Hình ảnh

Hình ảnh

Thứ Tư, 30 tháng 5, 2012

Lãnh Binh Tấn, một cộng sự đắc lực của thực dân Pháp.




Lãnh Binh Tấn (1847 –1874) [1] tên thật Huỳnh Tấn hay Huỳnh Văn Tấn, còn gọi là Huỳnh Công Tấn; là người thôn An Long (Yên luông nhị thôn), huyện Tân Hòa (Gò Công), trước thuộc tỉnh Định Tường, nay thuộc tỉnh Tiền Giang.

Căn cứ "hồ sơ Huỳnh Tấn số SL 2751" trong Văn khố Quốc gia, lúc đầu, Huỳnh Tấn là một nghĩa quân của thủ lĩnh Trương Định. Sau bị bắt rồi hàng Pháp từ nửa cuối năm 1862 [3]. Chi tiết này cũng được chính Huỳnh Tấn kể lại với Paulin Vial trong thư ngày 31 tháng 7 năm 1869, khác với một số lời kể khác [2].

Về làm cộng sự cho Pháp, Huỳnh Minh đã lập được một số công lao, đáng kể như:

-Ngày 19 tháng 8 năm 1864, Huỳnh Tấn dẫn quân Pháp đến vây bắt Trương Định, khi vị thủ lĩnh này vừa thất thủ ở Gò Công rút quân về Kiểng Phước. Theo nhà sử học Phạm Văn Sơn thì Trương Định bị vây đánh tại “đám lá tối trời”. Ông bị thương nặng, rồi dùng gươm tự sát tại Ao Dinh (Gò Công) vào hôm sau, đồng thời 28 nghĩa quân đi theo ông cũng đều bị bắt chết.

-Tháng 4 năm 1866, Huỳnh Tấn dẫn quân Pháp đi tấn công đồn Tả ở Đồng Tháp, khiến cho lực lượng của thủ lĩnh Võ Duy Dương bị thiệt hại nặng.

-Tháng 8 năm 1868, ông lại tham gia cuộc hành quân ra đảo Phú Quốc để truy bắt thủ lĩnh Nguyễn Trung Trực, và đã thành công.

Tưởng thưởng công lao, thực dân Pháp ban cho Huỳnh Tấn huy chương “Bắc Đẩu Bội tinh” , và dành cho ông chức Lãnh binh [3], “được dịch là Général, đứng đầu ngạch lính mã tà bản xứ. Chức tước này chỉ độc nhất dành riêng cho ông ta, sau đó không còn ai được mang nữa”. Có chức quyền, Huỳnh Tấn tha hồ “chứa bạc, chiếm đất, bắt dân làm xâu...rồi nhập vào nhóm ăn chơi ở Sài Gòn, nuôi ngựa đua để cáp độ với đám chủ nhân ông mới”.[4]

Về sau, nhà văn Sơn Nam kể, Huỳnh Tấn bị người Pháp chán ngán vì lối làm việc luông tuồng, quê mùa, thất nhân tâm, lấn quyền...và ngây thơ đến mức dám chê bai, tố cáo lề lối cai trị của quan Tham biện Pháp ở hạt Bến Tre đến quan Giám đốc Nội vụ Pháp (directeur de l'intérieur) Pauli Vial. Bởi vậy, viên Giám đốc Nội vụ phẫn nộ, trách mắng, tìm cách đổi ông về miền Đông Nam Kỳ, nhưng vào năm 1869, Huỳnh Tấn lại được chút tín nhiệm nhờ qua Cần Giuộc bắt Phó đốc binh Bùi Duy Nhứt lúc bấy giờ đang chống Pháp.

Thời kỳ bắt giết bừa bãi đã qua, Pháp muốn chiêu an, nên tìm cớ không dùng Huỳnh Tấn nữa. Pháp cho một tay sai khác là Huyện Vĩnh tố cáo ông về tội lạm quyền. Huỳnh Tấn tự bào chữa bằng các tố cáo lại sự lạm quyền của huyện Vĩnh. Sau cùng, ông chết năm 37 tuổi vì bịnh trong chiếc “ghe hầu” (ghe nhà giàu có mui có buồng riêng) trên đường Gò Công-Sài Gòn [5].

Sau khi Huỳnh Tấn mất, nhà cầm quyền Pháp cho xây dựng "đài ghi công" ông tại tỉnh lỵ Gò Công (nay là thị xã Gò Công). Trên đó có khắc dòng chữ: "À la mémoire du Lanh binh Huynh Cong Tan, chevalier de la guon d’ honnem, tidèle serviteur de France". Nghĩa là: Kỷ niệm Huỳnh Công Tấn, Bắc Đẩu Bội tinh, công bộc trung thành của nước Pháp. Năm 1945, đài này bị người dân đập phá tan.

Hay tin ông mất, Tôn Thọ Tường là bạn đồng liêu, có cặp đối viếng:
Phúc qưới thị thảng lai, oanh liệt hùng tâm khinh nhứt trịch,
Thinh danh ưng bất hủ, ức dương công luận phú thiên thu.

Tạm dịch:
Giàu sang ấy thoáng qua, lừng lẫy hùng tâm khinh một ném,
Tiếng tăm đành chẳng mục, chê khen công luận phú ngàn năm.

Kết án ông, trong bài Thơ chống Pháp và tay sai của một tác giả khuyết danh có câu:

Chó săn có lũ thằng Tường,
Thằng Lộc, thằng Tấn, thằng Phương một đoàn.[5]

Theo nhà văn Sơn Nam, thì: Huỳnh Tấn là người thất học, không tham vọng lớn, khả năng chỉ có giới hạn; nhưng Tấn vẫn trở nên giàu có nhờ tài tổ chức sòng bạc, chiếm đất, bắt dân làm xâu phục vụ cho việc làm ăn riêng tư của mình. Ngoài ra, khi lãnh trách nhiệm dọ thám cho người Pháp, Tấn biết lợi dụng địa vị này, để bắt hay tha người để trục lợi. Thực dân Pháp xài Tấn, chẳng qua để gìn giữ vùng Gò Công và Bến Tre là nơi Tấn từng lui tới, am hiểu nhân dân và địa thế...[6]

Thông tin thêm

Con trai Huỳnh Công Tấn là Huỳnh Công Miêng, du học bên Pháp, về xứ lúc đầu theo Phủ Trần Bá Lộc, đánh với phe "Văn Thân" ngoài Thuận Khánh. Sau này nghĩ sao không rõ mà không nhận chức gì, chỉ ngao du ăn xài theo bực công tử. Đi khắp Lục tỉnh, đi đến đâu, ưa đánh lộn bênh vực người mắc nạn, hết tiền vô quan Tây "mượn xài". Quan nể tình cũ ông cha, hằng trợ giúp và dầu phạm pháp cũng không bắt tội. Khi chết được đời nhắc tên trong "vè Cậu Hai Miêng" với danh từ ngộ nghĩnh là "lưu linh miễn tử" [7].

Trước năm 1975, ngôi mộ của Cậu Hai Miêng nằm trong vuông đất ở đường Phát Diệm (Sài Gòn). Mộ bằng đá xanh, có dựng bia, nhưng vì lâu ngày đã bị rêu phong cỏ mọc, đọc không rõ.

Chú thích
1.Năm sinh và năm mất của Huỳnh Tấn ghi theo Tạ Chí Đại Trường (tr. 63), có nguồn khi khác.
2. Trong số lời kể khác, có: “Vì vi phạm quân kỷ bị chủ tướng trách phạt, Tấn tức giận đem lòng phản trắc” (Huỳnh Minh, tr. 176); vì “ăn hối lộ, bị Trương Định xử chém, nhưng nhờ can ngăn, nên được tha. Từ đó, Tấn rấp tâm làm phản” (theo sách Cuộc khởi nghĩa Trương Định).

3. Nghị định ban chức Lãnh binh cho Huỳnh Tấn do Thống đốc Nam Kỳ ký ngày 5 tháng 11 năm 1867.

4.Theo Tạ Chí Đại Trường, 63.

5. Theo Sơn Nam, Lịch sử khẩn hoang miền Nam, tr. 133-134.

6. Ý nói đến Tôn Thọ Tường, Trần Bá Lộc, Huỳnh Tấn và Đỗ Hữu Phương. Theo Thi văn quốc cấm thời thuộc Pháp, Thái Bạch biên soạn, Sài Gòn, NXB, Khai Trí, 1968.

7.Vương Hồng Sển, Sài Gòn năm xưa, tr.256.

Bùi Thụy Đào Nguyên, giới thiệu.

Sách tham khào

■Vương Hồng Sển, Sài Gòn năm xưa. Nxb TP. HCM, 1991.

■Huỳnh Minh, Gò Công xưa. Nxb Thanh Niên, 2001.

■Sơn Nam, Lịch sử khẩn hoang miền Nam, Nxb Văn nghệ TP. HCM, 1994.

■Phạm Văn Sơn, Việt sử tân biên, quyển 5, tập thượng, Sài Gòn, 1962

■Tạ Chí Đại Trường, Người lính thuộc địa Nam Kỳ (1861-1945). Nhà xuất bản Tri Trức và Nhã Nam xuất bản, 2011.

■Nhiều tác giả, Hỏi đáp cuộc khởi nghĩa Trương Định. Nxb QĐND, 2008.




Danh tướng thời chúa Nguyễn: Tống Viết Phước

Tống Viết Phước (hay Phúc, ? - 1801) là một danh tướng của chúa Nguyễn Phúc Ánh trong lịch sử Việt Nam.

Hiện chưa biết nơi sinh và thân thế của Tống Viết Phước, chỉ biết tổ tiên ông vốn là người Thanh Hóa, sau vào cư ngụ ở huyện Bình Dương, thuộc Gia Định [1].

Cũng không rõ ông đầu quân chúa Nguyễn khi nào, chỉ biết là ông có dự trận Rạch Gầm - Xoài Mút (nay thuộc Tiền Giang) vào tháng 1 năm 1785. Rồi khi đội quân của phe ông đại bại, ông đã theo chúa Nguyễn Phúc Ánh lưu vong nơi Vọng Các (Xiêm La, nay là Thái Lan). Tháng 7 (âm lịch) năm Đinh Mùi (1787), ông theo chúa Nguyễn trở về nước. Kể từ đó, ông vào sinh ra tử, hết lòng phò tá vị chúa này.

Gian lao phò tá chúa Nguyễn
Đầu năm Ất Mão (1795), quân Tây Sơn đuổi quân Nguyễn chạy về Bà Rịa. Tức giận, chúa Nguyễn Phúc Ánh cách chức Nguyễn Huỳnh Đức và Nguyễn Văn Thành, rồi tự mình đem quân từ Gia Định đi cứu Diên Khánh (nay thuộc Khánh Hòa). Theo sử liệu thì lần ra quân này, Tống Viết Phước phá được thủy binh Tây Sơn từ vũng Diễn kéo tới. GS. Trịnh Vân Thanh kể: "Lúc bấy giờ ông ở dưới quyền điều khiển của tướng Trương Phúc Luật, chém được Đô đốc Tây Sơn là Nguyễn Văn Sĩ, đánh chìm và tịch thu được 8 chiến thuyền"...[2]

Tháng 10 (âm lịch) năm Mậu Ngọ (1798), chúa Nguyễn sai Ðông cung Nguyễn Phúc Cảnh ra giữ thành Diên Khánh. Theo giúp đỡ có Giám mục Bá Đa Lộc, tướng Nguyễn Công Thái và ông. Sau, vì có sự xích mích với vị Giám mục trên, ông bị triệu về Gia Định.

