Hình ảnh

Hình ảnh

Thứ Hai, 28 tháng 2, 2011

Truyện thơ Phương Hoa

Phương Hoa là một truyện thơ Nôm Việt Nam, thể lục bát, chưa biết năm ra đời và ai là tác giả.

Đây là một truyện thơ dựa theo truyền thuyết dân gian. Trong quá trình lưu hành, do có sự tham gia của các nhà văn, nên đã xuất hiện nhiều văn bản Phương Hoa khác nhau. Ngoài cuốn xưa nhất của tác giả khuyết danh (bản in hiện còn dài 1.160 câu lục bát, in năm 1901. Bản do Thanh Lãng giới thiệu dài 1.058 câu), còn có:

Phương Hoa bị lục do Tường Bỉnh Nghĩa An Đường soạn, dài 1.278 câu lục bát.
Phương Hoa tối tân truyện do Dật Sơn Nguyễn Ngạc Trì soạn, dài 1.364 câu, in năm 1915.
Phương Hoa tân truyện do Nguyễn Cảnh [1] soạn trong thế kỷ 19, dài 1.674 câu lục bát.
Tuy có nhiều văn bản, nhưng khá thống nhất ở cốt truyện.

Lược kể:
Phương Hoa là con gái quan Ngự sử Trần Điện, và Cảnh Yên là con trai quan Thượng thư Trương Đài, đôi bên đã cùng nhau đính ước.

Viên quan họ Tào (Tào trung úy), một gian thần được vua tin dùng, thấy Phương Hoa là người tài sắc bèn đến hỏi làm vợ. Bị Trần Điện từ chối, y bèn giả mạo chiếu chỉ nhà vua khép Trương Đài vào tội "vong thần mại quốc", giết ông rồi còn chiếm đoạt hết tài sản. Hai anh em Cảnh Tỉnh, Cảnh Yên đưa mẹ chạy về Thạch Thành, giả làm tăng ni để lánh nạn. Được một tháng, vợ Cảnh Tỉnh sinh Tiểu Thanh rồi lâm bệnh mất.

Bảy năm sau, tới kỳ "đại khoa", vợ Trương Đài dẫn con cháu trở về quê. Dọc đường, họ dừng nghỉ ở Lôi Dương. Lúc này Phương Hoa vẫn một lòng thương nhớ và chờ đợi Cảnh Yên. Tình cờ, nàng gặp Tiểu Thanh rồi đưa về nhà nhận làm con nuôi. Nhờ đó, nàng biết được tình cảnh gia đình họ Trương. Thông qua Tiểu Thanh, Phương Hoa hẹn Cảnh Yên vào đúng canh ba đến đợi ở góc vườn hoa sẽ có người tới trao áo quần và tiền bạc. Không may việc bị lộ, tên gian là Hồ Nghi lẻn tới chỗ hẹn giết chết người tớ gái (Thị Liễu) của Phương Hoa để cướp của. Cảnh Yên tới nơi vô tình giẫm phải người chết, máu lấm khắp người. Ngự sử Trần Điện hay tin người tớ gái bị giết, bèn hạ lệnh truy tìm hung thủ. Lần theo dấu máu, Cảnh Yên bị bắt giam chờ ngày xét xử. Quá đau xót, mẹ Cảnh Yên sinh bệnh rồi mất. Phương Hoa thay Cảnh Yên lo việc chôn cất chu đáo, rồi xin cha mẹ được lên kinh đô bán hàng, nhưng sự thật là để tìm cách cứu Cảnh Yên.

Ở kinh đô, ngày đêm luyện văn chương, tới kỳ “đại khoa”, Phương Hoa lấy tên Cảnh Yên dự thi. Nàng đỗ Tiến sĩ, được vua gọi vào chầu. Giữa triều đình, Phương Hoa tấu trình nỗi oan ức của gia đình họ Trương. Sau khi nhà vua rõ mọi chuyện, Tào trung úy và Hồ Nghi bị xử chém, gia đình họ Trương được minh oan. Ra khỏi nhà lao, Cảnh yên làm bài văn sách do vua ra đề. Xét văn, chàng được đặc cách đỗ Tiến sĩ cùng khoa với Phương Hoa. Gặp lại nhau, Cảnh Yên và Phương Hoa chính thức trở thành vợ chồng. Kết thúc tác phẩm là cảnh vợ chồng cùng về bái tổ vinh quy.

Theo văn bản Phương Hoa (dài 1.058 câu) do GS. Thanh Lãng giới thiệu, thì truyện gồm 5 hồi, và được giáo sư phân chia như sau:

Hồi 1: Họ Trần và Họ Trương hứa gả con cho nhau (từ câu 1 đến câu 180).
Hồi 2: Họ Trương gặp nạn (từ câu 181 đến câu 344).
Hồi 3: Phương Hoa cứu giúp họ Trương (từ câu 345 đến câu 684).
Hồi 4: Cảnh yên mắc oan bị tù (từ câu 685 đến câu 920).
Hồi 5: Hai bên đoàn tụ (từ câu 921 đến câu 1058).

*
Nhà nghiên cứu Nguyễn Phương Chi nhận xét:
Mượn câu chuyện trong dân gian Việt Nam (không mô phỏng tiểu thuyết hay sự tích của Trung Quốc), truyện Phương Hoa thể hiện cuộc đấu tranh giữa chính nghĩa và phi nghĩa...Nét đặc sắc của nó so với các truyện Nôm khác là quá trình chiến thắng hoàn toàn dựa vào tài trí thông minh và phẩm hạnh của một người con gái. Thông qua chủ đề Thiện thắng Ác, tác giả tố cáo những thế lực tàn bạo trong xã hội phong kiến đã chà đạp lên hạnh phúc, quyền sống của con người, và khẳng định vị trí xứng đáng của người phụ nữ...
Kết cấu truyện nhìn chung khá chặt chẽ. Tuy nhiên, ở cuốn Phương Hoa (khuyết danh) đầu tiên, mặc dầu có lối kể chuyện giản dị hồn nhiên được nhiều người dân ưa thích và truyền tụng, song nó vẫn còn khá nhiều nhược điểm: một số chi tiết chưa nhất quán, bút pháp miêu tả có chỗ sơ lược, chưa chú ý khai thác đời sống nội tâm nhân vật. Những hạn chế ấy, phần nào đã được khắc phục trong các cuốn Phương Hoa soạn lại sau này, nổi trội là cuốn Phương Hoa tân truyện của Nguyễn Cảnh [2].

Ý kiến của GS. Thanh Lãng:
Người ta sống ở đời phải trung hiếu tiết nghĩa. Nàng Phương Hoa là hiện thân của cái luân lý cổ điển ấy, dù cảnh đời có thay đổi điên đảo...
Về mặt văn chương, cái đặc sắc nhất của Phương Hoa là tính cách bình dân. Đọc lên, ta cứ tưởng là đọc ca dao, nghĩa là nghe đến đâu hiểu đến đó, chứ không phải vò đầu vì những điển tích cầu kỳ. Tuy nhiên, nó vẫn tao nhã, nhẹ nhàng.
Tính cách bình dân của nó là ở chỗ tả cảnh Việt Nam, dùng những tiếng nói quen thuộc của người bình dân Việt Nam. Có lẽ tác giả tập truyện này cũng là một người trong số người bình dân ấy...[3]

Bùi Thụy Đào Nguyên, giới thiệu.

Chú thích:
[1] Nguyễn Cảnh (1818-1860), còn có tên là Nguyễn Hữu Duyên hoặc Nguyễn Văn Diên. Ông là người làng Đoán Quyết, huyện Thụy Nguyên; nay là xã Thiện Phúc, huyện Đông Thiệu, tỉnh Thanh Hóa. Ông đỗ cử nhân năm 1850, làm nghề dạy học. Ngoài Phương Hoa tân truyện, ông còn sáng tác Phú nữ quá xuân, Văn tế mẹ (theo Từ điển văn học, bộ mới, tr. 1.438).

[2] Lược theo Nguyễn Phương Chi, Từ điển văn học (bộ mới), tr. 1439.
[3] Lược theo Thanh Lãng, Bảng lược đồ văn học Việt Nam (Quyển Thượng), tr. 605.

Sách tham khảo
-Thanh Lãng, Bảng lược đồ văn học Việt Nam (Quyển Thượng). Nhà xuất bản Trình bày, Sài Gòn, không ghi năm xuất bản.
-Nguyễn Phương Chi, mục từ "Phương Hoa" trong Từ điển văn học (bộ mới). Nhà xuất bản Thế giới, 2004.

Mai đình mộng ký

Mai đình mộng ký (Ghi chép giấc mộng ở đình Mai) là một truyện thơ Việt Nam do Nguyễn Huy Hổ (1783-1841) sáng tác ở khoảng nửa đầu thế kỷ 19.

Đây là truyện thơ chữ Nôm gồm 298 câu thể lục bát có xen 2 bài thơ ngũ ngôn luật Đường.
Tác phẩm được GS. Hoàng Xuân Hãn giới thiệu và công bố lần đầu tiên trên báo Thanh Nghị năm 1943. Trong Lời thiệu giới thiệu ấy có đoạn:
Thiên mộng ký này là một áng văn chương tuyệt diệu, không lời nào non, vần nào ép. Ai cũng biết Truyện Kiều, nhiều người biết Hoa tiên. Đến như Mai đình mộng ký thì không mấy ai được đọc trừ một số ít người ở La Sơn và Can Lộc. Một áng văn hay như vậy mà bị mai một trong gần trăm rưởi năm, kể cũng hơi lạ! Chúng ta há không nên sửa lại sự bất công ấy hay sao? [1]

Lược truyện:
Mai đình mộng ký thuật lại một giấc mơ của tác giả. Nhân ngày xuân năm Kỷ Tỵ (1809), tác giả đi thăm người anh lúc ấy đang dạy học ở Nam Đàn (Nghệ An). Trên đường đi, ông ghé Phù Thạch (Nghệ An) xem hội Hoa đăng. Gặp buổi trời mưa, ông thuê đò ngược dòng sông Lam. Say ngủ trên thuyền, ông mơ thấy đến một nơi có lâu đài nguy nga cùng vườn cây xinh đẹp. Lại có một cái đình tên là Thưởng Mai đình. Một cô gái đẹp vừa đề thơ dán lên vách xong, nhưng thấy ông đến vội trở vào nhà. Ông họa lại bài thơ ấy rồi bỏ cả hai bài thơ vào ống thơ.

Thấy phía trong có tòa lâu đài, ông đánh liều vào xem. Một gái hầu ra hỏi, lấy ống thơ từ tay ông rồi chạy vào nhà trong. Ông được bà chủ của tòa lâu đài mời vào hỏi thăm tung tích. Rồi bà cho biết trước đây cha và chồng bà đều làm quan cho triều Lê, nhưng vì binh đao loạn lạc, thời thế đổi thay, nên cáo quan về ẩn ở đây và chồng bà đã qua đời hơn 10 năm. Xem thơ họa, bà biết ông có căn duyên với cô gái đề thơ. Bà khuyên ông cố gắng học hành, khi nào thi đỗ sẽ trở lại. Tác giả vâng lời lui ra và tỉnh dậy.

*
Mai đình mộng ký thể hiện tâm sự hoài Lê của tác giả. Khuynh hướng hoài Lê hay hoài cổ nói chung trong văn học Việt Nam, giai đoạn nửa thế kỷ 19, một phần thể hiện quan niệm nhân sinh của những tác giả này, nhưng một phần cũng thể hiện sự bất mãn kín đáo của họ đối với triều đại nhà Nguyễn.
Mai đình mộng ký sử dụng nhiều từ Hán và điển cố. Nói chung, lời thơ rất điêu luyện, trau chuốt, bóng bảy, có nhiều đoạn tả thiên nhiên rất đẹp.

Bùi Thụy Đào Nguyên, giới thiệu.
Chú thích:
[1] Dẫn lại theo Phạm Thế Ngũ, Việt Nam văn học sử giản ước tân biên (Quyển 2, tr. 323.
Sách tham khảo:
-Hoàng Hữu Yên (chủ biên), Văn học thế kỷ 19. Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2004.
-Nguyễn Lộc, mục từ "Mai đình mộng ký" trong Từ điển văn học (bộ mới). Nhà xuất bản Thế giới, 2004.
-Phạm Thế Ngũ, Việt Nam văn học sử giản ước tân biên (Quyển 2). Quốc học tùng thư, Sài Gòn, không đề năm xuất bản.

Truyện thơ Tây sương

Tây sương (Mái Tây) là một truyện thơ Việt Nam bằng chữ Nôm, ra đời vào thời Nguyễn. Theo nhiều nhà nghiên cứu văn học thì đây là một tác phẩm ca ngợi tình yêu tự do táo bạo, vượt ra ngoài lễ giáo phong kiến.

