Hình ảnh

Hình ảnh

Thứ Bảy, 26 tháng 3, 2011

Ni sư Diệu Nhân


Diệu Nhân (1042 [1]-1113), là Công chúa nhà Lý; và sau khi xuất gia, bà là người đứng đầu thế hệ thứ 17 của Thiền phái Tì-ni-đa-lưu-chi thời nhà Lý trong lịch sử Việt Nam.

I.Tiểu sử:
Thiền sư (hay ni sư, sư bà) Diệu Nhân trước khi xuất gia có tên là Lý Ngọc Kiều hay Lý Thị Ngọc Kiều. Bà là con gái lớn của Phụng Càn vương Lý Nhật Trung (con vua Lý Thái Tông).
Thuở nhỏ, bà được vua Lý Thánh Tông nuôi ở trong cung, lớn lên được phong làm Công chúa. Khoảng năm 1058, bà được nhà vua gả cho châu mục Chân Đăng [2] họ Lê (không rõ tên). Chồng mất, bà tự nguyện thủ tiết không chịu tái giá.
Theo Thiền sử thì một hôm bà than rằng: "Ta xem tất cả các pháp trong thế gian đều như mộng ảo, huống gì là những thứ vinh hoa phù phiếm mà có thể trông cậy được sao?". Sau đó, bà đem cho hết các đồ trang sức, đến xin xuất gia (thọ Bồ-tát giới) với Thiền sư Chân Không ở làng Phù Đổng, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh (nay thuộc huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội).
Thuận theo thỉnh nguyện của bà, nhà sư Chân Không xuống tóc cho, ban hiệu là Diệu Nhân và cho phép bà tu học tại ni viện Hương Hải ở làng Phù Đổng.
Hằng ngày, ni sư Diệu Nhân gìn giữ giới luật và hành thiền, được tăng chúng thời bấy giờ xem trọng. Theo sử liệu, thì bà là người đứng đầu thế hệ thứ 17 của thiền phái Tì-ni-đa-lưu-chi thời nhà Lý.
Ngày mùng 1 tháng 6 năm Hội Tường Ðại Khánh năm thứ 4 (1113), đời vua Lý Nhân Tông, ni sư Diệu Nhân lâm bệnh, gọi tăng chúng đến đọc kệ (thị tịch). Sau đó, ni sư gội tóc, tắm rửa sạch sẽ, ngồi kiết già mà viên tịch, thọ 72 tuổi.
Cuộc đời của ni sư Diệu Nhân, đã được sách Đại Việt sử ký toàn thư chép gọn như sau:
Quý Tỵ, [Hội Tường Đại Khánh] năm thứ 4 [1113]...Mùa hạ, tháng 6, phu nhân của châu mục Châu Đăng là công chúa họ Lý mất. Phu nhân tên là Ngọc Kiều, con gái lớn của Phụng Càn vương, được (vua) Thánh Tông nuôi ở trong cung, lớn lên phong làm công chúa, gả cho châu mục Châu Chân Đăng là người họ Lê, chồng chết, phu nhân tự thề ở góa, đi tu làm sư nữ, đến đây mất, thọ 72 tuổi. (Vua) Thần Tông tôn làm Ni sư [2].

II. Yếu lý và kệ thị tịch:
Những năm tu hành tại ni viện Hương Hải, những ai muốn cầu học, ni sư Diệu Nhân thường đem tâm yếu Đại thừa ra chỉ dẫn và dạy rằng: Chỉ trở về nguồn tự tính thì dù phương pháp "đốn” (tức khắc) hay “tiệm" (từ từ) đều có thể từ đó mà thể nhập. Hãy luôn tĩnh lặng trong sạch, tránh xa thanh sắc, ngôn ngữ.
Ni sư cũng từng bộ bạch với học trò rằng Kinh Kim cương là bộ kinh chủ yếu dắt dẫn quá trình tu tập của bà.
Khi có người hỏi về một câu trong Kinh Duy Ma Cật: Tất cả chúng sinh bệnh, nên ta cũng bệnh, vậy sao gọi là khi nào cũng tránh xa thanh sắc?
Ni sư đáp:
Nhược dĩ sắc kiến ngã
Dĩ âm thanh cầu ngã
Thị nhân hành tà đạo
Bất năng kiến Như Lai.
Có nghĩa là:
Nếu dùng sắc thấy ta,
Dùng âm thanh cầu ta,
Người ấy hành đạo tà,
Không thể thấy Như Lai.
Lại hỏi: "Ngồi yên là thế nào?". Ni sư đáp: "Xưa nay vốn không đi".
Lại hỏi: "Không nói là thế nào?". Ni sư đáp: "Đạo vốn không lời".

Mấy câu trên có thể tạm hiểu là nếu lấy thanh và sắc mà cầu Phật thì là theo "tà đạo", bởi vì "Đạo vốn không lời", người tu hành "xưa nay không đi", phải ngồi tĩnh lặng suy tư.
Như phần trên đã nói, trước khi viên tịch ni sư Diêu Nhân có bài kệ thị tịch (bài kệ dặn dò trước lúc mất) bằng chữ Hán, phiên âm ra như sau:
Sinh lão bệnh tử,
Tự cổ thường nhiên.
Dục cầu xuất ly,
Giải phọc thiêm triền.
Mê chi cầu Phật,
Hoặc chi cầu [[Thiền tông|Thiền.
Thiền Phật bất cầu,
Đỗ khẩu vô nghiên (ngôn).

Dịch nghĩa:
Sinh, già, bệnh, chết,
Từ xưa thường vậy.
Muốn tìm thoát ly,
Cởi thêm trói buộc.
Mê mới tìm Phật,
Lầm mới cầu Thiền.
Thiền Phật chẳng tìm,
Ngậm miệng không nói.

Đại ý, bài kệ này khẳng định một quy luật tự nhiên: “sinh, lão, bệnh, tử”. Để thấy muốn đi ngược lại quy luật này là một sự sai lầm. Từ đó, đả phá những con đường mòn làm cho người ta mê muội là cầu Phật, cầu Thiền; nhằm thức tỉnh mọi người quay đầu lại với chính mình, sống tự nhiên hòa nhịp cùng quy luật để đạt được sự tự tại trong tâm hồn.
Lối thơ 4 chữ gãy gọn, đanh thép làm cho những phán đoán, những lời cảnh báo, khuyên răn trở nên đầy uy lực, có sức mạnh cảnh tỉnh đối tượng.

Bàn về bài kệ thị tịch, PGS. TS. Trần Thị Băng Thanh viết:
...Diệu Nhân là một nữ sĩ của buổi đầu lịch sử văn học Việt Nam. Đối với những câu hỏi lớn mà các tín đồ đạo Phật thời nào cũng bàn đến như sắc không, sinh tử, mê giác, thịnh suy...Diệu Nhân đã góp thêm một cách nhàn sáng suốt, một thái độ điềm nhiên cứng cỏi, góp phần làm mên tinh thần lạc quan, trí tuệ của văn học thiền thời Lý Trần, mà văn học thiền các giai đoạn sau không còn giữ được...
Hơn một thế kỷ sau, vua Trần Thái Tông sẽ trở lại vấn đề từng đặt ra với sư bà Diệu Nhân. Ông cũng giảng về bốn giai đoạn của một đời người, chỉ dẫn mọi người phương pháp vượt qua từng giai đoạn...Có điều nếu Diệu Nhân mạnh mẽ, quyết liệt, yêu cầu người học đạo phải đạt đến sự giác ngộ từ trong lý trí; thì Trần Thái Tông chiếu cố nhiều hơn đến sư “mê hoặc” của chúng nhân...Ông đặt ra phương pháp tu trì...giúp họ làm phương tiện để sang bờ giác, cho đến thời điểm mà ánh sáng trí tuệ bừng nở khiến họ hiểu "Phật là không mà Tổ cũng là không". Sự khác nhau giữa Diệu Nhân và Trần Thái Tông đã góp phần làm nên một nét khu biệt giữa thiền học đời Lý và đời Trần...[4]

Bùi Thụy Đào Nguyên, giới thiệu
Chú thích:
[1] Căn cứ đoạn chép về bà trong Đại Việt sử ký toàn thư, thì bà sinh năm 1042 (theo PGS. TS. Nguyễn Đăng Na và PGS. TS. Trần Thị Băng Thanh). Có sách chép bà sinh năm 1041 (Thiền sư Việt Nam của Thích Thanh Từ).
[2] Châu Chân Đăng là một vùng đất thuộc tỉnh Phú Thọ ngày nay (chú thích của PGS. TS. Trần Thị Băng Thanh, tr. 76).
[3] Đại Việt sử ký toàn thư (Tập I, bản dịch, tr. 300).
[4] Trần Thị Băng Thanh, "Lý Ngọc Kiều - Từ cô công chúa...đến sư bà Diệu Nhân" in trong sách Gương mặt Thăng Long, tr. 82-83.

