Hình ảnh

Hình ảnh

Chủ Nhật, 30 tháng 10, 2011

Thái sư Lê Văn Thịnh



Ảnh: Tượng Thái sư Lê Văn Thịnh trong đền thờ tại thôn xã Đông Cứu (Bắc Ninh). Bài vị phía sau ghi là "Lê Thái sư Đại vương".

Lê Văn Thịnh (黎文盛, ? - ?), là người đỗ đầu trong khoa thi đầu tiên của Nho học Việt Nam, được bổ làm quan, dần trải đến chức Thái sư triều Lý. Năm 1084, ông thành công trong việc bàn nghị về việc cương giới với quan nhà Tống, khiến nước này phải trả lại 6 huyện 3 động thuộc châu Quảng Nguyên, cho Đại Việt (nay là Việt Nam). Tuy nhiên đến năm 1096 thì ông bị đày rồi mất, sau khi xảy ra "Vụ án hồ Dâm Đàm" (1095).

1. Tiểu sử:
Lê Văn Thịnh là người làng Đông Cửu, quê xã Chi Nhị, tổng Đại Lai, huyện Yên Định, lộ Bắc Giang; nay là thôn Bảo Tháp, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh.

Tháng 2 năm Ất Mão (1075), vua Lý Nhân Tông cho mở khoa thi Minh kinh bác học và thi Nho học tam trường, Lê Văn Thịnh dự thi và đã đỗ đầu [1].

Ban đầu, ông được vào hầu vua học, sau trải thăng chức Nội cấp sự, rồi Thị lang bộ binh vào năm Bính Thìn (1076).

Tháng 6 năm Giáp Tý (1084), ông được cử đi đến trại Vĩnh Bình (thuộc Cao Bằng ngày nay) để bàn nghị về việc cương giới với Chánh sứ nhà Tống là Thành Trạc. Sau khi đã phân giải mọi lẽ, nhà Tống chấp thuận trả lại cho Đại Việt (Việt Nam ngày nay) 6 huyện 3 động thuộc châu Quảng Nguyên (nay là phần đất ở phía Tây Bắc tỉnh Cao Bằng) mà họ đã chiếm trước đây, và cho thông sứ như cũ. Tiếc của, vì nghe đâu nơi ấy có vàng, người Tống có thơ rằng:
Nhân tham Giao Chỉ tượng
Khướt thất Quảng Nguyên kim.
(Vì tham voi Giao Chỉ
Bỏ mất vàng Quảng Nguyên).


Theo sử liệu, thì trong dịp này, Lê Văn Thịnh còn được vua Tống ban chức Long đồ đãi các chế [2], và sau đó được vua Lý Nhân Tông cất lên làm Thái sư vào năm Ất Sửu (1085).
Cống hiến cho nhà Lý thêm 10 năm thì xảy ra "vụ án hồ Dâm Đàm" vào năm Ất Hợi (1095). Sau đó (1096), ông bị đày đi Thao Giang (thuộc Tam Nông, Vĩnh Phú ngày nay).

Lê Văn Thịnh mất năm nào không rõ.

2. Vụ án hồ Dâm Đàm:
Sách “Đại Việt sử lược” ra đời vào thời Trần [3], kể lại vụ án như sau:
"Mùa đông, tháng 11, năm Ất Hợi (1095), nhà vua (Lý Nhân Tông) xem đánh cá ở Diêu Đàm (hay Dâm Đàm, nay là Hồ Tây, Hà Nội). Lúc bấy giờ vua ngự trong một chiếc thuyền nhỏ, thị vệ theo hầu rất ít. Thái sư Lê Văn Thịnh vốn có mưu gian, nhân cơ hội ấy mới dùng ảo thuật làm khói sương nổi thoắt lên bao phủ cả mặt hồ, ban ngày mà tối tăm mù mịt. Một lát, nhà vua nghe tiếng mái chèo sắp đến gần, vua có ý sợ xảy ra tai biến mới lấy cái mác phóng ra. Khói sương theo cái mác mà tan biến đi thì thấy thuyền của Lê Văn Thịnh đã đến gần, với đồ hung khí. Vua sai người bắt giữ Lê Văn Thịnh lại rồi hạ chiếu đem an trí ở miệt Thao Giang. Trước kia, trong nhà Lê văn Thịnh có tên đầy tớ là người Đại lý (tức Vân Nam, Trung Quốc ngày nay), giỏi làm ảo thuật, Lê Văn Thịnh học được phép của nó. Và, đến đây thì làm phản" (Bản dịch, tr. 174).

Sau đó, sách Đại Việt sử ký toàn thư ra đời vào thời Hậu Lê, kể lại vụ án như sau:
"Mùa xuân, tháng 3, Lê Văn Thịnh mưu làm phản, tha tội chết, an trí ở Thao Giang. Bấy giờ vua (Lý Nhân Tông) ra hồ Dâm Đàm, ngự thuyền nhỏ xem đánh cá. Chợt có mây mù nổi lên, trong đám mù nghe có tiếng thuyền bơi đến, tiếng mái chèo rào rào, vua lấy giáo ném. Chốc lát mây mù tan, thấy trong thuyền có con hổ, mọi người sợ tái mặt, nói: "Việc nguy rồi!". Người đánh cá là Mục Thận [4]quăng lưới trùm lên con hổ, thì ra là Thái sư Lê Văn Thịnh. Vua nghĩ Thịnh là đại thần có công giúp đỡ, không nỡ giết, đày lên trại đầu Thao Giang. Trước đấy Lê Văn Thịnh có gia nô người nước Đại Lý có phép thuật kỳ lạ, cho nên mượn thuật ấy toan làm chuyện thí nghịch” (Bản dịch, tập I, tr. 297).

