trùm lên con hổ, thì ra là Thái sư Lê Văn Thịnh. Vua nghĩ Thịnh là đại thần có công giúp đỡ, không nỡ giết, đày lên trại đầu Thao Giang. Trước đấy Lê Văn Thịnh có gia nô người nước Đại Lý có phép thuật kỳ lạ, cho nên mượn thuật ấy toan làm chuyện thí nghịch” (Bản dịch, tập I, tr. 297).

So lại, nội dung vụ án khá giống nhau, tuy nhiên về sau rõ ràng có sự thêm thắt (rất hoang đường) khi cho rằng Lê Văn Thịnh đã "hóa hổ" để mưu sát.
Vụ án trên, lâu nay người ta đã bàn nhiều, có người nói vì ông bị nghị kỵ, nên bị hạ bệ; có người nói ông là nạn nhân bởi "sự xung đột ý thức hệ giữa Phật giáo (Quốc giáo, mà người đứng đầu là Thái hậu Ỷ Lan và vua Lý Nhân Tông) và Nho giáo (mà đứng đầu là ông) v.v...Tuy chưa thống nhất được nguyên nhân, nhưng có một điểm chung là Thái sư Lê Văn Thịnh đã bị hàm oan.

Hiện quê hương của Lê Văn Thịnh, có hai khu di tích lập ra để thờ ông (ở Thuận Thành và Gia Bình), và khu lăng mộ của ông cũng đã được trùng tu nhiều lần.

Bùi Thụy Đào Nguyên, giới thiệu.
Chú thích:
[1] Đời Lý chỉ mở khoa thi Minh kinh bác học và thi Nho học tam trường. Sang triều Trần, trước năm 1247, chỉ mở khoa thi Thái học sinh và phân định cao thấp (đệ nhất giáp, đệ nhị giáp, đệ tam giáp); đến năm này (1247), mới định lệ thi Tiến sĩ, cứ 7 năm (mở) 1 khoa, và đặt danh tam khôi...Sách Đại Việt sử ký toàn thư (bản dịch, quyển 2, tr. 19) chép: "Tháng 2 năm Đinh Mùi (1247), mở khoa thi chọn kẻ sĩ. Ban cho Nguyễn Hiền đỗ Trạng Nguyên, Lê Văn Hưu đỗ Bảng nhãn, Đặng Ma La đỗ Thám hoa...Trước đây, hai khoa Nhâm Thìn (1232) và Kỷ Hợi (1239), chỉ chia làm giáp, ấp, chưa có chọn tam khôi. Đến khoa này mới đặt. Theo đây, Nguyễn Hiền chính là người đầu tiên nhận danh hiệu Trạng nguyên, còn Lê Văn Thịnh chỉ là người "đỗ đầu" trong khoa thi đầu tiên của Nho học Việt Nam mà thôi.
[2] Theo Đại Việt sử lược, tr 169.
[3] Tính đến nay, Đại Việt sử lược là bộ sử biên niên thuộc hàng sớm nhất Việt Nam.
[4] Mục Thận (? - ?) lúc bấy giờ làm nghề chài lưới. Sau Vụ án hồ Dâm Đàm, ông được phong hàm Đô úy và được ban đất ở vùng Dâm Đàm làm thực ấp. Khi ông mất được dân chúng lập đền thờ, và còn được truy tặng là Thái úy, thụy Trung Duệ, tước Võ Lượng công (theo Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam, tr. 447).

Sách tham khảo:
-Khuyết danh, Đại Việt sử lược. Nhà xuất bản Thành phố Hồ Chí Minh, 1993.
-Ngô Sĩ Liên, Đại Việt sử ký toàn thư (Tập I và II). Nhà xuất bản Khoa học xã hội, Hà Nội, 1983.
-Trần Trọng Kim, Việt Nam sử lược. Nhà xuất bản Tân Việt, Sài Gòn, 1968.
-Nguyễn Q. Thắng-Nguyễn Bá Thế, Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam. Nhà xuất bản Khoa học xã hội, Hà Nội, 1992.




Truyện Lý Phục Man

Lý Phục Man (? - ?), không rõ họ tên thật (vì ông có công đánh dẹp quân Lâm Ấp, nên được đặt tên là "Phục Man", và được ban quốc tính họ "Lý"), là một danh tướng thời Lý Nam Đế ở thế kỷ 6 trong lịch sử Việt Nam.
Ông nổi tiếng là người giỏi võ nghệ, là một trung thần có nhiều công lao, nên khi mất, ông được nhân dân nhiều nơi tôn thờ làm Thành hoàng làng. Mặc dù vậy, trong sử cũ không thấy chép về ông. Tên và thần tích của ông xuất hiện lần đầu tiên trong Việt điện u linh tập thời Trần; và sau đó được kể lại trong Đại Nam nhất thống chí thời Nguyễn.


I. Tóm tắt thần tích Lý Phục Man:
1.1 trong Việt điện u linh tập:
Trong một chuyến tuần thú, vua Lý Thái Tổ (Lý Công Uẩn) đi đến Sở Bộ Đầu (tên gọi cũ của Yên Sở, thuộc Hoài Đức, Hà Nội ngày nay). Cảm khái trước vẻ đạp của phong cảnh, bèn rót rượu xuống dòng sông lớn mà khấn rằng: "Trẫm xem nơi đây thủy tú sơn kỳ khác hẳn mọi phương, nếu có linh hồn của những trang nhân kiệt, thì xin hãy nhận lễ cúng".
Đêm ấy, nhà vua mộng thấy một dị nhân cao lớn vạm vỡ, y phục trang nghiêm, đến cúi đầu lạy 2 lần, rồi tâu rằng:
"Thần vốn là người làng này, họ Lý tên Phục Man, đã theo giúp Lý Nam Đế (tức Lý Bí, ở ngôi: 544-548), và được phong làm tướng quân. Nhờ lòng trung liệt mà nổi danh, được cho trấn thủ đất Đỗ Động (Thanh Oai) và Đường Lâm (Ba Vì). Quân man (chỉ quân Lâm Ấp) đều sợ, không dám xúc phạm, cả một phương đều yên ổn. Đến khi thần thác, Thượng đế chấm lòng trung ấy, cho thần giữ chức cũ. Về công trạng, thần xin trình rõ vài điều mạo muội:
Xưa kia, thuở Cao Tổ nhà Đường (chỉ Lý Uyên) sắp làm vua, thần thường đem binh theo Khâu Hòa phá được cuộc nổi dậy của Ninh Thường Chân ở cửa Giáp Sơn. Qua đời vua Túc Tông (Lý Hanh), lại phá được quân Đại Thực Ba Tư ở cửa Thần Thạch. Sang đời vua Đại Tông (Lý Dự), lại phá quân Côn Lôn Chà Và ở Chu Diên. Lại khi Cao Vương (Cao Biền) phá nước Nam Chiếu, với lúc Ngô Tiên Chúa (Ngô Quyền) phá quân Nam Hán, Lê Đại Hành (Lê Hoàn) phá quân Tống; mỗi lần xuất quân, thần luôn ở trên không mù mịt, mang quỷ binh đi ám trợ, kết cuộc đều có công cả. Thần cũng từng cầm quỷ binh, dâng mệnh Thượng đế, phá quân Chiêm Thành ở Giáp Sơn...Đến khi thần mất, linh hồn chẳng tan, thôn dân kính mến, nhân thế mới lập đền thờ phụng. Hễ khi nào có dùng binh, thì thần lại ám trợ từ trên không, bọn nghịch tặc vào cướp đều bị ngăn chống cả...
Đoạn Lý Phục Man đọc 4 câu thơ:
Thiên hạ toàn mông muội,
Cô vi ẩn thanh danh.
Trung nguyên yết nhật nguyệt,
Quang diệu thị chạn hình.
Nghĩa là:
Thiên hạ đều tăm tối,
Vậy nên giấu thanh danh.
Giữa trời theo nhật nguyệt,
Rực rỡ thật chân tình.

Dứt lời, Lý Phục Man biến mất. Nhà vua chưa kịp đối đáp, bỗng giật mình tỉnh dậy, liền đem nói hết với kẻ tả hữu. Quan Ngự sử đại phu là Lương Văn Nhậm nói: "Đó là lời thần có ý muốn hiển linh để mà lập hình tượng". Nhà vua bèn sai người trong châu lập đền thờ và tạc một tượng thần như đã trông thấy trong mộng, rồi phong làm Phúc thần coi giữ một phương.

Trong niên hiệu Nguyên Phong (đời vua Trần Thái Tông), quân Thát Đát (quân Nguyên Mông) vào đánh. Đến đây, ngựa chúng què không thể tiến được. Thôn dân biết có sức thần giúp, bèn kéo ra cự chiến, giết được quân xấm lấn rất nhiều. Khi nước đã yên, liền có sắc phong thần làm Chứng An Quốc Công, và cho thôn ấy đổi làm Chứng An Hộ Xá.

Niên hiệu Trùng Hưng năm đầu (1285, đời Trần Nhân Tông), quân phương Bắc (chỉ quân Nguyên Mông) lại vào cướp phá nữa. Họ đi đến đâu cũng đều đốy rụi cả, nhưng tới nơi này thì như có người phòng hộ, nên không hề hấn gì. Lúc dẹp xong quân xâm lược, lại có sắc phong thần làm Chứng An Vương. Sang năm thứ 4 (1288), còn gia phong thêm 2 chữ Minh Ứng. Niên hiệu Hưng Long thứ 21 (1313, đời Trần Anh Tông), lại gia thêm 2 chữ Tá Quốc...(theo Lý Tế Xuyên, GS. Nguyễn Văn Uyên ghi là Hựu Quốc).

