Hình ảnh

Hình ảnh

Chủ Nhật, 22 tháng 5, 2011

Người làm cho thủ lĩnh Nông Văn Vân bị thiêu chết

Nguyễn Văn Quyền (?-1835), là một võ quan nhà Nguyễn trong lịch sử Việt Nam. Ông chính là người trực tiếp dẫn quân đi vây bắt Nông Văn Vân, và cũng là người ra lệnh đốt rừng Thẩm Pát ở Tuyên Quang, làm vị thủ lĩnh này bị thiêu chết.

Ông là người ở huyện Bình An, tỉnh Biên Hòa; nay là quận Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh. Thân thế ông không rõ, chỉ biết vào năm Giáp Dần (1794), ông được bổ vào ngạch quân Thần Sách của chúa Nguyễn Phúc Ánh (vua Gia Long sau này), lần lượt thăng đến Phó Vệ úy, khâm sai Cai cơ.

Minh Mạng năm thứ nhất (1820), thăng ông làm Vệ úy vệ Tiền nhị quân Thị trung, Vệ úy Nội vệ ở thuộc nội, kiêm quản các đội túc trực vệ Cẩm y ở kinh thành Huế.
Năm 1825, thăng ông làm Chưởng cơ, nhưng vẫn giữ nhiệm vụ cũ.
Năm 1827, phái ông đi Nam Định đánh quân “thổ phỉ” (chữ trong sử nhà Nguyễn), thắng trận liên tiếp, được thưởng quân công kỷ lục.
Năm 1828, thăng ông làm Thự Thống chế, rồi sai đi Gia Định lo việc thao diễn quân.
Năm 1831, cử ông đi làm Trấn thủ kiêm đê chính tỉnh Hải Dương. Ít lâu sau, vì đê vỡ, ông bị mất chức.

Năm 1833, cho ông khởi phục chức Phó Vệ úy, lĩnh thủy sư tỉnh Hà Nội, để theo Đề đốc quân vụ Phạm Văn Lý đi đánh giải vây thành tỉnh Hưng Hóa. Tháng 7 (âm lịch) năm đó, Nông Văn Vân là Tri châu châu Bảo Lạc (Tuyên Quang), tuyên bố chống Nguyễn, rồi dẫn quân đi vây hãm thành tỉnh Tuyên Quang. Lập tức, vua Minh Mạng sung Nguyễn Văn Quyền làm Lãnh binh tỉnh Tuyên Quang, để hiệp với tướng Lê Văn Đức đốc quân đi đánh giải vây cho tòa thành này. Thành công, ông lại được thưởng quân công kỷ lục.

Năm Minh Mạng thứ 15 (1835), Nguyễn Văn Quyền đem quân đánh nhau với quân của Nông Văn Vân. Vì khinh địch, đánh thua, ông bị cách chức. Song xét chiến công cũ, nhà vua cho ông khởi phục chức Phó Vệ úy, rồi Vệ úy, lại sung chức Lãnh binh tỉnh Tuyên Quang, để đi theo Thống súy Lê Văn Đức và Tham tán Phạm Văn Điển lo việc đánh dẹp cuộc nổi dậy của Nông Văn Vân.

Tháng 3 (âm lịch) năm 1835, Nông Tịnh Hòa, một chỉ huy trong đội quân nổi dậy ra đầu thú, rồi khai ra chỗ ẩn của thủ lĩnh Nông Văn Vân. Kể lại đoạn thủ lĩnh Vân bị diệt, sách Đại Nam chính biên liệt truyện chép:

...Tên ra thú là Nông Tịnh Hòa dò được thực đi báo nơi quân thứ, Lê Văn Đức và Phạm Văn Điển tức thì phái Vệ úy Nguyễn Văn Quyền đem hơn ngàn binh dũng tới ngay vây bắt...Sợ (Nông Văn) Vân trốn thoát, (Nguyễn Văn) Quyền cho phóng hỏa đốt cả bốn mặt,...(Nông Văn) Vân ở trong lỗ đá chui ra chết về lửa rơi nằm bên cạnh núi, bên cạnh mình có một đĩnh lớn vàng và kèm theo một lưỡi dao bằng bạc mạ vàng. Bọn (Lê Văn) Đức cho đệ lá hồng kỳ chạy như bay về báo tiệp và đóng hòm đầu Vân đưa dâng, …[tr. 1051].
Xét công lao, ông được thưởng kim tiền, nhẫn vàng; nhưng khi đem quân về thì lâm bệnh mất “vì xông pha nơi lam chướng, nhọc mệt đã lâu ngày” . [Quốc triều toát yếu (phần Chính biên), tr. 308].

Sau đó, vua Minh Mạng cho trụy tặng hàm Thống chế, và cấp cho tiền tuất.

Sách tham khảo:
■Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam chính biên liệt truyện (Quyển thứ 15, truyện “Nguyễn Văn Quyền”). Nhà xuất bản Văn học, 2004.
■Quốc sử quán triều Nguyễn, Quốc triều sử toát yếu (phần Chính biên). Nhà xuất bản Văn học, 2002.

Cuộc nổi dậy Nông Văn Vân

Cuộc nổi dậy Nông Văn Vân là một cuộc đấu tranh chống nhà Nguyễn của các dân tộc thiểu số ở Việt Bắc (Việt Nam) do Nông Văn Vân làm thủ lĩnh, xảy ra từ đầu tháng 7 (âm lịch) năm Quý Tỵ 1833 đến khoảng giữa tháng 3 (âm lịch) năm Ất Mùi (1835) thì bị triều đình dập tắt. Cuộc nổi dậy kết thúc khi quân nhà Nguyễn phóng hỏa đốt rừng Thẩm Pát (hay Thẩm Bát) ở Tuyên Quang và tuyên bố đã tìm thấy thủ lĩnh Nông Văn Vân bị chết cháy ở trong đó. Theo một số nhà nghiên cứu thì đây là cuộc đấu tranh rộng lớn và tiêu biểu nhất của các dân tộc thiểu số ở nửa đầu thế kỷ 19 tại Việt Nam.

I. Nguyên nhân:
Vào đời Minh Mạng, ở các tỉnh Tuyên Quang, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Cao Bằng,... nhà vua đặt chức lưu quan do người Kinh nắm giữ ở bên cạnh các quan đứng đầu là người dân tộc các quan lại do triều đình cử đến. Theo sử liệu thì họ thường có thói ức hiếp, tham nhũng, nên các thổ quan (trong đó có Nông Văn Vân) và người dân Bảo Lạc rất căm ghét, chỉ chờ dịp nổi lên đánh đuổi.

Tháng 5 năm Quý Tỵ (1833), Lê Văn Khôi (em vợ Nông Văn Vân) vì bất mãn đã khởi binh chiếm lấy thành Phiên An ở Gia Định. Vua Minh Mạng lập tức cử quân đi đánh dẹp, đồng thời lệnh cho quan lại ở Cao Bằng truy nã vợ con và họ hàng Lê Văn Khôi đang cư ngụ ở đó. Theo sử liệu, thì viên án sát Cao Bằng là Phạm Đình Trạc liền ra lệnh bắt 2 con, 1 người em ruột và 14 người thân thuộc của Lê Văn Khôi. Lại sai đào mả ông nội (Bế Văn Sĩ) và cha đẻ (Bế Văn Kiện hay Viên) của Lê Văn Khôi rồi đốt hài cốt ra tro. Nông Văn Vân lúc bấy giờ đang làm Tri châu Bảo Lạc cũng bị truy nã vì là anh vợ Khôi...

Trong tình thế ấy, Nông Văn Vân liền phát động cuộc nổi dậy. Việc làm đầu tiên của ông, là thích bốn chữ “Tỉnh quan thiên hối” (quan tỉnh thiên vị, ăn hối lộ) vào mặt phái viên do tỉnh phái đến rồi đuổi về.

Ngày 2 tháng 7 (âm lịch) năm Quý Tỵ (1833), Nông Văn Vân tự xưng là "Tiết chế Thượng tướng quân”, lập đại bản doanh ở Vân Trung (thị trấn Bảo Lạc ngày nay) [1] thuộc châu Bảo Lạc, tập họp các thổ mục, một số họ hàng của Lê Văn Khôi, một số thợ mỏ người Hoa và nhân dân bị áp bức, được khoảng 6.000 người cùng đứng lên chống Nguyễn.

II. Tóm tắt diễn biến:
Khi Nông Văn Vân phất cờ chống nhà Nguyễn, thì ở miền Bắc đang có cuộc nổi dậy của Lê Duy Lương, và ở miền Nam đang có cuộc nổi dậy của Lê Văn Khôi.

