Hình ảnh

Hình ảnh

Thứ Tư, 26 tháng 1, 2011

Bên sông Hương, cảm tác (thơ)



Bên sông Hương, cảm tác

I.

Sông Hương
Nước chảy hiền hòa,
Mà sao vẫn cuốn cả nhà Nguyễn
trôi…

II.

Rót đầy ly rượu mời hoa
Hỏi nhan sắc cũ, lụa là xưa đâu

Tột cùng sao vội đắm sâu,
Lòng dân chẳng ở bền lâu với mình ?…

III.

Sẩy chân vỡ giấc son vàng,
Cười khan bên những lọng tàn hẩm hiu

Bần thần ngó mảnh sân rêu,
Nghe đâu ngày trước dập dìu công khanh

Dẫy đầy rượu thịt, yến oanh
Chỉ không thấy tấm lòng dân buổi nào

Phải chăng lúc ấy giặc vào,
Cân đai nhốn nháo, lũy hào ngửa nghiêng ?…

Bùi Thụy Đào Nguyên

Thứ Ba, 25 tháng 1, 2011

Đại thần Phạm Đăng Hưng và Lăng Hoàng Gia ở Gò Công


Phạm Đăng Hưng

Phạm Đăng Hưng (1765-1825), tự Hiệt Củ, là danh thần của nhà Nguyễn trong lịch sử Việt Nam.

Ông là người ở Giồng Sơn Quy (xưa thuộc huyện Tân Hòa, phủ Tân An, tỉnh Gia Định; nay thuộc ấp Lăng Hoàng Gia, xã Long Hưng, thị xã Gò Công, tỉnh Tiền Giang). Cha là ông Phạm Đăng Long và mẹ là bà Phạm Thị Tánh.

Năm Bính Thìn (1796), tại Gia Định, Nguyễn Đăng Hưng thi đỗ tam trường, chuẩn bị thi tứ trường thì bị bệnh nên phải trở về quê [1]. Nhưng vì ông nổi tiếng là người có văn tài và hiền đức nên được bổ làm "Lễ sinh nội phủ” thời chúa Nguyễn Phúc Ánh.
Sau ông được thăng làm Tham luận ở Vệ Phấn Võ, đem quân ra đánh nhau với quân Tây Sơn ở Phú Yên. Năm Kỷ Mùi (1799), Phạm Đăng Hưng làm Tham tri bộ Lại, nhưng thường theo quân đội làm Tham mưu.

Đến khi chúa Nguyễn Phúc Ánh lên ngôi lấy niên hiệu là Gia Long (1802), ông lần lượt trải chức: Tham tri bộ Lại kiêm Chưởng trưởng đà sự (trông coi đê điều, 1805), Thanh tra Trường thi Hương ở Kinh Bắc (1807), Thượng thư bộ Lễ (1813) kiêm quản Khâm thiên giám (1815).

Năm 1816, ông xin vua lập Xã thương (kho chứa lúa ở các xã) để chẩn cấp cho dân nghèo khi mất mùa, nhưng không được nghe.

Tháng 12 năm Kỷ Mão (1819), vua Gia Long lâm bệnh nặng. ông phụng thảo di chiếu, rồi cùng với Lê Văn Duyệt đồng lo việc tôn phò vua mới.

Năm 1821 đời vua Minh Mạng, sung ông làm Quốc sử quán Phó tổng tài. Cùng năm này, ông bị giáng xuống 2 cấp vì việc mạo tặng bằng sắc ở bộ Lễ. Sau lại được bổ làm Học sĩ Viện Hàn lâm, rồi thăng làm Tả tham tri bộ Lại, coi sóc luôn Viện Hàn lâm. Ít lâu sau nữa, ông lại được phục hồi chức cũ ở Quốc sử quán, kiêm Ấn vụ bộ Lại, sung Khâm tu ngọc phổ toản tu (tức coi việc biên soạn gia phả cho nhà vua).

Năm Giáp Thân (1824), ông được phục chức Thượng thư bộ Lễ. Tháng 4 năm Ất Dậu (1825), khi nhà vua đi tuần thú dinh Quảng Nam, ông được cử chức Chưởng quản Kinh thành Huế. Nhưng đến ngày 14 tháng 6 năm này thì ông mất vì bệnh tại Huế, thọ 60 tuổi.
Thương tiếc, vua Minh Mạng thăng Phạm Đăng Hưng hàm Vinh Lộc đại phu, Trụ quốc Hiệp biện đại học sĩ, thụy Trung Nhã.

Đến năm 1849 đời vua Tự Đức (vua gọi ông Hưng là ông ngoại), phong tặng ông là Đặc tấn Vinh lộc đại phu, Thái bảo, Cần chánh điện đại học sĩ, tước Đức Quốc công, được thờ ở miếu Trung hưng công thần và được dự tên trong miếu Hiền lương. Vợ ông được phong là Đức quốc nhất phẩm phu nhân, thụy Đoàn từ. Đồng thời, nhà vua cho dựng từ đường thờ vợ chồng ông ở Kim Long (nay thuộc thành phố Huế) và gia tặng cho các đời trước.

Tương truyền, Phạm Đăng Hưng còn được người đương thời gọi là ông Ba Bị vì "đi đâu ông cũng mang theo ba bị ngũ cốc để phân phát cho dân nghèo"
Ông có 4 người con, trong đó có cô Phạm Thị Hằng, tức Từ Dụ hoàng thái hậu (nhưng người đời quen gọi là Thái hậu Từ Dũ) và người con trai là Phạm Đăng Thuật được chọn làm Phò mã Đô úy, giữ chức Lang trung bộ Lễ.
Phạm Đăng Hưng cùng với Tôn Thất Địch nhận lệnh vua biên soạn lại: Ngọc phả (Gia phả nhà Nguyễn) và phác thảo bộ Đại Nam thực lục

Lăng Hoàng Gia
Đây là nơi yên nghỉ của những người quá cố thuộc dòng họ Phạm Đăng nổi tiếng ở Gò Công thuộc tỉnh Tiền Giang.

1. Vị trí, tên gọi:
Lăng Hoàng Gia được xây trên gò Sơn Quy (có hình con rùa nên dân gian gọi là Gò Rùa, sau được vua Tự Đức đổi thành Sơn Quy) thuộc ấp Lăng Hoàng Gia, xã Long Hưng, thị xã Gò Công, tỉnh Tiền Giang.
Khu lăng được xây dựng trong nhiều năm liền trên diện tích gần 3.000m2, nằm cách thị xã Gò Công khoảng 2km và cách thành phố Mỹ Tho khoảng 30km.
Dòng họ Phạm đã sống lâu đời và nổi tiếng ở đất Gò Công. Ông Phạm Đăng Khoa là người khai hoang lập nghiệp ở xứ này. Phạm Đăng Hưng là hậu duệ đời thứ tư. Vì là ông ngoại vua Tự Đức, cha của Hoàng thái Hậu Từ Dụ, tước Đức Quốc công, nên sau khi Phạm Đăng Hưng mất (1825), triều đình nhà Nguyễn cho xây dựng tại đây nhà thờ và lăng mộ dòng họ Phạm Đăng đúng theo kiến trúc dành cho lăng tẩm vua quan lúc bấy giờ, và được người đời gọi là Lăng Hoàng gia.

2. Nhà thờ dòng họ Phạm Đăng:
Qua cổng tam quan rêu phong là một ngôi nhà thờ (từ đường) bề thế, được cất theo kiến trúc cung đình, để thờ những người trong dòng tộc Phạm Đăng. Tương truyền, công trình do trưởng nam của Phạm Đăng Hưng là ông Phạm Đăng Tá cho xây dựng năm 1888 thời vua Thành Thái và trùng tu năm 1921 thời vua Khải Định. Hiện nay, ngôi nhà bao gồm một nhà thờ, nhà khách, nhà kho và công trình phụ. Mười trụ cột chính giữa, lớn nhất được thiết kế thành hai hàng song song như những đôi bàn tay khổng lồ vươn lên chống đỡ toàn bộ lăng. Những đường hoành, rui, mè đều được thiết kế sắc sảo, độc đáo, vững chắc bởi các loại gỗ nâu quý được vận chuyển từ Huế vào. Trong nhà thờ có một tấm bia gỗ sơn son thiếp vàng chép lại nội dung bia dựng bên mộ Phạm Đăng Hưng.

3. Mộ Phạm Đăng Hưng:


Đã có 13 người qua đời được xây lăng mộ tại đây trong khoảng thời gian từ năm 1811 đến đầu thế kỷ 20. Đặc biệt, trong đó có mộ của Phạm Đăng Hưng được xây dựng từ năm 1825, là một kiến trúc tâm điểm, độc đáo với diện tích hơn 800m², cách nhà thờ khoảng 500 m phía bên phải. Tương truyền, ông Hưng được chôn ở tư thế ngồi và trong quan ngoài quách [1].

Mộ được xây dựng với kiểu kiến trúc hình bát giác mang dáng dấp của một chiếc mũ triều phục. Bốn trụ thấp cách điệu giữa búp sen và chiếc nón cùng biểu tượng đôi cá vượt vũ môn được đặt phía trước. Sau bức hoành phi là bốn con rồng ngự trị trên cao giương cặp mắt sáng quắc (hiện tại chỉ còn 3 con, một con bên phải đã bị hư hỏng vì thời gian). Phía dưới là hình tượng ngũ lân (tượng trưng cho ngũ tước: công, hầu, bá, tử, nam; ngụ ý năm đời đều danh giá) khảm trai hình độc đáo (hiện con 3 con đã bị hư hỏng nặng phần đầu và chân).

Đặc biệt nơi đây có đến hai nhà bia ghi lại công trạng của Phạm Đăng Hưng, với lý do sau:
•Nhà Bia phía bên phải được làm bằng đá cẩm thạch trắng (đá Ngũ Hành Sơn ở Đà Nẵng) có khắc bia văn do Phan Thanh Giản soạn năm 1858. Nhưng khi di chuyển từ Huế vào đến Sài Gòn thì bị quân Pháp lấy làm mộ bia cho Đại úy Barbé vừa bị nghĩa quân Trương Định chém chết 1860. Năm 1999, tấm bia này đã được chuyển về đây. Tính ra tấm bia đá mang tên hai người chết một Pháp một Việt này đã luân lạc đúng 140 năm (1859-1999).
•Nhà bia phía bên trái dựng tấm bia bằng đá hoa cương (đá Ganis) do vua Thành Thái sai làm năm 1899, sau khi tấm bia đầu đã bị quân Pháp chiếm đoạt. Nội dung tấm bia này giống y tấm bia trước.
Khu mộ dòng họ
Trong khu lăng còn có hệ thống mộ dòng họ Phạm Đăng được chôn theo một trục dài, toàn bộ đều làm bằng hồ ô dước, bao bọc chung quanh bằng một lớp tường dày và cao 90 cm, các ngôi mộ tổ bố cục đơn giản theo hình vuông hoặc chử nhật.

*
Lăng Hoàng Gia còn được gọi là khu lăng mộ của “Thích lý” theo nghĩa là của “bà con nhà vua”. Nơi đây, đã được vua Bảo Đại cùng Hoàng hậu Nam Phương đến viếng năm 1942, và cựu hoàng Thành Thái cũng đã đến viếng sau khi về nước năm 1947.

Lăng Hoàng Gia được xây dựng bởi bàn tay khéo léo của các nghệ nhân địa phương cùng các nghệ nhân cung đình từ Huế được phái vào, nên lăng mang những nét đặc trưng và phong cách của kiến trúc cung đình Huế.

Sau khi phải ký kết Hòa ước Nhâm Tuất (3 tháng 6 năm 1862) với thực dân Pháp, vua Tự Đức đã sai Phan Thanh Giản sang Pháp xin chuộc đất, một phần cũng vì lo sợ khu lăng mộ họ Phạm và khu lăng mộ họ Hồ (xem trang Hồ Văn Bôi) ở Biên Hòa bị đối phương xâm hại. Đến khi Hòa ước Giáp Tuất (15 tháng 4 năm 1874) được ký giữa Pháp và Nam triều, việc bảo vệ khu hai đền mộ này được quy định tại điều khoản 5.
Ngày 2 tháng 12 năm 1992, Lăng Hoàng Gia được Bộ Văn hóa-Thông tin (nay là Bộ văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận di tích cấp Quốc gia.

