Hình ảnh

Hình ảnh

Thứ Sáu, 24 tháng 6, 2011

Mả Ngụy ở đâu?


Bản đồ mô tả vị trí Mả Ngụy

Mả Ngụy hay Mả Biền Tru [1] là một mồ chôn tập thể những người tham gia hoặc liên quan cuộc nổi dậy Lê Văn Khôi (1833-1835) ở thành Phiên An (còn gọi là thành Gia Định, thành Sài Gòn).

Cuộc khởi nghĩa ban đầu thành công, quân nổi dậy đã chiếm được thành Phiên An và các tỉnh Nam Kỳ. Song đến ngày 16 tháng 7 năm Ất Mùi (tức 8 tháng 9 năm 1835), khi quân triều đình chia làm 8 mũi, tấn công ồ ạt vào thành, quân nổi dậy chống cự không nổi, bị thua trận. Quân nổi dậy và dân chúng (gồm già trẻ, trai gái) ở trong và bên ngoài thành vài dặm, cả thảy 1.831 người đều bị giết chết và chôn chung một chỗ, và gọi là Mả Ngụy hay Mả Biền Tru [2].

Sách Đại Nam chính biên liệt truyện (mục Lê Văn Khôi), chép:...Bè đảng a dua, không cứ già trẻ trai gái, ở trong và ở vài dặm ngoài thành (đều) chém ngay, rồi đào một hố to vất thây lấp đất, chồng đá làm gò dựng bia khắc đây là “nơi bọn nghịch tặc bị giết, để tỏ quốc pháp” [3].

Vị trí ngôi mộ chung đó, theo nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu, nằm ở gần Mô Súng, tức khoảng gần Ngã Sáu (Công trường Dân Chủ), thuộc Thành phố Hồ Chí Minh [4].

Tác giả Nguyễn Thanh còn cho biết thêm rằng, khu vực này khi xưa là một cánh đồng rộng lớn, hoang vu với nhiều lùm cây cỏ um tùm, mang tên là Đồng Tập Trận hay còn gọi là Mô Súng [5]; và vị trí ngôi mộ chung ở khoảng gần bệnh viện Bình Dân trên đường Điện Biên Phủ ngày nay [6].

Cũng trên cánh đồng này, khi xưa vào ngày mồng 6 tháng Giêng hàng năm, Tổng trấn Gia Định đều cho cử hành lễ “xuất binh” tại đây. Và cũng chính nơi đây, Phan Xích Long và 56 đồng đội đã bị quân Pháp xử bắn, sau khi cuộc khởi nghĩa nổ ra tại Sài Gòn vào tháng 2 năm 1916 thất bại [7].
Bùi Thụy Đào Nguyên, tổng hợp tài liệu.

Chú thích:
[1] Ngụy ở đây có nghĩa là giặc, là (quân) làm loạn. Biền tru là tru diệt ngay, không cần xét xử.
[2] Con số biên theo Quốc triều chính biên toát yếu do Quốc sử quán triều Nguyễn tổ chức biên soạn (NXB Văn học, 2002, tr. 252). Có nguồn chép hơi khác.
[3] Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam chính biên liệt truyện, NXB Văn học, 2004, tr. 1038-1039.
[4] Nguyễn Đình Đầu, "Địa lý lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh" in trong Địa chí văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh (Tập 1, phần lịch sử), tr. 211.
[5] Gọi là Đồng Tập Trận vì đây là nơi dùng để thao dượt binh sĩ (tập trận), gọi là Mô Súng vì ở đây có mô đất cao đặt súng lớn. Trong bài "Cổ Gia Định phong cảnh vịnh", có câu: Đồng Tập Trận rộng cả ngàn, coi xấp xỉ bằng Thái nguyên dã / Mô Súng đắp cao trật gót, nhắm sâm si dường vọng vân đài.
[6] [6] Theo chú thích trong ''Sài Gòn năm xưa'' của Vương Hồng Sển, thì Mả Ngụy cũng ở khoảng bệnh viện Bình Dân (thuộc quận 3), và nó nằm phía tay mặt đường Điện Biên Phủ (thuộc quận 10) tức bên đối diện với bệnh viện (NXB. TPHCM, 1991, tr. 154).(NXB. TPHCM, 1991, tr. 154).
[7] Nguyễn Thanh, Thành phố bất khuất. Nhà xuất bản TP. HCM, 1984, tr. 43.

Thứ Tư, 22 tháng 6, 2011

Danh tướng triều Nguyễn: Ông Ích Khiêm


Mộ Ông Ích Khiêm

Ông Ích Khiêm (翁益謙, 1831-1884 [1]) tự Mục Chi, là danh tướng nhà Nguyễn trong lịch sử Việt Nam.

Ông sinh ngày 21 tháng 12 năm Mậu Tý (tức 25 tháng 1 năm 1829) tại làng Phong Lệ, tổng Thanh Quýt, phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam (nay là khu vực Phong Lệ Bắc, phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng).

Tổ tiên Ông Ích Khiêm [2] vốn là người dân tộc miền núi xuống định cư làm ruộng ở miền xuôi. Cha ông là Ông Văn Điều và mẹ là Võ Thị Cốt. Sinh ra trong một gia đình nông dân đông con, gồm 8 trai 5 gái, ông Khiêm là người con thứ tư sau ba chị gái, nhưng lại là người con trai đầu.

Thuở nhỏ, ông vừa chăn trâu cắt cỏ, vừa theo học với người chú là Ông Văn Trị. Ông thông minh, chăm học nhưng cũng rất nghịch ngợm. Khi lớn lên, ngoài tài gồm văn võ, ông còn nổi tiếng là người chính trực, là một vị tướng khẳng khái, mưu lược và biết thương yêu quân sĩ.