Trong cục diện ấy, Nông Văn Vân chia quân đi đánh phá các tỉnh miền ngược. Các quan sở tại chống không nổi, phải xin quân cứu viện. Tháng 8 (âm lịch) năm 1833, vua Minh Mạng cho Tổng đốc Sơn Hưng Tuyên là Lê Văn Đức làm Tổng đốc Tam Tuyên quân vụ, Thự tổng đốc Hải An là Nguyễn Công Trứ làm Tham tán, cùng đến mặt trận Tuyên Quang. Lại sai Tổng đốc Ninh Thái là Nguyễn Đình Phổ đem binh tượng tới mặt trận Thái Nguyên. Sau, thấy hai thành tỉnh là Cao Bằng và Lạng Sơn bị vây ngặt quá, tháng 10 (âm lịch), nhà vua lại sai An Tĩnh tổng đốc là Tạ Quang Cự làm Tổng thống Đại thần, lên đánh ở hai mạn đó.

Tháng Chạp năm Quý Tỵ (1833) đạo quân của Tạ Quang Cự giải được vây tỉnh Lạng Sơn và lấy lại được thành Cao Bằng. Đạo quân của Lê Văn Đức và Nguyễn Công Trứ vào đến Vân Trung ở Bảo Lạc, là đại bản doanh của quân nổi dậy, khiến Nông Văn Vân phải chạy trốn sang Trung Quốc.

Nhưng khi quân triều vừa rút đi, thì Nông Văn Vân lại về rủ đảng đánh phá như cũ. Nhà vua lại sai các đạo quân tiến lên phòng giữ các tỉnh mạn ngược. Đến tháng 9 (âm lịch) năm Giáp Ngọ (1834), Lê Văn Đức và Phạm Văn Điển đi từ Sơn Tây lên Tuyên Quang; Tạ Quang Cự, Nguyễn Tiến Lâm và Hồ Hữu đi từ Cao Bằng; Nguyễn Đình Phổ và Nguyễn Công Trứ đi từ Thái Nguyên; ba mặt quân cùng tiến lên hội tiễu.

Tháng Chạp năm ấy, cả ba đạo cùng đến hội ở Vân Trung, rồi sai người đưa thư sang nhờ quan nhà Thanh (Trung Quốc) ngăn không cho quân nổi dậy chạy sang bên ấy. Nên khi Nông Văn Vân chạy sang Trung Quốc, bị quân nhà Thanh đuổi bắt, phải trở về Tuyên Quang.
Tháng 3 (âm lịch) năm Ất Mùi (1835), biết chỗ Nông Văn Vân ở, quan quân nhà Nguyễn liền lần theo truy đuổi, khiến ông Vân phải chạy ẩn vào trong rừng Thẩm Pát ở Thái Nguyên, rồi bị thiêu chết khi quân triều phóng hỏa đốt rừng. Cuộc nổi dậy do ông và các đồng đội đã dày công gầy dựng đến đây là kết thúc.

III. Một số sự kiện nổi bật:
Cuộc nổi dậy do Nông Văn Vân làm thủ lĩnh là một cuộc đấu tranh "rộng lớn". Sách Bắc Kỳ tiễu phỉ (Quyển 47), chép:
Thổ phỉ Tuyên, Cao, Thái, Lạng lan tràn, chỗ nào cũng có đứa hùng trưởng, mà đều lấy giặc (Nông Văn) Vân làm chủ...
Sách Đại Nam thực lục (Quyển 18), chép:
Việc nổi loạn là do (Nông Văn) Vân xướng xuất, tù trưởng các châu đều họa theo và đều nhận chức quan của Vân...

Sau đây là một số sự kiện nổi bật:
3.1 Ở mặt trận Tuyên Quang:
Để thông đường tới thành tỉnh Tuyên Quang (gọi tắt là thành Tuyên), Nông Văn Vân cho quân đánh chiếm đồn Ninh Biên (sau đổi tên là An Biên, nay thuộc thị xã Hà Giang) và đồn Phúc Nghi (nằm bên hữu ngạn sông Gâm).

Sau khi cho người đưa thư dụ hàng viên trưởng đồn Ninh Biên là Hoàng Kim Thuận không được, Nông Văn Vân liền đem quân lẻn theo đường núi thuộc châu Vị Xuyên (nay là một huyện của tỉnh Hà Giang) đến đánh đồn Ninh Biên. Cùng lúc ấy, làm theo lệnh của thủ lĩnh Vân, Ma Sĩ Vinh dẫn quân đi đánh đồn Phúc Nghi.
Sách Việt Nam thế kỷ XIX, kể:
Cuối tháng 7 (âm lịch) năm Ất Tỵ (1833), nghĩa quân do thủ lĩnh Ma Sĩ Vinh chỉ huy từ các cao điểm kéo đến vây chặt bốn mặt đồn Phúc Nghi. Đồng thời, một cánh quân khác cưỡi thuyền độc mộc từ thượng lưu bơi qua phía trước đồn, rồi bỏ thuyền lên bờ giáp lại cùng đánh,...Lực lượng của nghĩa quân ước hơn 1000 tên [tr. 197].

Hay được, Bố chính Phạm Phổ cùng Thành thủ úy Trương Phúc Nguyên kéo quân đi ngăn lại. Đầu tháng 8 (âm lịch) năm Ất Tỵ (1833), một trận kịch chiến sau đó nổ ra tại sông Tiểu Miện. Quân triều đánh thua, Hoàng Kim Thuận bị giết tại trận. Quân nổi dậy bèn vây kín đồn Ninh Biên. Do thiếu quân và thiếu lương ăn, Phạm Phổ tự vẫn, Trương Phúc Nguyên cùng hơn 400 biền binh trong đồn đều bị bắt sống.

Lấy được hai đồn trên, Nông Văn Vân liền chia quân thủy bộ ra làm ba cánh đi tấn công thành Tuyên. Theo kế hoạch, thì: Cánh thứ nhất đi tới địa đầu phủ Đoan Hùng, ngăn không cho viện binh ở Sơn Tây kéo lên. Cánh thứ hai (có quân của Nguyễn Đình Liêm từ Thái Nguyên qua phối hợp) tới đánh mặt trước thành. Cánh thứ ba, từ châu Ninh Biên theo sông Tiểu Miện tới đánh mặt sau thành. Tuy nhiên, vì cánh quân thứ ba không đến kịp, và vì tướng Lê Văn Đức kịp thời đưa quân tới cứu, nên việc đánh chiếm thất bại.

Sách Việt Nam thế kỷ XIX, kể:
Vào hạ tuần tháng 8 (âm lịch) năm Quý Tỵ (1833), nghĩa quân chủ động đi chiếm lĩnh các cao điểm xung quanh tỉnh thành ở hai bên bờ sông Lô, xây dựng đồn lũy dã chiến. Ngày 21 tháng 8, khoảng 4000, 5000 quân nổi dậy tiến đến chiếm đồn Cao Tụ ở phía sau tỉnh thành. Tuy nhiên, do quân triều tập trung đông với voi chiến và súng lớn, mà cánh quân ở Ninh Biên chưa đến kịp, nên quân nổi dậy không thể chiếm được tỉnh thành, đành phải lui về đồn Núi Đền (trên núi Đùm hay Tràng Đà) ở bên kia sông Lô. Quân triều đuổi theo đến bờ sông, nhưng không qua được vì không có thuyền...[tr. 197]

Ngoài ra, để quân triều không ứng cứu lẫn nhau, Lưu Trọng Chương và Hoàng Trinh Tuyên dẫn 2.000 quân nổi dậy đi đánh đồn Đại Đồng thuộc châu Thu (Thái Nguyên). Tướng Lê Văn Đức bèn phái Lãnh binh Nguyễn Văn Quyền, Quản cơ Nguyễn Hữu Du và Tri phủ Đoan Hùng là Nguyễn Đức Hoành, đem hơn ngàn quân cùng hai thớt voi chia đường đi cứu. Hai bên giáp chiến tại địa phận rừng Hoàng Loan, cuối cùng quân nổi dậy bị đẩy lui. Theo Quốc triều sử toát yếu, thì khi ấy Nông Văn Vân “đã thua” ở trận thành Tuyên, nhưng vì “đồng đảng nó chưa biết nên tới đó khuấy nhiễu”.