Đầu tháng 5 (âm lịch) năm Kỷ Mùi (1799), Tống Viết Phước theo chúa Nguyễn kéo quân đi vây thành Quy Nhơn, lúc này do tướng Tây Sơn Lê Văn Thanh trấn giữ. Đánh mấy ngày liền không hạ nổi thành, ông nhận lệnh phòng giữ mặt phía Bắc, đề phòng quân Tây Sơn ở Phú Xuân đến cứu. Quả nhiên, lực lượng ấy do Trần Quang Diệu và Võ Văn Dũng chỉ huy rầm rộ kéo vào, nhưng bị ông chận lại ở Thạch Tân [3]. Thừa lúc tối trời, tướng Dũng đem quân theo đường Chung Xá đánh úp quân của Tống Viết Phước. Sử Nguyễn chép:"...(Quang) Diệu ở ngoài đèo Bến Đá giả làm thanh thế, Dũng đem quân đi xuống Chung Xá mưu đánh lén quân ta. Ban đêm đi qua khe, có một con nai trong rừng nhảy ra, quân đại tiền ngó thấy la lên: "nai! nai!", quân sau vội vàng cũng la lên rằng "Đồng Nai". Giặc sợ bỏ chạy (vì tưởng quân Đồng Nai, tức quân Nguyễn), sập xuống hầm hố nhiều lắm. Tống Viết Phước biết giặc kinh sợ, đem vài trăm quân ra đuổi, giặc thua chạy, bắt được quân giặc và khí giới nhiều lắm. Báo tin thắng trận, Ngài (chúa Nguyễn) khen, thưởng 3.000 quan tiền"...[4]. Quân ứng cứu không tới được, mà trong thành thì hết lương, tướng Lê Văn Thanh đầu hàng. Chúa Nguyễn vào thành cho đổi tên là thành Bình Định.


Tháng 11 (âm lịch) năm Nhâm Thân (1800), Tống Viết Phước Lê Văn Duyệt, Lê Chất, Nguyễn Đức Xuyên nhận lệnh chúa dẫn đại quân tiến vào Đồng Thị (sử Nguyễn ghi là Gò Thị) [5], đặt dưới quyền của Tiết chế Nguyễn Văn Thành. Trận ấy, quân Tây Sơn thua lớn, Đô đốc Hoan bị chém chết tại trận, Đô đốc Thu phải đầu hàng. Sử Nguyễn chép: "...Giặc thua bỏ chạy, lấy được voi, ngựa, súng và binh khí nhiều lắm" [6]. Thừa thắng, Tống Viết Phước đem quân rẽ về phía núi An Tượng, phá thêm bốn đồn của quân Tây Sơn. Sau đó, ông còn hội quân với Mai Đức Nghị, Trần Công Lại phá lũy của đối phương ở Đầm Sinh, Sơn Trà...


Đầu năm Tân Dậu (1801), chúa Nguyễn hội các tướng bàn kế đánh phá lực lượng quân thủy hùng mạnh của nhà Tây Sơn do Võ Văn Dũng chỉ huy đang áng ngữ nơi đầm Thị Nại (Quy Nhơn). Nghe theo kế của Đặng Đức Siêu, chúa Nguyễn lệnh cho các tướng chuẩn bị đánh hỏa công. Theo Tạ Chí Đại Trường thì: chúa Nguyễn "đã dự tính sắm sẵn thuyền nhỏ, chất đồ dẫn hoả rồi móc lấy thuyền Tây Sơn đốt. Tống Viết Phước xin đảm nhận việc đó. Ánh báo cho Thành biết mưu tính để hợp lực ngăn chặn bộ binh (của Tây Sơn) không cho tiếp cứu. Theo ý Thành, Lê Văn Duyệt được cử thay Phước" [7]. Vì thế, trong chiến dịch này, Tống Viết Phước và Nguyễn Văn Thành, chủ yếu chỉ làm nhiệm vụ cản phá quân bộ của đối phương.

Sau khi đốt hết cả đội binh thuyền của nhà Tây Sơn tại đầm Thị Nại, chúa Nguyễn cũng muốn tiến lên phá vỡ vòng vây cho thành Bình Định, song vì Quang Diệu và Văn Dũng còn đang hợp binh vây thành, thanh thế còn khá lớn mạnh, nên đành phải đợi thêm quân.

Lúc bấy giờ, thấy Càn Dương (có sách ghi là Kiên Dương) là chỗ hiễm yếu, Nguyễn Văn Thành bèn sai Tống Viết Phước đến đóng ở đó. Ít lâu sau, tướng Tây Sơn là Từ Văn Chiêu đem quân đánh úp đồn của Viết Phước, giết chết Vệ úy Trần Văn Xung ở chợ Chính Lộc. Tức giận, Tống Viết Phước dẫn quân đi phản công, nhưng đến Thạch Cốc [8] thì gặp phục binh của Tây Sơn, khiến Phó Đô thống chế Phạm Văn Cơ, Vệ uý Nguyễn Văn Tri bị bắt, hai Vệ uý Hoàng Phúc Bảo, Hoàng Văn Tứ bị giết, khiến Phước phải bỏ quân chạy về Thi Nại....

Tháng 3 (âm lịch) năm đó (1801), tướng Nguyễn Văn Trương đánh lấy được dinh Quảng Nam. Thừa thắng, chúa Nguyễn sai Tống Viết Phước đem hơn 30 chiến thuyền và một ngàn quân ra tiếp tục tấn công. Đến nơi, Tống Viết Phước tung quân ra đánh, phá tan được đội quân Tây Sơn của tướng Nguyễn Văn Xuân. Sau đó, ông nhận lệnh ở làm Trấn thủ Quảng Nam, để Nguyễn Văn Trương đốc suất binh thuyền đánh lấy Phú Xuân, là kinh đô của triều Tây Sơn.

Bị đối phương giết chết

Thâu phục được Phú Xuân (tháng 5 âl năm 1801), theo sách Hoàng Việt long hưng chí, chúa Nguyễn bèn lệnh cho Tống Viết Phước đem quân thủy, Lê Văn Duyệt và Lê Chất đem quân bộ, chia đường vào cứu thành Bình Định. Biết được, Trần Quang Diệu cho Đô đốc Nguyễn Văn Khôn và Tham đốc Hồ Văn Tự dẫn quân đi ngăn cản. Song, liệu bề chống không lại, hai viên tướng trên liền cho quân tháo lui. Thừa thế, Tống Viết Phước đưa quân thủy vượt bến Tân Quan, vào đến Phúc Cốc (Hang Dơi), nhưng bất ngờ bị phục binh. Tống Viết Phước ra sức chống cự nhưng không địch nổi, bị tướng Tây Sơn là Từ Văn Chiêu bắt sống. Ngay sau đó ông bị Từ Văn Chiêu chém đầu vì thù riêng.

Tương tự, nhà sử học Tạ Chí Đại Trường, trong sách đã dẫn, kể: "Nguyễn Ánh sai Lê Văn Duyệt, Lê Chất, Tống Viết Phúc đánh vào. Đến Trà Khúc, Phúc lập được công lớn: đánh bắt Đô đốc Nguyễn Văn Khôn, Tham đốc Hồ Văn Tự cùng 3.000 quân. Nhưng ông rủi ro lại gặp kẻ thù: viên tướng do Trần Quang Diệu phái ra với Đại Đô đốc Lê Danh Phong (sau ra hàng) lại là Từ Văn Chiêu, nên đã phục binh giết chết Phúc, ngăn hẳn con đường tiến quân của Duyệt, Chất"...

Được phong tặng
Lúc còn cầm quân, Tống Viết Phước từng trải các chức: "Thuộc nội Chưởng cơ Tả quân, dinh Phó Tướng", "Thần sách quân Hữu đồn Chánh Thống", "Thần sách Trung dinh Đô thống chế". Sau khi mất, ông được vua Gia Long (tức chúa Nguyễn Phúc Ánh) truy tặng tước "Thiếu bảo Quận công", ban thụy hiệu là "Trung Liệt", cho thờ vào đền Hiển Trung ở Gia Định và miếu Công thần ở Phú Yên. Năm Minh Mạng thứ 18 (Đinh Dậu, 1837), ông lại được truy phong tước "Bình Giang Quận công".

Thông tin về tướng Từ Văn Chiêu (? - 1802).


Không rõ thân thế của ông. Theo lời kể trong sách “Hoàng Việt long hưng chí” (tr. 215), thì trước đây ông là Tham tán của Thái Đức Hoàng đế Nguyễn Nhạc, sau vì tư thông với ngưới thiếp của Hoàng đế, sợ bị tội bèn trốn vào Nam, theo chúa Nguyễn Phúc Ánh. Khi ấy là lúc Thái sư Bùi Đắc Tuyên vừa bị tướng Võ Văn Dũng giết chết (1795), và vị Hoàng đế trên đã mất khoảng hai năm trước (1793).

Sau đó, ông được chúa Nguyễn phong chức Phó Vệ úy, tước Tuyển Phong hầu. Ban đầu, chúa Nguyễn định cho ông làm tướng dưới quyền của Tống Viết Phước; nhưng sau nghe lời xin của ông, chúa cho ông theo tướng Tôn Thất Hội, đi đóng giữ Diên Khánh.

Tháng 6 (âm lịch) năm 1800, chúa Nguyễn ngự tại cửa Cù Mông, chia đồn lập trại, chuẩn bị đối đầu với quân Tây Sơn. Lúc này, theo sự điều động của chúa, Từ Văn Chiêu đến làm thuộc hạ của tướng Nguyễn Huỳnh Đức. Nhưng chẳng bao lâu sau, vì có mối bất hòa với tướng Tống Viết Phước từ trước, nên khi nghe tướng Tây Sơn là Võ Văn Dũng vừa đem lực lượng binh thuyền hùng hậu vào cửa Thị Nại (Quy Nhơn), Từ Văn Chiêu bèn quay trở lại với nhà Tây Sơn. Kể từ đó, ông chỉ huy đánh nhiều trận gây thiệt hại lớn cho quân Nguyễn. Ngay cả danh tướng Tống Viết Phước cũng bị bại trận dưới tay ông hai lần như đã kể trên.

Tháng 3 (âm lịch) năm 1802, Trần Quang Diệu và Võ Văn Dũng được tin quân Tây Sơn thua ở Trấn Ninh, liệu bề chống không nổi, hai ông bèn cùng với một số tướng lĩnh khác, trong đó có Từ Văn Chiêu, bỏ thành Bình Định tìm đường ra Bắc. Họ dẫn quân đi đường thượng đạo qua Ai Lao định ra Nghệ An. Song khi ra đến châu Qui Hợp, xuống huyện Hương Sơn, thì nghe quân Nguyễn đã lấy được Nghệ An rồi, bèn đi gấp về huyện Thanh Chương... Theo sách Hoàng Việt long hưng chí (tr. 341), thì "bất chợt bọn Diệu gặp cánh quân do Phó Đô thống Vũ Doãn Văn và Tiền đồn chánh thống Lê Đức Vịnh chỉ huy đi tới. Trần Quang Diệu cùng các thuộc tướng là Từ Văn Chiêu, Nguyễn văn Giáp, Lê Văn Hưng, Nguyễn Văn Mân...và quân sĩ ốm đau mỏi mệt không thể giao chiến được, đành phải để quân Nam bắt sống...Thế Tổ (tức Nguyễn Phúc Ánh) sai giao bọn Quang Diệu cho Tả quân Lê Văn Duyệt giam giữ....

Tuy nhiên, theo Tạ Chí Đại Trường (sách đã dẫn) thì khi đến Thanh Chương, bởi “lính theo hao mòn vì thiếu ăn, bệnh tật, nên bỏ rơi tướng họ sa vào tay bọn nông dân ham tiền”.