So lại, nội dung vụ án khá giống nhau, tuy nhiên về sau rõ ràng có sự thêm thắt (rất hoang đường) khi cho rằng Lê Văn Thịnh đã "hóa hổ" để mưu sát.
Vụ án trên, lâu nay người ta đã bàn nhiều, có người nói vì ông bị nghị kỵ, nên bị hạ bệ; có người nói ông là nạn nhân bởi "sự xung đột ý thức hệ giữa Phật giáo (Quốc giáo, mà người đứng đầu là Thái hậu Ỷ Lan và vua Lý Nhân Tông) và Nho giáo (mà đứng đầu là ông) v.v...Tuy chưa thống nhất được nguyên nhân, nhưng có một điểm chung là Thái sư Lê Văn Thịnh đã bị hàm oan.

Hiện quê hương của Lê Văn Thịnh, có hai khu di tích lập ra để thờ ông (ở Thuận Thành và Gia Bình), và khu lăng mộ của ông cũng đã được trùng tu nhiều lần.

Bùi Thụy Đào Nguyên, giới thiệu.
Chú thích:
[1] Đời Lý chỉ mở khoa thi Minh kinh bác học và thi Nho học tam trường. Sang triều Trần, trước năm 1247, chỉ mở khoa thi Thái học sinh và phân định cao thấp (đệ nhất giáp, đệ nhị giáp, đệ tam giáp); đến năm này (1247), mới định lệ thi Tiến sĩ, cứ 7 năm (mở) 1 khoa, và đặt danh tam khôi...Sách Đại Việt sử ký toàn thư (bản dịch, quyển 2, tr. 19) chép: "Tháng 2 năm Đinh Mùi (1247), mở khoa thi chọn kẻ sĩ. Ban cho Nguyễn Hiền đỗ Trạng Nguyên, Lê Văn Hưu đỗ Bảng nhãn, Đặng Ma La đỗ Thám hoa...Trước đây, hai khoa Nhâm Thìn (1232) và Kỷ Hợi (1239), chỉ chia làm giáp, ấp, chưa có chọn tam khôi. Đến khoa này mới đặt. Theo đây, Nguyễn Hiền chính là người đầu tiên nhận danh hiệu Trạng nguyên, còn Lê Văn Thịnh chỉ là người "đỗ đầu" trong khoa thi đầu tiên của Nho học Việt Nam mà thôi.
[2] Theo Đại Việt sử lược, tr 169.
[3] Tính đến nay, Đại Việt sử lược là bộ sử biên niên thuộc hàng sớm nhất Việt Nam.
[4] Mục Thận (? - ?) lúc bấy giờ làm nghề chài lưới. Sau Vụ án hồ Dâm Đàm, ông được phong hàm Đô úy và được ban đất ở vùng Dâm Đàm làm thực ấp. Khi ông mất được dân chúng lập đền thờ, và còn được truy tặng là Thái úy, thụy Trung Duệ, tước Võ Lượng công (theo Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam, tr. 447).

Sách tham khảo:
-Khuyết danh, Đại Việt sử lược. Nhà xuất bản Thành phố Hồ Chí Minh, 1993.
-Ngô Sĩ Liên, Đại Việt sử ký toàn thư (Tập I và II). Nhà xuất bản Khoa học xã hội, Hà Nội, 1983.
-Trần Trọng Kim, Việt Nam sử lược. Nhà xuất bản Tân Việt, Sài Gòn, 1968.
-Nguyễn Q. Thắng-Nguyễn Bá Thế, Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam. Nhà xuất bản Khoa học xã hội, Hà Nội, 1992.




Truyện Lý Phục Man

Lý Phục Man (? - ?), không rõ họ tên thật (vì ông có công đánh dẹp quân Lâm Ấp, nên được đặt tên là "Phục Man", và được ban quốc tính họ "Lý"), là một danh tướng thời Lý Nam Đế ở thế kỷ 6 trong lịch sử Việt Nam.
Ông nổi tiếng là người giỏi võ nghệ, là một trung thần có nhiều công lao, nên khi mất, ông được nhân dân nhiều nơi tôn thờ làm Thành hoàng làng. Mặc dù vậy, trong sử cũ không thấy chép về ông. Tên và thần tích của ông xuất hiện lần đầu tiên trong Việt điện u linh tập thời Trần; và sau đó được kể lại trong Đại Nam nhất thống chí thời Nguyễn.