1.2 Trong Đại Nam nhất thống chí:
Sách Đại Nam nhất thống chí được biên soạn theo lệnh vua Tự Đức, ghi truyện Lý Phục Man như sau:
Ông là người làng Yên Sở (Hoài Đức, Hà Nội ngày nay), và có tài thao lược xuất chúng. Ông theo vua Lý Nam Đế và có những công trạng rực rỡ. Vua thấy ông là một bề tôi trung thành, bèn cử ông làm tướng và giao cho ông cai quản Đỗ Động và Đường Lâm. Quân man đều chịu quy phục, và nhân dân được sống yên ổn. Ông dẹp yên Lâm Ấp nhiều lần, vì thế Nam Đế phong ông làm Phục Man (bình định quân man), rồi cho ông mang họ Lý của hoàng tộc, và ban cho ông chức Thiếu úy. Từ đấy, ông tham gia bàn bạc mọi ở triều đình. Ông rất chính trực, nên ai cũng kính phục. Sau đấy, ông được cử đi giữ bờ cõi phía Lâm Ấp. Ông bị quân Lâm Ấp đánh thua, bèn tự vẫn, được đưa về mai táng ở làng Yên Sở, bên bờ Hồ Mã.

Vua Lý Thái Tổ, trong một chuyến tuần du, dừng chân tại Cổ Sở, nằm mộng thấy một người kỳ dị quỳ gối trước mặt mình. Người đó xưng là Lý Phục Man và tâu rằng: "Khi đất nước loạn lạc, chẳng ai nhận ra người bề tôi trung thành. Bây giờ mọi chốn đều yên ổn, nhật nguyệt tỏa sáng trên trời, và kẻ tôi trung có thể hiện ra". Rồi người đó biến mất. Nhà vua tỉnh giấc bèn truyền tạc một pho tượng thờ Lý Phục Man.

Vua Trần Thái Tông, một hôm ghé thuyền ở bến đò Hồ Mã, gần làng Yên Sở để ngủ đêm. Vua nằm mộng thấy ở giữa sông có một chiếc thuyền lớn tiến lại, vua mới hỏi: “Ai đó?”, người đàn ông trên thuyền liền đáp: “Thần là Lý Phục Man. Thượng đế sai thần canh giữ chốn này để che chở cho dân”. Nhà vua tỉnh dậy lập tức truyền mở rộng ngôi đền, và phong cho thần những tước hiệu mới.

Năm Nguyên Phong (đời vua Trần Thái Tông), quân Thát Đát (Nguyên Mông) đến cướp phá nước ta (nay là Việt Nam). Đến làng Cổ Sở, ngựa của chúng bị liệt không tiến lên được. Nhờ đó dân làng đánh tan được chúng. Dưới thời Trùng Hưng (đời Trần Nhân Tông), giặc Tàu (chữ trong Đại Nam Nhất thống chí, chỉ quân Nguyên Mông) sang cướp nước ta. Chúng phá phách mọi thứ trên đường đi. Làng Cổ Sở không bị xâm phạm. Hình như làng đó được thần che chở. Dưới thời Cảnh Trị nhà Lê (Lê Huyền Tông), vua lại ban cho thần những tước vị mới…

II. So sánh, đút kết:
Như trên đã nói, trong các sử cũ (như Đại Việt sử lược, Đại Việt sử ký toàn thư, Việt Nam sử lược) không có dòng nào biên chép về Lý Phục Man. Thông tin chủ yếu về ông có trong Việt điện u linh tập và Đại Nam nhất thống chí đều dựa vào truyền thuyết dân gian. Song so với truyền thuyết dân gian ở làng Yên Sở (nơi được xem là quê hương của Lý Phục Man) có mấy điểm, mà trong hai sách không chép, hoặc nói chưa rõ đó là:

-Lý Phục Man đã cưới công chúa Siêu (được khấn là Lý Nương, con Lý Nam Đế) làm vợ. Hiện nay, vị công chúa này cũng được thờ trong đình Yên Sở (còn gọi là Quán Giá), ở bên trái ông [1].
-Mộ thần Lý Phục Man, tương truyền nằm dưới đáy đầm sen rộng và sâu ở giữa vạt rừng, đằng sau đình Yên Sở.
-Lý Phục Man được quân Lý Nam Đế cử đi đánh quân Lâm Ấp. Sau khi đánh tan, ông nhận lệnh ở lại giữ biên cương, khiến họ không dám sang quấy nhiễu. Nhưng khi nhà Tiền Lý suy yếu, vua nhà Lương bên Trung Quốc phái Trần Bá Tiên sang đánh Lý Nam Đế, buộc nhà vua phải chạy lánh vào vùng động Khuất Lão (Tam Nông, Vĩnh Phú). Nghe tin đó, Phục Man càng ra sức canh phòng. Song quân Lâm Ấp vẫn chọc thủng biên giới, vây đánh quân ông. Thất thế, ông phải dẫn tàn quân chạy trốn. Vì thiếu lương thực và quân cứu viện, ông tự sát. Cảm thương chủ tướng, thuộc hạ đưa ông về táng tại Cổ Sở, bên bờ Hồ Mã. Như vậy, theo truyền thuyết, Lý Phục Man mất trong khi Lý Nam đế chạy trốn, và trước khi Triệu Quang Phục lên ngôi, tức trong khoảng thời gian giữa năm 546 và năm 548 [2].

Điều cần lưu ý khác, đó là ở Việt điện u linh tập, người soạn đã để Lý Phục Man kể lại thân thế của mình trong một “giấc mộng”; còn ở sách Đại Nam nhất thống chí thì phần đó do người soạn kể nên nó có vẻ thật hơn, và độ tin cậy cao hơn. Ngoài ra, ở Đại Nam nhất thống chí còn loại bỏ tất cả những gì mà thần Lý Phục Man đã giúp cho các vua bên Trung Quốc. Việc đó đã cho thấy "ý thức dân tộc lúc bấy giờ đã mạnh mẽ". Tuy nhiên, vì là “truyền thuyết” nên cuộc đời ông đã được thêu dệt ít nhiều, thực hư lẫn lộn.

Điều cần lưu ý nữa, đó là từ lâu, có một số người cố chứng minh rằng ông chính là danh tướng Phạm Tu, song đến nay vẫn chưa đủ sức thuyết phục. Trong sách Lịch sử Việt Nam (tập I), do Phan Huy Lê-Trần Quốc Vượng-Hà Văn Tấn và Lương Ninh cùng biên soạn, sau khi giới thiệu Lý Phục Man là một vị "tướng quân coi giữ một miền biên cảnh, trong một triều đình hẳn còn sơ sài, có Tinh Thiều làm tướng văn, Phạm Tu làm tướng võ"...các tác giả cũng đã kèm theo lời chú thích rằng: "Phạm Tu và Lý Phục Man là một hay hai người, và quan hệ với nhau như thế nào, đấy là một vấn đề đã được đặt ra từ rất lâu, nhưng chưa đủ cứ liệu khoa học để kết luận".[3]


Bùi Thụy Đào Nguyên, giới thiệu.

Chú thích:
[1] Sau này trong đình Yên Sở, người ta lại thờ thêm một nữ thần nữa, tên là Á Nương, và xem vị này là vợ thứ hai của Lý Phục Man. Theo lời kể, thì người đàn bà này họ Trần, vốn là một cô đầu thời Nguyễn sơ. Một hôm, bà đến dự hội làng Yên Sở thì đột nhiên biến mất, chỉ để lại quần áo trên "gò đuổi cầy". Ít lâu sau, trong làng có nhiều người chết. Nghe lời các thầy bói, dân làng thờ Á Nương ở bên phải Thần hoàng Lý Phục Man, từ đó thôn xóm được yên (lược theo GS. Nguyễn Văn Huyên, tr. 471-472).
[2] Theo GS. Huyên, ở Yên Sở còn có một truyền khác nói là Lý Phục Man không tự sát, mà là bị quân Lâm Ấp chém rơi đầu trong một trận kịch chiến.
[3] Trích trong Lịch sử Việt Nam (tập I, tr. 400). Thông tin thêm: Theo Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam (do Đinh Xuân Lâm, Trương Hữu Quýnh, Phan Đại Doãn biên soạn. Nxb Giáo dục in năm 2006) thì Lý Phục Man và Phạm Tu là hai người khác nhau. Các ông viết: “Lý Phục Man (? - 545) [một số tài liệu cho rằng Lý Phục Man mất năm 548]...Quân Lâm Ấp quấy phá biên giới, ông cùng Phạm Tu đánh lui,...ông có công khuất phục các thủ lĩnh dân tộc ít người trong vùng nên nhân đó vua Lý ban cho hiệu là Phục Man ...”

Sách tham khảo chính:
-Lý Tế Xuyên, Việt điện u linh tập lục toàn biên, truyện "Lý Phục Man" (Ngọc Hồ dịch). Nhà xuất bản Cửu Long, 1992.
-Nguyễn Văn Huyên, Góp phần nghiên cứu văn hóa Việt Nam (tập I), phần "Góp phần nghiên cứu một vị Thành hoàng Việt Nam: Lý Phục Man". Nhà xuất bản Khoa học xã hội, 2003.
-Phan Huy Lê-Trần Quốc Vượng-Hà Văn Tấn và Lương Ninh, Lịch sử Việt Nam (tập I). Nhà xuất bản Đại học và Trung học chuyên nghiệp, Hà Nội, 1983.
-Nhiều người soạn, Từ điển bách khoa Việt Nam, mục từ: "Lý Phục Man"





Thứ Ba, 25 tháng 10, 2011

Nguyên phi Ỷ Lan



Ỷ Lan (倚蘭, 1044?–1117) là vợ vua Lý Thánh Tông, và là mẹ vua Lý Nhân Tông trong lịch sử Việt Nam. Bà có rất nhiều đóng góp tích cực vào cơ nghiệp của nhà Lý.

1. Tên, xuất thân:
Theo truyện thơ nói về Ỷ Lan có tên là "Lý triều đệ tam Hoàng thái hậu cổ lục thần tích quốc ngữ diễn ca văn" (Văn diễn ca bằng quốc ngữ thần tích sao chép từ bản cổ Hoàng Thái hậu thứ ba triều Lý) của Trương Thị Trong (? - ?), một Thị nội cung tần của chúa Trịnh Cương, thì bà có tên là Lê Khiết Nương [1]. Cũng có nguồn cho rằng bà có tên là Lê Thị Yến hay Lê Thị Khiết. Tuy nhiên, bà được biết nhiều hơn qua cái tên Nguyên phi Ỷ Lan (Nguyên phi ở đây là bậc đứng đầu hàng phi, chỉ ở dưới bậc [[Hoàng hậu]], Ỷ lan có nghĩa là “tựa vào cây lan”) [2].

