Hình ảnh

Hình ảnh

Thứ Tư, 17 tháng 8, 2011

Thiền sư Tịnh Giác Thiện Trì và chùa Linh Phong ở Bình Định


Chùa Linh Phong ngày nay

Thiền sư Tịnh Giác Thiện Trì hay Linh Phong thiền sư (? - ?), hiệu là Mộc Y Sơn Ông (Ông Núi mặc áo vỏ cây), thường được gọi là Ông Núi (Sơn Ông); là một nhà sư Trung Quốc sang Việt Nam tu trì và lập chùa Linh Phong (còn gọi là chùa Ông Núi) ở núi Bà (Phù Cát, Bình Định) vào thế kỷ 18.

I. Thân thế và hành trạng:
Khảo cứu trong "Sơn môn tự phả" và "Pháp tọa thế thứ đồ vị" có ở chùa Linh Phong trước đây, thì tên tục của Thiền sư Tịnh Giác Thiện Trì (gọi tắt là thiền sư) là Lê Ban, người ở kinh đô Bắc Kinh (Trung Quốc). Nhưng theo danh thần Đào Tấn, tên tục này chưa hẳn đã đúng, vì "biết đâu đây là người lánh đời, giấu tên”[1].

Cũng theo hai tài liệu trên, năm Nhâm Ngọ (1702), thời chúa Nguyễn Phúc Chu, thiền sư đến một nơi có "rừng cây, suối đá sâu thẳm, tịch mịch, vẻ đẹp không gì sánh nổi" là núi Bà ở vùng miền biển Phương Phi (Phương Thái, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định), cách thành Trà Bàn (Đồ Bàn) hơn 30 dặm để ẩn tu. Trước thiền sư tu trì trong hang núi ở phía đông, sau mới đến chừng chừng núi "phát gai dại, vác đá to xây chỗ này, lấp chỗ kia, kết cỏ làm tranh, dựng lên am nhỏ, đặt tên là chùa Dũng Tuyền".

Tương truyền, thiền sư lấy vỏ cây làm y phục. Mỗi khi cần vật thực, thiền sư vào núi kiếm củi, bó thành bó to rồi đem xuống núi đặt bên vệ đường, người dân địa phương đem gạo, rau...đổi lấy.

Năm Quý Sửu (1733), chúa Nguyễn Phúc Chú vì mộ đức thiền sư nên ban hiệu là "Tịnh Giác Thiện Trì Đại Lão Thiền Sư", và lệnh xây cất lại am Dũng Tuyền thành một ngôi chùa lớn lợp ngói, đặt tên là "Linh Phong Thiền Tự".

Năm Tân Dậu (1741), chúa Nguyễn Phúc Khoát cho mời thiền sư đến phủ chúa (Phú Xuân) để tham vấn học hỏi về Phật pháp. Ở đấy gần một tháng, được chúa rất quý mến, nên khi về thiền sư được ban cho áo cà sa có vòng ngọc và móc vàng, để làm pháp phục.
Thiền sư Tịnh Giác Thiện Trì viên tịch tại chùa Linh Phong vào thời Tây Sơn (1778-1802), đồ chúng lập tháp thờ ở bên phải chùa vào năm Thái Đức (hiệu của Nguyễn Nhạc) thứ 8 (1785). Tháp có câu đối chữ Hán:
Quyền thạch tiệm thành sơn, thản thản u trinh thường lạc thổ;
Chúng lưu năng vi thủy, man man không tế động đình thiên.
Nghĩa là:
Gom đá dần thành núi, đất Thường Lạc (cõi Phật) thênh thang tĩnh mịch;
Nhiều dòng tạo nên sông, trời Động Đình bát ngát mênh mông.