Bùi Thụy Đào Nguyên, soạn.
Chú thích:
[1] Đây có thể chỉ là một kỳ thi nhằm tuyển chọn quan lại. Năm 1813, sau nhiều năm lên ngôi, vua Gia Long mới cho mở khoa thi Hương đầu tiên tại Trường thi Gia Định.
Sách tham khảo chính:
-Quốc sử quán triều Nguyễn, Quốc triều sử toát yếu (bản dịch). Nhà xuất bản Văn học, 2002.
-Huỳnh Minh, Gò Công xưa. Nhà xuất bản Thanh niên tái bản năm 2001.
-Nguyễn Q. Thắng - Nguyễn Bá Thế, Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam. Nhà xuất bản Khoa học xã hội, Hà Nội, 1992.
-Trịnh Vân Thanh, Thành ngữ điển tích danh nhân từ điển (Quyển 2). Nhà xuất bản Hồn thiêng, Sài Gòn, 1966.

Ảnh từ trên xuống:
Nhà thờ dòng họ Phạm Đăng.
Mộ Phạm Đăng Hưng và hai nhà bia ở hai bên.

Thứ Sáu, 21 tháng 1, 2011

Nguyễn Thị Lộ và vụ án Lệ Chi Viên


Nguyễn Thị Lộ và vụ án Lệ Chi Viên

Nguyễn Thị Lộ (? [1] - 1442), là vợ thứ của danh thần Nguyễn Trãi và là một nữ quan nhà Lê trong lịch sử Việt Nam. Tên tuổi bà từ lâu đã gắn liền với vụ thảm án Lệ Chi Viên xảy ra vào năm Nhâm Tuất (1442), dẫn đến cái chết của vợ chồng bà và cái án tru di tam tộc cho dòng họ.

I.Cuộc đời:
Nguyễn Thị Lộ sinh tại làng Hải Hồ (sau đổi là làng Hải Triều, tục gọi làng Hới), tổng Thanh Triều, huyện Ngự Thiên, phủ Tân Hưng (nay thuộc xã Tân Lễ, huyệnHưng Hà, tỉnh Thái Bình).

Cha bà là Nguyễn Mỗ, làm nghề thầy thuốc. Nhờ tư chất thông minh, lại được cha cho đi học, nên bà sớm thông hiểu các kinh sách và lại biết làm thơ. Ngoài ra, bà còn nổi tiếng là một người xinh đẹp.

Sau khi cha đi phu bị quân Minh giết chết, bà cùng mẹ tần tảo nuôi dạy các em. Trong một lần lên kinh thành Thăng Long bán chiếu (làng Hới có nghề dệt chiếu nổi tiếng), Nguyễn Thị Lộ đã gặp Nguyễn Trãi, rồi trở thành vợ thứ của vị quan này.
Sách Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú chép:
Ông (Nguyễn Trãi) lúc nhỏ đi đường gặp nàng ở Vũ Lăng, yêu về tài sắc mới lấy làm vợ (Tập 1, tr. 233).

Lời chép khá mơ hồ (rất có thể còn thiếu chuẩn xác nữa ở chỗ dùng từ "nhỏ", là vì nếu tuổi Nguyễn Thị Lộ là 16, thì chí ít Nguyễn Trãi cũng phải ngoài 30 tuổi) khiến về sau này đã nảy ra không ít những lời đồn đoán về thời điểm Nguyễn Trãi gặp gỡ Nguyễn Thị Lộ, rồi cưới bà về làm vợ thứ.
Theo tài liệu Đất và Người Thái Bình trên Cổng thông tin tỉnh Thái Bình, thì trong một lần lên kinh thành bán chiếu bà đã gặp Nguyễn Trãi, rồi trở thành người bạn đời của ông, rồi cùng vào Lam Sơn tụ nghĩa. Tại đây, bà làm thầy dạy con em các thủ lĩnh và là trợ thủ đắc lực cho chồng trong mọi công việc. Tuy nhiên, thông tin này không thấy chép trong sử cũ.

Năm 1433, vua Lê Thái Tổ mất, thái tử Nguyên Long lên nối ngôi, tức là Lê Thái Tông. Nghe tiếng Nguyễn Thị Lộ là người tài giỏi, nhà vua trẻ đã sai người mời bà vào cung, phong bà làm Lễ nghi học sĩ.

Sử thần Phan Huy Chú chép vụ việc này như sau:
Khi ông (Nguyễn Trãi) lo việc nước, những chiếu thư, từ mệnh (Nguyễn Thị Lộ) đều được dự nhuận sắc. Thái Tông nghe tiếng, vời nàng về hầu cho làm Lễ nghi học sĩ (Tập 1, tr. 234).

Ở cương vị mới này, bà đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được sử thần nhà Lê là Vũ Quỳnh khen là: Thị Lộ đã cảm hóa được Lê Thái Tông, thuyết phục vua chăm chỉ đèn sách, lại giúp vua nhiều ý kiến để sửa trị nước... (Việt giám thông khảo, phần Bản kỉ).

Năm 1440, Nguyễn Trãi cùng Nguyễn Thị Lộ về nghĩ ở Côn Sơn, sau khi xảy ra việc mâu thuẫn giữa ông và nhóm hoạn quan Lương Đăng.

Năm 1442, cả hai lại được nhà vua mời ra giúp việc nước. Năm 1441, trong Đại Việt sử ký toàn thư có chép việc liên quan đến bà như sau:
Mùa thu, tháng 3 năm Tân Dậu (1441)...Bắt giam hạng đàn bà ngỗ nghịch, đó là làm theo kế của Nguyễn Thị Lộ (Tập 2, tr. 354).

Nhưng chỉ một năm sau đó (1442), giữa lúc vợ chồng bà đang gánh vác việc nước thì tai họa bỗng đổ ập xuống.

Theo sử liệu thì Vua Lê Thái Tông vốn là người ham sắc, có nhiều vợ, chỉ trong 2 năm sinh liền 4 hoàng tử. Các bà vợ tranh chấp ngôi thái tử cho con mình nên trong triều xảy ra xung đột.
Vua truất Hoàng hậu Dương Thị Bí và ngôi thái tử của con bà là Lê Nghi Dân lên 2 tuổi, lập Nguyễn Thị Anh làm Hoàng hậu và cho con của bà này là Lê Bang Cơ chưa đầy 1 tuổi làm thái tử. Cùng lúc đó một bà vợ khác của vua là Ngô Thị Ngọc Dao lại sắp sinh, Nguyễn Thị Anh sợ đến lượt mẹ con mình bị phế nên tìm cách hại bà Ngọc Dao. Nguyễn Trãi cùng Nguyễn Thị Lộ tìm cách cứu bà Ngọc Dao đem nuôi giấu, sau bà sinh được hoàng tử Tư Thành (tức vua Lê Thánh Tông sau này).

Ngày 4 tháng 8 năm Nhâm Tuất (27 tháng 7 năm 1442), vua Lê Thái Tông đi tuần ở miền Đông, duyệt binh ở thành Chí Linh (Hải Dương). Nguyễn Trãi đón vua ngự ở chùa Côn Sơn, là nơi từng ở của mình.

Rời Côn Sơn để về lại Thăng Long, ngày 4 tháng 8 âm lịch nhà vua và đoàn tùy tùng đến trại vải (Lệ Chi Viên) ở Gia Bình thuộc Bắc Ninh. Theo sử cũ, thì nhà vua đã thức đêm với Nguyễn Thị Lộ rồi băng hà. Liền sau đó, Nguyễn Thị Lộ bị triều đình do Hoàng hậu Nguyễn Thị Anh cầm đầu sai người bắt giam và tra khảo.
Văn thần Phan Huy Chú chép: Kịp khi kết tội, lâm hình. Thị Lộ chạy gieo mình xuống nước (Tập 1, tr. 234). Nhưng theo Nguyễn Cẩm Xuyên, vì chịu không nổi cực hình, Nguyễn Thị Lộ phải khai nhận. Án được thi hành ngay: Nguyễn Thị Lộ bị bỏ vào cũi sắt dìm xuống sông cho chết.

Bị kết tội đồng chủ mưu giết vua, Nguyễn Trãi bị kết án tru di tam tộc. Ông và cả ba họ ông bị xử chém vào ngày 16 tháng 8 năm Nhâm Tuất (19 tháng 9 năm 1442).

II. Quan điểm của các sử gia xưa và nay:
Thời Hậu Lê, sử thần Ngô Sĩ Liên viết:
Ngày 16, giết hành khiển Nguyễn Trãi và vợ là Nguyễn Thị Lộ, bắt tội đến ba họ. Trước đây, Nguyễn Thị Lộ ra vào cung cấm, Thái Tông trông thấy rất ưa, liền cợt nhả với thị. Đến đây, vua đi tuần về miền Đông, đến chơi nhà Trãi rồi bị bạo bệnh mà mất, cho nên Trãi bị tội ấy. Lời bàn: Nữ sắc làm hại người ta quá lắm. Thị Lộ chỉ là một người đàn bà thôi, Thái Tông yêu nó làm thân phải chết, Nguyễn Trãi lấy nó mà cả họ bị diệt, không đề phòng mà được ư? (Đại Việt sử ký toàn thư, Tập 2, tr. 356).

Quốc sử quán triều Nguyễn chép:
Trước, vợ lẽ của Nguyễn Trãi là Nguyễn Thị Lộ, đẹp người, hay chữ, Vua nghe tiếng, mời đến, phong làm Lễ Nghi học sĩ, ngày đêm hầu cận, nhân đó mà cợt nhả với Nguyễn Thị Lộ. Đến đây, vua đi tuần du phía Đông, xa giá quya về đến Lệ Chi Viên thì Vua mắc chứng sốt rét. Thị Lộ vào hầu suốt đêm. Nhà vua mất. Lời phê: Đời Lê Thái Tông, vua thì buông tuồng, bầy tôi thì chuyên quyền. (Nguyễn) Trãi nếu là người hiền, thì nên sớm liệu rút lui, ẩn náu tung tích để cho danh tiếng được toàn vẹn. Thế mà lại đi đón rước ngự giá, thả lỏng cho người vợ làm việc hoang dâm, vô liêm sỉ. Vậy thì cái vạ tru di cũng là tự (Nguyễn) Trãi chuốc lấy. Như thế sao được gọi là người hiền? (Việt sử thông giám cương mục, Chính biên, quyển 17, tờ 23).

Phan Huy Chú, văn thần thời Nguyễn, cũng đã viết trong sách Lịch triều hiến chương loại chí của mình như sau:
Năm Nhâm Tuất (1442), ông (Nguyễn Trãi) 63 tuổi, vì có vợ tên là Nguyễn Thị Lộ vào hầu vua, dùng chất độc giết vua, triều đình kết án phải giết ba họ...Ông có văn chương mưu lược...làm công thần mở nước thứ nhất. Về già muốn an nhàn, không có ý tham luyến (địa vị), chỉ vì nghiệp báo của yêu nữ cuối cùng lụy đường công danh, bấy giờ ai cũng thương tiếc... (tr. 234)

Gần đây hơn, vẫn có người vẫn tin là giữa vua Lê Thái Tông và Nguyễn Thị Lộ có quan hệ ân ái, rồi nhà vua bị bỏ độc hay bị sốt rét nặng mà chết [2]...

Đề cập đến các đoạn sử trên, GS. Đinh Xuân Lâm viết:
Đối với Nguyễn Thị Lộ thì thái độ của người chép sử ra sao? Rõ ràng đây là một thái độ không khách quan, thiên vị, có dụng ý...[3]

Vì lẽ đó, nhiều cuộc khảo cứu và tọa đàm khoa học đã được tổ chức nhằm minh oan cho bà. Dựa vào những kết quả thu lượm được, một số nhà nghiên cứu, dưới sự chủ biên của nhà giáo Hoàng Ðạo Chúc, đã biên soạn thành cuốn Lễ nghi học sĩ Nguyễn Thị Lộ với thảm án Lệ Chi Viên (xuất bản năm 2004). Trong đó, một số nhà khoa học đã chỉ rõ, thủ mưu của vụ thảm án Lệ Chi Viên là Hoàng hậu Nguyễn Thị Anh, vốn rất căm oán Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ (hai người đã giúp bà phiNgô Thị Ngọc Dao thoát khỏi âm mưu sát hại của bà). Sâu xa hơn, đó còn là sự ghen ghét, đố kỵ của một số không nhỏ quan lại trong triều lúc bấy giờ trước tài năng và tính tình cương trực của Nguyễn Trãi.
Về phần Nguyễn Thị Lộ, các nhà khoa học cũng đã đề xuất rằng:
Cần có sự công khai chiêu tuyết (làm sáng tỏ nỗi oan) cho bà. Chế độ phong kiến cũ đã không làm được việc đó thì ngày nay chúng ta phải làm được việc đó thông qua việc nghiên cứu và biên soạn lịch sử dân tộc một cách trung thực và khoa học. Vì bà cũng là người tài hoa trong văn học, sắc sảo trong chính trị, chu đáo trong ứng xử và thủy chung trong tình nghĩa. Lớn lao hơn, bà còn là người đã dâng trọn cuộc đời phục vụ cho sự bền vững của vương triều Lê và sự phồn vinh của non sông Ðại Việt.[4]

III. Được dân làng lập miếu thờ:
Tháng 7 năm Giáp Thân (1464), Nguyễn Trãi được vua Lê Thánh Tông ban chiếu minh oan. Nhân cơ hội này, dân làng đã lập miếu thờ bà Nguyễn Thị Lộ, nay thuộc thôn Khuyến Lương thuộc phường Trần Phú, Quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội.
Ngôi đền nằm cạnh đê sông Hồng, và cách đền thờ Nguyễn Trãi chừng 500m. Trong đền hiện nay có một bức tượng và một tấm tranh vẽ bà. Hằng năm, vào ngày 16 tháng 8 âm lịch dân làng đều tổ chức lễ giỗ trọng thể. Ngoài ra, bà còn được thờ chung với Nguyễn Trãi ở xã Tân Lễ (huyện Đông Hà, tỉnh Thái Bình) và Lệ Chi Viên nơi xảy ra vụ án nổi tiếng.

