Hình ảnh

Hình ảnh

Thứ Năm, 2 tháng 7, 2009

Anh hùng Mai Xuân Thưởng

Mai Xuân Thưởng

Mai Xuân Thưởng, sinh năm Canh Thân (1860) tại thôn Phú Lạc, xã Bình Thành, huyện Tuy Viễn (nay là huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định). Cha ông là Mai Xuân Tín, từng làm Bố chính tỉnh Cao Bằng; mẹ là bà Hoàng Thị Nguyệt, con một vọng tộc trong làng.
Thuở nhỏ ông thông minh, ham học. Năm lên 6 tuổi, cha mất sớm, ông lớn lên dưới sự rèn bọc của mẹ và sự dạy dỗ tận tình của cụ tú Lê Duy Cung, cả văn lẫn võ; đến năm Đinh Sửu (1877), thì ông đỗ tú tài.

Tháng 7 năm 1885, đang khi nổ ra cuộc phản công của phe chủ chiến ở Kinh thành Huế, thì ở Bình Định cũng đang diễn ra kỳ thi Hương. Và khi được tin vua Hàm Nghi chạy ra Quảng Trị, xuống Dụ Cần vương; mấy nghìn sĩ tử đã bỏ thi, trở về quê tụ nghĩa. Ở lại thi tiếp, chỉ còn 8 người và tất cả đều trúng tuyển cử nhân, trong số đó có Mai Xuân Thưởng.

Giữa tháng 7 năm 1885, lực lượng tham gia phong trào Cần Vương ở Bình Định đã đánh chiếm tỉnh thành này, trừng trị viên quan thân Pháp là Tổng đốc Lê Thận, rồi kéo nhau đánh phá các làng theo đạo Thiên Chúa giáo.

Từ Bình Định, phong trào lan nhanh ra Quảng Ngãi, Phú Yên. Đến cuối năm 1887, nhiều căn cứ nghĩa quân đã được xây dựng, trong đó có căn cứ của Mai Xuân Thưởng ở Lộc Động, huyện Tuy Viễn (nay là huyện Tây Sơn). Cùng phối hợp với ông ứng nghĩa có Đào Doãn Địch, Bùi Điền, Nguyễn Đức Nhuận... và ông được cử làm Tán tương quân vụ. Đến khi Đào Doãn Địch ốm chết, ông được tôn làm Nguyên soái.

Tháng 9 năm 1885, Mai Xuân Thưởng làm lễ tế cờ tại Lộc Đổng, rồi xuất quân đánh Pháp. Theo giúp sức có các danh sĩ như: Tăng Bạt Hổ ở Hoài Ân, Nguyễn Trọng Trì ở An Nhơn, Nguyễn Hóa ở Bình Khê, Nguyễn Can ở Tuy Phước...cùng hàng ngàn sĩ phu và nhân dân các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Thuận. Nhiều trận đánh tại Cẩm Vân, Thủ Thiện, Hòn Kho (Tiên Thuận)...đã gây cho đối phương nhiều thiệt hại.

Đầu năm 1887, quân Pháp dưới sự chỉ huy của Trung tá Cherreu phối hợp với quân do Trần Bá Lộc mang từ Nam Kỳ ra, mở cuộc tấn công lớn nhằm tiêu diệt nghĩa quân. Tháng 3 năm 1887. sau trận ác chiến ở Bàu Sấu (An Nhơn), ông bị thương nặng, phải cho rút tàn quân vào Linh Ðỗng (núi Phú Phong) ẩn náu, tính kế kháng chiến lâu dài.
Theo vài tài liệu trước đây, thì vào tháng 4 năm Đinh Hợi (1887), Trần Bá Lộc kéo quân đến tàn sát dân chúng ở quê ông và còn bắt rồi tra tấn mẹ ông. Đau lòng, ông ra nạp mình để cứu mẹ và dân lành. Đối phương bắt giam ông rồi cho xử trảm ông cùng 11 đồng chí vào 6 tháng 6 tháng năm 1887.