Song có người bảo rằng tháp mới xây dựng sau này để làm kỷ niệm, chớ thật ra thiền sư đã bỏ đi đâu mất kể từ khi Trương Phúc Loan chuyên quyền, và trong nước có loạn...
Theo Đào Tấn, thì thiền sư Tịnh Giác Thiện Trì có chú giải bộ kinh Pháp hoa và soạn quyển Ngọc Thạch đồ chương gồm 7 mục: 1/ Ngôi chùa lưng chừng núi. 2/ Thuở dựng chùa Dũng Tuyền. 3/ Hiệu là Ông núi. 4/ Gặp ta trong đá. 5/ Nơi yên tĩnh. 6./ Tính khí lặng lẽ. 7/ Nhà đá (thạch thất). Ngoài ra, thiền sư "cũng có làm thơ đề vịnh, dấu bút mấy tờ, nhưng sư ở chùa vì không biết nên lấy số giấy ấy bồi bức vẽ tượng...rất tiếc thay".

II Linh Phong cổ tự:
Trên sườn phía Đông Nam núi Bà, cách thành Trà Bàn (Đồ Bàn) hơn 30 dặm; nay thuộc địa phận thôn Phương Phi (xã Cát Tiến, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định), trước đây có một ngôi chùa cổ có tên là Linh Phong Thiền Tự (còn gọi là chùa Ông Núi).

Đây là một danh lam của tỉnh, sách Đại Nam nhất thống chí chép:
Chùa Linh Phong ở thôn Phương Phi, huyện Phù Cát, lưng dựa vào núi cao (núi Bà), mặt trông ra đầm Biển cạn (tức đầm Thị Nại), xung quanh có nước suối lượn quanh phong cảnh thật đẹp.

Sách Đại Nam dư địa chi ước biên chép:
Chùa Linh Phong ở thôn Phương Phi, huyện Phù Cát, lưng dựa núi cao, nhìn ra đầm Hạc Hải (tức đầm Thị Nại), hoa cỏ đẹp tươi. Nên có câu: "Mây lành khắp chốn, chùa Linh Phong bao bọc hoa tươi", và có câu đối (bằng chữ Hán) dịch ra như sau:
Bờ biển dấy duyên lành, mưa móc khắp trời nhuần đẹp đất;
Linh Phong ngưng khí tốt, mây lành mọi chốn phủ nhân gian.

Như trên đã viết, ban đầu chùa Linh Phong (Bình Định) chỉ là một am tranh, sau mới dựng thành một ngôi chùa lớn lợp ngói, và được chúa Nguyễn Phúc Chú ban tên là Linh Phong Thiền Tự.

Theo "Linh Phong tự ký" của danh thần Đào Tấn, thì thiền sư viên tịch "trong thời loạn lạc" (ám chỉ thời Tây Sơn). Sau đó, các đồ chúng lập tháp thờ ở bên phải chùa vào năm Thái Đức (niên hiệu của Nguyễn Nhạc) thứ 8 (1785).
Đến năm Gia Long thứ 7 (1808), nghe lời Thánh mẫu là Hoàng hậu Hiếu Khương, nhà vua ban lệnh không cho ai được xâm phạm hay lấy các vật dụng ở chùa trong khi chờ đợi trùng tu. Tuy nhiên, mãi đến đời Minh Mạng, chùa Linh Phong mới được sửa sang lón.
Sử nhà Nguyễn kể: "một hôm nhà vua bị bệnh, vừa chợp mắt thì mộng thấy một vị sư già mặc áo vỏ cây đứng bên giường hầu quạt, đến sáng thì khỏi bệnh. Khi ngự triều, nhà vua đem chuyện ấy hỏi các quan, có người tâu rằng vị sư già đó có lẽ là Linh Phong thiền sư ở chùa Linh Phong ngày xưa". Vì vậy, năm 1826, nhà vua ban cho chùa này một chiếc áo cà sa mới may để thờ, đồng thời cho lấy 120 lượng bạc ở trong kho để trùng tu lại chùa [2].