Theo truyền thuyết, Ỷ Lan sinh ngày 7 tháng 3 năm Giáp Thân (1044) tại vùng Thổ Lỗi (tên Nôm là Sủi, sau đổi là Siêu Loại, trước thuộc tỉnh Bắc Ninh; nay thuộc huyện Gia Lâm, Hà Nội).

Tuy nhiên trong truyện thơ trên, không nói rõ bà sinh năm nào, chỉ cho biết cha bà họ Lê (có nguồn ghi tên là Lê Công Thiết), làm chức quan nhỏ ở kinh thành Thăng Long; và mẹ (truyện thơ chỉ ghi hiệu là Tĩnh Nương, có nguồn ghi tên là Vũ Thị Tình), là một người làm ruộng tại thôn Thổ Lỗi.

Đến năm Ỷ Lan 12 tuổi, thì mẹ ốm mất; cha lấy mẹ kế họ Đồng, nhưng ít lâu sau ông cũng qua đời. Kể từ đó, bà chung sống với người mẹ kế, và hai người rất thương quí nhau .

2. Vào cung, được vua sủng ái:
Sách Đại Việt sử ký toàn thư (Bản kỷ toàn thư, quyển 3) chép:
..."Tục truyền rằng vua (Lê Thánh Tông) cúng khấn cầu tự chưa thấy hiệu nghiệm, mới đi chơi khắp chùa quán. Xa giá đi đến đâu, con trai con gái đổ xô đến xem không ngớt, duy có một người con gái hái dâu cứ đứng tựa trong bụi cỏ lan. Vua trông thấy, gọi đưa vào cung, được vua yêu phong làm Ỷ Lan phu nhân"....

Theo truyện thơ trên, thì đó là năm Giáp Thìn (1064) khi vua Lý Thánh Tông đến chùa Thổ Lỗi cầu tự và mở hội tuyển cung nữ. Song có nguồn cho rằng đó là vào mùa xuân năm 1063, khi vua đi cầu tự ở chùa Dâu (Thuận Thành, Bắc Ninh), qua hương Thổ lỗi, ngài vén rèm nhìn ra, thấy từ xa có người con gái tựa vào cây lan và cất tiếng hát trong trẻo...Sau khi đưa người con gái ấy vào cung, nhà vua cho xây dựng một cung điện riêng (nay là đình Yên Thái, phường Hàng Gai, Hà Nội), và đặt tên là cung Ỷ Lan....

3. Sinh con trai được phong làm phi:
Nhờ sinh được hai người con trai, Ỷ Lan phu nhân được phong làm Thần phi, rồi Nguyên phi. Sách Đại Việt sử ký toàn thư (Bản kỷ toàn thư, quyển 3) chép:
"Bấy giờ vua xuân thu đã nhiều, tuổi 40 mà chưa có con trai nối dõi, sai chi hội hậu nhân Nguyễn Bông làm lễ cầu tự ở chùa Thánh Chúa[3]...Nhà sư dạy cho Bông thuật đầu thai thác hóa, Bông nghe theo. Việc phát giác, đem chém Bông ở trước cửa chùa. Người sau gọi chỗ ấy là Đồng Bông. Chùa ở xã Dịch Vọng, huyện Từ Liêm. Đồng Bông ở phía tây trước cửa chùa, nay hãy còn...Mùa xuân, tháng Giêng (năm 1066), Hoàng tử (Lý) Càn Đức sinh. Ngày hôm sau, lập làm Hoàng thái tử (sau này là vua Lý Nhân Tông), đổi niên hiệu, đại xá, và phong mẹ là Ỷ Lan phu nhân làm Thần phi...Năm Mậu Thân (1068), đổi hương Thổ Lỗi làm hương Siêu Loại, vì là nơi sinh của Nguyên phi.

Truyện thơ "Lý triều đệ tam Hoàng thái hậu cổ lục thần tích quốc ngữ diễn ca văn" kể tương tự, nhưng chi tiết hơn: Khi Ỷ Lan đã vào cung, vua sai Thái giám Nguyễn Bông đi cầu tự. Ông này bèn đến chùa Thánh Chúa gặp nhà sư Đại Điên. Nhà sư bày kế cho Nguyễn Bông đầu thai để kiếp sau được làm Hoàng đế. Trở về cung, Nguyễn Bông rình trộm Ỷ Lan tắm bị bắt gặp, xử tội chém. Sau đó, Ỷ Lan có thai, đủ tháng sinh được con trai là Lý Càn Đức. Nhà vua mừng rỡ phong Ỷ Lan làm Thần phi. Ít năm sau (1068), lại sinh thêm một người con trai nữa (không rõ tên, sau được phong tước Sùng Hiền hầu)...[4]

4. Làm Nhiếp chính lần thứ nhất:
Tháng 2 năm Kỷ Dậu (1069), vua Lý Thánh Tông thân chinh đi đánh Chiêm Thành. Tin cậy, trước khi đi nhà vua trao quyền điều khiển chính sự ở triều đình cho Ỷ Lan nguyên phi. Ra trận, vua đánh mãi không được, bèn "đem quân về đến châu Cư Liên (Tiên Lữ, Hưng Yên), thì nghe tin Nguyên phi giúp việc nội trị, lòng dân cảm hóa hòa hợp, trong cõi vững vàng, tôn sùng Phật giáo, dân gọi là bà Quan Âm, vua nói: "Nguyên phi là đàn bà còn làm được như thế, ta là nam nhi lại chẳng được việc gì hay sao!". Bèn quay lại đánh nữa, bắt được vua nước ấy là Chế Củ và 5 vạn người dân... Năm sau (1070), Chế Củ xin đem đất ba châu: Địa Lý, Ma Linh, Bố Chính (tức vùng Quảng Bình và Quảng Trị) để chuộc tội....

5. Mưu đoạt quyền bính:
Tháng Giêng năm Nhâm Tý (1072), vua Lý Thánh Tông lâm bệnh nặng rồi mất. Sau đó, Lý Càn Đức (sinh 1066, tức mới 6 tuổi) lên nối ngôi, tức là vua Lý Nhân Tông, tôn mẹ đẻ là Ỷ Lan nguyên phi làm Hoàng thái phi, tôn mẹ đích là Thượng Dương thái hậu họ Dương làm Hoàng thái hậu, và để cho Thái hậu Thượng Dương cùng dự việc triều chính, có Thái sư Lý Đạo Thành giúp đỡ công việc.

Sau đó, theo học giả Hoàng Xuân Hãn, một cuộc xung đột nội bộ đã xảy ra trong chốn cung đình. Ban đầu phe Thượng Dương Hoàng thái hậu được Thái sư Lý Đạo Thành ủng hộ nên được cầm quyền; nhưng sau đó thì phe Linh Nhân Hoàng thái phi (tức Ỷ Lan) đắc thắng, nhờ có Thái úy Lý Thường Kiệt ủng hộ.

Sách Đại Việt sử ký toàn thư (Bản kỷ toàn thư, quyển 3) chép sơ lược việc này như sau:
"Quý Sửu (1073)...Giam Hoàng thái hậu họ Dương,...(bởi) Linh Nhân có tính ghen, cho mình là mẹ đẻ mà không được dự chính sự, mới kêu với vua rằng: "Mẹ già khó nhọc mới có ngày nay, mà bây giờ phú quý người khác hưởng, thế thì sẽ để mẹ già vào đâu?" Vua bèn sai đem giam Dương thái hậu và 76 người thị nữ vào cung Thượng Dương, rồi bức phải chết chôn theo lăng Thánh Tông...(còn) Thái sư Lý Đạo Thành lấy chức Tả gián nghị đại phu ra coi châu Nghệ An.

6. Làm Nhiếp chính lần thứ hai:
Đoạt được quyền nhiếp chính và trở thành Hoàng thái hậu, năm 1074, không nghĩ đến hiềm khích cũ, Ỷ Lan lại cho vời Lý Đạo Thành về triều rồi trao chức Thái phó bình chương quân quốc trọng sự, để cùng với tướng phụ chính là Lý Thường Kiệt ra tài ổn định và phát triển đất nước. Nhờ vậy mà quân đội nhà Lý đủ sức “phá Tống, bình Chiêm” [5]…

Sử cũ còn chép rằng, vào mùa xuân năm Quý Mùi (1103), chính Hoàng thái hậu Ỷ Lan đã phát tiền ở kho nội phủ để chuộc con gái nhà nghèo bị bán do ở đợ, đem họ mà gả cho những người đàn ông góa vợ. Và trước khi mất mấy tháng (tháng 2 năm Đinh Dậu, 1117), bà còn đề xuất lệnh cấm trộm trâu và giết trâu bừa bãi.

Vốn là người sùng đạo Phật, và là "người tu tại gia"; về già, Hoàng thái hậu Ỷ Lan càng để tâm làm việc thiện, xây chùa và nghiên cứu về đạo Phật. Tính đến năm (1115), bà đã cho xây cất 150 chùa, đền, trong đó có chùa Từ Phúc ở quê hương (Dương Xá, Gia Lâm).

7. Mất, được tôn thờ:
Hoàng thái hậu Ỷ Lan qua đời vào ngày 25 tháng 7 năm Đinh Dậu (1117), có lẽ thọ vào khoảng ngoài 70 tuổi . Sau đó, triều đình làm lễ hỏa táng, có ba người hầu gái được chôn theo [6], và dâng tên thụy là Phù thánh Linh Nhân hoàng thái hậu. Mùa thu, tháng 8 (âm lịch), chôn Linh Nhân Hoàng thái hậu ở Thọ lăng, thuộc phủ Thiên Đức (nay là đất huyện Tiên Sơn, thuộc Bắc Ninh).