Kể từ lúc ấy, các sách dùng để tham khảo cho bài viết này đều không cho biết số phận về sau của Từ Văn Chiêu, song rất có thể ông cũng như nhiều tướng lĩnh khác của vương triều vừa sụp đỗ, đều bị giết chết vào tháng 11 (âm lịch) năm 1802, khi mà vua tôi của vương triều mới (nhà Nguyễn) tổ chức lễ “cáo việc Võ thành” tại Huế.

Sách Quốc triều sử toát yếu (Nxb Văn học, 2002, tr. 77) chép: "Tháng 11, cáo việc Võ thành. (là cáo việc đánh nhà Tây Sơn đã thành công). Ngày Quý Dậu tế Trời. Ngày Giáp Tuất đem tù cáo trước Thái Miếu, rồi đem anh em Nguyễn Quang Toản và bọn Diệu, Dõng (Dũng) xử trị hết phép".

Bùi Thụy Đào Nguyên, giới thiệu.

Chú thích

1.^ Hiện chưa tra được nơi sinh và thân thế của Tống Viết Phước. Huỳnh Minh, Gia Định xưa (Nxb Văn hóa - Thông tin, 2006, tr. 164) và Trịnh Vân Thanh (Thành ngữ điển tích danh nhân từ điển, quyển 2, Nxb Hồn Thiêng, Sài Gòn, 1967, tr. 1255) chỉ ghi đơn giản như trên.

2.^ Trịnh Vân Thanh, sách đã dẫn, tr. 1255.

3.^ Dãy Thạch Tân là ranh giới thiên nhiên của Quảng Ngãi và Bình Định. Nhờ đèo Bình Đê mở nẻo lưu thông Nam - Bắc. Năm 1801, Tống Viết Phước tử trận, hài cốt được đem mai táng tại chân núi Thạch Tân. Sau khi Gia Long lên ngôi, truy tặng ông tước Quận công và lập miếu thờ bên mộ.

4.^ Quốc sử quán triều Nguyễn, Quốc triều sử toát yếu, Nxb Văn học, 2002, tr. 56.

5.^ Gò Thị nay thuộc xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định.

6.^ Quốc triều sử toát yếu, tr. 58.

7.^ Theo Tạ Chí Đại Trường, “Lịch sử nội chiến 1771-1802”, tiết 18 (bản điện tử) [1] (http://www.vnmilitaryhistory.net/index.php/topic,2042.50.html) Sách Hoàng Việt long hưng chí kể lại vụ việc này như sau: Nghe lời tâu của Đặng Đức Siêu, chúa Nguyễn truyền lệnh cho các tướng chuẩn bị đánh hỏa công. Khi nghe chúa hỏi có thể sai ai đánh trận này, Tống Viết Phước xin đi. Nhưng khi nghe Nguyễn Đức Xuyên mật tâu rằng "Viết Phước tuy dũng cảm, nhưng hay khinh động, Lê Văn Duyệt có mưu lược hơn, sai đi thì mới chắc thắng", nên chúa Nguyễn bỏ ý định cử ông (tr. 262-263).

8.^ Thạch Cốc tức Thạch Cốc tự, tục gọi là “chùa Hang”, nay thuộc xã Mỹ Hoà, huyện Phù Mỹ, Bình Định.






Thứ Hai, 28 tháng 5, 2012

Chùa Tập Phước, một ngôi cổ tự ở Gia Định xưa

Chùa Tập Phước còn có tên là Sắc Tứ Tập Phước Tự (vì chùa được vua Gia Long sắc tứ năm 1802), hiện toạ lạc ở số 233 đường Phan Văn Trị, quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam. Đây là một trong số các ngôi cổ tự nổi tiếng ở đất Gia Định xưa.

Lịch sử

Theo sách Lịch sử Phật giáo Đàng Trong, thì có lẽ chùa được dựng ở khoảng giữa thế kỷ 18, tức cùng thời với chùa Khải Tường, chùa Từ Ân, chùa Giác Lâm, khi mà chúa Nguyễn Phúc Khoát chính thức xưng vương (1744), biến lãnh thổ Đàng Trong thành một nước ngang hàng với Đàng Ngoài do chúa Trịnh nắm quyền [1].

Nhưng hiện vẫn chưa biết rõ vị sư nào khai sơn chùa Tập Phước, chỉ có thể biết chắc là ngôi chùa đã có từ thời thiền sư Pháp Nhân-Thiên Trường (đời 36, phái Lâm Tế). Vì trong khoảng thời vị sư này làm trụ trì, có lần (khoảng năm 1776-1779) trên bước đường trốn chạy quân Tây Sơn, chúa tôi Nguyễn Phúc Ánh (về sau là vua Gia Long) đã phải vào đây ẩn trú [2].

Tuy nhiên, có nguồn lại cho rằng chùa Tập Phước do nhà sư Toàn Tánh-Chánh Đắc [3] (đời 37, phái Lâm Tế), từ Quảng Nam đến dựng vào những năm dưới đời chúa Nguyễn Phúc Khoát. Và ban đầu, chùa chỉ là một thảo am nhỏ, đến năm 1801, nhà sư trên mới chính thức làm lễ thành lập chùa [4]. Ngoài ra, khi tìm hiểu ai là người đã dựng lên ngôi chùa này, GS. Nguyễn Lang (tức Thiền sư Thích Nhất Hạnh) cũng có ý kiến khác, sẽ nói rõ ở phần “nghi vấn”.

Tiếp nối nhà sư Chánh Đắc, là các đời trụ trì: Hòa thượng Phước Tường (đời 38), Hòa thượng Huệ Thành (đời 39), Hòa thượng Hoằng Trí (đời 40), Hòa Thượng Hoằng Giáo (đời 41) và Đại đức Thiện Duyên (đời 42) từ năm 1993 đến nay.

Theo nhà nghiên cứu Huỳnh Minh, trước 1975 khá lâu, có một tay anh chị khét tiếng ở vùng Bà Chiểu đã đến tu tại chùa này, sau trở thành bậc Đại lão Hòa thượng, pháp danh là Thiện Minh [5].

Kiến trúc, thờ phụng

Từ khi thành lập cho đến nay, chùa Tập Phước đã được đại trùng tu vào các năm 1927, 1967 và 1993. Kiến trúc và bài trí ở điện Phật ngày nay là ở lần trùng tu sau cùng do Hòa thượng Hoằng Giáo tổ chức.

Trong chùa, hiện còn lưu giữ hai bức hoành phi: “sắc tiên chế” và “tứ hoàng phong” do vua Gia Long ban vì nhớ ơn che chở. Ngoài ra, ở đây còn có một đại hồng chung (làm thời Gia Long), cặp câu đối ở cột trước chánh điện (làm thời triều Nguyễn) [6], và nhiều pho tượng cổ có giá trị nghệ thuật cao. Mặc dù mặt tiền chùa thay đổi hẳn vì đã được xây cất lại theo kiến trúc mới, nhưng bên trong vẫn giữ được bộ khung gỗ cột kèo cổ truyền....

Theo lời kể của Huỳnh Minh trong sách “Gia Định xưa”, thì trước đây chùa có một Tam quan, trên có khắc một hàng lớn: "Sắc Tứ Tập Phước Tự". Đứng ngoài nhìn vào bên trong, nhận thấy ngôi chùa nguy nga nép mình trong cảnh tịch liêu, với những tàng cây bao phủ...Ngày nay (trước năm 1975, thời Hòa Thượng Hoằng Giáo làm trụ trì), cảnh cũ không còn được như xưa. Mồ mả lô nhô mọc lên bốn phía tựa hồ như một nghĩa trang công cộng. Trước chùa chỉ chừa lại có một con đường nhỏ hẹp đi vào. Mặt trước chính điện cũng xây lại nóc bằng theo lối kiến trúc mới, làm mất vẻ trang nghiêm cổ kính của một ngôi cổ tự nổi tiếng lâu năm nhất vùng.

Cũng theo nhà nghiên cứu này, vào thời Hòa Thượng Hoằng Giáo làm trụ trì, ở giữa chính điện thờ: Tam Thế Phật, Thập Bát La Hán, Thập Điện Phán Quan. Phía trước thờ đức Hộ Pháp, hai bên có Thiện Hữu, Ác Hữu và Tiêu Diện. Hai bên vách thờ Phật Già Lam và Tổ Bồ Đề Đạt Ma. Phía sau là bàn thờ các vị Tổ, và Phật Chuẩn Đề 18 tay. Ở bên cạnh hông chùa, là các tháp chứa di cốt của các nhà sư, đáng chú ý có ba tháp là của Hòa thượng Phước Tường (đời 38), Hòa thượng Huệ Thành (đời 39) và Hòa thượng Hoằng Trí....

Khi xưa, chùa Tập Phước thường tổ chức các khóa tu để tăng chúng khắp nơi đến tu học.

Nghi vấn

Dưới đây là ý kiến của GS. Nguyễn Lang về người xây dựng chùa Tập Phước. Lược ghi:

Vào thế kỷ 18, khi các chúa Nguyễn mở rộng bờ cõi về phía Nam thì một số cao tăng cũng theo làn sóng di cư đến trác tích tại các miền đất mới. Trong thời chúa Nguyễn Phúc Khoát, ở Ðông Phố (Gia Ðịnh), có chùa Thiên Trường lập năm 1755 (sau đổi tên là Kim Chương) và chùa Tập Phước... Có lẽ vị tổ khai sơn chùa này là một vị thiền sư đời 36 của dòng Lâm Tế. Theo các linh vị còn để thờ tại chùa thì đời thứ 37 là thiền sư Thánh Ðắc, đời thứ 38 là thiền sư Phước Thường, đời thứ 39 là thiền sư Ấn Thập và đời thứ 40 là thiền sư Hoàng Trí...

Tra tìm vị thiền sư đời thứ 36 ấy, thì thấy danh thần nhà Nguyễn là Trịnh Hoài Đức (1765-1825), từng làm thơ tặng một vị thiền sư tên là Viên Quang tại chùa Tập Phước. Sách Ðại Nam Liệt Truyện Tiền Biên nói rằng thiền sư Viên Quang thuộc đời thứ 36 dòng Lâm Tế, nhưng lại nói rằng Viên Quang tu tại chùa Giác Lâm, cũng ở Gia Định. Có lẽ thiền sư Viên Quang này là người đã khai sơn chùa Tập Phước, sau đó đã giao lại chùa cho đệ tử trông nom rồi dời về chùa Giác Lâm ở cho được thanh tịnh hơn.

Giả thuyết thứ hai: thiền sư Mật Hoằng (1735-1835, đời thứ 36, phái Lâm Tế) đã khai sơn chùa Tập Phước và đã mời sư huynh mình là Viên Quang đến cư trú với mình. Sau khi Mật Hoằng được triệu về kinh sung chức trú trì chùa Quốc Ân thì Viên Quang cũng về cư trú tại Giác Lâm. Hai thiền sư này đều là đệ tử của thiền sư Linh Nhạc thuộc pháp phái Nguyên Thiều, gốc ở chùa Thập Tháp...[7].