1. Nguồn gốc và tác giả:
Tây sương ký nguyên là một vở kịch nổi tiếng ở Trung Quốc do Vương Thực Phủ đời Nhà Nguyên viết. Sau, Lý Văn Phức (hoặc là Nguyễn Lê Quang) đã dựa theo vở kịch ấy mà viết thành một truyện thơ Nôm, dài 1.744 câu lục bát, lấy nhan đề là Tây sương (Mái Tây). Hiện có hai người được cho tác giả của truyện thơ Tây sương, đó là:

-Lý Văn Phức (1785-1849):
Ông là người làng Hồ Khẩu, nay là phường Bưởi, quân Tây Hồ, thành phố Hà Nội. Năm Quý Mão (1819), ông thi đỗ Hương tiến, được bổ chức quan, lần lượt trải đến chức Tham tri bộ Lễ. Trước sau ông đi công cán ở nước ngoài 7 lần (Yên Kinh, Quảng Đông, Phúc Kiến, Lữ Tống, Singapore, Macao, Tiểu tây dương). Ông mất khi còn tại chức (1849).

Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Phương Chi, thì truyện Tây sương do ông viết trong những năm cuối đời (từ sau chuyến đi Yên Kinh (Trung Quốc) năm 1841 cho đến khi ông mất.

-Nguyễn Lê Quang:
Không rõ tiểu sử, chỉ biết ông làm quan (được người đương thời gọi là Thị độc Nguyễn), và là bạn đồng liêu với Lý Văn Phức. Ông mất vào thời vua Tự Đức. Theo PGS. Hoàng Hữu Yên thì ông là tác giả truyện Tây sương. Lý Văn Phức chỉ là người nhuận sắc.

2. Lược kể tác phẩm:
Câu chuyện kể trong truyện Tây sương đại lược như sau:
Thôi Oanh Oanh cùng mẹ là Trịnh phu nhân đưa linh cửu của cha là quan tướng quốc về quàn tại chùa Phổ Cứu. Cùng ở trọ ở chùa có một thư sinh tên là Trương Quân Thụy. Say mê nhan sắc của nàng Thôi, Quân Thụy tìm cách lân la.

Trong miền có tên tướng cướp Tôn Phi Hổ, nghe tiếng Thôi Oanh Oanh xinh đẹp, bèn đưa quân vây chùa, đòi lấy nàng làm vợ. Nghe vậy, một mặt Quân Thụy bày kế hẹn ngày đưa dâu để hoãn binh, một mặt chàng viết thư cầu cứu người bạn là tướng quân Đỗ Xác. Đỗ tướng quân đem binh lại đánh tan quân cướp. Nhưng sau đó Trịnh phu nhân lật lọng, định gả con gái cho Trịnh Hằng, một người có quyền thế và giàu có.

Trương Quân Thụy ốm tương tư. Người hầu gái của nàng Thôi là Hồng nương lấy làm thương xót, nên sắp đặt Oanh oanh đến thăm bệnh Quân Thụy ở mái tây chùa Phổ Cứu, và chung chăn gối với chàng. Chuyện vỡ lở, Trịnh phu nhân buộc phải đồng ý gả, nhưng bà đặt điều kiện là Quân Thụy phải đỗ đạt mới cho cưới.

Trương Quân Thụy về kinh thi đỗ Hội nguyên, được bổ quan ở địa phương chùa Phổ Cứu. Quân Thụy làm lễ thành hôn với Oanh Oanh và sống hạnh phúc bên nàng.

*
Cốt truyện Tây sương về cơ bản giống với kịch bản Tây sương ký của Vương Thực Phủ. Tuy vậy, tác giả cũng đã thay đổi ít nhiều. Như chi tiết Hồng nương đã thuyết phục Thôi phu nhân cho đôi trẻ kết duyên, khiến cho tình yêu tự do thắng thế. Hình tượng những nàng hầu (và tiểu đồng) đại diện cho lớp người ở dưới đáy xã hội, ấy là nét mới mẻ xuất hiện trong hàng loạt truyện thơ Nôm ở giai đoạn này. Như nhân vật nhà sư Pháp Bản ở Tây sương ký có thái độ từ bi, thì trong Tây sương ông đã trở thành "sư hổ mang". Lão cũng đã mê mẩn tâm thần khi nhìn thấy nàng Thôi xinh đẹp. Điều này phản ánh sự sa sút của Phật giáo ở thế kỷ 19.

Tuy có đôi chút khác biệt, nhưng cốt lỏi của Tây sương vẫn là một câu chuyện tình vượt ra ngoài khuôn khổ phong kiến. Tác giả ca ngợi tình yêu chân chính, ca ngợi tự do luyến ái, đồng thời tố cáo những luật lệ phong kiến hà khắc làm cản trở hạnh phúc lứa đôi...

Văn chương trong Tây sương trau chuốt, rèn giũa (chịu ảnh hưởng sâu sắc Truyện Kiều) song vẫn còn nhiều từ cổ. Có nhiều đoạn tả cảnh, tả tình khá thành công. Tác giả có cố gắng trong việc kết hợp giữa văn chương bác học và văn học dân gian. Ông sử dụng vốn tục ngữ, ca dao Việt, và Việt hóa một số điển cố và thành ngữ chữ Hán. Nhờ vậy, câu thơ trong Tây sương đã đạt đến độ khá nhuần nhuyễn. Một sáng tạo khác, đó là tác giả đã cải biên tính cách một số nhân vật sao cho phù hợp với con người Việt. Nhờ vậy, tuy là lấy cốt truyện từ nước ngoài, song ở Tây sương vẫn là một đời sống xã hội Việt, và đã phản ánh ước mơ và đấu tranh của nhân dân Việt...

Cùng với Truyện Kiều, Phan Trần...Tây sương đã góp thêm tiếng nói tích cực vào trào lưu văn học vì quyền sống, quyền hạnh phúc của con người đã nổi lên mạnh mẽ ở Việt Nam từ giữa thế kỷ 18.

Bùi Thụy Đào Nguyên, giới thiệu.
Sách tham khảo:
-Hoàng Hữu Yên (chủ biên), Văn học thế kỷ 19. Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2004.
-Nguyễn Phương Chi, mục từ "Tây sương" trong Từ điển văn học (bộ mới). Nhà xuất bản Thế giới, 2004.
-Trần Hải Yến, mục từ "Lý Văn Phức" trong Từ điển văn học (bộ mới). Nhà xuất bản Thế giới, 2004.
-Thanh Lãng, Bảng lược đồ văn học Việt Nam (Quyển Thượng). Nhà xuất bản Trình bày, Sài Gòn, không đề năm xuất bản.

Truyện thơ Phan Trần

Phan Trần (họ Phan và họ Trần) là một truyện thơ Việt Nam bằng chữ Nôm, dài 954 câu lục bát, không rõ tác giả là ai, và có lẽ ra đời vào khoảng đầu thế kỷ 19.

1. Nguồn gốc:
Truyện thơ Phan Trần lấy sự tích (chưa biết tên sự tích hay tên truyện) ở nước Trung Quốc thời Tĩnh Khang (tức Tống Khâm Tông). Mấy câu mở đầu đã cho biết điều này:


Trên am thong thả sắt cầm,
Nhà nương án ngọc, buồn ngâm quyển vàng.
Thấy trong triều Tống Tĩnh Khang,
Một chàng Hòa Quận, một chàng Đàm Chu.
Bảng vàng bia đá nghìn thu,
Phan, Trần hai họ cửa nho dõi truyền...


2. Lược truyện:
Truyện kể về cuộc tình duyên trắc trở của hai người là Phan sinh và Trần Kiều Liên. Theo nhà nghiên cứu văn học Việt Dương Quảng Hàm thì truyện được chia làm 4 hồi và có nội dung đại để như sau:

2. 1/ Họ Phan và họ Trần đính ước gả con cho nhau (từ câu 1 đến câu 150):
Vào đời Tống Tĩnh Khang ở Trung Quốc có Phan công và Trần công vốn là bạn học và là bạn đồng liêu. Khi vợ hai người thụ thai thì họ hẹn ước rằng hễ một bên sinh con trai, một bên sinh con gái, sẽ gả cưới cho nhau. Họ Trần trao trâm ngọc, họ Phan trao quạt ngà làm vật đính hôn. Sau đó, họ Phan sinh ra Phan sinh (tên là Tất Chánh) và họ Trần sinh ra Kiều Liên. Vì tuổi cao, Phan công và Trần công đều xin về trí sĩ để dạy con. Từ đó hai người xa cách nhau. Lớn lên, Phan sinh thi Hương đỗ thủ khoa, nhưng hỏng thi Hội, chàng ở lại kinh đô học tập.

2.2/ Phan sinh và Kiều Liên phải xa cách nhau (từ câu 151 đến câu 302):
Trần công mất. Lại gặp lúc giặc nổi lên, mẹ con Kiều Liên phải chạy loạn. Nửa đường họ lạc nhau, mẹ thì đến nương náu ở nhà Phan công, còn Kiều Tiên thì gặp một người họ Trương (Trương thị) đưa vào tu trong một ngôi chùa ở Kim Lăng, và lấy pháp danh là Diệu Thường.

2. 3/ Phan Sinh và Diệu Thường gặp nhau (từ câu 303 đến câu 774):
Phan sinh đang học ở Thành Đô, chợt nhớ có người cô tu ở Kim Lăng, bèn đến thăm. Người cô bảo ở lại chùa học tập. Phan sinh trông thấy Diệu Thường thì phải lòng, bèn nhờ bà vãi Hương công làm mối, nhưng Diệu Thường cự tuyệt. Phan sinh vì thế ốm tương tư. Nể lời sư cô (cô Phan sinh), Diệu Thường đến thăm chàng. Khi khỏi bệnh, một đêm, chàng lại phòng Diệu Thường cảm ơn. Trước nàng không cho vào, sau vì sợ Phan sinh tự tận, nên phải mở cửa. Trong câu chuyện, hai người dần nhận ra là họ đã được cha mẹ đính hôn từ trước. Từ đó, hai người thầm đi lại với nhau.

2. 4/Phan sinh và Kiều Liên kết thành vợ chồng (từ câu 775 đến câu 954):
Phan sinh đi thi Hội, đỗ Thám hoa. Về chàng nói rõ cho sư cô biết chuyện của mình với Kiều Liên (tức Diệu Thường). Sư cô khuyên Phan sinh làm lễ cưới Kiều Tiên ở nhà Trương thị, rồi hai vợ chồng cùng vinh quy. Về đến nơi, gặp cha mẹ và Trần phu nhân (mẹ Kiều Liên). Thế là hai họ Phan-Trần sum họp. Sau vua triệu Phan sinh về kinh nhậm chức và cử đi đánh giặc. Giặc tan, chàng chiến thắng trở về, hai vợ chồng hưởng vinh hoa phú quý.

*
Nhà nghiên cứu Dương Quảng Hàm, viết:
Các cụ xưa thường răn: "Đàn ông chớ kể Phan Trần", vì trong truyện có đoạn tả Phan sinh tương tư người yêu đến nỗi toan tự tận. Các cụ cho rằng một người con trai không nên có những tình cảm quá nhu nhược và ủy mị như thế. Tuy vậy, trong truyện có nhiều đoạn tả cảnh, tả tình rất khéo, như đoạn tả nỗi buồn của Kiều Liên khi nhớ mẹ và tình nhân, đoạn tả bỗi thất vọng của Phan sinh khi bị Diệu Thường cự tuyệt.
Lời văn chải chuốt êm đềm, có nhiều đoạn không kém gì văn Truyện Kiều, và so với văn Nhị độ mai có phần hơn [1].

GS. Nguyễn Lộc nhận xét:
Phan Trần là một câu chuyện tình yêu thuần túy. Đôi trai gái ở đây yêu nhau một cách khá phóng túng, nhất là đối với Phan sinh. Mặc dù chàng đã được cha mẹ đính hôn, nhưng khi gặp một cô gái đẹp (ni cô Diệu Thường) chàng đã chạy theo tình yêu của mình, không một chút đắng đo. Còn Trần Kiều Liên lúc đầu cự tuyệt, nhưng khi biết chàng ốm tương tư vì mình, nàng đã đến thăm; và khi chàng dọa tự tử, thì nàng mở cửa cho chàng vào mặc dù đang lúc đêm tối vắng vẻ…
Phải có cái táo bạo nào đó mới dám viết về một tình yêu tự do như thế lại diễn ra ở ngay trong một ngôi chùa. Và nhà sư (cô Phan Sinh) ở đây có tính cách như một nhà "nhân đạo chủ nghĩa", sẳn sàng thông cảm với tâm sự của đôi trai gái, giúp họ có điều kiện gần gũi và yêu thương nhau…
Về mặt nghệ thuật, Phan Trần là một truyện thơ giản dị, ngôn ngữ trong sáng, không có nhiều từ Hán, hoặc nhiều điển cố khó hiểu. Một số đoạn thơ đạt đến trình độ điêu luyện [2].

Bùi Thụy Đào Nguyên, giới thiệu.
Chú thích:
[1] Trích trong Việt Nam văn học sử yếu, tr. 390.
[2] Trích trong Từ điển văn học (bộ mới), tr. 1397.