Thăng trầm nghiệp quan
Năm Thiệu Trị thứ 7 (Đinh Mùi, 1847), ông đỗ cử nhân tại trường Hương Bình Định, nhờ sự sáng suốt của quan chủ khảo Vũ Duy Thanh (1807-1859). Ông Thanh đã quyết cho đỗ với lời phê rằng: “Bài này tuy lời văn không được chải chuốt, chữ viết xấu nhưng ý tứ dồi dào. Qua bài này, ta thấy thí sinh phải là người có lòng yêu dân thương nước cao, có chí ngang tàng, có lòng cương trực thì mới viết được như thế” [3]
Sử nhà Nguyễn là "Đại Nam chính biên liệt truyện " chép:
"Ông Ích Khiêm đỗ hương tiến (tức cử nhân) mới 15 tuổi. Vua Thiệu Trị cho mời vào điện cho thử lại bằng bài thơ lấy đầu đề là “Thiếu niên đăng cao khoa” (Tuổi trẻ đỗ cao). Bài làm của ông được vua ban khen (tr. 812).

Đỗ cử nhân, ông được bổ làm Tri huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương.

Năm Tự Đức thứ 15 (1862), vì can việc thu chi tiền tu tạo huyện lỵ nên bị cách chức. Gặp lúc quân Tạ Văn Phụng ở Hải An kéo đi đánh phá, ông xin mộ binh đi theo quân thứ lập công chuộc tội, được khởi phục lại hàm Tri huyện, sung Vệ hiệp quản Chiến sĩ. Có công, ông được thăng làm Tri phủ sung Đốc binh.

Tháng 5 (âm lịch) năm 1865, quân Tạ Văn Phụng kéo đến đánh phá các đồn ở Quỳnh Lâu, An Trì thuộc tỉnh Quảng Yên; Ông Ích Khiêm mang quân phá được, lại cùng với Phó Vệ úy Phan Đình Thỏa mang quân thu phục được thành phủ Hải Ninh, nên được thăng Thị độc sung Tán tương. Đến khi quan quân khải hoàn, ông được cất lên chức Hồng lô tự khanh Biện lý bộ Lễ.

Tháng 6 (âm lịch) năm 1867, xét công, vua Tự Ðức thăng ông làm Thị lang bộ Binh. Sang tháng sau, gặp lúc tên phạm trốn bên đất nhà Thanh (Trung Quốc) là Vi Tái Thọ tụ đảng ở Bắc Ninh, nhà vua bèn sung ông làm Bắc Ninh Tiễu phủ sứ để đi đánh dẹp (nên ông còn được gọi là Tiễu Phong Lệ hay quan Tiễu).

Việc xong, nhưng ít lâu sau (1868), Ngô Côn (là dư đảng của Hồng Tú Toàn) kéo quân đến đánh chiếm thành tỉnh Cao Bằng. Triều đình sai Tổng đốc Ninh Thái là Phạm Chi Hương viết thư cầu cứu nhà Thanh. Vua nhà Thanh bèn sai Phó tuớng Tạ Kế Quý, đem quân sang giúp. Nhân đó Ông Ích Khiêm được đổi sang làm Tán lý quân thứ Lạng Bình, để cùng với Đề đốc Nguyễn Viết Thành và Phó tuớng Tạ Kế Quý mang lực lượng đi đánh phá quân của Ngô Côn ở Thất Khê (Lạng Sơn). Lập công, ông được thưởng. Sau vì để quân đi đốt nhà cướp của, bị khép vào tội đồ, nhưng cho lấy công chuộc tội.

Năm 1869, Ngô Côn xua quân đi vây đánh thành tỉnh Bắc Ninh. Hay tin, từ huyện Kim Anh (nay là một phần huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội), Ông Ích Khiêm đem binh voi đến chống trả. Ngô Côn bị trúng đạn lạc, tử trận [4], thành được giải vây, ông được khởi phục hàm Bố chính sung Tán lý. Sau đó, ông mang quân đi truy đuổi tàn quân của Ngô Côn, thắng thêm mấy trận nữa.

Năm 1870, Ông Ích Khiêm cùng Tham tán Lê Bá Thận phá tan quân của Hoàng Vân ở rừng Lục Ngạn, được thăng Tham tri bộ Binh, đổi sang làm Tán lý Lạng Bình, ít lâu sau thăng lên Tham tán. Bấy giờ quân Tô Tứ (sử Nguyễn gọi là “giặc Khách” hay phỉ”) nửa đêm đến chiếm cứ thành tỉnh Lạng Sơn. Khâm sai Võ Trọng Bình chạy thoát, Trung quân Ðoàn Thọ bị giết chết. Nhận lệnh, Ông Ích Khiêm đem đại bác đến đánh vào cửa đông thành. Bị quân Tô Tứ bắn trả, ông bị thương ở chân, bèn cho quân rút về Hải Dương. Không làm tròn trách nhiệm, ông bị giáng xuống làm Quang Lộc tự khanh, song vẫn sung làm Tán lý.

Năm 1871, Ông Ích Khiêm ở quân thứ Đông Triều (Quảng Ninh) đánh thắng quân Tô Tứ được mấy trận. Mùa hè năm ấy, quân Tô Tứ đến đánh Sơn Tây, ông liền được thăng Thị lang gia hàm Tham Tri đổi làm Tham tán quân thứ Sơn Tây, để lo việc đánh dẹp.

Tháng 2 (âm lịch) năm 1872, ông cùng Tán tương Nguyễn Di phá tan sào huyệt của quân “phỉ” [5] ở Quán Tư, lấy lại huyện Trấn Yên (hay Trấn An, nay thuộc Yên Bái), được khen thưởng; nhưng ít lâu sau, đánh thua ở Đại Đồng, bị cách chức lưu dụng.