Cảm ơn đức cao dày của bà, nhân dân đã tôn vinh bà Ỷ Lan như là "Quan Âm bồ tát " tái hiện, hoặc đồng hóa với "cô Tấm" trong truyện cổ tích, hoặc với "Phật mẫu Man Nương".

Bà được tôn thờ ở một số nơi, nhưng đáng kể hơn cả là "Cụm di tích Đền-Chùa Bà Tấm" ở quê hương bà (Dương Xá, Gia Lâm, Hà Nội). Ngôi chùa có tên là "Linh Nhân tư Phúc tự" (dân gian thường gọi là "chùa Bà Tấm"), được bà cho xây dựng vào năm 1115. Đến khi bà qua đời (1117), ngôi đền thờ bà cũng được xây dựng tại đây. Từ đó đến nay, cụm đền chùa này là nơi thờ Phật, và cũng là nơi tưởng niệm bà.

*
Bên cạnh công lao ổn định và phát triển đất nước, bà Ỷ Lan còn có hai việc nổi bật đã được sử cũ biên chép, đó là việc "chuộc người" (năm 1103) và việc "đề xuất lệnh cấm trộm trâu và giết trâu bừa bãi" (năm 1117) như đã kể trên. Việc thứ nhất, được sử thần Ngô Sĩ Liên khen là: "Thái hậu đổi đời cho họ, cũng là việc làm chân chính vậy" [19]. Còn việc thứ hai khiến nhiều người dân càng kính trọng và biết ơn bà, bởi “con trâu là đầu cơ nghiệp”.

Tuy nhiên, trong trang sử đời bà không khỏi có một vết đen, đó là việc giết chết Thái hậu Thượng Dương và 76 người thị nữ. Tục truyền rằng bà rất hối về việc này nên đã làm nhiều chùa Phật để sám hối, rửa oan .

Xét khía cạnh khác, qua bài kệ của bà còn lưu lại trong cuốn Thiền uyển tập anh, đã chứng tỏ bà không chỉ là người “hiểu sâu tôn chỉ” đạo Phật, mà còn là người giỏi chữ nghĩa. Và theo GS. Nguyễn Khắc Thuần, "chính những lời đối đáp giữa bà với các bậc cao tăng đã đặt nền tảng đầu tiên cho việc ra đời của sách Thiền uyển tập anh rất có giá trị sau này".

Giới thiệu bài kệ:
Bài kệ không có đầu đề (đầu đề do người sau thêm vào, có sách ghi là Kệ Sắc không), được Ỷ Lan làm sau khi đàm đạo với đại sư Thông Biện về những tôn chỉ của đạo Thiền.

Phiên âm Hán-Việt:
Sắc thị không, không tức sắc,
Không thị sắc, sắc tức không.
Sắc không quân bất quản,
Phương đắc khế chân không.

Bản dịch:
Sắc là không, không tức sắc
Không là sắc, sắc tức không
Sắc không đều chẳng quản
Mới được hợp chân tông.

Với bài kệ trên, Ỷ Lan đã được các nhà nghiên cứu văn học Việt xếp vào hàng "tác gia văn học thời Lý-Trần".

Bùi Thụy Đào Nguyên, lược kể.
Chú thích:

[1]Tuy nhiên, hiệu của mẹ bà là "Tĩnh Nương", thì có thể "Khiết Nương" cũng chỉ là hiệu. Mà cũng có thể “nương” của cả hai ở đây chỉ là tiếng đệm theo tên (dùng cho nữ) theo gọi cách gọi của người xưa.
[2] Thông tin thêm: Một học giả người Tống là Thẩm Hoạt trong sách Mộng khê bút đàm (quyển 2) ghi tên bà là Lê Thị Yến Loan, nhưng học giả Hoàng Xuân Hãn cho biết đó chỉ là cách phiên âm từ tên Ỷ Lan mà thôi (tr. 76).
[3] Chùa Thánh Chúa ở Dịch Vọng, nay thuộc phường Dịch Vọng, huyện Cầu Giấy, Hà Nội.
[4] Thông tin thêm: Vua Lý Nhân Tông không con nên nhận Dương Hoán là con của Sùng Hiền hầu làm Thái tử (1117). Năm 1128, Dương Hoán lên ngôi, tức vua Lý Thần Tông, sau đó tôn cha ruột (Sùng Hiền hầu) làm thái thượng hoàng.
[5] Năm 1705, tướng Lý Thường Kiệt mang quân sang vây đánh Khâm châu và Liêm Châu (thuộc tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc). Năm 1076, đại quân nhà Tống do Quách Quỳ và Triệu Tiết đứng đầu tiến sang nước Việt đánh trả, nhưng bị thua nặng ở trận Như Nguyệt vào năm 1077. Năm 1103, quân Chiêm Thành sang đánh lấy lại ba châu là Ma Linh, Bố Chính và Địa Lý đã dâng từ năm 1070. Năm sau (1104), Lý Thường Kiệt dẫn quân sang đánh Chiêm Thành, quốc vương nước ấy là Chế Ma Na thua chạy, xin trả lại ba châu như cũ. Xem chi tiết trong Việt Nam sử lược, phần "Lý Nhân Tông".
[6] Sử thần Ngô Sĩ Liên thắc mắc: "Hỏa táng là lễ đạo Phật, chôn theo là tục nhà Tần, Nhân Tông đều làm theo, hoặc giả vâng lời dặn lại của Thái hậu chăng?" (tr. 303).

Sách tham khảo:-Khuyết danh, Đại Việt sử lược. Nhà xuất bản Thành phố Hồ Chí Minh, 1993.
-Ngô Sĩ Liên, Đại Việt sử ký toàn thư (Bản dịch, tập I). Nhà xuất bản Khoa học xã hội, 1983.
-Trương Thị Trong, Lý triều đệ tam Hoàng thái hậu cổ lục thần tích quốc ngữ diễn ca văn in trong Các nữ tác gia Hán Nôm Việt Nam do PGS. TS. Đỗ Thị Hảo làm chủ biên. Nhà xuất bản Khoa học xã hội, Hà Nội, 2010.
-Hoàng Xuân Hãn, Lý Thường Kiệt - lịch sử ngoại giao và tông giáo triều Lý. Nhà xuất bản Hà Nội, 1996.
-Trần Trọng Kim, Việt Nam sử lược. Nhà xuất bản Tân Việt, Sài Gòn, 1968.
- Nguyễn Khắc Thuần, Việt sử giai thoại (tập 2, "Lược truyện về Ỷ Lan"). Nhà xuất bản Giáo dục, 1999.
-Đổ Thị Hảo-Mai Thị Ngọc Chúc, Các nữ thần Việt Nam, truyện "Ỷ Lan". Nhà xuất bản Phụ nữ, 1984.

Chủ Nhật, 23 tháng 10, 2011

Giới thiệu bộ sưu tập ảnh của Nguyên

Sưu tập ảnh của Nguyên: http://commons.wikimedia.org/wiki/Category:Pictures_by_B%C3%B9i_Th%E1%BB%A5y_%C4%90%C3%A0o_Nguy%C3%Aan

Thứ Năm, 29 tháng 9, 2011

Nữ sĩ thời Lê: Đoàn Thị Điểm

1. Tiểu sử:
Đoàn Thị Điểm [1] (1705-1748), hiệu: Hồng Hà Nữ Sĩ; là nữ sĩ Việt Nam thời Lê.
Bà là người làng Giai Phạm [2], huyện Văn Giang, trấn Kinh Bắc (nay thuộc huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên).

Theo gia phả họ Đoàn là “Đoàn thị thực lục”, thì tổ tiên của bà vốn họ Lê, đến đời cha bà là Đoàn Doãn Nghi (1678-1729), mới đổi ra họ Đoàn. Ông Doãn Nghi thi đỗ Hương cống (Cử nhân) đời Lê, thi Hội không đỗ, nên ở dạy học và bốc thuốc. Ông cưới vợ (họ Vũ, không rõ tên), sinh được hai con: con cả là Đoàn Doãn Luân (1700 - ?) [3] và con thứ là Đoàn Thị Điểm.

Lúc trẻ, bà có tiếng thông minh, đẹp người, đẹp nết, chăm học, có tài văn và giỏi cả việc nữ công. Cho nên năm 16 tuổi, bà được Thượng thư Lê Anh Tuấn nhận làm con nuôi để sau dâng lên chúa Trịnh, nhưng bà không chịu.
Suốt thời gian từ lúc ấu thơ đến tuổi trưởng thành, bà thường sống với cha và anh ở nơi cha dạy học là làng Lạc Viên (huyện An Dương, tỉnh Kiến An; nay thuộc thành phố Hải Phòng).

Năm bà 25 tuổi (1729), cha mất, bà cùng với gia đình của anh dời đến ngụ ở làng Vô Ngại, huyện Đường Hào (nay là huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên).
Chẳng bao lâu sau anh mất (không rõ năm), bỏ lại một đàn con nhỏ, một mình Đoàn Thị Điểm phải vừa làm thuốc, vừa dạy học để có tiền nuôi mẹ và giúp đỡ chị dâu nuôi các cháu.

Theo Từ điển nhân vật lịch Việt Nam, khi ấy ở Sài Trang thuộc huyện Đường Hào có một người con gái được tiến cung, và bà đã được vời vào cung làm Giáo thụ để dạy người con gái ấy. Đến năm 1739, nhân trong nước có loạn, bà xin từ chức về ngụ ở xã Chương Dương (nay thuộc Thường Tín, ngoại thành Hà Nội) tiếp tục làm nghề dạy học.

Bấy giờ, có nhiều đến hỏi, trong đó có cả những người quyền quý, nhưng bà đều từ chối. Mãi đến năm 37 tuổi (1742), bà mới nhận lời lấy Nguyễn Kiều (1695?-1792?), một Tiến sĩ nổi tiếng hay chữ đã góa vợ. Nhưng vừa cưới xong, Nguyễn Kiều lại phải đi sứ sang Trung Quốc ba năm. Theo Từ điển văn học (bộ mới), có lẽ trong thời gian xa chồng này bà đã dịch ra quốc âm tập thơ Chinh phụ ngâm của danh sĩ Đặng Trần Côn.