I. Tóm tắt thần tích Lý Phục Man:
1.1 trong Việt điện u linh tập:
Trong một chuyến tuần thú, vua Lý Thái Tổ (Lý Công Uẩn) đi đến Sở Bộ Đầu (tên gọi cũ của Yên Sở, thuộc Hoài Đức, Hà Nội ngày nay). Cảm khái trước vẻ đạp của phong cảnh, bèn rót rượu xuống dòng sông lớn mà khấn rằng: "Trẫm xem nơi đây thủy tú sơn kỳ khác hẳn mọi phương, nếu có linh hồn của những trang nhân kiệt, thì xin hãy nhận lễ cúng".
Đêm ấy, nhà vua mộng thấy một dị nhân cao lớn vạm vỡ, y phục trang nghiêm, đến cúi đầu lạy 2 lần, rồi tâu rằng:
"Thần vốn là người làng này, họ Lý tên Phục Man, đã theo giúp Lý Nam Đế (tức Lý Bí, ở ngôi: 544-548), và được phong làm tướng quân. Nhờ lòng trung liệt mà nổi danh, được cho trấn thủ đất Đỗ Động (Thanh Oai) và Đường Lâm (Ba Vì). Quân man (chỉ quân Lâm Ấp) đều sợ, không dám xúc phạm, cả một phương đều yên ổn. Đến khi thần thác, Thượng đế chấm lòng trung ấy, cho thần giữ chức cũ. Về công trạng, thần xin trình rõ vài điều mạo muội:
Xưa kia, thuở Cao Tổ nhà Đường (chỉ Lý Uyên) sắp làm vua, thần thường đem binh theo Khâu Hòa phá được cuộc nổi dậy của Ninh Thường Chân ở cửa Giáp Sơn. Qua đời vua Túc Tông (Lý Hanh), lại phá được quân Đại Thực Ba Tư ở cửa Thần Thạch. Sang đời vua Đại Tông (Lý Dự), lại phá quân Côn Lôn Chà Và ở Chu Diên. Lại khi Cao Vương (Cao Biền) phá nước Nam Chiếu, với lúc Ngô Tiên Chúa (Ngô Quyền) phá quân Nam Hán, Lê Đại Hành (Lê Hoàn) phá quân Tống; mỗi lần xuất quân, thần luôn ở trên không mù mịt, mang quỷ binh đi ám trợ, kết cuộc đều có công cả. Thần cũng từng cầm quỷ binh, dâng mệnh Thượng đế, phá quân Chiêm Thành ở Giáp Sơn...Đến khi thần mất, linh hồn chẳng tan, thôn dân kính mến, nhân thế mới lập đền thờ phụng. Hễ khi nào có dùng binh, thì thần lại ám trợ từ trên không, bọn nghịch tặc vào cướp đều bị ngăn chống cả...
Đoạn Lý Phục Man đọc 4 câu thơ:
Thiên hạ toàn mông muội,
Cô vi ẩn thanh danh.
Trung nguyên yết nhật nguyệt,
Quang diệu thị chạn hình.
Nghĩa là:
Thiên hạ đều tăm tối,
Vậy nên giấu thanh danh.
Giữa trời theo nhật nguyệt,
Rực rỡ thật chân tình.

Dứt lời, Lý Phục Man biến mất. Nhà vua chưa kịp đối đáp, bỗng giật mình tỉnh dậy, liền đem nói hết với kẻ tả hữu. Quan Ngự sử đại phu là Lương Văn Nhậm nói: "Đó là lời thần có ý muốn hiển linh để mà lập hình tượng". Nhà vua bèn sai người trong châu lập đền thờ và tạc một tượng thần như đã trông thấy trong mộng, rồi phong làm Phúc thần coi giữ một phương.

Trong niên hiệu Nguyên Phong (đời vua Trần Thái Tông), quân Thát Đát (quân Nguyên Mông) vào đánh. Đến đây, ngựa chúng què không thể tiến được. Thôn dân biết có sức thần giúp, bèn kéo ra cự chiến, giết được quân xấm lấn rất nhiều. Khi nước đã yên, liền có sắc phong thần làm Chứng An Quốc Công, và cho thôn ấy đổi làm Chứng An Hộ Xá.

Niên hiệu Trùng Hưng năm đầu (1285, đời Trần Nhân Tông), quân phương Bắc (chỉ quân Nguyên Mông) lại vào cướp phá nữa. Họ đi đến đâu cũng đều đốy rụi cả, nhưng tới nơi này thì như có người phòng hộ, nên không hề hấn gì. Lúc dẹp xong quân xâm lược, lại có sắc phong thần làm Chứng An Vương. Sang năm thứ 4 (1288), còn gia phong thêm 2 chữ Minh Ứng. Niên hiệu Hưng Long thứ 21 (1313, đời Trần Anh Tông), lại gia thêm 2 chữ Tá Quốc...(theo Lý Tế Xuyên, GS. Nguyễn Văn Uyên ghi là Hựu Quốc).

1.2 Trong Đại Nam nhất thống chí:
Sách Đại Nam nhất thống chí được biên soạn theo lệnh vua Tự Đức, ghi truyện Lý Phục Man như sau:
Ông là người làng Yên Sở (Hoài Đức, Hà Nội ngày nay), và có tài thao lược xuất chúng. Ông theo vua Lý Nam Đế và có những công trạng rực rỡ. Vua thấy ông là một bề tôi trung thành, bèn cử ông làm tướng và giao cho ông cai quản Đỗ Động và Đường Lâm. Quân man đều chịu quy phục, và nhân dân được sống yên ổn. Ông dẹp yên Lâm Ấp nhiều lần, vì thế Nam Đế phong ông làm Phục Man (bình định quân man), rồi cho ông mang họ Lý của hoàng tộc, và ban cho ông chức Thiếu úy. Từ đấy, ông tham gia bàn bạc mọi ở triều đình. Ông rất chính trực, nên ai cũng kính phục. Sau đấy, ông được cử đi giữ bờ cõi phía Lâm Ấp. Ông bị quân Lâm Ấp đánh thua, bèn tự vẫn, được đưa về mai táng ở làng Yên Sở, bên bờ Hồ Mã.