IV. Giai thoại:
4.1 Bài thơ chiếu gon:
Tương truyền một hôm Nguyễn Trãi gặp một cô gái bán chiếu trẻ đẹp, và ông đã xướng mấy câu thơ ghẹo:
Ả ở nơi nào, bán chiếu gon?
Chẳng hay chiếu ấy hết hay còn?
Xuân xanh nay độ bao nhiêu tuổi?
Đã có chồng chưa, được mấy con?
Không ngờ cô này cũng làm thơ họa lại:
Thiếp ở Tây Hồ bán chiếu gon,
Cớ chi ông hỏi hết hay còn?
Xuân xanh vừa độ trăng tròn lẻ
Chồng còn chưa có, có chi con!
Nguyễn Trãi yêu sắc, phục tài bèn dò hỏi gia cảnh rồi cưới cô gái ấy (tức Nguyễn Thị Lộ) làm thiếp.
Trong sách Công Dư tiệp ký của Vũ Phương Đề (1679-?) có chép câu chuyện này. Tuy nhiên, đây chỉ là một câu chuyện tương truyền, không thể tra xét được.

4.2 Truyền thuyết rắn báo oán:
Một hôm, cha Nguyễn Trãi là Nguyễn Phi Khanh cho học trò phát cỏ trong vườn để làm chỗ dạy học. Đến đêm, ông nằm mơ thấy một người đàn bà dẫn bầy con dại tới xin thư thả ít hôm, vì bận con mọn nên chưa kịp dọn nhà. Đến khi học trò của ông phát cỏ, đập chết một bầy rắn con, lúc đó ông mới hiểu ra ý nghĩa giấc mơ...Đêm đó, lúc ông đọc sách thì có con rắn bò trên xà nhà nhỏ một giọt máu thấm vào chữ "tộc" ("họ") qua ba lớp giấy ứng với việc gia tộc ông sẽ bị hại đến ba họ. Ngày sau con rắn mẹ hóa ra bà Nguyễn Thị Lộ để làm hại ba đời nhà ông. Đến đời Nguyễn, trong Lịch triều hiến chương loại chí lại có thêm chi tiết: Con rắn thành tinh ngầm mang thù oán, mới đầu thai thành Thị Lộ. Nàng sinh ra dưới sườn có vảy...

Mặc dù câu chuyện được nhiều sách cũ chép đi chép lại, nhưng nhiều người tin rằng nó chỉ nhằm đổ tội cho Nguyễn Thị Lộ, giải thích nguyên nhân tiền định về cái chết của vua Lê Thái Tông và Nguyễn Trãi. Ngoài ra, nội dung truyện cũng chẳng có gì mới mẻ mà chỉ là mô phỏng từ các truyền thuyết xa xưa của Trung Quốc. Ngày nay, truyền thuyết này đã bị bác bỏ.

Bùi Thụy Đào Nguyên, soạn.
Chú thích:
[1]. Ghi theo Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam (tr. 644). Đức Hà ghi bà sinh năm 1400 (Nguyễn Thị Lộ và kỳ án Lệ Chi Viên). GS. Võ Thu Tịnh thì ghi bà sinh năm 1390 (Vụ án Lệ Chi Viên). Nhưng cả hai tác giả đều không cho biết đã căn cứ vào đâu. Tuy nhiên, con số 1400 đáng tin hơn, vì bà phải còn "khá trẻ" mới có cớ để đối phương dựng lên vụ án. Và nếu tin theo đây, thì Nguyễn Thị Lộ mất năm 42 tuổi (Nguyễn Trãi mất năm 62 tuổi. So lại, ông bà lệch nhau khoảng 20 tuổi).

[2]. Trúc Khê tác giả cuốn Nguyễn Trãi (Nxb Tân Dân, Hà Nội, 1940) viết: "Thị Lộ đã được gần vua khá lâu trước cuộc duyệt binh ở Chí Linh. Nàng được vời vào cung giữ việc dạy các cung nhân với chức Lễ nghi học sĩ. Rồi nhà vua đã say mê nàng. Nguyễn Trãi tuy biết việc này nhưng chỉ đành bấm bụng và Thị Lộ cũng không thể có thái độ nào khác là thụ động mối tình vương giả ấy. Nàng được lênh về Côn Sơn để cùng Nguyễn Trãi lo việc đón tiếp sau đó nàng theo giá hoàn cung với nhà vua cùng một lúc". Trong Việt Sử toàn thư, Phạm Văn Sơn cũng đã kể lại rằng: "Ngày 4 tháng 8, ngự đạo về đến huyện Gia Định (nay là Gia Bình, Bắc Ninh), gặp trời tối phải nghỉ lại ở Lệ Chi Viên là một trại trồng vải, xưa kia là chốn ly cung cả các triều Lý, Trần. Đêm hôm ấy, nhành hoa thược dược được thấm nhuần cơn thuỵ vũ, rồi rạng ngày mồng 5, Thị Lộ trong màn ngự nhảy ra kêu thất thanh. Vua Thái tông lạnh dần. Ngự y dùng đủ mọi phương để cứu chữa nhưng vô hiệu.

[3] Đinh Xuân Lâm, Nhân một vụ án, suy nghĩ về trách nhiệm người viết sử. Dẫn lại theo Nguyễn Cẩm Xuyên.
[4] Trích ý kiến của GS. Vũ Khuê và GS. Đinh Xuân Lâm (theo bài Lễ nghi Nguyễn Thị Lộ đăng trên báo Nhân Dân, bản điện tử).

Tài liệu tham khảo:
-Ngô Sĩ Liên, Đại Việt sử ký toàn thư (Tập 2). Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1985.
-Phan Huy Chú, Lịch triều hiến chương loại chí (Tập 1). Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, 1992.
-Niên biểu Nguyễn Trãi, in trong Thơ văn Nguyễn Trãi do nhiều người soạn. Nhà xuất bản Giáo dục, 1980.
-Nguyễn Q. Thắng-Nguyễn Bá Thế, Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam. Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1992.
-Nguyễn Khắc Thuần, Việt sử giai thoại (Tập 5). Nhà xuất bản Giáo dục, 1998.

Thứ Năm, 20 tháng 1, 2011

Thi sĩ Bùi Giáng


Bùi Giáng (1926-1998), là nhà thơ, dịch giả và là nhà nghiên cứu văn học của Việt Nam. Các bút danh khác của ông là: Trung niên thi sĩ, Thi sĩ đười ươi, Brigitte Giáng, Giáng Moroe, Bùi Bán Dùi, Bùi Bàn Dúi, Bùi Tồn Lưu, Bùi Tồn Lê, Bùi Bê Bối, Bùi Văn Chiêu Lỳ... Ông nổi tiếng từ năm 1962 với tập thơ Mưa nguồn.

Bùi Giáng sinh ngày 17 tháng 12 năm 1926 tại làng Thanh Châu thuộc xã Vĩnh Trinh, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam.

Cha ông là Bùi Thuyên, thuộc đời thứ 16 của dòng họ Bùi ở Quảng Nam. Do người vợ cả qua đời sớm nên ông lấy người vợ kế là bà Huỳnh Thị Kiền. Bùi Giáng là con thứ hai của Bùi Thuyên với Huỳnh Thị Kiền, nhưng là con thứ 5 nếu tính tất cả các anh em. Khi vào Sài Gòn, ông được gọi theo cách gọi miền Nam là Sáu Giáng.

Năm 1933, ông bắt đầu đi học tại trường làng Thanh Châu.

Năm 1936, ông học trường Bảo An (Điện Bàn) với thầy Lê Trí Viễn.

Năm 1939, ông ra Huế học tư tại Trường trung học Thuận Hóa. Trong số thầy dạy ông có Cao Xuân Huy, Hoài Thanh, Đào Duy Anh.

Tháng 3 năm 1945, Nhật đảo chính Pháp, nhưng sau đó ông cũng kịp đậu bằng Thành chung.

Năm 1949, ông tham gia kháng chiến chống Pháp, làm bộ đội Công binh.

Năm 1950, ông thi đỗ tú tài đặc biệt do Liên khu V tổ chức, được cử tới Hà Tĩnh để tiếp tục học. Từ Quảng Nam phải đi bộ theo đường núi hơn một tháng rưỡi, nhưng khi đến nơi, thì ông quyết định bỏ học để quay ngược trở về quê, để đi chăn bò trên vùng rừng núi Trung Phước.

Năm 1952, ông trở ra Huế thi tú tài 2 ban Văn chương. Thi đỗ, ông vào Sài Gòn ghi danh học Đại học Văn khoa. Tuy nhiên, theo T. Khuê thì “sau khi nhìn danh sách các giáo sư giảng dạy lại, ông quyết định chấm dứt việc học và bắt đầu viết khảo luận, sáng tác, dịch thuật và đi dạy học tại các trường tư thục”.

Năm 1965, nhà ông bị cháy làm mất nhiều bản thảo của ông.

Năm 1969, ông "bắt đầu điên rực rỡ" (chữ của Bùi Giáng). Sau đó, ông "lang thang du hành Lục tỉnh" (chữ của Bùi Giáng), trong đó có Long Xuyên, Châu Đốc...

Năm 1971, ông trở lại sống ở Sài Gòn.

Thi sĩ Bùi Giáng mất lúc 2 giờ chiều ngày 7 tháng 10 năm 1998, sau một cơn tai biến mạch máu tại bệnh viện Chợ Rẫy (Thành phố Hồ Chí Minh, tức Sài Gòn cũ) sau những năm tháng sống "điên rồ lừng lẫy chết đi sống lại vẻ vang" (chữ của Bùi Giáng).

Theo thống kê chưa đầy đủ, tác phẩm của Bùi Giáng có (tạm phân chia theo thể loại):

1. Tập thơ:
-Mưa nguồn (1962)
-Lá hoa cồn (1963)
-Màu hoa trên ngàn (1963)
-Ngàn thu rớt hột (1963)
-Bài ca quần đảo (1963)
-Sa mạc trường ca (1963)
-Mười hai con mắt (1964)
-Rong rêu (1972)
-Thơ vô tận vui (1987)
-Mùa màng tháng tư (1987)
-Mùi Hương Xuân Sắc (1987)
-Đêm ngắm trăng (1997)
-Thơ Bùi Giáng (Montréal, 1994)
-Thơ Bùi Giáng (California, 1994)…

2. Nhận định:
-Nhận xét về Bà Huyện Thanh Quan
-Nhận xét về Lục Vân Tiên
-Nhận xét về Chinh Phụ Ngâm và Quan Âm Thị Kính.
-Nhận xét về truyện Kiều và truyện Phan Trần.
Tất cả đều được xuất bản năm 1957.

3. Giảng luận:
-Giảng luận về Nguyễn Công Trứ
-Giảng luận về Cung oán ngâm khúc
-Giảng luận về Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu.
-Giảng luận về Phan Bội Châu
-Giảng luận về Chu Mạnh Trinh
-Giảng luận về Tôn Thọ Tường
-Giảng luận về Phan Văn Trị
Tất cả đều được xuất bản năm 1957-1959.