Sách tham khảo:
-Dương Quảng Hàm, Việt Nam văn học sử yếu (mục "Phan Trần"). Trung tâm học liệu xuất bản. Bản in lần thứ 10, Sài Gòn, 1968.
-Dương Quảng Hàm, Việt Nam thi văn hợp tuyển (mục "Phan Trần"). Trung tâm học liệu xuất bản. Bản in lần thứ 9, Sài Gòn, 1968.
-Nguyễn Lộc, mục từ "Phan Trần" trong Từ điển văn học (bộ mới). Nhà xuất bản Thế giới, 2004.
-Thanh Lãng, Bản lược đồ văn học Việt Nam (Quyển Thượng). Nhà xuất bản Trình bày, Sài Gòn, không ghi năm xuất bản.

Truyện thơ Trinh thử

Trinh thử (Con chuột trinh tiết) là truyện thơ Nôm Việt Nam, dài 850 câu lục bát và 2 bài thơ thất ngôn luật Đường. Hiện chưa rõ tác giả là ai và thời điểm tác phẩm ra đời.

1. Tác giả:
Trước đây, nhiều người (trong số đó có Dương Quảng Hàm, Bùi Kỷ) cho rằng truyện Trinh thử là của Trần triều xử sĩ Hồ Huyền Quy [1] soạn. Nhưng hiện nay, theo nhà nghiên cứu Triêu Dương, thì bước đầu đã xác định truyện Trinh thử thoát thai từ một tác phẩm văn xuôi chữ Hán, có nhan đề là Đông thành trinh thử truyện (Truyện con chuột trinh tiết ở tường thành phía Đông) ra đời vào nửa sau thế kỷ 19. Cũng theo Triêu Dương, thì tác giả có thể là một danh sĩ lúc bấy giờ. Một số bô lão thì nói rằng truyện này do Nguyễn Hàm Nghi (em ruột Nguyễn Hàm Ninh) ở Quảng Bình viết vào thời thực dân Pháp mới sang xâm lược nước Việt, và có ý ám chỉ thời thế.

Trong khi chờ đợi các nhà nghiên cứu văn học Việt xác nhận ai là người viết truyện Trinh Thử, ở đây phần tác giả tạm ghi theo Từ điển văn học (bộ mới) là "khuyết danh".

2. Lược truyện:
Bản in sớm nhất truyện Trinh Thử hiện còn là lần in vào năm Đinh Tỵ (1875). Truyện kể rằng vào năm Long Khánh (niên hiệu của Trần Duệ Tông), đời Trần ở miền Lộc Đỗng có người Hồ sinh, học rộng biết nhiều, lại nghe được tiếng chim muông. Nhân ra chơi kinh thành, chàng ngụ ở gần nhà Thừa tướng Hồ Quý Ly. Đêm nằm bỗng nghe tiếng chó sủa. Chó sủa làm cho một con chuột bạch góa chồng đang đi kiếm ăn bên nhà Hồ Quý Ly kinh hãi chạy vào nấp ở hang chuột đực.

Theo nhà nghiên cứu Dương Quảng Hàm thì trừ đoạn mở đầu và đoạn kết, truyện có thể chia làm 3 đoạn và có nội dung đại để như sau:

2.1/ Chuột Đực quyến rũ Chuột Bạch, Chuột Bạch cự tuyệt (từ câu 11 đến câu 526):
Chuột Bạch chạy nấp vào hang Chuột Đực, bị Chuột Đực gạ gẫm, nhưng Chuột Bạch nhất định cự tuyệt, bác lại các lý lẽ của Chuột Đực và quyết liều chết để bảo toàn chữ trinh. Chuột Đực biết không thể lay chuyển nổi Chuột Bạch, bèn lấp liếm để chữa thẹn.

2.2/ Chuột Cái về, nổi ghen, rầy rà Chuột Đực và sinh sự với Chuột Bạch (từ câu 527 đến câu 718):
Đang khi ấy, Chuột Cái về, nhờ rằng chồng (Chuột Đực) và Chuột Bạch có tình gian, tỏ ý giận dữ. Chuột Bạch giải bày, biện bạch rồi từ biệt ra về. Nhưng Chuột Cái không tin, nổi ghen, đay nghiến chồng, rồi còn đến nhà Chuột Bạch để xỉ vả. Mèo ở đâu chợt đến. Chuột Bạch chạy thoát vào cong gạo, còn Chuột Cái chạy lạc đường sa xuống ao.

2.3 / Hồ sinh cứu vớt và khuyên nhủ chuột cái (từ câu 819 đến câu 802):
Hồ sinh (người biết tiếng chim muông đã đứng nghe câu chuyện từ đầu) thấy thế, bèn đuổi mèo đi, vớt Chuột Cái lên, rồi lấy lời lẽ phải trái nói rõ lòng trinh tiết của Chuột Bạch và khuyên nhủ chuột cái về đạo cư xử trong gia đình.

*
Trinh thử mượn chuyện loài vật để nêu lên hình ảnh người phụ nữ ở góa biết giữ lòng chung thủy đối với người chồng đã mất, đả kích hạng dâm dật giở trò ong bướm đối với người góa bụa, và phê phán những phụ nữ ghen tuông quá đáng.
Trinh thử đề cao lối sống trong sạch, chỉ trích những kẻ keo bẩn ky cóp làm giàu một cách không chính đáng. Tác phẩm cũng chỉa mũi nhọn vào bọn quyền thần, và phản đối lối sống tùy thời của những kẻ chuyên luồn cúi. Luân lý ở đây có phần hợp với nhân dân lao động, nhưng cũng chịu ảnh hưởng nặng nề của lễ giáo phong kiến chính thống...

Trích thêm ý kiến của GS. Thanh Lãng:
Đây là cuộc đấu tranh xoay quanh vấn đề giá trị của đạo đức và ý nghĩa của cuộc sống.
Chuột Đực phản đối trinh tiết, mỉa mai đời sống thanh bần, chê cuộc sống theo nề nếp. Về lý thuyết, Chuột Đực chủ trương thuyết vị lợi, sống là hưởng thụ, và hoài nghi mọi giá trị đạo đức luân lý.
Chuột Bạch bảo vệ trinh tiết, phản đối bội bạc, coi khinh giàu sang bất chính...
Trinh thử là hình ảnh của hạng người trong xã hội đương thời, một bên là trọng nghĩa khinh tài, một bên là phường giá áo túi cơm.
..[2]

Xét về lời văn, nhà nghiên cứu Dương Quảng Hàm viết:
Lời văn truyện Trinh thử bình thường giản dị mà vẫn chải chuốt thanh tao. Và có một điều đặc sắc là dùng nhiều câu phương ngôn, tục ngữ một cách khéo léo [3].

Bùi thụy Đào Nguyên, giới thiệu.
Chú thích:
[1] Hồ Quyền Quy (? - ?) có tài văn thơ. Nhân thời cuộc rối rắm, lại không phục Hồ Quý Ly lúc ấy đang nắm quyền chính, và đang khuynh đảo nhà Trần, ông đi ở ẩn (theo Nguyễn Q. Thắng-Nguyễn Bá Thế, Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam. NXB. Khoa học Xã hội, 1992, tr. 276).
[2] Trích trong Bảng lược đồ văn học Việt Nam (Quyển Thượng), tr. 324.
[3] Trích trong Việt Nam thi văn hợp tuyển, tr. 44.

Sách tham khảo:
-Dương Quảng Hàm, Việt Nam thi văn hợp tuyển (mục "Trinh thử"). Trung tâm học liệu xuất bản. Bản in lần thứ 9, Sài Gòn, 1968.
-Thanh Lãng, Bảng lược đồ văn học Việt Nam (Quyển Thượng). Nhà xuất bản Trình bày, Sài Gòn, không ghi năm xuất bản.
-Triêu Dương, mục từ "Trinh thử" trong Từ điển văn học (bộ mới). Nhà xuất bản Thế giới, 2004.

Truyện thơ Trê cóc


Trê cóc (tranh dân gian)
Trê Cóc là một truyện ngụ ngôn Việt Nam bằng chữ Nôm của một tác giả khuyết danh, không rõ năm ra đời, dài 398 câu thơ lục bát có xen mấy tờ đơn và trác bằng văn xuôi.

Theo danh sĩ Bùi Huy Bích, thì tác giả truyện Trê Cóc là một gia khách nhà An Sinh vương Trần Liễu. Bởi ông đã chứng kiến việc “cướp vợ đoạt con” (Thái sư Trần Thủ Độ ép vua Trần Thái Tông lấy vợ của anh ruột là An Sinh vương Trần Liễu) mà nẩy hứng viết ra câu chuyện này. Nhà nghiên cứu Bùi Kỷ, khi hiệu đính Trê Cóc cũng cho là có nhiều chỗ phù hợp, nhưng vì còn thiếu những chứng cứ, nên ông vẫn xem đó như là một nghi án .

Tuy nhiên, theo nghiên cứu của GS. Thanh Lãng, thì Trê Cóc không thể là một tác phẩm thuộc đời Trần. Vì so với văn ở đời này, truyện Trê Cóc có lối văn mới mẻ quá.
Do chưa biết người viết là ai, nên phần tác giả truyện Trê Cóc, các sách văn học Việt đều ghi là "khuyết danh".

Lược truyện:
Vợ chồng Cóc vốn ở gần bờ ao. Đến khi đẻ, vợ Cóc xuống ao sinh ra một đàn nòng nọc. Trê ở dưới ao thấy nòng nọc giống mình, bèn bắt cả đàn về nuôi. Khi Cóc trở lại, thấy Trê chiếm đoạt con mình, mới đem việc đến kiện ở cửa quan. Quan truyền giam Trê lại. Vợ Trê ở nhà đến nhờ Triều Đẩu gỡ tội cho chồng. Triều Đẩu giới thiệu vợ Trê đến tìm Lý Ngạnh, một thủ hạ am tường việc quan. Lý Ngạnh lo lót lễ vật vào cáo quan để khiếu nại cho Trê. Quan cho sai nha đến tận nơi tra án. Trông thấy đàn nòng nọc, nha lại cho là con của Trê bèn về trình với quan. Quan liền ra lệnh thả Trê và bắt giam Cóc lại. Đến lược vợ Cóc phải chạy lo cho chồng. Ếch giới thiệu cho vợ Cóc một thầy kiện trứ danh là Nhái Bén. Nhái Bén khuyên vợ Cóc cứ đợi đàn nòng nọc đứt đuôi tự nhiên sẽ về với mình, không cần phải kiện cáo gì cả. Quả nhiên ít lâu sau, khi ra bờ ao thì đàn cóc con theo mẹ về. Vợ Cóc cùng đàn con đến kêu oan. Trước chứng cứ rõ ràng, Trê phải thú tội và bị kết án "lưu tam thiên lý" (đài xa ba ngàn dặm). Hai vợ chồng Cóc được kiện trở về, một nhà vui sướng xum vầy.
*
Ngoài tính cách phúng thích về thời sự, ở truyện Trê Cóc còn có ý nghĩa về luân lý.
Bởi tác giả đã phô bày lắm nét hủ bại và nực cười ở xã hội xưa, chung quanh những vụ kiện tụng trước cửa quan...Ở mỗi trang truyện, người ta thấy trở đi trở lại những chữ “lo lót, lễ vật, lễ mọn, phí tổn”. Chung quy thì chỉ người dân “vô phúc đáo tụng dình”là phải chịu thiệt hại, thua cũng thiệt mà được cũng thiệt.
Ngoài ra, truyện còn có giá trị nghệ thuật. Trước hết là trong việc chọn những con vật: Cóc sù sì, thô kệch giống như là những người dân chất phác hiền lành. Trê nhẵn nhụi, trơ tru hay chui luồn, có thể tiêu biểu cho những người có nết láu lĩnh, hay làm việc mờ ám...Bên cạnh đó, tác giả lại khéo cho những nhân vật ấy nói ra những lời của “người”...
Tóm lại, từ cách chọn nhân vật, xây dựng tâm lý, dàn cảnh, kể việc, đối thoại; tác giả đã có nhiều khéo léo. Đem những con vật để đóng vai người, đem tính nết ngôn ngữ của người để hoạt hóa những con vật; tác giả đã gây được một tấn tuồng đời vừa vui, vừa thật, vừa linh hoạt và trào lộng mà lại có ý nghĩa châm biếm sâu xa.

Bùi Thụy Đào Nguyên, giới thiệu.

Sách tham khảo:
-Dương Quảng Hàm, Việt Nam thi văn hợp tuyển (mục "Trê Cóc"). Trung tâm học liệu xuất bản. Bản in lần thứ 9, Sài Gòn, 1968.
-Thanh Lãng, Bảng lược đồ văn học Việt Nam (Quyển Thượng). Nhà xuất bản Trình bày, Sài Gòn, không ghi năm xuất bản.
-Phạm Thế Ngũ, Việt Nam văn học sử giản ước tân biên (Quyển Trung), Quốc học tùng thư, Sài Gòn, không ghi năm xuất bản.