Sách tham khảo:
-Ngô Sĩ Liên, Đại Việt sử ký toàn thư (Tập I, bản dịch). Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1983.
-Khuyết danh, Thiền uyển tập anh ngữ lục (bản dịch của Ngô Đức Thọ và Nguyễn Thúy Nga). Nhà xuất bản Văn học, Hà Nội, 1990.
-Thiền sư Thích Thanh Từ, Thiền sư Việt Nam. Thành hội Phật giáo Thành phố Hồ Chí Minh, 1992.
-PGS. TS. Nguyễn Đăng Na, Văn học thế kỷ X-XIV. Nhà xuất bản Khao học Xã hội, Hà Nội, 2004.
-PGS. TS. Trần Thị Băng Thanh, "Lý Ngọc Kiều - Từ cô công chúa...đến sư bà Diệu Nhân" in trong Gương mặt Thăng Long (GS. Nguyễn Huệ Chi chủ biên). Nhà xuất bản Hà Nội, 2010.
-Đoàn Thị Thu Vân, Thơ thiền Lý Trần. Hội nghiên cứu giảng dạy văn học Thành phố Hồ Chí Minh cùng nhà xuất bản Văn Nghệ Thành phố Hồ Chí Minh hợp tác ấn hành năm 1998.

Thứ Năm, 24 tháng 3, 2011

Nhà thơ Thái Thuận thời Hậu Lê




Thái Thuận (1441-?), tự: Nghĩa Hòa, hiệu: Lục Khê, biệt hiệu: Lã Đường; là nhà thơ Việt Nam thời Hậu Lê.


Ông sinh ra trong một gia đình bình dân ở thôn Đoài, tổng Liễu Lâm, phủ Siêu Loại, thừa tuyên Kinh Bắc (nay thuộc xã Song Liễu, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh).

Thuở trai trẻ, có thời ông làm lính dạy voi, về sau mới đi học. Năm Ất Mùi (1475), đời Lê Thánh Tông, ông thi đỗ Tiến sĩ.

Ban đầu, ông làm quan ở Viện Hàn lâm trải 20 năm; sau giữ chức Tham chính sứ Hải Dương, và được cử đi công cán qua các vùng Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị, Thuận Hóa...

Ông là người có đạo đức, lại có tài văn chương, được người đương thời rất kính trọng. Vì vậy, ông được vua Lê Thánh Tông cho dự chức Tao đàn Sái phu (sau thăng Tao đàn phó nguyên súy) trong Hội Tao Đàn do chính nhà vua thành lập năm 1495.

Nhà thơ Thái Thuận mất năm nào không rõ.

Sinh thời, ông sáng tác hàng nghìn bài thơ chữ Hán, nhưng chưa soạn thành tập. Sau khi ông mất, người con là Thái Đôn Khác và người học trò là Đỗ Chính Mô mới ra công sưu tập được vài trăm bài, viết bài Tựa, đặt tên là Lã Đường di cảo (Bản thảo còn lại của Lã Đường), và hoàn thành vào năm Hồng Thuận thứ 10 (1510) đời vua Lê Tương Dực.

Sau, phần lớn trong trong tập thơ này được trích tuyển trong Toàn Việt thi lục của Lê Quý Đôn (125 bài), và trong Toàn Việt thi lục của Bùi Huy Bích (25 bài).

Tập Lã Đường di cảo hiện nay chỉ còn 264 bài thơ chữ Hán. Gần đây, thơ ông được thi sĩ Quách Tấn tuyển dịch, đặt tên là Lữ đường thi, và đã được nhà xuất bản Văn học ấn hành năm 2001.

Đọc thơ Thái Thuận, vua Lê Thánh Tông từng khen ông là thi sĩ "luôn luôn nổi tiếng ở trường thơ". Các danh sĩ như Lê Quý Đôn, Phan Huy Chú, Ngô Thì Nhậm, Bùi Huy Bích đều xưng tụng ông là "nhà thơ có khuôn thước, phong cách thời Vãn Đường", là "thanh nhã, dồi dào", là "sau tập thơ Giới Hiên của Nguyễn Trung Ngạn, ít khi có thể văn ấy"...

Theo nhiều nhà nghiên cứu gần đây, thì thơ Thái Thuận có phong cách độc đáo, ít khi rơi vào khuôn sáo, thù tạc như thơ ca của nhiều tác giả cùng thời, nhất là những tác giả cung đình. Thơ ông ít có những nét bút hoành tráng, khí phách, tình cảm mạnh mẽ, sắc màu thắm rực như thơ Nguyễn Trãi, cũng ít có giọng khoa trương, tự đắc thường thấy trong thơ Lê Thánh Tông. Thơ ông thanh thoát, bình dị, không màu mè, hoa mỹ, tứ thơ mới mẻ, độc đáo, phóng khoáng giàu chất hiện thực, đậm đà ý vị trữ tình.

Ở đây, giới thiệu hai bài trong tập Lữ Đường thi của Thái Thuận.

1. Cấm trung thu dạ
Phiên âm Hán Việt:
Tỉnh ngô cung diệp cộng tiêu tao,
Toạ giác phù lương đáo thuý bào.
Lãm nhiễu tây phong liêm ảnh động,
Thành lâm bắc đẩu cổ thanh cao.
Tam sinh hương hoả kinh tàn mộng,
Bán thế quang âm cảm nhị mao.
Đăng hạ Uyên Minh thi lãn độc,
Cố hương quy tứ chính thao thao.

Dịch nghĩa:
Đêm thu nơi cung cấm
Lá cây ngô đồng bên giếng trong cung đều buồn bã như nhau,
Ngồi đây cũng biết khí lạnh bên ngoài áo choàng màu thúy.
Câu lơn chạm đeo gió tây, bóng rèm lay động,
Thanh cao ngang sao Bắc Đẩu, tiếng trống lên cao.
Hương lửa ba sinh kinh giấc mộng tàn,
Nửa đời quang âm cảm thương mái đầu hai thứ tóc.
Dưới đèn đọc phiếm thơ Uyên Minh,
Lòng muốn về quê cuồn cuộn tuôn chảy.

Dịch thơ:
Lá cung rụng tiếng ngô đồng,
Phòng tiêu nghe đã lạnh lùng áo xiêm.
Gió tây đoanh lộn bóng rèm,
Thành vươn Bắc đẩu vươn thêm trống thành.
Mộng tàn hương lửa ba sanh,
Quang âm nửa gối, trắng xanh mái đời.
Thơ Đào lửng ngọn đèn côi,
Tấm lòng cố lý sụt sùi khôn ngăn.

2. Sơn thôn tức sự
Phiên âm Hán Việt:
Thảm kính tàn hồng vũ hậu đa,
Cuồng phong do nhiễu vị quy nha.
Bạch đầu dã lão vô xuân tứ,
Nhật mộ môn tiền tảo lạc hoa.

Chuyện xóm núi
Dịch thơ:
Qua mưa, thắm rụng hồng rơi,
Quạ khôn về tổ, gió trời chưa ngưng.
Lão già quê chẳng biết xuân,
Sớm hôm quét lá hoa rừng trước sân.

Bùi Thụy Đào Nguyên, giới thiệu.
Sách tham khảo:
-Bùi Duy Tân, mục từ "Thái Thuận" trong Từ điển văn học (bộ mới). Nhà xuất bản Thế giới, 2004.
-Trần Văn Giáp, Tìm hiểu kho sách Hán Nôm (Tập 1 và Tập 2 in chung). Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2003.
-Nguyễn Hữu Sơn, "Thái Thuận - Từ miền quê Kinh Bắc đến với kinh thành", in trong Gương mặt văn học Thăng Long (Nguyễn Huệ Chi làm chủ biên). Nhà xuất bản Hà Nội, 2010.
-Nhiều người soạn, Từ điển bách khoa Việt Nam, mục từ "Thái Thuận" (bản điện tử).
-Thái Thuận, Lữ Đường thi do Quách Tấn tuyển dịch. Nhà xuất bản Văn học, 2001.

Thứ Bảy, 19 tháng 3, 2011

Hồ Nguyên Trừng và Nam Ông mộng lục

Hồ Nguyên Trừng và Nam Ông mộng lục
I.Tác giả:
Hồ Nguyên Trừng (chữ Hán: 胡元澄, 1374? - 1446?), nguyên họ Lê, tự: Mạnh Nguyên, hiệu: Nam Ông; là nhà kỹ thuật quân sự và là nhà văn Việt Nam ở thế kỷ 15.

Ông là người huyện Vĩnh Phúc, lộ Thanh Hoa (nay thuộc tỉnh Thanh Hóa); là con trai cả của vua Hồ Quý Ly, và là anh của vua Hồ Hán Thương.

Dưới triều nhà Trần, Hồ Nguyên Trừng từng giữ chức Thượng Lân tự, Tư đồ. Đầu năm 1400, cha ông truất ngôi Trần Thiếu Đế, tự lên ngôi vua, lập nên nhà Hồ. Sau đó, Hồ Nguyên Trừng được cử làm Tả tướng quốc.

Năm 1406, lấy cớ "Phù Trần diệt Hồ", vua nhà Minh sai Trương Phụ và Mộc Thạnh mang 80 vạn quân sang đánh nước Việt. Nhiều lần, Hồ Nguyên Trừng được giao nhiệm vụ cầm quân chống lại.