Năm 1745, Nguyễn Kiều về nước. Năm 1748, ông được cử làm Tham thị (có sách ghi làm làm "Đốc đồng") trấn Nghệ An. Đoàn Thị Điểm cùng đi với chồng, nhưng trên đường đi, bà bị cảm nặng, chạy chữa không khỏi, cuối cùng mất ở Nghệ An vào ngày 11 tháng 9 (âm lịch) năm đó (Mậu Thìn, 1748), lúc 43 tuổi.

Thương cảm người bạn đời vắn số, Nguyễn Kiều viết bài văn tế, hết lời ca tụng văn tài và đức hạnh của bà. Trong đó có câu:
Đào chưa tươi đã khô
Quế đang thơm đã rũ
Rừng sâu bể rộng nàng hỡi đi đâu
Ngọc nát châu chìm lòng tôi quặn nhớ
...

2. Sự nghiệp văn chương:
Theo Đoàn thị thực lục, lúc sinh thời bà thường xướng họa thơ với cha, với anh và với chồng. Song cho đến nay, về sáng tác, bà chỉ còn có tập truyện chữ Hán tên là Truyền kỳ tân phả (khắc in lần đầu năm Tân Mùi, 1811), và một ít thơ văn (gồm chữ Hán, chữ Nôm) trong tập Hồng Hà phu nhân di văn mới được phát hiện gần đây, nhưng trong đó có không ít sai lẫn .
Về bản dịch Chinh phụ ngâm (Chinh phụ ngâm khúc diễn âm) của bà, hiện nay vẫn chưa khẳng định là bản nào. Nhiều người cho đó là bản đang lưu hành rộng rãi, nhưng có ý kiến nói bản đó là của Phan Huy Ích[14], còn bản của nữ sĩ họ Đoàn là một bản khác. Song theo GS. Nguyễn Lộc, thì "một điều có thể khẳng định được là bản dịch Chinh phụ ngâm của Đoàn Thị Điểm là bản dịch đầu tiên của tác phẩm này"[4].

3. Giai thoại:
Có lần Đoàn Doãn Luân thấy Đoàn Thị Điểm đang ngồi soi gương, bèn ra một vế rằng:
Đối kính họa mi, nhất điểm phiên thành lưỡng điểm (nghĩa là “soi gương vẽ mày, một nét hóa thành hai nét”; song chữ điểm còn là tên bà Điểm, thành ra lại có nghĩa nữa là “một bà Điểm hóa hai bà Điểm”).
Lúc ấy, ông Luân đang ngồi trên cầu ao rửa tay, bà liền đối rằng:
Lâm trì ngoạn nguyệt, chích luân chuyển tác song luân (nghĩa là “ra ao ngắm trăng, một vầng chuyển hóa hai vầng; song chữ luân còn là tên của ông Luân, thành ra lại có nghĩa nữa là “một ông Luân hóa hai ông Luân) [5]
Ngoài ra, trong dân gian còn truyền tụng một số chuyện như “Da trắng vỗ bì bạch" (ra vế đối cho Cống Quỳnh đối lại), "Hổ thật thành hổ giấy" (ra vế đối cho "Tràng An tứ hổ" đối lại), "Trượng phu Bắc quốc đều từ đó mà ra" (đáp lại câu đối của sứ thần Trung Quốc), v.v...

Chú thích:
[1] Vì Đoàn Thị Điểm lấy chồng họ Nguyễn, nên có sách chép là Nguyễn Thị Điểm (chú thích của GS. Dương Quảng Hàm, Việt Nam văn học sử yếu. Trung tâm học liệu xuất bản, Sài Gòn, 1968, tr. 303). Theo Thái Vũ (tr. 72) thì bà còn có biệt hiệu là Bang Tang (tức tự ví như nữ sĩ Ban Chiêu thời Đông Hán, Trung Quốc).
[2] Theo nhà văn Trúc Khê, làng vốn có tên là "Hiến Phạm", sau vì kiêng chữ "hiến" là miếu hiệu của vua Thiệu Trị (Hiến Tổ) nên mới đổi ra là "Khải Phạm", song người ta cứ gọi lầm là "Giai Phạm" (tr. 526).
[3] Đoàn Doãn Luân có sách chép là Đoàn Doãn Luân, hoặc Nguyễn Trác Luân; đỗ đầu thi Hương (theo GS. Thanh Lãng [tr. 512]. Thái Vũ ghi ông đỗ đầu xứ [tr. 72]. Từ điển nhân vật lịch Việt Nam [tr. 173] ghi ông đỗ Hoàng giáp năm 1719 lúc 19 tuổi, có lẽ là nhầm. Mặc dù đỗ cao, nhưng ông không ra làm quan chỉ ở nhà dạy học. Năm 1729, cha ông mất, ít lâu sau ông cũng lâm bệnh mất..
[4] Theo những tài liệu mới phát hiện gần đây, có xu hướng nghiên về Phan Huy Ích (Nguyễn Lộc, Từ điển văn học, bộ mới, tr. 260).
[5] Kể theo Trúc Khê.

Sách tham khảo:
-Nhiều người soạn, Từ điển bách khoa Việt Nam (Tập I), mục từ Đoàn Thị Điểm”. Trung tâm biên soạn Từ điển bách khoa Việt Nam xuất bản, Hà Nội, 1995.
-Trần Văn Giáp, tiểu truyện “Đoàn Thị Điểm” in trong Tìm hiểu kho sách Hán Nôm. Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, 2003.
-Nguyễn Lộc, mục từ Đoàn Thị Điểm và “Chinh phụ ngâm” trong Từ điển văn học (bộ mới). Nhà xuất bản Thế giới, 2004.
-Nguyễn Q. Thắng-Nguyễn Bá thế, Từ điển nhân vật lịch Việt Nam, mục từ “Đoàn Thị Điểm” và “Đoàn Doãn Luân”. Nhà xuất bản Khoa học xã hội, 1992.
-Nguyễn Thạch Giang, Văn học thế kỷ XVIII, mục “Đoàn Thị Điểm”. Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, 2004.
-Trịnh Vân Thanh, Thành ngữ điển tích danh nhân từ điển (Quyển I, mục từ "Đoàn Thị Điểm"), Sài Gòn, 1966.
-Phạm Thế Ngũ, Việt Nam văn học sử giản ước tân biên (Quyển 2, mục "Đoàn Thị Điểm"). Quốc học tùng thư xuất bản, Sài Gòn, 1963.
-Thanh Lãng, Bản lược đồ văn học Việt Nam (Quyển Thượng). Nhà xuất bản Trình Bày, Sài Gòn, không ghi năm xuất bản.
-Trúc Khê, truyện “Nữ sĩ Đoàn Thị Điểm” trong Tuyển tập Trúc Khê Ngô Văn Triện. Nhà xuất bản Văn hóa thông tin, 2003.
-Thái Vũ, truyện “Đoàn Thị Điểm” trong Chuyện hay nhớ mãi. Nhà xuất bản Thuận Hóa, 1987.

Thứ Năm, 22 tháng 9, 2011

Giới thiệu bộ tiểu thuyết Kim Bình Mai



Kim Bình Mai (金瓶梅),tên đầy đủ là Kim Bình Mai từ thoại (Truyện kể có xen thi từ về Kim Bình Mai);là bộ tiểu thuyết dài gồm 100 hồi [1] của Trung Quốc.

Đây là "bộ truyện dài đầu tiên do mà cốt truyện hoàntoàn là hư cấu sáng tạo của một cá nhân". Trước đó, các truyện kể đều dựaít nhiều ít nhiều vào sử sách hoặc truyện kể dân gian, và đều là sự chắp nốicông công sức của nhiều người.
Tên truyện do tên ba nhân vật nữ là Phan KimLiên, Lý Bình Nhi và Bàng Xuân Mai mà thành.
Theo một số nhà nghiên cứu văn học, thì tác giả là một ngườiở Sơn Đông không rõ họ tên, có bút hiệu là Tiếu Tiếu Sinh (có nghĩa là"Ông thầy cười") [2].

Có thể nói trong các tiểu thuyết viết về "nhân tình thế thái" (nói gọn là "thế tình", tức "tình đời") ở TrungQuốc, thì đây là truyện có tiếng nhất, đã khiến cho nhiều người bàn luận.