Truyền kỳ tân phả

Truyền kỳ tân phả (Cuốn phả mới về truyền kỳ) còn có tên là Tục truyền kỳ (Viết nối truyện truyền kỳ); là tác phẩm văn xuôi chữ Hán có xen thơ, hành và văn tế của nữ sĩ Việt Nam Đoàn Thị Điểm (1705-1748).

Giới thiệu Truyền kỳ tân phả, danh sĩ Phan Huy Chú trong sách Lịch triều hiến chương loại chí (phần Văn tịch chí) viết:
Truyền kỳ tân phả gồm 1 quyển, do nữ học sĩ Đoàn Thị Điểm soạn. Sách ghi chép những truyện linh dị và những truyện gặp gỡ. Đó là các truyện: Hải khẩu linh từ (Đền thiêng cửa biển), Vân Cát thần nữ (Thần nữ Vân Cát), An Ấp liệt nữ (Liệt nữ ở An Ấp), Bích Câu kỳ ngộ (Cuộc gặp gỡ kỳ lạ ở Bích câu), Nghĩa khuyển khuất miêu (Chó khôn chịu nhịn mèo) và Hoành Sơn tiên cục (Cuộc cờ tiên trên núi Hoành Sơn).

Tuy nhiên, trong Nam sử tập biên (Q.5, viết năm 1724)[1] và Gia phả họ Đoàn thì Đoàn Thị Điểm chỉ viết có 3 truyện, đó là:
-Hải khẩu linh từ (Đền thiêng cửa biển), là chuyện nữ thần Chế Thống, tức Nguyễn Thị Bích Châu, cung phi của Trần Duệ Tông đã hi sinh thân mình để nhà vua được an toàn đưa chiến thuyền vào đánh quân Chiêm Thành.
-Vân Cát thần nữ (Thần nữ Vân Cát), là chuyện bà chúa Liễu Hạnh, một nhân vật huyền thoại có nhiều quyền năng siêu phàm, một trong bốn vị "tứ bất tử" (Tản Viên, Thánh Gióng, Liễu Hạnh, Chử Đồng Tử) của Việt Nam.
-An Ấp liệt nữ (Liệt nữ ở An Ấp). là chuyện vợ thứ ông Đinh Nho Hoàn đời vua Lê Dụ Tông, đã tuẫn tiết theo chồng.

Đồng ý với ý kiến này có PGS. TS. Đặng Thị Hảo và PGS. TS. Nguyễn Đăng Na. Theo TS. Hảo, nguyên do là vì vào năm Tân Mùi (1811, lúc này nữ sĩ Đoàn Thị Điểm đã mất), trước khi cho ấn hành, nhà xuất bản Lạc Thiện đường đã tự ý thêm vào một vài truyện của các tác giả khác, khiến cho tập sách không còn là tác phẩm của một người.

Ba truyện sau chưa rõ người viết, đó là:
-Bích Câu kỳ ngộ (Cuộc gặp gỡ kỳ lạ ở Bích câu). Có người cho là của Đặng Trần Côn, nhưng học giả Trần Văn Giáp dựa vào nhiều tài liệu lại khẳng định là của Đoàn Thị Điểm. Sau truyện này được Vũ Quốc Trân diễn ra thơ lục bát.
-Khuyển miêu đối thoại (Cuộc đối thoại giữa chó và mèo). Có bản không có truyện này, mà có truyện Tùng bách thuyết thoại (Cây tùng và cây bách nói chuyện).
-Long hổ đấu kỳ (Rồng hổ tranh nhau về tài lạ).

*
Những chuyện của Đoàn Thị Điểm xây dựng từ những nhân vật có thật trong lịch sử hoặc theo truyền thuyết dân gian, đều có ý thức đề cao người phụ nữ. Tuy nhiên, nổi bật hơn cả là truyện Hải khẩu linh từ, Truyện kể về tấn bi kịch của một nàng cung phi đời vua Trần Duệ Tông tên là Nguyễn Cơ, tự Bích Châu. Với tài hư cấu nghệ thuật của mình, tác giả đã khéo léo dẫn dắt và nâng cao tính cách nhân vật lên, làm cho câu chuyện có sức truyền cảm sâu sắc. Cái chết tự nguyện của nàng Bích Châu là kết quả của một sự suy nghĩ lâu dài về vận mệnh đất nước, dân tộc; và hình tượng của nàng còn có ý nghĩa tố cáo cuộc chiến tranh phi nghĩa. Truyện này được đánh giá là tác phẩm thành công hơn cả của Đoàn Thị Điểm.

Nhìn chung, cả sáu truyện trong Truyền kỳ tân phả đều là những câu chuyện về cuộc đời, về con người trong buổi xế chiều của xã hội phong kiến Việt Nam được biểu hiện dưới màu sắc hoang đường, quái đản. Đây là một hình thức nghệ thuật khá phổ biến trong văn xuôi Việt Nam kể từ sau Truyền kỳ mạn lục của Nguyễn Dữ ở thế kỷ 16.

Ra đời sau Thánh Tông di thảo và Truyền kỳ mạn lục ngót hai thế kỷ, nhưng Truyền kỳ tân phả đã không tiến kịp hai tác phẩm trên về nội dung và nghệ thuật. Cốt truyện thường tản mạn, rườm rà. Kết cấu lỏng lẻo. trau chuốt nhiều đến câu chữ, lời văn hơn là diễn biến nội tại của tác phẩm. Nói về Truyền kỳ tân phả, Phan Huy Chú trong Lịch triều hiến chương loại chí viết:

Lời văn hoa lệ, nhưng khí cách yếu ớt, không bằng văn của Nguyễn Dữ.
Tuy nhiên, đây vẫn là một tác phẩm văn xuôi báo hiệu bước mở đầu của trào lưu "nhân đạo chủ nghĩa" trong văn học Việt Nam ở thế kỷ 18.

Bùi Thụy Đào Nguyên, giới thiệu
.
Sách tham khảo:
-Phan Huy Chú, Lịch triều hiên chương loại chí (Tập 3), phần Văn tịch chí. Nhà xuất bản khoa học Xã hội, 1992.
-Đặng Thị Hảo, mục từ Truyền kỳ tân phả trong Từ điển văn học (bộ mới). Nhà xuất bản Thế giới, 2004.
-Nguyễn Đăng Na, Văn xuôi tự sự Việt Nam thời trung đại (Tập 1). Nhà xuất bản giáo dục, 1997.
-Trần Văn Giáp, Giới thiệu và xác định giá trị Bích Câu kỳ ngộ, in trong tập -Nhà sử học Trần Văn Giáp. Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, 1996.
-Nhiều người soạn, Từ điển bách khoa Việt Nam, mục từ Truyền kỳ tân phả.

Nhị độ mai


Nhị độ mai (Hoa mai nở hai lần) là truyện thơ Nôm Việt Nam của một tác giả khuyết danh, gồm 2.826 câu thơ lục bát, biên soạn theo cuốn tiểu thuyết Trung Quốc “Trung hiếu tiết nghĩa nhị độ mai” ra đời khoảng triều Minh - Thanh. Truyện thơ Nhị độ mai rất có thể ra đời ở thế kỷ 19.

A. Lược truyện:
Theo nhà nghiên cứu văn học Việt Dương Quảng Hàm thì truyện được chia làm 4 hồi (trừ 14 câu đầu tác giả nói về lẽ báo ứng của trời, và một đoạn cuối là những suy nghiệm của tác giả) và có nội dung đại để như sau:

I. Họ Mai bị gia thần làm hại (từ câu 15 đến câu 574):

Về đời Đường Đức Tông (627-649), có Mai Bá Cao làm quan ở huyện Lịch Thành, nổi tiếng là người thanh liêm trung trực. Ông có người con trai tên là Mai Bích, tự là Lương Ngọc. Vốn căm ghét phe gian thần Lư Kỷ, Hoàng Trung, nên khi được vua triệu về kinh làm Lại khoa cấp sự, Bá Cao quyết tâm sẽ vạch tội bất lương của họ để trừ hại cho dân.

Khi đến kinh, ông đến yết kiến Lư Kỷ. Một viên quan hầu của tướng phủ đòi tiền lễ trình, ông mắng rồi không vào. Ít lâu sau, trong bữa tiệc mừng thọ Lư kỷ, bất đắc dĩ ông phải đến mừng, nhưng lễ vật chỉ có cân miến và cây sáp. Trong khi tiếp chuyện, Bá Cao đem chuyện cũ ra chỉ trí Lư Kỷ và Hoàng Tung và từ chối không uống rượu.

Lư Kỷ căm lắm, ngấm ngầm tìm cách hãm hại ông. Nhân có giặc Thát sang quấy rối ở biên giới, Lư kỷ tâu vua cử hai người bạn của Bá Cao là Phùng Lạc Thư và Trần Đông Sơ đi đánh giặc. Bá Cao tố cáo phe Lưu Kỷ chính là những kẻ đã gây nên việc giặc giã, và khuyên vua không nên cử quan văn đảm đương việc quân. Lư Kỷ nhân đó liền khép Bá Cao vào tội trì hoãn việc binh, tạo cơ hội cho giặc. Nhà vua ra lệnh chém đầu Bá Cao và truy nã cả nhà ông.

II. Mai Lương Ngọc nương náu ở nhà họ Trần (từ câu 475 đến câu 878):

Nhận được tin dữ, Mai phu nhân (vợ Bá Cao) đến nhà em ở Sơn Đông ẩn náu, còn Mai Lương Ngọc (con trai Bá Cao) cùng người hầu là Hỷ Đồng chạy sang nhà Hầu Loan, là bố vợ chưa cưới. Muốn thử bụng Hầu Loan, Hỷ Đồng ăn mặc giả làm Lương Ngọc vào thăm. Tức thì Hầu Loan sai bắt Hỷ Đồng. Hỷ Đồng uống thuốc độc quên sinh. Lương Ngọc buồn rầu treo cổ tự tử, nhưng được nhà sư cứu thoát. Trần Đông Sơ, em nhà sư và là viên quan bị cách chức, đến viếng chùa. Vì cần người làm vườn, nên Trần công (tức Trần Đông Sơ) đem Lương Ngọc (lúc này lấy tên là Hỷ Đồng) về nhà.

Hôm giỗ Mai Bá Cao, Trần công nhớ bạn, bày lễ ở ngoài vườn, và khấn bạn rằng: Nếu họ Mai còn dòng dõi thì xin cho hoa mai trong vườn nở đều. Đêm hôm ấy, trời nổi cơn mưa gió, hoa mai rụng sạch. Trần công buồn rầu muốn đi tu. Con gái ông là Hạnh Nguyên khuyên giải, xin khấn cầu lần nữa. Ba hôm sau, hoa mai lại nở đầy trên cây (vì việc này nên mới đặt truyện là Nhị độ mai, nghĩa là cây mai nở hoa hai lần. Đây được coi là một điềm may). Mừng rỡ, Trần công sai bày rượu rồi vịnh thơ. Chợt ông thấy ở vách hoa đình có bài thơ của Hỷ Đồng. Hỏi ra mới biết Hỷ Đồng chính là Mai Lương ngọc, con trai Bá Cao, ông Trần vui mừng khôn xiết, định bụng sẽ gả Hạnh Nguyên cho chàng.

III. Họ Trần bị hại: Mai Lương Ngọc và Trần Xuân Sinh gặp cảnh lưu ly (từ câu 897 đến câu 1.974):
Giữa lúc ấy, giặc Sa Đà lại ngấp nghé ngoài biên cương. Vốn ghét Trần Đông Sơ, Lư Kỷ tâu vua bắt Hạnh Nguyên đem cống để giặc lui. Trên đường đi cống, Hạnh Nguyên theo gương Chiêu Quân, nhảy xuống sông tự vẫn. May mà trôi giạt vào vườn nhà bà Châu Bá Phù, được nhận làm con nuôi, cùng ở với con gái bà là Vân Anh. Nhân việc ấy, Trần công bị bắt giam, cả nhà bị truy nã. Lương Ngọc cùng với Xuân Sinh (con Trần Đông Sơ) chay trốn. Giữa đường gặp cướp, hai người lạc nhau. Lương Ngọc đổi tên là Mục Vinh, may gặp ông Phùng Lạc Thiên đang trên đường lai kinh phục chức. Được ông Phùng giới thiệu, chàng vào giúp việc cho quan Tuần án ở Hồ Nam là Châu Bá Phù. Thấy Lương Ngọc có tài văn chương, mới cho chàng về quê ông để học tập, và định gả con gái ông là Vân Anh cho chàng. Nhân đó, Lương Ngọc gặp được Hạnh Nguyên lúc bấy giờ đang ở nhà bà Châu Bá Phù.

Còn Trần Xuân Sinh lưu lạc khổ sở, nhảy xuống sông tự tử nhưng được nhà thuyền chài cứu thoát, nuôi dưỡng, và hứa sẽ gả con gái là Ngọc Thư cho chàng. Ỷ thế con quan, Giang Khôi bắt Ngọc Thư về làm tỳ thiếp. Xuân Sinh đi kiện, gặp Khâu Đề đốc (em ruột Mai phu nhân, tức cậu Lương Ngọc), được họ Khâu nhận làm con nuôi (đổi tên là Khâu Khôi), và định gả con gái là Vân Tiên cho Xuân Sinh.