Ngày 12 tháng 5 (âm lịch) năm Đinh Hợi (1407), cả ba cha con ông và người cháu là Hồ Nhuế (con Hồ Hán Thương) đều bị quân nhà Minh bắt tại Kỳ La (Kỳ Anh, Hà Tĩnh), rồi bị áp giải về Kim Lăng (Nam Kinh, Trung Quốc). Kể từ đó, nhà Hồ mất, cả nước Việt rơi vào ách thống trị của nhà Minh.

Biết được Hồ Nguyên Trừng (và Hồ Nhuế) có tài năng, vua Minh Anh Tông cho ân xá, nhưng buộc phải đổi họ khác (vì không thừa nhận gia đình ông là dòng dõi Ngu Thuấn). Vì vậy ở sách Nam Ông mộng lục, tác giả đề tên là Lê Trừng (đổi lại họ Lê như cũ).

Sau, ông chế tạo được súng thần công, nên lại được làm quan ở bộ Công, thăng đến chức Tả thị lang như lời ông đề ở cuối bài Tựa trong quyển Nam Ông mộng lục.

Theo Minh sử, thì Hồ Nguyên Trừng được thăng chức Công bộ Thượng thư (1445) được một năm thì mất, thọ 73 tuổi.

Nguyên văn trong sách như sau (dịch):
Năm thứ 10 (Chính Thống), Kỷ Sửu (đúng ra là Ất Sửu, 1445), Lê Trừng, vương tử An Nam, nhậm chức (Công bộ thượng thư) vào tháng 6, chuyên lo cung cấp các thứ đồ dùng cho nội phủ. Bính Dần (1446), năm thứ 11, tháng 7, Trừng chết.
Sau đó, triều Minh cho con ông là Lê Thế Vinh (trước đó đang làm Chuyển vận sứ ở Diêm vận ty tỉnh Sơn Đông) làm Trung thư xá nhân, tiếp tục lo việc chế tạo quân khí.

Hiện mộ phần Lê Trừng (tức Hồ Nguyên Trừng), Lê Thúc Lâm và Lê Thế Vinh (con Thúc Lâm, cũng làm cho triều Minh) đều ở tại thôn Nam An Hà, thuộc thành phố Bắc Kinh (Trung Quốc) ngày nay [1].

II. Thông tin liên quan:
2.1 Vì một câu đối, không được nối ngôi:
Là con trưởng nhưng Hồ Nguyên Trừng không được cha truyền ngôi cho, chỉ vì một câu đối. Chuyện này được sử thần Ngô Sĩ Liên kể lại như sau:

Năm Canh Thìn (1400), mùa xuân, tháng Giêng, Lê Quý Ly (tức Hồ Quý Ly) lập con là Hán Thương làm thái tử, Trước đây, Quý Ly định lập Hán Thương nhưng chưa quyết, mới mượn cái nghiêng đá mà nói rằng (dịch từ chữ Hán): “Hòn đá lạ bằng nắm tạy này, có lúc làm mây làm mưa để nhuần thấm sinh dân”. Bảo con trưởng là Trừng đối lại xem chí hướng ra sau, Trừng đối lại rằng: “Cây thông nhỏ mới ba tấc kia, ngày sau làm rường làm cột để chống nâng xã tắc”. Bấy giờ ý mới quyết định (truyền ngôi cho Hán Thương) [2].

2.2 Mệnh trời là ở lòng dân:
Cuối năm 1405, Hồ Quý Ly cho triệu tập một cuộc hội nghị đặc biệt để bàn kế chống quân Minh. Khi được hỏi, Hồ Nguyên Trừng đã nói rằng:
Thần không ngại đánh, chỉ sợ lòng dân không theo mà thôi.

Hồ Quý Ly nghe thế liền ban thưởng cho ông một cái hộp trầu bằng vàng. Đây là câu nói nổi tiếng của ông. Sau, sử thần Ngô Sĩ Liên đã có lời khen rằng: Mệnh trời là ở lòng dân. Câu nói của Trừng hiểu được điều cốt yếu đó. Không thể vì cớ họ Hồ mà bỏ câu nói của Trừng được [3].

2.3 Là nhà văn, nhà kỹ thuật quân sự:
Khi sống cuộc đời lưu vong ở Trung Quốc, Hồ Nguyên Trừng đã soạn ra cuốn Nam Ông mộng lục (Chép lại những giấc mộng của Nam Ông), gồm 31 thiên, nhưng hiện chỉ còn 28 thiên. Đây là tập hồi ký chữ Hán đầu tiên và là tác phẩm đầu tiên mở đường cho khuynh hướng viết về “người thực, việc thực” trong văn xuôi tự sự Việt Nam.

Bên cạnh đó, ông còn là nhà kỹ thuật quân sự tài ba. Theo sử liệu, khi còn ở trong nước, do nhu cầu quân sự, ông đã sáng chế và chỉ đạo chế tác súng thần cơ (hỏa pháo cải tiến) và thuyền cổ lâu (thuyền chiến lớn có hai tầng)[4] Cho nên sau này ông được vua Minh thu dụng để lo việc chế tạo súng.

Ngoài ra, ông còn là người lo việc đắp những con đê lớn, đào một số kênh và vét lại một số con sông nhằm phục vụ các hoạt động về giao thông, thủy lợi và quân sự. Đặc biệt, những công trình kiến trúc ở thời Mạc, chẳng hạn như thành Tây Đô đồ sộ …đều do ông chỉ huy xây dựng.

III. Giới thiệu sơ lược Nam Ông mộng lục:
Mặc dù phải sống lưu vong ở nước người, Hồ Nguyên Trừng vẫn tưởng vọng về cố quốc, nên tự gọi là Nam Ông (Ông già nước Nam). Bằng hồi ức của mình, tác giả đã viết lại các mẩu chuyện về những con người tài đức ở nước Nam mà mình không còn được nhìn thấy nữa, và ông coi đó như là một giấc mộng, nên đặt cho tên sách là Nam Ông mộng lục.

Tác phẩm gồm 31 thiên, hiện chỉ còn 28 thiên (ba thiên thiếu đều nằm sau thiên 23, đó là: Mệnh thông thi triệu, Thi chí công danh, Tiểu thi lệ cú).
Sách được in lần đầu vào năm 1442 ở Trung Quốc (năm này tương ứng với thời Lê sơ ở Việt Nam), nằm trong Tập IX của bộ Tùng thư Hàm lâu bí kíp.

Trong sách có bài tựa của Hồ Huỳnh (người nhà Minh, làm Thượng thư đồng triều với tác giả), viết năm 1440); thứ đến bài tựa của tác giả đề năm 1438. Cuối sách có bài hận tự của Tống Chương (người Việt Nam, làm quan cho triều Minh), viết năm 1442. Sau cùng là bài bạt của Tôn Dục Tú, viết năm 1440, nói về việc xuất bản sách này.

Nội dung sách ghi chép về các sử thoại và một số chuyện về những nhân vật nước Nam thời Lý - Trần, gồm đủ loại: nhà Nho, thầy thuốc, đạo sĩ, nhà thơ, thầy tu, tướng sĩ, các vua đời Trần, hoặc bà con thân thích với tác giả. Đối với Hồ Nguyên Trừng, đó là những sự kiện và những con người tiêu biểu của nước Nam.

Năm 1999, Nam Ông mộng lục đã được Ưu Đàm và La Sơn cùng dịch, Nguyễn Đăng Na giới thiệu và chú giải, nhà xuất bản Văn học (Hà Nội) ấn hành.

3.1 Bài Tựa:
Giới thiệu bài Tựa sách Nam Ông mộng lục do chính tác giả viết như sau (bản dịch):
Sách Luận ngữ từng nói: "Trong cái xóm mười nhà, thế nào cũng có người trung tín như Khâu (tên của Khổng Tử) này vậy", huống hồ nhân vật cõi Nam Giao (chỉ Việt Nam ngày nay) từ xưa đã đông đúc, lẽ nào vì nơi hẻo lánh mà vội cho là không có nhân tài! Trong lời nói, việc làm, trong tài năng của người xưa có nhiều điều khả thủ, chỉ vì qua cơn binh lửa, sách vở cháy sạch, thành ra những điều đó đều bị mất mát cả, không còn được ai nghe, há chẳng đáng tiếc lắm sao? Nghĩ tới điểm này, tôi thường tìm ghi những việc cũ, nhưng thấy mất mát gần hết, trong trăm phần chỉ còn được một hai; bèn góp lại thành một tập sách đặt tên là Nam Ông mộng lục phòng khi có người đọc tới! Một là để biểu dương các mẫu việc thiện của người xưa, hai là để cung cấp điều mới lạ cho người quân tử, tuy đóng khung trong vòng truyện vặt, nhưng cũng là để góp vui những lúc vui chuyện.
Có kẻ hỏi tôi rằng: “Những người ông chép đều là người thiện, vậy thì trong các truyện bình sinh ông nghe thấy, lại chẳng có chuyện nào bất thiện ư?” Tôi trả lời họ rằng: “Chuyện thiện tôi rất mê nghe, nên có thể nhớ được, còn chuyện bất thiện thì không phải không có, chẳng qua tôi không nhớ đấy thôi”. Họ lại hỏi: “Sách lấy tên là mộng, ý nghĩa ở chỗ nào?” Tôi trả lời: “Nhân vật trong sách, xưa kia rất phong phú, chỉ vì đời thay việc đổi, dấu tích hầu như không để lại, thành ra còn mỗi một mình tôi biết chuyện và kể lại mà thôi, thế không phải mộng là gì? Các bậc đại nhân quân tử có thấu cho chăng? Còn hai tiếng Nam Ông thì chính là tên chữ, của Trừng tôi vậy”!
Ngày Trùng cửu năm Mậu Ngọ, niên hiệu Chính Thống (tức Minh Anh Tông) thứ ba (1438).
Lê Trừng, tên chữ là Mạnh Nguyên, người xứ Nam Giao, giữ chức Chính Nghị đại phu, Tư trị doãn, Công bộ tả thị lang, đề tựa.