Đến năm 1884-1885, dưới triều Kiến Phúc và Hàm Nghi, đại thần Đào Tấn "bỏ quan về Nam, ẩn giấu tích ở chùa Linh Phong để lánh loạn".
Năm 1895, Đào Tấn được bổ làm Thượng thư bộ Công. vì muốn sửa sang ngôi cổ tự, nên ông đem việc ấy tâu lên Tây cung (chỉ mẹ vua Thành Thái). Nghe lời mẹ, vua Thành Thái bèn giao cho tỉnh thần 70 lạng bạc lo việc trùng tu chùa, đồng thời sai hiểu dụ dân trong tỉnh quyên góp thêm, đến tháng 8 (âm lịch) năm Đinh Dậu (1897) thì hoàn tất, và quang cảnh chùa lúc bấy giờ rất đẹp. Năm Thành Thái thứ 15 (1903), Đào Tấn viết "Linh Phong tự ký" nhằm ghi lại "chút chuyện về chùa Linh Phong để khỏi mất mát".

Sau đó trải qua thời gian và chiến tranh, ngôi cổ tự trên chỉ còn lại cổng tam quan ở mặt đông và một bửu tháp. Năm 2004, một ngôi chùa mới đã dựng trên vị trí của chùa Linh Phong ngày xưa.

III. Thông tin liên quan:
Năm Quý Sửu (1733), khi chùa Linh Phong được dựng kiên cố lần đầu, chúa Nguyễn Phúc Chú có ban cho ban chùa một tấm hoành và hai tấm liễn đối. Tấm hoành trên có khắc bốn chữ "Linh Phong Thiền Tự", phía trái khắc chữ "Vĩnh Khánh, tháng Giêng năm Quí Sửu", phía mặt có khắc chữ "Quốc Chủ ngự đề".
Trên hai tấm liễn có khắc câu đối như sau:
Hải ngạn khởi lương nhân, pháp vũ phổ thiên tư Phật thổ;
Linh Phong ngưng thoại khí, tường vân biến địa ấm nhân gian.
Nghĩa là:
Bờ biển gặp duyên may, mưa pháp khắp trời thấm nhuần đất Phật;Núi Linh đọng khí tốt, mây lành khắp chốn che chở người đời.
Ngoài những câu hát về chùa Ông Núi (tức chùa Linh Phong) còn lưu truyền trong dân gian, còn có một số thơ viết về ngôi cổ tự này, trong số đó có thơ của Phan Thanh Giản, Đào Tấn [9], Võ Kiêm, Quách Tấn...Giới thiệu hai đoạn hát dân gian:

Cây che đá chất chập chồng,
Biển giăng dưới núi chùa lồng trong mây.
Bụi đời không bợn mảy may,
Chút thân rộng tháng dài ngày thảnh thơi.
Và:
Ông Núi đi đâu
Bỏ bầu sơn thủy
Đủ nhân đủ trí
Thêm vỹ thêm kỳ...
Chùa xưa nhạt bóng tà huy,
Xui lòng non nước nặng vì nước non..

Bùi Thụy Đào Nguyên, giới thiệu.
Chú thích:
[1] Những chữ nghiêng trong ngoặc kép là trích trong "Linh Phong tự ký" của Đào Tấn.
[2] Theo “Chính biên”, tr. 992-993.

Sách tham khảo:
-Quốc sử quán triều Nguyễn (Cao Xuân Dục làm Tổng tài), Đại Nam chính biên liệt truyện (bản dịch, trong bài gọi tắt là "Chính biên"). Nhà xuất bản Văn học, 2004.
-Đào Tấn, "Linh Phong tự ký" (viết năm 1903) in trong Lịch sử Phật giáo Đàng Trong của Nguyễn Hiền Đức. Nhà xuất bản Thành phố Hồ Chí Minh, 1995, tr. 111-115.
-Thích Thanh Từ, Thiền sư Việt Nam. Thành hội Phật giáo Thành phố Hồ Chí Minh ấn hành, 1992.
-Quách Tấn, Bước lãng du. Nhà xuất bản Trẻ, 1996.