IV. Phe gian thần bị tội: họ Mai và họ Trần được hiển vinh (từ câu 1.975 đến câu 2.780):
Mục Vinh (Lương Ngọc) và Khâu Khôi (Xuân Sinh) đi thi. Một người đỗ Trạng nguyên, một người đỗ Bảng nhãn. Lư Kỷ muốn ép Khâu Khôi cưới con gái mình, nhưng chàng không chịu. Lư Kỷ bắt Khâu Khôi bỏ ngục. Học trò nổi giận, đón đánh Lư Kỷ và Hoàng Tung, rồi vào chầu vua kể hết tội lộng quyền của hai viên quan này. Vua xét rõ, bèn sai chém cả hai. Cuối cùng, cả hai họ Mai-Trần đều được nhà vua ban thưởng: Mai Bá Cao được truy phong, Trần công được khỏi tù và thăng chức, Lương Ngọc và Xuân Sinh đều được ban chức.

Lương Ngọc về đón mẹ, viếng mộ Hỷ Đồng, rồi về kinh làm lễ thành hôn cùng Hạnh Nguyên (vợ chánh) và Vân Anh (vợ thứ). Còn Xuân Sinh thì làm lễ thành hôn với Vân Tiên và Ngọc Thư.

*
Nhị độ mai là một cuốn luân lý tiểu thuyết chủ ý khuyên người ta nên theo luân thường, nên giữ trọn những điều trung, hiếu, tiết, nghĩa. Trong truyện, bày ra một bên là những vai trung chính, dù gặp hoạn nạn cũng không đổi lòng, sau được vẻ vang sung sướng; một bên là nhũng vai gian ác, tuy được đắc chí một thời, sau cũng phải bị tội vạ, khổ sở, để tỏ cho người đời nhận biết cái lẽ báo ứng của trời.
Cốt truyện là những nỗi gian truân của hai gia đình, họ Mai và họ Trần...Nhưng kết cấu câu chuyện hơi vụng..., và tình tiết trong truyện nhiều chỗ phiền toái, rối ren. Lời văn truyện này bình thường, giản dị, ai xem cũng hiểu. Vả lại, câu chuyện hoàn toàn có tính cách luân lý, nên rất được phổ cập trong dân chúng.

Trích thêm ý kiến của nhà nghiên cứu Nguyễn Phương Chi:
Nội dung Nhị độ mai là cuộc đấu tranh quyết liệt giữa hai lực lượng chính nghĩa và phi nghĩa trong xã hội phong kiến. Tác phẩm phản ánh hiện thực xã hội phong kiến trên bước đường suy vong của nó: trong triều vua không lo việc nước để gian thần lộng hành giết hại những trung thần, nên ngoài thì giặc giã luôn đe dọa, đời sống nhân dân cơ cực, bị ức hiếp và chà đạp. Tác phẩm cũng thể hiện sâu sắc thái độ và nguyện vọng của người dân lao động lúc bấy giờ: đứng về phía chính nghĩa mà căm ghét phe gian tà hai dân phản nước; luôn mong ước cho người ngay, người tốt được hưởng hạnh phúc, kẻ gian ác phải bị trừng trị nghiêm minh. Vì vậy, tuy ít nhiều còn nhuốm màu sắc phong kiến, truyện Nhị độ mai cũng đã thấm nhuần tư tưởng nhân đạo tiến bộ.
Tác phẩm là câu chuyện có nhiều tình tiết, kết cấu không đơn điệu, mặc dù đôi khi tác giả đã quá lạm dụng các tình tiết khiến mạch truyện thiếu phần chặt chẽ và tự nhiên. Nhân vật tuy chưa được chú ý nhiều về đời sống nội tâm, nhưng một số cá tính cũng đã được khắc họa tương đối đạt.
Ngôn ngữ thơ nhìn chung là giản dị, trong sáng, có dùng chữ Hán, điển cố song liều lượng vừa phải và nhuần nhị. Sau Truyện Kiều và Lục Vân Tiên, Nhị độ mai là tác phẩm được quảng đại quần chúng yêu thích và được phổ biến rộng rãi [1].

Và của Từ điển bách khoa Việt Nam:
Chủ đề chính nghĩa thắng gian tà thể hiện qua một cốt truyện dài, bao quát nhiều số phận. Trong Nhị độ mai xuất hiện một hệ thống nhân vật phong phú, sinh động, thuộc nhiều tầng lớp: vua chúa, văn thần, võ tướng, kẻ sĩ tài danh, công tử ỷ quyền cậy thế, sư sãi, nhà chài, đặc biệt có hình tượng nhà Nho nghĩa khí và người phụ nữ tài sắc, đức hạnh. Lời thơ trong sáng, lưu loát, nhuần nhị. Sau Truyện Kiều, Nhị độ mai là một trong những truyện Nôm tiếp thu đề tài, cốt truyện từ văn học Trung Quốc, nhưng có giá trị sáng tạo nghệ thuật, cả về phương diện nội dung lẫn hình thức [2].

Bùi Thụy Đào Nguyên, giới thiệu.
Chú thích:
[1] Nguyễn Phương Chi, Từ điển văn học (bộ mới), tr.1265-1266.
[2] Nhiều người soạn, Từ điển bách khoa Việt Nam, mục từ “Nhị độ mai”.

Sách tham khảo:
-Dương Quảng Hàm, Việt Nam văn học sử yếu (mục "Nhị độ mai"). Trung tâm học liệu xuất bản. Bản in lần thứ 10, Sài Gòn, 1968.
-Dương Quảng Hàm, Việt Nam thi văn hợp tuyển (mục "Nhị độ mai"). Trung tâm học liệu xuất bản. Bản in lần thứ 9, Sài Gòn, 1968.
-Nguyễn Phương Chi, mục từ "Nhị độ mai" trong Từ điển văn học (bộ mới). Nhà xuất bản Thế giới, 2004.

Bích Câu kỳ ngộ



Bích Câu kỳ ngộ (Cuộc gặp gỡ lạ lùng ở Bích Câu) là truyện Nôm của Việt Nam, dài 678 [1]câu thơ lục bát, kể về sự tích một người học trò tên là Trần Tú Uyên gặp nàng Giáng Kiều ở đất Bích Câu (Bích Câu có nghĩa là ngòi biếc, nay thuộc thành phố Hà Nội).

1. Tác giả:
Trước đây, nhiều người (trong đó có Dương Quảng Hàm, Thanh Lãng) cho rằng truyện thơ Bích Câu kỳ ngộ là của một tác giả khuyết danh; nhưng theo các nhà nghiên cứu văn học Việt hiện nay (trong đó có Trần Văn Giáp, Nguyễn Phương Chi, Hoàng Hữu Yên), thì người sáng tác ra truyện thơ này là Vũ Quốc Trân (? - ?), người Bình Giang (Hải Dương), nhưng sống ở phường Đại Lợi (tức phố Hàng Đào thuộc Hà Nội ngày nay) vào khoảng giữa thế kỷ 19. Vũ Quốc Trân sống đồng thời với Nguyễn Văn Siêu, Cao Bá Quát. Ông đi đỗ mấy khoa tú tài nên thường được gọi là "cụ mền Đại Lợi".

2. Tác phẩm:
Bích Câu kỳ ngộ nguyên là một tiểu thuyết bằng chữ Hán, có ở tập Truyền kỳ tân phả của nữ sĩ Đoàn Thị Điểm (1705-1748). Có người cho là của Đặng Trần Côn (? -1745), nhưng học giả Trần Văn Giáp dựa vào nhiều tài liệu lại khẳng định là của Đoàn Thị Điểm.

Truyện thơ Bích Câu kỳ ngộ tuy chỉ là bản dịch ra chữ Nôm, song do thành công về nghệ thuật nên được phổ biến rộng rãi hơn so với nguyên bản.

Theo GS. Dương Quảng Hàm thì phần nhiều các truyện Nôm cũ của Việt Nam thường mượn sự tích ở sử sách hoặc tiểu thuyết của Trung Quốc, nhưng truyện Bích Câu thì không thế, tức nội dung hoàn toàn là của Việt Nam. Lược truyện:

Bích Câu kỳ ngộ là một câu chuyện truyền kỳ xảy ra dưới thời Hồng Đức nhà Lê (tức thời vua Lê Thánh Tông, ở ngôi từ năm 1460 đến 1497).

Theo GS. Dương Quảng Hàm thì truyện này có thể chia làm 4 hồi và có nội dung đại để như sau:

Hồi I. Tú Uyên gặp Giáng Kiều, về ốm tương tư:
Tú Uyên, một thư sinh nghèo, cha mẹ mất sớm. Một lần đến Bích Câu, thấy phong cảnh đẹp bèn làm nhà ở đấy học. Một hôm nhân tiết xuân, Tú uyên đi chơi hội chùa Ngọc Hồ, nhặt được một chiếc “lá hồng” có đề một câu thơ. Chàng định họa lại thì thấy một thiếu nữ tuyệt đẹp trước cửa tam quan, liền đi theo, nhưng đình Quảng Văn thì thiếu nữ bỗng biến mất. Về nhà, chàng ngày đêm tưởng nhớ người đẹp đến sinh bệnh.

Hồi II. Tú Uyên kết duyên cùng Giáng Kiều:
Một người bạn học là Hà sinh đến thăm, khuyên chàng không nên tơ tưởng nữa, nhưng Tú Uyên vẫn không sao quên được. Chàng đến đền Bạch Mã bói thẻ. Đêm ấy, chàng nằm mộng thấy một vị thần dặn sớm mai ra đợi ở Cầu Đông. Hôm sau, Tú Uyên ra cầu đứng đợi đến chiều tối, thì thấy có một ông lão bán tranh tố nữ mà hình dạng giống hệt người thiếu nữ đã gặp hôm trước. Chàng liền mua bức tranh về treo ở thư phòng. Cứ đến bữa ăn, dọn hai cái bát, hai đôi đũa, mời người trong tranh cùng ăn.

Một hôm Tú Uyên bận việc ở trường nên về muộn. Về nhà thấy có một mâm cơm thịnh soạn bày sẵn, chàng lấy làm lạ nhưng vẫn ngồi vào ăn. Hôm sau chàng giả bộ đi đến trường, nhưng đi được một quãng liền quay trở lại nhà, nấp vào một chỗ. Một lát sau, một thiếu nữ từ trong tranh bước ra lo việc bếp núc, nhà cửa. Tú Uyên mừng rỡ, bước ra chào hỏi. Thiếu nữ cho biết tên là Giáng Kiều, vốn là người cõi tiên, vì có tiền duyên với chàng nên xuống hạ giới. Nói rồi, nàng hóa phép ra lâu đài nguy nga với đầy đủ người hầu hạ.

Hồi III. Giáng Kiều giận Tú Uyên bỏ đi, sau lại trở về:
Vợ chồng sống hạnh phúc trong ba năm, thì Tú Uyên đâm ra rượu chè say sưa. Giáng Kiều khuyên can nhưng vô hiệu, bèn bỏ đi. Đến lúc tỉnh rượu, Tú Uyên hết sức đau khổ và hối hận. Một hôm vì tuyệt vọng, chàng định quyên sinh thì Giáng Kiều bỗng hiện về tha lỗi cho chồng. Hai người lại sống với nhau mặn nồng hơn xưa.

Hồi IV. Tú Uyên và Giáng Kiều lên cõi tiên:
Sau hai vợ chồng có được một con trai, đặt tên là Chân Nhi. Nghe lời Giáng Kiều, Tú Uyên học phép tu tiên. Một hôm sau khi dặn dò Chân Nhi ở lại cõi trần, hai vợ chồng cùng cỡi hạc bay lên cõi tiên.

*
Bích Câu kỳ ngộ là câu chuyện tình mang màu sắc hoang đường...Nhưng phía sau câu chuyện tình là một vấn đề xã hội. Tác phẩm bộc lộ một quan niệm nhân sinh muốn thoát ly thế giới thực tại...Tư tưởng yếm thế này ít nhiều cũng đã thể hiện cái nhìn phê phán xã hội của tác giả trong hoàn cảnh một đất nước loạn lạc, chiến tranh, đầy dẫy bất trắc...Mặt khác, ở đây cũng là một xu hướng giải tỏa tâm thức của những con người lúc bấy giờ: muốn rời bỏ đạo Nho mà tìm đến Phật giáo và Đạo giáo...

Về hình thức, Bích Câu kỳ ngộ là câu chuyện thuần túy Việt Nam, với những tên đất, tên người Việt Nam. Nhờ đó, âm hưởng dân tộc của truyện khá đậm nét. Hơn nữa, tác phẩm còn đạt tới một bút pháp nghệ thuật tinh vi: kết hợp tả cảnh với tả tình (có những chỗ còn táo bạo trình bày cả quan hệ nhục cảm) và khắc họa thành công tâm trạng nhân vật...Đặc biệt, ngôn ngữ truyện trong sáng, giàu hình ảnh và nhạc điệu do biết vận dụng tục ngữ, ca dao và nhất là tiếp thu những thành tựu của ngôn ngữ Truyện Kiều.