Tuy nhiên, theo hành trạng của thiền sư Tổ Tông-Viên Quang (viết tắt là Viên Quang) được ghi trong sách Thiền sư Việt Nam và Lịch sử Phật Giáo Đàng Trong, thì không thấy có chép việc “thiền sư Viên Quang lập ra chùa Tập Phước”, mà chỉ có thông tin như sau: "Thiền sư Viên Quang (1758-1827, đời 36 phái thiền Lâm Tế) là đệ tử của Thiền sư Phật Ý-Linh Nhạc ở chùa Từ Ân. Năm 1772, chùa Giác Lâm khuyết sư trụ trì, nên thầy cử sư sang đó. Đến khi Trịnh Hoài Đức được vua Gia Long cử làm Hiệp Tổng trấn Gia Định Thành. Trong khoảng thời gian 1816-1820, trong một buổi lễ ở chùa Tập Phước, tình cờ viên quan này gặp lại thiền sư Viên Quang, là bạn học cũ từ thuở thơ ấu ở quê ngoại. Sau đó, Trịnh Hoài Đức có làm một bài thơ ngũ ngôn luật bằng chữ Hán để nói lên cảm xúc của mình. Vậy, có thể thiền sư Viên Quang chỉ là người đến dự lễ mà thôi.

Bùi Thụy Đào Nguyên, giới thiệu.

Chú thích

1.^ Nguyễn Hiền Đức, Lịch sử Phật giáo Đàng Trong, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, 1995, tr. 213.

2.^ Theo Nguyễn Hiền Đức (tr. 213). Cũng theo tác giả này, có thể người tạo dựng chùa là Thiền sư Thiệt Quảng-Cảm Ứng (đời 35) vì có thờ bài vị của sư ở đây.

3.^ Tên Chánh Đắc là ghi theo long vị tại chùa (nguyên văn: "Lâm Tế Chánh tông, 36 thế, húy Toàn Tánh, thượng Chánh hạ Đắc"). GS. Nguyễn Lang (tr. 208) và Huỳnh Minh (tr. 261) đều ghi là “Thánh Đắc”.

4.^ Theo website Vietgle (http://www.vietgle.vn/trithucviet/detail.aspx?pid=NzhDQjA5MDgwNQ&key=Ch%c3%b9a+T%e1%ba%adp+Ph%c6%b0%e1%bb%9bc&type=A0&stype=0) .

5.^ Huỳnh Minh, Gia Định xưa, tr. 262.

6.^ Phiên âm chữ Hán cặp câu đối: Gia lạc minh quân hiện thực, Tự thừa quân ức tải/ Long hưng mạng chúa trị bình, đức hóa hưởng thiên thu.

7.^ Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo sử luận, tập 2, Nxb Văn học, 1992, tr. 208.





thơ của Trịnh Hoài Đức có trong sách này.

Thứ Năm, 24 tháng 5, 2012

Chùa Khải Tường





Tượng Phật A-di-đà do vua Gia Long dâng cúng năm 1804

Chùa Khải Tường là một ngôi cổ tự, trước đây tọa lạc trên một gò cao tại ấp Tân Lộc, thuộc Gia Định xưa. Ở vị trí ấy nay là Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, số 28, Võ Văn Tần, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam. Đây có thể được kể là ngôi già lam cổ nhất nhì ở vùng đất ấy, nhưng đã bị phá hủy dưới thời Pháp thuộc.


1. Lịch sử
Vào khoảng năm Giáp Ngọ (1744), Thiền sư Phật Ý-Linh Nhạc (1725-1821, là người đem chi phái Lâm Tế dòng đạo Bổn Nguyên vào miền Nam Việt Nam trước tiên), vâng lời thầy theo lớp người lưu dân từ Đồng Nai xuống phía Nam. Trên đường đi, nhà sư gặp một tăng sĩ không rõ họ tên, cùng lứa tuổi và họ đã kết thành huynh đệ. Đến nơi ở mới là làng Tân Lộc (có tư liệu viết là làng Hoạt Lộc hay xóm Chợ Đũi), hai nhà sư cùng khai phá rừng và dựng lên am lá (khoảng năm 1744) thờ Phật. Vài năm sau, nhà sư vô danh kia tách ra lập am riêng, cách am cũ vài mươi mét, để tiện việc tu hành.

Đến năm Nhâm Thân (1752), Thiền sư Phật Ý-Linh Nhạc tu bổ am lá thành chùa, và đặt tên là chùa Từ Ân, với ngụ ý là "nhờ lòng từ bi và ân huệ của đức Phật mà bá tánh được bình an, tạo được cuộc sống ấm no và hạnh phúc nơi vùng đất mới". Cũng khoảng thời gian đó, nhà sư vô danh cũng tu bổ am lá trước đây dựng thành chùa, và đặt tên là chùa Khải Tường, với ngụ ý là "mở rộng phước lành cho bá tánh". Vì thế khi thực dân Pháp tiến chiếm Gia Định, họ gọi chùa Khải Tường là chùa Trước (pagode Avancée) còn chùa Từ Ân là chùa Sau [1].

Căn cứ một số tư liệu, thì vào ngày 23 tháng 4 năm Tân Hợi (25 tháng 5 năm 1791), thứ phi Trần Thị Đang (Thuận Thiên Cao Hoàng hậu) sinh Nguyễn Phúc Đảm (về sau là vua Minh Mạng) nơi hậu liêu chùa Khải Tường, khi chúa Nguyễn Phúc Ánh đến đây trốn tránh quân Tây Sơn. Năm 1804, để tạ ơn che chở, vua Gia Long (tức vị chúa trên) đã gửi vào dâng cúng một tượng Phật A-di-đà lớn, ngồi trên tòa sen, cao 2,5 m bằng gỗ mít, sơn son thếp vàng.

Năm 1832, kỷ niệm nơi cha mẹ ông từng ở, và cũng là nơi sinh ra ông, vua Minh Mạng sai xuất bạc trùng tu chùa, đồng thời cho "mộ sư đến ở, cấp ruộng tự điền" để lo việc lễ tiết hàng năm [2].

Năm 1858, quân Pháp đánh phá cửa Hàn (Đà Nẵng). Năm sau (1859) lại vào tấn công Gia Định, Pháp chia quân đóng rải rác tại Trường Thi, đền Hiển Trung (pagode aux Mares) và các chùa: Khải Tường (pagode Barbé), Kiểng Phước (pagode des Clochetons), Cây Mai (pagode des Pruniers).

Riêng chùa Khải Tường, Đại úy Thủy quân lục chiến Pháp tên Barbé nhận nhiệm vụ dẫn quân vào chiếm giữ. Barbé cho đem tượng Phật bỏ ngoài sân, cưỡng bức các sư phải rời chùa. Khi ấy, quan Kinh lược Nguyễn Tri Phương được triều đình cử vào Nam lập Đại đồn Chí Hòa chống Pháp, và chiều ngày 7 tháng 12 năm 1860, quân Việt phục kích giết chết Barbé, khi viên sĩ quan này cỡi ngựa đi tuần đêm từ chùa Khải Tường đến đền Hiển Trung (trong vòng thành Ô Ma) [7].

Viên Trung úy Hải quân người Pháp là Léopold Pallu đã sang Sài Gòn tham chiến, sau này kể lại:
Buổi chiều hôm đó, Đại úy thủy quân Barbet cưỡi ngựa đi tuần tra như thường lệ. Bọn sát nhân rình rập trong một bụi cây...Ông bị đột kích bằng giáo té ngay xuống ngựa. Bọn An Nam liền cắt đầu, bò qua các bụi rậm và cỏ cao trở về giới tuyến cũ của thành Kỳ Hòa. Sáng hôm sau, người ta thấy phần thân thể còn lại (của Barbet) bị kéo bỏ bên vệ đường; con ngựa bị thương nằm bất động kế bên. Người ta kể lại rằng khi cái đầu ông Đại úy đem đến đặt bên khay trầu của vị tướng An Nam, thì ông này liền đếm tiền thưởng mà không nói gì, rồi sau đó mới thốt ra một lời tiếc thương. Đại úy Barbet có thân hình và một sức mạnh lực sĩ, nhiều người An Nam đều biết mặt ông”...[3]

Năm 1867, theo nhà văn Sơn Nam, thì chùa Khải Tường trở thành trường học con trai nhằm đào tạo giáo viên. Năm 1880, chùa Khải Tường bị tháo dỡ, trường dời qua cơ sở mới là trường Chasseloup Laubat xây cất xong khoảng 1877.[4]. Khi tháo dỡ, tấm hoành phi “Quốc ân Khải Tường tự” được chuyển về chùa Từ Ân (nay ở đường Tân Hóa, thuộc quận 6, Thành phố Hồ Chí Minh) cất giữ [5], còn pho tượng Phật kể trên phải dời đi nhiều nơi, sau cùng được đem trưng bày trong Viện bảo tàng Quốc gia Sài Gòn, nay là Bảo tàng Lịch sử Việt Nam - Thành phố Hồ Chí Minh.

Thời gian sau, trên nền chùa bỏ hoang này, Pháp cho xây cất một dinh thự dành cho quan chức trong bộ máy cai trị. Trước năm 1963, dùng làm Trường Đại học Y dược. Sau khi chế độ của Tổng thống Ngô Đình Diệm bị lật đổ, các tướng lãnh cho các cố vấn quân sự đến trú đóng.

Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, cơ sở trên được dùng làm Bảo tàng Chứng tích chiến tranh.

2. Nàng Hai Bến Nghé

Tên tuổi của chùa Khải Tường cùng viên quan ba Pháp Barbé, còn được loan truyền qua câu chuyện Nàng Hai Bến Nghé. Tương truyền rằng:

Nàng Hai và Tri yêu thương nhau nhưng vì hoàn cảnh éo le nàng phải nhận lấy lãnh binh Sắc làm chồng. Một lần thua trận, Sắc bị quan trên khiển trách, sẵn mang tâm trạng buồn bực, nên khi nghe quân mật báo việc Tri thường có cử chỉ thân mật với vợ mình, Sắc rất ghen tức. Một hôm Sắc cho người giả danh vợ mời Tri tới nhà bàn công việc gắp. Khi hai người gặp nhau, Sắc rời khỏi nơi ẩn nấp bước ra tri hô, ghép họ vào tội lăng loàn và cho lính đóng bè thả trôi sông cả hai người.

Một hai hôm sau viên quan ba Barbé, đóng binh ở chùa Khải Tường đang đi săn, bất ngờ gặp một bè chuối trôi trên đó có một người đàn ông và một người đàn bà. Theo dòng, hai con sấu lớn hung hãn, quẫy đuôi bám riết đuổi theo bè. Barbé liền nổ súng, sấu sợ hãi lặn trốn mất. Khi bè được vớt lên, người con trai tức Tri bị sấu cắn cụt mất một chân, đã chết. Phần người con gái là nàng Hai còn thoi thóp thở. Sau khi được chăm sóc, thấy cô trẻ đẹp nên Barbé ép cô phải chung sống với mình. Nàng Hai ưng thuận với điều kiện là được trở về nhà để thu xếp việc riêng.

Gặp nàng Hai về, Lãnh binh Sắc cho bắt cô với lời cáo buộc: tội thông đồng, mãi dâm với đối phương. Sắc cho giam nàng Hai dưới hố sâu, cho ăn xương cá và cơm hẩm. Thời may Trương Định đi tuần ngang, lệnh cho đem cô lên và nghe hết mọi chuyện oan trái này...


Nơi chùa Khải Tường, hôm đó trời vừa sụp tối, nghe lính canh báo tin có Nàng Hai đến xin gặp. Barbé mừng rỡ phóng ngựa ra đón. Còn cách cô gái chừng mười thước, quân Việt mai phục hai bên đường ào ra. Ngựa bị giáo dài đâm ngã quỵ, hất Barbé ngã xuống và lập tức bị chém chết. Hôm đó là ngày 7 tháng 12 năm 1860.