Vua Lý Thái Tổ, trong một chuyến tuần du, dừng chân tại Cổ Sở, nằm mộng thấy một người kỳ dị quỳ gối trước mặt mình. Người đó xưng là Lý Phục Man và tâu rằng: "Khi đất nước loạn lạc, chẳng ai nhận ra người bề tôi trung thành. Bây giờ mọi chốn đều yên ổn, nhật nguyệt tỏa sáng trên trời, và kẻ tôi trung có thể hiện ra". Rồi người đó biến mất. Nhà vua tỉnh giấc bèn truyền tạc một pho tượng thờ Lý Phục Man.

Vua Trần Thái Tông, một hôm ghé thuyền ở bến đò Hồ Mã, gần làng Yên Sở để ngủ đêm. Vua nằm mộng thấy ở giữa sông có một chiếc thuyền lớn tiến lại, vua mới hỏi: “Ai đó?”, người đàn ông trên thuyền liền đáp: “Thần là Lý Phục Man. Thượng đế sai thần canh giữ chốn này để che chở cho dân”. Nhà vua tỉnh dậy lập tức truyền mở rộng ngôi đền, và phong cho thần những tước hiệu mới.

Năm Nguyên Phong (đời vua Trần Thái Tông), quân Thát Đát (Nguyên Mông) đến cướp phá nước ta (nay là Việt Nam). Đến làng Cổ Sở, ngựa của chúng bị liệt không tiến lên được. Nhờ đó dân làng đánh tan được chúng. Dưới thời Trùng Hưng (đời Trần Nhân Tông), giặc Tàu (chữ trong Đại Nam Nhất thống chí, chỉ quân Nguyên Mông) sang cướp nước ta. Chúng phá phách mọi thứ trên đường đi. Làng Cổ Sở không bị xâm phạm. Hình như làng đó được thần che chở. Dưới thời Cảnh Trị nhà Lê (Lê Huyền Tông), vua lại ban cho thần những tước vị mới…

II. So sánh, đút kết:
Như trên đã nói, trong các sử cũ (như Đại Việt sử lược, Đại Việt sử ký toàn thư, Việt Nam sử lược) không có dòng nào biên chép về Lý Phục Man. Thông tin chủ yếu về ông có trong Việt điện u linh tập và Đại Nam nhất thống chí đều dựa vào truyền thuyết dân gian. Song so với truyền thuyết dân gian ở làng Yên Sở (nơi được xem là quê hương của Lý Phục Man) có mấy điểm, mà trong hai sách không chép, hoặc nói chưa rõ đó là:

-Lý Phục Man đã cưới công chúa Siêu (được khấn là Lý Nương, con Lý Nam Đế) làm vợ. Hiện nay, vị công chúa này cũng được thờ trong đình Yên Sở (còn gọi là Quán Giá), ở bên trái ông [1].
-Mộ thần Lý Phục Man, tương truyền nằm dưới đáy đầm sen rộng và sâu ở giữa vạt rừng, đằng sau đình Yên Sở.
-Lý Phục Man được quân Lý Nam Đế cử đi đánh quân Lâm Ấp. Sau khi đánh tan, ông nhận lệnh ở lại giữ biên cương, khiến họ không dám sang quấy nhiễu. Nhưng khi nhà Tiền Lý suy yếu, vua nhà Lương bên Trung Quốc phái Trần Bá Tiên sang đánh Lý Nam Đế, buộc nhà vua phải chạy lánh vào vùng động Khuất Lão (Tam Nông, Vĩnh Phú). Nghe tin đó, Phục Man càng ra sức canh phòng. Song quân Lâm Ấp vẫn chọc thủng biên giới, vây đánh quân ông. Thất thế, ông phải dẫn tàn quân chạy trốn. Vì thiếu lương thực và quân cứu viện, ông tự sát. Cảm thương chủ tướng, thuộc hạ đưa ông về táng tại Cổ Sở, bên bờ Hồ Mã. Như vậy, theo truyền thuyết, Lý Phục Man mất trong khi Lý Nam đế chạy trốn, và trước khi Triệu Quang Phục lên ngôi, tức trong khoảng thời gian giữa năm 546 và năm 548 [2].

Điều cần lưu ý khác, đó là ở Việt điện u linh tập, người soạn đã để Lý Phục Man kể lại thân thế của mình trong một “giấc mộng”; còn ở sách Đại Nam nhất thống chí thì phần đó do người soạn kể nên nó có vẻ thật hơn, và độ tin cậy cao hơn. Ngoài ra, ở Đại Nam nhất thống chí còn loại bỏ tất cả những gì mà thần Lý Phục Man đã giúp cho các vua bên Trung Quốc. Việc đó đã cho thấy "ý thức dân tộc lúc bấy giờ đã mạnh mẽ". Tuy nhiên, vì là “truyền thuyết” nên cuộc đời ông đã được thêu dệt ít nhiều, thực hư lẫn lộn.