Tháng 10 (âm lịch) năm 1833, tướng Lê Văn Đức và tướng Nguyễn Công Trứ cùng đưa quân vào đánh phá đại bản doanh Vân Trung và Ngọc Mạo (Đồng Mu ngày nay) [2], định tìm bắt Nông Văn Vân.

Mặc dù quân nổi dậy ở đồn Phúc Nghi, đồn Ninh Biên, Đèo Ve (Kẻm Ve), Đèo Hoạch (Kẻm Kiếng), Tòng Bá, đồn Bắc Cái (thuộc xã Bạch Đích), Pắc Phấn, v.v...dựa vào chỗ hiểm phục binh đón đánh, và được lực lượng ở Thái Nguyên "chia lửa" [3], nhưng vì quân triều mạnh quá nên đều phải rút chạy Tuy vào được Vân Trung và Ngọc Mạo, nhưng quân triều không bắt được Nông Văn Vân, vì lúc này (tháng Chạp năm 1833) ông đã lánh sang Trung Quốc. Vì không hợp thủy thổ và thường bị phục kích, cuối tháng Chạp năm 1833, Lê Văn Đức và Nguyễn Công Trứ cho quân rút về Tuyên Quang. Theo tài liệu, trên đường đi và về, quân triều phải chịu nhiều khó nhọc và tổn thất.
Sách Việt Nam thế kỷ XIX, kể:
…Từ Ninh Biên vào đại bản doanh Vân Trung (Bảo Lạc) phải mất một tháng rưỡi. Điểm lại quân số, khi đi có một vạn quân, vào đến Vân Trung đã có 2.400 lính ốm với hơn 100 tên bỏ mạng dọc đường, nhiều thổ dũng bỏ trốn, lúc đến Vân Trung chỉ còn non một nữa [tr. 198].
Việc "thắng lợi nhưng lắm hao tổn" này đã bị nhà vua kết tội. Sử nhà Nguyễn chép:
...Lê Văn Đức và Nguyễn Công Trứ kéo quân từ Vân Trung về đến tỉnh Tuyên Quang, đem những tình trạng quân giặc cứ hiểm thiết phục, dọc đàng đón lương cướp súng, và quân sĩ nhiễm bệnh lam chướng, lương ăn không đủ, dâng sớ xin nhận tội. Ngài (Minh Mạng) dụ rằng: "Quân đi ngàn dặm quý là thần tốc, mình chẳng tới mau để giặc giữ chỗ hiểm, thừa (thời) gian cướp bậy. Khi quân mình về, giặc lại phòng bị các nơi, đến nỗi quân mình chết hại, súng ống bỏ mất, uổng công bấy lâu qua lại, tội chẳng đáng sao?....Vậy giao cho bộ nghị xử". Bộ khép (Lê Văn) Đức vào tội tử. Vua cho là nặng quá, chuẩn cho tước bỏ mũ áo, giáng bốn cấp, cất lương, khiến cho Đức phải cố gắng thu công chuộc tội...[3].

Tháng Giêng năm Giáp Ngọ (1834), Nông Văn Vân trở về nước. Sau đó, ông sai Nông Văn Sĩ dẫn hơn ngàn quân đi đánh nhau với quân triều ở Cao Bằng. Tham tán Võ Văn Từ đem việc báo lên. Tức giận, vua Minh Mạng sai Lê Văn Đức và Nguyễn Công Trứ lập tức đem đại binh, từ Tuyên Quang vào lại Vân Trung và Ngọc Mạo để "đạp bằng sào huyệt giặc, làm sao bắt chém được thằng Vân (Nông Văn Vân), thằng Đản (Bế Văn Đản), thằng Cẩn (Bế Văn Cẩn),...mới cho đem quân về" .

Theo lời tâu của tướng Lê Văn Đức và tướng Nguyễn Công Trứ thì việc tiến quân vào Vân Trung lần thứ hai cũng hết sức khó khăn, vì phải luôn đánh nhau mà lại thường hay thiếu lương do địa hình hiểm trở khó vận chuyển.

Vì vậy, mãi đến cuối năm 1834, ba đạo quân do các tướng là: Lê Văn Đức và Phạm Văn Điển đi từ Sơn Tây; Tạ Quang Cự, Phạm Tiến Lâm và Hồ Hữu đi từ Cao Bằng; Nguyễn Đình Phổ và Nguyễn Công Trứ đi từ Thái Nguyên; mới vào được đại bản doanh Vân Trung.

3.2. Ở mặt trận Thái Nguyên và Bắc Kạn:
Tháng 8 (âm lịch) năm 1833, khi đội quân chủ lực đang bận ở mặt trận thành Tuyên, thì Nông Văn Sĩ nhận lệnh của Nông Văn Vân, đem một đội quân khác đi đánh châu Bạch Thông thuộc tỉnh Thái Nguyên.

Bố chính Thái Nguyên là Nguyễn Đôn Tố liền phái Suất đội Trần Đình Dự, Dương Đình Ất cùng viên thủ bảo Chợ Rã (nay đổi tên là huyện Ba Bể) là Bế Văn Đức đem quân đi cản phá. Từ đất Bằng Thành thuộc Chợ Rã, quân nổi dậy chia ba mũi xông vào đánh giáp lá cà, Đình Dự và Đình Ất thua chạy, Văn Đức đầu hàng. Chiếm cứ được Chợ Rã, "thổ dân theo vào đảng (giặc) đến hơn nghìn người".

Lúc ấy, Quang Toản đang đóng quân ở đồn Na Miêu, cũng bị hơn 2.000 quân nổi dậy tấn công, vì quân ít hơn, phải lui về giữ đất Na Cù. Lãnh binh Bắc Ninh là Trần Văn Duy đánh thua ở đồn Chợ Mới (nay là một huyện của tỉnh Bắc Kạn), khiến tướng Nguyễn Đình Phổ (lúc này đã mặt ở Thái Nguyên) phải xin nhận tội.

Đồng thời từ đất Bằng Lũng, hơn nghìn quân nổi dậy xông tới uy hiếp đồn Bắc Cạn (nay viết là Bắc Kạn) ở châu Bạch Thông. Yếu thế hơn, Bố chính tỉnh Thái Nguyên là Nguyễn Đôn Tố cho quân lui về Chợ Mới, rồi sai Lãnh binh Nguyễn Văn Cát dẫn quân tới đồn Bắc Cạn, phái Quang Toản và Đinh Quang Tiến dẫn quân tới Tượng Đầu làm rào cản. Sau đó, đôi bên đụng độ ác liệt ở đồn Bắc Cạn. Lãnh binh Cát bị trúng đạn pháo chết tại trận, quân triều bị đánh tan. Đang hăng, quân nổi dậy liền kéo đi đánh phá Tượng Đầu, giết chết Suất đội Nguyễn Đình Du, bắt sống Quang Toản và Đinh Quang Tiến. Quang Tiến chịu hàng [4], còn Quang Toản, vì không chịu nên bị giết chết. Nghe tin thất trận, Bố chính Nguyễn Đôn Tố liền đem quân voi đến cứu, nhưng vừa đến Tông Hóa thì bị quân nổi dậy cản lại, không tiến được.

Tháng 10 (âm lịch) năm đó (1833), hơn 1.000 quân nổi dậy lại kéo tới vây đánh thành tỉnh Thái Nguyên, khiến Nguyễn Đình Phổ vừa cầu cứu, vừa đánh. Tháng sau, quân nổi dậy lại tổ chức tấn công lần nữa, nhưng cả hai lần đều bị Tổng đốc Phổ đốc quân đánh đuổi.

Sang tháng 3 (âm lịch) năm Giáp Ngọ (1834), quân nổi dậy lại tràn xuống phố Bắc Nẫm. Án sát đạo Thái Nguyên lúc bấy giờ là Nguyễn Mưu và Phó lãnh binh Nguyễn Văn Ưng ra sức ngăn lại, nhưng thua. Quản cơ Nguyễn Văn An, Chánh đội Nguyễn Đình Cát và Vệ úy Võ Văn Sơn đều tử trận, Án sát Nguyễn Mưu bị bắt sống. Thừa thắng, quân nổi dậy tiến đánh đồn Chợ Rã (nay là một thị trấn thuộc huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn) và Chợ Mới. Không chống nổi, Lãnh binh Nguyễn Văn Ưng cho quân lui về đồn Chợ Đô. Tướng Tạ Quang Cự đem việc báo lên, nhà vua liền sai tỉnh thần Hà Nội và Nam Định đưa thêm lính và voi lên tiếp sức.