Thứ Bảy, 13 tháng 8, 2011

Danh thần nhà Nguyễn: Trương Quốc Dụng

Trương Quốc Dụng (1797-1864), khi trước tên là Khánh, tự: Dĩ Hành; là danh thần, là nhà văn, và là người có công chấn hưng lịch pháp Việt Nam thời Nguyễn.

I. Thân thế và sự nghiệp:
Trương Quốc Dụng sinh ngày 5 tháng Chạp năm Đinh Tỵ (1797) tại làng Phong Phú; nay là xã Thạch Khê, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh.
Tổ tiên ông từ Thăng Long (Hà Nội) vào định cư ở đất Phong Phú từ năm 1549, có nhiều người làm quan lại. Cố nội ông là Trương Quốc Nghìn làm Chánh bảo vệ kinh thành Thăng Long thời Hậu Lê. Ông nội ông là Trương Quốc Kỳ, đỗ đầu Hương cống (khoa thi 1753), là thầy dạy Thái tử Lê Duy Vĩ. Cha ông là Tú tài Trương Quốc Bảo, một thầy giáo nổi tiếng hay chữ, được phong hàm Trung thuận đại phu). Mẹ ông là bà Trần Thị Cường.
Thuở nhỏ, Trương Quốc Dụng nổi tiếng thông minh, chăm chỉ, ham mê sách vở và có tài văn chương. Dưới triều Minh Mạng, năm 1821, ông thi đỗ Tú tài. Năm 1825, ông thi đỗ Cử nhân, và đỗ Tiến sĩ khoa Kỷ Sửu (1829).

Ban đầu (1830), ông được bổ làm Tri phủ phủ Tân Bình (Gia Định), sau đổi về kinh (Huế) làm Biên tu ở viện Hàn lâm, dần thăng đến Hình bộ lang trung. Vì phạm lỗi, bị bãi quan, sau cho theo bộ Lại để lấy công chuộc tội.

Năm 1833, ông được khởi phục chức Tư vụ để vào quân thứ ở Phiên An (Gia Định). Ở đây, ông theo Tham tán đại thần Trương Minh Giảng tham gia việc đánh dẹp cuộc nổi dậy của Lê Văn Khôi, và đánh đuổi quân Xiêm La vào năm 1833-1834. Khi việc yên, ông được cất lên làm Chủ sự, rồi lần lượt trải các chức: Viên ngoại lang bộ Hộ, Án sát sứ Quảng Ngãi và Hưng Yên.

Năm đầu Thiệu Trị (1841), ông về làm quyền biện công việc bộ Lễ, sau thăng chức Tả thị lang, lần lượt trải thêm ba bộ là bộ Lại, bộ Hình và bộ Công. Năm 1846, thăng ông làm Thự Tả Tham tri bộ Công.

Tự Đức năm đầu (1848), Trương Quốc Dụng dâng sớ trình bày 4 việc, được vua khen và cho thi hành. Đó là: "dè dặt tài dụng, thương xót việc hình ngục, tinh giảm sự tiêu phí vô ích, và sửa đổi thói tật của sĩ phu" [1].

Biết tài, nhà vua sung ông làm Kinh duyên giảng quan, kiêm coi Khâm thiên giám và giữ ấn triện Đô sát. Sau ông thăng làm Thượng thư bộ Hình, sung Quốc sử quán Tổng tài [2]. Theo sử liệu thì ông cũng từng được cử đi chấm thi ở các trường thi Hương, thi Hội nơi đất Bắc.

Tháng 5 (âm lịch) năm 1862, quân Tạ Văn Phụng vây hãm thành tỉnh Hải Dương. Nghe theo lời đình thần đề cử, nhà vua sung Trương Quốc Dụng (khi ấy đang chức Thượng thư bộ Hộ) làm Hải Yên Thống đốc quân thứ.
Từ Hưng Yên, Trương Quốc Dụng cùng với Đào Trí và Phạm Tam Tỉnh dẫn quân đi đánh, lấy lại được phủ Bình Giang, rồi thành tỉnh Hải Dương. Nhưng sau khi ông theo cửa tây vào thành, thì bị quân đối phương vây lại. Từ trong thành, ông bày kế cho quân ra đánh, phá vỡ được. Sau trận, ông được thăng làm Hiệp tá, Đào Trí được thăng làm Thống chế.