1. Vài nét về bộ truyện:
Theo bài tựa của Hân Hân Tử ở trong sách “Kim Bình Mai từ thoại”, thì tác giả là Lan Lăng Tiếu Tiếu sinh (có nghĩa là “Ông thầy cười” ở Lan Lăng) hay nói gọn là Tiếu Tiếu Sinh. Song đây chỉ là bút hiệu, còn tên thật của tác giả là gì thì có nhiều lời đồn đoán, như đó có thể là Hân Hân Tử, là Vương Thế Trinh, hoặc là: Lý Khai Tiên, Triệu Nam Tinh, Tiết Ứng Kỳ,...nhưng tất cả đều không đủ chứng cứ để chắc chắn.
Vì vậy, trong cuốn Vạn Lịch dã hoạch biên, Thẩm Đức Phù chỉnói tác giả là một “đại danh sĩ” thời Gia Tĩnh (niên hiệu vua Minh Thế Tông từ1522 đến 1566). Ý kiến này có thể xác đáng, vì thời gian sáng tác và thời giansống của tác giả khá ăn khớp nhau.
Tuy chưa thể quả quyết, nhưng qua tác phẩm có thể thấy, tácgiả dùng tiếng địa phương Sơn Đông rất thành thạo, và Lan Lăng chính là tên cũcủa huyện Dịch thuộc tỉnh Sơn Đông; vậy rất có thể tác giả là người Sơn Đông,và từng sống ở Bắc Kinh, vì trong tác phẩm hầu như đều lấy nơi đây làm bối cảnh. Kim Bình Mai có lẽ viết xong vào khoảng từ năm Long Khánh thứ2 (niên hiệu của vua Minh Mục Tông) đến năm Vạn Lịch thứ 30 (niên hiệu của vuaMinh Thần Tông), tức từ 1568 đến 1602, nhưng phải 8 năm sau (1610) tác phẩm mớiđược khắc in, vì bị ghép vào loại "dâm thư".
Theo nhà văn Lỗ Tấn, ban đầu chỉ có bản chép tay. Sau, Viên Hoằng Đạo có thấy được vài hồi, bèn đem ghép với Thủy Hử truyện, và gọi là Ngoạiđiển. Đến năm 1610, tác phẩm mới được khắc in ở Ngộ Trung. Nhưng vì hồi 53 đếnhồi 57 đã khuyết mất, nên có người (không rõ là ai) đã phải viết bổ sung . Những bản Kim Bình Mai hiện còn chia làm hai loại:
-Một là Kim Bình Mai từ thoại. Đầu quyển có bài tựa của LongChâu Khánh, là người đất Đông Ngô, viết năm Vạn Lịch thứ 15 (1617) đời nhàMinh.
-Hai là Nguyên bản Kim Bình Mai, viết vào khoảng những nămThiên Khải đời nhà Minh (Niên hiệu của Minh Hy Tông, từ 1621 đến 1257). Sự khác nhau chủ yếu của chúng thể hiện ở chỗ nửa đầu của hồithứ nhất, hồi thứ 53 và hồi thứ 54 là hoàn toàn khác nhau về lối hành văn, thídụ như ở loại 1 phần lớn là từ, thì ở loại 2 phần lớn lại là thơ....

2. Nội dung sơ lược:
Tác phẩm Kim Bình Mai vốn được phát triển từ một số tình tiết trong tác phẩm Thủy Hử (từ hồi 23 đến hồi 26) của Thi Nại Am.
Nội dung truyện chủ yếu mô tả cuộc đời nhiều tội ác và trụy lạc của nhân vật Tây Môn Khánh, hiệu: Tứ Truyền, là người Thanh Hà, vốn là chủmột hiệu thuốc nhưng không ưa đọc sách, chỉ giỏi chơi bời phóng đãng, lại kết bạnvới một bọn du côn đàng điếm.
Ông này đã có một vợ chính và ba người thiếp, nhưng thấy Phan Kim Liên có nhan sắc, ông liền lập mưu giết chết chồng nàng là Võ Đại(trong Thủy Hử truyện ghi là Võ Đại Lang), rồi cưới nàng làm thiếp. Võ Tòng (emtrai Võ Đại) báo thù, giết lầm người khác nên Tây Môn Khánh vẫn không can gì...
Sau đó, Tây Môn Khánh còn mua Lý Bình Nhi về làm vợ lẽ, và gian dâm vớingười hầu gái của Phan Kim Liên là Bàng Xuân Mai. Nhờ thông đồng với quan lại, Tây Môn Khánh trở thành một cườnghào. Rồi nhờ nhận Thái Kinh (một trọng thần) làm cha nuôi, ông được bổ làm mộtchức quan coi việc xử án trong huyện, nên tha hồ đổi trắng thay đen để ức hiếpdân lành. Có tiền, có thế, ông ta lại càng ăn chơi phóng đãng, hoang dâm vô độ,để rồi cuối cùng lâm bạo bệnh mà chết (hồi thứ 80).

Tiếp theo, Kim Liên và Xuân Mai (lúc này không còn Lý Bình Nhivì đã ốm chết ở hồi 63) lại thông dâm với con rể của Môn Khánh là Trần Kinh Tế.Việc bị phát giác, cả hai đều bị đuổi khỏi nhà. Võ Tòng tình cờ gặp Kim Liên ởnhà Vương bà bèn giết chết (hồi 87).
Phần Xuân Mai thì bán cho viên quan họ Chu(Chu Tú), được ông này yêu lại có con nên được làm vợ cả. Gặp lại Trần Kinh Tế,Xuân Mai giả gọi là em, tìm cách đưa vào nhà để thông dâm như cũ.
Thế rồi quanhọ Chu đi đánh Tống Giang có công, được thăng quan, Kinh Tế cũng được thăng làmtham mưu, vì có dự phần. Nhưng đến hồi 99, thì Kinh Tế bị đâm chết vì kết oán vớiTrương Thắng. Đến khi quân Kim tràn vào lấn cướp, Chu Tú chết trận, Xuân Maisau đó cũng chết đột ngột vì dâm dục quá độ với người con chồng là Chu Nghĩa (hồi100).

Gặp cảnh nước nhà loạn lạc, vợ cả của Tây Môn Khánh là NguyệtNương dắt đứa con trai độc nhất của họ Tây Môn là Hiếu Ca trốn chạy. Dọc đường,gặp một nhà sư cho biết Hiếu Ca chính là kiếp sau của Tây Môn Khánh, phải xuấtgia đầu Phật mới khỏi nạn. Nghe lời, Nguyệt Nương bèn gửi con vào cửa Phật, sautrở thành nhà sư Minh Ngộ.

3. Một vài đánh giá:
Trong Kim Bình Mai, hiện thực được phản ánh là bộ mặt thật củaxã hội phong kiến thời Minh, từ sau Chính Đức (1521) đến giữa Vạn Lịch(1570-1620). Tác giả muốn thông qua nhân vật điển hình là Tây Môn Khánh đểvạch trần sự xấu xa bỉ ổi của xã hội lúc bấy giờ một cách khách quan, cụ thể vàchi tiết.
Trong cuộc hội thảo quốc gia về bộ truyện này ở Trung Quốc năm 1987,đã khẳng định giá trị phê phán và hiện thực của tác phẩm và vị trí quan trọng củanó trong quá trình phát triển chủ nghĩa hiện thực. Vì thế, nó đã được phép pháthành rộng rãi và dựng thành phim. Theo Lời Tựa của một "Danh sĩ đời Minh" (và cũnglà tác giả), viết vào mùa hạ năm Gia Tĩnh thứ 37 (Mậu Ngọ, 1558) đề ở đầu bộtruyện, thì đây là một tác phẩm mà các nhân vật đều tuân theo luật “báo ứng”, cốtđể người đọc "sợ sệt mà tự răn mình, đồng thời tự di dưỡng tâm tính".
Vì thế, theo GS. Lương Duy Thứ, tác giả đã đưa người đọc đến một kết luận rằng:cuộc đời chỉ là sự minh họa cho chân lý nhà Phật "sắc không, không sắc",và rốt cuộc giải pháp cũng chỉ có thể là con đường “Minh ngộ” (có nghĩa hiểu đượcchân lý của sự giác ngộ) mà thôi. Và cũng theo giáo sư, trong lịch sử văn học Trung Quốc"phải đợi đến Kim Bình Mai mới xuất hiện một kiểu nhân vật thoát ly hẳn lịchsử, và có sự đa dạng trong tính cách, không còn ‘trắng đen minh bạch’ như trướckia.
Song, cũng vì hướng nhân vật theo luật 'quả báo', nên tính cách nhân vậtthay đổi có phần gượng ép, thí dụ như Lý Bình Nhi trước kia hung ác hiểm độc,sau lại hiền lành nhu nhược; Phan Kim Liên trước kia kín đáo để ranh ma, sau lạiđứng đắn tử tế"...[tr. 752].

Về mặt nghệ thuật, tác giả đã sáng tạo được một số nhân vậtrất điển hình (Tây Môn Khánh, Phan Kim Liên, Bàng Xuân Mai,...), đồng thời cótài làm cho các tính cách nhân vật khác nhau khá rõ. Một điểm đáng chú ý nữa,đó là người viết đã vượt qua nhiều khuyết điểm của loại chuyện chương hồi khác;có nghĩa là tác giả người “viết chuyện” chứ không phải là người “thuật chuyện”,vì thế những sự việc tiếp diễn đều do nhân vật tự bộc lộ. Riêng phần phong cáchngôn ngữ trong truyện, nhìn chung là trong sáng, dí dỏm và trau chuốt.

4. Giai thoại:
Tương truyền thân phụ của Vương Thế Trinh (một trong số ngườitừng được coi là tác giả của Kim Bình Mai), là Vương Dư bị Nghiêm Tung ám hại.Lúc bấy giờ uy thế của Nghiêm Thế Phồn (con trai độc nhất của Nghiêm Tung) rấtmạnh nên Vương Thế Trinh không làm gìđược. Biết Nghiêm Thế Phồn là người rất thích đọc truyện khiêu dâm, Vương ThếTrinh bèn viết ra bộ Kim Bình Mai rồi tìm cách đưa đến. Ở mỗi góc tờ sách đềucó tẩm thuốc độc, để khi Nghiêm Thế Phồn lấy tay thấm vào môi lật sách thì sẽ bịngộ độc mà chết… Vì thế, mới có người [3] đem câu truyện trên (được gọi là“Khổ hiếu thuyết”) đặt lên đầu bộ truyện Kim Bình Mai. Song theo Nguyễn HuyKhánh, đây chẳng qua là một câu chuyện truyền khẩu không căn cứ. Có thể vì thấychuyện dâm ô quá, sợ mất tiếng Vương Thế Trinh, nên mới bày thêm chuyện"Khổ hiếu thuyết" để biện giải cho họ Vương [tr. 181].

5. Thông tin liên quan:
Kế tục Kim Bình Mai, thời Vạn Lịch (1570-1620) lại có chuyệntên là Ngọc Kiều Lý, nghe nói cũng là do tác giả Tiếu Tiếu Sinh viết, nhưng nayđã thất truyền. Đại để, sách này cũng như sách trước (chỉ Kim Bình Mai), thảy đềuđặt ra chuyện nhân quả báo ứng. Võ Đại kiếp sau hóa làm dâm phu, Tây Môn Khánh thì làm người đàn ông si ngốc, v.v... Ngoài ra còn có Tục Kim Bình mai gồm 64 hồi, do Đinh DiệuCang, người Sơn Đông biên soạn, làm xong khoảng đầu đời Thanh...So với Kim BìnhMai, tuy cũng thuộc loại "nhân tình thế thái", nhưng nội dung cả haibộ đều kém xa.