Hơn hai tháng sau, viện binh của Pháp từ Thượng Hải kéo đến Sài Gòn rầm rộ. Sau vài trận chiến ác liệt, đại đồn Chí Hòa bị hạ. Sau những ngày mịt mù khói lửa ấy, không ai tìm thấy cô gái nơi đâu, chẳng biết sống hay đã chết. Nhưng trong dân gian còn truyền tụng mãi hình ảnh người thiếu phụ bị thả trôi sông và đã góp công chống Pháp.

Hai tác giả người Pháp là Le Vardier và De Maubryan ghi cô tên là Thị Ba, và họ đã kể lại mối tình éo le của cô gái trong tác phẩm Scènes de la vie Anamite - Khi Hoa (Nhà xuất bản P.Ollendorff, Paris, 1884). Theo tác phẩm thì Lãnh binh Sất và Thị Ba đều bị chết đạn, khi quân Pháp tấn công vào bản doanh của nghĩa quân.


3. Thông tin liên quan

Viên sĩ quan Barbé chết, quân Pháp rất tức giận. Bởi vậy, họ chiếm lấy tấm bia đá (trên có khắc bi văn của Phan Thanh Giản soạn năm 1858) do vua Tự Đức sai chở từ Huế về Gò Công, để dựng nơi mộ ông ngoại mình là Đức Quốc công Phạm Đăng Hưng, làm bia mộ Barbé ở nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi (cũ). Mãi cho đến năm 1999, tấm bia mới được dựng tại mộ ông Hưng, tính ra tấm bia đá mang tên hai người chết một Pháp một Việt này đã luân lạc đúng 140 năm (1859-1999).

Bùi Thụy Đào Nguyên, giới thiệu.

Chú thích

1.^ Kể theo Thiền sư Việt Nam, tr. 469. Trong sách “Hội thảo”, có ít nhất ba tác giả đều cho rằng: “Thiền sư Phật Ý-Linh Nhạc chính là người lập ra chùa Từ Ân”, đó là PTS. Trần Hồng Liên (tr. 107), Thiền Hòa tử Huệ Chí (tr. 59), Nguyễn Quảng Tuân (tr. 114). Trong Lịch sử Phật giáo Đàng Trong của Nguyễn Hiền Đức (tr. 268) cũng cho biết như vậy. Tuy nhiên, theo bài viết "Những ngôi cổ tự đã biến mất", thì chùa Khải Tường do Thiền sư Phật Ý-Linh Nhạc khai sơn khoảng năm Giáp Ngọ 1744, còn chùa Từ Ân do một nhà sư vô danh tạo lập vào khoảng năm Nhâm Thìn (1752). Thông tin liên quan: theo sách Đại Nam nhất thống chí (phần Lục tỉnh Nam Việt) của triều Nguyễn, thì chùa Từ Ân được dựng vào năm Gia Long nguyên niên (1802). Tương tự, trong Đại Nam thực lục (chính biên, đệ nhị kỷ) cũng ghi đại để là chùa Khải Tường được nhà vua Minh Mạng sai dựng vào năm Nhâm Thìn (1832). Trần Hồng Liên giải thích “có lẽ do sử thần nhầm lẫn giữa việc lập chùa và trùng tu chùa mà ra” ("Hội thảo", tr. 108).

2.^ Xem chi tiết trong Đại Nam thực lục (chính biên, đệ nhị kỷ). Bản dịch của Viện sử học (tập 11), Nxb Khoa học xã hội, 1962, tr. 173-174.

3.^ Nơi Barbé chết, có thể ở ngã ba Võ Văn Tần-Trần Quốc Thảo, quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh. Thông tin thêm: Léopold Pallu (1828-1891), sinh ở Saintes , miền Trung nước Pháp. Năm 1861, ông làm sĩ quan tùy viên tổng hành dinh của Phó đề đốc Charner. Chính ông là người chỉ huy đội thủy quân lục chiến đánh vào Đại đồn Chí Hòa, và vài trận đánh chiếm lớn nhỏ khác lúc bấy giờ ở Nam Kỳ. Tác phẩm Lịch sử cuộc viễn chinh Nam Kỳ 1861 của ông được nhiều nhà nghiên cứu sử khen là "ghi chép cẩn thận và chi tiết". Ông về Pháp năm 1884, rồi về hưu năm 1890 với cấp bậc Phó Đề đốc Hải quân. (Theo Histoire de L’Expédition de Cochinchine en 1961 tức "Lịch sử cuộc viễn chinh Nam Kỳ 1861", do nhà xuất bản Hachette in tại Pháp năm 1864. Bản dịch của Hoang Phong. Nxb Phương Đông, 2008, phần phụ lục, tr.330). Đoạn trích ở trang 63 trong tiếng Việt. Nơi Barbé chết, có thể ở ngã ba Võ Văn Tần-Trần Quốc Thảo, quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh.

4.^ Sơn Nam, Bến Nghé xưa, tr. 58

5.^ Theo Thích nữ Như Lộc, năm 1836, chùa Khải Tường được phong làm “Quốc ân” (Hội thảo, tr. 93). Tuy nhiên, tấm hoành phi “Quốc ân Khải Tường tự” hiện còn lưu giữ tại chùa Từ Ân (mới) lại ghi là năm Quý Mão (1843), dưới triều vua Thiệu Trị. Có thể đây là khắc cúng.

Sách tham khảo chính
■Thích Thanh Từ, Thiền sư Việt Nam. Thành hội Phật giáo TP. Hồ Chí minh xuất bản năm 1992.
■Sơn Nam, Bến Nghé xưa. Nhà xuất bản Văn Nghệ TP.Hồ Chí Minh, 1981
■Nguyễn Hiền Đức, Lịch sử Phật giáo Đàng Trong. Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, 1995.
■Phan Thứ Lang, Sài Gòn vang bóng, Nhà xuất bản Hồ Chí Minh, 2001, tr. 50-57.
■Các bài viết trong sách Hội thảo khoa học 300 năm Phật giáo Gia Định-Sài gòn-TP. Hồ Chí Minh" (gọi tắt là “Hội thảo”), Nhà xuất bản TP.Hồ Chí Minh, 2002, gồm:
-Thiền Hòa tử Huệ Chí, “Buổi đầu của Phật giáo Gia Định-Sài Gòn”.
-Trần Hồng Liên, "Vai trò của chùa Từ Ân trong sự phát triển văn hóa Phật giáo Gia Định".
-Huỳnh Ngọc Trảng, Những ngôi cổ tự đã mất ở Gia Định xưa.
-Nguyễn Quảng Tuân, Kiến trúc của các ngôi chùa xưa nay.











-

Thứ Tư, 23 tháng 5, 2012

Chùa Từ Ân


Chùa Từ Ân còn có tên là Sắc Tứ Từ Ân Tự, được xây dựng vào thế kỷ 18 ở khu vực Chợ Đũi [1], mà vị trí nằm trong Công viên Tao Đàn, thuộc quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh (Việt Nam) ngày nay [2]. Khi quân Pháp đánh chiếm Gia Định, chùa Từ Ân thì bị đốt cháy. Về sau (1870), một ngôi chùa Từ Ân mới lại được dựng lên ở Phú Lâm (thuộc quận 6, Thành phố Hồ Chí Minh ngày nay) để tiếp nối dòng đạo, đồng thời gìn giữ những hiện vật còn sót lại của ngôi chùa cũ.



1. Lịch sử

Vào khoảng năm Giáp Ngọ (1744), Thiền sư Phật Ý-Linh Nhạc (1725-1821, là người đem chi phái Lâm Tế dòng đạo Bổn Nguyên vào miền Nam Việt Nam trước tiên), vâng lời thầy theo lớp người lưu dân từ Đồng Nai xuống phía Nam. Trên đường đi, nhà sư gặp một tăng sĩ không rõ họ tên, cùng lứa tuổi và họ đã kết thành huynh đệ. Đến nơi ở mới là làng Tân Lộc (có tư liệu viết là làng Hoạt Lộc hay xóm Chợ Đũi), hai nhà sư cùng khai phá rừng và dựng lên am lá (khoảng năm 1744) thờ Phật. Vài năm sau, nhà sư vô danh kia tách ra lập am riêng, cách am cũ vài mươi mét, để tiện việc tu hành.


Đến năm Nhâm Thân (1752), Thiền sư Phật Ý-Linh Nhạc tu bổ am lá thành chùa, và đặt tên là chùa Từ Ân, với ngụ ý là "nhờ lòng từ bi và ân huệ của đức Phật mà bá tánh được bình an, tạo được cuộc sống ấm no và hạnh phúc nơi vùng đất mới". Cũng khoảng thời gian đó, nhà sư vô danh cũng tu bổ am lá trước đây thành chùa, và đặt tên là chùa Khải Tường, với ngụ ý là "mở rộng phước lành cho bá tánh". Vì thế khi thực dân Pháp tiến chiếm Gia Định, họ gọi chùa Khải Tường là chùa Trước (pagode Avancée) còn chùa Từ Ân là chùa Sau [3].

Theo “Đại Nam nhất thống chí” của triều Nguyễn, thì lúc bấy giờ “chùa Từ Ân ở thôn Hòa Hưng, huyện Bình Dương, nhà chùa tráng lệ, cảnh trí u nhã”...[4].

Sau một thời gian hoằng hóa, vị sư trụ trì ở chùa Khải Tường viên tịch, thiền sư Phật Ý-Linh Nhạc trụ trì luôn cả hai chùa. Do tài đức của thiền sư, mà hai tự viện trở nên có tiếng ở vùng Gia Định.


Trong giai đoạn chiến tranh giữa Tây Sơn với chúa Nguyễn Phúc Ánh, cả hai chùa từng là nơi ở của vị chúa này và đoàn tùy tùng (chùa Từ Ân là nơi dành cho chúa và quan quân, còn chùa Khải Tường là nơi dành cho các phi tần)[8]. Về sau nhớ ơn cũ, năm 1822 [5], vua Minh Mạng đã sắc phong chùa Từ Ân là “Sắc Tứ Từ Ân Tự”.


Năm Tân Tỵ (1821), Thiền sư Phật Ý-Linh Nhạc viên tịch tại chùa Từ Ân, sau đó di cốt được đưa vào tháp trong khuôn viên chùa. Nghe tin sư huynh của mình là Thiền sư Phật Ý-Linh Nhạc mất, Thiền sư Thiệt Thành-Liễu Đạt (khi ấy đã là Tăng cang chùa Thiên Mụ ở Huế từ năm 1817), vội vàng xin vua từ nhiệm để trở về làm trụ trì Từ Ân, tức ngôi chùa cũ của mình. Năm 1823, Thiền sư Thiệt Thành-Liễu Đạt tự thiêu vì không muốn sợi dây tình ái trói buộc với một vị Hoàng cô (chị vua Gia Long, pháp danh là Tế Minh-Thiên Nhật), vốn là một cư sĩ đã từng học đạo với sư.


Tiếp nối, Thiền sư Tế Chánh-Bổn Giác lên thay thầy làm trụ trì, sau đó là Thiền sư Tế Tín-Chánh Trực. Trong thời vị sư này làm trụ trì, chùa Từ Ân và chùa Khải Tường đều lâm nạn binh đao bởi quân Pháp đến đánh chiếm. Theo tài liệu thì chùa Khải Tường bị quân Pháp chiếm làm đồn; còn chùa Từ Ân thì bị đốt cháy sau khi các nhà sư ở đây rút chạy và chỉ kịp đem cất giấu một số món đồ, nhờ vậy mà chùa Từ Ân ở gần chợ Gạo (Phú Lâm) ngày nay còn được một số hiện vật kỷ niệm.