Điều cần lưu ý nữa, đó là từ lâu, có một số người cố chứng minh rằng ông chính là danh tướng Phạm Tu, song đến nay vẫn chưa đủ sức thuyết phục. Trong sách Lịch sử Việt Nam (tập I), do Phan Huy Lê-Trần Quốc Vượng-Hà Văn Tấn và Lương Ninh cùng biên soạn, sau khi giới thiệu Lý Phục Man là một vị "tướng quân coi giữ một miền biên cảnh, trong một triều đình hẳn còn sơ sài, có Tinh Thiều làm tướng văn, Phạm Tu làm tướng võ"...các tác giả cũng đã kèm theo lời chú thích rằng: "Phạm Tu và Lý Phục Man là một hay hai người, và quan hệ với nhau như thế nào, đấy là một vấn đề đã được đặt ra từ rất lâu, nhưng chưa đủ cứ liệu khoa học để kết luận".[3]


Bùi Thụy Đào Nguyên, giới thiệu.

Chú thích:
[1] Sau này trong đình Yên Sở, người ta lại thờ thêm một nữ thần nữa, tên là Á Nương, và xem vị này là vợ thứ hai của Lý Phục Man. Theo lời kể, thì người đàn bà này họ Trần, vốn là một cô đầu thời Nguyễn sơ. Một hôm, bà đến dự hội làng Yên Sở thì đột nhiên biến mất, chỉ để lại quần áo trên "gò đuổi cầy". Ít lâu sau, trong làng có nhiều người chết. Nghe lời các thầy bói, dân làng thờ Á Nương ở bên phải Thần hoàng Lý Phục Man, từ đó thôn xóm được yên (lược theo GS. Nguyễn Văn Huyên, tr. 471-472).
[2] Theo GS. Huyên, ở Yên Sở còn có một truyền khác nói là Lý Phục Man không tự sát, mà là bị quân Lâm Ấp chém rơi đầu trong một trận kịch chiến.
[3] Trích trong Lịch sử Việt Nam (tập I, tr. 400). Thông tin thêm: Theo Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam (do Đinh Xuân Lâm, Trương Hữu Quýnh, Phan Đại Doãn biên soạn. Nxb Giáo dục in năm 2006) thì Lý Phục Man và Phạm Tu là hai người khác nhau. Các ông viết: “Lý Phục Man (? - 545) [một số tài liệu cho rằng Lý Phục Man mất năm 548]...Quân Lâm Ấp quấy phá biên giới, ông cùng Phạm Tu đánh lui,...ông có công khuất phục các thủ lĩnh dân tộc ít người trong vùng nên nhân đó vua Lý ban cho hiệu là Phục Man ...”

Sách tham khảo chính:
-Lý Tế Xuyên, Việt điện u linh tập lục toàn biên, truyện "Lý Phục Man" (Ngọc Hồ dịch). Nhà xuất bản Cửu Long, 1992.
-Nguyễn Văn Huyên, Góp phần nghiên cứu văn hóa Việt Nam (tập I), phần "Góp phần nghiên cứu một vị Thành hoàng Việt Nam: Lý Phục Man". Nhà xuất bản Khoa học xã hội, 2003.
-Phan Huy Lê-Trần Quốc Vượng-Hà Văn Tấn và Lương Ninh, Lịch sử Việt Nam (tập I). Nhà xuất bản Đại học và Trung học chuyên nghiệp, Hà Nội, 1983.
-Nhiều người soạn, Từ điển bách khoa Việt Nam, mục từ: "Lý Phục Man"





Thứ Ba, 25 tháng 10, 2011

Nguyên phi Ỷ Lan



Ỷ Lan (倚蘭, 1044?–1117) là vợ vua Lý Thánh Tông, và là mẹ vua Lý Nhân Tông trong lịch sử Việt Nam. Bà có rất nhiều đóng góp tích cực vào cơ nghiệp của nhà Lý.

1. Tên, xuất thân:
Theo truyện thơ nói về Ỷ Lan có tên là "Lý triều đệ tam Hoàng thái hậu cổ lục thần tích quốc ngữ diễn ca văn" (Văn diễn ca bằng quốc ngữ thần tích sao chép từ bản cổ Hoàng Thái hậu thứ ba triều Lý) của Trương Thị Trong (? - ?), một Thị nội cung tần của chúa Trịnh Cương, thì bà có tên là Lê Khiết Nương [1]. Cũng có nguồn cho rằng bà có tên là Lê Thị Yến hay Lê Thị Khiết. Tuy nhiên, bà được biết nhiều hơn qua cái tên Nguyên phi Ỷ Lan (Nguyên phi ở đây là bậc đứng đầu hàng phi, chỉ ở dưới bậc [[Hoàng hậu]], Ỷ lan có nghĩa là “tựa vào cây lan”) [2].

Theo truyền thuyết, Ỷ Lan sinh ngày 7 tháng 3 năm Giáp Thân (1044) tại vùng Thổ Lỗi (tên Nôm là Sủi, sau đổi là Siêu Loại, trước thuộc tỉnh Bắc Ninh; nay thuộc huyện Gia Lâm, Hà Nội).

Tuy nhiên trong truyện thơ trên, không nói rõ bà sinh năm nào, chỉ cho biết cha bà họ Lê (có nguồn ghi tên là Lê Công Thiết), làm chức quan nhỏ ở kinh thành Thăng Long; và mẹ (truyện thơ chỉ ghi hiệu là Tĩnh Nương, có nguồn ghi tên là Vũ Thị Tình), là một người làm ruộng tại thôn Thổ Lỗi.