Năm 1873, quân “phỉ” đến vây hãm đồn Phong Đăng, Khâm mạng Nguyễn Tri Phương và Thống đốc Hoàng Tá Viêm muốn nhân cơ hội này đánh úp sào huyệt của họ ở Đại Đồng, nên cho đòi các đạo binh đến góp sức. Ông Ích Khiêm vốn bất hòa với Hoàng Tá Viêm, bèn lấy cớ “phỉ đông, đường hiểm, lại có bệnh” xin không tham gia. Nguyễn Tri Phương cho là ông không tuân tướng lệnh, giao ông cho quân thứ Tuyên Quang sai phái. Sau, vì có bệnh ông xin trở về quê.

Năm 1874, Tổng đốc mới Hải Dương là Phạm Phú Thứ (là người cùng huyện với ông), nhân về thăm quê có ghé thăm ông. Rồi nhờ lời tâu của ông Thứ, mà ông được bổ làm Tán tương quân thứ Bắc Ninh vào đầu năm 1875. Đến nơi, ông đánh quân “phỉ” ở Yên Định, bị tổn hại nhiều nên tự ý thu quân về. Tướng Tôn Thất Thuyết thấy vậy bèn sai quân bắt giam ông, cho áp giải về kinh chờ án. Nhân mắc bệnh “tâm hỏa”, ông được cho về nhà [6].

Tháng 3 (âm lịch) năm 1882, vua Tự Đức thấy Ông Ích Khiêm giỏi giang, bấy lâu vất vả, tuy rằng có “dõng mà không có lễ”[7], cho ông làm Hồng lô tự khanh làm Biện lý bộ Hộ, rồi cất làm Thị lang sung Tham lược kinh kỳ, coi đắp đồn Thái Dương và Lộ Châu. Ý muốn làm mau xong, ông có hành động quá nghiêm khắc với dân binh, bị vua khiển trách, giáng làm Chủ sự, cho dời đi phòng thủ ở đồn Hòa Quân, nhưng chưa bao lâu được phục hàm Thị giảng tham biện phòng vụ.

Tháng 6 (âm lịch) vua Tự Đức mất. Sau đó, Ông Ích Khiêm được giao trấn giữ cửa biển Thuận An để bảo vệ kinh thành Huế. Trước thế lực mạnh của quân Pháp, ông không thể làm tròn trách nhiệm, bị đổi sang làm Biện lý bộ Lễ. Cuối tháng 10 (âm lịch) năm ấy, Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết lại mưu việc phế lập, mới mật bảo Ông Ích Khiêm và Trương Đăng Thê mời vua Hiệp Hòa đến nha Hộ Thành, ép uống thuốc độc giết chết.

Đầu niên hiệu Kiến Phúc (1884), thăng ông làm Thị lang, tước Kiên Trung nam. Sau đó, ông dẫn quân đi tiễu trừ cuộc nổi dậy của dân thiểu số ở Trà My (Quảng Nam) [7].

Chết trong ngục
Dẹp yên xong, tháng 5 (âm lịch) năm 1884, Ông Ích Khiêm đem 50 lính đi thẳng về quê nhà (Quảng Nam). Bị Ngự sử Đào Hữu Ích đàn hặc là ”tự tiện bắt binh mã đi, giao thông với phủ đệ” [8] nên ông bị, ông bị cách chức đày đi an trí ở Bình Thuận.

Tháng 6 (âm lịch) năm ấy (1884), vua Kiến Phúc mất đột ngột. Theo Nguyễn Văn Xuân thì cái chết này khiến trong và ngoài triều hết sức xôn xao. Ở trong ngục Bình Thuận, Ích Khiêm hay tin, liền nhịn đói luôn bốn ngày, viết di chúc rồi uống thuốc độc mất. Trong di chúc có câu: “Vua (bị) nhục, thì thần phải chết...(Nay) ta lấy tháng 7 (âm lịch), ngày 19 làm ngày bài tử (ngày chết) vậy”. Năm ấy, ông 53 tuổi.

Năm 1885, vua Hàm Nghi truy phục cho ông hàm Thị độc.

Thơ Ông Ích Khiêm
Sinh thời, ông thích làm thơ, nhưng tác phẩm đã thất lạc gần hết. Sau đây là hai trong số bài thơ còn sót lại của ông.

Làm khi thấy quân Cờ đen cậy thế sách nhiễu dân:

Áo chúa cơm vua đã bấy lâu
Ðến khi có giặc phải thuê Tàu!
Từng phen võng giá mau chân nhẩy
Ðến buớc chông gai thấy mặt đâu
Tiền bạc quyên hoài dân xác mướp
Trâu de ngày hiến đứa răng bầu
Ai ôi hãy chống trời Nam lại
Kẻo nữa dân ta phải cạo đầu.

Làm khi bị an trí ở Bình Thuận:
Mình ốc mang rêu rửa sạch ai,
Rung cây nhát khỉ thói quen hoài.
Mèo quào phên đất chi khờn sức,
Sứa vượt qua đăng mới gọi tài.
Cậy mạnh chớ quen rờ dái ngựa,
Mình cao đừng ỷ đứng đầu voi.
Truông qua chứa khỏi đừng khinh khái (cọp)
Chim xổ lồng ra để đó coi![9]

Luận bàn
(Chỉ để tham khảo)