2. Chùa Từ Ân mới (sơ lược)

Trải bao thăng trầm của lịch sử, năm Canh Ngọ (1870), một ngôi chùa Từ Ân mới đã được dựng lên ở Phú Lâm (thuộc quận 6, Thành phố Hồ Chí Minh ngày nay) để tiếp nối dòng đạo, đồng thời gìn giữ những hiện vật còn sót lại của ngôi chùa cũ. Hiện còn khá nhiều bức hoành và câu đối từ các nơi đem đến hiến cúng nhân ngày lạc thành chùa đã minh chứng cho điều ấy. Lúc bấy giờ, là thời của Hòa thượng Như Bằng-Thanh Ấn làm trụ trì.


Mặc dù chùa Từ Ân mới có kiến trúc khá khiêm tốn so với trước đây, nhưng bên trong hiện vẫn còn lưu giữ được khá nhiều hiện vật quý, đó là:

-Hai bức hoành phi chạm gỗ, sơn son thiếp vàng: một đề là “Sắc Tứ Từ Ân Tự” và hai đề là “Quốc Ân Khải Tường Tự” (được đem về đây sau khi cả hai ngôi chùa đều bị nạn đao binh dưới thời Pháp thuộc).

-Các bài vị chạm khắc gỗ của các vị Tổ sư, trong số ấy, có cả những bài vị dành cho các vị Tổ khai sáng dòng đạo Bổn Nguyên từ Trung Quốc truyền sang. Đặc biệt, ở đây còn có bài vị của Hoàng cô bên bài vị của Thiền sư Thiệt Thành-Liễu Đạt.

-Hàng trăm quyển kinh, luật, luận bằng chữ Hán và chữ Nôm của các thế kỷ trước. Trong số kho tàng đó, qúi giá nhất là bộ sách Ngũ gia tông phái ký toàn tập do Tăng cang chùa Thiên Mụ là Tiên Giác-Hải Tịnh chứng minh vào năm 1875. Đây là bộ sách (gồm 3 quyển) đầu tiên đề cập đến Phật giáo ở Gia Định và Nam Bộ.


Ngoài ra, ở đây còn có khá nhiều bức hoành phi và câu đối của các chùa từ nhiều nơi dâng tặng nhân ngày lạc thành chùa (1870), v.v...


Cống hiến

Vào giai đoạn đầu của cuộc khai phá vùng đất Gia Định, chùa Từ Ân (và chùa Khải Tường) đã góp phần mang lại sự ổn định và phát triển tín ngưỡng Phật giáo tại vùng đất mới, qua sự có mặt khá sớm và gần như tiêu biểu nhất của mình tại vùng đất này.

Và cũng từ ngôi chùa này, các nhà sư đã đem Phật pháp đi hoằng hóa khắp các nơi, như Đồng Nai, Tây Ninh, Thuận Hóa, lục tỉnh,...Nên không lạ gì vào những năm dưới triều vua Gia Long và Minh Mạng, nhiều vị thiền sư ở đây đã được mời ra kinh đô, được vào cung giảng đạo, được phong chức Tăng cang, được giao trụ trì chùa Thiên Mụ, chùa Giác Hoàng...ở Huế. Có thể kể đến mấy vị như: Thiệt Thành-Liễu Đạt (sau làm Tăng cang chùa Thiên Mụ), Tổ Đạt-Trí Thâm (sau làm trụ trì chùa Khải Tường), Tổ Ấn-Mật Hoằng (sau làm trụ trì chùa Đại Giác ở Đồng Nai), Tổ Tông-Viên Quang (sau làm trụ trì chùa Giác Lâm), Tiên Giác-Hải Tịnh (sau làm Tăng cang chùa Thiên Mụ), v.v...Tất cả cho thấy chùa Từ Ân quả là một “cái nôi”, là một “trung tâm Phật giáo” ở Gia Định và của lục tỉnh vào buổi ấy....


Trùng tên

Ở Thành phố Hồ Chí Minh, còn có một ngôi chùa Từ Ân khác, tọa lạc ở số 28-30 đường Hùng Vương, quận 11. Ngôi chùa này được xây dựng vào năm 1957, sau đó Hòa thượng Hoằng Tu đã cho trùng tu và mở rộng vào năm 1967 và những năm gần đây. Đây là ngôi chùa Phật giáo của người Hoa, thuộc dòng Tào Động, không phải là ngôi cổ tự đã nói trong bài.

Bùi Thụy Đào Nguyên, giới thiệu

Chú thích

1.^ Chợ Đũi trước ở tại phường Phạm Ngũ Lão, quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh; sau dời về góc đường Cách Mạng Tháng Tám và Võ Văn Tần, quận 3. "Đũi" ở đây là thứ hàng dệt bằng tơ gốc, mặt hàng thô. Viết "Đuổi" là viết sai.

2.^ Vị trí chùa Khải Tường và chùa Từ Ân đã được M. Carmouze vẽ ngày 20 tháng 1 năm 1873, và bản đồ của M. Lambley vẽ ngày 28 tháng 10 năm 1931, cho phép kết luận rằng: "chùa Khải Tường ở đường Võ Văn Tần (nay là Bảo tàng Chứng tích chiến tranh) và chùa Từ Ân ở khu vực nêu trên" (theo PTS. Trần Hồng Liên, Hội thảo, tr.107).


3.^ Kể theo Thiền sư Việt Nam, tr. 469. Trong sách “Hội thảo”, có ít nhất 4 tác giả đều cho rằng: “Thiền sư Phật Ý-Linh Nhạc chính là người lập ra chùa Từ Ân”, đó là PTS. Trần Hồng Liên (tr. 107), Thiền Hòa tử Huệ Chí (tr. 59), Nguyễn Quảng Tuân (tr. 114), Thích Thiện NHơn (tr.242). Trong Lịch sử Phật giáo Đàng Trong của Nguyễn Hiền Đức (tr. 268) cũng cho biết như vậy. Tuy nhiên, theo bài viết "Những ngôi cổ tự đã biến mất", thì chùa Khải Tường do Thiền sư Phật Ý-Linh Nhạc khai sơn khoảng năm Giáp Ngọ 1744, còn chùa Từ Ân do một nhà sư vô danh tạo lập vào khoảng năm Nhâm Thìn (1752). Thông tin liên quan: theo sách Đại Nam nhất thống chí (phần Lục tỉnh Nam Việt) của triều Nguyễn, thì chùa Từ Ân được dựng vào năm Gia Long nguyên niên (1802). Tương tự, trong Đại Nam thực lục (chính biên, đệ nhị kỷ) cũng ghi đại để là chùa Khải Tường được nhà vua Minh Mạng sai dựng vào năm Nhâm Thìn (1832). Trần Hồng Liên giải thích “có lẽ do sử thần nhầm lẫn giữa việc lập chùa và trùng tu chùa mà ra” (Hội thảo, tr. 108).


4.^ Đại Nam nhất thống chí (phần "Lục tỉnh Nam Việt"). Nguyễn Tạo dịch, tập Thượng, Sài Gòn, 1973, tr. 95.

5.Phần lạc khoản trên bức hoành phi “Sắc tứ Từ Ân tự” (hiện còn ở chùa Từ Ân ở số 23 đường Tân Hóa), cũng ghi rõ rằng: “Minh Mạng tam niên, trọng xuân ngoạt, kiến nhựt (bên phải)/ Hoàng đệ Thường Tín chế tạo hiến cúng (phía trái)”.

Sách tham khảo chính

■Thích Thanh Từ, Thiền sư Việt Nam. Thành hội Phật giáo TP. Hồ Chí minh xuất bản năm 1992.

■Nguyễn Hiền Đức, Lịch sử Phật giáo Đàng Trong. Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, 1995.

■Võ Văn Tường, Những ngôi chùa nổi tiếng Việt Nam, Nxb Văn hóa-Thông tin, 1994.

■Các bài viết trong sách Hội thảo khoa học 300 năm Phật giáo Gia Định-Sài gòn-TP. Hồ Chí Minh" (gọi tắt là “Hội thảo”), Nhà xuất bản TP.Hồ Chí Minh, 2002, gồm:

-Thiền Hòa tử Huệ Chí, “Buổi đầu của Phật giáo Gia Định-Sài Gòn”.

-PTS. Trần Hồng Liên,”Vai trò của chùa Từ Ân trong sự phát triển văn hóa Phật giáo Gia Định”.

-Huỳnh Ngọc Trảng, “Những ngôi cổ tự đã mất ở Gia Định xưa”.

-Nguyễn Quảng Tuân, “Kiến trúc của các ngôi chùa xưa nay”.

-Thích Thiện Nhơn, “Sự đóng góp về giáo dục Phật học của Phật giáo Gia Định-Sài Gòn- TP. HCM 300 năm”.



Thứ Bảy, 19 tháng 5, 2012

Chùa Kiểng Phước



Chùa Kiểng Phước (quân Pháp gọi là pagode des clochetons), trước kia là một ngôi chùa của người Hoa đã quân liên quân Pháp-Tây Ban Nha chiếm đóng làm thành đồn vào năm 1860. Theo tư liệu thì ngôi này chùa này ở tại quận 5, thành phố Hồ Chí Minh (Việt Nam) ngày nay, với “các cột bằng gỗ, hai cổng và tường đều bằng gạch và đã biến mất chỉ còn lại mấy cây gỗ mục trong khuôn viên chùa vào năm 1866" [1].

1. Vị trí:
Theo học giả Vương Hồng Sển, chùa Kiển Phước ở đầu đường Phù Đổng Thiên Vương (tên có trước năm 1975, thời thuộc Pháp là đường Clochetons), gần thánh đường Hồi giáo trên vùng đất cao ráo; nay là nền trường Đại học Y Dược ở số 217, Hồng Bàng, quận 5, Thành phố Hồ Chí Minh.

Tuy nhiên, căn cứ vào câu “chùa Clochetons hơi xa..., nhưng cũng nằm trên đường từ Sài Gòn đi Mỹ Tho" (tức đại lộ Hồng Bàng ngày nay) của Trung úy Hải quân Pháp Léopold Pallu, và nghiên cứu của tác giả Nguyên Thanh, thì ngôi chùa này ở khoảng góc đường Hồng Bàng (trước là Hùng Vương) - Lý Thường Kiệt, tức ở gần Bệnh viện Hùng Vương ngày nay [2]. Và vì chùa Kiểng Phước đã bị phá hủy từ lâu, thêm không có tài liệu nào mô tả lại, nên không rõ lối kiến trúc của ngôi thờ ấy ra sao.

2. Liên quan đến một giai đoạn trong sử Việt:
Ngày 17 tháng 2 năm 1859, thành Gia Định mất vào tay quân Pháp. Sau đó, họ nhanh chóng chiếm lấy các ngôi chùa cổ để làm đồn gọi là "phòng tuyến chùa chiền" (lignes des pagodes), gồm: chùa Khải Tường (pagode de Barbe), chùa Kiểng Phước (pagode des Clochetons), chùa Cây Mai (pagode des Pruniers), đền Hiển Trung (pagode de la Fidelite Eclatante, hay là pagode des Mares)...Phòng tuyến này trải dài từ Chợ Lớn đến Sài Gòn, chủ yếu là để bao vây và đánh Đại đồn Chí Hòa (quân Pháp gọi là "Kỳ Hòa").

Năm 1860, chùa Kiểng Phước bị quân Pháp do Đại úy Malet chỉ huy chiếm đóng và biến thành đồn phòng thủ trong khi Đề đốc Leonard Charner đang ở Trung Quốc [3]. Theo ghi chép của Trung úy Hải quân Pháp Léopold Pallu (giới thiệu ở phần sau), thì sau đó nơi đây đã từng xảy ra trận đánh ác liệt giữa liên quân Pháp-Tây Ban Nha và quân đội Việt...