4. Triết học:
-Tư tưởng hiện đại (1962)
-Martin Heidgger và tư tưởng hiện đại I và II (1963)
-Sao gọi là không có triết học Heidgger? (1963)
-Dialoque (viết chung, 1965)

5. Tạp văn:
Các sách xuất bản năm 1969, có:.
-Đi vào cõi thơ
-Thi ca tư tưởng
-Sa mạc phát tiết
-Sương bình nguyên
-Trăng châu thổ
-Mùa xuân trong thi ca.
-Thúy Vân

Các sách xuất bản năm 1970, có:
-Biển Đông xe cát
-Mùa thu trong thi ca.

Các sách xuất bản năm 1971, có:
-Ngày tháng ngao du
-Đường đi trong rừng
-Lời cố quận
-Lễ hội tháng Ba
-Con đường ngã ba-Bước đi của tư tưởng…

6. Sách dịch:
Các sách xuất bản năm 1966, có:
-Trăng Tỳ hải
-Cõi người ta
-Khung cửa hẹp
-Hoa ngõ hạnh
-Othello
Các sách xuất bản năm 1967, có:
-Bạo chúa Caligula
-Ngộ nhận
-Kim kiếm điêu linh

Các sách xuất bản năm 1968, có:
-Con đường phản kháng
-Mùa hè sa mạc
-Kẻ vô luân

Các sách xuất bản năm 1969, có:
-Nhà sư vướng luỵ
-Ophélia Hamlet
-Hòa âm điền dã

Các sách xuất bản năm 1973 và 1974, có:
-Hoàng tử Bé (1973)
-Mùa xuân hương sắc (1974)...

Hiện nay, nhiều tác phẩm của ông đã và đang được tái bản và xuất bản trong và ngoài nước.

*
Trước và sau năm 1975, đã có nhiều bài viết về ông và sự nghiệp văn chương của ông. Ở đây chỉ trích giới thiệu thêm ý kiến của nhà nghiên cứu Thụy Khuê được in trong Từ điển văn học (bộ mới):

Bùi Giáng viết rất nhiều, nhưng những gì còn lại chính là thơ. Thơ ông, ngay từ thuở đầu đã rong chơi, lãng mạn, tinh nghịch, nhẹ nhàng, hóm hỉnh, luôn là những lời vấn đáp lẩn thẩn về ý nghĩa cuộc đời, về lẽ sinh tồn, về những chuyện phù du, dâu bể, ẩn khuất khía cạnh dục tình khép mở của Hồ Xuân Hương...Từ Nguyễn Du, ông tạo nên một môtip bạc mệnh hiện đại, có màu sắc siêu thực qua tính cách tạo hình, có chất hoang mang của con người bất khả tri về mình, về người khác trong cuộc sinh tồn hiện hữu...
Bùi Giáng đã tái dựng lục bát trong bối cảnh mới của thời đại hiện sinh. Nguồn thơ của ông phát tiết trong khoảng thời gian ngắn, chỉ hai năm 1962-1963 đã có tới 6 tập thơ…Chuyện hạ bút thành thơ của ông được xác định như là một hiện tượng độc đáo…Tuy nhiên bi kịch của Bùi Giáng là ông lập lại chính mình, ngay cả trong thơ, cho nên những hình ảnh đẹp, những tư tưởng tân kỳ, nhiều khi được dùng lại nhiều lần trở thành sáo và vô nghĩa...
Nhưng dù sao chăng nữa, ông cũng đã tạo được một mẫu ngông thời đại, sáng tạo một kiểu say sưa, chán đời của thế kỷ 20, khác với Nguyễn Khuyến trong thế kỷ 19 hoặc Tản Đà ở đầu thế kỷ 20
(tr. 162-163).

Tài liệu tham khảo:
-T Khuê, mục từ Bùi Giáng trong Từ điển văn học (bộ mới). Nhà xuất bản Thế giới, 2004.
-Nhiều người viết, Đặc tuyển Thi sĩ Bùi Giáng, tạp chí Thời văn số 19, 1997.

Trở binh hành, một thi phẩm hay của Nguyễn Du


Ảnh: Tượng đài Nguyễn Du
Trở binh hành (Bài hành về việc binh đao làm nghẽn đường) là một tác phẩm chữ Hán của Nguyễn Du (1766-1820), một nhà thơ lớn của dân tộc Việt Nam.

Trở binh hành được làm theo thể hành [1] dài 63 câu chữ Hán dài ngắn khác nhau, nằm trong tập Bắc hành tạp lục (Ghi chép linh tinh trong chuyến đi sang phương Bắc), do Nguyễn Du sáng tác trong khoảng thời gian ông dẫn đầu đoàn sứ bộ nhà Nguyễn sang kinh đô của nhà Thanh (Bắc Kinh, Trung Quốc) từ đầu năm Quý Dậu (1813) đến đầu năm Giáp Tuất (1814).

Căn cứ vào các câu:
Không biết đường trước mặt bao giờ yên
Sao được xe gió một ngày đi vạn dặm
Bay vù một mạch đến thiên kinh...

Thì bài hành này, tác giả làm khi chưa đi đến kinh đô của nhà Thanh.

Về nội dung, trọng tâm tác phẩm không nhấn mạnh ở "việc binh đao làm nghẽn đường" đi sứ của tác giả, mà ở chỗ qua đây ông muốn mô tả lại cảnh đói khổ vì thiên tai, vì giặc giã của dân nghèo ở Hồ Nam và Hà Nam. Để từ đó ông đề xướng rằng "gốc rễ của cảnh loạn lạc này là vì dân đói, chỉ cần cứu tế một chút thì dân tự yên" (Sảo gia tồn tuất đương tự bình).

Chính vì lẽ ấy mà Trở binh hành được đánh giá là một trong số bài thơ hay nhất trong Bắc hành tạp lục, thể hiện rõ nhất tấm lòng ưu ái của Nguyễn Du trước cuộc đời và trước vận mệnh của con người.

Trích tác phẩm
Xem nguyên tác chữ Hán và toàn văn bản dịch tiếng Việt trong Wikisource tại: http://vi.wikisource.org/wiki/Tr%E1%BB%9F_binh_h%C3%A0nh

Trích bản dịch nghĩa:

...Khách từ xa đến không hiểu chuyện gì
Chỉ nghe ngoài thành lui tới đều theo tiếng pháo lệnh
Cả miền Hà Nam đều chấn động
...Mấy trăm dặm chỗ nào cũng có binh lính
Đường sá bế tắc, không người đi
Người đưa tiễn xa than dài, người đưa tiễn gần im lặng
Tới lui đều trong tình trạng khó khăn
Hôm qua nước Hoàng Hà dâng cao
Năm ngày không có ăn, đậu thuyền trên bãi sông
Hôm nay ở Vệ Châu giặc cướp chận đường
Không biết đường trước mặt bao giờ yên
Sao được xe gió một ngày đi vạn dặm
Bay vù một mạch đến thiên kinh
Ta nghe dân trong vùng nhiều năm khổ đại hạn
Chỉ có cầy cấy mà không có thu hoạch Hồ Nam, Hà Nam đã lâu không mưa
Từ xuân tới thu ruộng bỏ không cày
Trai lớn gái nhỏ vẻ ốm đói
Tấm cám làm cơm, rau lê làm canh
Tận mắt thấy người đói chết trên đường
Hột táo trong bọc lăn bên mình
Nhà bỏ không, có chữ "tra" (xét) trên vách
Mấy trăm nhà đều trôi giạt vì đói
Dân mọn không kham nổi đã lạnh lại đói
Chỉ sao lo được no ấm mà coi nhẹ tấm thân
(Dân đói làm loạn chỉ như trẻ con) chơi đùa binh khí trong vũng ao, không đáng nói
Xét thương một chút là yên ngay
"Dân chết vì năm mất mùa, chẳng phải tại ta" (chỉ vua quan) [2]
Đừng dối lòng che mắt thánh minh...

Chú thích:
1.Thể hành là một thể thơ nhạc phủ trong cổ phong biến ra, như bài Cổ bách hành của Đỗ Phủ, hay bài Tràng Can hành của Lý Bạch" (theo Thơ văn Đoàn Nguyễn Tuấn. Viện nghiên cứu Hán Nôm, Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, 1982, tr. 60).

2.Nguyên văn là: Dân tử tại tuế bất tại ngã. Câu này lấy trong sách Mạnh Tử. Đây là câu nói của giới cầm quyền ngày trước, thấy dân đói khổ thì đổ tội cho trời làm mà không biết nhận lỗi về mình đã không mang lại hạnh phúc cho dân.

Sách tham khảo:
-Nguyễn Lộc, mục từ Nguyễn Du trong Từ điển văn học (bộ mới). Nhà xuất bản Thế giới, 2004.
-Lê Thước-Trương Chính (chủ biên), Thơ chữ Hán Nguyễn Du. Nhà xuất bản Văn học, 1978.

Trở binh hành, một thi phẩm hay của Nguyễn Du

Trở binh hành (Bài hành về việc binh đao làm nghẽn đường) là một tác phẩm chữ Hán của Nguyễn Du (1766-1820), một nhà thơ lớn của dân tộc Việt Nam.

Trở binh hành làm theo thể hành [1] dài 63 câu chữ Hán dài ngắn khác nhau, nằm trong tập Bắc hành tạp lục (Ghi chép linh tinh trong chuyến đi sang phương Bắc), do Nguyễn Du sáng tác trong khoảng thời gian ông dẫn đầu đoàn sứ bộ nhà Nguyễn sang kinh đô của nhà Thanh (Bắc Kinh, Trung Quốc) từ đầu năm Quý Dậu (1813) đến đầu năm Giáp Tuất (1814).

Căn cứ vào các câu:
Không biết đường trước mặt bao giờ yên
Sao được xe gió một ngày đi vạn dặm
Bay vù một mạch đến thiên kinh...
Thì bài hành này, tác giả làm khi chưa đi đến kinh đô của nhà Thanh.

Tuy nhiên, trọng tâm tác phẩm không nhấn mạnh ở chỗ bị nghẽn đường đi sứ của tác giả, mà qua đây ông muốn mô tả lại cảnh đói khổ vì thiên tai, vì giặc giã của dân nghèo ở Hồ Nam và Hà Nam. Để từ đó ông đề xướng rằng "gốc rễ của cảnh loạn lạc này là vì dân đói, chỉ cần cứu tế một chút thì dân tự yên" (Sảo gia tồn tuất đương tự bình).

Theo Từ điển văn học (bộ mới) thì đây là một trong số bài thơ hay nhất trong Bắc hành tạp lục, thể hiện rõ nhất tấm lòng ưu ái của Nguyễn Du trước cuộc đời và trước vận mệnh của con người.

Trích tác phẩm
Xem nguyên tác chữ Hán và toàn văn bản dịch tiếng Việt trong Wikisource.

...Khách từ xa đến không hiểu chuyện gì
Chỉ nghe ngoài thành lui tới đều theo tiếng pháo lệnh
Cả miền Hà Nam đều chấn động
...Mấy trăm dặm chỗ nào cũng có binh lính
Đường sá bế tắc, không người đi
Người đưa tiễn xa than dài, người đưa tiễn gần im lặng
Tới lui đều trong tình trạng khó khăn
Hôm qua nước Hoàng Hà dâng cao
Năm ngày không có ăn, đậu thuyền trên bãi sông
Hôm nay ở Vệ Châu giặc cướp chận đường
Không biết đường trước mặt bao giờ yên
Sao được xe gió một ngày đi vạn dặm
Bay vù một mạch đến thiên kinh
Ta nghe dân trong vùng nhiều năm khổ đại hạn
Chỉ có cầy cấy mà không có thu hoạch Hồ Nam, Hà Nam đã lâu không mưa
Từ xuân tới thu ruộng bỏ không cày
Trai lớn gái nhỏ vẻ ốm đói
Tấm cám làm cơm, rau lê làm canh
Tận mắt thấy người đói chết trên đường
Hột táo trong bọc lăn bên mình
Nhà bỏ không, có chữ "tra" (xét) trên vách
Mấy trăm nhà đều trôi giạt vì đói
Dân mọn không kham nổi đã lạnh lại đói
Chỉ sao lo được no ấm mà coi nhẹ tấm thân
(Dân đói làm loạn chỉ như trẻ con) chơi đùa binh khí trong vũng ao, không đáng nói
Xét thương một chút là yên ngay
"Dân chết vì năm mất mùa, chẳng phải tại ta" (chỉ vua quan) [3]
Đừng dối lòng che mắt thánh minh...