Năm 1863, thăng ông làm Hiệp biện đại học sĩ, nhưng vẫn làm Thống đốc quân vụ như cũ.
Tháng 6 (âm lịch) năm 1864, đạo quân thứ Hải Yên đánh nhau với quân Tạ Văn Phụng ở Quảng Yên. Quan quân nhà Nguyễn thất thế, bị quân thủy bộ của đối phương vây kín. Trương Quốc Dụng (khi ấy đang chức Hiệp thống), Tán lý Văn Đức Khuê, Tán tương Trần Huy San đều chết trận. Chưởng vệ Hồ Thiện bị bắt sống không chịu khuất mà chết, còn biền binh thì bị thương và chết rất nhiều.

Thương tiếc, vua Tự Đức sai người đưa quan tài về táng ở quê (làng Phong Phú), đồng thời sai quan đến tế.

Năm 1865, bàn định công tội, nhà vua phán rằng: "Trận đánh tại La Khê (nay thuộc xã Tiền An, huyện Yên Hưng, tỉnh Quảng Ninh)...Trương Quốc Dụng suy tính thất cách, tội ấy cố nhiên khó chối từ được, nhưng trẫm nghĩ Quốc Dụng là người giúp việc cũ…bị dao ngăn đạn lạc đến nỗi bỏ mạng nơi chiến trường, rất đáng tiếc. Chuẩn cho truy tặng (ông) hàm Đông các Đại học sĩ". Đến năm 1880, Trương Quốc Dụng được thờ ở đền Trung Nghĩa (Huế).

Con ông là Trương Quốc Quán, đỗ Cử nhân, sau mộ quân nghĩa dũng đi theo quân thứ của cha (khi cha ông được cử làm Hải Yên Thống đốc quân thứ), được đặc cách làm Chủ sự.

Tác phẩm của Trương Quốc Dụng có:
•Trương Nhu Trung thi tập (Tập thơ Trương Nhu Trung) bằng chữ Hán.
•Thoái thực ký văn (Ghi chép những điều nghe được lúc lui về dùng cơm) viết bằng chữ Hán, gồm 8 quyển. Đây là một công trình tổng hợp nửa khảo cứu, nửa bút ký, ghi sơ sài nhiều việc, được xếp theo các thể loại sau:
- 1/ Phong vực: nói về sự thay đổi của sông núi, đường sá từ thời Hùng Vương đến thời Minh Mạng. Có phụ chép về Cao Miên, Tiêm La và Miến Điện...- 2 và 3/ Chế độ: nói về tước cấp, bổng lộc, khoa cử (văn võ), quân chế, thuế lệ, tiền văn, quân cấp công điền...từ thời Lý đến thời Minh Mạng.- 4/ Nhân phẩm: nói về học hành và các nhân vật lịch sử từ thời Trần đến thời Minh Mạng.
- 5/ Cổ tích (có phụ phần sơn xuyên): Phần nhiều nói về các đình chùa, miếu mạo, thành trì,...ở miền Trung và và miền Bắc Việt Nam. Về Lam Thành sơn (thuộc Nghệ An) có nói đến chuyện đồng trụ (cột đồng Mã Viện). Về sông có nói thêm về các đê điều.
- 6/ Trưng ký (những điều lạ): ghi các chuyện thần thoại có liên quan đến các nhân vật lịch sử Việt Nam.
- 7/ Tạp sự (chuyện vặt): ghi các chuyện vặt về thơ văn, thi cử, thành thánh, xử án,…
- 8/ Vật loại: nói về cây cối, thóc lúa, ngô khoai chim muông,...và các loại khác như hoa, gỗ, tre, chè,...