Cuối tháng 2 năm 1861, Đại đồn Chí Hòa do tướng Nguyễn Tri Phương trấn giữ bị thất thủ. Sau đó, đến năm 1866, thì chùa Kiểng Phước “chỉ còn lại mấy cây gỗ mục trong khuôn viên chùa” mà thôi.

3. Trong ghi chép của một sĩ quan Pháp:
Trung úy Hải quân Pháp Léopold Pallu là sĩ quan tùy viên Tổng hành dinh của Đề đốc Leonard Charner trong đoàn viễn chinh đánh Sài Gòn năm 1861, và là tác giả cuốn Histoire de L’Expédition de Cochinchine en 1961 (Lịch sử cuộc viễn chinh Nam Kỳ 1861), do nhà xuất bản Hachette in tại Pháp năm 1864, đã viết về chùa Kiểng Phước như sau:
"Chùa (Kiển Phước) xây cất giữa một cánh đồng mồ mả. Các tượng thần sơn vàng, chất đầy chung quanh các gian phòng trong chùa, vẻ mặt tượng trưng một trạng thái gần hoàn toàn thoát tục. Một đàn gà bươi móc khắp nơi, lính thủy và bộ binh nhìn thấy mà thèm. Trên bàn của các sĩ quan có để vài chai rượu vermouth và absinthe; trước mặt đồn súng 30 ly nòng dài có khía xếp thành hàng trên các bệ bắn, lớp sơn đen trầy trụa vì súng phải khiêng lên khiêng xuống. Các chùa hay đồn binh của ta vừa kể giữ nhiều vai trò: vừa là nông trại, đồn canh gác và pháo đội".

Ở một trang khác, tác giả này lại viết:

"Kể từ tháng 6 năm 1860, quan quân An Nam (chỉ quân đội nhà Nguyễn) có ý cô lập người Pháp với thành phố Tàu (tức vùng Chợ Lớn ngày nay), nơi tồn trữ gạo mà người Pháp đem xuất đi từ cảng Sài Gòn....(Cho nên) chúng ta bắt buộc phải giữ vững vị trí...

"Hai chùa khác nằm giữa đồn Cây Mai và Sài Gòn liền được ta chọn thêm để củng cố làm đồn và ta sẽ giữ vững bất cứ giá nào. Việc sửa sang hai chùa để làm nơi phòng thủ bắt đầu ngay tức thời. Chùa thứ nhất là chùa Ao (đền Hiển Trung), sân chùa có tường gạch chung quanh, tạm có thể phòng thủ được ngay. Chùa cách xa các tuyến phòng thủ của địch. Chùa thứ hai là chùa Clochetons (chỉ chùa Kiến Phước) hoàn toàn trống trải và chỉ cách miệng đường hầm của địch (chỉ quân đội nhà Nguyễn) có 400 mét. Ta liền lấy ngay đất ở mồ mả chung quanh đắp tường phòng ngự.

"Ta không thấy quân An Nam đổ ra phòng ngự đường hố đã đào. Nhưng ngay ngày hôm sau bất ngờ nổ súng tủa vào chùa giết mất một người và làm bị thương thêm vài người khác. Mấy nấm mồ ta đã lấy hết đất, vì thế phải đi xa hơn và dùng bao để mang đất về; việc đắp tường phòng thủ tiến triển chậm chạp, cực nhọc, lộ liễu không có gì che tránh địch quân".

"Trong đêm mùng 3, rạng ngày mùng 4 tháng 7, quân An Nam, ít nhất cũng đến 2.000 người, yên lặng vượt khỏi thành, bao vây chùa, trong khi đó chùa chưa biến hẳn thành đồn. Họ xông thẳng vào chùa, hò hét vang lừng. Hỏa pháo của địch cũng bắn vào các chùa khác (đã bị quân Pháp chiếm làm đồn) để làm thế nghi binh và đồng thời cũng bắn vào chùa Clochetons nữa, quân thì bắn xối xả vào người Pháp, người Tây Ban Nha và người An Nam trong đồn. Ðánh giết nhau suốt một giờ đồng hồ. Nhờ viện binh từ Sài Gòn kéo lên mới chấm dứt được trận chiến. Kẻ thù bỏ lại một trăm xác chết". [4]

"Quân lính của đồn Clochetons gồm có 100 quân Tây Ban Nha do trung úy Hernandez chỉ huy, và 60 người Pháp do hai trung úy hải quân cầm đầu là Narac và Gervais. Quân An Nam không trở lại tấn công đồn Clochetons nữa; nhưng lại đào từ cửa hầm đôi một đường hố khác bọc song song phía sau đường phòng tuyến của ta. Do đó đồn Pháp và Tây Ban Nha lọt vào giữa hai đường hố phòng thủ của họ, chận hẳn đường thông thương với cánh đồng phía sau thành Ki-hoa (Kỳ Hòa, chỉ Đại đồn Chí Hòa) [5].

Bùi Thụy Đào Nguyên, giới thiệu.
Chú thích:

1.^ Theo Réveillère, Paul-Émile-Marie (dit Paul Branda), Ça et là. Cochinchine et Cambodge. L'âme khmère. Ang-Kor. Troisième edition, Fischbacher (Paris), 1887 (http://www.vanhoahoc.vn/nghien-cuu/van-hoa-viet-nam/van-hoa-nam-bo/1805-nguyen-duc-hiep-saigon-cho-lon-the-ky-17-den-the-ky-19-phan-3.html) .

2.^ Thêm một thông tin khác để tham khảo: Theo P. Midan, qua các bản vẽ sơ đồ “Saigon, ville de 500.000 âmes” (có chữ ký của thượng sĩ Clipet, Trung tá công binh Coffyn và Đề đốc Bonard) do ông tìm được trong kho lưu trữ “Archives de la Direction de l’Artillerie à Saigon”, thì chùa Kiểng Phước ở tại đại lộ Marechal Foch (nay là đường Lý Thường Kiệt), mà phần chính là nằm trên địa điểm của trường nữ sinh Ecoles des Filles và khu đất cạnh đường Armand Rousseau (nay là đường Nguyễn Chí Thanh). Cũng theo P. Midan, thì trong thư của ông Passerat de la Chapelle, kế toán trưởng Chợ Lớn, gởi cho ông chủ tịch thành phố nói là khi ông mới đến Chợ Lớn vào tháng 6 năm 1891, ông được cho ở trong một tòa nhà trong khu chùa Kiểng Phước, mà ông nói thật ra là một trường mẫu giáo. Trường mẫu giáo (ecole maternelle) đổi thành trường nữ sinh (ecole des filles) vào năm 1917. Nguồn: P. Midan, La Pagode des clochetons et la pagode Barbé, contribution à l'histoire de Saïgon-Cholon, Impr. de l'Union Nguyên-van-Cua (Saïgon), 1934. Xem: (http://baotanglichsu.vn/portal/vi/Tin-tuc/Kien-thuc-lich-su---van-hoa/2010/10/3A921BE6/) . Theo đây, thì chùa Kiểng Phước "nằm ở khoảng trường mầm non gần Bệnh viện Chợ Rẫy, tức ở khoảng góc đường Lý Thường Kiệt và Nguyễn Chí Thanh ngày nay".

3.^ Nguồn: (http://baotanglichsu.vn/portal/vi/Tin-tuc/Kien-thuc-lich-su---van-hoa/2010/10/3A921BE6/) . Những chi tiết trong bài viết này đa số là trích từ sách “Souvenirs historiques sur Saïgon et ses environs” của Petrus Trương Vĩnh Ký.

4.^ Không thấy tác giả nói đến số thương vong của người Pháp.

5.^ Xem:  (http://www.vnmilitaryhistory.net/index.php?topic=9316.5;wap2) .Các chữ trong ngoặc là của người soạn.


Thứ Sáu, 18 tháng 5, 2012

Đền Hiển Trung

Đền Hiển Trung, tên chữ là Hiển Trung Từ, khi xưa toa lạc trên phần đất của làng Tân Triêm, thuộc trấn Gia Định xưa (nay thuộc quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam). Ngày nay ngôi đền đã không còn vì đã bị quân Pháp phá bỏ trước năm 1954[1].


1. Lịch sử

Theo sách Hoàng Việt long hưng chí, sau khi lấy được thành Diên Khánh (Ất Mão, 1795), "Thế Tổ (chỉ chúa Nguyễn Phúc Ánh, sau này là vua Gia Long) sai bộ Lễ ghi tên các công thần trận vong và ốm chết từ khi trung hưng cho tới chiến dịch Diên Khánh, lập đền Hiển Trung ở Gia Định” [2].

Tương tự, Huỳnh Ngọc Trảng và Nguyễn Đại Phúc, viết: "Đền Hiển Trung xây dựng năm 1795, trùng tu năm 1804 [3], để thờ các công thần đã từng theo giúp Nguyễn Phúc Ánh, trong đó đứng đầu là Võ Tánh và Ngô Tùng Châu...[4].

Cùng quan điểm này còn có sách Sài Gòn - Gia Định qua thơ văn. Nhóm tác giả này viết: "Hiển Trung Từ còn gọi là Miếu Công Thần, ở địa phận thôn Tân Triêm, trong cuộc đất thành Ô Ma, xây năm 1795"[5].

Tuy nhiên, theo nhà nghiên cứu Huỳnh Minh, vào khoảng năm Ất Mão (1795), chúa Nguyễn Phúc Ánh cho xây dựng miếu Hội Đồng (còn gọi là "miễu Thánh". Quân Pháp gọi là "temple des Grands Dignitaires". Lúc đầu, miếu phụng thờ các thần linh, sau mới liệt thờ các vị công thần)[6] ở địa phận làng Tân Triêm. Đến năm Giáp Tý (1804), tức sau khi lên ngôi, ông mới cho sửa sang ngôi miếu trên, đồng thời cho xây dựng đền Hiển Trung ở kế bên để thờ các công thần đã từng theo giúp mình[7]. Tin theo đây thì "năm 1795, chỉ có miếu Hội Đồng; đến năm 1804, mới có thêm đền Hiển Trung".

Dưới triều Thiệu Trị (1846 hoặc 1847)[8], đền Hiển Trung được nhà vua cho tu bổ lại.

Tháng 2 năm 1859, thành Gia Định mất vào tay quân Pháp. Sau đó, họ nhanh chóng chiếm lấy các ngôi chùa cổ để làm đồn gọi là “phòng tuyến chùa chiền” (lignes des pagodes), gồm: chùa Khải Tường (pagode de Barbe), chùa Kiểng Phước (pagode des Clochetons), chùa Cây Mai (pagode des Pruniers), đền Hiển Trung... Lúc bấy giờ, người Pháp gọi ngôi đền này là pagode de la Fidelite Eclatante (chùa Hiển Trung), hay là pagode des Mares (có nghĩa chùa ở chỗ khu vực ao nước, vì sân chùa có hai ao nước trồng sen) [9].

Trung úy Hải quân Pháp Léopold Pallu, sĩ quan tùy viên Tổng hành dinh của tướng Leonard Charner trong đoàn viễn chinh đánh Sài Gòn năm 1861 đã viết về ngôi đền này như sau:
"Chùa Ao trước kia rất nổi tiếng vì là nơi hành hương cho những người đi buôn bán từ Mỹ Tho trở về. Chùa có hai ao nên gọi là chùa Ao, một lớn một nhỏ, nước dơ bẩn, thường thấy thỉnh thoảng có xuất hiện loại cá sấu caiman [10].


Sau khi Gia Định trở thành lãnh địa của Pháp theo Hòa ước Nhâm Tuất (1862), ở khu vực chùa Kim Chương, người Pháp lập Sở nuôi ngựa, và lập ở khu vực đền Hiển Trung một trại lính (tức thành Ô Ma, Camp aux Mares), khiến ngôi đền nằm gọn trong vòng thành [11].