Chú thích:
1.Thể hành là một thể thơ nhạc phủ trong cổ phong biến ra, như bài Cổ bách hành của Đỗ Phủ, hay bài Tràng Can hành của Lý Bạch" (theo Thơ văn Đoàn Nguyễn Tuấn. Viện nghiên cứu Hán Nôm, Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, 1982, tr. 60).
2. Theo Nguyễn Lộc, Từ điển văn học (bộ mới), tr. 1123.
3.Nguyên văn là: Dân tử tại tuế bất tại ngã. Câu này lấy trong sách Mạnh Tử. Đây là câu nói của giới cầm quyền ngày trước, thấy dân đói khổ thì đổ tội cho trời làm mà không biết nhận lỗi về mình đã không mang lại hạnh phúc cho dân.

Sách tham khảo:
-Nguyễn Lộc, mục từ Nguyễn Du trong Từ điển văn học (bộ mới). Nhà xuất bản Thế giới, 2004.
-Lê Thước-Trương Chính (chủ biên), Thơ chữ Hán Nguyễn Du. Nhà xuất bản Văn học, 1978.

Thứ Ba, 11 tháng 1, 2011

Chí sĩ Nguyễn Háo Vĩnh (1893–1941)



Nguyễn Háo Vĩnh (1893–1941), hiệu: Hốt Tất Liệt (lấy tên con trai làm hiệu); là nhà báo, nhà văn và là một doanh nhân Việt Nam ở nửa đầu thế kỷ 20.
Ông là người có công trong việc chấn hưng ngành xuất bản sách ở Nam Kỳ, và là một trong những tác giả có công giới thiệu tác phẩm văn phương phương Tây với độc giả Việt Nam hồi đầu thế kỷ 20.

*
Nguyễn Háo Vĩnh sinh ngày 19 tháng 12 năm 1893 (Quý Tỵ) tại làng Bình Đức, tỉnh Long Xuyên (nay thuộc phường Bình Đức, thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang).
Cha ông là Nguyễn Háo Văn, là một thành viên đắc lực của phong trào Minh Tân, và là một trong số thành viên sáng lập Minh Tân khách sạn ở Mỹ Tho [1].

Thời trẻ, ông Vĩnh học trường Chasseloup-Laubat. (Trường Trung học phổ thông Lê Quý Đôn, Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay). Sau khi tốt nghiệp trung học, Nguyễn Háo Vĩnh cùng nhiều học sinh khác được hội Minh Tân cử sang học ở Nhật Bản vào năm 1905.
Trong bài Nguyễn Háo Vĩnh – chiến sĩ phong trào Đông du, tác giả là Phan Lương Minh viết:
Người đầu tiên được hội Minh Tân cử đi học là Nguyễn Háo Vĩnh – một thanh niên nhanh nhẹn, hoạt bát, lại có óc tiến bộ luôn tỏ ra bất khuất trước thực dân.

Tháng 9 năm 1908, theo hiệp ước Pháp-Nhật, nhà cầm quyền Nhật không cho các nhà cách mạng và lưu học sinh người Việt cư trú nữa; vì vậy, Nguyễn Háo Vĩnh được cha đưa sang Hương Cảng (Hồng Kông) học ở trường St. Joseph's College, Hong Kong.
Tốt nghiệp, ông sang Luân Đôn (Anh) để gặp Kỳ Ngoại hầu Cường Để, rồi trở về nước và được Trần Chánh Chiếu giao quyền điều hành xưởng hộp quẹt của Minh Tân công nghệ xã ở Mỹ Tho. Sau, ông còn mở hãng xà bông Con Rồng và làm dầu măng...

Năm 1916, Nguyễn Háo Vĩnh bị bắt tại Hương Cảng khi đang hoạt động cách mạng. Ông bị áp giải về Nam Kỳ, rồi bị toà án thực dân ở Sài Gòn kết án tử hình, nhưng được Tổng thống Pháp ân xá.

Ra tù, ông về sống với cha ở Cần Thơ. Vào khoảng năm 1922- 1923, nhờ Thanh tra chính trị sự vụ tại phủ Toàn quyền là Louis Marty đỡ đầu, Nguyễn Háo Vĩnh về Sài Gòn (cư ngụ ở Gò Vấp) làm báo, làm chủ Nhà in Xưa Nay [2] làm Chủ bút Hoàn cầu tân báo và Nam Kỳ kinh tế báo.
Với bút danh Hốt Tất Liệt, ông từng bút chiến với Phạm Quỳnh, cho rằng ông Quỳnh đã sử dụng chữ Hán quá nhiều trong văn chương Quốc ngữ, và đả kích Lê Hoằng Mưu vì viết “dâm thư” Hà Hương phong nguyệt [3] trên Nam Kỳ kinh tế báo.

Nguyễn Háo Vĩnh mất ngày 11 tháng 8 năm 1941 (Tân Tỵ) tại Gò Vấp (Gia Định). ông được liệm và chôn cất theo nghi thức của đạo Cao Đài Chiếu Minh Tam Thanh. Mộ phần hình lục giác có dạng cái tháp tại đàn Trước Tiết Tàng Thơ ở Thủ Thiêm, Thủ Đức (phường An Khánh, quận 2, Thành phố Hồ Chí Minh ngày nay).
Em ruột ông là Nguyễn Háo Đàng cũng là một nhân vật chống Pháp có tiếng ở Sài Gòn.

Các tác phẩm của Nguyễn Háo Vĩnh:
Trình bày tóm lược 4 vở kịch của W. Shakespeare (1926), gồm:
• Chú lái buôn thành Venice
• Thái tử Hamlet
• Roméo Juliet
• Vậy thì vậy (Asyon like)
Các thể loại khác:
• Chuyện vạn quốc (1924)
• Anh hùng hào kiệt của thành Roma ngày xưa (1928): Giới thiệu các chí sĩ cách mạng hồi thế kỷ 19 của nước Italia (Ý).
• Càn khôn Lý học sơ giải (Giải thích sơ lược lý học về trời đất)
• Đại Nam Quốc sử diễn ca: Phiên âm chú giải thiên sử ca của Phan Đình Toái, Lê Ngô Cát ra chữ Quốc ngữ.
• Cách vật trí tri I, II (1918): Đây là một cuốn khoa học thường thức phổ thông viết bằng chữ Quốc ngữ có lẽ sớm nhất trong loại sách giáo khoa trong nhà trường khi chữ Quốc ngữ dùng trong các trường tiểu học. Sách được giải thưởng của Hội Khuyến học Nam Kỳ năm 1922.

Theo lời ghi ở đầu sách, thì đây là một công trình khó nhọc và tâm huyết của ông. Lời ấy như sau: :Lời kính dưng cho dân Annam, cho trẻ con Annam những công trình khó nhọc của một người Annam. Và trong Lời nói đầu, tác giả cũng đã nhấn mạnh rằng:
Nói tắt một điều: từ khi mới biết đọc chữ Quốc ngữ cho tới khi tốt nghiệp tiểu học, trẻ con bất luận là trai hay gái, đều học được sự hữu ích luôn luôn. Này! Những người lão thành cũng sẽ thấy trong bộ sách này những điều có ích đáng coi.
Lòng ta quyết dạy bảo trẻ con và mở mang dân trí nên mới có bộ sách này ra. Ấy vậy, mấy thầy giáo, mấy cô giáo và những người có lòng thương con em An Nam cùng những người có chí mở mang dân trí hãy lấy lòng rộng rãi hiệp sức cùng ta mà rải bộ sách rất nên có ích này khắp mọi nơi có người Annam ta ở. Ấy là một cái công đức rất nên to tát đối với quốc dân.

Chú thích:
[1] Về sau, khi Trần Chánh Chiếu, người đứng đầu hội Minh Tân bị nhà cầm quyền thực dân Pháp cầm tù, thì ông Văn cũng bị họ cho bãi chức thư ký hạng nhất vào ngày 19 tháng 4 năm 1909 vì có liên can. Ba ngày sau, Tri phủ Nguyễn Công Luận ở Sa Đéc, Tri phủ Huỳnh Công Bền ở Cai Lậy, Tri huyện Phạm Văn Bảy ở chợ Mỹ Tho cũng đều bị sa thải vì tội danh này (Sơn Nam, Lịch sử khẩn hoang miền Nam, phần Cuộc tranh đấu của trí thức Cần Thơ, tr. 276- 277).
[2] Nhà in Xưa Nay ở nhà số 62-64 boulevard Bonard, sau đổi thành đại lộ Lê Lợi cho đến nay. Năm 1945, ông Hoàng Minh Chánh (tức Đỗ Ngọc Quang) đã dời máy móc vào chiến khu để in sách báo cho kháng chiến (Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam, tr. 530).
[3] Tiểu thuyết Hà Hương phong nguyệt của Lê Hoằng Mưu được in thành sách, nhưng bị Nguyễn Háo Vĩnh ở báo Nam Kỳ kinh tế công kích dữ dội, cho nên vừa in xong gần 10.000 bản, chưa kịp phát hành thì bị tịch thu và đốt sách. Theo báo Trung Bắc Chủ nhật số 53, ra ngày 23 tháng 3 năm 1941.

Bùi Thụy Đào Nguyên, giới thiệu.
Tài liệu tham khảo:
• Nguyễn Q. Thắng - Từ điển văn học (bộ mới). Nhà xuất bản Thế Giới, 2004.
• Nguyễn Q. Thắng và Nguyễn Bá Thế - Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam (mục từ Nguyễn Háo Vĩnh, tr. 530). Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, 1992.
• Sơn Nam - Lịch sử khẩn hoang miền Nam. Nhà xuất bản Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh, 1994.
• Phan Lương Minh - Nguyễn Háo Vĩnh, chiến sĩ phong trào Đông Du miền Nam (bản điện tử) [1].
Ảnh, từ trái sang: Trương Duy Toản và Nguyễn Háo Vĩnh.

Chủ Nhật, 9 tháng 1, 2011

Thương về Thường Thạnh



Những lúc lòng như ngõ hẹp
Tôi thường mơ đến quê xưa
Với những đồng mênh mông biếc,
Quít hồng trĩu ngọt đong đưa


Nơi đó - chuông chùa khoan nhặt
Lam chiều vương ngọn cau thưa
Như luyến mảnh đời bấn chật,
Không quen chuốt ngót, dối lừa.


Nơi đó - mẹ cha lầm lụi
Lưng cong cho trái sai mùa
Chị vẫn khua đều bước mỏi,
Mắt quầng lấm tấm dấu mưa.


Nơi đó - dù đang quy hoạch
Xẻ chia, đào lấp bộn bề.
Có nghĩa những gì cũ rách,
Tha hồ bồng chống nhau đi…

Thứ Năm, 6 tháng 1, 2011

Nhà văn tiên phong Nam Bộ Đặng Thúc Liêng (1867-1945)



Đặng Thúc Liêng (1867-1945), khi sinh ra có tên là Huân (hoặc Huẫn)[1], đến năm 18 tuổi lấy biệt hiệu là Trúc Am, từ năm 30 tuổi về sau mới lấy tên là Đặng Thúc Liêng, và lấy các bút hiệu là Mộng Liêm, Lục Hà Tẩu. Ông là thầy thuốc, là soạn giả và là nhà văn tiên phong ở Nam Bộ (Việt Nam).

Ông Liêng sinh năm Đinh Mão (1867) ở làng Tân Phú, quận Hốc Môn, tỉnh Gia Định (nay thuộc Thành phố Hồ Chí Minh).

Cha ông là Đặng Văn Duy, có công lao chống Pháp tại mặt trận Gia Định. Sau khi Đại đồn Chí Hòa thất thủ (tháng 2 năm 1961), ông ra làm Án sát tỉnh Bình Thuận, rồi mất tại đây, được đưa về an táng nơi quê nhà (Hốc Môn, Gia Định).

Thuở nhỏ, Đặng Phúc Liêng học chữ Hán, chữ Quốc ngữ và tự học chữ Pháp. Ngoài ra, ông còn theo học nghề Đông y.

Thời vua Đồng Khánh (ở ngôi: 1885-1889), triều đình lập Nha Thông Thương giao cho Phan Tôn phụ trách. Do tình thầy trò (trước đây Phan Tôn có dạy ông), nên ông được cử sang Hương Cảng (Hồng Kông) để mở trụ sở mậu dịch với Trung Quốc.

Từ năm 1887 đến năm 1888, công cuộc làm ăn của ông phát triển. Ở đây, ông đã có những cuộc bút đàm, thảo luận với các nhà cách mạng Trung Quốc như: Khang Hữu Vi, Lương Khải Siêu, Hồ Hán Dân...Chịu ảnh hưởng tư tưởng đổi mới của họ, Đặng Phúc Liêng đề nghị triều đình tuyển thanh niên xuất ngoại du học để sau này trở về canh tân nước nhà, nhưng không được triều đình nghe theo.