3.2 Mục lục:
Sách Nam Ông mộng lục không chia số quyển, trong mục lục có đề 31 thiên mục, nhưng chỉ còn 28 thiên mục như đã nói trên. Sau đây là mục lục của sách:
1.Nghệ vương thủy mạt : Chuyện vua Trần Nghệ Tông.
2.Trúc Lâm thị tịch: Chuyện về sự băng hà của vua Trần Nhân Tông, hiệu Trúc Lâm.
3.Tổ linh định mệnh: Chuyện về linh hồn của ông là vua Trần Nhân Tông quyết truyền ngôi cho cháu là Trần Minh Tông.
4.Đức tất hữu vị: Chuyện vua Trần Minh Tông lên làm vua.
5.Phụ đức trinh minh : Chuyện vợ vua Trần Duệ Tông đi tu.
6.Văn táng khí tuyệt : Chuyện về vua Trần Thái Tông qua đời.
7.Văn Trinh ngạnh trực: Sự cương trực của Chu Văn An.
8.Y thiện dụng tâm: Thầy thuốc giỏi ở tấm lòng.
9.Dũng lực thần dị : Chuyện Lê Phụng Hiểu dùng sức mạnh lạ thường phá giặc.
10.Phu thê tử tiết: Chuyện hai vợ chồng Ngô Miễn cùng tử tiết dưới áp lực quân nhà Minh, đời Vĩnh Lạc.
11.Tăng đạo thần thông: Chuyện thi tài chống yêu quái giữa Phật tăng Giác Hải và đạo sĩ Thông Huyền.
12.Tấu chương minh nghiệm: Tờ tâu lên thiên đình có ứng nghiệm.
13.Áp lãng chân nhân: Chuyện đạo sĩ họ La (không rõ tên) đem pháp thuật dẹp sóng biển cho vua Lý Thái Tông.
14.Minh Không thần dị: Chuyện thần dị của nhà sư Nguyễn Minh Không.
15.Nhập mộng liệu bệnh: Chuyện nhà sư Quán Viên chữa mắt cho vua Trần Anh Tông trong giấc mộng.
16.Ni sư đức hạnh: Chuyện ni sư tu đắc đạo.
17.Cảm khích đồ hành: Cảm kích mà đi bộ, kể chuyện Trần Đạo Tái (con tướng Trần Quang Khải) hăng hái đi bộ.
18.Điệp tự thi cách: Nói về bài thơ lối điệp tự của vua Trần Thánh Tông.
19.Thi ý thanh tân : Phẩm bình thơ hay của vua Trần Nhân Tông trong tập Đại Hương Hải ấn.
20.Trung trực thiện chung: Chuyện hai anh em Phạm Ngộ, Phạm Mại trung thực mà giữ được trọn vẹn tiết tháo.
21.Thi phúng trung gián: Bài thơ dùng lời trung để can gián (chuyện Trần Nguyên Đán làm thơ can vua Trần Nghệ Tông không được bèn bỏ về).
22.Thi dụng tiền nhân cảnh cứ : Làm thơ lại dùng câu thơ cũ của thi nhân mà khen thi nhân ấy (chuyện Nguyễn Trung Ngạn làm thơ viếng Trần Toại hiệu Sầm Lâu, tác giả Sầm Lâu tập).
23.Thi ngôn tự phụ: Lời thơ khoe khoang của Nguyễn Trung Ngạn.
24.Thi tửu kinh nhân: Chuyện Hồ Tông Thốc uống rượu khỏe, làm thơ nhiều.
25.Thi triệu dư khương: Chuyện Nguyễn Thánh Huấn (ông ngoại Hồ Quý Ly) giỏi thơ.
26.Thi xứng tướng chức : Thơ của hai anh em Trần Nghệ Tông tiễn sứ nhà Nguyên, làm khi chưa lên làm vua.
27.Thi thán chí quân: Kể việc Trần Nguyên Đán làm thơ tự thán để can gián vua.
28.Quí khách tương hoan: Kể việc tướng Mạc Ký, người Đông Triều, làm thơ xướng họa khi đi tiễn sứ nhà Nguyên là Hoàng Thường.

*
Nhận xét về Nam Ông mộng lục, GS. Nguyễn Huệ Chi viết:
Cuốn sách là một tập ghi chép về các mẩu chuyện “người thiện”, “người tài” của đất nước Đại Việt. Những mẩu chuyện này được hồi ức lại như là một giấc mơ về dĩ vãng của Hồ Nguyên Trừng.
Sách được viết, được in và lưu hành ở Trung Quốc nên không khỏi có những hạn chế do những điều kiện chính trị và xã hội ở nơi nó ra đời...Tuy vậy, qua 28 thiên truyện còn lại, ta không hề thấy tác giả có lời nào nhằm biểu dương công ơn “khai hóa” của “thiên triều” đối với người Nam (tức Đại Việt). Trái lại, điều tác giả muốn gửi gắm là: "nước Nam vốn cũng có những con người rất đẹp, tiêu biểu cho đạo đức, phẩm chất và tài năng, có thể đem ra làm gương cho đọc giả phương Bắc (ý chỉ Trung Quốc) cùng soi"...
Xét mặt khác, do chỗ phải dùng trí nhớ để ghi lại, chứ không có tài liệu, nên nhiều truyện khá ngắn ngủi. Tất nhiên hiệu quả cũng bị giảm sút, nhất là nếu đem so sánh chúng với những truyện mang nội dung tương đương trong Lĩnh Nam chích quái (tr. 639-639).

Nhà nghiên cứu Trần Văn Giáp, viết:
Mặc dù đã thoát nạn chết, lại được làm quan cao, bổng lộc hậu dưới triều Minh; Nguyên Trừng vẫn không quên tổ quốc, tên quyển sách này đủ chứng tỏ lòng quyến luyến quê hương của ông... Sách chép theo lối cũ, tuy đầy tư tưởng phong kiến đời Trần... Nhưng gạt bỏ những hạn chế, ta vẫn có thể khảo sát được nhiều nét về đời sống xã hội của nước Việt lúc bấy giờ (tr. 63-64).

Bùi Thụy Đào Nguyên, giới thiệu.
Chú thích:
[1] Theo Minh sử tân hiệu (Academia Sinica, Đài Loan, Quyển 111, Biểu 12, Thất Khanh niên biểu, bảng 3418-3419: Công bộ Thượng thư) và Minh Hiến Tông thực lục (Quyển 66, tờ 4.A, trang 1329. Trung ương nghiên cứu viện, Đài Loan, xuất bản năm 1985).
Suy ra, ông sinh năm 1373 hoặc 1374. Ở Wikipedia tiếng Trung Quốc ghi ông sinh năm 1374, mất năm 1446. Tuy nhiên, nhiều sách ở Việt Nam đều không ghi hoặc ghi là không rõ năm sinh và năm mất của ông. Riêng phần tước phong cuối cùng, theo GS. Nguyễn Huệ Chi thì sau khi ông mất, triều Minh mới cho truy phong hàm Thượng thư bộ Công cho ông (Từ điển văn học, bộ mới, tr. tr. 638).
[2] Đại Việt sử ký toàn thư (Bản kỷ, Quyển 8, tờ 36b), tr. 199.
[3] Theo Đại Việt sử ký toàn thư (Bản kỷ, Quyển 8, tờ 49 b), tr. 212.
[4] Sử thần Ngô Sĩ Liên đã mô tả loại thuyền này như sau: "Thuyền đinh sắt này có hiệu là Trung tàu tải lương, Cổ lâu thuyền tải lương, chỉ mượn tiếng chở lương thôi, nhưng bên trên có đường sàn đi lại để tiện việc chiến đấu. Bên dưới thì hai người chèo một mái chèo" (Sách ở mục tham khảo, tr. 209).

Sách tham khảo chính:
-Trần Văn Giáp, Tìm hiểu kho sách Hán Nôm (Tập 1 và Tập 2 in chung) . Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2003.
-Nguyễn Huệ Chi, mục từ " Hồ Nguyên Trừng " trong Từ điển văn học (bộ mới). Nhà xuất bản Thế giới, 2004.
-Trần Thị Băng Thanh (chủ biên), Văn học thế kỷ XVII. Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2004.
-Nguyễn Đăng Na, Văn xuôi tự sự Việt Nam thời trung đại (Tập 1). Nhà xuất bản Giáo dục, 1997.
-Nguyễn Q. Thắng-Nguyễn Bá Thế, Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam, mục từ “Hồ Nguyên Trừng”. Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1992.
-Trương Hữu Quýnh (Chủ biên)-Phan Đại Doãn-Nguyễn Cảnh Minh, Đại cương lịch sử Việt Nam (Tập I). Nhà xuất bản Giáo dục, 2007.