-Vua Tự Đức:
Ngươi (Ông Ích Khiêm) vốn là người học thức mà ra, phải cái tính khí cương cường nóng nảy, phàm việc không chịu ở sau người…Việc ngươi đánh dẹp bọn phỉ ở tỉnh Bắc, khí tiết, công lao, trẫm đều rõ hết…Thế mà gần đây được tin là ngươi đến đâu phần nhiều dung túng cho quân sĩ làm càn. Nếu quả thực như vậy thời dân còn trông mong gì nữa!...Nếu ngươi còn hối cải để khỏi phụ cái ơn tri ngộ, thì là điều mà trẫm rất mong mỏi. Bằng cứ còn võ biền, quên lời ân cần dạy bảo, thời trẫm phó mặc ngươi cho công luân triều đình, dù ngươi có tài cũng không tha luôn mãi được...[10]

-Phụ chính Nguyễn Văn Tường:
Ông Ích Khiêm, khí chất hung hãn, hơn mười năm nay từng trải trăm trận, tuy trong khoảng đó có lúc cậy công nhưng gặp lúc hiểm nghèo đã vâng mệnh, lâm cơ ứng biến, binh lính đều chịu sai phái, kẻ địch cũng sợ hãi cho nên các bầy tôi ở quân thứ hiện nay không ai vượt qua. Nếu gặp được vị thống soái tài hiểu biết, có uy vọng hơn hẳn thì có thể làm cho ông ta kính sợ, mới có thể từ bỏ hết lỗi lầm mà tỏ rõ công lao, đó cũng là vị lương tướng ngày nay vậy. Duy tài lộ ra ở khí, hàm dưỡng chưa sâu, mà kẻ đồng sự lại chưa có ai hơn mình, cho nên vì khinh nhờn mà sinh kiêu căng, vì cưỡng cường mà sinh ngỗ ngược, đến nỗi tự mắc vào lỗi lầm đáng tiếc...[11].

-Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân:
Sống bộc trực, ngang bướng như thế giữa cái hoàn cảnh hỗn loạn, tiêu cực cuối đời Tự Đức làm sao Ông Ích Khiêm có thể tránh được cái hậu quả tất yếu là bị dồn vào cõi chết ở Bình Thuận...[12]

-GS. Nguyễn Khắc Thuần:
Ông Ích Khiêm là bậc lừng danh văn võ song toàn, công minh chính trị, không kiêng sợ bất cứ một ai...Ông xứng đáng là một trong những biểu tượng của lòng cương trực và của khí phách ngoan cường [13].

Tuy nhiên, nhà văn Phan Khôi lại cho rằng:

Ông Ích Khiêm vốn là tay có tài, nhưng có tánh kiêu ngạo, khinh đời, vô lễ, hay làm những sự bướng bỉnh, thì đã đành rồi. Nói đến cái tâm địa và cái khí tiết của ông, thì cũng lại là không ra chi...Nguyên ông Khiêm từ khi ở Bắc Kỳ về, sau lúc vua Dực Tôn (Tự Đức) băng rồi thì ổng theo phe với ông Tường ông Thuyết mà gây ra những việc loạn trào. Chính mình ông Khiêm đã vâng mạng Tường, Thuyết mà giết vua Hiệp Hòa, chớ ai?
Ông Khiêm hồi đầu theo Tường-Thuyết, song sau lại bị Tường-Thuyết xiềng mà đày đi, điều ấy không lấy gì làm lạ. Bởi vì, Tường-Thuyết thấy Khiêm làm được việc thí quân mà không gớm tay, sợ để rồi có ngày lại quay mà cắn lại mình, cho nên sau khi xong việc vua Hiệp Hòa rồi, Tường-Thuyết phải trừ ông Khiêm...Bấy giờ lại có câu phong dao nầy tưởng là phê bình đúng lắm: Nước Nam có bốn anh hùng/ Tường gian, Viêm láo, Khiêm khùng, Thuyết ngu![14].

Mộ phần và con cháu
Ông Ích Khiêm mất, con trai ông là Ông Ích Thiện đã đưa cha về mai táng ở làng Phong Lệ. Đến năm Bảo Đại thứ 13 (1938) thi hài ông được cải táng về Gò Mô (Đà Nẵng). Ngôi mộ ông được xây theo hình bát giác, phía trước có nhà bia, bên trong đặt một tấm bia bằng đá cẩm thạch, cao 0,83m, rộng 0,54m được trang trí hình rồng, phụng và hoa lá.

Lăng mộ Ông Ích Khiêm được Bộ Văn hóa-Thông tin công nhận là di tích cấp quốc gia vào ngày 12 tháng 7 năm 2001.

Các con ông là Ông Ích Hoắc, Ông Tán Nhì đều là nghĩa quân kháng Pháp dưới sự lãnh đạo Nguyễn Duy Hiệu. Cháu ông là Ông Ích Đường (1884-1908) cũng là một liệt sĩ chống Pháp thời cận đại.