Bất đắc chí, Đặng Phúc Liêng xin từ quan rồi về Gia Định làm nghề Đông y tại tiệm Nam Thọ Xuân. Năm 1890, Đặng Phúc Liêng viết một loạt bài đề cao tư tưởng cấp tiến của Voltaire, Jean Jacques Rousseau, Abraham Lincoln..., rồi gửi đăng trên báo Nông Cổ mín đàm (Trong chén trà bàn chuyện nông thương) do Lương Khắc Ninh làm chủ bút.

Khoảng năm 1900, Đặng Thúc Liêng tham gia hoạt động với nhóm Trần Chánh Chiếu, cùng ra sức vận động cuộc duy tân tự cường để cho đất nước sớm thoát khỏi cảnh đói nghèo và ách thực dân.

Năm 1907, ông là thành viên tích cực của phong trào Minh Tân do Trần Chánh Chiếu đứng đầu. Theo nhà văn Sơn Nam, thì mục đích của đoàn thể này là:
Phát triển công thương nghiệp, mở mang trường học, sửa đổi phong tục là những vấn đề tương quan nhau để đạt mục đích sau cùng là đánh đổ ách thống trị của thực dân Pháp, thành lập chế độ quân chủ lập hiến, tôn Kỳ Ngoại hầu Cường Để làm vua [Sách ở mục tham khảo, tr. 178-179].

Vì vậy, khi nhà cầm quyền Pháp dò la được chủ ý trên liền ra lệnh bắt giam Trần Chánh Chiếu (tháng 10 năm 1908), thì Đặng Thúc Liêng và nhiều đồng chí khác cũng phải vào tù. Sau mấy tháng bị giam cầm, ông được tha nhờ sự can thiệp của hai công chức Pháp cấp tiến mà ông đã dạy chữ Hán cho họ trước đây.

Ra tù, Đặng Phúc Liêng về quê vợ (vợ ông là bà Nguyễn Thị Nhơn) là làng Tân Qui Đông, tỉnh Sa Đéc (nay là tỉnh Đồng Tháp). Sau đó, ông lập tiệm thuốc bắc Phước Hưng Đông ở làng Vĩnh Phước (nay là chợ Sa Đéc), và cất một rạp hát nhỏ cũng ở tại đây (khoảng 1910), tạo điều kiện cho nghệ thuật hát bội và ca ra bộ (cải lương thời sơ khai) phát triển. Vở tuồng ca ra bộ Gia Long tẩu quốc (trong đó có đoạn chúa Nguyễn Ánh, tức Gia Long, nhờ Bá Đa Lộc cầu viện Pháp) và Pháp Việt nhất gia (Pháp Việt một nhà) ) [3] đều được ông soạn trong khoảng thời gian này.

Năm 1911, Đặng Phúc Liêng giao tiệm thuốc và sản nghiệp ở Sa Đéc cho vợ, rồi ông Sài Gòn tiếp tục cộng tác với các báo: Nông Cổ mín đàm, Lục tỉnh tân văn, Công luận báo, Đông Pháp thời báo, Trung lập, Đại Việt tập chí...

Kể từ đây, ông thường đi rong chơi từ Nam chí Bắc, nổi tiếng là người hào hao phong nhã. Năm 1926, nhiều tỉnh ở Bắc Kỳ bị vỡ đê, lâm vào nạn đó. Ông liền thảo bài Quốc văn hồn (Hồn quốc văn) để kêu gọi cứu tế.

Năm 1931, ông ra tờ Việt Dân báo. Năm 1934, ông đứng ra lập Việt Nam Y Dược hội. Khoảng năm 1944, ông cùng với Lê Phát Vĩnh xuất bản tuần báo Đông phong.

Ngày 9 tháng 3 năm 1945, quân Nhật Bản làm cuộc đảo chính Pháp trên toàn cõi Đông Dương, nhưng không bao lâu thì bị quân Đồng minh đến giải giáp. Thấy tình hình có nhiều biến động, Đặng Phúc Liêng rời Sài Gòn về lại làng Tân Qui Đông (Sa Đéc).

Ngày 16 tháng 8 năm 1945, Đặng Phúc Liêng mất vì bệnh, hưởng thọ 78 tuổi.
Các tác phẩm văn thơ của Đặng Phúc Liêng đã xuất bản:
-Tâm quyển giải (Cởi tấm lòng).
-Tâm bổn mễ thương (Gốc của chữ tâm là ở thóc gạo).
-Quốc văn hồn (Hồn quốc văn).
-Nhân hoà Thiền hội (Người và Thiền gặp gỡ).
-Canh hoang biến pháp (biến pháp cài cấy khẩn hoang).
-Cao hoàng đế diễn ca (Diễn ca về Hoàng đế Gia Long).
-Trương Vĩnh Ký hành trạng (Hành trạng Trương Vĩnh Ký).
-Hán văn thi tập (Tập thơ chữ Hán).
-Việt âm thi tập (Tập thơ quốc âm).

Sách viết về nghề y, có:
-Trí y tiện dụng (Tiện dùng cho người hết mình với nghề y).
-hủng mạch tân biên (Biên soạn mới về mệnh mạch giống nòi).

Và hai vở tuồng ca ra bộ là:
-ia Long tẩu quốc (Gia Long bôn ba vì nước).
-háp Việt nhất gia (Pháp Việt một nhà).

Đặng Thúc Liêng là một nhà văn Nam Bộ. Hầu hết các tác phẩm của ông đều đặt nặng vấn đề quốc hồn và có tác dụng cổ võ tinh thần dân tộc Việt. Ông là một trong những người có công đầu trong giai đoạn chữ Quốc ngữ bắt đầu có địa vị trong sinh hoạt văn hoá ở miền Nam hồi cuối thế kỷ 19-đầu thế kỷ 20.

Giới thiệu bài thơ Tự trào dưới đây thể hiện cả tính và quan niệm sống của tác giả, tức Đặng Thúc Liêng:

Họ đồn Đặng Thúc Liêng chơi quá lố,
Có hay không? giả ngộ đó mà thôi!
Gẫm bao lâu sống sót trên đời,
Nhịn hóa dại, chơi đi, kẻo uổng!
Nhưng trách nhiệm chớ nên bỏ luống,
Đức tài rèn đem cống hiến nhân dân.
Làm sao cũng giữ tinh thần,
Có giải trí, ăn, mần mới giỏi...

Bùi Thụy Đào Nguyên soạn.
Chú thích:
[1] Nguyễn Q. Thắng chép là Huân. Website Đặng tộc chép là Huẫn.
[2] Chép theo trang Đặng tộc (địa chỉ ghi bên dưới), trong bài viết của Nguyễn Q. Thắng và trong bài viết trên website Đồng Tháp đều không có chi tiết này.
[3] Vở Pháp Việt nhất gia được nhà cầm quyền thực dân cho công diễn tại Nhà hát Tây Sài Gòn đêm 16 tháng 11 năm 1918 nhằm cổ động việc bán trái phiếu giúp Pháp đánh lại Đức. Nhà nghiên cứu Nguyễn Q. Thắng cho rằng qua hai vở này, cho thấy có một bước thỏa hiệp trong tư tưởng của ông (tr. 393).

Sách tham khảo:
-Sơn Nam, Miền Nam đầu thế kỷ 20-Thiên Địa hội và Cuộc Minh Tân. Nhà xuất bản Trẻ, 2004.
-Nguyễn Q. Thắng, mục từ Đặng Thúc Liêng trong Từ điển văn học (bộ mới). Nhà xuất bản Thế giới, 2004.
-Nguyễn Q. Thắng-Nguyễn Bá Thế, Từ điển nhân vật Việt Nam. Nhà xuất bản Khoa học xã hội, Hà Nội, 1992.

Thứ Tư, 5 tháng 1, 2011

Trần Chánh Chiếu và phong trào Minh Tân ở Nam Kỳ



I. Thân thế và sự nghiệp:
Trần Chánh Chiếu (1868-1919), còn gọi là Gibert Trần Chánh Chiếu (gọi tắt là Gibert Chiếu), hiệu: Quang Huy, biệt hiệu: Đông Sơ, các bút danh của ông là: Kỳ Lân Các, Nhựt Thăng, Thiên Trung, Mộng Trần.

Ông sinh trưởng trong một gia giàu có ở làng Vân Tập (sau đổi tên là Vĩnh Thanh Vân), tỉnh Rạch Giá (nay là tỉnh Kiên Giang). Cha ông là Trần Thọ Cửu, một hương chức trong làng.

Từ nhỏ, Trần Chánh Chiếu đã được lên Sài Gòn học ở Trường trung học D’Adran. Sau khi tốt nghiệp, ông được bổ về làm giáo học rồi làm thông ngôn cho Tham biện (chủ tỉnh) Rạch Giá.

Với vị thế của mình, ông tiến hành khẩn hoang ở vùng Tràm Chẹt thuộc huyện Giồng Riềng, tự thiết kế và xây cất phố xá ở chợ Rạch Giá và trở thành triệu phú lúc bấy giờ.

Khoảng thời gian này, ông được bổ hàm Đốc phủ và được nhập quốc tịch Pháp (kể từ đây ông có tên mới là Gibert Trần Chánh Chiếu, gọi tắt là Gibert Chiếu). Sau đó, ông xin thôi việc về làm xã trưởng xã Vĩnh Thanh Vân.

Năm 1900, Gibert Chiếu bán đi một phần gia sản, lên Sài Gòn làm báo và tham gia phong trào duy tân yêu nước.

Ở đây, ông kết thân với các nhân sĩ yêu nước, như Bùi Chí Nhuận, Nguyễn An Khương, Nguyễn Thần Hiến, Nguyễn Quang Diêu, Đặng Thúc Liêng, Lương Khắc Ninh, Trương Duy Toản...

Năm 1906, ông thay Lương Khắc Ninh làm chủ bút tờ Nông Cổ mín đàm (Trong chén trà bàn chuyện nông thương).

Nghe tiếng ông là người nhiệt tình yêu nước, Phan Bội Châu lúc bấy giờ đang ở Hương Cảng (Hồng Kông), liền mời sang gặp ông và sang Nhật Bản gặp Kỳ Ngoại hầu Cường Để [1].

Trở về nước, hưởng ứng lời kêu gọi của Phan Bội Châu, Trần Chánh Chiếu đã vận động nhiều thanh niên sang Nhật Bản học tập theo phong trào Đông Du và phổ biến các tác phẩm yêu nước của cụ Phan. Đồng thời, với vai trò chủ bút tờ tuần báo Lục tỉnh tân văn (lập năm 1907), Trần Chánh Chiếu công khai hô hào duy tân cứu nước, rồi cùng với bạn đồng chí hướng lập Nam Kỳ Minh Tân công nghệ xã và nhiều cơ sở kinh tài khác...

Những việc làm của ông được giới điền chủ và giới công chức hưởng ứng nhiệt liệt. Vì vậy, ông bị nhà cầm quyền cử người theo dõi, bị Trần Bá Thọ (làm chức phủ, em ruột Trần Bá Lộc) dòm ngó. Tháng 10 năm 1908 tại Sài Gòn, Trần Chánh Chiếu bị thực dân Pháp bắt giam vì tội có quan hệ với phong trào Đông Du và viết báo chống lại họ. Theo nhà văn Sơn Nam thì có đến 91 người bị bắt trong vụ này.

Tuy nhiên, tờ Lục tỉnh tân văn số 50 ra ngày 29 tháng 10 năm 1908 chỉ loan tin đại khái như thế này:
Chủ bút Lục tỉnh tân văn đã bị giam cầm vì tội đại ác. Vậy chủ nhơn kính tỏ cùng tôn bằng quí khách đặng rõ rằng bổn quán thiệt vô cùng không hay không biết những việc Chủ bút (Gibert Chiếu) phản bạn, giao thông với người ngoại quốc. Nhà nước cũng cho bổn quán biết nhà nước chẳng chút nào tin dạ trung nghĩa của Gibert Chiếu, cho nên đã có ra lịnh kiềm thúc thám sát (ông) quá đỗi nhặt nghiêm...

Sau, nhờ chí sĩ Phan Văn Trường ở Paris (Pháp) vận động và Chính phủ Nhật can thiệp, tháng 4 năm 1909, ông được thả. Sau đó, ông về Rạch Giá và Mỹ Tho bán hết ruộng đất, phố xá để trả nợ, rồi ở luôn Sài Gòn lập tiệm buôn lấy tiền lời bí mật giúp Phan Bội Châu và Cường Để hoạt động.