Tháng 7 (âm lịch) năm đó (1834), Nồng Văn Sĩ và Nồng Văn Hoành lại nhóm quân ở hạt Cẩm Hóa thuộc Thái Nguyên đến hơn 1.000 người, chia làm 3 đạo: một đạo đi đánh đồn Bắc Cạn ở châu Bạch Thông, một đạo đinh đánh đồn Gia Bằng ở Cao Bằng, một đạo tới núi Tiêm Lĩnh (ở địa giới tỉnh Cao Bằng và Lạng Sơn) để cướp lương...Các quan ở Cao Bằng và Thái Nguyên đều phái binh chống cự và đem việc tâu lên.

3.3. Ở mặt trận Cao Bằng:
Sau trận đánh mở đầu ở Nước Hai (châu lỵ Thạch Lâm, nay là thị trấn huyện Hòa An) ngày 1 tháng 9 (âm lịch) năm 1833, hơn nghìn quân nổi dậy kéo đến bao vây thành tỉnh Cao Bằng (lần thứ nhất) vào ngày hôm sau. Nhận được tin cầu cứu của Bố chính Bùi Tăng Huy, vua Minh Mạng liền ra lệnh cho Tuần Phủ Lạng Bình (Lạng Sơn và Cao Bằng) là Hoàng Văn Quyền đang đóng quân ở Lạng Sơn cấp tốc đem quân sang cứu viện.

Trên đường đi, ông Quyền cho dừng quân ở đồn Na Lãnh, rồi sai Cai đội Dương Văn Phong đem quân đánh đồn Tiêm Lĩnh vừa bị đối phương chiếm giữ. Quân nổi dậy tạm lui, nhưng ngay đêm đó lại lén đến vây kín, rồi dùng pháo lớn bắn vào loạn xạ. Quân triều nhiều người bị thương, bị chết. Sau đó, quân nổi dậy kéo đi tấn công đồn Na Lãnh. Tuần phủ Quyền đánh thua phải cho quân lui về trạm Lạng Chung ở châu Thất Tuyền (Lạng Sơn) . Quân triều chạy về trạm Lạng Chung, theo sách Bắc Kỳ tiễu phỉ, thì:
Sáng sớm ngày 23 tháng 9 (âm lịch), lũ giặc đông đến 5.000 tên vây đánh úp trạm Lạng Chung. Tri châu Thất Tuyền Nguyễn Khắc Hòa cùng 7 anh em của nó đem dân phu hùa theo giặc...Biền binh chống đánh không được, lùi ra ngoài đồng, giặc thừa thế đuổi bắn, Tuần phủ Quyền bị giặc bắt được...Bọn quản cơ, cai đội, kẻ thì chết kẻ thì chạy, binh lính trong trận đều vứt bỏ khí giới chạy về [trích lại theo Việt Nam thế kỷ XIX (tr. 208)].

Thừa thắng, quân nổi dậy tiến lên vây hãm thành tỉnh Lạng Sơn. Lúc bấy giờ, thành tỉnh Cao Bằng thiếu đạn, thiếu lương vì bị vây cả tháng mà viện binh thì vừa bị đánh tan. Biết không chống cự nổi, ba ông quan đầu tỉnh là Bố chánh Bùi Tăng Huy, Án sát Phạm Đình Trạc, Lãnh binh Phạm Văn Lựu đều tự tử.

Cuối tháng 11 (âm lịch) năm 1833, tướng Tạ Quang Cự đưa quân lên cứu thành tỉnh Cao Bằng. Xét mình yếu thế hơn, Nông Văn Vân gom quân chạy sang Trung Quốc để bảo toàn lực lượng. Ngày 27 tháng 11 (âm lịch), tướng Quang Cự lấy lại thành mà không cần phải đánh, sau đó gửi về bản tâu, trích:
...Thần vừa tới Cao Bằng, thì được biết từ tối hôm trước bọn giặc đã phóng lửa đốt hết nhà cửa trong và ngoài thành mà bỏ đi rồi...Từ ngày 2 tháng 9 (âm lịch), giặc đến tỉnh thành vây hãm, trong thành thuốc đạn, muối gần hết, biền binh mỏi mệt đau ốm...Ngày 5 tháng 10 (âm lịch), (Bố chính) Bùi Tăng Huy thắt cổ, (Án sát) Phạm Đình Trạc đào lỗ tự chôn, (Lãnh binh) Phạm Văn Lựu cũng thắt cổ chết, (Lãnh binh) Vũ Văn Lợi hàng giặc...[Chép theo Việt Nam thế kỷ XIX, tr. 208].

Tháng Giêng (âm lịch) năm Giáp Ngọ(1834), Nông Văn Vân trở về nhóm quân ở miền thượng du Cao Bằng. Sau đó, ông sai Nông Văn Sĩ đem hơn ngàn quân từ làng Thông Sơn tới đánh nhau với quân triều ở đồn Trung Thảng. Tức giận, vua Minh Mạng cử Lê Văn Đức làm Tổng đốc đạo Tuyên Quang, Nguyễn Công Trứ làm Tham tán, cùng đem đại binh từ Tuyên Quang vào lại Vân Trung.

Tháng 2 (âm lịch), quân đạo Cao Bằng đánh nhau với quân nổi dậy ở Đinh Lãm bị thua, hai tướng là Tạ Quang Cự và Võ Văn Từ đều bị cách tước. Nhưng sau đó, hai ông lén đánh phá tại núi Công Lãnh, gây cho quân nổi dậy một số thiệt hại.

Khoảng giữa tháng 6 (âm lịch), Nông Văn Vân, Bế Văn Cận (hay Cẩn), Bế Văn Huyền (em vợ Văn Vân), đem khoảng 6.000 quân đi đánh chiếm thành tỉnh Cao Bằng (lần thứ hai). Đôi bên giao chiến với nhau nhiều trận, đều bị thiệt hại, nhưng nhờ có viện binh nên quân nổi dậy đánh thắng. Thừa thắng, Nông Văn Vân cho quân tràn tới đốt phá châu Thạch Liêm, rồi tiến chiếm thành tỉnh Cao Bằng.

Hay tin, tướng Nguyễn Tiến Lâm và Phó vệ úy Nguyễn Tình Lộc mang binh voi định tiến lên lấy lại, nhưng mới tới sơn ải Lạng Chỉ thì bị đối phương chặn đánh, Tình Lộc chết tại trận, Tiến Lâm lui về đồn Lạc Dương ở Cao Bằng. Tạ Quang Cự và Nguyễn Công Trứ kéo quân lên chi viện. Nghe tin, quân nổi dậy lên núi giữ chỗ hiểm chia đặt hơn 20 trại quyết đối đầu với quân triều. Tướng Quang Cự bèn thân đốc biền binh từ xã Hoa Sơn (nay đổi là Cẩm Sơn) tiến lên Lạc Dương (Cao Bằng), đi đến đâu quân nổi dậy bị đánh tan đến đấy. Liệu không thể giữ được thành tỉnh Cao Bằng, Nông Văn Vân cho quân rút đi. Quản cơ ở Cao Bằng là Nguyễn Hựu Đĩnh (hay Đình) liền đem quân vào lấy lại thành, mà không phải đánh. Biết Bế Văn Cận (một tướng giỏi của Nông Văn Vân) đang ở Lạc Dương định lui quân, Quản cơ Đĩnh liền cho phục binh ở phía sau đồn Ninh Lạc. Quả nhiên, Bế Văn Cận lọt vào vòng vây, bị Chánh đội trưởng Trình Văn Châu giương súng bắn trúng, thổ dũng Hà Đình Bảo sấn vào chém được đầu tướng Cận.

3.4. Ở mặt trận Lạng Sơn:
Tháng 10 (âm lịch) năm 1833, hai tướng của Nông Văn Vân là Nguyễn Khắc Hòa và Bế Văn Đản đem hơn 10.000 quân vây thành tỉnh Lạng SơnÁn sát Trần Huy Phác liền chạy giấy tới quân thứ và các tỉnh lân cận cầu cứu. Vua Minh Mạng liền sai Tổng đốc Tạ Quang Cự và Tham tán Võ Văn Từ đem quân lên đó. Phó lãnh binh Hà Nội là Hồ Văn Vân khi ấy cũng nhận lệnh đem binh lên cứu Lạng Sơn, nhưng vừa tới trạm Lạng Nhơn thì bị quân nổi dậy chặn đánh, trúng phải đạn chết tại trận.