Bùi Thụy Đào Nguyên, giới thiệu.
Chú thích:
[1] Chép theo Nguyễn Khắc Thuần (Lần giở trước đèn, Nxb Thanh niên, 2003, tr. 228) và Từ điển nhân vật lịch Việt Nam (tr. 724) . Có nguồn ghi sinh năm 1829. Gia phả biên ông mất ngày 19 tháng 7 năm Quý Mùi (tức 21 tháng 8 năm 1883) Ông Ích Khiêm là sai vì tháng 11 năm đó, ông vẫn còn sống để nhận lệnh giết vua Hiệp Hòa. Biên ông mất 1884 là phù hợp với Đại Nam chính biên liệt truyện và Nguyễn Văn Xuân (Sự kiện Ông Ích Khiêm tự sát ở Bình Thuận, tr. 93).
[2] Tổ tiên nhiều đời mang họ Ông (螉). Sau này, vua Tự Đức cho bỏ chữ trùng (虫) một bên, thành chữ Ông (翁), từ đó có dòng họ Ông Ích tại Quảng Nam.
[3] Theo Thái Vũ, Chuyện hay nhớ mãi, Nxb Thuận Hóa, 1987, tr. 189-193.
[4] Chép theo Liệt truyện (tr. 814). Theo Việt Nam sử lược (tr. 507), đến cuối năm Canh Ngọ (1870), Ông Ích Khiêm mới giết được Ngô Côn.
[5] Liệt truyện chép không rõ ràng, nên chưa biết quân của phe phái nào. Tra trong Việt Nam sử lược (tr. 508) thì thấy tình hình ở Bắc Kỳ lúc bấy giờ rất rối ren. Ở Quảng Yên có quân Hoàng Tề nổi lên, thông đồng với Tô Tứ và quân Tàu Ô ở ngoài bể; ở mạn thượng du thì có quân Cờ đen của Lưu Vĩnh Phúc và quân Cờ vàng của Hoàng Sùng Anh luôn quấy nhiễu.
[6] Theo Liệt truyện (tr. 815), Toát yếu ghi là “bị chứng điên” (tr. 472).
[7] Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Xuân (người cùng quê với Ông Ích Khiêm), thì đây là ý đồ của ông Tường và ông Thuyết, vì thấy ông Khiêm được vua Kiến Phúc yêu mến, và cũng vì muốn loại ông ra khỏi hàng ngũ lãnh đạo ở Huế (tr. 91 và 94).
[8] Bị đàn hặc tội “giao thông với phủ đệ”, vì có nàng công chúa “xấu hoắc cứ bu riết lấy Ích Khiêm” (theo Nguyễn Văn Xuân, tr. 93). Cũng theo ông Xuân, thì đây lại là cái cớ để ông Tường và ông Thuyết loại trừ ông.
[9] Nguyễn Văn Xuân nói về bài thơ này như sau: "Bài thơ có đặc điểm là mỗi câu dùng dùng tên một con vật, và mỗi câu có dùng một thành ngữ hoặc tục ngữ. Hai câu thực và kết, tác giả có ý hăm dọa chính kẻ đày đọa mình, tức phe ông Tường và ông Thuyết".
[10] Trích dụ của Tự Đức, in toàn bài trong Liệt truyện, tr. 817-818.
[11]Trích Bắc Kỳ tấu nghị ngày 20 tháng 6 năm Tự Đức 26 (1873), in trong "Nguyễn Văn Tường, cuộc đời và lời giải", tr. 37.
[12]Hương Giang cố sự, Tủ sách Sông Hương, 1986, tr.31-33.
[13]Lần giở trước đèn, sách đã dẫn, tr. 228-229.
[14] Phan Khôi, “Cải chính một điều lầm lẫn trong bài Dật sự Ông Ích Khiêm”. Lý giải về hai câu trên, PGS. TS. Đỗ Bang có ý khác: Sau ngày kinh đô thất thủ, phe thân Pháp và tay sai nắm quyền, các vị này thất thế bị rơi vào thế đối lập chống lại triều đình...Danh dự của các ông bị bôi nhọ, xuyên tạc ngay tại Huế...Bia miệng độc ác và nghịch lý nhất là khi đem sự nghiệp của các ông ra làm điều giễu cợt. (Nguyễn Văn Tường, cuộc đời và lời giải, tr. 12).



Sách tham khảo chính:
-Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam chính biên liệt truyện (bản dịch, gọi tắt là Liệt truyện). Nhà xuất bản Văn học, 2004.
-Quốc sử quán triều Nguyễn, Quốc triều chính biên toát yếu (bản dịch, gọi tắt là Toát yếu). Nhà xuất bản Văn học, 2002.
-Trần Trọng Kim, Việt Nam sử lược. Nhà xuất bản Tân Việt, Sài Gòn, 1968.
-Nguyễn Q. Thắng-Nguyễn Bá Thế, Từ điển nhân vật lịch Việt Nam. Nhà xuất bản Khoa học xã hội, 1992.
-Nguyễn Văn Xuân, "Sự kiện Ông Ích Khiêm tự sát ở Bình Thuận" in trong Nguyễn Văn Xuân, một người Quảng Nam. Nhà xuất bản Thời đại, Hà Nội, 2010.
- Đỗ Bang (chủ biên), "Nguyễn Văn Tường, cuộc đời và lời giải. Nhà xuất bản Văn hóa Thông tin, 2007.

Thứ Hai, 20 tháng 6, 2011

Giới thiệu Toàn Việt thi lục

Toàn Việt thi lục (Sao lục toàn tập thơ Việt) [1] là bộ hợp tuyển thơ chữ Hán của Việt Nam do Lê Quý Đôn biên tập và hoàn thành năm 1768.

Theo Lịch triều hiến chương loại chí (Văn tịch chí) của Phan Huy Chú, sách gồm 20 quyển, do Lê Quý Đôn vâng chỉ biên tập, chép từ nhà Lý đến đời Hồng Đức (1470-1497, đời vua Lê Thánh Tông).

Bộ sách được khởi soạn và hoàn thành chỉ trong vòng một năm (1768), chưa được khắc in, các bản chép tay hiện còn không thống nhất. Theo GS. Trần Văn Giáp, ở Thư viện Khoa học xã hội (Hà Nội) hiện còn lưu giữ 8 bản sao chép tay, song bản mang ký hiệu A. 1262 "có lẽ là bản đầy đủ và đáng tin hơn cả".

Theo bản này, thì bộ sách hiện chỉ còn 15 quyển (thiếu 5 quyển sau cùng), đóng thành 5 tập, giấy bản cũ (22 x 13,5cm), viết chữ thảo lối cổ. Đầu quyển I có bài Lệ ngôn của tác giả thứ đến là Mục lục.