Ngoài ra, ông còn biên tập sách "Chiếu biểu luận thức" (Bàn về cách thức của chiếu, biểu) và tham gia duyệt sách "Khâm định Việt sử Thông giám cương mục" (Kính vâng san định sử Việt đại cương và chi tiết làm tấm gương soi suốt cổ kim). Nhân việc này, ông có làm bài "Khâm định vịnh sử phú" (Phú vâng mệnh vua vịnh sử).

Giới thiệu một bài hát nói của ông:
Nước trời một vẻ
Thu thuỷ cộng trường thiên nhất sắc [4]
Vẻ thu thiên rất mực phong quang
Trăng trăng bạc, gió gió vàng
Giục lòng khách tha hương tình khiển hứng
Chén rượu hoàng hoa cơn chuếnh choáng
Câu thơ "Bạch tuyết" lúc ngâm nga [5]
Bạn cùng người tuyết, nguyệt, phong, hoa
Lấy thi tửu, cầm ca làm thích chí
Có lưu lạc mới trải mùi thế vị
Lúc phong lưu càng lắm vẻ xuân tình
Tỉnh ra rồi mới giật mình.

II. Ghi nhận công lao:
Sử nhà Nguyễn là Đại Nam chính biên liệt truyện, có đoạn chép về Trương Quốc Dụng như sau:
"Quốc Dụng là người trầm tĩnh, dẫu làm quan (song) chưa từng rời quyển sách, mọi người đều suy tôn là học rộng…Tương truyền là nhà làm lịch bị thất truyền, (khi) Quốc Dụng làm quản lĩnh Khâm thiên giám, hàng ngày truyền dạy cho, đến nay mới nối được nghề học ấy. Quốc Dụng ngày thường có kiến văn được điều gì đều ghi chép cả, có tập “Thoái thực ký văn lục” truyền lại ở đời" [3].
Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân trong sách Đại học sĩ Trương Quốc Dụng cũng đã viết rằng:
"Trương Quốc Dụng là một nhà thiên văn học, một người thầy đào tạo ra những nhà thiên văn học cho xứ sở nữa đầu thế kỷ XIX. Với tư cách là một nhà thiên văn học có công truyền dạy, chấn hưng khoa làm lịch Việt Nam thời Nguyễn. Tên ông Trương Quốc Dụng còn đáng được ghi vào danh sách các nhà thiên văn học Việt Nam. Và cũng có thể tôn vinh ông là một trong các vị hậu tổ của khoa làm lịch Việt Nam .
Ngoài ra, ông còn được người đời đánh giá là "vị quan có tài cao, đức trọng, học rộng, biết nhiều, công chính thanh liêm, tính tình ngay thẳng, không ưa nịnh bợ, chạy chọt".

Để tướng nhớ công lao của Trương Quốc Dụng, Văn Đức Giai và các liệt sĩ đã hy sinh tại trận La Khê (1864), năm 1877, dân làng La Khê đã lập đền thờ các ông. Trong đền có bức hoành phi "Công nhược Thái Sơn" (công lao như núi Thái Sơn) và nhiều đôi câu đối, trong đó có câu:
Hồng Lĩnh giáng thần, nho tướng khoa danh song tuyệt lĩnh;
Tiên Thành hợp miếu, trung thần tâm sự các thiên thu.
Nghĩa là:
Hồng Lĩnh giáng thần, nho tướng khoa danh hai đỉnh vút;Tiên Thành hợp miếu, trung thần lòng sáng mãi nghìn thu..
Ngày 31 tháng 7 năm 2009, khu lăng mộ và đền thờ Trương Quốc Dụng ở xã Thạch Khê (Thạch Hà, Hà Tĩnh) đã được công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.