Tháng 11 (âm lịch) năm đó (1833), tướng Tạ Quang Cự đánh phá quân nổi dậy ở đồn Quang Lang thuộc Lạng Sơn, rồi tiến lên đánh phá ở phía Đơn Sa, An Bài, và giải vây được thành tỉnh Lạng Sơn. Sau đó, ông nhận lệnh đến Cao Bằng, và thâu phục lại được thành tỉnh này.

IV. Bị dập tắt:
Tháng Chạp năm Giáp Ngọ (1834), cả ba đạo quân xuất phát từ Tuyên Quang, Cao Bằng và Thái Nguyên cùng đến hội ở Vân Trung thuộc châu Bảo Lạc.
Sách Việt Nam thế kỷ XIX đã kể lại một phần cục diện lúc bấy giờ như sau:
...Tuy cố sức kình chống, nhưng từ giữa tháng 11 (âm lịch) năm Giáp Ngọ (1834), cuộc nổi dậy do Nông Văn Vân làm thủ lĩnh cứ diễn biến xấu dần, và trên thực tế đang bước vào giai đoạn cuối. Ở mặt trận Thái Nguyên, nhiều căn cứ quan trọng của quân nổi dậy ở các xã Nhạn Môn, Bằng Thành, Bộc Bố, nhất là hệ thống đồn trại ở Bắc Niệm...đều đã lọt vào tay quân triều. Ở Tuyên Quang, sau trận quyết chiến ở khu rừng Bạch Đích thì “cổ họng vào Bảo Lạc ở phía tây” coi như đã bị cánh quân của Lê Văn Đức chọc thủng...Ngày 14 tháng 11 (âm lịch), được tin đạo quân Tuyên Quang của tướng Đức đã vào đến Vân Trung, tướng Tạ Quang Cự liền tập trung hơn 2.500 quân thuộc đạo Cao Bằng, nhân đêm tối vượt qua lũng Dầu, theo đường tắt đánh thẳng vào Cạm Bẻ (Bế Lĩnh), là cửa ngõ phía đông của căn cứ Ngọc Mạo, rồi tràn xuống thung lũng Ngọc Mạo...Tháng 12 (âm lịch), Nguyễn Đình Phổ và Nguyễn Công Trứ vừa đi vừa đánh, lần lượt chiếm lấy Bắc Nẫm, Cổ Đạo, Giai Lạc...Khi ba đạo quân Tuyên, Cao, Thái hội ở Vân Trung, thì “nghịch Vân đã đem vợ con trốn sang Tàu”[tr. 210].

Đồng thời với việc cho quan quân tiến vào đánh phá Vân Trung, vua Minh Mạng còn sai bộ Lễ gửi công văn nhờ các quan nhà Thanh hỗ trợ phòng khi Nông Văn Vân chạy sang Trung Quốc lần nữa. Ngoài hai việc ấy, nhà vua còn cho đổi châu Bảo Lạc thành huyện Để Định, lựa hai thổ ty đắc lực đặt làm Tri huyện và Huyện thừa, cốt để triệt phá hậu phương lớn của thủ lĩnh Vân.

Quả nhiên, Nông Văn Vân chạy sang Trung Quốc như đã kể trên, bị quân nhà Thanh đuổi bắt, lại phải trở về Bảo Lạc, định củng cố lại lực lượng. Quân triều lại tập trung đánh vào nơi ấy, ông tháo chạy vào rừng. Bị cả ba đạo quân triều truy lùng ráo riết, nhiều chỉ huy của quân nổi dậy bị bắt hoặc ra hàng. Trong số ra hàng, có viên Chánh quản lữ là Nông Tịnh Hòa. Vì lời khai của ông này, mà quân triều biết được chỗ trú ẩn của Nông Văn Vân.

Được tin Nông Văn Vân đang ẩn ở xã Ân Quang, quan quân nhà Nguyễn liền đi truy nã, nhưng ông đã chạy thoát vào rừng Thẩm Pát (ở gần căn cứ Ngọc Mạo). Sau khi cho quân vây kín cả bốn mặt, ngày 11 tháng 3 (âm lịch) năm 1835, tướng chỉ huy ra lệnh phóng hỏa đốt rừng, và nói là đã tìm thấy Nông Văn Vân bị chết cháy ở trong đó. Nghe tin, vua Minh Mạng mừng rỡ "truyền mở tiệc rượu mua vui, sai cung tần khoác tay nhau làm kiệu ngồi mà múa. Hô liền mấy tiếng: "Cao Bằng yên rồi! Cao Bằng yên rồi!" [39]

Kể lại đoạn thủ lĩnh Vân bị diệt, sách Đại Nam chính biên liệt truyện chép:
...Tên ra thú là Nông Tính Hòa dò được thực đi báo nơi quân thứ, Lê Văn Đức và Phạm Văn Điển tức thì phái Vệ úy Nguyễn Văn Quyền đem hơn ngàn binh dũng tới ngay vây bắt...Sợ (Nông Văn) Vân trốn thoát, (Nguyễn Văn) Quyền cho phóng hỏa đốt cả bốn mặt,...(Nông Văn) Vân ở trong lỗ đá chui ra chết về lửa rơi nằm bên cạnh núi, bên cạnh mình có một đĩnh lớn vàng và kèm theo một lưỡi dao bằng bạc mạ vàng. Bọn (Lê Văn) Đức cho đệ lá hồng kỳ chạy như bay về báo tiệp và đóng hòm đầu Vân đưa dâng, rồi lấy sào cao treo ngược thây ở đỉnh núi Vân Trung. Thủ cấp Vân đưa tới, vua sai đem treo ở chợ búa ba hôm. Lại truyền cho các tỉnh từ Quảng Nam trở vào Nam và từ Quảng Trị trở ra Bắc treo ba hôm, sau đâm nát quẳng xuống hố xí. Mộ của tổ phụ Vân, (vua) sai người đào hài cốt ném xuống sông. Con Vân là Lôi đưa về Kinh xử trị, còn gia quyến và đồng đảng Vân đều bị giết hết, không còn sót mống nào [5].

Theo nhiều nhà nghiên cứu, thì cuộc nổi dậy Nông Văn Vân đến đây (tháng 3 âm lịch năm 1835) là kết thúc.

Mặc dù cuộc nổi dậy kéo dài không lâu (non 2 năm), nhưng theo một số nhà nghiên cứu, thì Nông Văn Vân quả là một thủ lĩnh có tài, bởi ông đã lôi kéo được đông đảo các tù trưởng và nhân dân các dân tộc thiểu số cùng theo, khéo lợi dụng địa thế rừng núi hiểm trở trong tấn công và phòng ngự, như lời của sử gia Trần Trọng Kim: Nông Văn Vân nhân được chỗ mường mán lắm núi rừng, bèn chia quân đi tản ra mọi nơi, tìm chỗ hiểm yếu trong núi rừng mà ẩn nấp. Hễ có quan quân đến, đánh được thì tiến, không đánh được thì lui, cứ ra vào, lui tới không nhất định. Quan quân đi đánh thật là khó nhọc và lại hao binh tổn tướng rất nhiều.

V. Mối quan hệ:
5.1 Với Ba Nhàn, Tiền Bột:
Đầu năm 1834, từ Trung Quốc trở về, để tăng sức mạnh và cũng để phân tán lực lượng của quân triều, Nông Văn Vân ngầm liên kết với hai thủ lĩnh cuộc nổi dậy ở Sơn Tây là Lê Văn Bột (Tiền Bột) và Nguyễn Văn Nhàn (Ba Nhàn). Sự kiện này được sử nhà Nguyễn là Quốc triều sử toát yếu chép như sau:
Năm Giáp Ngọ (1834), tháng 6 (âm lịch)...Tướng giặc tỉnh Sơn Tây Lê Văn Bột, Nguyễn Văn Nhờn theo lời nghịch (Nông Văn) Vân tụ đảng hơn 6,7 ngàn người,...Tỉnh thần đem việc phi tâu lên. Ngài (Minh Mạng) dụ quan Tổng đốc Hà Ninh là Đoàn Văn Trường, Tổng đốc Ninh Thái là Nguyễn Đình Phổ, với Lê Văn Đức bốn mặt hội lại đánh giặc...[tr. 235]
Theo sách Bắc Kỳ tiễu phỉ (Quyển 50), thì Ba Nhàn và Tiền Bột định đưa quân lên Tuyên Quang cả thảy 2 lần để hiệp đồng với Nông Văn Vân, nhưng đều không thực hiện được.