Danh sĩ Vũ Huy Tấn và bài thơ Vọng đồng trụ cảm hoài

Vũ Huy Tấn hay Võ Huy Tấn (1749 - 1800), còn có tên là Liễn, hiệu là Nhất Thủy. Ông là nhà thơ, là viên quan trải hai triều đại: nhà Hậu Lê và nhà Tây Sơn trong lịch sử Việt Nam. Hiện chưa biết cột đồng do Mã Viện sai dựng ở đâu, nhưng theo Vũ Huy Tấn thì nó đã nằm bên phần đất của Trung Quốc, bởi vùng đất Lưỡng Quảng (Quảng Đông và Quảng Tây) đã bị nước này thôn tính.


Ông sinh năm Kỷ Tỵ (1749) tại làng Mộ Trạch, huyện Đường An, trấn Hải Dương (nay thuộc tỉnh Hải Dương). Cha ông là Vũ Huy Đình, Tiến sĩ triều Hậu Lê.

Năm 1768, Vũ Huy Tấn đỗ đầu kỳ thi Hương, được bổ làm Thị nội Văn chức, dưới thời vua Lê Hiển Tông. Khi nhà Hậu Lê sụp đổ, Vũ Huy Tấn về quê ẩn, rồi nhận lời mời của nhà Tây Sơn, ra giữ chức Hàn lâm đãi chế.

Năm Kỷ Dậu (1789) [1], ông được cử sang giao thiệp với nhà Thanh (Trung Quốc). Do có công lao, ông được phong làm Thị lang bộ Công, tước bá.

Năm sau (1790), ông lại cùng với Ngô Văn Sở, Phan Huy Ích lãnh giao nhiệm vụ đưa phái đoàn của giả vương Phạm Công Trị sang nhà Thanh. Trở về nước, ông được phong làm Thượng thư bộ Công, tước Hạo Trạch hầu. Dưới triều Cảnh Thịnh, ông được đặc cách lên hàng Thượng trụ quốc, Thị trung đãi chiếu Thượng thư.

Năm Canh Thân (1800), Vũ Huy Tấn mất năm 51 tuổi, tức trước khi nhà Tây Sơn bị diệt vong (1802).

Theo sử liệu, khi đến Yên Kinh (tức Bắc Kinh) cùng giả vương Phạm Công Trị, ông đã phản đối quan lại nhà Thanh bởi họ gọi các quan trong sứ bộ Việt Nam là “di quan”, tức quan mọi rợ (việc làm này được ông nói đến trong bài thơ "Biện di", có nghĩa Biện bác về chữ di), được người đời khen ngợi [2].

Tác phẩm của Vũ Huy Tấn hiện chỉ còn một tập thơ bằng chữ Hán có tên là Hoa nguyên tùy bộ tập, gồm những bài sáng tác trong chuyến đi sứ năm Kỷ Dậu (1790). Đây là bản viết tay, không rõ năm chép, được lưu trữ trong Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm (Hà Nội) mang ký hiệu A. 375.

Nhìn chung, thơ ông thấm đượm một tinh thần dân tộc sâu sắc, một ý thức trách nhiệm cao, tuy có phảng phất chút hoài cảm quá khứ. Đặc biệt, trong tập thơ trên có bài văn tế "Tác Phụng soạn tôn tế bắc lai vong chư tướng văn" (Phụng soạn văn tế các tướng sĩ phương Bắc [chỉ quân đội nhà Thanh] sang xâm lược bị chết trận), không những thể hiện được niềm tự hào dân tộc về chiến công chống quân xâm lược, mà còn thể hiện được lòng nhân đạo của nhân dân Việt (những người chiến thắng) đối với những người thua trận bị bỏ mạng.

Trong cuốn Văn học thế kỷ XVIII do PGS. Nguyễn Thạch Giang làm chủ biên, có giới thiệu 9 bài thơ và một bài phú. Ở đây, trích giới thiệu một bài:

Vọng đồng trụ cảm hoài
(Trông chỗ cột đồng, cảm xúc)
Dịch nghĩa:

Sáng sớm ra khỏi thành Minh Châu,
Tìm hỏi dấu tích cột đồng.
Người địa phương chỉ tay về phía xa,
Nơi hai đống đá xanh xanh!
Than ôi! Cột đồng kia!
Là đất cũ của nước ta!
Từ thời Trưng Vương buổi trước,
Phục Ba (Mã Viện) đã vạch làm biên giới.
Bậc phấn son (ý nói đến Hai Bà Trưng) thật cũng anh hùng.
Muôn đời tiếng tăm còn vang dội.
Đáng thương tên gian phu nhúng tay vào vạc,
Cắt đất dâng đi chẳng đoái tiếc gì.
Bờ cõi xưa vì thế luân lạc đi mất,
Đến nay đã hàng mấy trăm năm.
Khói mù cộng với thời gian,
Cảm khái việc xưa nay biết dường nào!
Bên này có núi Phân Mao,
Trời đã làm cho phần Bắc phần Nam bị chia tách.
Chia đã lâu rồi cần hợp lại,
Vết tích lạ này há lại bỏ không.

Chú thích:
[1] Sách Đại Thanh lịch triều thực lục, phần "Cao Tông Thuần hoàng đế thực lục" (quyển 1335) có chép việc này: "Mậu Thân tháng 7, năm Càn Long thứ 54 (1789) Chánh sứ nước Nam là Nguyễn Quang Hiển và Phó sứ Nguyễn Hữu Điều cùng bọn Vũ Huy Tấn vào chầu vua".
[2] Theo Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam (tr. 956) và Từ điển văn học (bộ mới, tr. 2026).

Bùi Thụy Đào Nguyên, soạn.
Sách tham khảo:
-Nguyễn Thạch Giang (chủ biên), Văn học thế kỷ XVIII. Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2004.
-Nguyễn Lộc, mục từ "Vũ Huy Tấn" trong Từ điển văn học (bộ mới). Nhà xuất bản Thế giới, 2004.
-Nguyễn Q. Thắng-Nguyễn Bá Thế, Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam, mục từ “Vũ Huy Tấn (Võ Huy Tấn)”. Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1992.

Thứ Ba, 15 tháng 3, 2011

Giới thiệu Việt điện u linh tập



Việt điện u linh tập (Tập truyện về cõi u linh của nước Việt) là một tập hợp các truyền thuyết về các vị thần linh Việt Nam ở vào thời xa xưa.

I. Giới thiệu:
Theo Đại Việt thông sử và Kiến văn tiểu lục của Lê Quý Đôn, Lịch triều hiến chương loại chí (Văn tịch chí) của Phan Huy Chú, thì Lý Tế Xuyên chính là tác giả cuốn Việt điện u linh tập [1].

Lý Tế Xuyên (? - ?), không rõ tiểu sử, chỉ biết ông làm quan (một trong những chức vụ của ông là trông coi việc tế tự) dưới triều Trần Hiến Tông (ở ngôi: 1329-1341, đặt niên hiệu là Khai Hựu). Việt điện u linh tập mà nhiều người cho rằng ông làm ra, gồm 27 thiên, chia làm 3 mục (Nhân quân, Nhân thần, Hạo khí) kể về công tích 27 vị thần [2] được thờ trong các đền miếu thời Lý -Trần. Sau, có nhiều người ở đời Hậu Lê ra công tục biên, thành ra sách có đến 4 quyển, gồm 41 truyện [3].

Trong quá trình biên soạn, tác giả có sử dụng và viết lại một số truyện vốn đã được ghi chép trong các sách Báo cực truyện (Tập truyện về lẽ cùng cực của báo ứng), Đại Việt sử ký của Lê Văn Hưu, Giao Chỉ ký, Giao Châu ký...Ngoài ra ông còn sử dụng những tài liệu dân gian, những bản thần tích.

Về sau, nhiều nho sĩ ở các đời còn tiếp tục bổ sung; hoặc sửa chữa, thêm bớt cho Việt điện u linh tập. Lược kể một số tên tuổi quan trọng:

-Nguyễn Văn Chất (1422-?), là người ở huyện Bạch Hạc, tỉnh Vĩnh Yên. Ông đỗ tiến sĩ băm 1448 dưới triều vua Lê Nhân Tông, từng làm đến Tư nghiệp Quốc tử giám và đi sứ sang Trung Quốc. Chính ông là người đã soạn ra phần Tục biên (hay Tục bổ), gồm 3 truyện cho sách (xem phần mục lục).