Nhưng theo bài viết gần đây của TS. Đinh Bá Hòa, đăng trên báo Bình Định, thì Mai Xuân Thưởng bị bắt chứ không phải ra hàng. Ông viết:
"Gần đây, nhiều tư liệu liên quan đến cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân hai tỉnh Bình Định và Phú Yên được công bố; trong đó, có cả những tư liệu được khai thác từ kho lưu trữ của Pháp...Theo báo cáo gửi Thống đốc Nam Kỳ ngày 10 tháng 5 năm 1887, đã cho chúng ta biết khá tường tận về trường hợp bị bắt của Mai Xuân Thưởng như sau: "Lúc ấy, Mai Xuân Thưởng có năm mươi người đi theo ông, trong đó có toàn bộ gia đình của ông: mẹ, vợ và những người phụ tá, kể cả em của ông. Ngày 4 tháng 4, cả nhóm bị vây hãm trong một làng Chàm (có thể là Vân Canh), nhưng sau đó chạy thoát. Ngày 21 tháng 4 gia đình Mai Xuân Thưởng bị bắt, nhưng ngay đêm hôm sau ông Thưởng lại giải thoát được. Nhưng, đêm 31 tháng 4 rạng ngày 1 tháng 5, một trong những thủ hạ của Mai Xuân Thưởng bị bắt làm tù binh, đã chịu hàng và chỉ chỗ ở những người đang chạy trốn. Trần Bá Lộc và Bùi Giảng[1] đã bắt được Mai Xuân Thưởng ngày 4 tháng 5 khi ông đang trốn trong một cái hang núi Hòn Nhên ở làng Thang Ót, ở gần chỗ giáp giới Phú Yên và ngọn nguồn sông Côn. Ngày hôm sau, gia đình ông bị bắt. Sau ông, những thủ lãnh cuối cùng hầu như cũng bị bắt hết: Nguyễn Ngọc Loan bị bắt 14 tháng 5; Lê Khanh 20 tháng 5…" [2].

Sách Hỏi đáp lịch sử Việt Nam tập 4 cũng cho rằng, vào ngày 21 tháng 4 năm 1887, Trần Bá Lộc đã cho quân bao vây căn cứ Hầm Hô, Linh Đổng và cuối cùng, đã chiếm được căn cứ, bắt được một số nghĩa quân, trong đó có thân mẫu Mai Xuân Thưởng. Tuy nhiên, đêm 30 tháng 4 năm 1887, Mai Xuân Thưởng đã cử một đội quân cảm tử đột nhập doanh trại Trần Bá Lộc, giải vây cho những người bị bắt, trong đó, có bà mẹ Mai Xuân Thưởng. Sau khi giải vây, Mai Xuân Thưởng cùng đoàn thuộc hạ gồm 50 người vượt núi vào Phú Yên, tiếp tục kháng chiến, nhưng khi đến đèo Phủ Quý (ranh giới giữa Bình Định và Phú Yên) thì bị phục binh Trần Bá Lộc đón bắt hết. Sau đó, đối phương cho đem tất cả nhóm về Phú Phong, tổ chức ăn mừng chiến thắng và phao tin Mai Xuân Thưởng ra hàng để hạ uy tín của ông...[3]

Khi Trần Bá Lộc đến dụ hàng, Mai Xuân Thưởng khẳng khái nói: "Chỉ có đoạn đầu tướng quân, chứ không có hàng đầu tướng quân" [4]. Biết không thể khuất phục được, đối phương đã đưa ông cùng các thuộc hạ ra xử trảm tại Gò Chàm (phía đông thành Bình Định cũ). Thi hài ông sau đó được đưa về táng tại Cây Muồng (nơi cha ông đã yên nghỉ), thuộc thôn Phú Lạc.

Và theo báo cáo do Tirant thiết lập ngày 11 tháng 6 năm 1887 gửi Thống đốc Nam Kỳ (tư liệu số Aix11.929), viết: "Có ba đợt hành quyết: ngày 1 tháng 6 có 5 người, trong đó có Lê Khanh; ngày 7 tháng 6 có 12 người, trong đó có Mai Xuân Thưởng và Bùi Điền; ngày 12 tháng 6 có 9 người và ngày 13 tháng 6 có 1 người. Tổng cộng có 27 người bị hành quyết, trong đó có một vài người là thủ lĩnh lớn nhất của phong trào Bình Định - Phú Yên"; thì Mai Xuân Thưởng bị xử chém vào đợt thứ hai, ngày 7 tháng 6 năm 1887 (Đinh Hợi), chứ không phải ngày 6 tháng 6 như tài liệu lâu nay đã ghi.