5.2 Với Lê Văn Khôi:
Nông Văn Vân là anh vợ của với Lê Văn Khôi. Khi cuộc binh biến ở thành Phiên An nổ ra, vua Minh Mạng liền ban mật dụ cho các quan tỉnh Cao Bằng là phải tìm bắt cho được vợ con và thân thích của Lê Văn Khôi. Cuộc truy nã kéo dài ngót ba tháng, hàng trăm người lần lượt đã bị bắt nhốt. Ngoài ra, nhà vua cũng ra lệnh đón chặn các đường biển và đường núi, không cho quân nổi dậy cùng vũ khí từ Gia Định kéo ra Bắc và ngược lại...

Sau khi nghiên cứu Tộc phả Bế-Nguyễn và một số tư liệu khác, bước đầu GS. Nguyễn Phan Quang đã đưa ra một ý kiến như sau:
Kế hoạch phối hợp nổi dậy giữa Lê Văn Khôi và Nông Văn Vân đã được ghi trong "Bản triều bạn nghịch liệt truyện" của Kiều Oánh Mậu và trong một số truyền thuyết ở Cao Bằng...Cả hai ông đã thống nhất một ý đồ chung là phát động cuộc nổi dậy đồng thời trong phạm vi cả nước nhằm lật đổ triều Nguyễn...Rõ ràng không phải Lê Văn Khôi nổi dậy chỉ nhằm mục đích trả thù cho Lê Văn Duyệt, càng không phải vì thân thuộc của Lê Văn Khôi ở Cao Bằng bị truy nã mà nổ ra cuộc nổi dậy Nông Văn Vân...Ý đồ trên đây đã chuẩn bị từ lâu và được xúc tiến khẩn trương khi Minh Mạng lên ngôi...[tr. 253].

Chú thích:
[1] Vân Trung ở phía tây huyện Để Định (tức Bảo Lạc) thời Nguyễn. Nơi đây núi non trùng điệp quanh co, lam khí luôn bốc lên như ở trong mây, nên gọi thế (Đại Nam dư địa chí ước biên, tr. 488). Ngày nay, Vân Trung là thị trấn của huyện Bảo Lạc, nằm trên ngã ba sông Neo và sông Gâm. Hồi làm Tri châu ở đây, Nông Văn Vân đã cho xây dựng tư thất, công đường ở khu vực nay là cửa hàng bách hóa và doanh trại của huyện đội.
[2] Theo Đại Nam dư địa chí ước biên (tr. 487) thì Ngọc Mạo ở phía tây huyện Để Định (tức Bảo Lạc) thời Nguyễn. Đây là một vùng bằng phẳng thoáng rộng, ước chừng hai ngàn mẫu, giữa có ngọn núi (núi Ngọc Mạo) giống hình chiếc mũ, nên gọi thế. Ngày nay, Ngọc Mạo là xã Đồng Mu (Mu: tiếng Tày có nghĩa là cái mũ).
[3] Khi nghe lực lượng hùng hậu của tướng Lê Văn Đức và tướng Nguyễn Công Trứ đang tiến đến Bảo Lạc, để làm phân tán quân triều, quân nổi dậy ở Thái Nguyên liền kéo sang đánh chiếm đồn Trinh (nay thuộc xã Vinh Quang, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang) ngày 25 tháng 10 (âm lịch) năm 1833, đuổi quân triều chạy đến đèo Bụt (nay thuộc xã Vĩnh Yên, huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang). Buộc vua Minh Mạng phải ra lệnh cho Nguyễn Công Trứ cử quân xuôi sông Gâm đánh lấy lại đồn Trinh. Đây là một trong những trận đánh lớn của quân nổi dậy.
[3] Trích trong Quốc triều sử toát yếu (phần Chính biên, tr. 216-217) và Đại Nam chính biên liệt truyện (truyện "Lê Văn Đức", tr. 394). Phần Nguyễn Công Trứ bị xử ra sao chưa tra được.
[4] Sau, Quang Tiến trốn ra đầu thú, nói là mình chỉ trá hàng, song vẫn bị triều đình xử chết (Đại Nam chính biên liệt truyện, tr. 1042).
[5] Việt Nam sử lược chép vắn tắt: “Văn Vân chạy ẩn vào rừng. Phạm Văn Điển bèn vây 4 mặt, rồi phóng hỏa đốt rừng, Văn Vân bị chết cháy” (tr. 444). Ở đây chép theo Đại Nam chính biên liệt truyện (tr. 1051-1052) vì chi tiết hơn.

Sách tham khảo:
■Quốc sử quán triều Nguyễn (Cao Xuân Dục làm tổng tài), Đại Nam chính biên liệt truyện. Nhà xuất bản Văn học, 2004.
■Quốc sử quán triều Nguyễn (Cao Xuân Dục làm tổng tài), Quốc triều sử toát yếu(Tiền biên và Chính biên). Nhà xuất bản Văn học, 2002.
■Quốc sử quán triều Nguyễn (Cao Xuân Dục làm tổng tài), Đại Nam dư địa chí ước biên. Nhà xuất bản Văn học, 2003.
■Trần Trọng Kim, Việt Nam sử lược. Nhà xuất bản Tân Việt, Sài Gòn, 1968.
■Phạm Văn Sơn, Việt sử tân biên (Quyển 4). Tủ sách Sử học Việt Nam xuất bản, Sài Gòn, 1961.
■Nguyễn Phan Quang, Việt Nam thế kỷ XIX (1802-1884). Nhà xuất bản Thành phố Hồ Chí Minh, 2002.
■Nguyễn Phan Quang, Lịch sử Việt Nam (1427-1858), Quyển 2, Tập 2. Nhà xuất bản Giáo Dục, 1977.

Chủ Nhật, 15 tháng 5, 2011

Khi không biết làm gì…



1.
Vốn sống mình như mảng rong rêu,
Sợ lập lại những gì đã nói…

Hơn mươi năm
Bị níu nơi ồn ào, bụi khói
Bán buôn ở đó. Làm thơ ở đó
Thi thoảng ngó mong,
Chờ gió.

Mỗi khi không biết làm gì
Tôi thường ngó lên những ô cửa sổ
Mường tượng nếu không có nó,
Người ta ngột ngạt như thế nào
Có thể, ngột ngạt cả chiêm bao
Cả mùa xuân đã mất…

Mỗi khi không biết làm gì
Tôi thường dõi theo những khuôn mặt
Lẫn dòng xe cộ ngược xuôi
Thử đoán họ đến đâu,
Cần chi mà tất bật ?…

2.
Đôi khi. Đang viết bất chợt dừng
Có gì cộm lên trong thân cá hộp
Đôi khi.
Muốn mà không thể hát
Cho những gánh đời nổi nênh …

Đôi khi. Như là dòng nhỏ không tên
Len lỏi mát cánh đồng nhọc nhằn của cha, của mẹ
Nơi nẻo khuất có người chị trẻ
Thường về - ế ẩm trái, hoa
Nơi bếp chiều của người bỏ đi xa
Lấy chồng “ngoại” gấp ba số tuổi
(nghe đâu của tiền thừa thãi,
Tình riêng như tảng băng chìm)

*

Tôi biết, phải đứng lên
Quét vỉa hè bẩn chật…

Bùi Thụy Đào Nguyên

Thứ Hai, 9 tháng 5, 2011

Trường Lũy Quảng Ngãi


Một đoạn Trường Lũy

Trường Lũy Quảng Ngãi (gọi tắt là Trường Lũy), hay Trường Lũy Quảng Ngãi-Bình Định, Tĩnh Man trường lũy (gọi theo sử Nguyễn); đều là tện gọi của một công trình kiến trúc lớn, đa dạng, nhiều phần được làm bằng đá hoặc đất, chạy dọc theo miền thượng đạo Quảng Ngãi-Bình Định, bắt đầu từ huyện Trà Bồng (Quảng Ngãi) đến huyện An Lão (Bình Định) thuộc Việt Nam [1]. Theo nhiều nhà nghiên cứu, thì đây là một trường lũy dài nhất Đông Nam Á, và đã được các chúa Nguyễn cho khởi xây từ thế kỷ 17. Song, lúc bấy giờ chỉ là những đồn canh và đoạn lũy ngắn, phải đến sau 1819 (năm Lê Văn Duyệt xin dựng), thì nó mới thật sự trở thành một “trường lũy” có tầm vóc. Cho nên nói rằng Lê Văn Duyệt là người khởi công xây dựng "Trường Lũy Quảng Ngãi" như sử Nguyễn đã chép, xét cũng không có gì mâu thuẫn.