3. Thông tin thêm:
Bích Câu kỳ ngộ là câu chuyện ly kỳ thần bí xảy ra ở trên đất Thăng Long (Hà Nội bây giờ). Hiện nay, ở phố Cát Linh gần Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội) còn có một tòa nhà Bích Câu đạo quán, tương truyền được dựng trên nền nhà cũ của Tú Uyên thuở xưa. Ngoài ra, còn nhiều sự tích trong truyện, nào là sông Tô Lịch, chùa Bà Ngô (ở phố Sinh Từ, tức chùa Ngọc Hồ ở trong truyện), đền Bạch Mã (nay ở phố Hàng Buồm), gò Kim Quy (Tháp Rùa), Cầu Đông (nay ở phố Hàng Đường), đình Quảng Văn (vườn hoa Cửa Nam, Hà Nội ngày nay), v.v...Tên các di tích ấy, theo học giả Trần Văn Giáp, đã đủ chứng thực tính dân tộc của truyện.

Bùi Thụy Đào Nguyên, giới thiệu.
Chú thích:
[1] Số câu ghi theo Từ điển bách khoa Việt Nam (tr. 214) và Từ điển văn học (bộ mới, tr. 124). Bản của Dương Quảng Hàm (Việt Nam thi văn hợp tuyển, tr. 26) và Thanh Lãng (Bảng lược đồ văn học Việt Nam (Quyển Thượng, tr. 594) giới thiệu chỉ có 648 câu.

Sách tham khảo:
-Dương Quảng Hàm, Việt Nam thi văn hợp tuyển (mục "Bích Câu kỳ ngộ"). Trung tâm học liệu xuất bản. Bản in lần thứ 9, Sài Gòn, 1968.
-Nhiều người soạn, Từ điển bách khoa Việt Nam (Tập 1, mục từ "Bích Câu kì ngộ"). Trung tâm biên soạn Từ điển bách khoa Việt Nam xuất bản, Hà Nội, 1995.
-Hoàng Hữu Yên, Văn học thế kỷ 19, mục "Vũ Quốc trân và Bích Câu kỳ ngộ". Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, 2004.
-Thanh Lãng, Bảng lược đồ văn học Việt Nam (Quyển Thượng). Nhà xuất bản Trình bày, Sài Gòn, không ghi năm xuất bản.
-Phạm Thế Ngũ, Việt Nam văn học sử giản ước tân biên (Quyển Trung), Quốc học tùng thư, Sài Gòn, không ghi năm xuất bản.
-Trần Văn Giáp, Giới thiệu và xác định giá trị Bích Câu kỳ ngộ, in trong tập Nhà sử học Trần Văn Giáp. Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, 1996.Nhị độ mai

Kim Thạch kỳ duyên



Tượng Bùi Hữu Nghĩa tại nơi chôn cất ông.

Kim Thạch kỳ duyên (Mối duyên kỳ lạ giữa họ Kim và họ Thạch) là vở tuồng của nhà thơ Việt Nam Bùi Hữu Nghĩa (1807-1872).

Kim Thạch kỳ duyên được sáng tác vào lúc Bùi Hữu Nghĩa đã từ chức, về ở Bình Thủy (Cần Thơ), và được in lần đầu vào năm 1895. Vở tuồng gồm ba hồi, với vài chục nhân vật chính phụ, kể lại cuộc tình không hẹn mà nên giữa Trạng nguyên Kim Ngọc, văn võ song toàn và là con trai Tri phủ Bồ Châu, với nàng Thạch Vô Hà nết na xinh đẹp, con gái của một thầy lang nghèo.

Theo GS. Dương Quảng Hàm, thì tấn tuồng này mượn từ một cuốn truyện của Trung Quốc (việc xảy ra thuộc đời nhà Bắc Tống, 960-1126) để khuyên người ta nên giữ lòng tiết nghĩa và dạ thủy chung. Cũng theo giáo sư thì tuồng Kim Thạch kỳ duyên chia làm ba hồi, và có nội dung đại lược như sau:

I. Hồi thứ nhất:
Kim Ngọc, con trai của Ngạn Yêm (người Hà Nam) đã đính hôn với Ái Châu, con gái Lâm Vượng, một nhà giàu ở gần Tô Châu (thuộc tỉnh Giang Tô).

Lợi Đồ, tri huyện Tô Châu, có một người vợ cả và một người vợ lẽ vốn hiềm khích nhau. Một hôm vợ cả đau, mời thầy thuốc Thạch Đạo Toàn đến chữa. Vợ lẽ thừa dịp bỏ chất độc vào thuốc cho vợ cả uống. Vợ cả chết, thầy Đạo Toàn bị bắt, con gái ông là Vô Hà phải bán mình làm thị tỳ cho Ái Châu để lấy tiền chuộc cha.

Ở vùng núi Đại Lư (thuộc Thiểm Tây và Hồ Nam) có viên tướng giặc là Tiêu Hóa Long. Khi Thiết Đình Quí vâng chỉ đến nhậm chức tri phủ Tây An (thuộc Thiểm Tây) đi qua đó, bị Hóa Long đón bắt. Đình Quí nhảy xuống sông chết, và dặn vợ là Giải thị đang có mang gượng sống để trả thù.

Sau khi thi đỡ Giải nguyên, Ngạn Yêm được bổ làm tri phủ Bồ Châu (thuộc Sơn Tây). Khi cùng con là Kim Ngọc qua vùng Đại Lư để đi nhậm chức, cũng bị Hóa Long đón bắt. Nhưng nhờ có Giải thị cầu xin, nên Ngạn Yêm không bị giết. Còn Kim Ngọc thì ngã xuống sông, trôi dạt vào bờ, rồi đến ở một ngôi chùa gần đấy, và chẳng may mắc bệnh hủi. Sau ba năm ở chùa, Kim Ngọc trở về nhờ người đến hỏi cưới Ái Châu. Nhưng Ái Châu thấy chàng có bệnh nên bội ước. Mẹ nàng bèn đem Vô Hà thay làm Ái Châu để gả cho Kim Ngọc. Còn Ái Châu sau đó lấy con quan huyện Lợi Đồ là Ái Lang.

II. Hồi thứ nhì:
Nhờ cha Vô Hà cứu chữa, nên Kim Ngọc khỏi bệnh. Chàng lên kinh đô thi đỗ Trạng nguyên. Lư Khải Phong lúc giờ đang làm tể tướng trong triều, muốn gả con gái cho Kim Ngọc để thêm vi cánh hòng mưu sự thoán đoạt nhưng bị chàng từ chối.

Khi ấy Hóa Long đánh lấy được thành Tây An, giết chết quan tổng đốc Từ Tuấn Kiệt. Tể tướng Khải Phong định hại Kim Ngọc, bèn sai chàng đi đánh giặc ấy, một mặt lại đưa mật thư hứa giúp Hóa Long. Kim Ngọc cùng em vợ là Hữu Quang (em Vô Hà) đi đánh giặc. Hữu Quang bị giặc bắt. Nhưng khi Kim Ngọc ra trận thì Hóa Long bị thua, phải chạy về thành Tây An. Giải thị, Thuần Lương và Ngạn yêm bèn mưu với Hữu Quang cho Hóa Long uống rượu thật say, rồi giết chết y. Kim Ngọc dẫn quân vào thành Tây An, gặp lại cha mẹ. Sau đó, Giải thị đem đầu Hóa Long làm lễ tế chồng rồi lao mình xuống sông chết. Kim Ngọc kéo quân về kinh đô, vua nhà Tống thưởng công cho tất cả mọi người. Khải Phong vì can án phản quốc phải tội chết. Vì tội hà lạm, Lợi Đồ cùng với con là Ái Lang đều phải bị giam và bị tịch biên gia sản. Ái Châu (vợ Ái Lang) cũng bị bắt đem bán lấy tiền cho đủ số sung công.

III. Hồi thứ ba:
Kim Ngọc được cử đi giữ thành Tây An. Vợ là Vô Hà nhân sinh con cần người hầu hạ. Bà đỡ đưa Ái Châu đến. Biết là người đính hôn với chồng mình năm xưa, Vô Hà định nhường ngôi vợ cả cho Ái Châu, nhưng Kim Ngọc không thuận. Ái Châu bèn tìm cách quyến rũ Kim Ngọc. Tức giận, chàng dò biết tội bội ước của Ái Châu, định làm án trảm. Nhờ Vô Hà xin, Ái Châu mới được tha. Sau Ái Châu vào ở thanh lâu.

Trong khi ấy, đàn em của tể tướng Lư Khải Phong, vì muốn báo thù cho anh, nên kéo quân đánh phá Đài Loan. Bấy giờ, Thành Trai (bạn cha Kim Ngọc) và Lý Thiệu Cơ (ân nhân của Thạch Hữu Quang) đang làm quan ở đấy. Hai ông này thấy thế nguy, bèn cấp báo cho nhà vua. Vua sai Kim Ngọc với Hữu Quang mang quân đi đánh. Đánh dẹp xong, cả hai đem quân về kinh đô. Khi đi qua một ngôi chùa, thấy có người thắt cổ tự tử, thì ra đó là Ái Châu. Về tới kinh đô, tất cả đều được vua Tống ban thưởng.

Kim Thạch kỳ duyên là vở tuồng viết theo nhiều lối văn cho sân khấu: hát khách, hát tẩu mã, bạch, nói , hát dặm…. Lời văn thường pha trộn Hán Nôm, có những câu thuần là chữ Hán...Đại để đây là một câu chuyện lý tưởng đề cao trung hiếu, tiết nghĩa, rất được hoan nghênh ở thời ấy…
...Bằng nghệ thuật dẫn truyện và nghệ thuật sử dụng ngôn ngữ, tác giả từng bước đã làm cho hình tượng nhân vật sinh động hẳn lên. Tác giả biết vận dụng nhiều thể loại văn thơ, từ phú, thơ Đường, vè và thơ lục bát. Đặc biệt tác giả sử dụng thủ pháp đối rất tài tình, nhất là lối đối giả tá, khiến cho lời lẽ nhân vật tùy lúc tùy nơi mà nghiêm trang hoặc hài hước...Tuy nhiên, không phải lúc nào tác giả cũng thành công. Nhược điểm rõ nhất là nhân vật quá rườm, tình tiết thiếu cô động, đôi khi quá vụn vặt. Vở tuồng vì thế thích hợp để đọc hơn là để diễn, và người đọc cũng phải có trình độ chữ Hán nhất định thì mới thưởng thức nổi. Đó cũng là những thiếu sót tất yếu trên bước tiến ban đầu của thể loại kịch bản sân khấu ở Việt Nam.

Thông tin thêm:
Khi làm lính đồn Vĩnh Thông (Châu Đốc), Thủ Khoa Nghĩa phải lòng cô Lưu Thị Chỉ, con gái thứ của xã trưởng Lưu Văn Dự. Ông định tục huyền, vì lúc này vợ ông là bà Nguyễn Thị Tồn đã mất tại Biên Hòa. Đôi bên đã làm lễ đính ước, chỉ còn chờ ngày cử hành hôn lễ. Bất ngờ, ông được lệnh phải đi xa, nên nhờ người chị là bà Hai Thừa ở nhà việc rước dâu. Không ngờ bên nhà gái đánh tráo cô dâu, đưa cô con gái lớn là Lưu Thị Ý (kém nhan sắc hơn) cho ông, để đem Lưu Thị Chỉ gả cho Đề Đinh. Thủ Khoa Nghĩa về biết được, định đem trả vợ song sự đã lỡ nên thôi. Sau đó, ông đổi tên cho vợ là Hoán (nghĩa là đổi). Về sau, Thủ Khoa Nghĩa viết tuồng Kim Thạch kỳ duyên, một phần là có ý trách móc người đã bội ước.
Danh sĩ Huỳnh Mẫn Đạt (1807-1882), tác giả bài thơ Điếu Nguyễn Trung Trực nổi tiếng, là bạn tâm giao của Bùi Hữu Nghĩa. Theo PGS. TS. Lê Trí Dũng thì chính ông Đạt đã góp phần giúp bạn hoàn thành vở tuồng Kim Thạch kỳ duyên [1].

Bùi Thụy Đào Nguyên, giới thiệu.
Chú thích:
[1] Theo Phạm Thế Ngũ, Việt Nam văn học sử giản ước tân biên (Quyển Trung), tr. 471 và Lương Văn Lựu, Biên Hòa sử lược toàn biên (Quyển 2, xuất bản năm 1973, tr. 107).