Bùi Thụy Đào Nguyên, soạn.
Chú thích:
[1] Theo Chính biên, tr. 634.
[2] Chép theo Chính biên (tr. 634). Từ điển văn học (bộ mới, tr.1863) và Từ điển bách khoa Việt Nam (mục: "Trương Quốc Dụng") đều ghi ông làm "Thượng thư bộ Hình kiêm Phó Tổng tài Quốc sử quán".
[3] Trích trong Chính biên, tr. 635.
[4] Dịch nghĩa: Nước thu với trời xanh một màu (thơ Vương Bột đời Đường)
[5] Bạch tuyết là tên một khúc hát cổ.
Sách tham khảo:
•Quốc sử quán triều Nguyễn (Cao Xuân Dục làm Tổng tài), Đại Nam chính biên liệt truyện (bản dịch, trong bài gọi tắt là Chính biên). Nhà xuất bản Văn học, 2004.
•Quốc sử quán triều Nguyễn (Cao Xuân Dục làm Tổng tài), Quốc triều chính biên toát yếu (bản dịch, trong bài gọi tắt là Toát yếu). Nhà xuất bản Văn học, 2002.
•Trần Văn Giáp, Tìm hiểu kho sách Hán Nôm, mục: " Thoái thực ký văn ". Nhà xuất bản Khoa học xã hội, 2003.
•Nguyễn Lộc, mục từ "Trương Quốc Dụng" trong Từ điển văn học (bộ mới). Nhà xuất bản Thế giới, 2004.
•Nguyễn Đắc Xuân, Đại học sĩ Trương Quốc Dụng Qua sử sách tư liệu xưa và nay. Nhà xuất bản Văn hóa Thông tin, 2006.




Chủ Nhật, 7 tháng 8, 2011

Quýt (thơ)

Quýt

Anh đi quýt vừa nhú lá
Đến nay trái đã bốn mùa.
Không biết xứ người xa lạ,
Anh còn nhớ đến vườn xưa.

Lắm lúc em nằm thao thức
Ôm con lòng nghĩ đến anh …
Ngắm trẻ giống cha như đúc,
Buồn cho phận hẫm riêng mình.

Buồn như mùng xanh ngày cưới
Vá đi, vá lại…mấy lần.
Có đêm cuộn tròn thay gối,
Mơ về ngày cũ bên anh.

Sáng nay quýt hồng chín rộ,
Tỏa bao hương trái thơm nồng.
Muốn hái làm quà…lại sợ,
Biết “người ấy” có vui không ?…

Bùi Thụy Đào Nguyên





Thứ Ba, 2 tháng 8, 2011

Dương Đức Nhan và Tinh tuyển chư gia luật thi

Dương Đức Nhan là người ở xã Hà Dương, huyện Vĩnh Lại, tỉnh Hải Dương (nay là xã Hà Dương, huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng).

Ông là học trò của Thám hoa Lương Nhữ Học. Năm Quý Mùi (1463) đời Lê Thánh Tông, Dương Đức Nhan thi đỗ Tiến sĩ, làm quan trải đến chức Hữu thị lang bộ Hình, tước Dương Xuyên hầu.

Tác phẩm duy nhất và nổi tiếng của ông còn để lại là bộ Tinh tuyển chư gia luật thi.
Tinh tuyển chư gia luật thi còn được gọi là: Thi gia tinh tuyển (theo Phan Phu Tiên và Phan Huy Chú), Tinh tuyển tập (theo Bùi Huy Bích), Tinh tuyển chư gia thi tập (theo cuối bản A. 2657) và Cổ kim chư gia tinh tuyển (theo nghiên cứu của Trần Văn Giáp).

Theo GS. Nguyễn Huệ Chi, thì bộ sách này có lẽ được Dương Đức Nhan biên soạn khi chưa đỗ Tiến sĩ, tức trước năm 1463. Và theo Lê Quý Đôn, thì bộ sách này gồm 15 quyển, nhưng theo Phan Huy Chú thì nó chỉ "có 5 quyển, chép từ Trần Nguyên Đán, Nguyễn Trung Ngạn trở xuống, (gồm) 13 thi gia, tất cả 472 bài".