1. Nguyên nhân, năm khởi dựng:
Trước triều đại nhà Nguyễn, vì nhiều nguyên nhân, một số dân tộc ở Đá Vách (Quảng Ngãi, phần đông là tộc người H’rê) đã nổi lên chống đối triều đình. Tuy nhiên, việc chống đối này trở nên quyết liệt hơn kể từ khi vua Gia Long lên ngôi. Sách “Quốc triều sử toát yếu” (phần Chính biên) chép:
“Tháng 4 năm Quý Hợi (1803), Lê Văn Duyệt phá tan mọi Đá Vách. Ngài (Gia Long) hạ chiếu khen thưởng” [tr. 81].

Mặc dù vậy, vẫn không sao tiêu diệt được. Sách “Đại cương lịch sử Việt Nam” (Quyển I) có đoạn:
... “Bị đàn áp, quân Vách Đá rút vào rừng, rồi tiếng tục hoạt động suốt thời Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị,...Nhiều binh tướng triều đình bị sát hại. Cho đến trước cuộc xâm lược của thực dân Pháp, những cuộc đánh phá của người Đá Vách vẫn tiếp tục, buộc triều đình Tự Đức luôn luôn lo lắng” [tr. 462].

Để chặn đứng nguy cơ "bị uy hiếp, tràn lấn của ác man Đá Vách", năm Gia Long thứ 18 (1819), Tả quân Lê Văn Duyệt xin đắp "lũy Bình Man" (nay gọi là Trường Lũy Quảng Ngãi, vì phần lớn lũy nằm trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi) và được vua chấp thuận. Sách “Vũ Man tạp lục thư” (được khắc in năm 1898 dưới triều vua Thành Thái) của Tĩnh Man tiễu phủ sứ Nguyễn Tấn, chép:
“Năm Gia Long thứ 18 (1819), Lê Văn Duyệt tâu xin xây Trường lũy, nam giáp ranh giới huyện Bồng Sơn, tỉnh Bình Định; bắc giáp ranh giới huyện Hà Đông (thuộc phủ Tam Kỳ), tỉnh Quảng Nam. Dọc theo lũy có đào hào trồng tre, trước lũy là vùng Man, sau lũy có xây đồn”...[Dẫn lại theo Việt Nam thế kỷ XIX (tr. 216-217)]

Tương tự, sách “Viêm Giao trưng cổ ký” (Ghi chép sưu tập di tích cổ nước Nam) của Tổng tài Quốc sử quán Cao Xuân Dục, hoàn thành năm 1900, chép:
Năm thứ 18 (1819), Chưởng Tả quân Lê Văn Duyệt đắp Trường lũy, trồng hàng rào, đào hào chắn [tr. 194.].

Tuy nhiên, theo một số nhà nghiên cứu gần đây, thì Trường Lũy đã được các chúa Nguyễn cho khởi xây từ thế kỷ 17. GS Phan Huy Lê nêu ý kiến:
Theo ghi chép của sử sách thì người xây dựng đầu tiên là tướng Lê Văn Duyệt, sau đó là tướng Nguyễn Tấn, hai người đều quê Quảng Ngãi. Như vậy thì sử chép Trường Lũy chỉ xây dựng trong thời Gia Long - Minh Mạng, nhưng kết quả khai quật đã cho thấy các lũy này được xây dựng vào thế kỷ 17. Các mảnh gốm tìm được có xuất xứ từ nước ngoài, rồi có cả gốm sứ ở Quảng Ngãi, gốm Bát Tràng, gốm phía Bắc. Điều này cho chúng ta thấy lịch sử của Trường Lũy này không chỉ có dưới thời nhà Nguyễn. Lũy này có lịch sử lâu dài, là kết quả của sự xây đắp và tu bổ qua nhiều đời [2].

Tin theo đây, thì Tả quân Lê Văn Duyệt chỉ là là người có công tu sửa và bồi đắp thêm lũy cổ, và công việc này về sau còn phải làm nhiều lần. Tra trong “Viêm Giao trưng cổ ký” thấy có đoạn:
Trải lâu năm lũy bị đổ nát, nhiều toán quân Man vượt quan lũy đến cướp bóc các làng dưới xuôi. Năm Tự Đức thứ 8 (1855), trùng tu Trường lũy [tr. 195].

Tra trong “Đại Nam thực lục” (Tập 28), cũng thấy có thông tin đại ý như sau:
Tháng 4 năm Bính Thìn (1856), “dân hơn 60 xã, thôn, trại, ấp ở ba huyện Bình Sơn, Chương Nghĩa (nay là Tư Nghĩa), Mộ Đức ủy người về kinh (Huế) kêu xin, vì tình hình khổ quá, (mà) phải đi đắp đê dài..., công việc quá nặng, khó gánh chịu nổi”. Tháng 3 năm sau (1857), bố chính Quảng Ngãi là Phạm Tỉnh lại tâu xin đắp “Trường lũy” một cách quy mô, tập trung ngót 2500 binh lính và huy động dân đinh ba huyện 3700 người. Tự Đức đồng ý, lại còn ra lệnh khẩn trương sửa đắp xong trong trong ba tháng [tr. 224 và 838]

2. Kích thước, địa thế, cấu tạo:
Trường Lũy Quảng Ngãi, các tài liệu ghi không thống nhất. Theo “Đại Nam thực lục” thì lũy có chiều dài là 117 dặm, còn sách “Viêm Giao trưng cổ ký” thì ghi là 177 dặm [3]. Sở dĩ có sự khác biệt này, có lẽ là do độ dài của Trường Lũy ở thời điểm được ghi chép.

Song, trong các công bố gần đây, độ dài của công trình vẫn còn nhiều khác biệt:
-Sau nhiều năm nghiên cứu (2005-2010), tại Hội nghị thông báo khảo cổ học năm 2010 tại Hà Nội, đoàn khảo sát thuộc Trường Viễn Đông Bác cổ của Pháp, Viện Khảo cổ học (Hà Nội), đã cho biết độ dài của lũy từ Ba Tơ vào đến Bình Định là 300 km, riêng đoạn thành chạy trên đất Bình Định là 30 km.
-Theo bài viết "Sức hút kỳ lạ từ Trường Lũy" trên báo Pháp luật (bản điện tử) thì Trường Lũy chỉ dài 133 km.
-Theo TS. Nguyễn Tiến Đông (Viện Khảo cổ học Việt Nam), thì Trường lũy có chiều dài xấp xỉ 200 km.

Về mặt địa thế, lũy nằm theo con đường thượng đạo Bắc Nam, nơi từng là lộ trình cho các cuộc hành quân lịch sử thời xưa. Như vào năm 1786, khi quân Tây Sơn kéo từ Thị Nại ra đánh lấy Phú Xuân, họ đã dùng con đường thượng đạo này để di chuyển mà không bị cản trở như ở hạ nguồn vì nơi đó có những cửa sông lớn chắn lối.

Về cấu tạo, Trường Lũy đắp bằng đất và đá (to bằng đầu người), cao 2m, dày 1,5m, phía ngoài có hào sâu rộng trên 3m và một hàng rào tre gai. Khảo sát bờ Trường Lũy chạy qua La Vuông (Bình Định) còn khá nguyên vẹn, thì thấy lũy có dáng hình thang, chân rộng 4-5m, mặt thành 2-3m có thể đi lại tuần tra thuận tiện. Tuy đây là một ranh giới nhưng không phải là một ranh giới đóng kín. Lũy cắt ngang qua nhiều sông, suối. Mỗi chỗ cắt ngang lại có một cổng, do một đồn bảo canh gác điều hành việc đi lại giữa cộng đồng người Việt và người H’rê.

Song cái đáng chú ý của Trường Lũy không chỉ ở độ dài, mà còn vì công trình được đắp hoàn toàn trên một địa hình rất khó khăn và phức tạp, gần như theo địa hình, hướng thành không theo một hướng nào nhất định, khi thì trên đỉnh núi, khi thì sườn đồi, dọc theo suối. Phải là người uyên bác mới tính toán được vậy, và phải tốn biết bao công sức của bao thế hệ người Việt mới được vậy.