Trích một đoạn Lệ Ngôn của tác giả (Lê Quý Đôn) nói về nội dung và thể lệ làm sách:
...Thơ của nước ta, nào thơ của vua, các quan, các vị sư, các nho sĩ, không phải là ít và không hay...nhưng tán lạc mất nhiều. Nay tôi vâng mệnh chỉ biên tập lại thành sách, theo thứ tự thời đại, chia ra trước sau, tập hợp thành từng quyển. Trước hết là thơ của các vua quan triều Lý, Trần. Từ quyển thứ 5, thứ 6 thì chép thơ của các vua triều Lê, còn thơ của các quan triều Lê thì chép từ quyển thứ 7 trở xuống.
Phân loại các bài thơ thì theo lối "Toàn Đường thi" [3], xếp thành hai loại: cổ thể và cận thể. :Dưới tên các nhà thơ có ghi chép sơ lược lý lịch...nếu không rõ thì để khuyết lại. Lựa lọc thơ thì thu thập bất cứ của ai,...Nội dung thì bài nào có ý nghĩa, đúng thể tài thì lượm lấy, không câu nệ ở từng câu từng chữ...Các câu thơ của các vị sư, tuy ít mà hay, thì cũng biên vào tập. Các bài thơ của phụ nữ mà đực truyền tụng, đều có thu lượm. Sau cùng phụ chép cả thơ của các sứ thần Trung Quốc và của người nước ngoài, như thơ của sứ thần Triều Tiên trao đổi với sứ thần của ta ở Trung Quốc...

Phần Mục lục, gồm:
-Quyển I gồm thơ đời nhà Lý (số nhà thơ: 2, số bài thơ: 4), các vua nhà Trần và nhà Hồ (số nhà thơ: 8, số bài thơ: 73).
-Quyển II gồm thơ các tác giả đời Lý (số nhà thơ: 1, số bài thơ: 3) và đời Trần (số nhà thơ: 24, số bài thơ: 148).
-Quyển III gồm thơ các tác giả đời Trần (số nhà thơ: 15, số bài thơ: 148).
-Quyển IV gồm thơ các tác giả đời Hồ (số nhà thơ: 6, số bài thơ: 139), đời Hậu Trần (số nhà thơ: 2, số bài thơ: 2), các nhà sư (số nhà thơ: 11, số bài thơ: 36),
-Quyển V gồm thơ các vua nhà Hậu Lê (số nhà thơ: 3, số bài thơ: 145).
-Quyển VI gồm thơ các vua nhà Hậu Lê (số nhà thơ: 3, số bài thơ: 228).
-Quyển VII gồm thơ các tác giả đời Hậu Lê (số nhà thơ: 4, số bài thơ: 177).
-Quyển VIII gồm thơ các tác giả đời Hậu Lê (số nhà thơ: 2, số bài thơ: 160).
-Quyển IX gồm thơ các tác giả đời Hậu Lê (số nhà thơ: 28, số bài thơ: 138).
-Quyển X gồm thơ các tác giả đời Hậu Lê (số nhà thơ: 14, số bài thơ: 52).
-Quyển XI gồm thơ các tác giả đời Hậu Lê (số nhà thơ: 16, số bài thơ: 156).
-Quyển XII gồm thơ các tác giả đời Hậu Lê (số nhà thơ: 1, số bài thơ: 160).
-Quyển XIII gồm thơ các tác giả đời Hậu Lê (số nhà thơ: 5, số bài thơ: 184).
-Quyển XIV gồm thơ các tác giả đời Hậu Lê (số nhà thơ: 20, số bài thơ: 163).
-Quyển XV gồm thơ các tác giả đời Hậu Lê (số nhà thơ: 10, số bài thơ: 216).

Tổng cộng gồm 175 nhà thơ và 1.779 bài thơ, trong đó có 21 bài khuyết danh.

Theo GS. Trần Văn Giáp thì bản sách này còn thiếu 5 quyển, từ 16 đến 20 và Phụ lục. Ông viết:
Trong 5 quyển thiếu đó có ghi một số thơ từ của các nho sĩ thường dân, của các nhà sư, của các nữ thi sĩ các triều đại và của các sứ thần Trung Quốc sang ta, của các sứ giả Triều Tiên trao đổi với các sứ giả ta khi gặp nhau ở Trung Quốc... đã trích Dù thiếu, nhưng đây là bản đáng tin nhất, vì chữ viết cũng như khuôn khổ sách đều cổ nhất, đúng lối triều Lê. Còn 7 bản khác chỉ là sao chép nhau, chỉ có bản mang ký hiệu A. 132 là có vẻ đầu đủ hơn, nhưng số quyển lại nhiều hơn số 20 quyển như ghi trong Phan Huy Chú, và nó lại là bản do Thư viện Bác cổ cũ thuê sao, và không nói sao chép ở đâu ra [4].

Trong những hợp tuyển thơ Việt Nam biên tập trước thế kỷ 18, Toàn Việt thi lục có quy mô lớn nhất. Mặc dù sách viết tay và còn nhiều lầm lẫn, nhưng bộ sách vẫn là kho báu của nền văn hoá dân tộc Việt, cần cho công tác nghiên cứu hiện nay.