-Cao Huy Diệu (? - ?), là người làng Phú Thị, huyện Gia Lâm (nay thuộc thành phố Hà Nội). Ông là nội tổ của danh sĩ Cao Bá Quát. Năm 1807, ông đỗ cử nhân, rồi đỗ tiến sĩ năm 1715 đời vua Lê Dụ Tông. Buổi đầu được bổ làm tri huyện Quốc Oai, sau lần lượt trải chức Giám tu, Thị lang bộ Lại, Đốc học Hà Tiên, Thượng thư bộ Hộ (có sách chép bộ Lại). Khi còn ở chức Giám tu, ông đã ra công viết bổ chú và phần tiếm bình cho sách. Tham gia sửa chữa với ông, còn có người cùng thời là Lê Hữu Hỷ (không rõ năm sinh năm mất), là người làng Liêu Xá, tỉnh Hưng yên. Ông thi đỗ tiến sĩ năm 1700, làm quan đến Giám sát ngự sử đốc đồng Sơn Tây.
-Kim Muội Liễn (? - ?) , không rõ lai lịch, chỉ biết năm 1771, ông đã phụng lục và kiểm xét cho Việt điện u linh tập. Bản này hiện còn 2 quyển chép tay mang ký hiệu A. 2879 và B. 1919 thuộc trường Bác Cổ Viễn Đông.

-Gia Cát thị (? - ?), là một danh sĩ họ Gia Cát ở Hồng Đô, tỉnh Hải Dương, đã từng làm Chủ bạ bộ Lễ đời vua Lê Hiển Tông. Năm 1774, sau khi san định (thêm vào non 20 truyện, bớt đi hoặc viết hẳn lại một số truyện) Việt điện u linh tập, ông đặt lại nhan đề là Tân đính hiệu bình Việt điện u linh tập (Sửa sang, mô phỏng và bình giải mới tập truyện về cõi u linh của nước Việt). Và trong bài Tựa, ông đã cho rằng Lý Tế Xuyên chỉ là người "làm nối theo phần cuối" sách Việt điện u linh mà thôi (xem ghi chú 1).

Ngoài ra, còn có Lê Tự Chi, Tam Thanh quán đạo nhân (không rõ họ tên, lai lịch), Nguyễn Hầu, Nguyễn Đình Giản, v.v...cũng đã đóng góp ít nhiều cho cuốn sách.

2. Mục lục:
Ban đầu, "Việt điện u linh tập" gồm 27 truyện kể về các vị thần được thờ ở Việt Nam, gồm có vua chúa (nhân quân), bề tôi trung liệt (nhân thần), thần sông, thần núi (hạo khí anh linh).
Theo bài Tựa của Lý Tế Xuyên đề năm 17735, thì ông đã chọn theo phương châm: "những bậc sáng suốt, ngay thẳng mới gọi là thần, không phải những loại dâm tà, yêu quái, ma quỷ cũng gọi là thần đâu!..."

Thường thì mỗi thiên (truyện) được viết theo công thức sau:
Tên của mỗi truyện là mỹ hiệu mà hai triều Trùng Hưng và Hưng Long [4] gia phong cho thần.
Mở đầu mỗi truyện là câu: Theo (tài liệu nào đó của ai), ngài (vương, ông...) là (họ, tên)...Kết cấu phần kể là công đức các thần theo công thức “dương trợ-âm phù”, tức là “Khí thế rừng rực lúc đương thời, anh linh tỏa rộng đến đời sau”. Kết thúc mỗi truyện là ba đợt gia phong: Trùng Hưng năm thứ nhất (1285), năm thứ 4 (1288) và Hưng Long năm thứ 21 (1313), và câu: “Vì có công âm phù vậy”.

Nguyên mục lục trong Việt điện u linh tập chỉ ghi mỹ hiệu của các thần linh (như Gia Ứng Thiện Cảm Linh Vũ Đại Vương, là truyện kể về Sĩ Nhiếp), ở đây viết bằng tên thật cho dễ hiểu. Có bản dịch thêm chữ “truyện” hay chữ “chuyện” đằng trước tên thần.

Nhân quân (Các vua)
Sĩ Nhiếp
Phùng Hưng
Triệu Quang Phục
Hậu Tắc (Tương truyền là vua Trung Quốc thời cổ đại, có công dạy dân trồng lúa)
Hai Bà Trưng
Mỵ Ê

Nhân thần (Các bề tôi)
Lý Hoảng
Lý Ông Trọng
Lý Thường Kiệt
Thần Tô Lịch
Phạm Cự Lượng
Lê Phụng Hiểu
Mục Thận
Trương Hống, Trương Hát
Lý Phục Man
Lý Đô Úy (không rõ tên họ và quê quán)
Cao Lỗ

Hạo khí anh linh (Sự tích thiêng liêng)
Hậu thổ phu nhân
Thần Đồng Cổ
Thần Long Độ
Thần Khai Nguyên
Thần Phù Đổng
Sơn Tinh, Thủy Tinh
Thần Châu Đằng
Thần Bạch Hạc
Thần Hải Thanh
Nam Hải long quân

Sau đây là một số truyện do người đời sau thêm vào:
Phần Tục bổ có thêm 3 truyện: Sóc Thiên Vương, Thần núi Tam Đảo, Chuyện đền Càn Hải.
Phần Trùng bổ có thêm 2 truyện: Đoàn Thượng, Thần đền Thanh Cẩm.
Phần Phụ lục có thêm 3 truyện: Trần Hưng Đạo, Từ Đạo Hạnh, Vợ chồng Triệu Xương [5].

Nhận xét về Việt điện u linh tập, Nguyễn Phương Chi trong Từ điển văn học (bộ mới), viết:
"Việt điện u linh tập" được viết ra trong một thời đại xa xưa nên không khỏi mang những hạn chế do điều kiện lịch sử...Cuốn sách chứa đựng thế giới quan thần bí, mang tư tưởng thần linh chủ nghĩa trộn lẫn với ý thức hệ phong kiến...Tuy nhiên, nếu tước đi cái vỏ tôn giáo thì đằng sau câu chuyện của các thần linh lại bao trùm và phản ánh những lý tưởng tốt đẹp và niềm tin tưởng chân thành của nhân dân ngày xưa. "Truyện Quảng Lợi Đại Vương" (tức Thần Long Độ) là một thí dụ tiêu biểu. Ở đây tín ngưỡng chỉ là cái vỏ mà nội dung chính là ý thức phản kháng, sức mạnh quật cường của nhân dân Việt nhằm chống lại những âm mưu quỷ quyệt của Cao Biền, một viên quan đô hộ đến từ Trung Quốc ...Ngoài ra còn có thể kể đến "Truyện Bố Cái Đại Vương" (tức Phùng Hưng), "Truyện Trương Hống, Trương Hát", v.v...Đây đều là truyện kể về việc thần linh đời trước đã “hiển linh” để “phù trợ” các anh hùng đời sau chống quân xâm lược như thế nào...Như vậy, mặc dù còn hạn chế, "Việt điện u linh" tập vẫn có giá trị không nhỏ. Ngoài giá trị lịch sử, giá trị chủ yếu của sách còn ở chỗ, nó chứa đựng được những tâm tư tình cảm, thể hiện được những truyền thống tốt đẹp và sức mạnh của dân tộc Việt... (tr. 1995)

Bùi Thụy Đào Nguyên, giới thiệu.
Chú thích:
[1] Tuy nhiên sau khi nghiên cứu, GS. Dương Quảng Hàm trong Việt Nam văn học sử yếu, đã có ý phân vân khi chép rằng: Việt điện u linh tập, nhất thuyết là của Lý Tê Xuyên, người đời Trần; nhất thuyết là của một tác giả đời Lý, sau Lý Tế Xuyên chỉ viết nối thêm vào (Việt Nam văn học sử yếu, tr. 237-238). Nói “nhất thuyết là của một tác giả đời Lý” là vì giáo sư đã đọc bài Tựa của Gia Cát thị viết năm 1774, trong đó đoạn (bản dịch): "...tập sách này làm ra từ triều Lý, từ trước sách chép của Lê Văn Hưu, để ghi lại các sự việc...Kịp đến triều Trần, chàng họ Lý (chỉ Lý Tế Xuyên) lại làm nối theo phần cuối, sưu tầm rộng khắp, góp thành tập sách này...(trích trong Tìm hiểu kho sách Hán Nôm, tr. 1100).

[2] Bản chép tay A. 751, không rõ năm, có ở Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm Hà Nội (theo Nguyễn Phương Chi, tr. 1994 và Nguyễn Đăng Na, tr. 232). Bản A. 47 có ở Thư viện Khoa học Xã hội (Hà Nội) có 28 truyện kể về công tích 28 vị thần (Trần Văn Giáp, tr. 1093), bởi có thêm “Lý Phật Tử”.

[3] Theo Việt Nam văn học sử yếu (tr. 238). Bản này có tên là “Tân đính hiệu bình Việt điện u linh tập” do Gia Cát thị san định.

[4] Trung Hưng là niên hiệu vua Trần Nhân Tông vào những năm 1285-1293. Hưng Long là niên hiệu vua Trần Anh Tông vào những năm 1293-1314.

[5] Phần mục lục chép theo “Việt điệu u linh tập tục toàn biên” (tr. 239-243). Mục lục Việt điện u linh tập do Trần Văn Giáp giới thệu, phần Nhân quân có thêm Lý Phật Tử (đã giải thích ở bên trên).