Đến năm Ỷ Lan 12 tuổi, thì mẹ ốm mất; cha lấy mẹ kế họ Đồng, nhưng ít lâu sau ông cũng qua đời. Kể từ đó, bà chung sống với người mẹ kế, và hai người rất thương quí nhau .

2. Vào cung, được vua sủng ái:
Sách Đại Việt sử ký toàn thư (Bản kỷ toàn thư, quyển 3) chép:
..."Tục truyền rằng vua (Lê Thánh Tông) cúng khấn cầu tự chưa thấy hiệu nghiệm, mới đi chơi khắp chùa quán. Xa giá đi đến đâu, con trai con gái đổ xô đến xem không ngớt, duy có một người con gái hái dâu cứ đứng tựa trong bụi cỏ lan. Vua trông thấy, gọi đưa vào cung, được vua yêu phong làm Ỷ Lan phu nhân"....

Theo truyện thơ trên, thì đó là năm Giáp Thìn (1064) khi vua Lý Thánh Tông đến chùa Thổ Lỗi cầu tự và mở hội tuyển cung nữ. Song có nguồn cho rằng đó là vào mùa xuân năm 1063, khi vua đi cầu tự ở chùa Dâu (Thuận Thành, Bắc Ninh), qua hương Thổ lỗi, ngài vén rèm nhìn ra, thấy từ xa có người con gái tựa vào cây lan và cất tiếng hát trong trẻo...Sau khi đưa người con gái ấy vào cung, nhà vua cho xây dựng một cung điện riêng (nay là đình Yên Thái, phường Hàng Gai, Hà Nội), và đặt tên là cung Ỷ Lan....

3. Sinh con trai được phong làm phi:
Nhờ sinh được hai người con trai, Ỷ Lan phu nhân được phong làm Thần phi, rồi Nguyên phi. Sách Đại Việt sử ký toàn thư (Bản kỷ toàn thư, quyển 3) chép:
"Bấy giờ vua xuân thu đã nhiều, tuổi 40 mà chưa có con trai nối dõi, sai chi hội hậu nhân Nguyễn Bông làm lễ cầu tự ở chùa Thánh Chúa[3]...Nhà sư dạy cho Bông thuật đầu thai thác hóa, Bông nghe theo. Việc phát giác, đem chém Bông ở trước cửa chùa. Người sau gọi chỗ ấy là Đồng Bông. Chùa ở xã Dịch Vọng, huyện Từ Liêm. Đồng Bông ở phía tây trước cửa chùa, nay hãy còn...Mùa xuân, tháng Giêng (năm 1066), Hoàng tử (Lý) Càn Đức sinh. Ngày hôm sau, lập làm Hoàng thái tử (sau này là vua Lý Nhân Tông), đổi niên hiệu, đại xá, và phong mẹ là Ỷ Lan phu nhân làm Thần phi...Năm Mậu Thân (1068), đổi hương Thổ Lỗi làm hương Siêu Loại, vì là nơi sinh của Nguyên phi.

Truyện thơ "Lý triều đệ tam Hoàng thái hậu cổ lục thần tích quốc ngữ diễn ca văn" kể tương tự, nhưng chi tiết hơn: Khi Ỷ Lan đã vào cung, vua sai Thái giám Nguyễn Bông đi cầu tự. Ông này bèn đến chùa Thánh Chúa gặp nhà sư Đại Điên. Nhà sư bày kế cho Nguyễn Bông đầu thai để kiếp sau được làm Hoàng đế. Trở về cung, Nguyễn Bông rình trộm Ỷ Lan tắm bị bắt gặp, xử tội chém. Sau đó, Ỷ Lan có thai, đủ tháng sinh được con trai là Lý Càn Đức. Nhà vua mừng rỡ phong Ỷ Lan làm Thần phi. Ít năm sau (1068), lại sinh thêm một người con trai nữa (không rõ tên, sau được phong tước Sùng Hiền hầu)...[4]

4. Làm Nhiếp chính lần thứ nhất:
Tháng 2 năm Kỷ Dậu (1069), vua Lý Thánh Tông thân chinh đi đánh Chiêm Thành. Tin cậy, trước khi đi nhà vua trao quyền điều khiển chính sự ở triều đình cho Ỷ Lan nguyên phi. Ra trận, vua đánh mãi không được, bèn "đem quân về đến châu Cư Liên (Tiên Lữ, Hưng Yên), thì nghe tin Nguyên phi giúp việc nội trị, lòng dân cảm hóa hòa hợp, trong cõi vững vàng, tôn sùng Phật giáo, dân gọi là bà Quan Âm, vua nói: "Nguyên phi là đàn bà còn làm được như thế, ta là nam nhi lại chẳng được việc gì hay sao!". Bèn quay lại đánh nữa, bắt được vua nước ấy là Chế Củ và 5 vạn người dân... Năm sau (1070), Chế Củ xin đem đất ba châu: Địa Lý, Ma Linh, Bố Chính (tức vùng Quảng Bình và Quảng Trị) để chuộc tội....

5. Mưu đoạt quyền bính:
Tháng Giêng năm Nhâm Tý (1072), vua Lý Thánh Tông lâm bệnh nặng rồi mất. Sau đó, Lý Càn Đức (sinh 1066, tức mới 6 tuổi) lên nối ngôi, tức là vua Lý Nhân Tông, tôn mẹ đẻ là Ỷ Lan nguyên phi làm Hoàng thái phi, tôn mẹ đích là Thượng Dương thái hậu họ Dương làm Hoàng thái hậu, và để cho Thái hậu Thượng Dương cùng dự việc triều chính, có Thái sư Lý Đạo Thành giúp đỡ công việc.