Bùi Thụy Đào Nguyên, giới thiệu.
Chú thích:
1.^ Về tên bộ sách, có nguồn chép là Toàn Việt thi tập là không chính xác; tên đúng là Toàn Việt thi lục như Phan Huy Chú đã ghi.
2.^ Theo Lịch triều hiến chương loại chí (Tập 3, tr. 142). Nhưng nay chỉ còn 15 quyển.
3.^ Toàn Đường thi gồm 99 quyển, biên tập theo sắc lệnh năm 1707 đời Khang Hy (nhà Thanh, Trung Quốc). Toàn bộ gồm hơn 8.000 bài thơ của 2.200 nhà (theo Từ hải, tr. 145).
4.^ Tìm hiểu kho sách Hán Nôm, tr. 820.
9.^ Theo Từ điển bách khoa Việt Nam (mục từ “Toàn Việt thi lục”, bản điện tử).
Sách tham khảo:
-Phan Huy Chú, Lịch triều hiến chương loại chí (Tập 3). Nhà xuất bản Khoa học xã hội, 1992.
-Trần Văn Giáp, Tìm hiểu kho sách Hán Nôm. Nhà xuất bản Khoa học xã hội, 2003.
-Trần Thị Băng Thanh, mục từ “Toàn Việt thi lục” in trong Từ điển văn học (bộ mới). Nhà xuất bản Thế giới, 2004.
-Nhiều người soạn, Theo Từ điển bách khoa Việt Nam mục từ “Toàn Việt thi lục”.

Chủ Nhật, 19 tháng 6, 2011

Đạm Phương nữ sử (1881-1947)



Đạm Phương (1881-1947) tên thật là Công Nữ Đồng Canh, tự: Quý Lương; là nhà văn, nhà báo, nhà giáo dục Việt Nam.

Bà sinh năm Tân Tỵ (1881) trong một gia đình hoàng tộc ở tại Huế. Cha bà là Nguyễn Phúc Miên Triện, là Hoàng tử thứ 66 của vua Minh Mạng, được phong tước Hoằng Hóa quận vương.

Thời niên thiếu, bà được học Hán văn, Pháp văn, Quốc ngữ; và học cả cầm, kỳ, thi, họa, thêu thùa, nấu nướng…Năm 20 tuổi, bà được mời vào Cung lo việc cho Hoàng hậu; dạy cho các Công chúa và cung nữ. Bà dạy giỏi, được triều đình phong cho bà chức “nữ sử” [1] nên sau này khi viết báo bà thường ký tên là Đạm Phương nữ sử.

Đọc nhiều, hiểu biết sâu rộng, sớm tiếp cận tư tưởng dân chủ như Lương Khải Siêu, Tôn Dật Tiên, Jean-Jacques Rousseau; lại sớm được tiếp xúc với các nhà yêu nước như Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, v.v….nên Công Nữ Đồng Canh đã từ một địa vị “lá ngọc cành vàng” trở thành một người trí thức tiến bộ của thời đại.

Bài báo đầu tiên của bà được đăng trên Nam Phong tạp chí (Hà Nội) tháng 7 năm 1918. Kể từ đó, bà lần lượt gửi bài cộng tác với các báo, tạp chí ở Bắc Kỳ và Nam Kỳ: Nam Phong tạp chí, Phụ nữ thời đàm,Tiếng dân, Hữu Thanh, Lời đàn bà… Ngoài ra, bà còn làm trợ bút cho báo Trung Bắc tân văn và giữ chuyên mục Văn đàn bà của báo này từ năm 1919 đến năm 1928.

Giữa năm 1926, sau khi tiếp xúc với Phan Bội Châu và các bậc chí sĩ khác, bà công khai đứng ra tổ chức một trường học nữ công có tên là Nữ công học hiệu tại Huế nhằm giáo dục nữ giới ý thức được giá trị của nghề nghiệp thủ công. Đây là một hội đoàn đầu tiên của phụ nữ Việt Nam với tư tưởng canh tân, đề xướng vấn đề nữ quyền rất tiến bộ đương thời.

Năm 1928, bà bị thực dân Pháp bắt giam vì chúng nghi bà có liên quan đến đảng Tân Việt.
Từ cuối năm 1930 trở đi bà giã từ báo chí, vắng hẳn bút danh Đạm Phương trên các phương tiện truyền thông, tập trung vào việc làm sách.

Sau ngày toàn quốc kháng chiến chống Pháp (19 tháng 12 năm 1946), bà tản cư ra Thanh Hóa cùng với gia đình con trai Nguyễn Khoa Văn (tức Hải Triều). Tuổi già sức yếu, Đạm Phương nữ sử mất vào năm Đinh Hợi (1947) ở huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa, thọ 66tuổi.

Năm 16 tuổi, Đạm Phương nữ sử lấy ông Nguyễn Khoa Tùng con trai thứ 7 của cụ Nguyễn Khoa Luận, sinh hạ được 3 người con trai và 3 người con gái. Sau cả 3 con trai của bà lần lượt hy sinh trong sự nghiệp giải phóng dân tộc Việt, trong đó có nhà lý luận Marxist Hải Triều (Nguyễn Khoa Văn).

Các tác phẩm của Đạm Phương nữ sử để lại:
-Kim tú cầu (tiểu thuyết bi tình), đăng từng phần trên Trung Bắc tân văn từ số 25 tháng 5 năm 1923 đến 21 tháng 7 cùng năm; sau đó in thành sách. Căn cứ thời điểm này, nhà nghiên cứu Lê Thanh Hiền khẳng định, bà Đạm Phương là người phụ nữ Việt Nam “đầu tiên viết tiểu thuyết”. Nội dung Kim Tú Cầu kể chuyện nàng Kim Tú Cầu yêu người anh con cô con cậu tên là Ngọc Lan mà không lấy được. Cha mẹ ép gả nàng làm vợ kế quan đề đốc Mổ. Chồng chết, nàng Tú Cầu nhan sắc bị kẻ cướp đuổi bắt, phải trốn vào một ngôi chùa trên núi... Còn chàng Ngọc Lan sau khi người trong mộng đi lấy chồng đâm ra buồn tủi, rồi quyết chí học hành, thi đỗ cử nhân. Trải qua bao biến cố, khi Ngọc Lan tìm được đến nơi thì Tú Cầu đã bị chết trong rừng sâu. Ngọc Lan đau đớn ngất đi...