Sách tham khảo:
-Dương Quảng Hàm, Việt Nam thi văn hợp tuyển (mục "Kim thạch kỳ duyên"). Trung tâm học liệu xuất bản. Bản in lần thứ 9, Sài Gòn, 1968.
-Phạm Tú Châu, mục từ "Kim Thạch kỳ duyên" trong Từ điển văn học (bộ mới). Nhà xuất bản Thế giới, 2004.
-Phạm Thế Ngũ, Việt Nam văn học sử giản ước tân biên (Quyển Trung), Quốc học tùng thư, Sài Gòn, không ghi năm xuất bản.

Thứ Bảy, 26 tháng 2, 2011

Nhị độ mai



Nhị độ mai (Hoa mai nở hai lần) là truyện thơ Nôm Việt Nam của một tác giả khuyết danh, gồm 2.826 câu thơ lục bát, biên soạn theo cuốn tiểu thuyết Trung Quốc '''Trung hiếu tiết nghĩa nhị độ mai''' ra đời khoảng triều Minh - Thanh. Truyện thơ Nhị độ mai rất có thể ra đời ở thế kỷ 19.

1. Lược truyện:
Theo nhà nghiên cứu văn học Việt Dương Quảng Hàm thì truyện được chia làm 4 hồi (trừ 14 câu đầu tác giả nói về lẽ báo ứng của trời, và một đoạn cuối là những suy nghiệm của tác giả) và có nội dung đại để như sau:

*I. Họ Mai bị gia thần làm hại (từ câu 15 đến câu 574):
Về đời Đường Đức Tông (627-649), có Mai Bá Cao làm quan ở huyện Lịch Thành, nổi tiếng là người thanh liêm trung trực. Ông có người con trai tên là Mai Bích, tự là Lương Ngọc.Vốn căm ghét phe gian thần Lư Kỷ, Hoàng Trung, nên khi được vua triệu về kinh làm Lại khoa cấp sự, Bá Cao quyết tâm sẽ vạch tội bất lương của họ để trừ hại cho dân.
Khi đến kinh, ông đến yết kiến Lư Kỷ. Một viên quan hầu của tướng phủ đòi tiền lễ trình, ông mắng rồi không vào. Ít lâu sau, trong bữa tiệc mừng thọ Lư kỷ, bất đắc dĩ ông phải đến mừng, nhưng lễ vật chỉ có cân miến và cây sáp. Trong khi tiếp chuyện, Bá Cao đem chuyện cũ ra chỉ trí Lư Kỷ và Hoàng Tung và từ chối không uống rượu.
Lư Kỷ căm lắm, ngấm ngầm tìm cách hãm hại ông. Nhân có giặc Thát sang quấy rối ở biên giới, Lư kỷ tâu vua cử hai người bạn của Bá Cao là Phùng Lạc Thư và Trần Đông Sơ đi đánh giặc. Bá Cao tố cáo phe Lưu Kỷ chính là những kẻ đã gây nên việc giặc giã, và khuyên vua không nên cử quan văn đảm đương việc quân. Lư Kỷ nhân đó liền khép Bá Cao vào tội trì hoãn việc binh, tạo cơ hội cho giặc. Nhà vua ra lệnh chém đầu Bá Cao và truy nã cả nhà ông.

*II. Mai Lương Ngọc nương náu ở nhà họ Trần (từ câu 475 đến câu 878):
Nhận được tin dữ, Mai phu nhân (vợ Bá Cao) đến nhà em ở Sơn Đông ẩn náu, còn Mai Lương Ngọc (con trai Bá Cao) cùng người hầu là Hỷ Đồng chạy sang nhà Hầu Loan, là bố vợ chưa cưới. Muốn thử bụng Hầu Loan, Hỷ Đồng ăn mặc giả làm Lương Ngọc vào thăm. Tức thì Hầu Loan sai bắt Hỷ Đồng. Hỷ Đồng uống thuốc độc quên sinh. Lương Ngọc buồn rầu treo cổ tự tử, nhưng được nhà sư cứu thoát. Trần Đông Sơ, em nhà sư và là viên quan bị cách chức, đến viếng chùa. Vì cần người làm vườn, nên Trần công (tức Trần Đông Sơ) đem Lương Ngọc (lúc này lấy tên là Hỷ Đồng) về nhà.
Hôm giỗ Mai Bá Cao, Trần công nhớ bạn, bày lễ ở ngoài vườn, và khấn bạn rằng: Nếu họ Mai còn dòng dõi thì xin cho hoa mai trong vườn nở đều. Đêm hôm ấy, trời nổi cơn mưa gió, hoa mai rụng sạch. Trần công buồn rầu muốn đi tu. Con gái ông là Hạnh Nguyên khuyên giải, xin khấn cầu lần nữa.
Ba hôm sau, hoa mai lại nở đầy trên cây (vì việc này nên mới đặt truyện là Nhị độ mai, nghĩa là cây mai nở hoa hai lần. Đây được coi là một điềm may). Mừng rỡ, Trần công sai bày rượu rồi vịnh thơ. Chợt ông thấy ở vách hoa đình có bài thơ của Hỷ Đồng. Hỏi ra mới biết Hỷ Đồng chính là Mai Lương ngọc, con trai Bá Cao, ông Trần vui mừng khôn xiết, định bụng
Sẽ gả Hạnh Nguyên cho chàng.

*III. Họ Trần bị hại: Mai Lương Ngọc và Trần Xuân Sinh gặp cảnh lưu ly
(từ câu 897 đến câu 1.974):
Giữa lúc ấy, giặc Sa Đà lại ngấp nghé ngoài biên cương. Vốn ghét Trần Đông Sơ, Lư Kỷ tâu vua bắt Hạnh Nguyên đem cống để giặc lui. Trên đường đi cống, Hạnh Nguyên theo gương Chiêu Quân, nhảy xuống sông tự vẫn. May mà trôi giạt vào vườn nhà bà Châu Bá Phù, được nhận làm con nuôi, cùng ở với con gái bà là Vân Anh. Nhân việc ấy, Trần công bị bắt giam, cả nhà bị truy nã. Lương Ngọc cùng với Xuân Sinh (con Trần Đông Sơ) chay trốn. Giữa đường gặp cướp, hai người lạc nhau. Lương Ngọc đổi tên là Mục Vinh, may gặp ông Phùng Lạc Thiên đang trên đường lai kinh phục chức. Được ông Phùng giới thiệu, chàng vào giúp việc cho quan Tuần án ở Hồ Nam là Châu Bá Phù. Thấy Lương Ngọc có tài văn chương, mới cho chàng về quê ông để học tập, và định gả con gái ông là Vân Anh cho chàng. Nhân đó, Lương Ngọc gặp được Hạnh Nguyên lúc bấy giờ đang ở nhà bà Châu Bá Phù.
Còn Trần Xuân Sinh lưu lạc khổ sở, nhảy xuống sông tự tử nhưng được nhà thuyền chài cứu thoát, nuôi dưỡng, và hứa sẽ gả con gái là Ngọc Thư cho chàng. Ỷ thế con quan, Giang Khôi bắt Ngọc Thư về làm tỳ thiếp. Xuân Sinh đi kiện, gặp Khâu Đề đốc (em ruột Mai phu nhân, tức cậu Lương Ngọc), được họ Khâu nhận làm con nuôi (đổi tên là Khâu Khôi), và định gả con gái là Vân Tiên cho Xuân Sinh.

*IV. Bọn gian thần bị tội: họ Mai và họ Trần được hiển vinh (từ câu 1.975 đến câu 2.780):
Mục Vinh (Lương Ngọc) và Khâu Khôi (Xuân Sinh) đi thi. Một người đỗ Trạng nguyên, một người đỗ Bảng nhãn. Lư Kỷ muốn ép Khâu Khôi cưới con gái mình, nhưng chàng không chịu. Lư Kỷ bắt Khâu Khôi bỏ ngục. Học trò nổi giận, đón đánh Lư Kỷ và Hoàng Tung, rồi vào chầu vua kể hết tội lộng quyền của hai viên quan này. Vua xét rõ, bèn sai chém cả hai. Cuối cùng, cả hai họ Mai-Trần đều được nhà vua ban thưởng: Mai Bá Cao được truy phong, Trần công được khỏi tù và thăng chức, Lương Ngọc và Xuân Sinh đều được ban chức.
Lương Ngọc về đón mẹ, viếng mộ Hỷ Đồng, rồi về kinh làm lễ thành hôn cùng Hạnh Nguyên (vợ chánh) và Vân Anh (vợ thứ). Còn Xuân Sinh thì làm lễ thành hôn với Vân Tiên và Ngọc Thư.

2. Trích nhận xét:
-Nhà nghiên cứu Dương Quảng Hàm:
Nhị độ mai là một cuốn luân lý tiểu thuyết chủ ý khuyên người ta nên theo luân thường, nên giữ trọn những điều trung, hiếu, tiết, nghĩa. Trong truyện, bày ra một bên là những vai trung chính, dù gặp hoạn nạn cũng không đổi lòng, sau được vẻ vang sung sướng; một bên là nhũng vai gian ác, tuy được đắc chí một thời, sau cũng phải bị tội vạ, khổ sở, để tỏ cho người đời nhận biết cái lẽ báo ứng của trời.
Cốt truyện là những nỗi gian truân của hai gia đình, họ Mai và họ Trần…Nhưng kết cấu câu chuyện hơi vụng…, và tình tiết trong truyện nhiều chỗ phiền toái, rối ren. Lời văn truyện này bình thường, giản dị, ai xem cũng hiểu. Vả lại, câu chuyện hoàn toàn có tính cách luân lý, nên rất được phổ cập trong dân chúng (''Việt Nam văn học sử yếu'', tr. 389-390).

* Nhà nghiên cứu Nguyễn Phương Chi:
Nội dung Nhị độ mai là cuộc đấu tranh quyết liệt giữa hai lực lượng chính nghĩa và phi nghĩa trong xã hội phong kiến. Tác phẩm phản ánh hiện thực xã hội phong kiến trên bước đường suy vong của nó: trong triều vua không lo việc nước để gian thần lộng hành giết hại những trung thần, nên ngoài thì giặc giã luôn đe dọa, đời sống nhân dân cơ cực, bị ức hiếp và chà đạp. Tác phẩm cũng thể hiện sâu sắc thái độ và nguyện vọng của người dân lao động lúc bấy giờ: đứng về phía chính nghĩa mà căm ghét phe gian tà hai dân phản nước; luôn mong ước cho người ngay, người tốt được hưởng hạnh phúc, kẻ gian ác phải bị trừng trị nghiêm minh. Vì vậy, tuy ít nhiều còn nhuốm màu sắc phong kiến, truyện Nhị độ mai cũng đã thấm nhuần tư tưởng nhân đạo tiến bộ.
Tác phẩm là câu chuyện có nhiều tình tiết, kết cấu không đơn điệu, mặc dù đôi khi tác giả đã quá lạm dụng các tình tiết khiến mạch truyện thiếu phần chặt chẽ và tự nhiên. Nhân vật tuy chưa được chú ý nhiều về đời sống nội tâm, nhưng một số cá tính cũng đã được khắc họa tương đối đạt.
Ngôn ngữ thơ nhìn chung là giản dị, trong sáng, có dùng chữ Hán, điển cố song liều lượng vừa phải và nhuần nhị. Sau Truyện Kiều và Lục Vân Tiên, Nhị độ mai là tác phẩm được quảng đại quần chúng yêu thích và được phổ biến rộng rãi (Từ điển văn học, bộ mới, tr.1265-1266).

Bùi Thụy Đào Nguyên, giới thiệu.
Sách tham khảo:
-Dương Quảng Hàm, ''Việt Nam văn học sử yếu'' (mục "Nhị độ mai"). Trung tâm học liệu xuất bản. Bản in lần thứ 10, Sài Gòn, 1968.
-Dương Quảng Hàm, ''Việt Nam thi văn hợp tuyển'' (mục "Nhị độ mai"). Trung tâm học liệu xuất bản. Bản in lần thứ 9, Sài Gòn, 1968.
*Nguyễn Phương Chi, mục từ "Nhị độ mai" trong ''Từ điển văn học'' (bộ mới). Nhà xuất bản Thế giới, 2004.
*TrịnhVân Thanh, ''Thành ngữ điển tích danh nhân từ điển'' (Quyển Hạ). Nhà xuất bản Hồn thiêng, Sài Gòn, 1967.

Thứ Sáu, 25 tháng 2, 2011

Nguyễn Huy Hổ & Mai đình mộng ký



Nguyễn Huy Hổ & Mai đình mộng ký

1. Nguyễn Huy Hổ (1783-1841), trước có tên là Nguyễn Huy Nhiệm (hay Nhậm), tự: Cách Như, hiệu: Liên Pha, là nhà thơ Việt Nam thời Nguyễn.

Ông sinh ngày 17 tháng 9 năm 1783 (Quý Mão) trong một gia đình khoa bảng nổi tiếng ở làng Trường Lưu, xã Lai Thạch, tổng Lai Thạch, huyện La Sơn, phủ Đức Quang, trấn Nghệ An (nay là xã Trường Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh).