Bùi Thụy Đào Nguyên,giới thiệu.

Chú thích:
1. Bản dịch Kim Bình Mai (không đề tên người dịch) do nhà xuấtbản Khoa học xã hội (Hà Nội) ấn hành gồm 4 quyển, tổng cộng dài trên 1.900 trang khổ 13cm x 19cm. 2. Như một số tác giả khác, ở đây Tiếu Tiếu Sinh cũng khôngcho biết tên thật, là vì ngày xưa người ta coi trọng thơ, từ, phú hơn là truyện,tiểu thuyết. 3. Theo Lỗ Tấn thì người đó là Trương Thúc Pha, người BànhThành, viết Khổ hiếu thuyết vào đời Khang Hy (tr. 232).

Sách tham khảo:
-Tiếu Tiếu sinh, Kim Bình Mai (trọn bộ 4 tập). Nhà xuất bản Khoa học xã hội, 1989.
-Lỗ Tấn, Sơ lược lịch sử tiểu thuyết Trung Quốc (Lương DuyTâm dịch). Nhà xuất bản Văn hóa, 1996.
-Sở nghiên cứu văn học thuộc Viện Khoa học xã hội Trung Quốcbiên soạn, Lịch sử văn học Trung Quốc (Tập 3), Bản dịch do Nxb Giáo dục Việt Nam ấn hành năm1993.
-Lương Duy Thứ, mục từ "Kim Bình Mai" trong Từ điểnvăn học (bộ mới). Nhà xuất bản Thế giới, 2004.
-Nguyễn Huy Khánh, Khảo luận tiểu thuyết cổ điển Trung Hoa.Nhà xuất bản Văn học, 199

Chủ Nhật, 18 tháng 9, 2011

Nguyễn Sĩ Cố

Nguyễn Sĩ Cố (? - 1312) là nhà thơ và là quan nhà Trần trong lịch sử Việt Nam.


Theo sách Địa chí Hải Dương, Nguyễn Sĩ Cố sinh khoảng giữa thế kỷ 13 tại làng Bình Lãng, huyện Đa Cẩm; nay là thôn Bình Phiên, xã Ngọc Liên, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương. Song có một số sách đều ghi là "không rõ năm sinh, quê quán và thân thế của ông"[1].


Cũng không rõ Nguyễn Sĩ Cố đã đỗ đạt gì, chỉ biết ông là người nổi tiếng về học vấn uyên bác. Vì thế năm Giáp Tuất (1274), ông được vua Trần Thánh Tông cho vời vào cung trao chức Nội thị học sĩ để dạy Thái tử Trần Khâm, tức vua Trần Nhân Tông sau này.


Đến năm Bính Ngọ (1306), dưới triều Trần Anh Tông, ông được thăng chức Thiên Chương các Học sĩ, trông coi việc giảng ngũ kinh ở gác Thiên Chương, thỉnh thoảng giảng sách cho vua học. Về sau, ông được bổ làm An phủ sứ.


Theo bài thơ "Tụng giá tây chinh yết Uy Hiển Vương từ" của ông còn lưu trong sách Việt điện u linh, thì có lần ông được theo hầu giá nhà vua đi Tây chinh Ai Lao (Lào), nhưng không rõ vào năm nào, và theo hầu vị vua nào, chỉ biết khi ấy ông đang giữ chức Thị độc học sĩ.


Năm Nhâm Tý (1312), Nguyễn Sĩ Cố theo vua Trần Anh Tông đi đánh Chiêm Thành và mất ở dọc đường.


Sau có dịp đến viếng mộ ông, danh sĩ Phạm Sư Mạnh đã có bài "Quá An Phủ Nguyễn Sĩ Cố phần" (Qua mộ An Phủ Nguyễn Sĩ Cố) để tỏ lòng thương tiếc như sau:

Tiêu tiêu thiên mẫu trúc như vân

Vô hạn thương tâm An Phủ thần.

Sơn thự tích thời huề tửu địa,

Thương mang hạ mã chính tà huân.

Bản dịch:

Mây giăng ngàn dặm trúc xanh xanh,

An Phủ phần trông vướng mối tình.

Ngày chốn ngày xưa vui vẻ lắm,

Bóng khuâng xuống ngựa bóng chênh chênh.


Hiện ở quận 8, Thành phố Hồ Chí Minh có con đường mang tên Nguyễn Sĩ Cố.


Nguyễn Sĩ Cố có tài làm thơ phú bằng chữ Nôm, nhưng nay đã thất truyền. Trong Toàn Việt thi lục chỉ có 2 bài thơ chữ Hán là: “Tụng giá tây chinh yết Uy Hiển Vương từ” (Theo vua đi đánh phía Tây, yết đền Uy Hiển Vương)[4] và “Tụng giá tây chinh yết Tản Viên từ” (Theo vua đi đánh phía Tây, yết đền Tản Viên) [5].

Trước đây trong Tứ dân văn uyển, Nguyễn Can Mộng có đăng bài thơ "Vịnh Tần Thủy Hoàng", và ghi là của Nguyễn Sĩ Cố. Nhưng theo TS. Nguyễn Thị Hảo thì “ngôn từ và ý tứ của bài thơ lại mới mẻ, không cho phép tin đó là ngôn ngữ đời Trần” (Từ điển văn học, bộ mới), tr. 1182).


Với số lượng thơ ít ỏi như vậy, chưa đủ để hiểu phong cách cùng những đặc điểm nghệ thuật của thơ Nguyễn Sĩ Cố. Song, theo một số nhà nghiên cứu thì đây là hai bài thơ trào phúng ra đời tương đối sớm, và có thể xem ông là người đặt cơ sở cho dòng thi ca trào phúng trong lịch sử văn học viết của Việt Nam.


Thơ Nguyễn Sĩ Cố:

Cả hai bài thơ chữ Hán dưới đây đều có ý vị hài hước, trêu chọc và nghi ngờ cả thần linh. Người đời khen tác giả (Nguyễn Sĩ Cố) có tài khôi hài, ví ông với Đông Phương Sóc (154-93 tr. CN) đời nhà Hán (Trung Quốc).


1. Tụng giá tây chinh yết Uy Hiển Vương từ

Quy ngư phù ấn quải yêu gian,

Tư sự hy cầu phó tướng quan.

Bạc liệt thư sinh vô vọng xứ,

Chỉ lai từ hạ khất bình an.

Dịch nghĩa:

Phò giá vua chinh phạt phía Tây, bái yết đền thờ Uy Hiển Vương

Lưng đeo bùa ấn hình cá, hình rùa,

Việc cầu khấn này phó thác cho quan và tướng.

Kẻ học trò yếu đuối không có ước vọng gì,

Dưới đền chỉ xin khấn chữ bình an.


2. Tụng giá tây chinh yết Tản Viên từ

Sơn tự thiên cao thần nhạc linh,

Tâm hương tài khấu dĩ văn thanh.

Mỵ Nương diệc cụ uy nghi giả,

Thả vị thư sinh bảo thử hành.

Dịch nghĩa:

Phò giá vua chinh phạt phía Tây, bái yết đền thờ Tản Viên

Núi cao như trời, thần núi linh thiêng,

Một nén hương lòng vừa cúi đầu khấn đã nghe tiếng vọng.

Mỵ Nương nếu là vị thần đầy đủ uy nghi,

Thì hãy phù hộ kẻ thư sinh trong chuyến đi này.



Bùi Thụy Đào Nguyên giới thiệu

Chú thích:

[1] Từ điển văn học (bộ mới), Từ điển bách khoa Việt Nam và Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam đều ghi là không rõ như trên.

[2] Theo Việt điện u linh, truyện: "Trung Dục Uy Hiển vương", tức Thần làng Bạch Hạc. Bạch Hạc ở chỗ sông Lô đổ vào sông Hồng; nay thuộc là phường Bạch Hạc thuộc thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. tỉnh Vĩnh Phú (theo Sổ tay địa danh Việt Nam. NXB Giáo dục, 2008, tr. 18). Đừng lầm với Ngã Ba Hạc ở gần đó.

[3] Tản Viên, còn gọi là Sơn Tinh, là vị thần cai quản dãy núi Ba Vì (núi Tản Viên), một trong bốn vị thánh bất tử của người Việt.


Sách tham khảo:

-Nhiều người soạn, Từ điển bách khoa Việt Nam, mục từ “Nguyễn Sĩ Cố” (bản điện tử).

-Đặng Thị Hảo, mục từ "Nguyễn Sĩ Cố" trong Từ điển văn học (bộ mới). Nhà xuất bản Thế giới, 2004.

-Nguyễn Q. Thắng-Nguyễn Bá Thế, Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam. Nhà xuất bản Khoa học xã hội, 1992.

-Sách Địa chí Hải Dương, bản điện tử.

-Lý Tế Xuyên, Việt điện u linh, Ngọc Hồ dịch. Nhà xuất bản Cửu Long, 1982.



Thứ Hai, 5 tháng 9, 2011

Truyện Tôn Thất Hiệp


Truyện Tôn Thất Hiệp


Tôn Thất Hiệp (ảnh thờ)
Sau trận đánh nhau với quân Trịnh vào năm 1673, ông hoàng Tôn Thất Hiệp từ bỏ gia đình, quyết chí xuất gia, tuy mới 20 tuổi.

Tôn Thất Hiệp (chữ Hán: 尊室協, 1653-1675), tên thật là Nguyễn Phúc Thuần hay Nguyễn Phúc Chiểu, là con thứ tư của chúa Hiền Nguyễn Phúc Tần, sau vì kỵ húy nên đổi là Hiệp. Mẹ là bà phi Châu Thị Viên. Chưa biết ông sinh tại đâu, chỉ biết khi vừa trai tráng, ông được cử giữ chức Chưởng cơ tước Hiệp Đức hầu, nên còn được người đời gọi là công tử Hiệp Đức.