-Lược khảo về tuồng hát An Nam (đăng trên Nam Phong tạp chí số 76, tháng 10 năm 1923).
-Hồng phấn tương tri (truyện dài, 1929)
-Đạm Phương thi văn tập
-Giáo dục nhi đồng (1942)
-Năm mươi năm về trước, là một cuốn tiểu thuyết vạch trần những xấu xa thối nát của cuộc sống trong cung đình”. Cuốn sách bị Sở kiểm duyệt Pháp tiêu hủy ngay bản thảo xin giấy phép xuất bản (1944).

Ngoài ra, bà còn viết khoảng 200 bài báo về giáo dục như Gia đình giáo dục thường đàm, Bàn về vấn đề giáo dục con cái, Phụ nữ gia đình, Nữ công thường thức,, v.v…So với thời bấy giờ, đó là một sự nghiệp báo chí đồ sộ.
*
Đạm Phương nữ sử xuất hiện như một nhà báo nữ ở giai đoạn đầu tiên của nền báo chí nước nhà, và là một trong những cây bút hàng đầu của làng báo Việt Nam thuở ấy... Bên cạnh đó, bà còn nổi tiếng là một nhà hoạt động xã hội tân tiến thời bấy giờ với việc đòi quyền bình đẳng cho phụ nữ. Năm 1926, bà cho ra đời Nữ công học hội. Đây là một tổ chức hội phụ nữ đầu tiên ở Việt Nam. Chính nhờ học hội mà những người phụ nữ đã bước ra khỏi ngưỡng cửa nhà mình và đã vươn tới hòa nhập cùng xã hội bằng những công việc mà trước đó chỉ nam giới mới được làm. Tâm huyết với việc nâng cao vị thế của phụ nữ Việt Nam trong thời đại bấy giờ, bà đã viết hàng loạt bài báo với chủ đề giáo dục phụ nữ, hướng dẫn cách sinh con, nuôi con, cách tổ chức gia đình theo đời sống mới…Theo nhận định của nhiều nhà nghiên cứu, bà là người phụ nữ đầu tiên ở Đông Nam Á đặt vấn đề giải phóng phụ nữ ngay từ đầu thế kỷ 20; và cũng là nữ trí thức Việt Nam đầu tiên đặc biệt quan tâm đến sự dưỡng dục thế hệ trẻ thơ. Trong một tác phẩm của mình bà đã có một câu văn rất hay: “Khuôn mặt người mẹ là quyển sách đầu tiên của đứa con”.

Về văn chương, Đạm Phương nử sử đã để lại một số tác phẩm khá độc đáo, trong đó có quyển tiểu thuyết bi tình Kim Tú Cầu (1923), ra đời trước khi có quyển Tố Tâm (1925). Theo tác giả Phạm Thị Thu Hương thì đây là một tác phẩm “phê phán việc ép duyên, ca ngợi tình yêu hôn nhân tự do, phê phán sự bất ổn xã hội đang đe dọa cuộc sống của người dân. Mặc dù cách miêu tả nhân vật còn sơ lược, ước lệ và cách dẫn dắt câu chuyện chưa có gì mới, song Kim Tú Cầu cũng như hầu hết mảng văn xuôi của bà đã phần nào thoát ra khỏi nghệ thuật biền ngẫu và lối kết cấu có hậu của tiểu thuyết cổ điển. Thơ bà vẫn khai thác các đề tài và hình thức của thơ trung đại, nhưng đã mang chút sắc thái riêng của một nữ sĩ Tây học nên cũng khá hấp dẫn độc giả đương thời. Ngoài ra, bài Lược khảo về tuồng hát An Nam của bà là công trình nghiên cứu sớm nhất về loại hình nghệ thuật này” (Từ điển văn học [bộ mới], tr. 376).

Năm 1947, khi hay tin bà mất, cụ Thảo Am Nguyễn KhoaVy đã viết đôi câu đối ca ngợi công đức của bà:
“Khí phách nam nhi, tinh hoa Nam Việt, nhớ thuở Nam Giao truy điệu, lên diễn đàn thay mặt cụ Sào Nam
Văn tài nữ Sử, sư phạm nữ công, e khi nữ giới yêu cầu, đi phó hội theo chân bà Trưng nữ”.

Tháng 6 năm 1999, chính quyền tỉnh Thừa Thiên Huế ra quyết định đặt tên là đường Đạm Phương.
Đường nằm trên địa bàn phường Tây Lộc, thuộc khu vực Thành Nội, khởi đầu từ đường Hoàng Diệu, chạy qua phía sau chợ Tây Lộc đến đường Lê Đại Hành, dài 250m.

Kỷ niệm 130 năm ngày sinh Đạm Phương nữ sử 1881 – 2011, một cuộc Hội thảo diễn ra ngày 18 tháng 6 năm 2011 tại Thừa Thiên- Huế do UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế phối hợp với Viện Văn học Việt Nam tổ chức.
Tham dự Hội thảo có Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hội Phụ nữ Việt Nam, gia đình Đạm Phương nữ sử cùng các nhà nghiên cứu.
Nhà sử học Dương Trung Quốc ví hội thảo này như động tác "phủi đi lớp bụi thời gian của sự quên lãng, kể cả những nhận thức, hạn chế liên quan đến gia cảnh, tính thời đại, và làm long lanh một tấm gương mà ngày hôm nay nếu soi lại chúng ta sẽ thấy rất nhiều bài học quý giá cho sự nghiệp giải phóng phụ nữ và con trẻ"...


Bùi Thụy Đào Nguyên, giới thiệu.
Chú thích:
[1] Nữ sử là tên một chức quan đời nhà Chu (Trung Quốc) dành cho người phụ nữ học giỏi, được sung vào triều để chép những việc trong nội cung.