Sau đó, theo học giả Hoàng Xuân Hãn, một cuộc xung đột nội bộ đã xảy ra trong chốn cung đình. Ban đầu phe Thượng Dương Hoàng thái hậu được Thái sư Lý Đạo Thành ủng hộ nên được cầm quyền; nhưng sau đó thì phe Linh Nhân Hoàng thái phi (tức Ỷ Lan) đắc thắng, nhờ có Thái úy Lý Thường Kiệt ủng hộ.

Sách Đại Việt sử ký toàn thư (Bản kỷ toàn thư, quyển 3) chép sơ lược việc này như sau:
"Quý Sửu (1073)...Giam Hoàng thái hậu họ Dương,...(bởi) Linh Nhân có tính ghen, cho mình là mẹ đẻ mà không được dự chính sự, mới kêu với vua rằng: "Mẹ già khó nhọc mới có ngày nay, mà bây giờ phú quý người khác hưởng, thế thì sẽ để mẹ già vào đâu?" Vua bèn sai đem giam Dương thái hậu và 76 người thị nữ vào cung Thượng Dương, rồi bức phải chết chôn theo lăng Thánh Tông...(còn) Thái sư Lý Đạo Thành lấy chức Tả gián nghị đại phu ra coi châu Nghệ An.

6. Làm Nhiếp chính lần thứ hai:
Đoạt được quyền nhiếp chính và trở thành Hoàng thái hậu, năm 1074, không nghĩ đến hiềm khích cũ, Ỷ Lan lại cho vời Lý Đạo Thành về triều rồi trao chức Thái phó bình chương quân quốc trọng sự, để cùng với tướng phụ chính là Lý Thường Kiệt ra tài ổn định và phát triển đất nước. Nhờ vậy mà quân đội nhà Lý đủ sức “phá Tống, bình Chiêm” [5]…

Sử cũ còn chép rằng, vào mùa xuân năm Quý Mùi (1103), chính Hoàng thái hậu Ỷ Lan đã phát tiền ở kho nội phủ để chuộc con gái nhà nghèo bị bán do ở đợ, đem họ mà gả cho những người đàn ông góa vợ. Và trước khi mất mấy tháng (tháng 2 năm Đinh Dậu, 1117), bà còn đề xuất lệnh cấm trộm trâu và giết trâu bừa bãi.

Vốn là người sùng đạo Phật, và là "người tu tại gia"; về già, Hoàng thái hậu Ỷ Lan càng để tâm làm việc thiện, xây chùa và nghiên cứu về đạo Phật. Tính đến năm (1115), bà đã cho xây cất 150 chùa, đền, trong đó có chùa Từ Phúc ở quê hương (Dương Xá, Gia Lâm).

7. Mất, được tôn thờ:
Hoàng thái hậu Ỷ Lan qua đời vào ngày 25 tháng 7 năm Đinh Dậu (1117), có lẽ thọ vào khoảng ngoài 70 tuổi . Sau đó, triều đình làm lễ hỏa táng, có ba người hầu gái được chôn theo [6], và dâng tên thụy là Phù thánh Linh Nhân hoàng thái hậu. Mùa thu, tháng 8 (âm lịch), chôn Linh Nhân Hoàng thái hậu ở Thọ lăng, thuộc phủ Thiên Đức (nay là đất huyện Tiên Sơn, thuộc Bắc Ninh).

Cảm ơn đức cao dày của bà, nhân dân đã tôn vinh bà Ỷ Lan như là "Quan Âm bồ tát " tái hiện, hoặc đồng hóa với "cô Tấm" trong truyện cổ tích, hoặc với "Phật mẫu Man Nương".

Bà được tôn thờ ở một số nơi, nhưng đáng kể hơn cả là "Cụm di tích Đền-Chùa Bà Tấm" ở quê hương bà (Dương Xá, Gia Lâm, Hà Nội). Ngôi chùa có tên là "Linh Nhân tư Phúc tự" (dân gian thường gọi là "chùa Bà Tấm"), được bà cho xây dựng vào năm 1115. Đến khi bà qua đời (1117), ngôi đền thờ bà cũng được xây dựng tại đây. Từ đó đến nay, cụm đền chùa này là nơi thờ Phật, và cũng là nơi tưởng niệm bà.

*
Bên cạnh công lao ổn định và phát triển đất nước, bà Ỷ Lan còn có hai việc nổi bật đã được sử cũ biên chép, đó là việc "chuộc người" (năm 1103) và việc "đề xuất lệnh cấm trộm trâu và giết trâu bừa bãi" (năm 1117) như đã kể trên. Việc thứ nhất, được sử thần Ngô Sĩ Liên khen là: "Thái hậu đổi đời cho họ, cũng là việc làm chân chính vậy" [19]. Còn việc thứ hai khiến nhiều người dân càng kính trọng và biết ơn bà, bởi “con trâu là đầu cơ nghiệp”.

Tuy nhiên, trong trang sử đời bà không khỏi có một vết đen, đó là việc giết chết Thái hậu Thượng Dương và 76 người thị nữ. Tục truyền rằng bà rất hối về việc này nên đã làm nhiều chùa Phật để sám hối, rửa oan .