Sau khi đánh dẹp được nhà Mạc ở Cao Bằng (1667), tháng 6 dương lịch năm 1672, chúa Trịnh Tạc cử con là Trịnh Căn làm Nguyên súy cai quản thủy quân và Lê Thời Hiến (hay Lê Hiến) làm Thống suất bộ binh, đem 10 vạn quân (nhưng phao tin là 18 vạn hay hơn nữa) vào đánh chúa Nguyễn. Ngoài ra, chúa Trịnh Tạc còn hộ giá vua Lê Gia Tông khi ấy mới 12 tuổi, theo sau tiếp ứng. Khi nghe viên Trấn thủ Nam Bố Chính cấp báo, chúa Hiền liền họp triều thần chọn Nguyên soái để chỉ huy quân đội chống lại. Các tướng đồng đề nghị Tôn Thất Hiệp, vì cho rằng tuy ông còn trẻ, chưa đầy 20 tuổi, chưa từng ra trận lần nào, nhưng là người có trí dũng, đáng được giao trọng trách ấy. Chúa Hiền chấp thuận, đồng thời cử thêm Vệ úy Mai Phúc Lãnh và Ký lục Võ Phi Thừa theo giúp việc cho con.

Vào khoảng tháng 9-10 (dương lịch) năm 1672, quân Trịnh Căn đến Nam Bố Chính. Sau ba tháng dài dò xét, hăm dọa, tố cáo chúa Nguyễn không phục tùng nhà Lê; Trịnh Căn thử tấn công vào lũy Đồng Hới, rồi đưa đoàn chiến thuyền đến sông Gianh và sông Nhật Lệ để chờ đổ bộ. Biết tình thế ấy, Tôn Thất Hiệp cho đắp thêm lũy Trấn Ninh, bố trí thêm súng thần công và cấp báo với chúa Hiền.

Tháng 1 (dương lịch) năm 1673, Lê Thời Hiến xua quân tấn công lũy Trấn Ninh nhưng bị thua khiến Trịnh Tạc nổi giận, nghiêm phạt các quan quân bại trận. Được tăng cường thêm lính, Lê Thời Hiến mở cuộc tấn công thứ hai rất mãnh liệt...Chỉ trong vòng một ngày chiến đấu, lũy Trấn Ninh bị phá nhiều chỗ và đôi bên đã giằng co, chiếm qua chiếm lại từng khu vực một.

Nao lòng, tướng Nguyễn tên Trương Phúc Cang toan bỏ lũy, qua cố thủ bên này sông Lê Kỳ nhưng Tôn Thất Hiệp không đồng ý, e tổn hại cho sĩ khí ba quân. Sau khi toan tính, Tôn Thất Hiệp sai quân phi ngựa đến lũy Sa Kỳ, truyền cho lão tướng Nguyễn Hữu Dật phải tức tốc qua lũy Trấn Ninh cứu khổn.

Nhận lệnh ấy, theo nhà văn Sơn Nam, thì Nguyễn Hữu Dật đã lạnh lùng trả lời rằng: "Ta chỉ lo gìn giữ lũy Sa Phụ nầy mà thôi. Ngay từ hồi đầu chiến trận, ta không được ai chia sớt trách nhiệm nào ở lũy Trấn Ninh cả. Ta không dám đi!". Câu trả lời trong giây phút bất mãn, nhưng sau đó Nguyễn Hữu Dật liền hối hận...

Nguyễn Hữu Dật chạy nhanh lên lũy Sa Phụ, đứng quan sát thực tế của chiến trận. Bên kia sông, súng thần công nổ vang rền, khói bốc mịt trời che lấp lũy Trấn ninh. Chắc chắn Lê Thời Hiến chiếm ưu thắng và tướng sĩ Đàng Trong đang đại bại ở ngay mặt trận chánh. Ông dư hiểu: "Nếu mình không đi cứu viện thì Tôn Thất Hiệp phải đi cứu viện, và liệu vị nguyên soái quá trẻ tuổi, thiếu kinh nghiệm ấy có đủ sức ứng phó?"

Nghĩ vậy, Hữu Dật tức tốc lên yên, kéo quân đến Trấn Ninh, dọc đường, ông cẩn thận vạt vỏ viết vào thân cây mấy chữ tóm tắt: "Hữu Dật đã qua cứu viện lũy Trấn Ninh, xin Nguyên soái (Tôn Thất Hiệp) đến giữ lũy Sa Phụ đang bỏ trống". Đọc tin ấy, Tôn Thất Hiệp qua giữ lũy Sa Phụ và rồi đánh tan được đội thuyền tuần tiểu trên sông Nhật Lệ của Tham đốc Thắng.

Ở mặt trận Trấn Ninh, khi lão tướng đến được nơi ấy thì trời đã tối đen như mực. Trước cảnh binh sĩ lớp chết, lớp bị thương, số còn lại chiến đấu gần như tuyệt vọng, ông ra lệnh gom nhánh cây, cỏ khô, đốt lên sáng rực. Biết có viện binh đến, quân Trịnh không dám tiến. Suốt đêm, Hữu Dật đốc suất quân sĩ tích cực sửa chữa chiến lũy, nhưng trời vừa rạng sáng, Lê Thời Hiến lại tấn công. Quân sĩ Đàng Trong chống trả quyết liệt, cho nên con số bị thương và thương vong của cả hai phía đều tăng lên từng ngày. Lại gặp lúc gíó bấc thổi mạnh, mưa phùn lê thê, lạnh lẽo hơn bao giờ hết, chúa Trịnh Tạc tự xét thấy không thể thắng nổi, nên cho rút quân về...

Làm lễ cầu siêu cho các tướng sĩ Đàng Trong lẫn Đàng Ngoài chết trận, thả tù binh xong; tháng 4 (dương lịch) 1673, Tôn Thất Hiệp về đến Thạch Xá. Chúa Hiền mừng rỡ, khen ngợi, ban thưởng nhiều vàng bạc. Nhận thưởng, nhưng sau đó Tôn Thất Hiệp từ bỏ gia đình, quyết chí xuất gia, tuy mới 20 tuổi.

Khi chỉ huy chiến trận, ông hoàng Hiệp sống khắc khổ, ngồi trong trại, chỉ có hai vệ sĩ túc trực bên cạnh. Lần nọ, một lão già ở Quảng Bình tên Bật Nghĩa đến trại với ý định “tiến” cho ông một thiếu nữ xinh đẹp. Tuy từ chối nhưng ông không quên cấp cho lão già 10 quan tiền, vì hiểu rằng người cha nọ hành động như vậy chỉ vì quá túng thiếu cơm áo ở thời loạn [theo Sơn Nam, tr. 23].

Hoàng Hiệp liễu đạo năm 22 tuổi (1653 - 1675), ngày rằm tháng 6 năm Ất Mão (ngày 6 tháng 8 năm 1675), an táng ở làng Hiền Sĩ, thuộc huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên (Huế), có lẽ không lưu lại một bút tích, một bài thơ truyền khẩu nào. Nhưng hậu thế tưởng còn nhận được hình bóng bất diệt của ông qua nụ tười phảng phất trên môi của các tượng Bồ Tát trong chùa, giữa tiếng kệ kinh.

Theo tài liệu của chùa Minh Thiện ở núi Bút Sơn, làng Thanh Tuyền, phía Tây dinh Thái Khang (sau chùa dời về ở xã Diên Lạc, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa) thì chính Tống Phước Hiệp, là Tổ khai sơn chùa Minh Thiện, và khi ấy ông có pháp danh là Giác Sanh Thiền Hòa Tử.
Sau thời gian hoằng hóa ở chùa này, ngày rằm tháng 6 năm Ất Mão, nhà sư Giác Sanh Thiền Hòa Tử viên tịch, được chúa Hiền ban thụy hiệu là “Tịnh Đức Phổ Chiếu Hoà thượng” [dẫn lại theo Lịch sử Phật giáo Đàng Trong, tr. 84].

Thông tin thêm:
Theo Gia phả Nguyễn Phước tộc, thì Tống Phước Hiệp mất vì bệnh đậu mùa. Thương tiếc, chúa Hiền phong tặng ông là: "Minh Nghĩa Tuyên Đức, Công Thần, Khai Phủ Quốc Thượng Tướng Quân, Cẩm Y Vệ, Đô Đốc Phủ Sự, Thiếu Úy Hiệp Quận Công", thụy là Toàn Tiết. Nhà thờ ở làng Vân Thê (Thừa Thiên), mộ táng trong khuôn viên nhà thờ. Vào thời vua Gia Long, ông được xếp vào hàng thượng đẳng công thần, được thờ ở Tả Vu nhà Thái Miếu (Huế). Đến đời vua Minh Mạng được tấn phong là Quốc Uy công.

Bà vợ của ông húy là Nguyễn Thị Hưng, tiểu sử không rõ. Bà mất ngày 13 tháng 2 âm lịch [không rõ năm], mộ táng cùng một chỗ với ông, trong khuôn viên nhà thờ. Tống Phước Hiệp có 4 người con trai là Nguyễn Phúc Nhuận, Nguyễn Phúc Lễ, Nguyễn Phúc Thiều, Nguyễn Phúc Phan. Chỉ có hai ông Nhuận và Thiều là hiển đạt, làm quan đến Chưởng dinh.

Bùi Thụy Đào Nguyên, giới thiệu.
Sách tham khảo:
-Trần Trọng Kim, Việt Nam sử lược. Nhà xuất bản Tân Việt, Sài Gòn, 1968.
-Sơn Nam, Nói về miền Nam, chương: Ông Hoàng Hiệp và trận giặc năm 1673. Nhà xuất bản Trẻ, 2009.
-Phạm Văn Sơn, Việt sử tân biên (Quyển 3). Tác giả tự xuất bản, Sài Gòn, 1959.
-Nguyễn Hiền Đức, Lịch sử Phật giáo Đàng Trong. Nhà xuất bản Thành phố Hồ Chí Minh, 1995.