Tuy nhiên, hai bản sách hiện còn lưu giữ ở Thư viện Khoa học xã hội (Hà Nội) đều không được đầy đủ như lời Phan Huy Chú đã ghi. Liệt kê ra như sau:

1. Bản A.574 là sách chép tay, gồm 163 tờ (khổ 30cm x 20 cm) có tên là Tinh tuyển chư gia luật thi, không có tựa, bạt và chú dẫn. Tờ thứ nhất có đề là: "Hồng Châu Lương Như Hộc Tường Phủ phê điểm; môn nhân Dương Đức Nhan biên tập" (Lương Như Hộc phê bình và chấm câu; học trò ông là Dương Đức Nhan biên tập).
Mục lục như sau:

Quyển Số tờ Triều đại Tên thi gia Số bài thơ
I 1-13 Nhà Trần Trần Nguyên Đán 44
13-25 - Nguyễn Trung Ngạn 42
25-30 - Phạm Sư Mạnh 24
31-34 - Phạm Nhân Khanh 13
35-50 - Nguyễn Phi Khanh 15
50-64 - Phạm Nhữ Dực 63
64-66 - Lê Cảnh Tuân 9

II 1-13 Nhà Lê Lê Trãi (Nguyễn Trãi) 54
13-20 - Lý Tử Tấn 35
21-33 - Nguyễn Mộng Tuân 54
33-35 - Vũ Mộng Nguyên 9
Cộng 11 tác gia 362 bài

Từ tờ 35 của quyển II đến tờ 97 là phần phụ lục, đề là Phụ Lục Dụ Trai tiên sinh thi tập. Chưa rõ Dụ Trai là ai, nhưng theo theo Trần Văn Giáp thì đây là một tập thơ có vào đời Tự Đức.

2. Bản A.2657 là sách in ván gỗ, ở đầu sách ghi là Tinh tuyển chư gia luật thi, nhưng ở cuối sách lại ghi là Tinh tuyển chư gia thi tập [3], nhưng hiện chỉ còn 2 quyển là quyển 4 và quyển 5, gồm 71 tờ. Mục lục như sau:

Quyển Số tờ Triều đại Tên thi gia Số bài thơ
IV 2-18 Nhà Hậu Lê Lê Trãi (Nguyễn Trãi) 52
18-31 - Lý Tử Tấn 40
V 31-32 - Nguyễn Mộng Tuân 99
31-34 - Vũ Mộng Nguyên 28
Cộng 4 tác gia 219

So sánh quyển 4 và quyển 5 của hai bản, thì thấy bản A.2657 hơn bản A.574 là 67 bài thơ.

Tinh tuyển chư gia luật thi không phải là một tuyển tập thơ toàn bích về từng triều đại hay về cả một thời đại. Hình như đây chỉ là một tuyển tập "bổ sung những bài còn thiếu" (lời Lê Quý Đôn). Tuy bài tựa ở đầu bộ sách do chính Hoàng Đức Lương viết nay đã mất, nhưng Lê Quý Đôn còn ghi được một đoạn trong Toàn Việt thi lục, thì thấy đó là một lời thanh minh, than thở của người soạn sách về sự bất lực của mình trong việc sưu tầm, và tình cảm dân tộc thật rõ nét sau những lời cảm thán này.

Bùi Thụy Đào Nguyên giới thiệu.

Sách tham khảo:
-Phan Huy Chú, Lịch triều hiến chương loại chí (Tập 3, phần "Văn tịch chí"). Nhà xuất bản Khoa học xã hội, 1992.
-Trần Văn Giáp, Tìm hiểu kho sách Hán Nôm. Nhà xuất bản Khoa học xã hội, 2003.
-Nguyễn Huệ Chi, mục từ: "Tinh tuyển chư gia luật thi" trong Từ điển văn học (bộ mới). Nhà xuất bản Thế giới, 2004.
-Nguyễn Q. Thắng-Nguyễn Bá Thế, Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam (mục từ "Dương Đức Nhan"). Nhà xuất bản khoa học xã hội, 1992.