Ông là con trai thứ của danh sĩ Nguyễn Huy Tự (tác giả truyện thơ Hoa tiên) và bà Nguyễn Thị Đài (con gái Tham tụng Nguyễn Khản, gọi danh sĩ Nguyễn Du bằng chú). Vợ Nguyễn Huy Hổ là cháu gái vua Lê Hiển Tông.

Sống trong giai đoạn lịch sử rối ren và loạn lạc, Nguyễn Huy Hổ học giỏi, nhưng không đi thi, và cũng không ra làm quan.

Năm 1923, vua Minh Mạng nghe ông giỏi nghề thuốc và giỏi thiên văn, nên triệu ông vào cung làm thuốc, và cho giữ chức Linh đài lang ở Tòa khâm thiên giám.

Ngày 8 tháng 10 năm 1841 (Tân Sửu), Nguyễn Huy Hổ mất, hưởng dương 58 tuổi.

Tác phẩm để lại có Mai đình mộng ký (Ghi chép giấc mộng ở đình Mai) gồm 298 câu thơ bằng thể lục bát có xen 2 bài thơ ngũ ngôn luật.

2. Mai đình mộng ký là truyện thơ chữ Nôm gồm 298 câu thể lục bát có xen 2 bài thơ ngũ ngôn luật Đường.

Tác phẩm được GS. Hoàng Xuân Hãn giới thiệu và công bố lần đầu tiên trên báo Thanh Nghị năm 1943. Trong Lời thiệu giới thiệu ấy có đoạn:
Thiên mộng ký này là một áng văn chương tuyệt diệu, không lời nào non, vần nào ép. Ai cũng biết Truyện Kiều, nhiều người biết Hoa tiên. Đến như Mai đình mộng ký thì không mấy ai được đọc trừ một số ít người ở La Sơn và Can Lộc. Một áng văn hay như vậy mà bị mai một trong gần trăm rưởi năm, kể cũng hơi lạ! Chúng ta há không nên sửa lại sự bất công ấy hay sao?

Lược truyện:
Mai đình mộng ký thuật lại một giấc mơ của tác giả. Nhân ngày xuân năm Kỷ Tỵ (1809), tác giả đi thăm người anh lúc ấy đang dạy học ở Nam Đàn (Nghệ An). Trên đường đi, ông ghé Phù Thạch (Nghệ An) xem hội Hoa đăng. Gặp buổi trời mưa, ông thuê đò ngược dòng sông Lam. Say ngủ trên thuyền, ông mơ thấy đến một nơi có lâu đài nguy nga cùng vườn cây xinh đẹp. Lại có một cái đình tên là Thưởng Mai đình. Một cô gái đẹp vừa đề thơ dán lên vách xong, nhưng thấy ông đến vội trở vào nhà. Ông họa lại bài thơ ấy rồi bỏ cả hai bài thơ vào ống thơ.
Thấy phía trong có tòa lâu đài, ông đánh liều vào xem. Một gái hầu ra hỏi, lấy ống thơ từ tay ông rồi chạy vào nhà trong. Ông được bà chủ của tòa lâu đài mời vào hỏi thăm tung tích. Rồi bà cho biết trước đây cha và chồng bà đều làm quan cho triều Lê, nhưng vì binh đao loạn lạc, thời thế đổi thay, nên cáo quan về ẩn ở đây và chồng bà đã qua đời hơn 10 năm. Xem thơ họa, bà biết ông có căn duyên với cô gái đề thơ. Bà khuyên ông cố gắng học hành, khi nào thi đỗ sẽ trở lại. Tác giả vâng lời lui ra và tỉnh dậy.

*
Mai đình mộng ký thể hiện tâm sự hoài Lê của tác giả. Khuynh hướng hoài Lê hay hoài cổ nói chung trong văn học Việt Nam, giai đoạn nửa thế kỷ 19, một phần thể hiện quan niệm nhân sinh của những tác giả này, nhưng một phần cũng thể hiện sự bất mãn kín đáo của họ đối với triều đại nhà Nguyễn.
Mai đình mộng ký sử dụng nhiều từ Hán và điển cố. Nói chung, lời thơ rất điêu luyện, trau chuốt, bóng bảy, có nhiều đoạn tả thiên nhiên rất đẹp.

Bùi Thụy Đào Nguyên, giới thiệu.
Sách tham khảo:
-Hoàng Hữu Yên (chủ biên), Văn học thế kỷ 19. Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2004.
-Nguyễn Lộc, mục từ "Mai đình mộng ký" trong Từ điển văn học (bộ mới). Nhà xuất bản Thế giới, 2004.
-Phạm Thế Ngũ, Việt Nam văn học sử giản ước tân biên (Quyển 2). Quốc học tùng thư, Sài Gòn, không đề năm xuất bản.

Thứ Hai, 7 tháng 2, 2011

Danh sĩ Hoàng Quang và Hoài Nam ca khúc

Hoài Nam ca khúc (Khúc ca tưởng nhớ phương Nam), còn có tên là Hoài Nam ký (Bài ký nhớ phương Nam) do danh sĩ Hoàng Quang (? - ?) sáng tác. Đây là một tác phẩm phản ánh khá sinh động tình trạng bế tắc, đen tối của xã hội Đàng Trong trong lịch sử Việt Nam, từ thời chúa Nguyễn Phúc Thuần trở đi.


1. Tác giả:
Hoàng Quang hiệu là Thái Dương cư sĩ, là người ở huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên (nay là tỉnh Thừa Thiên-Huế). Ông sống vào khoảng nửa cuối thế kỷ 18, có tiếng là người hay chữ.

Sau khi đánh chiếm Phú Xuân vào năm Bính Ngọ (1786), triều Tây Sơn có sai người đến nhà mời ông ra làm quan, nhưng ông khéo từ chối.

Tháng 5 năm Tân Dậu (tức tháng 6 năm 1801), chúa Nguyễn Phúc Ánh (sau này là vua Gia Long) chiếm lại được Phú Xuân, cũng cho người đến mời, nhưng lúc ấy ông đã mất.

Con ông là Hoàng Kim Hoán (? - ?), được vua Gia Long vời làm quan, trải đến chức Tham tri bộ Lại, và từng làm Chánh sứ sang Trung Quốc vào đời vua Minh Mạng.

Do nhiều năm loạn lạc, sáng tác của Hoàng Quang hiện chỉ còn lại bài Hoài Nam ca khúc. Đó là nhờ công của Công nữ Ngọc Huyên (con chúa Nguyễn Phúc Khoát) sao chép rồi truyền vào trong Nam.

2. Hoài Nam ca khúc:
Hoài Nam ca khúc, không rõ thời điểm sáng tác, dài 860 câu chữ Nôm, chủ yếu viết bằng thể thơ lục bát, có xen mấy bài thơ Đường luật và vài bài văn tế viết theo thể phú.

Nội dung tác phẩm, tác giả ca ngợi các chúa Nguyễn từ Nguyễn Hoàng đến Nguyễn Phúc Khoát. Khi Nguyễn Phúc Khoát mất, Nguyễn Phúc Thuần lên nối ngôi, nhưng vì còn bé (11 tuổi) nên quyền hành rơi hết vào tay Quốc phó Trương Phúc Loan, làm cho xã hội trở nên hỗn loạn, dân chúng đói khổ.

Đoạn thơ sau đây trích từ bản phiên âm ra chữ Quốc ngữ đăng trên Nam Phong tạp chí.

...Trách vì Quốc phó họ Trương
Chánh quân khéo khéo giả đường Y Châu [1]
Của dân muốn một kình thâu,
Như sành còn hãy rán dầu cho khô!
Muôn chung ăn tưởng chửa no,
Cùng loài mà muốn nên gò cho cao [2]
Một đoàn phú quí lao xao,
Trâm anh còn bú, đai bào còn men.
Trong triều hòa những con em,[3]
Có ái mà lại nghi hiềm dạ ai?
Đua nhau ăn uổng cơm trời,
Cạn đường thịt chạy, nhuận vời thây đi [4]
Cho hay Thuấn đã qua kỳ,
Tài dầu chẳng sánh Cao Quỳ cũng dâng [5].
Của tiền thì đặng trí thân,
Thiếu tiểu tu cần, dầu học chí nên.
Mãn chiều châu tử vẻ vang,
Đều những đọc tiền, nào chẳng đọc thơ!
Học trò là báu nước nhà,
Non cao hang thẳm tiếc đà bỏ rơi.
Há rằng chẳng có bảng Trời?
Thi tiền thì đỗ, thì tài thì bay.
Anh hùng khó chịu chau mày,
Nhà giàu con trẻ lướt mây thè lè.
Có tai bưng bít chẳng nghe,
Đã chăn sao để trâu dê gầy mòn.
Nỡ tàn cõi nước chẳng un,
Ngọc vàng con hát, lấm bùn thằng dân.
Ăn chơi cho sướng cái thân,
Béo mình những tưởng, ốm dân chi sờn.
Lấy ai cứu chúng lầm than?
Nóng càng thêm nóng, sâu càng thêm sâu...[6]

(Khi thành trì bị đối phương tấn công, thì:)
...Trận bày dưới biến trên non,
Vầy dân tiền của đắp đồn miễn hơn.
Khéo là đành dạ bất nhân,
Một mình muốn sống, muôn dân nỡ hoài.
Ví dầu xuống ngựa lên ngai,
Không dân chưa dễ cùng ai sang giàu.
Tưởng hơn nào có thiệt âu,
Nước nhà đã mất công hầu cùng ai?
Sao không chống sức ra tài,
Lấy gan làm lũy, lấy vai làm thành.
Để cho giặc nọ vô danh [7],
Xôn xao ếch giếng khoe mình nỗi chi.
Anh hùng đã phải tế thì,
Nào là tài cán chẳng đi dẹp loàn?
Binh cơ khéo vận trong màn,
Chưa lo đánh đánh giặc đã càn đánh dân.
Mới hay Tần lại công Tần,
Quét hang đã lở cày sâu lại chìu.
Đến đâu máu mỡ đều hao,
Của dân sao khéo tơ hào chẳng kiêng...

*
Chỉ qua một đoạn trích ngắn, cũng đử cho bạn đọc thấy ca khúc này phản ánh khá sinh động tình trạng bế tắc, đen tối của xã hội Đàng Trong từ thời chúa Nguyễn Phúc Thuần trở đi. Bên cạnh đó, tác phẩm còn cho thấy phong trào Tây Sơn bùng nổ chính là sự phản ứng của dân chúng trước tình trạng đó. Tuy vậy, do quan điểm chính thống, tác giả vẫn tỏ ra thù địch với phong trào này. Cuối ca khúc, Tác giả mơ ước ngôi chúa Nguyễn một ngày nào đó sẽ được phục hồi [8].

Trong tác phẩm có nhiều câu hay, tiếc rằng bản dịch có từ thời tiền chiến nên có từ cổ, làm cho người hôm nay khó nắm trọn vẹn. Cần ngành chức chọn người thành thạo dịch lại rồi đưa vào sách giáo khoa dạy Nghề Làm Quan.

Bùi Thụy Đào Nguyên, giới thiệu.
Chú thích:
[1] Chánh quân: giúp vua làm đúng chánh đạo. Y là Y Doãn, Châu là Chu Công Đán. Nguyên câu này có nghĩa Quốc phó Trương Phúc Loan, bề ngoài thì là giả vờ là một tôi hiền, nhưng bên trong lại là một quyền thần.
[2] Ý nói kẻ ti tiện ra đến chợ, lên gò cao để hóng lợi (theo Mạnh Tử).
[3] Ý nói trong trong triều toàn là người thân thuộc của Trương Phúc Loan.
[4] Câu này chỉ những kẻ vô tích sự như thịt, như thây ma chỉ làm chật đường, chứ không làm được việc gì.
[5] Hai câu này có ý nói khi Đế Thuấn không còn nữa, thì những kẻ tài không bằng ông Cao Dao, ông Tiết Quỳ cũng được làm quan.
[6] Mạnh Tử nói: “Hỏa ích nhiệt, thủy ích thâm”, nghĩa là dân đã khổ lại còn làm cho khổ thêm, như lửa đã nóng, lại làm cho nóng thêm, nước đã sâu lại làm cho sâu thêm.
[7] Lúc bấy giờ quân Trịnh và quân Tây Sơn đều lần lượt tiến đánh Phú Xuân. Tuy nhiên, cụm từ "giặc nọ vô danh" chắc là để chỉ quân Tây Sơn.
[8] Theo đây, có thể suy đoán Hoài Nam ca khúc có lẽ được viết xong trước khi chúa Nguyễn Phúc Ánh đánh chiếm Phú Xuân (tháng 6 năm 1801).

Sách tham khảo:
-Nguyễn Lộc, mục từ Hoài Nam ca khúc in trong Từ điển văn học (bộ mới). Nhà xuất bản Thế giới, 2004.
-Nguyễn Thạch Giang, Văn học thế kỷ 18, phần viết về Hoàng Quang. Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, 2004.
-Nguyễn Q. Thắng-Nguyễn Bá Thế, Từ điển nhân vật Việt Nam, mục từ Hoàng Quang và Hoàng Kim Hoán. Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1992.