3. Lịch sử sơ lược:
Sách “Viêm Giao trưng cổ ký” của Tổng tài Quốc sử quán Cao Xuân Dục, đã kể về lịch sử của Trường Lũy như sau:
Trường lũy người Man ở cách tỉnh thành 23 dặm về phía tây. Phía bắc lũy giáp huyện Hà Đông (thuộc phủ Tam Kỳ) tỉnh Quảng Nam, phía nam giáp huyện Bồng Sơn tỉnh Bình Định. Lũy dài 177 dặm. Xét: Một dải dọc theo ranh giới xung quanh tỉnh thành trước nay thường có bọn ác man Thạch Bích ngang ngạnh hoành hành. Hồi đầu dựng nước đã lập ra 6 đạo binh lính bám sát địa phương để phòng thủ.
Năm Gia Long thứ 3 (1804) lập ra 6 kiên cơ đạo Bình Man. Năm thứ 18 (1819), Chưởng Tả quân Lê Văn Duyệt đắp Trường lũy, trồng hàng rào, đào hào chắn. Bên trong thiết lập 115 đồn bảo, mỗi đồn đóng 18 lính, tổng cộng 1.150 người. Lại lấy các xã thôn thượng du của 3 huyện đặt làm 27 lân theo binh lính của 6 Kiên cơ tiến hành phòng thủ...Mỗi lân đặt ra chức Cai lân, Phó lân để cai quản.
Năm Minh Mạng thứ 3 (1822), đổi 6 Kiên cơ thành 6 cơ Tĩnh Man, xây thêm đồn bảo vệ, thành 117 đồn. Năm thứ 17 (1836), trích cơ thứ 6 ra lập thành vệ Nhất Quảng Ngãi, tùy theo tình hình địa bàn mà bổ sung thêm cho 5 cơ còn lại để tiện cho kế hoạch ứng phó. Năm thứ 20 (1830), chuyển giao cho Lãnh binh của tỉnh quản lãnh công việc này.
Sang đời Thiệu Trị, cắt giảm số đồn xuống chỉ còn 56 đồn, số lính của 5 cơ là 2.150 người, mỗi cơ đặt ra một viên Chánh Quản cơ và một viên Phó Quản cơ, mỗi đồn đặt một viên Suất đội, đóng ở các cửa tấn để phòng thủ, tất cả do viên Lãnh binh cai quản chung.
Trải lâu năm lũy bị đổ nát, nhiều toán quân Man vượt quan lũy đến cướp bóc các làng dưới xuôi. Năm Tự Đức thứ 8 (1855), trùng tu Trường lũy. Năm thứ 9 (1856), chia đặt ra 80 đồn, bổ sung thêm binh lính thành 8 cơ, chia thành 3 ban, cứ 2 tháng thay phiên nhau một lần. Năm thứ 10 (1857), đặt chức Tuần phủ 1 viên, về sau lại bãi. Năm thứ 16 (1863), đặt chức Tiễu phủ 1 viên, Phó lãnh binh 1 viên để khi có xảy ra việc thì cùng bàn bạc với nhau mà giải quyết. Năm thứ 17 (1864), lại đổi 8 cơ thành 6 cơ, mỗi cơ 10 đội, lại kén tuyển lính chiến thành 1 vệ, vệ có 12 đội, chiêu mộ 5 đội Nghĩa Hùng, 2 đội Tĩnh Man, đặt 3 đồn lớn Tĩnh Man, còn các cơ đồn khác tùy xét mà cắt giảm. Những nơi xung yếu thì do binh lính của cơ đóng giữ, nơi dễ dàng hơn thì do dân của các lân canh giữ. Hiện nay chỉ còn 47 đồn nhỏ, 3 đồn lớn, tổng cộng 50 đồn [tr. 194-195.].

4. Vai trò của Trường Lũy đối với nhà Nguyễn:
Trường lũy xưa, triều Nguyễn xây dựng mang tính chất phòng vệ, song hiệu quả không cao, vì “quân Đá Vách dùng lối đánh du kích ẩn hiện khó lường, mà quân triều từ nơi khác đến đóng giữ lâu ngày không quen thủy thổ”, và vì họ đều có “tài nghệ chiến đấu” . Tướng Nguyễn Tấn trong “Vũ Man tạp lục thư”, kể:
Người Man ở tỉnh tôi, tính tình hung hãn, đi đứng chạy nhảy lanh lẹ, đến như luồng điện sáng, đi tựa ánh chớp. Dựa vào nơi hiểm yếu, bắn tên phóng lao, đó là môn sở trường của họ vậy...Trước đây quan binh đã từng bị chúng đánh thua, và chẳng phải là một lần mà thôi [tr. 219 và 220.].

Rút lại, theo GS. Nguyễn Phan Quang trong Việt Nam thế kỷ XIX, thì:
Trải qua các triều vua từ Gia Long đến Tự Đức, “lũy bình Man” liên tiếp được củng cố, đồn bảo trên lũy liên tiếp được sửa đắp, tăng cường, nhưng triều Nguyễn vẫn không sao đè bẹp được cuộc đấu tranh của các dân tộc Đá Vách. Ngay tác giả "Vũ Man tạp lục thư" cũng đã thú nhật sự bất lực của Trường lũy: "...Kế sách phòng bị quá chu đáo, chặt chẽ, không gì lọt qua được, tuy nhiên không có gì tốt hơn là giữ được (lòng) người vậy" [tr. 220].

5. Được trong và ngoài nước chú ý:
Ngày 27 tháng 3 năm 2011, đoàn đại sứ các nước Châu Âu gồm: Pháp, Ba Lan, Hungary, Anh, Hy Lạp, Romania và Trưởng phái đoàn EU tại Việt Nam Sean Doyle cùng các nhà khoa học nước ngoài cùng UBND tỉnh Quảng Ngãi đã tổ chức hội thảo “Lịch sử quan hệ kinh tế và dân tộc” về di tích quốc gia Trường Lũy Quảng Ngãi.

Tại hội thảo, tham luận của các nhà khoa học đều thống nhất rằng:
-Trường Lũy không những chỉ có nhiệm vụ bảo vệ an ninh và quản lý nội địa; mà còn tạo điều kiện cho giao thương, mua bán giữa đồng bào miền ngược và miền xuôi, giữa miền núi và miền biển.
-Công trình không chỉ có ý nghĩa lớn về giá trị kinh tế, văn hóa, xã hội, là đường ranh giới đảm bảo về sự ổn định và hòa bình, là nơi giao thương mà còn có giá trị lớn về mặt quân sự, là cơ sở để quản lý, tạo mối quan hệ hòa hợp, gắn kết giữa cộng đồng các dân tộc.
Hiện nay, tỉnh Quảng Ngãi đã thống nhất giữ nguyên hiện trạng Trường Lũy trên cơ sở lấy Trường Lũy làm tâm, dọc theo hai bên lũy 500m là khu vực di tích.
Theo kỳ vọng của ngành chức năng, với di tích Trường Lũy, không chỉ là việc nghiên cứu mà còn tạo ra cơ hội về du lịch. Những cư dân sống dọc Trường Lũy sẽ có cơ hội về công ăn việc làm

Ngày 10 tháng 3 năm 2011, Trường Lũy Quảng Ngãi đã chính thức được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng là di tích cấp Quốc gia.

Bùi Thụy Đào Nguyên, giới thiệu.
Chú thích:
[1] Trường Lũy chạy dọc theo dãy Trường Sơn, đi qua địa phận 6 huyện thuộc Quảng Ngãi, gồm: Trà Bồng, Sơn Tịnh, Sơn Hà, Tư Nghĩa, Minh Long, Nghĩa Hành, Ba Tơ, Đức Phổ; và 2 huyện thuộc Bình Định, gồm: Hoài Nhơn, An Lão).
[2] Trích trong bài viết "Giải mã Trường lũy dài nhất Đông nam Á" trên báo Thể thao Văn hóa (bản điện tử)
[3] nếu tính 1 dặm là 444,44m (số đo cổ được áp dụng thời Nguyễn) thì 117 dặm chỉ hơn 50 km. Nếu là 177 dặm thì chưa đầy 80 km.

Tài liệu tham khảo:
-Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, Tập 28 (bản dịch). Nhà xuất bản Sử học và Nhà xuất bản Khoa học xã hội hợp tác ấn hành, Hà Nội, 1962-1972.
-Quốc sử quán triều Nguyễn, Quốc triều sử toát yếu (phần Chính biên, bản dịch). Nhà xuất bản Văn học, 2002.
-Cao Xuân Dục, Viêm Giao trưng cổ ký (bản dịch). Nhà xuất bản thời đại, 2010.
-Trương Hữu Quýnh-Phan Đại Doãn-Nguyễn Cảnh Minh, Đại cương lịch sử Việt Nam (Tập I). Nhà xuất bản Giáo dục, 2007.
-Nguyễn Phan Quang, Việt Nam thế kỷ XIX (1802-1884). Nhà xuất bản Thành phố Hồ Chí Minh, 2002.