Năm 1917, ông lại bị tòa án quân sự Sài Gòn bắt giam một lần nữa vì cho ông là người ám trợ Phan Xích Long khởi nghĩa chống Pháp hồi tháng 2 năm 1916. Bị giam một thời gian ông mới được trả tự do. Ông mất năm 1919 tại Sài Gòn, an táng ở đất thánh họ đạo Tân Định (nay thuộc quấn, Thành phố Hồ Chí Minh).

Sau khi Gibert Ông Chiếu bị bắt, công cuộc Minh Tân mà ông là người đứng đầu tan rã dần.

Tác phẩm của ông có:
-Minh tân tiểu thuyết (Lời nói vặt về chủ thuyết Minh tân): Tập hợp các bài xã luận của ông viết cho tờ Lục tỉnh tân văn, nhằm kêu gọi đồng bào tham gia cuộc Minh Tân. In năm: ?
-Tiền căn hậu báo: Phỏng dịch tiểu thuyết Comte de Momte-Cristo của Alexanđrơ Đuyma, lúc đầu đăng trên Lục tỉnh tân văn (1907), sau được Nhà l’Union xuất bản ở Sài Gòn in năm 1914.
-Hương Cảng nhân vật (Nhân vật Hương Cảng) và Quảng Đông tỉnh thành phong cảnh (Phong cảnh tỉnh thành Quảng Đông): Gồm các bài ký kể lại cuộc du lịch của ông sang Hương Cảng và Quảng Đông, trước đăng trên Lục tỉnh tân văn (1908) sau in thành sách (1911).
-Văn ngôn tập giải (Recuel du langage fleuri): Là sách từ điển giải nghĩa các danh từ mới trong nhiều lĩnh vực sử, địa, khoa học, chính trị, tôn giáo. In năm 1915.
-Lâm Kim Liên: Truyện, do F.H.Schneider xuất bản, 1910.
-Hoàng Tố Oanh hàm oan: Truyện, nhà in Phát Toán xuất bản, 1910.
-Ba người ngự lâm pháo thủ: Dịch truyện Les trois mousquetaires của Alexandre Dumas đăng trên Lục tỉnh tân văn năm 1913.
-Gia Phổ: Dạy viết gia phả, in năm 1917.

Qua các tác phẩm truyện, Trần Chánh Chiếu được coi là nhà văn Quốc ngữ sớm thứ hai sau Nguyễn Trọng Quản.

II. Phong trào Minh Tân:
Phong trào Minh Tân (còn gọi là phong trào Duy Tân ở Nam Kỳ) do Hội Minh Tân (kể từ đây trở đi có khi gọi tắt là Hội) đề xướng và lãnh đạo, là một cuộc vận động duy tân nước Việt Nam theo gương người Trung Quốc và người Nhật Bản hồi đầu thế kỷ 20.
Phong trào khởi phát từ năm 1901 đến năm tháng 10 năm 1908 thì suy yếu dần vì người đứng đầu Hội là Trần Chánh Chiếu (1869-1919) bị bắt giam, các tổ chức kinh tế của Hội bị triệt phá vì nhà cầm quyền thực dân Pháp biết rằng phong trào này có mối quan hệ với phong trào Đông Du của chí sĩ Phan Bội Châu.
Theo GS. Trần Văn Giàu, thì:
Phong trào Minh Tân thật ra cũng là một phong trào chính trị tương đương với phong trào Đông Kinh nghĩa thục ở Bắc-Trung, và hai bên có mối quan hệ với nhau (tr. 264).
Mặc dù cũng là vậy, nhưng theo nhà văn Sơn Nam, thì “mãi cho đến nay dường như nó không được đặt đúng mức quan trọng” (tr. 173). Trong khi chờ đợi một công trình nghiên cứu khoa học và đầy đủ, ở đây xin được lược kể lại như sau:

3.1. Phát khởi:
Ngay từ năm 1901, tức trước khi có Duy Tân hội (1904) và phong trào Duy Tân (1906), báo Nông Cổ mín đàm (số đầu tiên) ở mục Thương cổ luận (Bàn luận về nghề buôn bán) đã có lời khẳng định rằng: Sự đại thương là đệ nhứt cách giúp cho dân phú quốc cường.

Kể từ đó theo nhà văn Sơn Nam, thì Lương Khắc Ninh (người Vĩnh Long, chủ bút tờ báo trên) đã lần lượt cho đăng nhiều bài chỉ dẫn cách trồng cây, cách chiết nhánh cây, cách thành lập thương cuộc; và cho đăng nhiều bản tin cho biết giá lúa gạo trên thị trường...Đặc biệt trong số báo ra ngày 22 tháng 9 năm 1904, ông Ninh còn đề xướng việc lập ra một hãng buôn (người Việt và người Pháp cùng hùn vốn) để thu mua lúa gạo tại Nam Kỳ, đồng thời bán lại những hàng hóa cần thiết. Ông lại còn đề ra kế hoạch cạnh tranh với người Hoa kiều đang có uy thế ở Chợ Lớn, bằng cách lập tạo vài trung tâm thương mại mới ở chợ cũ Mỹ Tho, hoặc ở vàm rạch Trà Ôn,...(Sơn Nam, sách đã dẫn, tr. 179)

Ghi nhận công lao tờ Nông Cổ mín đàm, GS. Trần Văn Giàu viết:
Nông Cổ mín đàm (Trong chén trà bàn chuyện nông thương) là một tờ báo chữ Quốc ngữ đáng để ý nhất lúc này. Báo sống từ 1901 đến 1924. Một thời, báo đăng nhiều bài tiến bộ, có ít nhiều ý thức về vai trò văn hóa và tư tưởng của một cơ quan ngôn luận. Chính nó đã đăng những bài đầu tiên ở Nam Kỳ, cũng là ở cả nước, về “duy tân”, “minh tân”... Ý thức tư sản bản xứ đã nổi bật lên trong loạt bài “Thương cổ thiệt luận” từ số 168 đến số 183... (sách đã dẫn, 263)

3.2 Chính thức hoạt động công khai:
Tuy nhiên, cuộc vận động Minh Tân thật sự trở thành phong trào kể từ khi Trần Chánh Chiếu thay Lương Khắc Ninh làm chủ bút tờ Nông Cổ mín đàm.

Sách Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam, chép:
Năm 1907, Trần Chánh Chiếu làm chủ bút báo Lục tỉnh tân văn, công khai hô hào quốc dân duy tân cứu nước (tr. 855).
Vậy có thể nói, Hội Minh Tân chính thức ra đời và công khai lãnh đạo phong trào do nó đề ra kể từ năm 1907, sau nhiều năm hoạt động bán công khai.

3.3. Tên gọi và mục đích:
Căn cứ theo quyển Minh tân tiểu thuyết (Lời vặt nói về chủ thuyết Minh tân) do Trần Chánh Chiếu biên soạn, thì tên Hội Minh Tân lấy theo chữ trong sách Đại học đó là "minh minh đức" (làm cho sáng đức sáng) và "tác tân dân" (đổi mới cho dân) [2].

Từ ý nghĩa này, Hội Minh Tân đã đề ra mục đích cụ thể cho phong trào là:
Phát triển công thương nghiệp, mở mang trường học, sửa đổi phong tục là những vấn đề tương quan nhau để đạt mục đích sau cùng là đánh đổ ách thống trị của thực dân Pháp, thành lập chế độ quân chủ lập hiến, tôn Kỳ Ngoại hầu Cường Để làm vua (Sơn Nam, sách đã dẫn, tr. 178-179)

Về tổ chức của Hội, hiện chưa có thông tin, tuy nhiên khi đề cập đến phong trào Minh Tân, sách Đại cương lịch sử Việt Nam (Tập 2, tr. 156) đã cho biết sơ lược như sau:
Nhìn chung, phong trào Duy Tân ở Nam Kỳ có những yêu cầu và hình thức tổ chức ở mức độ cao hơn so với Bắc Kỳ và Trung Kỳ. Chủ trương của Phan Bội Châu với danh nghĩa Cường Để có vai trò quan trọng trong việc tập hợp lực lượng này.

3.4 Phát động phong trào Minh Tân:
Chương trình hành động công khai của Hội Minh Tân bao gồm hai phần chính, đó là:
Lập những cơ sở kinh tài để vừa lấy tiền lời cho Hội, vừa là nơi tập hợp và dung chứa các đồng chí, phân phát các tài liệu cách mạng...Lược kê một số cơ sở lớn như sau:
-Nam Trung khách sạn ở số 4 đường Amiral Krantz, Sài Gòn: Khai trương ngày 15 tháng 11 năm 1907, tổng lý đầu tiên là Trần Chánh Chiếu.

-Minh Tân khách sạn ở Mỹ Tho: Do nhà văn Nguyễn Chánh Sắt giao lại cho Trần Chánh Chiếu. Ngày khai trương không rõ, chỉ biết ngày 6 tháng 8 năm 1908 thì ông Huỳnh Đình Điển chính thức làm quản lý thay cho ông Chiểu.

-Nam Kỳ Minh Tân Công Nghệ xã: Đây là một công ty cổ phần gần giống các công ty của Pháp lúc bấy giờ, trụ sở chính đặt ở Mỹ Tho, do Trần Chánh Chiếu làm Tổng lý. Ngày thành lập không rõ, chỉ biết kỳ thu tiền hùn vốn lần thứ nhất vào tháng 2 năm 1908. Sau đó, công ty lập được hãng Sà bông Con Vịt (Savon Canard ở gần cầu sắt Mỹ Tho, ngang rạp hát Tư Lài...

-Chiêu Nam lầu tại đường Kinh lấp (Boulevard Charner) gần chợ Sài Gòn, do Nguyễn An Khương thành lập.

Ngoài ra, còn rất nhiều hiệu buôn nhỏ khác do các thành viên khác trong Hội thành lập, như Tân Hóa thương hội ở Chợ Gạo (Tiền Giang), Hội tương trợ giáo viên ở Gò Công (Tiền Giang), Minh Tân thương cuộc ở Tầm Vu (Tân An, Long An), hiệu buôn Nam Hòa ở Bến Tre, Công ty Nam Chấn Thành ở Chợ Lớn, hiệu buôn Nam Hòa Lợi ở chợ Mỏ Cày (Bến Tre), hiệu buôn Nam Đồng Hưng ở chợ Rạch Giá, v.v...

Viết bài cổ súy phong trào Minh Tân trên tờ Lục tỉnh tân văn, đây được xem như là cơ quan ngôn luận chính thức của Hội.
Lục tỉnh tân văn là tờ tuần báo viết bằng chữ quốc ngữ do F.H. Schneider, một chủ nhà in người Pháp sáng lập, Trần Chánh Chiếu làm chủ bút. Số báo đầu tiên không đề ngày, số 2 đề ngày 21 tháng 11 năm 1907. Để khích lệ việc mua bán và phát triển công nghệ, trên tờ báo này đã đưa ra vài sáng kiến như ra đề thi, ai viết bài nói rõ về cách dùng các loại cây (như cây tre, cây dừa, cây chuối…), thì được thưởng nhiều kỳ báo. Và từ số 23, báo cho biết sẽ sẳn sàng giới thiệu các hiệu buôn… [3].

Ghi nhận công lao của Trần Chánh Chiếu và tờ Lục tỉnh tân văn, GS. Trần Văn Giàu viết:
Trong thời gian này, tờ Lục tỉnh tân văn lại là tờ báo đáng chú ý nhất, nhất là khi Trần Chánh Chiếu làm chủ bút. Ông Chiếu là người cầm đầu phong trào Minh Tân. Chính ông nói rằng lập báo ra để nhằm “biển cải Nam nhân”, khuyến khích “người An Nam lo việc thương mãi, học nghề nghiệp mà tranh đua quyền lợi với Chệt (Hoa kiều) với Chà (người Java). Ông Chiếu chẳng những kêu gọi mở cuộc Minh Tân, mà bản thân ông cũng lập hãng, kêu hùn, đồng thời ông cũng kêu gọi mọi người góp sức xây dựng nền quốc văn. Lục tỉnh tân văn, thời Trần Chánh Chiếu có hoạt động thật sự trên mặt văn chương và chính trị...(tr. 264)

3.5 Tan rã:
Lúc hoạt động cho phong trào, Trần Chánh Chiếu bị thực dân Pháp cử người theo dõi, bị Trần Bá Thọ (làm chức phủ, em ruột Trần Bá Lộc) dòm ngó. Tháng 10 năm 1908 tại Sài Gòn, Trần Chánh Chiếu bị thực dân Pháp bắt giam vì tội có quan hệ với phong trào Đông Du và viết báo chống lại họ. Theo nhà văn Sơn Nam thì có đến 91 người bị bắt trong vụ này.