Năm 1927, sau khi đã được ghi vào sổ bộ các cổ tích của Trường Viễn Đông bác cổ (nay là Viện Viễn Đông Bác cổ), đền Hiển Trung đã được nhà trường vừa kể xuất tiền trùng tu lại. Qua năm 1939 (ngày 10 tháng 11 dương lịch), triều đình Huế có biệt phái một đại thần vào đây tế tự [12]


Tang thương biến đổi, ngôi đền đã hư tệ sẵn bởi thời gian, lại thêm nỗi các lính tập của Pháp cùng vợ con của họ “đến ăn ở nơi đây không lòng bảo tồn” (Vương Hồng Sển) nên hầu hết những bài vị đều bị xiêu lạc. Đến thời quân Nhật Bản hoành hành một lúc, rồi đến lượt đạo binh viễn chinh Pháp trở lại chiếm thành Ô Ma sau khi Nhật Bản đầu hàng, thì họ triệt hạ đền Hiển Trung lúc nào không rõ, bất chấp đó là một di tích hiếm có trong Nam [13]. Học giả Vương Hồng Sển kể:

"Đền nầy được trường Viễn Đông Bác Cổ liệt kê vào sổ cổ tích, tưởng nhờ vậy mà được tồn tại, không ngờ đến năm 1954 thì đã không còn! Riêng tôi được đến viếng một phen năm 1947 với ông Pierre Dupont, nhơn viên Trường Bác Cổ, khi ấy đền đã bị mối ăn hư hao nhiều rồi, qua năm 1950, tôi có trở lại viếng với ông Bernard Phillipe Groslier là quản thủ Pháp của viện Bảo Tàng Sài Gòn. Chúng tôi đề nghị cấp tốc sửa chữa đền, nhưng cơ quan nhà binh Pháp không thuận giao trả đền cho Trường Bác Cổ, một hai rằng đền ở trên lãnh thổ nhà binh thì thuộc quyền nhà binh định đoạt! Tưởng việc đâu còn đó, và trong trí tôi đinh ninh nhớ đền ở mé gần đường Võ Tánh cứ đứng ngoài rào, ngay chỗ giáp mối đường Nguyễn Cư Trinh (Marchand) cũ ngó vói qua tường thì thấy nóc đền. Không dè qua năm 1955, chúng tôi trở lại đây với nhơn viên Viện Khảo Cổ, thì đã sao dời vật đổi, đền đâu chẳng thấy, một viên gạch nhỏ cũng không còn, đừng nói chi một bộ kèo trính rường cột chạm trổ tỉ mỉ...[14].

Theo đây, thì lúc bấy giờ đền Hiển Trung ở chỗ “giáp mối” giữa đường Võ Tánh (thời Pháp là đường Frère Louis, sau đó là đường Võ Tánh, và nay là đường Nguyễn Trãi)[15] với đường Nguyễn Cư Trinh (thời Pháp đường Marchand, sau đó là đường Nguyễn Cư Trinh cho đến nay). Và vì ngôi đền đã bị phá hủy từ lâu, thêm không có tài liệu nào mô tả lại, nên không rõ lối kiến trúc của công trình ấy như thế nào [16]

2. Thờ cúng
Lúc sơ khởi, trong đền Hiển Trung thờ 1015 vị công thần, liệt kê như sau:
■Bàn thờ chính ở giữa thờ ba vị, là: Võ Tánh, Ngô Tùng Châu và Nguyễn Tấn Huyên.
■Bàn thờ thứ nhất ở bên trái thờ 10 vị, là: Chưởng dinh Quận công Châu Văn Tiếp, Tiền dinh Quận công Tôn Thất Hội, Thiếu bảo Quận công Tống Viết Phước, Chưởng dinh Quận công Mai Đức Nghị, Chưởng thủy dinh Võ Di Nguy, Chưởng dinh Quận công Nguyễn Cửu Dật, Nguyễn Cửu Toán, Nguyễn Thành, Hữu quân Quận công Tôn Thất Dũ, Tả quân Quận công Nguyễn Văn Chánh.
■Bàn thờ thứ nhất ở bên mặt, thờ 10 vị: Chưởng dinh Quận công Nguyễn Hữu Thụy, Nguyễn Đình Thuyên, Nguyễn Kim Phẩm, Trần Xuân Trạch, Tôn Thất Cốc, Tống Phước Hòa, Thiếu phó Nguyễn Thái Nguyên, Chưởng dinh Bùi Kế, Chưởng cơ Đoàn Văn Các, Hoàng Công Thành.

Ngoài ra, bên ở hai bên hông đền còn có các bàn thờ số còn lại, trong đó có một người Pháp là Chưởng vệ Mạn Hòe (Manuel) [17].

Về sau, trong số 1015 vị công thần này, có 361 vị được chuyển ra thờ trong các đền Trung Hưng, Trung Tiết ở Huế, và đền Bảo Trung ở Khánh Hòa...Đến khi quân Pháp đánh chiếm Gia Định, đền Hiển Trung không ai chăm sóc, vua Tự Đức bèn truyền đem hết số vị còn lại ra thờ ở Ân Tự, thuộc thôn Vĩ Dạ (huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên) [18].

3. Thông tin thêm

■Sau Hiệp định Genève 1954, quân Pháp rút khỏi Việt Nam và trao trả thành Ô Ma cho Chính quyền Đệ nhất Cộng hòa. Sau đó, tòa thành này trở thành Tổng Nha Cảnh sát, rồi là Bộ Tư Lệnh Cảnh Sát Quốc Gia dưới thời Việt Nam Cộng hòa (số 258 đường Võ Tánh; nay là đường Nguyễn Trãi, thuộc phường Nguyễn Cư Trinh, quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh).

■Theo học giả Trương Vĩnh Ký, trước miếu Hội Đồng và đền Hiển Trung ở ngoài lộ cái, thuở "cựu trào" có dựng hai cột đá, một đề "Khuynh cái" (nghiêng dù), một đề "Hạ mã" (xuống ngựa) để tỏ lòng tôn kính[19].

Sách tham khảo chính
■Vương Hồng Sển, Sài Gòn năm xưa, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, 1991.
■Huỳnh Minh, Gia Định xưa, Nxb Văn hóa-Thông tin tái bản năm 2006.
■Nguyễn Thanh, Thành phố bất khuất. Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, 1984.

Chú thích
1.^ Theo Vương Hồng Sển, Sài Gòn năm xưa, tr. 156 và 219.
2.^ Ngô Giáp Đậu, Hoàng Việt long hưng chí, Nxb Văn học, 1993, tr. 212.
3.^ Thông tin này phù hợp theo sử Nguyễn. Sách Quốc triều sử toát yếu chép: "Năm Giáp Tý (1804) tháng 6 (âm lịch), (nhà vua) sắc cho bộ Lễ bàn định về việc 1015 người tử tế được dự tế trong đền Hiển Trung, giao cho các quan trấn chế bàn vị mà thờ" (phần "Chính biên", tr. 88). Những “người tử tế” ở đây, theo Vương Hồng Sển, đó là những “tử sĩ liều mình vì nước trong các trận chống Tây Sơn” (Sài Gòn năm xưa, tr. 155).
4.^ Bài viết "Kim Chương Tự - ngôi chùa lịch sử của đất Gia Định" của Huỳnh Ngọc Trảng - Nguyễn Đại Phúc đăng trên báo Giác Ngộ online [1] (http://www.giacngo.vn/tuvien/2008/03/24/56D450/) .
5.^ Nguyễn Thanh Xuân - Nguyễn Khuê - Trần Khuê, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, tr.270.
6.^ Lúc đầu quân Pháp chiếm cứ miếu Hội Đồng làm nơi ăn ở, về sau cũng bị họ phá bỏ. Theo Nguyễn Thanh (Thành phố bất khuất, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, tr. 145) thì “ngôi miếu bị quân Pháp xóa mất dấu tích khoảng năm 1855”.
7.^ Gia Định xưa, tr. 66.
8.^ Huỳnh Minh (Gia Định xưa, tr. 55) ghi là 1846, Vương Hồng Sển (Sài Gòn năm xưa, tr. 218) ghi là 1847.
9.^ Theo Nguyễn Thanh (Thành phố bất khuất, tr. 145), hoặc xem bài viết "Từ thành Ô Ma đến trường Trung Thu" của Lê Công Lý [2] (http://www.trungthu.us/xuanti/ThanhOMa.htm) .
10.^ Léopold Pallu, Lịch sử cuộc viễn chinh Nam Kỳ năm 1861. Bản dịch tiếng Việt tại đây: [3] (http://www.vnmilitaryhistory.net/index.php?topic=9316.5;wap2) . Nói thêm: Nước ao dơ bẩn, có thể vì lúc đó sen đã tàn lụi hết. "Caiman” là tên của một loại cá sấu.
11.^ Gọi là Ô Ma vì nơi này có nhiều ao sen, và Mares có nghĩa là ao. Thông tin tham khảo: Theo Lê Công Lý thì năm 1875, trên khoảng đất chung quanh đền Hiển Trung, nơi có nhiều ngôi mộ được biến cải thành một trại nuôi ngựa giống gọi là "Ferme des Mares" (Mares cũng có nghĩa là ngựa) bao gồm cả đường Hồng Thập Tự (nay là đường Nguyễn Thị Minh Khai) và đường Lý Thái Tổ (theo Trương Vĩnh Ký thì Sở nuôi ngựa này ở chỗ khu vực chùa Kim Chương, dẫn lại theo Sài Gòn năm xưa, tr. 153 và 155). Đến khi ngựa giống gốc Ả rập và bò sữa bị chết nhiều vì không hợp thủy thổ, họ chuyển sang trồng lúa giống Miến Điện, rồi lại chuyển sang trồng cỏ cho ngựa ăn, nhưng tất cả đều không thành công, nên trang trại này bị giản tán vì lỗ vốn. Phần thành Ô Ma, ban đầu là nơi huấn luyện các lính tập, sau trở thành Bộ Tổng hành dinh quân đội Liên hiệp Pháp. Xem bài viết "Từ thành Ô Ma đến trường Trung Thu", nguồn đã dẫn.
12.^ Sài Gòn năm xưa, tr. 156.
13.^ Sài Gòn năm xưa, tr. 156.
14.^ Sài Gòn năm xưa, tr. 156 và tr. 219.
15.^ Trước 1975, Sài Gòn có hai đường Võ Tánh: một thuộc Phú Nhuận (gần khu mộ Võ Tánh, nay là đường Hoàng Văn Thụ), một là phần thuộc quận 1 của đường Nguyễn Trãi hiện nay.
16.^ Căn cứ lời kể của Vương Hồng Sển (Sài Gòn năm xưa, tr. 219) và Bản đồ Thành phố Hồ Chí Minh, Nxb Hồng Đức, 2007.
17.^ Mạn Hòe là một võ tướng của chúa Nguyễn, mang quốc tịch Pháp, đã tử trận khi đánh nhau với quân Tây Sơn tại Thất Kỳ Giang (tức sông Ngã Bảy ở Cần Giờ, Sài Gòn) vào năm Nhâm Dần (1782). Theo Nguyễn Lương Bích- Phạm Ngọc Phụng, Tìm hiểu thiên tài quân sự của Nguyễn Huệ, xb Quân đội Nhân dân, 1977, tr. 66.
18.^ Lược ghi theo Gia Định xưa, tr. 53-55.
19.^ Dẫn lại theo Sài Gòn năm xưa, tr. 156.