Năm 1961, nhà thơ Quách Tấn đã đứng ra vận động xây dựng lăng mộ nhà Mai Xuân Thưởng và các lãnh tụ Cần Vương khác của quê hương Bình Định. Ngày 22 tháng 1 năm 1961, nhân dân Tây Sơn đã làm lễ đưa hài cốt ông từ Phú Lạc về lăng mộ trên một quả đồi cao thuộc thôn Hòa Sơn, xã Bình Hòa, ngay bên quốc lộ 19.
Trong khi chiến đấu, ông có làm một bài thơ thể hiện ý chí bất khuất của mình như sau:

Chết nào có sợ, chết như chơi,
Chết bởi vì dân, chết bởi thời.
Chết hiếu chi nài xương thịt nát,
Chết trung bao quản cổ đầu rơi.
Chết nhân tiếng để vang nghìn thủa,
Chết nghĩa danh thơm vọng mấy đời.
Thà chịu chết vinh hơn sống nhục
Chết nào có sợ, chết như chơi
.

Và trước lúc bị hành hình tại Gò Chàm (Bình Định), ông có để lại một bài thơ tuyệt bút:
Không tính làm chi việc mất còn,
Nợ trai lo trả ấy là khôn.
Gió đưa hồn nghĩa gươm ba thước,
Ðá tạc lòng trung quí mấy hòn.
Tái ngắt mặt gian xương tợ giá,
Ðỏ loè bia sách máu là son.
Rồi đây thoi ngọc đưa xuân tới,
Một nhánh mai già nảy rậm non...


Giai thoại
Năm 1885 tại trường thi Bình Định, sĩ tử vừa thi xong trường ba, thì nghe tin Kinh thành Huế thất thủ, nên phần đông đều bỏ về. Vào trường tư chỉ còn 8 người, mà Mai Xuân Thưởng là một. Khi ban áo mão, quan Chánh chủ khảo tặng tám ông Tân khoa một bài thơ luật, rằng:
Sơn Hà phong cảnh dị tiền niên
Hoành giám du khan thử địa huyền
Hận mãn xương môn trần ám ngoại
Lệ linh văn viện bút đình biên
Lịch truyền giáo dục ân như hải
Bát giải thinh danh thẩm thị tiên
Nhất dự y quan nan tự ủy,
Cương thường khán tử cổ anh hiền.
Tạm dịch:
Non sông rày đã khác xưa
Gương nêu tài tuấn còn nêu chốn nầy
Hận tràn, cung khuyết bụi bay
Tay cam dừng bút, lệ đầy viện văn
Bao triều tắm gội biển ân
Phẩm tiên tám giải thêm phần thanh cao
Cân đai trót đã dự vào
Cương thường noi dấu anh hào soi chung.


Truyền rằng trước khi khảo lại các quyển thi, quan chánh chủ khảo nằm mộng thấy một bà lão cầm tặng một nhánh mai trắng chỉ trổ một bông nhụy vàng cánh trắng, mùi hương nhẹ nhàng. Viên quan vừa đưa tay nâng thì hoa rụng vào nghiên son, và bà lão biến mất. Quan giật mình tỉnh dậy, bâng khuâng không hiểu điềm chi. Khi xét thấy trong tám ông cử nhân có một ông họ Mai, và xem lại quyển văn thì thấy văn chương có khí phách, thì đoán rằng điềm ứng vào Mai Xuân Thưởng, nên ban áo mão xong, quan mời riêng Xuân Thưởng vào dặn:
Lúc này nước nhà mất, một phần lớn do nơi đám sĩ phu. Cho nên làm việc gì cũng phải hết sức thận trọng.
Mai Xuân Thưởng lĩnh ý lui ra, trở về nhà khởi binh chống Pháp[4].

Bùi Thụy Đào Nguyên, soạn.

Chú thích
1. Bùi Giảng, trước theo Cần Vương, sau về hàng và còn xin được làm con nuôi Trần Bá Lộc (Phạm Văn Sơn, Việt sử tân biên, quyển 5, tập trung, Sài Gòn, 1963, tr. 190)
2. Lược theo TS. Đinh Bá Hòa, Tư liệu mới về cái chết Mai Xuân Thưởng: [http://mangbinhdinh.com/forums/p/676/1509.aspx]
3. Lược theo sách Hỏi đáp lịch sử Việt Nam tập 4 (Nhiều người soạn, Nxb Trẻ, 2007, tr. 287-288).
4. Theo Quách Tấn (Bước lãng du, Nxb Trẻ, 1996 tr. 358-359).