Sách tham khảo:
-Dương Quảng Hàm, “Việt Nam văn học sử yếu”. Trung tâm học liệu xuất bản (bản in lần thứ 10), Sài Gòn, 1068.
-Trần Văn Giáp, “Tìm hiểu kho sách Hán Nôm” (Tập 1 và Tập 2 in chung), Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2003.
-Nguyễn Đăng Na (chủ biên), “Văn học thế kỷ X-XIV”. Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2004.
-Nguyễn Phương Chi, mục từ "Việt điện u linh tập" trong Từ điển văn học (bộ mới). Nhà xuất bản Thế giới, 2004.
-Ngọc Hồ, “Việt điệu u linh tập tục toàn biên”. Nhà xuất bản Cửu Long, 1992.

Thứ Hai, 7 tháng 3, 2011

Truyện thơ Thạch Sanh


Thạch Sanh trong tranh Đông Hồ

Thạch Sanh là tên một truyện thơ Nôm Việt Nam, viết theo thể lục bát, của một tác giả khuyết danh, ra đời khoảng cuối thế kỷ 18 đến đầu thế kỷ 19.

Hiện có ít nhất 3 dị bản truyện thơ Thạch Sanh, đều bằng thể lục bát, nhưng trình độ nghệ thuật không đồng đều. Bản có lời văn chải chuốt nhất và được lưu hành rộng rãi nhất, dài 1.812 câu lục bát và 2 bài thơ đề từ (một bằng chữ Hán, một bằng chữ Nôm). Bản in xưa nhất hiện còn được xuất bản vào năm Duy Tân thứ 6 (1912). Nội dung truyện thơ Thạch Sanh và truyện cổ tích có cùng tên khá giống nhau, nhưng truyện thơ ra đời muộn hơn.

Truyện Thạch Sanh thuộc loại truyện cổ tích thần kỳ, nằm trong một kiểu truyện rất phổ biến ở Đông Nam Á, đó là kiểu "Dũng sĩ diệt đại bàng (hay chằn tinh) cứu người đẹp". Có thể kể đến những truyện như Xin Xay ở Lào; Xanxênky, Thạch Sanh chém chằn ở Campuchia, Ramayana ở Ấn Độ; Cô gái tóc thơm, Hai ông vua giao chiến của người Thái...

Ở Việt Nam, kiểu truyện này còn xuất hiện trong các câu chuyện cổ, như truyện Chàng Rôk của người Kor; Rok và Xét của người Ba Na; Đơm Tơrít của người Cơ Tu, Azit đánh bại đại bàng của người Gia Rai...Đối với người Kinh, đề tài này không những xuất hiện trong truyện cổ tích, truyện thơ mà nó còn được dàn dựng thành phim, thành kịch; và còn xuất hiện trong tranh Đông Hồ.

Cốt truyện:
Thạch Sanh mồ côi sớm, làm nghề đốn củi, sống một mình trong một túp lều dưới gốc đa. Có một người làm nghề nấu rượu tên là Lý Thông đến kết nghĩa anh em với Thạch Sanh. Trong vùng có một con Chằn tinh (hay Trăn tinh) thường bắt người ăn thịt, nên dân lập miếu thờ và hàng năm phải nộp cho nó một mạng người, mới được yên ổn làm ăn.

Năm ấy, đến lượt Lý Thông phải nộp mạng. Y bèn lập mưu để Thạch Sanh đi thế mạng. Thạch Sanh đã chiến đấu và giết chết được Chằn tinh, nhưng bị Lý Thông đoạt công, và y được nhà vua phong làm đô đốc.

Bấy giờ có công chúa Quỳnh Nga xinh đẹp đang tuổi kén chồng, một hôm bị con yêu tinh Đại bàng sà xuống cắp đi mất. Buồn rầu, nhà vua truyền cho Lý Thông đi tìm, và hứa khi tìm được sẽ gả công chúa và truyền ngôi cho.

Lúc công chúa lâm nạn, Thạch Sanh đang ở bên gốc đa, bỗng nhìn thấy Đại bàng cắp người bay qua, liền giương cung bắn trúng một cánh. Lần theo vết máu, Thạch Sanh biết được cái hang ẩn náu của Đại bàng.

Để cứu công chúa, Lý Thông tìm đến Thạch Sanh. Nghe Thạch Sanh biết được nơi ẩn náu của Đại bàng, Lý Thông liền nhờ Thạch Sanh tìm cách giải cứu. Nhưng đến khi Thạch Sanh xuống tìm rồi dòng dây đưa được công chúa lên khỏi hang, thì Lý Thông liền cho quân lính lấy đá lấp kín cửa hang, mưu giết chết Thạch Sanh để tranh công lần nữa. Trong hang, Thạch Sanh đã đánh nhau một trận dữ dội với Đại bàng, giết chết được ác thú và cứu được thái tử con vua Thủy Tề. Để đền ơn, vua Thủy Tề mời Thạch Sanh xuống thủy cung chơi, và còn tặng chàng một cây đàn thần.

Vì oán Thạch Sanh, hồn Chằn tinh và Đại bàng lấy trộm châu báu trong cung rồi vu cho chàng. Thạch Sanh bị tống giam. Trong ngục, chàng lấy cây đàn thần ra gảy để bày tỏ nỗi lòng.

Nói về công chúa Quỳnh Nga, vì thấy Lý Thông sai lính lấp hang, mưu hại Thạch Sanh, nên uất ức hóa câm. Nay nghe được tiếng đàn của Thạch Sanh, công chúa bỗng nói nên lời. Nghe con tâu bày, nhà vua cho vời Thạch Sanh đến. Sau khi rõ mọi chuyện, nhà vua truyền lệnh bắt giam mẹ con Lý Thông, nhưng được Thạch Sanh xin tha cho. Trên đường trở về làng, mẹ con Lý Thông bị sét đánh chết, hóa thành loài bọ hung.

Phần dũng sĩ Thạch Sanh, nhà vua cho chàng kết hôn cùng công chúa Quỳnh Nga. Tức giận vì trước đây bị công chúa từ chối lời cầu hôn, thái tử mười tám nước chư hầu cùng kéo quân sang đánh. Thạch Sanh lại đem cây đàn thần ra gảy. Tiếng đàn làm quân đối phương rã rời vì nhớ quê, nhớ vợ con...nên không đánh cũng tan. Trước khi rút về nước, đội quân đông đảo ấy còn được Thạch Sanh cho ăn một bữa cơm. Niêu cơm tuy nhỏ nhưng ăn bao nhiêu cũng không hết.

Đất nước thái bình. Sau, Thạch Sanh được nối ngôi vua.

*
Ngoài môtip trong truyện là “Dũng sĩ diệt Chằn tinh, hay diệt Đại bàng cứu người đẹp”; ở đây còn có mối quan hệ về nguồn gốc với nghi lễ hiến sinh, tục cướp phụ nữ ở thời cổ...
Nhân vật Thạch Sanh có những nét tương tự với nhân vật dũng sĩ trong các anh hùng ca dân gian thời thị tộc-bộ lạc. Đó là loại nhân vật anh hùng có những khả năng phi thường, được thần thoại hóa, có tinh thần dũng cảm trong chiến đấu để bảo vệ cộng đồng, bảo vệ phụ nữ. Song ở nhân vật Thạch Sanh, lại thấy có những những nét về tính cách và số phận tiêu biểu cho loại nhân vật ra đời trong xã hội đã có giai cấp. Chàng thuộc tầng lớp nghèo khổ, hiền lành, thật thà, cả tin (gần với hình ảnh một nông dân nghèo); trước khi có được hạnh phúc và địa vị cao sang. Mặc dù vậy, quan hệ xã hội ở đây cũng hãy còn mộc mạc; những suy nghĩ, ham muốn của con người trong truyện chưa mấy phức tạp.
Hiện bản truyện thơ Thạch Sanh được phổ biến nhất, có ngôn ngữ bình dị nhưng không kém tinh tế. Nhiều đoạn giàu hình ảnh như đoạn Thạch Sanh xuống thăm thủy phủ, đoạn miêu tả năng lực thần kỳ của cây đàn thần...

Giới thiệu truyện thơ Thạch Sanh, trong Từ điển bách khoa Việt Nam có đoạn:
Cốt truyện thơ Nôm Thạch Sanh (bản được lưu hành rộng rãi nhất trong 3 bản), dựa trên truyện cổ tích thần kỳ cùng tên. Truyện kể về cuộc đời của nhân vật dũng sĩ Thạch Sanh trải qua nhiều thử thách lớn lao và đạt được nhiều kỳ tích. Chủ đề phong phú, kết cấu tập trung.
Truyện này tiếp thu nhiều môtip của văn học dân gian có quan hệ với sinh hoạt văn hoá xã hội cổ đại. Yếu tố kỳ ảo của cổ tích kết hợp với yếu tố hiện thực, đã phản ánh cuộc sống người lao động trong xã hội trung đại. Ngôn ngữ tự sự, bình dị mà không kém phần tinh tế. Cảm hứng nhân văn sâu xa, bút pháp và ngôn ngữ nghệ thuật đa dạng tạo nên một nhân vật kết tinh phẩm chất của ba hình tượng anh hùng sản xuất, anh hùng văn hoá, anh hùng chiến đấu thời cổ đại xa xưa và cả hình tượng người nông dân đấu tranh chống tham tàn, chống ngoại xâm thời trung đại gần gũi với độc giả Việt Nam. Một hình tượng vừa có tính chất phổ quát vừa giàu màu sắc dân tộc. Thạch Sanh là một trong những tác phẩm hàng đầu của truyện thơ Nôm bình dân
.