Xét khía cạnh khác, qua bài kệ của bà còn lưu lại trong cuốn Thiền uyển tập anh, đã chứng tỏ bà không chỉ là người “hiểu sâu tôn chỉ” đạo Phật, mà còn là người giỏi chữ nghĩa. Và theo GS. Nguyễn Khắc Thuần, "chính những lời đối đáp giữa bà với các bậc cao tăng đã đặt nền tảng đầu tiên cho việc ra đời của sách Thiền uyển tập anh rất có giá trị sau này".

Giới thiệu bài kệ:
Bài kệ không có đầu đề (đầu đề do người sau thêm vào, có sách ghi là Kệ Sắc không), được Ỷ Lan làm sau khi đàm đạo với đại sư Thông Biện về những tôn chỉ của đạo Thiền.

Phiên âm Hán-Việt:
Sắc thị không, không tức sắc,
Không thị sắc, sắc tức không.
Sắc không quân bất quản,
Phương đắc khế chân không.

Bản dịch:
Sắc là không, không tức sắc
Không là sắc, sắc tức không
Sắc không đều chẳng quản
Mới được hợp chân tông.

Với bài kệ trên, Ỷ Lan đã được các nhà nghiên cứu văn học Việt xếp vào hàng "tác gia văn học thời Lý-Trần".

Bùi Thụy Đào Nguyên, lược kể.
Chú thích:

[1]Tuy nhiên, hiệu của mẹ bà là "Tĩnh Nương", thì có thể "Khiết Nương" cũng chỉ là hiệu. Mà cũng có thể “nương” của cả hai ở đây chỉ là tiếng đệm theo tên (dùng cho nữ) theo gọi cách gọi của người xưa.
[2] Thông tin thêm: Một học giả người Tống là Thẩm Hoạt trong sách Mộng khê bút đàm (quyển 2) ghi tên bà là Lê Thị Yến Loan, nhưng học giả Hoàng Xuân Hãn cho biết đó chỉ là cách phiên âm từ tên Ỷ Lan mà thôi (tr. 76).
[3] Chùa Thánh Chúa ở Dịch Vọng, nay thuộc phường Dịch Vọng, huyện Cầu Giấy, Hà Nội.
[4] Thông tin thêm: Vua Lý Nhân Tông không con nên nhận Dương Hoán là con của Sùng Hiền hầu làm Thái tử (1117). Năm 1128, Dương Hoán lên ngôi, tức vua Lý Thần Tông, sau đó tôn cha ruột (Sùng Hiền hầu) làm thái thượng hoàng.
[5] Năm 1705, tướng Lý Thường Kiệt mang quân sang vây đánh Khâm châu và Liêm Châu (thuộc tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc). Năm 1076, đại quân nhà Tống do Quách Quỳ và Triệu Tiết đứng đầu tiến sang nước Việt đánh trả, nhưng bị thua nặng ở trận Như Nguyệt vào năm 1077. Năm 1103, quân Chiêm Thành sang đánh lấy lại ba châu là Ma Linh, Bố Chính và Địa Lý đã dâng từ năm 1070. Năm sau (1104), Lý Thường Kiệt dẫn quân sang đánh Chiêm Thành, quốc vương nước ấy là Chế Ma Na thua chạy, xin trả lại ba châu như cũ. Xem chi tiết trong Việt Nam sử lược, phần "Lý Nhân Tông".
[6] Sử thần Ngô Sĩ Liên thắc mắc: "Hỏa táng là lễ đạo Phật, chôn theo là tục nhà Tần, Nhân Tông đều làm theo, hoặc giả vâng lời dặn lại của Thái hậu chăng?" (tr. 303).

Sách tham khảo:-Khuyết danh, Đại Việt sử lược. Nhà xuất bản Thành phố Hồ Chí Minh, 1993.
-Ngô Sĩ Liên, Đại Việt sử ký toàn thư (Bản dịch, tập I). Nhà xuất bản Khoa học xã hội, 1983.
-Trương Thị Trong, Lý triều đệ tam Hoàng thái hậu cổ lục thần tích quốc ngữ diễn ca văn in trong Các nữ tác gia Hán Nôm Việt Nam do PGS. TS. Đỗ Thị Hảo làm chủ biên. Nhà xuất bản Khoa học xã hội, Hà Nội, 2010.
-Hoàng Xuân Hãn, Lý Thường Kiệt - lịch sử ngoại giao và tông giáo triều Lý. Nhà xuất bản Hà Nội, 1996.
-Trần Trọng Kim, Việt Nam sử lược. Nhà xuất bản Tân Việt, Sài Gòn, 1968.
- Nguyễn Khắc Thuần, Việt sử giai thoại (tập 2, "Lược truyện về Ỷ Lan"). Nhà xuất bản Giáo dục, 1999.
-Đổ Thị Hảo-Mai Thị Ngọc Chúc, Các nữ thần Việt Nam, truyện "Ỷ Lan". Nhà xuất bản Phụ nữ, 1984.

Chủ Nhật, 23 tháng 10, 2011

Giới thiệu bộ sưu tập ảnh của Nguyên

Sưu tập ảnh của Nguyên: http://commons.wikimedia.org/wiki/Category:Pictures_by_B%C3%B9i_Th%E1%BB%A5y_%C4%90%C3%A0o_Nguy%C3%Aan