Nhờ chí sĩ Phan Văn Trường ở Paris (Pháp) vận động và Chính phủ Nhật can thiệp, tháng 4 năm 1909, ông được thả. Sau đó, ông về Rạch Giá và Mỹ Tho bán hết ruộng đất, phố xá để trả nợ, rồi ở luôn Sài Gòn lập tiệm buôn lấy tiền lời bí mật giúp Phan Bội Châu và Cường Để hoạt động. Năm 1917, ông lại bị tòa án quân sự Sài Gòn bắt giam một lần nữa vì cho ông là người ám trợ Phan Xích Long khởi nghĩa chống Pháp hồi tháng 2 năm 1916. Bị giam một thời gian ông mới được trả tự do. Ông mất năm 1919 tại Sài Gòn.

Sau khi Ông Chiếu bị bắt, công cuộc Minh Tân tan rã dần. Một phong trào “tẩy chay Chi-noa” (tức China, ở đây chỉ người tư sản Hoa kiều) được phát động lần nhì vào khoảng năm 1917, nhưng chỉ gây được tiếng vang mà thôi. Sau đó, một số thành viên tiếp tục hoạt động bí mật, một số khác ở ẩn hoặc cầu an.

III. Trích một số nhận xét về ông và sự nghiệp của ông:
-GS. Trần Văn Giàu:
Trần Chánh Chiếu là người cầm đầu phong trào Minh Tân. Đây là một phong trào chính trị tương đương với phong trào Đông Kinh nghĩa thục, và có mối quan hệ với phong trào Đông Du của Phan Bội Châu.
Chính ông nói rằng lập báo (Lục tỉnh tân văn) ra là để nhằm “biển cải Nam nhân”, khuyến khích “người An Nam lo việc thương mãi, học nghề nghiệp mà tranh đua quyền lợi với Chệt (Hoa kiều) với Chà (người Java). Ông Chiếu chẳng những kêu gọi mở cuộc Minh Tân, mà bản thân ông cũng lập hãng, kêu hùn, đồng thời ông cũng kêu gọi mọi người góp sức xây dựng nền quốc văn. Lục tỉnh tân văn, thời Trần Chánh Chiếu có hoạt động thật sự trên mặt văn chương và chính trị... (tr. 264).

-Nhà văn Sơn Nam:
Chủ trương của Trần Chánh Chiếu thật rõ rệt là đánh đổ thực dân Pháp, thành lập chế độ quân chủ lập hiến, tôn Cường Để làm vua. Con trai thứ tư của ông là Jules Trần Chánh Tiết được đưa qua học ở Hương Cảng. Đó cũng là lý do để ông xuất ngoại thăm con, nhưng bên trong là liên lạc với các chiến sĩ cách mạng. Ông đã qua Nhật, được Nhật hoàng ban áo cho vợ chồng ông...Ngoài đức tính can đảm, ông còn là người thông minh, biết tận dụng thời thế. Ông khéo tổ chức Minh tân khách sạn tại Mỹ Tho để tập hợp người đồng chí hướng và chọn Sài Gòn làm nơi tranh đấu công khai. Việc nhập Pháp tịch chỉ là vì dân vì nước để tìm tư thế, để che mắt nhà cầm quyền…...(tr. 179).
Bàn về Phong trào Minh Tân, nhà văn đã đưa ra những nhận định bước đầu như sau:
Phong trào Minh Tân chưa lôi cuốn giới nông dân, mặc dù người lãnh đạo hiểu rằng nông dân là tầng lớp cơ cực nhứt. Giới điền chủ Nam Kỳ chưa lột xác để trở thành tư bản được...
Về báo chí, cuộc Minh Tân để lại thành tích đáng kể là bộ báo "Lục tỉnh tân văn" từ số 1 đến số 50. Đây là tờ báo đối lập, công khai tranh đấu chống thực dân Pháp với chủ đích rõ rệt gần như đầu tiên trong làng báo Việt Nam.
Về âm nhạc và kịch nghệ, thành tích lại càng sáng tỏ hơn: ông Hoàng Tuấn Trai, cộng sự viên của báo "Lục tỉnh tân văn" trở thành người soạn bài ca khá nổi danh, góp phần không nhỏ vào phong trào đờn ca tài tử, mở đầu cho lối ca ra bộ; các ông Đặng Thúc Liêng, Nguyễn Viên Kiều góp công trong việc dựng lên tuồng cải lương có thể nói là đầu tiên của miền Nam. Ông Trương Duy Toản doạn tuồng cho gánh hát thầy Nam Tú ở Mỹ Tho, ông Nguyễn Trọng Quyền cũng là soạn giả lừng danh một thời.
Ông Lê Văn Trung được "Lục tỉnh tân văn" số 27 giới thiệu là người của Minh Tân, về sau này là vị Quyền Giáo Tông của đạo Cao Đài, một tôn giáo mới tổng hợp Đông Tây thu hút nhiều đồng bào theo Minh Tân lúc trước, khiến thực dân lo ngại...(tr. 219)

-GS. Trịnh Vân Thanh:
Trần Chánh Chiếu vốn là một người yêu nước, có tinh thần hy sinh cao quý. Đã có lần ông qua tận Hương Cảng gặp nhà cách mạng Phan Bội Châu hội đàm về việc đại sự quốc gia. Chính ông đã đem bản hiệu triệu của cụ Phan về Việt Nam phổ biến trong dân chúng. Ông đã cùng với bạn đồng đồng chí hướng lập Minh Tân công nghệ xã, Minh Tân khách sạn...để dùng làm trụ sở liên lạc với các nhà ái quốc, tránh sự dòm ngó của mật thám Pháp. Để kiến tạo xứ sở và canh tân guồng máy cai trị, ông thường viết bài công kích chính sách cai trị lỗi thời của Pháp. Ông lại hô hào cổ võ việc khuếch trương kinh tế và dùng hàng nội hóa để chấn hưng nền kinh tế quốc gia. Ông cũng chủ trương một nền văn hóa tân tiến hợp với cao trào văn minh phương Tây...( tr. 1360)

-Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam:
Ngoài là một nhà chính trị, yêu nước, kinh tài, Trần Chánh Chiếu còn là một nhà văn, nhà báo sáng giá của miền Nam Việt Nam vào buổi đầu. Ông đã biết vận dụng ngòi bút của mình vào con đường duy tân cứu nước. Khi ông mất, một nhà nho yêu nước ở Hà Nội là Phan Hữu đã điếu ông bằng một bài thơ trong đó có câu: Quốc tịch mang danh dân Phú Lãng (Pháp) / Thâm tâm vẫn máu họ Hùng Vương (tr. 854-855).

-GS. Nguyễn Huệ Chi:
Truyện của Gibert Chiếu vẫn theo kết cấu chương hồi như nhiều tiểu thuyết miền Nam trong những năm đầu của thế kỷ 20. Nhưng tác giả đã chú ý đến cách xây dựng tình tiết để cốt truyện bớt dềnh dàng, kể lể, nhân vật và hành động xuất hiện hợp lý, tính cách nhân vật được miêu tả rõ ràng. Câu văn ông mộc mạc, không sa vào biền ngẫu như các nhà văn cùng thời với ông...(tr. 1778).

Chú thích:
[1] Ông Chiếu được giác ngộ là nhờ sự cảm hóa của người bạn chí thân là Bùi Chí Nhuận (tài liệu Pháp chép sai là Nhâm). Ông Nhuận là người ở Nhật Tảo (Tân An, Long An) và là cậu ruột của nhân sĩ Trương Gia Kỳ Sanh (ghi chú của Sơn Nam, sách đã dẫn, tr. 177).

[2] Trần Chánh Tiết gặp Phan Bội Châu vào thượng tuần tháng 8 năm 1907. Trong Phan Bội Châu niên biểu, cụ Phan kể rằng ông từ Yokmohama (Hoành Tân) mang sách vận động cách mạng đến Hương Cảng thì "gặp ông Hội đồng Mỹ Tho (chỉ ông Chiếu), ông Chánh tổng ở Cần Thơ, ông Hương chức ở Long Hồ đều đã chờ tôi hơn một tuần" (Phan Bội toàn tập, tập 6, NXB. Thuận Hóa, 1990, tr.144). Theo Nguyễn Huệ Chi, nhờ Bùi Chí Nhuận giới thiệu mà Gilbert Chiếu gặp được Phan Bội Châu (Từ điển văn học, bộ mới, tr. 1777). Theo nhóm Đinh Xuân Lâm, ông Chiếu gặp được cụ Phan là nhờ con. Vì lúc bấy giờ Trần Chánh Tiết (còn có tên là Jules Tiết, con ông Chiếu) đang trọ học ở Hương Cảng, mà cụ Phan thì thường đến đấy để tuyên truyền tư tưởng cách mạng. Biết cha Tiết là một người yêu nước, cụ Phan mới nhờ con mời cha sang Hương Cảng gặp ông và sang Nhật gặp Cường Để (Đại cương lịch sử Việt Nam, Tập 2, tr. 155). Tuy nhiên, theo Đoàn Lê Giang thì ông Chiếu đã "thông qua người con là Trần Chánh Tiết đang du học ở trường Cao đẳng Tiểu học do Giáo hội Thiên chúa giáo lập ra mà ông Chiếu được đọc thơ văn yêu nước của Phan Bội Châu, rồi ông sang Hương Cảng lấy cớ thăm con và du lịch, nhưng thực chất là để gặp Phan Bội Châu" (Các chiến sĩ Đông Du Nam Kỳ hoạt động ở Nhật Bản. Tham luận đọc tại Hội thảo quốc tế “Nhật Bản và tiểu vùng MeKong” do Trường Đại học Khoa học xã hội & Nhân văn TP. Hồ Chí Minh tổ chức ngày 20-30 tháng 10 năm 2010). Jules Tiết, theo GS. Trịnh Vân Thanh, cũng là một người hăng hái tham gia cách mạng, bôn ba nhiều năm nơi hải ngoại, hợp tác chặt chẽ với cụ Phan và Cường Để (Thành ngữ điển tích danh nhân từ điển, Quyển 2, tr. 1362).
[2] Nguyên câu là: "Ðại học chi đạo, tại minh minh đức. tác tân dân tại chí ư thiện". Dịch nghĩa: Mục đích của sự học rộng cốt là để làm sáng cái Đức sáng của mình, khiến cho người ta tự đổi mới, khiến cho người ta dừng ở chỗ chí thiện. Nhận xét

[3] Tháng 10 năm 1908, Trần Chánh Chiếu bị bắt, thì tờ báo bị rút giấy phép. Sau đó, báo được phép phát hành lại nhưng không còn giữ được màu sắc như lúc đầu. Tháng 10 năm 1921, Lục tỉnh tân văn hợp nhất với Nam trung nhật báo (nhưng vẫn giữ tên Lục tỉnh tân văn) do Nguyễn Văn Của làm giám đốc, Lê Hoàng Mưu làm chủ bút, chuyển thành báo ngày, đến tháng 12 năm 1944 thì đình bản. Xu hướng chính trị của Lục tỉnh tân văn ở giai đoạn hậu kỳ chủ yếu phục vụ chính sách của chủ nghĩa thực dân Pháp.

Bùi Thụy Đào Nguyên, soạn.
Sách tham khảo:
-Trần Văn Giàu, Lược sử Thành phố Hồ Chí Minh trong Địa chí Thành phố Hồ Chí Minh (Tập I). Nhà xuất bản Thành phố Hồ Chí Minh, 1987.
-Sơn Nam, Miền Nam đầu thế kỷ 20-Thiên Địa hội và Cuộc Minh Tân. Nhà xuất bản Trẻ, 2004.
-Nguyễn Huệ Chi, mục từ ''Trần Chánh Chiếu'' trong Từ điển văn học (bộ mới). Nhà xuất bản Thế giới, 2004.
-Đinh Xuân Lâm-Nguyễn Văn Khánh-Nguyễn Đình Lễ, Đại cương lịch sử Việt Nam (Tập 2). Nhà xuất bản Giáo dục, 2006.
-Trịnh Vân Thanh, Thành ngữ điển tích danh nhân từ điển (Quyển 2). Nhà xuất bản Hồn thiêng, Sài Gòn, 1967.
-Nguyễn Q. Thắng - Nguyễn Bá Thế, Từ điển nhân vật Việt Nam, mục từ Trần Chánh Chiếu. Nhà xuất bản Khoa học xã hội, 1992.