Bùi Thụy Đào Nguyên, giới thiệu.
Sách tham khảo:
-PGS. Chu Xuân Diên, mục từ "Thạch Sanh" trong Từ điển văn học (bộ mới). Nhà xuất bản Thế giới, 2004, tr. 1623-1634.
-Nhiều người soạn, Từ điển bách khoa Việt Nam , mục từ "Thạch Sanh" (bản điện tử).

Chủ Nhật, 6 tháng 3, 2011

Lý Văn Phức

Lý Văn Phức (1785–1849), tự là Lân Chi, hiệu Khắc Trai và Tô Xuyên; là một danh thần triều Nguyễn và là một nhà thơ Việt Nam.
Ông sinh ở làng Hồ Khẩu, huyện Vĩnh Thuận, phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Nội (nay là phường Bưởi, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội).

Xuất thân trong một gia đình nhà Nho gốc Phúc Kiến (tổ tiên ông từng làm quan nhà Minh, sang Việt Nam lánh nạn khi quân Mãn Thanh vào xâm chiếm Trung Quốc).

Cha ông là một nhà Nho nghèo, không đỗ đạt gì, vừa làm nghề thuốc vừa dạy học.

Năm Gia Long thứ 18 (Kỷ Mão, 1819), Lý Văn Phức thi đậu Hương tiến (Cử nhân), được bổ làm Hàn lâm biên tu, sung Sử quán. Sau đó, ông lần lượt trải qua các chức vụ: Lễ bộ kiến sự, Hộ bộ Hữu thị lang, Tham Tri, Chủ khảo trường thi Hương Gia Định (1828).

Năm 1829, đời vua Minh Mạng, ông đang làm công việc Hộ chính thì bị triều đình kết án, nhưng được nhà vua ân xá cho đi hiệu lực ở Tiểu Tây dương (tức Bengale) để lấy công chuộc tội (1830).

Từ năm 1831 cho đến năm 1836, sau khi khôi phục ông hàm Tư vụ, lần lượt cử ông đi công cán ở các nơi: Tân Gia Ba (Singapore), Lữ Tống (tức đảo Luçon thuộc philippin), Phúc Kiến, Việt Đông (Quảng Đông), Áo Môn (Ma Cao).

Năm 1841, đời vua Thiệu Trị, Lý Văn Phức được thăng làm Tham tri bộ Lễ, và được cử đi sứ Yên Kinh (tức Bắc Kinh). Nhân các cuộc đi này, ông sáng tác được nhiều tập văn thơ.

Năm 1843, ông được cử làm Chủ khảo trường thi Hương Nghệ An.

Năm 1849, thăng ông làm Quang lộc tự khanh. Cũng trong năm này ông mất khi tại chức, hưởng thọ 64 tuổi, được truy tặng Lễ bộ Hữu thị lang.

Lý văn Phức để lại một di sản khá đồ sộ bằng chữ Hán và chữ Nôm. Theo thông kê chưa đầy đủ, hiện có:

1. Chữ Hán:
-Học ngâm tồn thảo, gồm 80 bài thơ viết khi vừa thi đỗ cho đến khi bắt đầu làm quan (1819).
-Tây hành thi ký (Ghi chép bằng thơ trong chuyến đi sứ về phía Tây), gồm 45 bài thơ.
-Hải hành ngâm (Ngâm trong lúc đi trên biển).
-Tây hành kiến văn kỷ lược (lược ghi những điều tai nghe mắt thấy trong chuyến đi về phía Tây), gồm những ghi chép trong dịp đi hiệu lực ở vùng biển Tiểu Tây dương năm 1830.
-Nghĩ Vô Danh công tự thuật phú (Phú tự thuật của ôngVô Danh, tức Lý Văn Phức), viết sau chuyến đi hiệu lực đến Tân Gia Ba (Singapore) năm 1831.
-Mân hành tạp vịnh thảo (Tạp vịnh trong chuyến đi đến đất Mân), là tập thơ làm trên đường đi sang đất Mân Việt (Phúc Kiến, Trung Quốc).
-Đông hành thi tạp lục (Tạp ghi bằng thơ trong chuyến đi về phía Đông), làm trong chuyến đi công cán đến Lữ Tống năm 1832.
-Việt hành ngâm thảo (Thơ ngâm trong chuyến đi Việt Đông).
-Việt hành tục ngâm (Thơ ngâm tiếp trong chuyến đi Việt Đông).
-Tam chi Việt tạp thảo (Tạp ghi trong lần thứ ba đến Việt Đông).
-Kinh hải tục ngâm (Thơ ngâm tiếp khi đi trên biển), gồm 110 bài thơ vịnh cảnh, vịnh di tích trong lần đi công cán đến Áo Môn (Ma Cao) năm 1836.
-Chu Nguyên tạp vịnh thảo (Bản thảo những bài thơ tạp vinh ở đất Chu Nguyên).
-Hoàng hoa tạp vịnh thảo (Bản thảo những bài tạp vịnh trên con đường hoa). Hoàng hoa ý nói con đường đi sứ. Đây là tập thơ gồm 76 bài thơ và 1 bài Ký Nhị thị ngẫu đàm (Cuộc trò chuyện giữa hai họ Thích Ca và Lão Tử).
-Sứ trình chí lược thảo (Bản thảo lược ghi trên hành trình đi sứ).
-Sứ trình quát yếu biên (Tập sách biên chép tổng quát trên hành trình đi sứ). Cả ba tập sau đều làm trong dịp đi sứ sang Yên Kinh năm 1841.
Ngoài ra, ông còn có một số thơ văn đi sứ soạn chung với các tác giả khác.

2. Chữ Nôm:
-Sứ trình tiện lãm khúc (Khúc ngâm nhân quan sát trên hành trình đi sứ), kể về cuộc đi sứ đến Yên Kinh (tức Bắc Kinh) năm 1841.
-Chu hồi trở phong thán (Than thở về chyến trở về gặp gió bão), viết theo thể biền ngẫu, làm khi trên đường từ Tân Gia Ba trở về gặp gió bão năm 1834.
-Hồi kinh nhật ký (Nhật ký trên đường về kinh)
-Tự thuật phú (Phú tự thuật), viết theo thể tứ lục, kể thân thế của mình với mục đích đề cao đạo làm con.
-Bát phong lưu truyện (Truyện về người không phong lưu), thơ trường thiên, ý ám chỉ bản thân mình, làm năm 1815.
-Phụ châm tiện lãm (Giáo huấn phụ nữ), viết theo thể song thất lục bát.
-Nhị thập tứ hiếu diễn ca (Diễn ca 24 chuyện hiếu hạnh), viết theo thể song thất lục bát. Nguyên tác của Quách Cư Nghiệp đời Nguyên.
Ngoài ra ông còn diễn âm một số tác phẩm Trung Quốc thành truyện thơ Nôm:

-Tây sương (Mái Tây), dài 1.744 câu lục bát, dựa theo một vở kịch nổi tiếng ở Trung Quốc do Vương Thực Phủ đời Nhà Nguyên viết. Có người cho rằng người diễn Nôm không phải Lý Văn Phức mà là Nguyễn Lê Quang, bạn đồng liêu của ông.
-Ngọc Kiều Lê, dài khoảng 2.926 câu lục bát, dựa theo một tiểu thuyết cùng tên ở Trung Quốc.
-Cừu Đại Nương Trương Văn Thành diễn nghĩa, thể lục bát, viết theo một tiểu thuyết của Trung Quốc.
-Nhị độ mai diễn ca, thể lục bát, viết theo truyện Nhị độ mai của Trung Quốc. Nhiều người cho rằng đây là của một tác giả khuyết danh.

Nhận xét về ông, nhà nghiên cứu Trần Hải Yến viết:
Lý Văn Phức là một cây bút nhuần nhuyễn cà chữ Hán và chữ Nôm. Thơ văn ông nghiêng nhiều về những nét đời thường, cả trong miêu tả và cảm xúc. Tuy trong từng tác phẩm, từng thể loại, ông không có những đóng góp thật kiệt xuất...Nhưng có đủ lý do để nói rằng Lý Văn Phức là một tác gia tiêu biểu cho xu hướng tư tưởng và văn chương của giai đoạn nửa đầu thế kỷ 19 (Từ điển Văn học, bộ mới, tr. 928).

Bùi Thụy Đào Nguyên, giới thiệu.
Sách tham khảo:
-Dương Quảng Hàm, Việt Nam văn học sử yếu. Trung tâm học liệu xuất bản. Bản in lần thứ 9, Sài Gòn, 1968, tr. 392.
-Trần Hải Yến, mục từ "Lý Văn Phức" trong Từ điển văn học (bộ mới). Nhà xuất bản Thế giới, 2004, tr. 926-928.
-Thanh Lãng, Bảng lược đồ văn học Việt Nam (Quyển Thượng), mục “Lý Văn Phức”. Nhà xuất bản Trình bày, Sài Gòn, không ghi năm xuất bản, tr. 814-816.
-Hoàng Hữu Yên, Văn học thế kỷ 19, mục “Lý Văn Phức”. Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, 2004, tr. 174.